CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : THẤT ,THỆ,THIỀM, THIÊN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 

 

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 107 : 

                             THẤT, THỆ, THIỀM, THIÊN.


                                      Giữa giường THẤT BẢO ngồi trên một bà                    

     

     THẤT BẢO 七寶 là Bảy thứ báu vật, theo các kinh nhà Phật ghi lại như sau : 

       * Theo《Phật Thuyết A Di Đà Kinh 佛說阿彌陀經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, San hô, Vàng, Bạc, Lưu ly, Chuổi đỏ.

       * Theo《Vô Lượng Thọ Kinh 無量寿經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, Vàng, Bạc, Lưu ly, San hô, Pha lê. 

       * Theo《Pháp Hoa Kinh 法華經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, Vàng, Bạc, Lưu ly, Trân châu, Mai Côi. 


      GIƯỜNG THẤT BẢO là giường có khảm bảy loại qúy giá nói trên của các nhà giàu quý tộc ngày xưa. Trong Truyện Kiều, khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều về giao cho Hoạn Bà, lúc đã tỉnh thuốc mê, Thúy Kiều nhìn lên thì thấy :


                      Ban ngày sáp thắp hai bên,

                 Giữa giường THẤT BẢO ngồi trên một bà.


      Khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh rồi thì :


                      Buồng riêng lựa chốn thanh nhàn,

                   Đặt giường THẤT BẢO vây màn Bát Tiên.

                      Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

                  Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cởi rồng.


                 

                        Đặt giường THẤT BẢO vây màn Bát Tiên.


      THẤT TỊCH 七夕 : Đêm mùng bảy tháng bảy Âm lịch. Đêm mà theo truyền thuyết thần thoại Trung Hoa thì Ngưu Lang và Chức Nữ gặp mặt nhau sau một năm xa cách. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :


                         Chữ đồng lấy đó làm ghi,

                 Mượn điều THẤT TỊCH mà thề bách niên.


      THẤT TÌNH 七情 : là bảy thứ tình cảm được phân chia theo Trung Hoa quan niệm xưa như sau :

      * Theo Nho Giáo thì Thất tình là : Hỉ(mừng), Nộ(giận), Ái(thương), Ố(ghét), Ai(buồn), Cụ(sợ), Dục(muốn).

      * Theo Phật Giáo thì Thất tình là : Hỉ(mừng), Nộ(giận), Ưu(lo), Cụ(sợ), Ái(thương), Tăng(ghét), Dục(muốn).

      * Theo Trung y thì Thất tình là : Hỉ(Mừng), Nộ(giận), Ưu(lo), Tư(nhớ), Bi(buồn), Khủng(sợ), Kinh(giật mình).


      Cũng trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả nàng cung phi thất sủng :


                     Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,

                     Mối THẤT TÌNH quyết dứt cho xong.


       THẤT XUẤT 七出 : là Bảy lý do để cho người chồng cò thể thôi vợ. Theo sách 《Đại Đới Lễ Ký 大戴禮記》đời Tây Chu quy định về THẤT XUẤT và TAM BẤT KHỨ 三不去(Ba điều không thể đuổi vợ đi) như sau đây :

 

      * THẤT XUẤT gồm có : Không hiếu thuận với cha mẹ chồng; Không có con nối dõi; Tà dâm (ngoại tình); Đố kỵ ghen ghét; Nhiều chuyện thị phi; Trộm cắp; Có bệnh nan y.

      * TAM BẤT KHỨ gồm có : Người vợ không có nơi nương tựa (cha mẹ anh em chết hoăc ly tán); Đang trong thời gian chịu tang ba năm với cha mẹ chồng; Cưới vợ khi còn nghèo, bây giờ giàu có rồi thì không thể thôi vợ được. Ngoại trừ Có bệnh nan y và tà dâm.


     Theo bộ luật đời Hồng Đức của nhà Lê, nếu người vợ phạm vào một trong 7 điều nêu trên thì luật pháp bắt buộc người chồng phải bỏ vợ. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cũng có câu :


                         Tam tòng trước nàng đã lỗi,

                         THẤT XUẤT rày anh mới phân.


                 

                                  Đại Đới Lễ Ký 大戴禮記 


      THỆ SƯ 誓師 là Lời thề trước quân binh. Theo sách《Hoài Nam Tử .Yếu Lược 淮南子·要略》: Vua Võ làm lễ Thệ Sư ở Mục Dã để thay trời thảo phạt Trụ vương vô đạo. Sau nầy trước khi xuất quân thì chủ soái luôn tập họp binh sĩ lại để làm lễ Thệ Sư, nói rõ mục đích xuất quân và thề quyết chiến thắng.

      Trong Truyện Kiều, Từ Hải trước khi xuất quân đi bắt những người đã hãm hại Thúy Kiều cũng đã :


                                   THỆ SƯ kể hết mọi lời, 

                       Lòng lòng cũng giận, người người chấp uy ! 


      Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Nguyễn Văn Giai (Ba Giai) ca ngợi sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu có câu :


                           Tiên nghiêm sai đóng trên thành,

                        THỆ SƯ rót chén rượu quỳnh đầy vơi.


     THỆ HẢI MINH SƠN đúng ra là HẢI THỆ SƠN MINH 海誓山盟. Ta hay nói thành "Thề Non Hẹn Biển". Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ trai gái thề nguyền yêu nhau cao như non, rộng như biển và mãi mãi trường tồn như non như biển vậy !

     Trước khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều cũng đã cân nhắc giữa "Duyên hội ngộ" và "Đức cù lao", "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn ?" xong rồi mới quyết định :


                            Để lời THỆ HẢI MINH SƠN,

                    Làm con trước phải đền ơn sinh thành !


                   

                                HẢI THỆ SƠN MINH 海誓山盟


      THIỀM CUNG 蟾宮 là nói gọn của THIỀM THỪ CUNG 蟾蜍宮 là Cung của con cóc ghẻ. Theo truyền thuyết dân gian Trung Hoa và sách "Hoài Nam Tử" đời Tây Hán 西漢「淮南子」có ghi lại truyện: Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu. Hằng Nga lén uống trộm thuốc, rồi bay lên cung trăng ở trong cung Quảng Hàn, bị phạt biến thành con Thiềm Thừ xấu xí, gọi là Nguyệt Tinh. Nên...

      Cung Quảng, Cung Thiềm hay THIỀM CUNG trong văn học cổ đều dùng để chỉ mặt trăng, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử" có câu :


                           THIỀM CUNG bóng đã tà tà,

                       Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.


       Ta còn có thành ngữ THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宮折桂 là "Bẻ cành quế trong cung trăng" để chỉ những người thi đậu hoặc gặt hái được danh dự to lớn. Theo Tấn Thư Khích Sân Truyện《晉書·郄詵傳》: 

       Năm Thái Thủy đời Tấn Võ Đế, Lại bộ Thượng Thư Thôi Hồng tiến cử Khích Sân làm Tả Thứa Tướng. Vua bảo Khích Sân tự đánh giá mình. Khích Sân đáp :" Thần như là cành quế trong cung trăng, phiến ngọc qúy ở núi Côn Lôn vậy". Vì tích nầy mà từ đời Đường về sau thành ngữ nầy dùng để chỉ những người đắc ý trong khoa trường. Đậu Tiến sĩ, Trạng Nguyên... đều gọi là THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ là Bẻ cành quế trong cung trăng, gọi tắt là BẺ QUẾ, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) có câu :

 

                             Những mong BẺ QUẾ nên danh,

                        Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân.


       Vì là "Bẻ cành quế trong cung trăng" nên còn gọi là "Cành Nguyệt Quế", thành ngữ nầy còn truyền cho đến hiện nay, trong thi đấu các môn thể thao hiện tại, người hạng nhất đoạt huy chương vàng cũng gọi là người đoạt được Cành Nguyệt Quế.


                   

                                         THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宮折桂


      THIÊN BẢO 天保 là tên bài thơ trong chương Tiểu Nhã của Kinh Thi 詩經.《小雅·天保》là bài thơ của các đại thần ca ngợi công đức của vua chúa đời Tây Chu. Nên Thiên Bảo dùng rộng ra để chỉ những lời chúc tụng, như trong truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai có câu :


                           Vóc đề chữ, gấm thêu bài,

                   Vịnh ca THIÊN BẢO, chúc lời Nghiêu hoa.


      THIÊN CHUNG 千鍾 : THIÊN là Một ngàn; CHUNG là cái chuông, cái thùng, là đơn vị đo lường lúa thóc ngày xưa. Nên THIÊN CHUNG là một ngàn chung lúa thóc, chỉ sự giàu sang ngày xưa. Trong truyện thơ Nôm Trinh Thử có câu :


                            Vậy nên gặp cửa người đây,

                   Ngôi cao nhất phẩm, lộc đầy THIÊN CHUNG.


      Còn trong Truyện Kiều thì gọi là MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ. MUÔN là Mười ngàn; TỨ là Xe có bốn ngựa kéo. Nên MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ là có Mười ngàn chung lúa thóc và cả ngàn xe do bốn con ngựa kéo; Chỉ cảnh giàu sang tột độ của các bậc vương hầu vua chúa. Đó là lời của Từ Hải hứa hẹn trước với Thúy Kiều là :


                              Một lời đã biết đến ta,

                   MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ cũng là có nhau.


               

                             QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香


       THIÊN HƯƠNG 天香 là nói gọn lại của thành ngữ QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香, là Sắc của nước, hương của trời; Ta thường gọi là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI hay HƯƠNG TRỜI SẮC NƯỚC để chỉ những người đẹp, những hoa hậu cấp quốc gia.

       Trong Truyện Kiều khi chị em Thúy Kiều du Thanh minh, Vương Quan đã kể về nấm mộ hoang bên đường của Đạm Tiên như sau :


                           Phận hồng nhan có mong manh,

                  Nửa chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG.


       Khi đã rước được Thúy Kiều về chốn trú phường, Mã Giám Sinh nhìn người đẹp đã thầm đánh giá rằng :


                        Đã nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG,

                   Một cười này hẵn nghìn vàng chẳng ngoa.

                        Về đây nước trước bẻ hoa,

                   Vương tôn qúy khách ắt là đua nhau...


       THIÊN SƠN 天山 tên một dãy núi ở vùng đông bắc Trung Hoa, giáp ranh với nước Cao Ly xưa. Tương truyền khi Tiết Nhân Qúy đánh Ma Thiên Lãnh, binh lính nhà Đường thương đóng quân ở nơi nầy. Nên THIÊN SƠN trong văn học cổ thường dùng để chỉ nơi núi non hiễm trở, là chiến trường của các đoàn quân hay đánh nhau nơi đây. Trong "Chinh Phụ Ngâm Khúc" của Đặng Trần Côn, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm có câu :


                    Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,

                    Dạ chàng xa ngoài cõi THIÊN SƠN.


           

                                    Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai


       THIÊN THAI 天台 là tên một ngọn núi ở phía bắc huyện Thiên Thai trong tỉnh Chiết Giang, mạch núi kéo dài đến các huyện Thiệu Hưng, Ninh Ba. Thiên Thai là ngọn núi mà Lưu Thần Nguyễn Triệu đã gặp tiên nữ, nên thường dùng để chỉ cảnh tiên hay được ví như là cảnh của tiên ở. Như trong Truyện Kiều khi Kim Kiều lần đầu tiên hẹn ước để gặp gỡ nhau lúc cả nhà Vương Viên Ngoại đi mừng thọ ngoại gia chỉ còn có Thúy Kiều ở nhà. Cụ Nguyễn Du đã viết :


                     Xắn tay mở khóa động đào,

                 Rẻ mây trông tỏ lối vài THIÊN THAI.


        Hẹn bài viết tới !


                                                                        杜紹德

                                                                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Không có nhận xét nào: