CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

THƠ ĐƯA ÔNG TÁO - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 


Góc Đường Thi :  

                              THƠ ĐƯA ÔNG TÁO
                      

      Như ta đã biết, để chuẩn bị "Ăn Tết" theo tục lệ của đời Đường Tống dân chúng đã chuẩn bị bắt đầu từ đầu Tháng Chạp rồi. Như trong truyện võ hiệp HIỆP KHÁCH HÀNH của nhà văn Kim Dung, hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác đã phát lệnh bài để mời các chưởng môn hay người cầm đầu bang hội đi đến Đảo Hiệp Khách để ăn "Cháo LẠP BÁT". 
      LẠP 臘 là LẠP NGUYỆT 臘月, ta gọi trại đi là Tháng CHẠP, là tháng 12 Âm lịch, tháng cuối cùng trong năm. BÁT 八 là số Tám, là ngày Mùng Tám; nên LẠP BÁT 臘八 là ngày "Mùng Tám Tháng Chạp". CHÁO LẠP BÁT là Cháo được nấu vào ngày mùng tám tháng chạp. Đó là loại cháo được nấu bằng tất cả nông phẩm mà cuối năm thu hoạch được, như các loại gạo, các loại đậu, cải khô, nho khô... 
      Sau lễ Lạp Bát thì bắt đầu quét dọn nhà cửa từ trước tới sau cho sạch sẽ ngay ngắn để chuẩn bị "Quá Tiểu Niên" là "Ăn Tết Sớm" vào ngày 23 và 24 tháng Chạp, cũng là ngày cúng tế đưa tiễn Táo Quân lên Trời. Nên sau ngày đưa ông Táo về Trời thì không còn quét dọn gì nữa cả và tất cả các bàn thờ cũng khỏi thắp nhang, cho đến ngày 30 Tết cúng Rước Ông Bà về Ăn Tết mới thắp nhang trở lại.
      Vì cúng tế Táo Quân là "Ăn Tết Sớm" nên những nhà khá giả cúng rất long trọng, và khi cúng xong thì mời cả bà con lối xóm đến cùng Ăn Tết cho vui. Ta đọc bài thơ 《TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC 祭灶與鄰曲散福》của Lục Du 陸游 (Lục Phóng Ông 陸放翁) đời Nam Tống dưới đây thì sẽ rõ :

          祭灶與鄰曲散福      TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC

          已幸懸車示子孫,    Dĩ hạnh huyền xa thị tử tôn,
          正須祭灶請比鄰。    Chính tu tế Táo thỉnh tỉ lân.
          歲時風俗相傳久,    Tuế thời phong tục tương truyền cửu,
          賓主歡娛一笑新。    Tân chủ hoan ngu nhất tiếu tân.
          雪鬢坐深知敬老,    Tuyết mấn tôa thâm tri kính lão,
          瓦盆酌滿不羞貧。    Ngõa bồn chước mãn bất tu bần.
          問君此夕茅檐底,    Vấn quân thử tịch mao thiềm đễ,
          何似原頭樂社神.     Hà tự nguyên đầu lạc xã thần ?



                             Lục Du thi nhân đời Tống

*Chú thích :
   - Lân Khúc 鄰曲 : là Lối xóm, là Bà con hàng xóm như từ Tỉ Lân 比鄰 bên dưới.
   - Tán Phúc 散福 : là Cúng xong rồi chia đồ ăn hay mời mọi người cùng ăn, gọi là Tán Phúc, là phát tán cái phước cho tất cả mọi người.
   - Huyền Xa 懸車 : là Treo cái xe lên (không đi nữa); ý mói đã Về hưu.
   - Hoan Ngu 歡娛 : là Vui chơi giải trí.
   - Tọa Thâm 坐深 : là Ngồi sâu, ngồi sát vảo lưng ghế có dựa.
   - Ngõa Bồn 瓦盆 : là Cái chậu sành, chậu bằng đồ gốm.
   - Lạc Xã Thần 樂社神 : Cái niềm vui khi cúng thần làng, đình thần.

* Nghĩa bài thơ :
                     CÚNG TÁO QUÂN CÙNG ĂN TẾT VỚI CHÒM XÓM
        May mà ta đã về hưu rồi nên mới có dịp để tỏ bày cùng con cháu. Vừa đúng lúc phải cúng tế Táo Quân và mời chòn xóm cùng Ăn Tết. Đây là cái phong tục đã của cuối năm đã được truyền tụng lâu đời rồi. Chủ khách cùng vui chơi với nhau trong tiếng cười của năm mới. Những người tóc mai trắng như tuyết được mời ngồi một cách trịnh trọng để tỏ lòng kính trọng người già. Bồn chậu đựng đồ ăn và rượu đều được châm đầy nên cũng không thẹn vì nghèo túng. Thử hỏi bạn rằng đêm nay ngồi dưới mái hiên của căn nhà cỏ nầy, có được vui như lúc ban đầu khi ta cúng tế đình làng hay không ?




* Diễn Nôm :
                  TẾ TÁO DỮ LÂN KHÚC TÁN PHÚC
                   
                            Ăn Tết Sớm

                  May đã hồi hưu với cháu con,
                  Đúng khi tế Táo đãi cùng thôn.
                  Cuối năm phong tục xưa truyền lại,
                  Chủ khách cười vui mới hãy còn...
                  Kính lão tóc mai đà bạc trắng,
                  Không hiềm rượu thịt mãi đầy luôn.
                  Dười hiên mái lá đêm nay nhậu,
                  Vui có như khi cúng Xã Thần ? 
     Lục bát :
                  Về hưu tỏ với cháu con,
                  Nhằm khi tế Táo xóm thôn đãi đằng.
                  Cuối năm phong tục đã hằng,
                  Cùng nhau chủ khách bao lần cười vui.
                  Tóc mây kính lão mời ngồi,
                  Đầy mâm rượu thịt đãi người chung quanh.
                  Đêm nay mái lá nhà tranh,
                  Có vui như lúc tế đình khi nao ?
                                                  Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


                                  Tôn Tung 孫嵩
  
       Trong khi Lục Du tế Táo với cháu con và hàng xóm một cách vui vẻ trong tuổi già khi đã hồi hưu, thì TÔN TUNG cũng là một thi nhân đời Tống vì chữ công danh mà còn kẹt lại ở kinh thành không thể về quê để tống tiễn Táo Quân và đón Tết được. Ta cùng đọc bài thơ "Hành Đô Tiền Tuế 行都錢歲" của Tôn Tung 孫嵩 sau đây : 

           插架餘殘曆,    Tháp giá dư tàn lịch,
           挑燈憶故鄉。    Khiêu đăng ức cố hương.
           年光蛇赴壑,    Niên quang xà phó hác,
           羈旅雁随陽。    Ký lữ nhạn tùy dương.
           禁闕迎儺鼓,    Cấm khuyết nghinh na cổ,
           鄰街祭灶香。    Lân giai tế táo hương.
           英雄須自力,    Anh hùng tu tự lực,
           容易鬓毛蒼。    Dung dị mấn mao thương !

           


 
      Nhìn lên trên giá chỉ thấy tấm lịch sắp tàn tạ. Khêu đèn lên cho sáng lại càng thấy nhớ cố hương. Thiều quang của một năm giống như con rắn đang bò vào hang hốc, chỉ phút chốc là mất tăm. Người lữ hành đang ở xa quê hương muốn 
được như con chim nhạn bay về nam theo ánh mặt trời ấm áp. Trong cung cấm đang vang lên tiếng trống xua đuổi tà ma xui xẻo để đón mừng năm mới, con đường kế bên lại thoang thoảng mùi hương đưa tiễn Táo quân. Anh hùng vốn phải tự lực cánh sinh, nhưng trước cảnh Tết phải xa nhà nầy cũng dễ khiến cho con người ta bạc đầu lắm lắm !
       Càng già, con người ta càng cảm thấy rằng không phải thời gian qua quá mau, mà thời gian càng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với con người !

* Diễn Nôm :



                 
                   HÀNH ĐÔ TIỀN TUẾ

                  Lịch tàn trên giá sách,
                  Khêu đèn nhớ cố hương.
                  Thiều quang như rắn lượn,
                  Lòng quê tợ nhạn sương.
                  Cung cấm vang tiếng trống,
                  Ngoài phố thoảng Táo hương.
                  Anh hùng nên tự lực,
                  Tóc mai tựa tuyết sương !
     Lục bát :
                  Trên tường giá lịch sắp tàn,
                  Khêu đền lòng nhớ ngút ngàn quê xa.
                  Thiều quang như rắn lượn qua,
                  Theo hơi nắng ấm nhạn xà về nam.
                  Trong cung trống tế vang vang,
                  Bên đường tống Táo hương nhang ngạt ngào.
                  Anh hùng tự lực tự cao,
                  Tóc mai dễ bạc khác nào tuyết sương.
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

       Nói đến thơ đưa Ông Táo, ta cũng không thể không nhắc đến bài "Tống Táo Thi" của Lữ Mông Chính, người mà trong "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy :    

       .... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa 
             cởi dù che. ...

      Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !... 
      LỮ MÔNG CHÍNH 呂蒙正 (944-1011), Tự là Thánh Công 聖功, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 (1011), hưởng thọ 67 tuổi.  Truyện kể...
          
               

                         Lữ Mông Chính tế Táo trong phim ảnh

     Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi. Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.
     Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, thiên kim tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga 劉月娥 đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu tiểu thơ ném từ trên lầu xuống....
     Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.
    Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân :"Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu ?!". Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về !. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi. 
    Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây :

      一碗清湯詩一篇,    Nhất oản thanh thang thi nhất thiên,
      灶君今日上朝天;    Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
      玉皇若問人間事,    Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
      為道文章不值錢。    Vị đạo văn chương bất trị tiền !  

* Có nghĩa :
        Một bát canh trong cùng một bài thơ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả !

* Diễn Nôm :

                  Một bát nước canh thơ một liên,
                  Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
                  Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
                  Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền !
                                                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
 
     Câu chót của bài thơ làm ta nhớ đến câu thơ lên Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
               Văn chương hạ giới rẻ như bèo !....

     Trở lại chuyện của Lữ Mông Chính, theo truyền thuyết dân gian thì....

    ....Năm đó, sau khi Táo của các nhà đã báo cáo xong, mà đợi mãi vẫn không thấy Táo của lò gạch nơi Lữ cư ngụ. Mọi người đang nóng ruột, thì thấy Táo của Lữ Mông Chính mặt mà xanh lè, đi cà lếch cà lếch vào chầu. Ngọc Hoàng phán hỏi tại sao, thì được trả lời rằng : " Thần chỉ uống có một tô nước thịt luộc dở dang chưa chín, đã đói lại còn bị... chột bụng nên đi không nổi. ", đoạn trình bài thơ của Lữ lên cho Ngọc Hoàng xem. Ngọc Hoàng phán rằng, số của Lữ sẽ đậu Trạng Nguyên vào khoa sau, đừng lo lắng quá ! Thần Táo mới năn nỉ rằng : " Anh ta đói quá, sợ sống không nổi đến khoa sau đâu, thôi thì trước sau gì cũng đậu, xin Ngọc Hoàng thương tình.  Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào đem sổ sửa lại cho Lữ đậu ngay khoa nầy, vì thế mà Lữ Mông Chính mới đậu được Trạng Nguyên của khoa Đinh Sửu 977 là vậy !

                        L Mông Chính và bài thơ Tế Táo

    Trên đây là theo truyền Thuyết dân gian, chớ thực sự thì... Đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng của một người đàn bà, còn ở đây, đằng sau sự đậu đạt của Lữ Mông Chính, có tới  bóng dáng của 2 người đàn bà lận : Một là Lưu tiểu thơ; Hai là bà Tể Tướng phu nhân, vì thương con gái mà lén chu cấp đầy đủ vật chất cho con và rể sinh sống, vì vậy Lữ mới yên tâm mà dùi mài kinh sử... chứ đói meo thì làm sao đủ sức mà học hành để đậu Trạng Nguyên cho được !
    Đây là ông Tể Tướng xuất thân từ khất cái (Ăn mày) duy nhất của lịch sử Trung Hoa trong đời nhà Tống : Lữ Mông Chính.

    Cầu chúc cho tất cả mọi người đưa tiễn Táo Quân và Ăn Tết Sớm vui vẻ trước khi ĂN TẾT THẬT vào ngày Nguyên Đán của năm Giáp Thìn 2024 nầy !

    Hẹn bài viết tới !

                                         杜紹德
                                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Không có nhận xét nào: