CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC : BA - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
06:26, Th 2, 29 thg 4 (3 ngày trước)
tới  tôi

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC
                                                       BA                                 
                             
                    Inline image

                                       Một cây làm chẳng nên non,
                                   BA CÂY chụm lại nên hòn núi cao !

       Đó là câu tục ngữ ca dao mà ông bà ta để lại, nói lên sự đoàn kết, hợp quần gây sức mạnh. Còn trong văn học cổ thì BA CÂY nó tàn nhẫn và khốc liệt lắm. Trong Truyện Kiều khi tả Thúc Ông thưa lên quan phủ bắt Thúc Sinh phải bỏ Thúy Kiều. Quan đã xử rất lạ rằng :" Một là cứ phép gia hình, một là lại cứ lầu xanh phó về !", Thúy Kiều đã nói thà chịu gia hình chớ không chịu về lầu xanh nữa, nên quan mới :

                               Dạy rằng :"Cứ phép gia hình"
                           BA CÂY chập lại một cành mẫu đơn.

     * BA CÂY là TAM MỘC 三木, Theo sách Hán Thư, Tam Mộc là ba thứ hình cụ ngày xưa dùng để tra khảo phạm nhân, đó chính là cái Gông Cổ, cái Kẹp Tay và cái Cùm Chân làm cho phạm nhân phải đau đớn mà khuất phục. Ta thấy cụ Nguyễn Du ví cô Kiều như một cành hoa mẫu đơn, mà bị BA CÂY chập lại để hành hạ, nên :
                              Phận đành chi dám kêu oan,
                         Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.
                               Một sân lầm cát đã đầy,
                        Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.


             

Inline image











Sau BA CÂY ta có ...

     * BA CÕI : là Tam Giới 三界. Theo sách nhà Phật có ba cõi trời, tức ba cõi thế giới, đó là : Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Ở cõi dục thì người ta ai cũng có thất tình lục dục. Ở cõi sắc thì người ta còn hình sắc nhưng không còn tính dục nữa và ở cõi vô sắc thì cả hình sắc cũng không còn nữa mà đã đạt đến đĩnh cực lạc. Trong Sãi Vãi cụ Nguyễn Cư trinh đã cho ông Sãi luận về chữ Vui như sau :

                      ... Trong BA NGÀN  Sãi vui để một bầu,
                          Ngoài sáu đạo Sãi vui thông TAM GIỚI.

     Còn trong truyện Quan Âm Thị Kính thì có câu :

                             Tranh đồ thập cúng treo bày,
                        Lòng đi BA CÕI hương bay chín trời !

Xin được nói thêm về chữ BA NGÀN...

      * BA NGÀN : là Tam Thiên Thế Giới 三千世界, theo Phật Giáo thì : Hợp một ngàn thế giới lại thì thành Tiểu Thiên Thế Giới, hợp một ngàn tiểu thiên thế giới lại là Trung Thiên Thế Giới và hợp một ngàn trung thiên thế giới lại là một Đại Thiên Thế Giới; gọi chung là Tam Thiên Thế Giới. Ở trên tham thiên thế giới còn có Hoa Nghiêm Thế Giới... Ý nói thế giới là vô lượng vô biên không sao tưởng tượng được !

Sau BA NGÀN ta có ...

     * BA DƯƠNG : là Tam Dương 三陽. Theo sách Chu Dịch thì Vật cực tất phản 物極必反. có nghĩa : Cái gì đến cùng cực thì tất sẽ sinh ra cái ngược lại. Dương Cực thì Âm Hồi và Âm Cực thì Dương Hồi. Mùa đông tháng mười là tháng lục âm, khí âm đã cực thịnh, âm tiêu thì dương trưởng, khí dương bắt đầu sinh ra, nên Tháng Mười Một là tháng Tý, thuộc quẻ Phục 復 là Nhất Dương Sanh, Tháng Mười Hai là Tháng Sửu, thuộc quẻ Lâm 臨 là Nhị Dương Sanh, và Tháng Giêng là Tháng Dần, thuộc quẻ Thái 泰 là Tam Dương Sanh. Vì thế nên Tết Nguyên Đán của tháng Giêng mới dùng câu Tam Dương Khai Thái 三陽開泰 mà chúc mừng cho năm mới mở ra vận hội mới, lấy Ý chữ Thái là Lớn, là Thông, như trong tiếng Việt ta thường nói "Hết vận Bỉ rồi thời lại Thái", hoặc "Bỉ cực thì Thái lai" và "Hết cơn Bỉ Cực, đến hồi Thái lai". Có nghĩa: Hết lúc Bế tắt, nghèo khó thì đến lúc Hanh Thông, khá giả ! Chữ DƯƠNG 陽 là Âm Dương đồng âm với chữ DƯƠNG 羊 là con Dê, nên ta hay thấy tranh vẽ hình ba con dê để tượng trưng cho TAM DƯƠNG KHAI THÁI là vậy !

      Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của ông vua Lê Thánh Tông có câu :

                           BA DƯƠNG đã gặp thuở thời vần,
                           Bốn bể đều mừng một chúa xuân.


          Inline image



     * BA ĐIỀU SỢ : là Tam Úy. Theo sách Luận Ngữ của Khổng Tử :" Quân tử hữu tam úy, úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn.君子有三畏,畏天命,畏大人,畏聖人之言。" Có nghĩa : Người quân tử có ba điều sợ, sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của bậc thánh nhân. Nho gia ngày trước thường hay lấy ba điều sợ kể trên để tự răn mình.
       Cũng trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, ông Sãi đã luận về những điều sợ, trong đó có câu :

                 ... Dương Quan Tây còn sợ có bốn hay,
                     Khổng Phu Tử những dạy Ba Điều Sợ ...

Sau BA ĐIỀU SỢ là ...

    * BA QUÂN : là Tam Quân 三軍. Theo sách Chu Lễ, đó là quy chế quân đội đời nhà Chu. Mỗi một QUÂN là Một vạn hai ngàn năm trăm người, Thiên tử thì có Lục Quân, còn chư hầu lớn chỉ được có Tam Quân, chư hầu vừa thì có Nhị Quân và chư hầu nhỏ thì chỉ có Nhất Quân mà thôi (giống như từ Quân Đoàn của ta bây giờ). Từ Ba Quân còn dùng để chỉ Binh Chủng ngày xưa là Bộ Binh, Kỵ Binh và Chiến Xa. Sau khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa thì Tam Quân dùng để chỉ bố cục của một cánh quân là Tiền Quân Trung Quân và Hậu Quân. Diễn tiến cho đến hiện nay, từ Tam Quân dùng để chỉ ba loại lính là Không Quân, Thủy Quân và Lục Quân. Nhưng dù với nghĩa nào thì từ TAM QUÂN đều có ý nói là : Toàn Thể Quân Đội.
       Trong Truyện Kiều. khi Từ Hải điều động quân đội cho đi bắt hết những người đã từng ngược đãi và hãm hại Thúy Kiều là :
                              BA QUÂN chỉ ngọn cờ đào,
                         Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Truy.



                  Inline image

Sau BA QUÂN là ...

     * BA SINH : là Tam Sinh 三生. Cũng theo giáo lý nhà Phật, con người ta chết đi rồi sẽ được luân hồi để sống kiếp sống khác. Nên Ba Sinh là ba kiếp sống liên tiếp : Kiếp trước Kiếp nầy và Kiếp sau. Trong văn học cổ, từ BA SINH thường dùng để chỉ tình duyên giữa trai gái với nhau, đã có duyên nợ với nhau từ kiếp trước truyền lại đến kiếp nầy, nên cũng hình thành một thành ngữ thông dụng là BA SINH HƯƠNG LỬA.
       Cũng trong Truyện Kiều, khi gặp được và phải lòng với Thúy Kiều, Kim Trọng đã cho là :

                              Ví chẳng duyên nợ BA SINH,
                      Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi !?

     ... và khi Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :

                              BA SINH đã phỉ mười nguyền,
                         Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
     
Sau BA SINH là ...

    * BA THÂN : là TAM THÂN 三身. Theo kinh điển Phật giáo là chỉ Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Cũng có thể chỉ Tiền thân (qúa khứ), Kim thân (hiện tại) và Hậu thân (vị lai). Hiểu theo nghĩa nầy thì BA THÂN cũng giống như là BA SINH vậy.
     Trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ kể lại mối tình giữa Bạch Viên (con vượn trắng) và chàng thư sinh tên Tôn Các có câu :
                            BA THÂN phú qúy nhờ ơn nước,
                            Đôi chữ khanh tương dõi phúc trời.

     Hoàng Sĩ Khải trong Tứ Thời Khúc Vịnh cũng có câu :

                          Tài vận gặp phong vân hội cả,
                         Thề BA THÂN hương hỏa có duyên.

Sau BA THÂN là...
                               
    * BA THU : là TAM THU 三秋. Có nhiều giải thích về từ Tam Thu nầy: Tam Thu là 3 tháng của mùa thu, là 90 ngày. Tam Thu là tháng thứ ba của mùa thu : là tháng 9. Tam Thu là 3 mùa thu là 3 năm. Xuất xứ của từ Tam Thu là từ chương Thái Cát, Vương Phong của Kinh Thi (诗·王风·采葛):

                   ... 彼采萧兮,  ... Bỉ thái tiêu hề,
                       一日不见,      Nhất nhật bất kiến,
                        如三秋兮...     Như tam thu hề ...
Có nghĩa :
          ... Kìa xem ai đó hái tiêu,
              Một ngày không gặp sáng chiều nhớ mong,
              Ngày dài như thể ba năm ...

      Trong Truyện Kiều, lúc tả Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã ví :

                          Sầu đong càng khắc càng đầy,
                       BA THU dọn lại một ngày dài ghê !...

      Trong truyện Lâm Tuyển Kỳ Ngộ tả lúc Tôn Các nhớ Bạch Viên cũng có câu:

                         Thành sầu muôn dặm chồng xây ngất,
                         Bể thảm BA THU chửa chất đầy !

Tương tự như BA THU, ta có từ ...

      * BA XUÂN : là TAM XUÂN là tháng thứ 3 của mùa xuân, mà cũng có thể hiểu là 3 tháng của mùa xuân, theo như hai câu thơ trong bài Du Tử Ngâm của Mạnh Giao đời Đường là :

                            Thùy ngôn thốn thảo tâm,   誰言寸草心,
                            Báo đắc tam xuân huy ?!    報得三春暉 ?!
 Có nghĩa : 
                  Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
                 Báo đền được nắng Ba Xuân ?!

       Mùa đông lạnh lẽo, cỏ chết rũ cả, chỉ sống lại trong ba tháng mùa xuân mà thôi, nên ánh nắng xuân đã tái sinh cây cỏ, thì với một tấc cỏ nhỏ nhoi làm sao báo đền được ánh nắng ấm áp của ba tháng mùa xuân. Cụ Nguyễn Du đã mượn ý của hai câu thơ nầy để nói lên tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều khi quyết định bán mình chuộc tội cho cha là :

                            Hạt mưa xá nghĩ phận hèn,
                     Liều đem tấc cỏ quyết đền BA XUÂN !

Cuối cùng ta có ...

    * BA MƯƠI SÁU CHƯỚC : là TAM THẬP LỤC CHƯỚC 三十六着 hay TAM THẬP LỤC KẾ 三十六計, là 36 kế sách trong binh pháp để thắng địch ngày xưa, sau nầy cả trong chính giới và đời sống bình thường cũng sử dụng, gồm có :
      1. Man thiên quá hải (瞞天過海) Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn.
      2. Vây Ngụy cứu Triệu (圍魏救趙) Tránh nơi địch mạnh nhất, đánh vào hiểm yếu khiến địch phải rút về.
      3. Tá đao sát nhân (借刀殺人) Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù.
      4. Dĩ dật đãi lao (以逸待勞) Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt.
      5. Sấn hỏa đả kiếp (趁火打劫) Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa để hành động.
      6. Thanh Đông kích Tây (聲東擊西), ta nói là Dương đông kích tây. Là vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại.
      7. Vô trung sinh hữu (無中生有). Không có mà làm thành có. Đặc điều để chia rẻ hoặc làm địch hoang mang.
      8. Ám độ Trần Thương (暗渡陳倉) Chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới. Lén tấn công địch bằng đường tắt. Cả câu là "Minh tu sạn đạo, ám độ trần thương". Ngoài sáng làm cho quân địch thấy là đang sửa sang sạn đạo, thực tế thì lén đi tắt ngã Trần Thương xuất kỳ bất ý đánh địch.
      9. Cách ngạn quan hỏa (隔岸觀火) Đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn.
      10. Tiếu lý tàng đao (笑裡藏刀) Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để kẻ địch biết. Bề ngoài hòa hoãn để dịch không phòng bị.
      11. Lý đại đào cương (李代桃僵) Mận chết thay đào, đưa người khác ra thế thân gánh vác tai họa cho mình. Ta nói là Lê Lai Cứu Chúa.
      12. Thuận thủ khiên dương (順手牽羊) Thuận tay dắt dê, phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay.
      13. Đả thảo kinh xà (打草驚蛇) Đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ mà lộ diện.Ta nói là Bứt mây động rừng.
      14. Tá thi hoàn hồn (借屍還魂) Mượn xác hoàn hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về.
      15. Điệu hổ ly sơn (調虎離山) Lừa cho hổ ra khỏi núi, khiến kẻ địch ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề tấn công. Dụ quân địch ra khỏi trại để cướp trại.
      16. Dục cầm cố túng (欲擒故縱) Muốn bắt thì phải thả.
      17. Phao chuyên dẫn ngọc (拋磚引玉) Ném gạch để dụ ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn. Ta nói là Bắt con tép nhử con tôm.
      18. Cầm tặc cầm vương (擒賊擒王) Bắt giặc, bắt vua trước.
      19. Phủ để trừu tân (釜底抽薪) Rút củi đáy nồi, đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua.
      20. Hỗn thủy mạc ngư (混水摸魚) Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế lộn xộn để ra tay đạt mục đích.
      21. Kim thiền thoát xác (金蟬脫殼) Ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp.
      22. Quan môn tróc tặc (關門捉賊) Đóng cửa bắt giặc, dồn giặc vào thế bí không thể chạy thoát.
      23. Viễn giao cận công (遠交近攻) Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực.
      24. Giả đồ phạt Quắc (假途伐虢) Mượn đường diệt Quắc, lợi dụng hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình.
      25. Thâu lương hoán trụ (偷梁換柱). Trộm xà thay cột, phá hủy cơ sở của địch.
      26. Chỉ tang mạ hòe (指桑罵槐) Chỉ cây dâu mà mắng cây hòe, còn có biến thể khác là chỉ chó mắng mèo, tấn công gián tiếp kẻ địch thông qua một trung gian khác.
      27. Giả si bất điên (假癡不癲) Giả ngu chứ không điên, làm cho quân địch coi thường mình mà không đề phòng.
      28. Thượng ốc trừu thê (上屋抽梯) Lên nhà rút thang, còn có biến thể khác là qua cầu rút ván (tức Quá giang trừu bản).
      29. Thụ thượng khai hoa (樹上開花) Trên cây hoa nở, Buộc hoa lên cây.
      30. Phản khách vi chủ (反客為主) Từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng.
      31. Mỹ nhân kế (美人計) Dùng gái đẹp để làm rối loạn quân địch.
      32. Không thành kế (空城計) Trong hoàn cảnh thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi.
      33. Phản gián kế (反間計) Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình.
      34. Khổ nhục kế (苦肉計) Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch.
      35. Liên hoàn kế (連環計) Sử dụng nhiều kế liên tiếp, muốn chiến thắng phải biết móc nối nhiều kế với nhau.
      36. Tẩu vi thượng sách (走為上策) “Thấy tiến được thì tiến, thấy khó thì nên lui”. Gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế.

      Sở Khanh đã gạt Thúy Kiều bỏ trốn theo mình, khi Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích với câu :

                                    Thừa cơ lẻn bước ra đi,
                            Ba Mươi Sáu Chước chước gì là hơn ?

      Trong Quan Âm Thị Kính cũng có câu :

                                   Bàn thấm mọi lẽ thấp cao,
                            Ba Mươi Sáu Chước chước đào là hơn.
   
                                                                       Hẹn bài viết tới.

                                 ĐỖ CHIÊU ĐỨC
   


   

Không có nhận xét nào: