CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 67 : LƯU - ĐỖ CHIÊU ĐỨC



Chieu Duc
19:13, Th 6, 11 thg 9 (12 giờ trước)


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 67 :  

                                                 LƯU

                                 Inline image
                                      Nhớ xưa Dương Lễ Lưu Bình,
                                 Thi thư báu nước trâm anh dấu nhà.

        Đó là hai câu thơ mở đầu cho truyên thơ Nôm khuyết danh LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ 劉平楊禮 sau khi đã giáo đầu bằng các câu cương thường về bằng hữu và vợ chồng. LƯU là họ Lưu, trong văn học cổ ngoài Lưu Bình của văn chương Việt Nam ra, người mà thường được nhắc tới nhất là tay bơm nhậu LƯU LINH đời Tấn. Theo tích sau đây :

                                   Inline image

      LƯU LINH 劉伶 (221-300), tự là Bá Luân, người đất Bái (tỉnh An Huy ngày nay), là một trong Trúc Lâm Thất Hiền, từng giữ chức Kiến Uy Tham Quân. Đời Tấn Võ Đế từng hiến kế sách theo Lão Trang "Vô Vi Nhi Trị 無為而治", nên bị bãi quan. Lưu Linh bình sinh thích uống rượu, từng sáng tác bài "Tửu Đức Tụng 酒德颂" để ca ngợi cái đức của những người uống rượu, cuộc sống phóng túng và xem thường Lễ Pháp của Nho gia. Lưu Linh nổi tiếng với với câu nói "Phụ nhân chi ngôn, thận bất khả thính 婦人之言,慎不可聽 !" Có nghĩa : Lời nói của đàn bà, phải nên cẩn thận mà đừnng vội nghe theo !. Truyện kể rằng một hôm, Lưu Linh ghiền rượu nên năn nỉ vợ mua rượu về cho mình uống. Bà vợ mới khóc và can rằng : Rượu rất có hại cho sức khỏe, chàng nên cai bỏ đi là hơn. Thấy vợ khóc can thảm thiết, Lưu Linh mới nói rằng : Tự mình ta không thể cai rượu được, thôi thì nàng giúp ta nấu một mâm cơm rượu để ta van vái thần linh giúp ta bỏ rượu là xong. Vợ nghe mừng quá, bèn nấu một mâm rượu thịt để cho Lưu Linh tế thần. Lưu Linh qùy trước thần linh khấn rằng : Trời sinh ra Lưu Linh là để uống rượu, mỗi lần uống ít nhất phải một đấu, uống đến 5 đấu mới hết bệnh ghiền. Lời nói của đàn bà, xin thần linh cẩn thận chớ vội tin !. Nói xong bèn bóc thịt mà ăn rồi cầm bình rượu lên tu một hơi. Bà vợ thở ra mà than rằng : Lại say xỉn nữa rồi !.

       Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả nàng cung nữ làm thơ giỏi hơn Lý Bạch, vẽ giỏi hơn Vương Duy, đánh cờ giỏi như Đế Thích và uống rượu thì giỏi như là Lưu Linh vậy :

                               Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
                         Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.
                               Cờ tiên rượu thánh ai đang,
                          LƯU LINH Đế Thích là làng tri âm !

        Còn trong Lưu Bình Dương Lễ Tân Truyện thì Lưu Bình sau khi thi đậu cũng cưới được vợ giỏi :"Công danh đã nhẹ gót tiên, Thất gia lại gặp lương duyên Tấn Tần" và hai vợ chồng đều cùng làm thơ như Lý Bạch và uống rượu tựa như Lưu Linh :

                                   Khi thơ các, lúc rượu lầu,
                           Gieo vần Lý Bạch, giốc bầu LƯU LINH.
        
       LƯU TINH 流星 là sao sa, còn LƯU HỒNG 流虹 là Cầu vòng sa xuống. Theo Thượng Cổ Sử, bà mẹ Nữ Tiết 女節 thấy sao kết lại như cầu vòng sa xuống Hoa Chữ (bến Hoa), sau sinh ra Thiếu Hạo 少昊 là con út của Huỳnh Đế, nối ngôi xưng là Đế Chấp 帝挚. Nên trong văn học cổ mượn tích LƯU HỒNG để chỉ điềm sinh ra bậc đế vương. Trong Đại nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái nói về Lạc Long Quân như sau :

                               Bến Hoa ứng vẻ LƯU HỒNG,
                             Sinh con là hiệu Lạc Long trị vì.

                      Inline image

       LƯU HỒNG là Cầu Vòng, còn LƯU TÔ 流蘇 là cái viền mùng, viền màn của các rèm cửa có tua đẹp đẽ, cũng thường dùng để trang trí cho các cờ xí lọng che... 
       Trong "Tứ Thời Thi" của Nữ sĩ Ngô Chi Lan thời Lê Mạc trịnh Nguyễn, bài Đông Từ có cặp luận như sau :

                    美人金帳掩流蘇,  Mỹ nhân kim trướng yễm LƯU TÔ,
                    紙護雲窗片片糊。  Chỉ hộ vân song phiến phiến hồ.
     Có nghĩa :
                      Người đẹp màn vàng phủ nhiễu tô,
                      Bên song cản gió giấy thoa hồ. 

         Còn trong thơ truyện Nôm Quan Âm Thị Kính cũng có câu :

                               LƯU TÔ sương gió lọt vào,
                        Đem mâm mà chứa ngọc dao hẵn đầy.

         Nhắc đến LƯU thì cũng không thể thiếu thành ngữ LƯU THỦY CAO SƠN, Cao Sơn Lưu Thủy cũng thế. Đó là tên của các bản đàn nổi tiếng từ thời Chiến Quốc theo tích sau đây : Theo Chiến Quốc Sách Liệt Ngự Khấu Trứ 战国列御寇著 ghi về chuyện Bá Nha Tử Kỳ như sau :

        Du Bá Nha 俞伯牙 phụng mệnh vua Tấn đi sứ sang nước Sở. Đêm rằm tháng tám, thuyền vừa vào đến Hán Dương, gặp lúc mưa to gió lớn, nên ghé vào một mé núi nhỏ để tránh gió. Đêm xuống, gió lặng mây tan, vầng trăng rằm sáng vành vạnh trên sông nước, cảnh sắc thật hữu tình. Bá Nha bèn lấy cây dao cầm ra nắn nót phím dây và đàn một khúc. Đang lúc thả hồn vào cung đàn phím nhạc, mơ hồ như thấy có bóng người trên bến nên phân tâm, tay bấm mạnh vào phím đàn đánh "chát" một tiếng, đàn đứt mất một dây và tiếng đàn im bặt. Bỗng nghe tiếng người trên bờ nói vọng xuống rằng :" Xin tiên sinh chớ ngại, tôi là người đốn củi về muộn, đi đến đây nghe được tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, nên nán lại chưa nở rời đi ".     
     Nương theo bóng trăng, Bá Nha nhìn kỹ người trên bến, quả nhiên là một tiều phu với gánh củi còn để một bên, thầm nghĩ : Chỉ là một người đốn củi, làm sao nghe hiểu được tiếng đàn của ta chứ ?. Bèn cất tiếng hỏi rằng :" Các hạ nghe hiểu tiếng đàn của ta, thì có thể nói thử xem khi nảy ta đang đàn khúc gì ?". Người tiều phu bèn đáp rằng :" Thưa tiên sinh, lúc nảy ông đang đàn khúc Khổng Tử tán thán đệ tử Nhan Hồi. Rất tiếc là tiên sinh mới đàn đến câu thứ tư thì dây đàn bị đứt ".

                                     Inline image

     Nghe người tiều phu đối đáp trôi chảy, Bá Nha rất ngạc nhiên và cũng vô cùng mừng rỡ. Bèn mời tiều phu lên thuyền để đàm đạo , người tiều phu vừa trông thấy cây đàn của Bá Nha, bèn khen rằng :" Đây là cây dao cầm, tương truyền là của vua Phục Hi chế tạo ra ". Bèn kể lại lai lịch, quá trình chế tạo và xuất xứ của cây đàn. Bá Nha nghe xong càng khâm phục cho kiến thức của người tiều phu hơn. Đoạn mời người tiều phu nghe thêm vài khúc đàn nữa. Khi Bá Nha cất cao tiếng đàn lên thật hùng tráng, thì người tiều phu khen :" Vòi vọi thay núi cao hùng vĩ, chí tại CAO SƠN ". Khi Bá Nha hạ tiếng đàn xuống cho thanh thoát trôi chảy, thì tiều phu lại cất tiếng khen rằng :" cuồn cuộn thay như nước trường giang, ý tại LƯU THỦY ". 
      Bá Nha nghe xong rất lấy làm vui dạ, trước đây chưa từng có người hiểu được tâm sự của ông gởi gấm qua tiếng đàn, mà trước mắt, người tiều phu nầy lại làm được việc đó. Không ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc nầy lại có được một TRI ÂM (người hiểu được tiếng lòng của người khác qua âm nhạc) mà bấy lâu nay ông cố tìm vẫn không gặp được. Bèn đứng dậy thi lễ, rót chén rượu mời và cùng xưng tên họ với nhau. Thì ra người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ, làm nghề đốn củi độ nhựt. Hai người càng đàm đạo càng hợp ý hơn. Cuối cùng dưới vầng trăng thu sáng vằng vặc họ đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha lớn hơn nên làm anh, hỏi Tử Kỳ rằng :" Với tài năng và học thức của hiền đệ sao không ra kiếm chút công danh mà lại cam nghề đốn củi ?" Tử Kỳ cho biết là vì mình còn phải phụng dưỡng cha già, nên mới ẩn nhẫn đợi thời. Vì công vụ chưa xong, nên Bá Nha không có thời gian lên bái kiến cha của Tử Kỳ. Trước khi chia tay, hai người bạn cùng hẹn nhau rằm Trung Thu sang năm sẽ lại gặp nhau trên bến sông nầy.   

                                     Inline image
   
    Trung Thu năm sau, Bá Nha y hẹn, ghé thuyền lại bến Hán Dương chờ bạn. Nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi, bèn đem đàn ra mà đàn một bản, ý muốn kêu gọi bạn tri âm, nhưng tri âm vẫn bằng bặt bóng hình. Sáng hôm sau, Bá Nha lên bờ, lần mò vào thôn để hỏi thăm về tin tức của Tử Kỳ. Một ông già nghe hỏi, bèn khóc òa lên, cho biết mình chính là cha của Tử Kỳ đây. Sau Trung Thu năm rồi, Tử Kỳ đã nhuốm bệnh và qua đời, trước phút lâm chung, còn trối lại là hãy chôn mình ở bờ sông để Trung Thu năm tới còn nghe được tiếng đàn của Bá Nha như đã ước hẹn.
    Nghe lời nói của Chung Lão, Bá Nha đau buồn vô hạn, tìm đến bên mộ của Tử Kỳ, trịnh trọng đặt cây dao cầm trước mộ, rồi ngồi xếp bằng mà đàn lại khúc "CAO SƠN LƯU THỦY" năm xưa. Đàn xong bèn gạt đứt hết dây đàn, đứng dậy nâng cây dao cầm lên cao đập mạnh xuống tảng đá xanh trước mộ. Cây đàn " bùng " lên một tiếng bể tan tành ! Ba Nha bèn khóc mà ngâm rằng :

                      Inline image

              摔碎瑶琴鳳尾寒,  Suất toái dao cầm phụng vĩ hàn,
              子期不在向誰彈?  Tử Kỳ bất tại hướng thùy đàn ?
              春風满面皆朋友,  Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
              欲覓知音難上難。  Dục mịch TRI ÂM nan thượng nan !
  Có nghĩa :
                Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
                Đàn vắng Tử Kỳ đàn với ai ?
                Mát mặt gió xuân đều bạn hữu,
                TRI ÂM đâu dễ gặp lần hai !

      Quả là " Dục mịch tri âm nan thượng nan ": Muốn tìm được một người tri âm là "khó trên khó". Có nghĩa là Khó vô cùng ! Hiểu nhau đã khó, hiểu cả tiếng đàn của nhau càng khó hơn nữa. 

      Trong Lưu Bình Dương Lễ Tân Truyện được in dưới thời vua Khải Định, khi Lưu Bình thi đậu đi tìm lại Dương Lễ. Biết được bạn đã âm thầm giúp mình dùi mài kinh sử để chiếm bảng vàng. Hai người đã cùng thù tạc đàn cầm với nhau :

                                 Xưa nay trong khúc đàn cầm,
                          CAO SƠN LƯU THỦY tri âm mấy người ?!

      Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng cũng có câu :

                                 Gió đưa nhẹ mái thuyền lan,
                        Điệu xoang LƯU THỦY, cung đàn CAO SƠN.
       
      Cuối cùng, ta có LƯU NGUYỄN lạc Thiên Thai. Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄)chép rằng :

                                 Inline image

      Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế (Công nguyên năm 62), người đất Diễm (thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay) là LƯU THẦN 劉晨 và NGUYỄN TRIỆU 阮肇 vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng  lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : "Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ?" Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn, tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên nữ trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !...

                       Inline image

      Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại. Được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp...như tiên, nhưng khi nghe tiếng tử qui gọi xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê càng mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa !... 
       Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng : Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi !. Hai người đành quay trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa ! 

                              Inline image

       Trong truyện thơ Nôm Nữ Tú Tài, sau khi biết Tuấn Khanh là nữ cải nam trang, tên là Phi Nga thì :

                              Soạn Chi nghe nói tỏ tường,
                    Khác nào LƯU, NGUYỄN gặp nàng tiên nhân.

       Trong bản nhạc Thiên Thai nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao bắt đầu bằng lời hát :

       "Tiếng ai hát chiều nay vang rền trên sóng, nhớ LƯU NGUYỄN ngày xưa lạc tới đào nguyên..."

       Mời tất cả cùng nghe lại bản nhạc bất hủ nầy với giọng hát cũng bất hủ cao vút của nữ ca sĩ bất hủ Thái Thanh !
                                          


Thiên Thai - Văn Cao - Tiếng Hát Thái Thanh


Thiên Thai - Văn Cao - Tiếng Hát Thái Thanh - YouTubewww.youtube.com › watch

             Hẹn bài viết tới !

                                         杜紹德
                                      ĐỖ CHIÊU ĐỨC
  


Không có nhận xét nào: