CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

CHUYỆN ANH CHÀNG ĐÀO HOA NỞ MUỘN - ĐẶNG XUÂN XUYẾN







CHUYỆN ANH CHÀNG ĐÀO HOA NỞ MUỘN

.
Anh sinh năm 1953, ở Hà Nội, giàu lắm, có mấy cái nhà mặt phố cho thuê, toàn cỡ vài chục triệu/tháng nhưng đường vợ con của anh thì lận đận lắm. Đến tận năm anh rất luống tuổi mới biết yêu, nên vội cưới. Nghe em rể anh kể, thì “chị” sinh năm 1984, hình thức cũng thuộc diện xinh gái, khéo ăn khéo nói, người Hà Nội, gia đình cũng khá giả, kém anh “chỉ có” 31 tuổi, mà anh là con trưởng, lại ở thế độc đinh, xưa tới đó chưa từng biết chuyện gái gú là gì nên cả gia đình gật đầu tắp lự khi anh đưa “chị” về ra mắt, tuyên bố sẽ cưới “chị” làm vợ. Cưới được hơn năm, “chị” sinh cho anh cậu ấm, giống anh như tạc nhưng chả hiểu sao từ ngày sinh được cậu ấm, “chị” đâm ra đổ đốn: Cãi bạt mạng khi anh nhắc nhở chuyện a, chuyện b trong văn hóa ứng xử; chị còn tự mình đặt ra quy định thế này thế kia với họ hàng ruột thịt của anh trong khi anh là người làm ra tiền, là người đang “cầm chịch” lễ nghi của dòng họ. Cãi nhau vài bận, chị đâm đơn ra tòa. Anh gật đầu cái rụp. Cũng chẳng cần ý kiến của tòa, anh hâm hâm đề xuất: Phụ cấp 10 triệu/tháng cho cậu ấm, đưa luôn cả 17 năm 3 tháng (thời điểm cậu ấm tròn 18 tuổi) cho gọn. “Chị” đề xuất anh chi thêm mấy trăm triệu để “chị” mua tạm ngôi nhà nho nhỏ làm nơi tá túc. Anh gật đầu rụp cái trước tòa, nhất trí chi thêm cho “chị”, tổng cộng tròn 3 tỷ. Mọi người trách anh hâm. Anh cười: Đằng nào cũng chi cho con nên đưa luôn cả thể cho gọn. Mọi người nhắc anh cẩn thận kẻo “người đàn bà” đó lợi dụng cậu ấm để rút ruột, “trả thù”. Anh hô hố cười, rồi mắng mọi người lo xa, khẳng định như đinh đóng cột sẽ không có chuyện đó.
Cầm 3 tỷ anh đưa, “chị” tuyên bố: - Hàng tháng, tiền chu cấp cho con tối thiểu 10 triệu phải gửi vào tài khoản của “chị” trước ngày mồng 3 hàng tháng. Anh nói tiền chu cấp cho con đã đưa trong số 3 tỷ “chị” vừa cầm. “Chị” mắng anh là thằng khùng, thằng dở người, thằng thần kinh có vấn đề, đấy là tiền hỗ trợ mua nhà cho cậu ấm. Anh lại gật đầu cái rụp: Ừ thì đưa trước ngày mồng 3 hàng tháng. Đều đặn từ đó đến giờ, tháng nào anh cũng chuyển 10 triệu vào tài khoản của “chị”; tháng nào “chị” cũng cho cậu ấm đến xin anh thêm vài triệu đến chục triệu để trả các khoản abc “chị” đã chi “thêm” cho cậu ấm.
Năm kia, 2015, anh cưới vợ lần nữa. “Chị” mới này trẻ hơn “chị” cũ 3 tuổi, có nghĩa “chị” mới kém anh 34 tuổi. Theo lời anh thì “chị mới” sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dứt khoát không phải là người có gốc gác ở quê. “Chị mới” yêu anh, chấp nhận làm vợ anh, có lẽ không phải vì hám anh giàu có. Bằng chứng là 3 tháng quen nhau “chị mới” không hề biết anh có mấy cái nhà mặt phố cho thuê. Chưa bao giờ anh thấy “chị mới” đả động đến chuyện anh sống bằng nguồn thu nhập nào? Anh khen “chị mới” vô tư lắm. Ngồi sau xe anh, toàn hát bài “con chim non thích véo con”, ngộ lắm, dễ thương lắm. Gia đình thấp thỏm không biết “tình yêu bọ xít” của anh tồn tại được mấy bữa. Thế rồi câu trả lời cũng sớm đến, sớm hơn dự đoán của mọi người: “tình yêu bọ xít” của anh “cay đắng” ra đi sau hơn 1 năm, chính thức là 1 năm 1 tháng lẻ 5 ngày, về nhà anh làm vợ “thằng hấp”. Lấy anh, “chị” muốn có con sớm, anh lại bảo “chả cần đẻ vì anh đã có cậu ấm rồi, đẻ nhiều con làm gì, mệt lắm”. Cứ nhăm nhăm ngày nào “không an toàn” là anh tếch ra ngoài ngủ với mấy thằng cháu, bắt “chị mới” nhịn. Rồi anh đón luôn cậu ấm về nuôi nấng nhưng tháng tháng vẫn đều đặn chuyển vào tài khoản của “chị cũ” 10 triệu. Không chịu nổi, “chị mới” lại đâm đơn ra tòa. Đận này có vẻ khôn hơn, anh chỉ oke các khoản “chị mới” yêu cầu hợp lý. Cũng rất quân tử, anh tặng thêm “chị mới” 100 triệu để “chị” mua cái xe tay ga mà đi lại cho an toàn. Ngày “chị mới” dời nhà anh, cũng là ngày “chị cũ” điều động cậu ấm trở về sống với mẹ, tháng tháng đều đặn đến anh “truy lĩnh” các khoản tiền “cần chi thêm” cho cậu ấm, có tháng đến 20 triệu.
Năm nay, cách đây mấy ngày, gia đình anh lại nhốn nháo khi anh lù lù dẫn về một “chị mới nữa”, “chị mới này” sinh năm 1991, cũng mỏng mày hay hạt, cũng ăn nói nghe chừng lễ phép như 2 “chị” trước. Mặc mọi người phản đối, anh tuyên bố sẽ đi xem ngày để ăn hỏi, rồi cưới “chị mới nữa” về làm “dâu trưởng”. Lần này, anh sẽ “cho chị mới nữa đẻ thả cửa” chứ không “hãm đẻ” như “chị mới trước” vì anh muốn “đối trọng” lại với “chị cũ nhất”, để cậu ấm không bị mẹ lợi dụng làm công cụ rút ruột, trả thù bố, để cậu ấm sẽ là “thằng con ngoan chứ không hư hỏng như cách dạy của mẹ nó.”. Anh tặc lưỡi: Biết thế cho “con dở” (chị mới trước) đẻ thì đã có “đối trọng” với “con hâm” (chị cũ nhất) lâu rồi.
Nghe chuyện của anh, thấy cũng nhiều nét hao hao giống chuyện của anh T. hàng xóm. Bụng bảo dạ xin ông anh kết nghĩa, em rể của anh, ngày giờ năm tháng sinh của anh để tìm câu trả lời qua lá số nhưng mải chuyện nhà cửa, sách vở thế là quên.

*.
Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2017.
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Nguồn : từ email của tác giả Đặng Xuân Xuyến gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ôn ĐXX thường xuyên chia xẻ những truyện ngắn hay.


Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

XÓM CHIỀU - TRANH THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH






XÓM CHIỀU 
THƠ VÀ ẢNH CỦA LÊ ĐĂNG MÀNH
CẢM ƠN LÊ HUYNH ĐÃ CHIA XẺ VỚI BLOG NM

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

GIÁ CỦA SỰ THÁI QUÁ -TRUYỆN NGẮN CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN






                    Ảnh minh họa từ net



GÍA CỦA SỰ THÁI QUÁ

(Truyện ngắn)
*
Chị vỗ đét cái vào mông anh rồi trề môi, cong cớn:
- Eo ơi, già rồi mà còn trẻ con lắm! Gần năm chục tuổi đầu rồi mà nhí nhảnh con cá cảnh lắm cơ.... Đời thủa nhà ai, tóc đã bạc trắng mái đầu rồi mà bày đặt níc nêm là em còn bé lắm... Ơ, mà chồng xưng em với ai thế... Chẳng lẽ chồng xưng em với vợ?
Anh đỏ mặt, ấp úng:
- Thì đặt thế cho nó lạ,... chứ em với ai đâu?
Chị sầm mặt:
- Thế là không được! Thế là chồng không trung thực, chồng gian dối với vợ! Chẳng ai đặt níc nêm lại không có nghĩa cả? Thôi chết! Hay chồng phải lòng mụ bán xôi đầu ngõ mới xưng em ngọt ngào như thế? Chả trách, chồng toàn khen xôi nhà mụ ý vừa ngon vừa rẻ. Tháng trước, vợ đánh dấu 5 lần chồng ăn xôi nhà mụ ý đấy.
Anh gãi gãi đầu, giọng có chiều “nể vợ”:
- Thì xôi nhà bác ấy ngon và rẻ thật nên chồng mới ăn. Mà... năm ngoái vợ chả khen xôi nhà bác ấy nấu ngon, sạch lại bán rẻ còn gì? Vợ chả nhắc đi nhắc lại chồng phải thường xuyên ăn xôi ủng hộ nhà bác ấy đấy thôi...
Chị tròn mắt nhìn anh rất lâu, rồi thẽ thọt:
- Thật không? Có đúng là vợ nhắc chồng như thế không? Mà... Vợ chả tin đâu! Vợ chả dại xúi chồng như thế đâu! Nhìn mụ ý cứ hơn hớn hơn hớn như thế, nỡ mụ ý có ý gì với chồng thì chết à? Chồng có nhớ cái vụ năm kia không? Nhớ không?... Ối dào... Chắc chồng lại cãi đấy là tai nạn chứ gì? Vợ biết tỏng chồng mà... Thế nào chồng cũng nói là tai nạn... Thôi, chồng đừng có định cãi vợ nữa... Như thế là không trung thực, là gian dối. Mà chồng biết đấy, vợ rất ghét ai có tính không trung thực, rất ghét ai có tính gian dối. Chồng nhìn chồng bác Nga mà học, cả đời chẳng biết cãi vợ câu nào… Ngoan ơi là ngoan. Đâu giống chồng, vợ chưa nói xong câu mà chồng đã cãi năm cãi bảy. Vợ nói rồi, vốn kiệm lời nên vợ đâu thích nói nhiều... Mà... vợ đang nhắc chồng chuyện gì nhỉ?
Anh lụng bụng:
- Chuyện xôi nhà bác đầu ngõ.
Chị quệt tay vào mép rồi lấy khăn lau tay, lau đi lau lại, kỹ càng lắm. Chán chê, chị lại dài môi, thẽ thọt:
- Có đúng là vợ nói chuyện xôi nhà bác đầu ngõ không? Ồ đúng rồi, xôi nhà bác ấy ngon, sạch sẽ mà rẻ lắm cơ... nhưng mà vợ không ưng cái thái độ nhà mụ ấy, vợ chúa ghét cái thái độ của mụ ấy... Đàn bà có chồng có con rồi, lại cứ đon đon đả đả với đàn ông là làm sao! Vợ thấy như thế là vô duyên, là lố bịch…. Vợ thấy chướng mắt! Vợ không ưng!
- Nhưng bác ấy bán hàng, phải thế.
Chị dài giọng, trề môi:
- Bác ấy bán hàng, phải thế... Biết ngay mà. Vợ biết tỏng chồng sẽ bênh mụ ấy như thế mà.... Sao không để chồng mụ ấy ra đon đả với chồng mà lại là mụ ấy. Eo ơi. Rõ là có tình ý với nhau nên bệnh nhau cứ chằm chặp, chằm chặp ý... Đàn ông ra đon đả với đàn ông, sao lại để đàn bà?
Anh ái ngại nhìn mọi người, rồi khẽ khàng với chị: - Bác ấy vừa ngồi bán hàng vừa mời chào khách chứ có đon đả kiểu như vợ nghĩ đâu...
Chi lại trề môi, chừng muốn dỗi:
- Đấy! Lại cãi! Sao chồng toàn bênh mụ ấy thế? Chồng sợ miệng mọc da non sao mà cứ nhem nhẻm nhem nhẻm cãi vợ? Như thế là không trung thực! Như thế là giả dối! Mà chồng biết rồi đấy, vợ rất ghét ai không trung thực, vợ rất ghét ai sống giả dối... Mà... Mà có chuyện gì không trung thực ở đây nhỉ? (Chị vỗ vỗ đầu một lát rồi hí hửng)... Đúng rồi! Là chuyện tình cảm giữa chồng với mụ bán xôi đầu ngõ... Như thế là chồng không trung thực. Như thế là chồng giả dối. Mà chồng biết rồi đấy…
Anh gắt:
- Là đủ rồi! Người ta bán hàng phải tươi cười mời chào khách lại bảo người ta lố bịch? Hàng xóm láng giềng, một tháng mua ủng hộ có 5 bữa sáng mà kêu nhiều là sao? Lại nữa! Người ta là người đàng hoàng sao cứ một điều mụ ấy, hai điều mụ ấy là thế nào? Hở?
Chị co chân lên ghế, nghiêng người, lấy khủy tay che che mặt, ấm ức:
- Eo ơi... Sao chồng lại quát tháo vợ như thế? Chồng không nhớ là vợ bị yếu tim à? Hay chồng không coi vợ ra thể thống gì nên mới thế? Vợ biết tỏng chồng mà... Giờ vợ già rồi, vợ xấu rồi nên chồng không chiều chuộng, không nâng niu vợ nữa... Thế này thì vợ chết quách đi cho rồi! Vợ chán sống rồi! Vợ... Vợ… Vợ sẽ đi chết đây!
Chị nhìn anh. Nhìn mọi người. Rồi lại nhìn anh.
Thấy mọi người ngoảnh mặt đi, không nhìn chị, còn anh vẫn “đằng đằng sát khí”, chị sụt sùi:
- Vợ biết mà. Chồng không còn yêu vợ nữa nên chồng kiếm cớ để chê vợ, bỏ vợ. Số vợ khổ, khổ lắm nên mới lấy phải chồng... Chồng quên rồi à? Ngày chồng còn đang cưa cẩm vợ ấy, chồng hứa những gì? Chồng thề thốt những gì mà bây giờ chồng phũ phàng với vợ như thế... Ối giời cao đất dày ơi... Ới hàng xóm láng giềng ơi… Ới bạn ới bè ơi… Mà này, chồng đi đâu đấy?
Anh không trả lời, khoác áo, bước nhanh ra cửa. Chị chạy theo, níu áo, gặng:
- Chồng đi đâu đấy?
Anh hất hàm:
- Muốn biết thật à? Đi ra quán xôi làm chầu “tình cảm”. Ở nhà với vợ mệt đầu lắm.
Chị luống cuống:
- Chồng ra đấy thật à? Thế chồng định đi ra đấy một mình à? Không! Vợ sẽ đi cùng chồng. Vợ cũng đang muốn chầu “tình cảm” với xôi đây...
Mồm nói, chân bước, chị khoác tay anh rất chặt.
Bước chân vào quán, chị cố khoác tay anh thật tình tứ. Rồi vênh mặt lên như để cho mọi người biết anh và chị yêu nhau lắm, lắm.
Ái ngại với mọi người, anh khẽ nhắc chị:
- Vợ đừng khoác tay chồng nữa, mọi người nhìn vào, ngại chết.
Chị phá lên cười, rồi bẹo má anh, nũng nịu:
- Eo ơi... Chồng lại bày đặt làm bộ e thẹn, ngượng ngùng nữa chứ? Yêu chồng lắm cơ!
Chị kéo ghế ngồi xuống. Một tay vuốt tóc, một tay gắp miếng xôi, nghiêng nghiêng đầu nhìn anh, rồi chậc chậc lưỡi, giống kiểu ở nhà chị vẫn nựng cu tí ăn bột:
- Nào... Chồng há mồm ra,... há to tí nữa nào... Ừm… Ừm… Thế... Thế... Eo ơi nhìn chồng ừm yêu lắm cơ... Gớm, sao nước miếng của chồng tứa ra nhiều thế? Há to tí nữa nào... Thế… Thế... Chồng ừm cái nữa để vợ xem nào! Hoan hô chồng! Chồng ừm giỏi lắm!...
Anh gạt tay chị, vẻ khó chịu, làu bàu:
- Vợ đừng làm thế. Mọi người cười cho đấy.
Chị trề môi rõ dài, rồi nguýt: - Gớm! Mọi người cười cho đấy... Mọi người nào ở đây? Chồng ngại chị chủ quán chứ gì? Vợ biết tỏng trong đầu chồng nghĩ gì rồi... Hôm nay, nhất định ... Vợ... Vợ... vợ phải làm cho ra ngô ra khoai mới được...
Chị giậm chân. Chị chắp tay vào hông. Chị tiến lại chỗ chị chủ quán, chưa kịp la lối thế này thế kia thì anh giang tay tát bốp một cái, rõ đau, rồi lôi chị xềnh xệch về nhà. Vừa đi anh vừa gằn giọng:
- Bà làm tôi xấu hổ với mọi người. Tôi sẽ khâu mồm bà lại để bà hết thói lắm điều! Tôi... Tôi xấu hổ vì bà.
Chị tái mặt.
Chị lắp bắp mãi không thành câu.
Hình như chị chưa lường được tình huống này thì phải!
*.

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Nguồn : từ email của tác giả Đặng Xuân Xuyến gởi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn Xuân Xuyến thường xuyên chia xẻ những bài hay.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

CÔ TỊCH - THƠ YẾT HẬU NHƯ THỊ VÀ THI HỮU






CÔ TỊCH!

“Yết Hậu”


Còn ước gặp nhau giữa chốn này
Giang hồ tước giọt rượu trao tay
Hớp sầu sưởi ấm đời cô lữ
Say!

Rét buốt đang chằm ngọn gió đông
Mưa gieo tê tái táp đau lòng
Đâu tia nắng ấm hong tình cũ
Mong!

Rã rượi trèo lên giấc mộng đầu
Chen bờ ký ức ngỡ còn nhau
Nào hay giải cấu leo đôi  ngả
Đau!

NHƯ THỊ

HỌA:


TỰ ĐÁP
Phiền ưu hỷ lạc cũng nơi này
Mở trọn tâm hồn dễ mấy tay
Cứ mãi chìm trôi cùng khổ muộn
Say!

Mây chiều ảm đạm tiết vào đông
Giá lạnh về theo cảm nỗi lòng
Những đợi xuân nồng cho sắc tỏa
Mong!

Dù cho lục thủ với tam đầu
Cũng chẳng đem hồn kết lại nhau
Nghiệp đến thì thôi tàn cửa ngõ
Đau!

23.02.2017
THÍCH TÍN THUẬN




BẠN
Đã đến trần gian cuộc sống này
Buồn vui thân ái hẹn cầm tay
Cùng nhau ngất ngưỡng chung bầu rượu
SAY !

THƯƠNG
Không màng xuân hạ lẫn thu đông
Tình thắm trao nhau vẹn một lòng
Ngày nhớ đêm chờ tha thiết mộng
MONG !

XA
Biển cả âm u sóng bạc đầu
Người đi nẻo  ấy  có tìm nhau?
Gối chăn  ảo giác còn hương tóc
ĐAU!

NM kính họa



HỎI
Người ơi ta muốn hỏi câu này:
Hảo hán… bây giờ được mấy tay ?
Mấy mặt mấy gan cay rượu lắm?
Say!

MONG
Theo mùa tiết khí mới đầu đông
Mà gió mà mưa xối xát lòng
Xa vắng người đi đường thấm lạnh
Mong!

ĐAU
Bóng dâu đã xế ngả ngang đầu
Ngẫu nhĩ mong hoài tưởng gặp nhau
Lên ngựa chia bào nay vạn nẻo
Đau!

PHAN TỰ TRÍ – 24-2-2017



NGÁN NGẨM!
“Yết Hậu”
Ô hay sao vẫn đến nơi này?
Trăn trở đêm trường bấm đốt tay
Danh lợi đam mê hồn trĩu nặng
Say!
Chôn niềm cay đắng suốt mùa đông
Mơ chốn phù du vật vã lòng
Cõi tạm ta bà thôi tiếc nuối 
Mong!
Khó quên phiền muộn thủa ban đầu
Se sắt thâm tình lại dỗi nhau?
Một gánh buồn tênh nhìn ngán ngẩm
Đau!

NHƯ THU



ĐIỀU MUỐN NÓI

Muốn nói từ lâu ý nghĩ này
Thơ đưa tôi bạn tới chung tay.
Qua meo nâng chén ta đồng ẩm
SAY !
Dễ đã qua rồi mấy rét đông
Thơ đem hơi ấm sưởi đôi lòng
Xa vời thật khó cầm tay được
MONG !
Đọc lại bài thơ họa dịp đầu
"Ngày mai tôi chết” ngỏ cùng nhau
Mình chui vào mộ tìm vui họa
ĐAU !
Cho đến hôm nay vẫn sống tươi
Vẫn cùng xướng họa vẫn câu cười
Gửi về Văn Quỹ tình quê Tổ
MƯỜI !

TRẦN NHƯ TÙNG 
Phú Thọ



Nguồn : từ email của tác giả Lê Đăng Mành mời họa
NM cảm ơn Lê huynh  và quý thi hữu đã chia xẻ những bài yết hậu hay.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

''MƯỜI NĂM '' TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY- BÀI CỦA LÊ NGỌC TRÁC




Ảnh lưu niệm : tác giả Lê Ngọc Trác & NM tại LaGi (14/1/2017)





 "MƯỜI NĂM" TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY

Le Ngoc Trac · Bạn bè với Phú Đoàn và 12 người khác

Mời xem trên lengoctrac.com : "MƯỜI NĂM" TIẾNG LÒNG CỦA NHÃ MY






      Lâm Ngọc Sương sinh ra và lớn lên ở xứ dừa Bến Tre, từng theo học bậc trung học ở Kiến Hòa, đại học sư phạm ở Cần Thơ và đại học văn khoa Sài Gòn. Ngay từ những ngày còn theo học bậc Trung học, với lòng say mê văn chương, Lâm Ngọc Sương đã từng tập tành sáng tác thơ, văn. Đến khi lên học Đại học, may mắn gặp được Nhà văn Viên Linh và các cây bút tên tuổi tận tình khuyến khích, Lâm Ngọc Sương đã có những tác phẩm được đăng trên tạp chí Khởi Hành, Tư Tưởng, Thời Tập…và một số báo và tạp chí văn học ở miền Nam. Nhưng, sau này, vì hoàn cảnh phải bôn ba mưu sinh ở xứ người, mộng ước theo nghiệp văn chương của cô nữ sinh ngày nào đành phải tạm gác lại. Mãi đến năm 2014, Lâm Ngọc Sương mới trình làng thi phẩm "Khơi xa" được NXB Văn học xuất bản, với bút danh Nhã My. 
         Ngay sau khi xuất bản, "Khơi xa" của Nhã My đã được Kha Tiệm Ly, Nguyễn Khôi - hai nhà thơ ở hai đầu đất nước giới thiệu đến người yêu thơ.Ở Hải ngoại, được Nhà thơ Du Tử Lê viết bài nhận định.Các nhà thơ : Du Tử Lê ,Kha Tiệm Ly , Nguyễn Khôi… đều dành những tình cảm tốt đẹp cho "Khơi xa".
Thơ Nhã My không mới, không tân kỳ, bay bổng. Nhã My sáng tác thơ bằng cảm xúc chân thật, thấm đẫm tình cảm. Có ai lại đi "cân đong đo đếm" những câu thơ được viết từ trái tim?! Đọc thơ Nhã My người đọc bắt gặp tâm sự của những người sống xa quê hương với nỗi buồn vọng về miền cố thổ :
"Em lạc mấy mùa trăng cố xứ?
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng.
Trời viễn xứ buồn trông quê cũ
Để nỗi buồn ủ rũ chiều mưa
Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi.
Em ngày cũ xa xôi cách trở
Đường tương lai vạn thuở lao đao
Chuyện tình một giấc chiêm bao
Dung nhan đã héo nhạt màu áo phai?
Trăng đã úa bên trời quan ngoại
Mây giăng đầy mấy ải non cao
Bước chân ghềnh đá chênh chao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương..."
Người yêu thơ dễ dàng đồng cảm với tâm sự của Nhã My "khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương". Đây là bài thơ được Nhã My chọn làm tựa đề chung cho tập thơ. 
"Khơi xa", "Tâm cảm" và "Mười năm" (bài 1, bài 2)... là những bài thơ tạo nên diện mạo thơ và tâm hồn thơ của Nhã My:
"Ta về bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao
Về đâu muôn dặm đời hoang hoải
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau.
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau
Mười năm lặng lẽ em giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu.
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu
Bóng ai thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẻo xa.
….
Người đi hoa bưởi hoa cau rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song.
Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong.
Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau..."
Mười năm là thời gian mang tính ước lệ trong thơ. "Mười năm" của Nhã My gần với tâm sự của T.T.KH trong bài thơ "Hai sắc hoa Ti gôn" và "Bài thơ cuối cùng" trong thế kỷ trước. Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, những người con gái gặp nghịch cảnh tình yêu trong cuộc đời đều thấy mang tâm sự tình buồn, nghe tiếng lòng mình trong "Mười năm" của Nhã My. Phải chăng Nhã My viết cho mình mà cũng viết cho người? Qua thơ, người đọc cảm nhận dường như Nhã My rút ruột mình ra để viết lên tâm sự "Mười năm". Lòng người đọc bỗng chùng xuống:
"Mười năm dâu bể
Mười năm hư không
Mười năm lá rụng
Xa trời mênh mông"
        Khi tạm khép bài viết nhỏ này, chúng tôi chợt nghe rung lên câu thơ của Nhã My:
"Gió lùa trêu khóm lá
Anh nghe hồn đong đưa...".
Và, chúng tôi chợt nghĩ, với vốn sống và những trải nghiệm trong cuộc đời, nếu tiếp tục con đường sáng tạo, Lâm Ngọc Sương - Nhã My sẽ có những tác phẩm thơ ngân rung, vang vọng, vượt xa "Khơi xa".
Phố biển La Gi, 22/2/2017
LÊ NGỌC TRÁC

Nguồn : từ email của tác giả Lê Ngọc Trác gửi nhamyngocsuong.
NM chân thành cảm ơn nhà văn Lê Ngọc Trác đã đồng cảm với thơ NM và cảm ơn  quý bạn ở facebook đã đọc bài và ghi nhận xét.

Mời truy cập đường link sau đây để xem nội dung tập thơ Cảm ơnhttp://slideshare.net/honglinhha7/th-nha-my-khi-xa

Suong Lam NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN NHÀ VĂN LÊ NGỌC TRÁC
Hat Cat Diệu Sinh Bài viết về em rất tâm đắc mà
Ngọc Cầm Bài viết rất hay, em mến chị từ lúc được đọc những bài tiểu luận trên blog yahoo , giọng văn chơn chất như tính cách của người miền nam
Huong Tra Lời bình thơ cùng tâm hồn thơ ca của Chị Suong Lam rất đẹp .. thật đáng ngưỡng mộ ạ .Tea chúc Chị luôn An vui hạnh phúc nhé .
Cỏ May Bài viết hay, chị đăng bài nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê đi Chị!
Suong Lam cảm ơn em bài viết cuả nhà thơ DTL viết hồi năm 2015 có đăng trog trang DTL, trang LNT và blog NM , em vào đọc nhé
http://nhamyngocsuong.blogspot.com/.../DU%20T%E1%BB%AC...
Thùy Linh Nguyễn Thơ hay quá chị ơi
Songthu Vu Chị thấy ở em một tâm hồn thơ và rất chuyên nghiệp...
Nilan Nguyen Chuc mung Suong Lam.
Đoàn Động Chúc chị sức khỏe , tràn đầy niềm vui trên những trang viết

Thu Thúy Nguyễn Chị thật dạt dào với cảm xúc ,với chính mình ,chị gói cả hương mơ,trời mộng để rồi mở ra những câu cú tuyệt vời ,ấn tượng sâu lắng giữa đời thơ,,,những lời thơ,,,
Phác họa dung dị nhưng sao cứ ngân đọng trong lòng em ,biết chị qua blog ,yêu thơ chị rồi thuong chị, mến chị ,,,..E, chúc Chị luon khoe vui ve ,tràn trề những bai thơ hay vang lên trong lòng moi nguoi !

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

ĐỪNG THỀ - THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN


-




 ĐỪNG THỀ
Tặng Trần Hải Sơn -



Đừng khắc lời thề lên đá
Thời gian mưa nắng bào mòn
Lấy ai làm chứng nhân.

Đừng vẽ lời thề trên cát
Sóng duyềnh dan díu bước chân
Tình nhân thành kẻ lạ.

Đừng ghim lời thề vào lá
Tuyềnh toàng đám gió mồ côi
Lời yêu nghe đắng vội.

Hãy nghe vọng tiếng con tim!
Hãy thở nhịp đập trái tim!
Hãy đặt trong tim lời thề!

*.
Hà Nội, ngày 18 tháng 02.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Nguồn : từ email của tác giả Đặng Xuân Xuyến gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn Xuân Xuyến đã thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay

.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

CHÚC TÌNH - TRUYỆN NGẮN CỦA THỦY ĐIỀN


Ảnh tác giả Thủy Điền


CHÚC TÌNH


      Đang ngồi đun ấm nước, vừa suy nghĩ. Xuân về, tết đến mình cần phải làm cái gì cho thiên hạ ngạc nhiên chơi. Kha …kha….Kha….!
Bà đứng gần bên.
-Lan nầy! Bộ mầy khùng hả Lan? Đàn bà con gái gì có chồng, có con mà không nên thân, nên hình gì cả. Hỡi muốn cười lúc nào thì cười, muốn nhẩy lúc nào thì nhẩy, chẳng ý tứ, ý tư, các em, bọn nó cười cho mà xem.
-Đâu có gì đâu mẹ, tại hôm nay con vui, con mới nghĩ ra một điều rất hay.
-Điều gì ?
-Mai mốt mẹ hãy biết, còn bây giờ con đang giấu kín.
-Cha mầy, không nói thì thôi.
-Kha…kha…kha….!

      Sau khi nấu nước cúng tổ tiên xong. Hai chị em cùng theo mẹ lên chùa gần bên cúng Phật. Trên đường về , gần đến ngõ vào nhà Lan bảo mẹ vào trước đi, hai chị em con ra vườn Đào một tí sẽ về sau. Ngọc ngạc nhiên hỏi?
-         Sao chị rủ em ra đây làm gì ?
-         Thì bẻ Đào.
-         Trời đất, bố bẻ cậm một nhà mà không đủ sao? Người ta phải bẻ Đào là bẻ trước tết, hôm nay muộn lắm rồi chị ơi hay là chị muốn tặng ai.
-         Ậy ! Cứ đi với chị một lát đi rồi em sẽ hiểu, chị muốn làm gì. Con nhỏ nầy hôm nay nhiều chuyện thật.
-         Có chồng, có con rồi đó nha, tính hò hẹn với ai ngoài nầy, sợ, rồi rủ em theo phải không?
-         Đừng nói điên nè. Anh Nam nghe được là phiền lắm đấy.

      Lan vừa nói, vừa với tay bẻ một hoa Đào thật đẹp, nàng cài lên tóc Ngọc, rồi cười hí hí. Lan hỏi ?
-Em thấy có đẹp không?
-Đẹp lắm chị, mà giữa vườn Đào có ai nhìn ngắm mình đâu. Thật uổng nhỉ.
-Không phải, chị muốn em ra đây để chị tự tay bẻ và cài lên tóc em. Ý là muốn tặng em một nụ lộc hồng đầu năm và chúc cho em năm nay sẽ sớm có người yêu như người ta vậy mà và tạo cho em sự ngạc nhiên cho vui. Biết đâu trong cái nhí nhỏm nầy nó sẽ trở thành hiện thực, ai mà biết được. Đúng không ?
-Có lý, em cảm ơn chị thật nhiều và em cũng hy vọng là thế.

      Thật tình thì Lan cũng thấy em mình năm nay cũng hơn hai mươi hai tuổi đầu mà chưa có mối tình nào vắt vai nên nàng cũng buồn và tìm mọi cách giúp Ngọc, nhưng chưa được mối nào thành công. Ngọc cũng khá đẹp gái, diệu hiền, dễ thương. Nhưng ngặt một nỗi là trong cái làng bé nhỏ nầy bây giờ còn rất ít thanh niên, vừa lớn lên là họ đi tứ tán ra thành hay đi nơi khác cả, chỉ còn xót lại một vài anh chàng sáng say, chiều xỉn thử hỏi làm sao mà nàng phải lòng được chứ. Bây giờ chớ đâu phải như ngày xưa con gái lớn lên mười tám, hai mươi tuổi là có cả khối con trai đeo đuỗi.

      Trong cái vui chơi, dị đoan, cũng có cái may mắn. Một tuần sau tết có mấy người bạn chồng Lan từ Thành phố ghé thăm, chúc tết và cũng có mặt Ngọc trong ngày hôm ấy. Lúc đang tiệc người kể qua, kẻ kể lại, vui nhộn, vô tình có một anh chàng trạt tuổi Ngọc, có vẻ thích nàng. Anh ta vừa ăn, vừa nhậu, vừa dò dè tán tỉnh, khiến cho nàng mắc cở, đỏ mặt, mất tự nhiên và đành phải chạy u xuống nhà bếp với chị như trốn tránh ngôi sao tình đang chiếu rọi vào tim.

      Qua cuộc viếng thăm tết, thỉnh thoảng chàng cũng hay dành riêng thì giờ rảnh rổi cuối tuần để ghé ngang thăm Ngọc. Và cuối cùng họ rất thân thiện và trở thành người yêu với nhau...!

      Mẹ Lan chiều chiều thường hay bảo: Tao thấy con Lan nhà mình nhiều lúc nó làm những chuyện khùng khùng, điên điên mà không ai hiểu nỗi. Nhưng có lý và vô tình nó giúp được em nó có nơi, có chốn.

                                                                                  THỦY  ĐIỀN
     31-01-2017

Nguồn : từ email của tác giả Thủy Điền gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn Thủy Điền thường xuyên chia xẻ truyện ngắn hay.