CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

NHỮNG ĐỨA TRẺ SỐNG, CHẾT TRONG BÀI HÁT CHIẾN TRANH… ĐI QUA TÔI - TRẦN HỮU NGƯ






 
NHỮNG ĐỨA TRẺ SỐNG, CHẾT
TRONG BÀI HÁT CHIẾN TRANH…ĐI QUA TÔI

Năm 1972, trên “Đại lộ kinh hoàng” (từ ngày do nhà báo Nghy Thanh đặt), báo chí đăng một bức hình em bé bú vú mẹ lúc người mẹ đã chết trên “Đại lộ kinh hoàng”! Bức hình đã làm xúc động nhân loại trên khắp thế giới. (Tôi có mua tờ báo này, giữ để làm tài liệu, nhưng tiếc rằng “tôi bỏ của chạy lấy người sau 1975” nên đã mất. Tôi còn mất một tấm hình “vô giá”, tấm ảnh Ngô Đình Diệm chụp với mấy chị Thanh Niên Cộng Hòa. Bây giờ nếu còn bức ảnh này, bán đấu giá cũng được… một tỷ! Sở dĩ tôi có tấm hình này là có một ngày, tôi bỗng dưng vào Dinh Độc lập… chơi, được một nhân vật quan trọng cho.
Bức ảnh “Em bé bú vú” do Trần Khắc Báo,Thiếu uý TQLC chụp (?) và đứa bé này đã được TQLC/VNCH đưa về nuôi dưỡng ở Cô Nhi viện.
Đứa bé bú vú mẹ ngày ấy, bây giờ là Trần Thị Ngọc Bích hiện làTrung tá TQLC Hoa Kỳ.
Cuối năm 1972, Ngọc Bích là đứa trẻ mồ cô được nuôi ở Cô nhi viện Quảng Trị (?) đã được Trung sĩ James Mitchell xin làm con nuôi đưa về Mỹ. Lúc bấy giờ, Ngọc Bích mới chỉ được 6 tháng tuổi.
Nghe nhạc viết về những đứa trẻ trong Chiến tranh, tôi kêu thầm: Dã man quá, khủng khiếp quá! Đâu có viên thuốc tiên nào chữa lành vết thương những đứa trẻ sinh ra trong Chiến tranh và Tòa án nào để xử tội những kẻ đã giết hại trẻ thơ vô tội?
Một ngày, tôi đến Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh ở Saigon. Xem xong, ra về tôi mất ngủ mấy đêm… vì những hình ảnh “Chứng tích chiến tranh của những trẻ thơ”.
***
Có hai loại nhạc viết về những đứa trẻ trong thời Chiến tranh:
-Nhi đồng ca
-Tuổi trẻ sống, chết… dữ dội, trong Chiến tranh.
Có thể nói “Nhi đồng ca” là những bài hát tuổi thơ của một thời êm đềm như một dòng sông, mặc dù thời gian này là Chiến tranh. Những bài hát tuổi thơ xanh mướt như cánh đồng mạ non, xinh tươi như những buổi bình minh chim hót, mát như ngọn gió thổi qua những buổi trưa hè, như một màu hồng tươi của ráng chiều được chấm phá bởi những cánh chim bay về tổ ấm.
Người chủ xướng “Nhi đồng ca” từ thời 1970 là nhạc sĩ Lê Thương, ông đứng đầu danh sách những nhạc sĩ viết về tuổi thơ của một thời Chiến tranh đạn réo bên tai, máy bay gầm trời, đại bác đêm đêm…, những đứa trẻ ngơ ngác lẫn hồn nhiên nhìn Chiến tranh như một trò chơi đá gà, đá dế!
Chiến tranh đã qua đi, những đứa trẻ ngày ấy trong đó có tôi, bây giờ cũng đã… già, nhưng làm sao quên được những bài hát mà nhạc sĩ đã cống hiến cho tuổi thơ với những lời ca vang vọng, trong sáng, với những âm thanh rực rỡ một thời của các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Võ Đức Thu, Phạm Duy, Hoàng Qúy, Lưu Hữu Phước, Lưu Quỳnh, Vân Thanh, Ngô Ganh, Phạm Trọng. Lê Cao Phan, Hùng Lân, Y Vân, Phùng Sửu, Lê Dinh, Minh Kỳ, Minh Lương Hồ Tấn Vinh, Bùi Tuấn Anh, Lương Phương, Viết Chung, Văn Lương…
Nhạc tuổi thơ thì nhiều, nhưng có một số bài hát “gối đầu giường” thật khó mà quên được như: Thằng Cuội, Tuổi thơ (Lê Thương), Trường làng tôi (Phạm Trọng) Em bé quê (Phạm Duy), Nắng tươi, Nước non Lam Sơn, Bóng cờ lau (Hoàng Qúy), Hè về (Hùng Lân), Rước đèn tháng tám (Vân Thanh), Tía em Má em (Văn Lương)…
Một vài bài hát tuổi thơ đi qua trong Chiến tranh nó vẫn nằm trên đầu môi chót lưỡi khi nói về tuổi thơ trong Chiến tranh của thế kỷ trước:
“… Lùa trâu nhốt chuồng, gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng!...”
(Em bé quê – Phạm Duy)
“… Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em là một người nông đân
Cùng sống trên đồng bao la…”.
(Tía em Má em – Văn Lương)
Đó là những bài hát lừng danh một thời, “Một thứ nhạc Thanh bình trong Chiến tranh”, như một bức tranh sông nước, ruộng đồng, rừng xanh, đồi núi, biển cả…, thuở ấy, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam đẹp đến vô ngần, đẹp đến xốn xang, đẹp đến chói lòa!
Nói làm sao cho hết những bài “Nhi đồng ca” đã đi qua trong Chiến tranh, trong sáng như tuổi thơ không nhuốm màu xanh, đỏ, vàng, tím, của thời cuộc, không bị người lớn xách tai, đét roi vào đít bắt tuổi thơ bắt phải như thế này, phải như thế khác, rồi sùng bái, suy tôn, thế này, thế khác…
Ở bài viết ngắn này, trong một buổi sáng nghe nhạc thường nhật “để tìm kỷ niệm”, tình cờ nghe nhạc phẩm “Chuyện một đêm”, rồi thôi thúc tôi tìm nghe thêm bài hát “Nó”, hai nhạc phẩm này đều của nhạc sĩ Anh Bằng.
Vậy thì, “Nó” là ai?
Trong giọng ca Phương Dung mà người nghe nhạc gọi chị là “Nhạn trắng Gò Công” vỗ đôi cánh lướt êm tưởng chừng thấy được “Nó”, một thằng bé còn sống hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ, anh chị em…, nhưng nó “sống như đã chết”:
“… Đêm đêm nó ngủ
Một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng Tư con Tám hôm qua
Trên phố lê la…”
Và “Chuyện một đêm”.
Nhạc sĩ Anh Bằng viết “Chuyện một đêm”, nhưng theo tôi đây là “Chuyện 1.001 chuyện một đêm” trong Chiến tranh của những bà mẹ sống thời chiến, đó là những đứa con đã chết ở trần gian, nhưng “bất-tử” với thời gian. Giọng ca Hoàng Oanh như thanh kiếm mài tóe lửa, sắc bén trên phiến đá, nghe như nghiến răng mang nỗi hờn căm:
“… Bà mẹ đau thương như muối đổ, đổ trong lòng
Chạy giặc ôm con qua những cảnh, cảnh lầm than
Và người con yêu đã chết trên tay lúc nào
Xót xa vạt áo trắng hôm nay hoen máu đào…
Bà đặt con lên đám cỏ phủ sương mờ
Tội gì con ơi khi lứa tuổi, tuổi còn thơ
Bà mẹ đưa môi hôn trán con yêu giá lạnh
Vuốt ve lần cuối trước khi xa con suốt đời…”.
Và bà đã hỏi một giọng… “từ bi”:
“… Ai, ai đã cướp con tôi?
Ai đã giết con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình?...”
Trẻ thơ, Chiến tranh, đói nghèo, sống chết… Và tôi lần nghe tiếp Khánh Ly, một giọng ca như khói thuốc phiện bay qua:
“… Chiều lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Bên khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con…”
(Hát trên những xác người – Trịnh Công Sơn).




Một ngày như mọi ngày, tôi đi tìm nhạc… tôi bắt gặp “Những đứa trẻ sống, chết trong bài hát Chiến tranh”, tôi nghe lại như nghe trong cơn mộng mị, như trong những giấc mơ bay qua mù mịt trong cuộc đời:
“… Mẹ vỗ tay reo mừng Chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô Hòa bình
Người vỗ tay cho thêm hận thù
Người vỗ tay xa dần ăn năn…”
(Hát trên những xác người - Trịnh Công Sơn)
Chị vỗ tay Hoan-hô-Hòa-bình, còn tôi lận đận mang một nỗi buồn vô cớ, mang những vết thương lòng, những dằn vặt sau Hòa bình, hai tay bỗng dưng cứng đơ, nên không giơ lên được nỗi, để vỗ tay từ ngày đầu Chiến tranh vừa chấm dứt!


TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: