TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU HAI TÁC PHẨM CUẢ TÁC GIẢ NGUYỄN AN BÌNH.
ĐÊM TRĂNG ĐỌC THƠ ĐƯỜNG
(ĐƯỜNG THI NGẪU DỊCH)
TẬP 1
Tác giả: NGUYỄN AN BÌNH
Tác phẩm gồm 101 bài thơ của các thi nhân đời Đường được Nguyễn An Bình ngẫu dịch theo phong cách riêng của mình
. Sách dày 216 trang do NXB Hội Nhà Văn cấp phép sẽ phát hành trong quý IV-2020 giá 120.000 đồng.
TIẾNG ĐÀN ĐÁ TRÊN ĐỈNH SƠN TRÀ
Tập truyện ngắn gồm 15 truyện ngắn được tác giả viết trong nhiều năm, có lời giới thiệu và cảm nhận của nhà văn HOÀI HƯƠNG và nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN.
Sách dày 272 trang, giá 130.000 đồng do NXB Thanh Niên cầp giấy phép năm 2020
*Các bạn yêu văn hay muốn ủng hộ xin mail cho tác giả:
luongmanh2106@gmail.com hay số điện thoại: 0909697644
Lời giới thiệu:
1/ NHƯ NHỮNG KHÚC TÌNH CA GAM THỨ DỊU DÀNG
* Nhà văn HOÀI HƯƠNG
Có thể chính từ việc cùng quê miền Tây Đô Cần Thơ “gạo trắng nước trong” mà tôi có duyên gặp và làm quen với nhà thơ Nguyễn An Bình. Rồi cũng từ sự tò mò về một người thơ miền Tây Nam bộ, tôi đọc tiểu sử văn học của ông mà ngưỡng mộ, hơn nửa thế kỷ với bề dày và độ chín trong văn đàn đã lan rộng trong nước và hải ngoại, hiện tại là 17 tập thơ - văn – ca khúc phổ thơ đã được xuất bản, từng có rất nhiều tác phẩm thơ được chọn đăng trên các tạp chí Văn, Văn học, Tuổi Ngọc… trước năm 1975, và nhiều trang văn học của truyền thông Việt Nam sau năm 1975…
Đến khi tôi được ông tặng cho 5 cuốn ca khúc phổ thơ của ông với gần 500 bài: “Tình thơm màu giấy mới”, “Qua miền đất nhớ”, “Về phương Nam tìm một cánh cò”, “Lời hẹn cỏ may”, “Dấu chim bay”, và khi tôi viết những dòng này, về cuốn sách mới nhất của ông trong năm 2020, tập truyện ngắn “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà”, còn biết thêm số ca khúc phổ thơ ông đã lên con số gần 700 bài, thì trong tôi không chỉ là ngưỡng mộ mà sự khâm phục sức lao động nghệ thuật của một người thơ tài hoa… Vâng! Cho phép tôi được gọi ông là “ngừoi thơ”.
Đọc thơ ông, luôn cảm giác trong thơ có nhạc, với những ngôn từ ngọt ngào thấm đẫm tình quê hương đất nước, có lẽ thế mà các nhạc sĩ đã đồng điệu mà phổ nhạc vào lời thơ, làm nên những ca khúc mượt mà, tha thiết, mang đậm hồn Việt. Và khi ông gửi tôi tập bản thảo “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà”, tôi đã mang tâm cảm thơ, đọc 15 câu chuyện ngắn của ông: Chuyện tình trên Phá Tam Giang, Chuột và người, Nguồn cội, Bến sông quê, Tình yêu màu hoa anh đào, Xóm trọ, Sông Ba mùa lũ, Trên đồi sương, Mùa chim dồng dộc, Sông ngoài kia vẫn chảy, Chuyện của hai người, Bên dòng Potomac, Tấm thẻ bài, Còn xanh bóng núi, Tiêng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, như đọc những câu chuyện thơ đầy nhạc cảm, những khúc tình ca gam thứ dịu dàng man mác, dù trong các câu chuyện đó, có vui có buồn, có vơi đầy tình người, có đắng đót xót xa, có thênh thang nỗi nhớ, có diệu vợi tình quê, có thao thiết yêu thương, có chênh chao xứ người, có mộng mơ lãng đãng, có liêu trai sương khói, có mơ hồ vênh vao kiếp người…
Vượt qua cảm xúc những câu chuyện đời, chuỵện tình làm ám ảnh khôn nguôi về kiếp người, sao có phận khổ đến tận cam lai, hay long đong lận đận liên miên đến thế, hoặc về số phận những cuộc tình có khổ trước vui sau, sướng đó lại khổ ngay đó, hợp tan như mây khói gió đùa, phải vượt ngàn trùng xa cách đầy trắc trở rồi mới lại trùng phùng hạnh phúc…Đọc tập truyện “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà”lại là khám phá thú vị bao nét văn hóa tinh tế, cung cấp thêm chút ít kiến thức về các miền đất Việt hay ở những phương trời xứ bạn.
Đọc Chuyện tình trên Phá Tam Giang, có thêm hiểu biết thế nào là “thả lừ”, “mò trìa” để bắt tôm cua cá, “nò sáo” nuôi trồng thủy hải sản… Hay trong Bến sông quê, có thể biết thêm ít bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ với các bản cổ như: “khốc hoàng thiên”, “trăng thu dạkhúc”, “tam xuân”, “phụng hoàng”, “kim tiền bản”, “vọng kim lang”, “văn thiên tường”, “phi vân điệp khúc”..., các điệu lý:“lý giao duyên”, “lý con sáo”, “lý cái mơn”…
Đọc Sông Ba mùa lũ, là có thể hình dung con sông“bắt nguồn từngọn núi Ngọc Rô tuốt trên vùng đất đỏ ba-zan Tây Nguyên, chảy qua mấy tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai rồi xuôi vềPhú Yên theo cửa Đà Diễn ra biển khơi. Hàng nghìn năm nay đã chuyên chởbiết bao phù sa màu mỡ tưới cho cánhđồng lúa Phú Yên đểnó trởthành vựa lúa lớn nhất miền Trung nầy…”.
Và một cảnh tượng tuyệt mỹ trong khu rừng rậm nhiệt đới có thể làm ngây ngất bạn đọc dù chỉ là ngôn từ: “Một đàn bướm đủ màu sắc, anh nhận ra có nhiều loài bướm đẹp đặc trưng của Sơn Trà như bướm phượng đuôi kiếm, bướm phượng đốm vàng, bướm phượng đen đuôi vàng... bay hàng đàn theo bước chân anh như tiễn anh xuống núi giống như ngày xưa các nàng tiên nữ tiễn đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu về trần gian vậy…”- Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà
Trong câu chuyện Sông ngoài kia vẫn chảy, ngoài việc cung cấp cho bạn đọc “quy trình” làm chiếc ghe xuồng: “Làm ghe xuồng- Để hoàn thành một chiếc xuồng đạt yêu cầu, phải qua nhiều công đoạn vất vả từ việc cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn... trong các khâu đó khâu ráp cong là khâu quan trọng nhất quyết dịnh đến chất lượng của sản phẩm”..., thì cách tả dọc ngang đời thương hồở miền Tây Nam bộ, qua câu văn mà thấy cả miền sông nước với những cái tên đầy ấn tượng, hình dung ra một miền nước châu thổ sông Mekong thi vị và kỳ bí để khám phá trong một chuyến du lịch nào đó trong tương lai: “Ráng chiều, Ngàn lại lang thang trên sông nước cùng chiếc ghe hàng bông của dì Tư, khi thì qua Cái Sâu, Mái Dầm, Phú Hữu khi thì ngược lên Vàm Xáng, Phong Điền, Cầu Nhiếm, Ba Xe, có lúc lại trẩy lên Ô Môn, Thới Lai CờĐỏ, nơi nào có khách thì thuyền cứ đi, nơi nào có bến thì thuyền neo đậu lại..”
Đặc biệt là trong câu chuyện Tình yêu màu hoa anh đào, thật thú vị khi tác giả cung cấp cho bạn đọc ít kiến thức về hoa anh đào ở Nhật mà không phải ai cũng có thể nhận biết, nếu như không phải một người có sự quan sát tỉ mỉ và tìm hiều cặn kẽ: “ỞNhật có mấy trăm loài hoa anh đào khác nhau như Nhiễm Tĩnh Cát Dã Anh(Somei Yoshino Zakura) hoa có màu hồng nhạt hay trắng. Vẻngoài của chúng đặc biệt đẹp nhờvào lá cây không trồi ra cho tới mùa cao điểm hoa nở. Hoa có sắc hồng chuyển dần sang trắng, các biểu tượng hoa sakura đều bắt đầu từloài nầy. Còn có Sơn Anh(Yama Zakura) cũng màu hồng nhạt, hoa năm cánh nhưng nhỏhơn, Chi Thùy Anh(Shidare Zakura), hoa màu hồng có những nhánh rũ xuống, rồi Hàn Anh(Kanzakura) là loại hoa anh đào nởsớm, Hà Tân Anh(Kawazu Zakura). Hàn Phi Anh hoa có màu đỏđậm giống như cái chuông… Hàn Phi Anh có thể rộ nở từ tháng 1…, có loai nở rất muộn như Nhất Diệp Anh(Ichiyou Zakura) nở vào cuối tháng tư một bông có khoảng 20 cánh, rồi Uất Kim(Ukon) hoa có màu vàng nhạt, Anh Đào Hoa Cúc(Kikuzakura) có khoảng 100 cánh trong một bông, đặc biệt là Anh Đào Mùa Thu(Jugatsuzakura) thời gian nởtừtháng mười đến tháng một và mùa xuân, là một trong những loài hoa nở vào mùa thu và mùa đông…”
Khi nói về một con sông ở Thủ đô nước Mỹ, tác giả tả ngọn nguồn sông, để qua đó cho bạn đọc có thể hình dung dòng chảy như đang được “xem” thực địa: “…sông Potomac bốn mùa trong xanh hiềnhòa, nó là một trong những con sông dài nhất nước Mỹ, Potomac khởi nguồn từtiểu bang West Virginia và lần lượt chảy qua các tiểu bang Maryland, Virginia và Washington DC. Đoạn sông chảy qua Virginia là dài nhất, bởi khi vào tới tiểu bang Virginia dòng sông uốn khúc nhiều lần khi nối với các phụlưu nhỏvà mỗi lần tiếp nhận thêm một phụlưu, dòng sông lớn hơn cho tới khi chạm mặt với thủđô Washington DC thì dòng Potomac đã trởthành mênh mông khi xuôi vềphía nam đổvàovịnh Chesapeakerồi hòavào Đại Tây Dương…- Bên dòng Potomac
15 câu chuyện trong“Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà”của người thơ Nguyễn An Bình có thể nói là 15 cung bậc của tình yêu, mà ở đó, chữ “tình” giống như chủ thể để biến tấu những gam màu sắc cuộc đời hoặc đắng ngọt, day dứt, chung chiêng đến thương những mảnh đời bất hạnh, hoặc hạnh phúc được sẻ chia, hạnh phúc khi đoàn tụ, hạnh phúc tìm được nhau để có nhau, hạnh phúc khi biết về nguồn cội…
Những câu chuyện tình yêu trai gái tình tiết không tạo sốc, không có những tình huống gay cấn, nhưng luôn làm xốn xang trái tim bạn đọc bởi cái thương khó, chông chênh. Không thể không thương cặp đôi trai gái người mất mẹ kẻ mồ côi cha, cùng có hiếu với người còn lại, cùng chịu thương chịu khó, cùng sớt chia cho nhau vui buồn, tựa vào nhau, để rồi gắn bó với nhau ăn đời ở kiếp hạnh phúc như trong Chuyện tình trên Phá Tam Giang.Cũng như cảm thông và cầu mong cho nhân vật Ngàn trong Sông ngoài kia vẫn chảy tìm được niềm vui với mối tình thanh mai trúc mã, đi theo tiếng gọi trái tim, vừa là trả ân tìnhcho những người đã cưu mang cuộc đời, vừa là theo tiếng gọi của dòng sông, của kiếp thương hồ gắn bó từ trong máu thịt…Và có chút ngậm ngùi đồng thuận với tác giả về một tình yêu bị phản bội, bị xem thường như trò lừa dối để mang lợi cho mình trong câu chuyện tình buồn Chuyện hai người.
Trong tập truyện ngắn này có hai câu chuyện tình dễ thương vừa mộng vừa thực, vừa lãng mạn vừa sương khói liêu trai, đều cùng đề cập đến cái đẹp, một cái đẹp nghệ thuật do con người tạo tác, một vẻ đẹp của thiên nhiên của môi trường, đều có một chàng trai đi tìm một người con gái… Trên đồi sương, như câu chuyện “châu về hợp phố”, một bản tình ca ngọt ngào với giai điệu ban đầu có chút trắc trở, để rồi cái kết đẹp như thơ, chàng họa sĩ đã gặp lại người con gái – nguyên mẫu trong bức tranh của mình trong một hoàn cảnh khá cảm thương- nàng bị tai nạn và mất trí nhớ, và rồi tình yêu chân thành từ trái tim cộng vẻ đẹp bất tử của nghệ thuật đã làm nên điều kỳ diệu. Còn câu chuyện thứ hai, cũng là câu chuyện kết của tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà, một câu chuyện tình liêu trai kỳ ảo giữa một nghệ sĩ nhiếp ảnh, không phải với hồ tinh mà với một linh trưởng của rừng Sơn Trà, vọoc Chà vá chân nâu đầy mê hoặc trong vẻ đẹp hoang dã cũng như chất kỳ ảo của tiếng đàn đá- âm thanh của đại ngàn. Một câu chuyện mà qua đó còn chứa nhiều thông điệp về bảo vệ giữ gìn môi trường thiên nhiên, đừng vì lợi nhuận đồng tiền mà phá hủy vẻ đẹp và những bảo vật thiên nhiên ban tặng cho con người.
Và tiếp nối theo mạch bảo vệ thiên nhiên, câu chuyện Sông Ba mùa lũ là một gam buồn cảnh báo những hiểm họa khôn lường do con người nắn sóng đổi dòng những con sông Trời cho, để khi thì đồng khô ruộng hạn nứt nẻ, khi thì ngập úng lũ lụt mênh mang..
Có một câu chuyện trong tập truyện này khá sốc, nó gần như mang màu sắc lạ, và thật sự đọc xong vẫn ám ảnh đền rùng mình nổi gai người. Câu chuyện Chuột và người, miêu tả cảnh bắt chuột cống hàng đêm của một tay “săn chuột” bán cho các nhà hàng đặc sản có thể thu nhập tiền triệu mỗi đêm. Một con người tử tế đàng hoàng, rồi sa cơ, rồi biến mình thành một loài “chuột” làm cái nghề kinh khủng…. Một câu chuyện không chỉ buồn mà còn chuyển khá nhiều những nghĩ suy về cuộc sống, con người, trách nhiệm, sự dối gian, thú ăn chơi bất chấp…
Quê hương trong thơ của người thơ Nguyễn An Bình như một chủ thể thống nhất trong các tác phẩm thơ của ông, thì ở trong tập truyện ngắn này, ông cũng không bỏ qua “sở trường” của mình để viết hai câu chuyện đầy xúc động: Nguồn cội- nói về những em bé trong chiến dịch “Operation Babylift” của Mỹ di tản trẻ mồ côi ra nước ngoài trước ngày 30/4/1975, tìm về nguồn cội quê hương của mình; Truyện thứ hai là Mùa chim dồng dộc- Một câu chuyện tình yêu được viết qua những ký ức hoài niệm đẹp về loài chim dồng dộc ở quê nhà, loài chim cần cù chịu khó làm tổ đẻ trứng nuôi con mỗi mùa, để rồi sau đó lại cặp kè nhau tung cánh bay đi về một miền xa tiếp tục sinh sống và trưởng thành…
Tình người trong tập truyện “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà” là những câu chuyện cảm động và có thể nói gây xúc động tận tam can bạn đọc. Một Xóm trọ toàn những dân nghèo thênh nghèo thang ở tứ xứ tụ lại, làm nghề cũng đa nghệ, tính cách thành phần tuổi tác cũng đầy phức tạp, nhưng được cô chủ trọ có tình, không quá ngặt nghèo lấy tiền trọ, cảm thông với sự khó của mọi người mà tò ra hào phóng, kháong đạt, lại luôn tìm cách động viên để người ở trọ có thêm động lực mà sống trong lạc quan.Còn xanh bóng núi, câu chuyện buồn the thắt của người đàn ông cựu chiến binh chiến trường K, bị vợ ruồng rẫy, rồi con chết vì bệnh, bên cạnh đó là câuu chuyện một cô sinh viên bị lừa rồi mang bầu, sinh con và bỏ con… Người đàn ông sau đó dang tay mở trái tim dốc công nhận nuôi bầy trẻ bị mẹ bỏ hay mồ côi như niềm vui cuộc đời. Cô gái sau khi tốt nghiệp có công ăn việc làm đàng hoàng, chuộc lỗi xưa bằng cách luôn góp tiền bạc giúp dỡ người đàn ông nuôi bầy trẻ, rồi biết con mình trong số trẻ nít đó… Và cái kết có hậu cho những người hảo tâm nhân hậu, họ đã cùng nắm tay chăm sóc bầy trẻ.
“Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà” có ba câu chuyện về người Việt xa xứ: Tình yêu màu hoa anh đào; Bên dòng Potomac, Tấm thẻ bài. Cảm giác như gam màu lạnh trong chuyện với những số phận xa xứ nhiều tâm sự, ngồn ngang những mảnh đời, vất vả trong mưu sinh…, nhưng câu chuyện lại thật ấm áp. Ấm từ màu hồng hoa anh đào Nhật Bản để sưởi những trái tim lao động Việt, ấm từ ngọn gió trên dòng Potomac vô tình hay hữu ý đã gắn kết hai con người tưởng như đã không còn có thể gặp lại nhau, ấm từ giai điệu ca khúc Somewhere my love trong phim Docter Zhivago để gắn với cuộc tình với cô gái tên Hà…
Tập truyện ngắn “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà”của nhà thơ Nguyền An Bình khá chân phương trong ngôn ngữ, nhiều phương ngôn mang phong cách Nam bộ, giống như một cách kể rỉ ra câu chuyện, không ồn ào, không náo nhiệt, như nhữngkhúc tình ca gam thứ giai điệu dịu dàng len lỏi, thấm dần vào tâm hồn bạn đọc, gây cảm xúc nhớ nhớ thương thương, chút hoài cảm mơ màng… Đặc biệt, có lẽ là người thơ viết văn, nên trong nhiều đoạn truyện chất thơ rất nhiều.
Một tập truyện đọc để cảm để rồi khó quên.
Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn An Bình đã từng nói: Làm thơ viết văn là một cái nghiệp mà tôi tự tìm đến một cách hân hoan và tự nguyện, mãi mãi đi trên con đường đó dù biết nhiều gập ghềnh chông gai lẫn những cạm bẩy nhưng con đường đó lại chứa đầy hạnh phúc và niềm hoan lạc không bến bờ.
Chúc Phúc con đường văn nghiệp của anh sẽ được nhiều hoan lạc./.
Tp. Hồ Chí Minh 6.6.2020
2/ NGUYỄN AN BÌNH và TIẾNG ĐÀN TRÊN ĐỈNH SƠN TRÀ
* TRƯƠNG VĂN DÂN
Trong khoảng thời gian chừng 5,7 năm trở lại đây, người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất ở Việt Nam có lẽ là nhà thơ Nguyễn An Bình. Điều này khẳng định thơ của anh tạo được cảm xúc trong lòng các nhạc sĩ và được nhiều nhạc sĩ yêu quý: Nguyễn An Bình đã có hơn 700 bài thơ phổ nhạc, một con số kỷ lục!
Lý giải về điều đó, nhà văn Nguyên Cẩn cho rằng “Thơ Nguyễn An Bình giàu nhạc tính, những bài thơ của anh, vần điệu du dương, dễ gợi ý hay nhạc hứng trong lòng các nhạc sĩ, từ thơ bốn chữ , năm chữ , sáu chữ …
Em tươi non như ngàn lá,
Môi hồng thơm cánh lưu ly.
Về ngang nhà thờ ngày nọ,
Chuông mơ còn dấu tình si. ( Mùa thu xuống phố )
Chúng ta đọc tiếp
Về đâu sông ơi,
Sao đi mải miết .
Đưa người xa người
Tháng năm biền biệt. (Về đâu sông ơi )
…đến thơ tám chữ
Nghe ai hát bản tình ca say đắm,
Khúc boléro chiều mượn chút men cay.
Tôi và em tình một thời lận đận,
Lan huệ thương hoài một sợi tóc mai” ( Khúc tình sầu boléro)
Nhà văn Nguyên Cẩn còn gọi Nguyễn An Bình là nhà thơ của tình yêu vì “Tình yêu luôn tồn tại trong mọi bài thơ, luôn trẻ trung, luôn thao thức dù ở tuổi nào…Ta ngờ như tác giả vẫn nuôi dưỡng tình yêu trong tâm hồn mình… Những cảm xúc không trôi đi mà đọng lại, thời gian và không gian đặc quánh tình yêu từ khi yêu 16 đến hơn 60 không có tuổi, mà chỉ có những rung động bao giờ cũng bồi hồi .”
Như thế thì tâm hồn Nguyễn An Bình là của chất thơ và vần điệu nên khi nhận được tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà… tôi vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Tất nhiên nhiều nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi gần đây không ít, những lúc ấy tôi chợt nhớ đến một giai thoại mà Nguyễn Tuân đã kể: “Khi viết văn bí chữ, nhà văn Nguyên Hồng lấy xe đạp phóng đi một chập và vừa đạp ông vừa làm thơ vì “viết truyện đầu dễ bốc khói, thỉnh thoảng làm ít câu thơ cho người nó dịu đi” và thế là “khi xây dựng nhân vật, lúc cao hứng, ông dẹp truyện qua một bên và sang sảng ngâm thơ của mình.”
Tôi chợt liên tưởng vậy thôi chứ trường hợp của Nguyễn An Bình thì ngược lại, là nhà thơ viết văn và với tính cách điềm đạm, anh không có máu lãng tử như nhà văn Nguyên Hồng và cũng không mấy khi anh đưa thơ vào văn xuôi như nhà văn Kiệt Tấn.
Trong những năm gần đây Nguyễn An Bình in khá nhiều sách, cả thơ lẫn văn, thì hiểu là anh hết mực yêu văn chương, vì cái nghề văn không hề nhàn hạ thảnh thơi mà phải lao động cật lực, đêm ngày cày trên cánh đồng chữ, cẩn trọng trong từng dấu phẩy, chưa kể sự miệt mài quan sát, tìm tòi và suy nghĩ mới có thể kết hợp nhiều yếu tố trong nghệ thuật.
Vì làm gì có con đường tắt nào cho văn chương!
Nhìn chung thì tập truyện Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà của Nguyễn An Bình có 15 truyện ngắn, có vài truyện khá dài (như Xóm Trọ hơn 7000 chữ, Bên dòng Potomac 5000 chữ, Còn xanh bóng núi 4300 chữ… ) nhưng phần lớn các truyện đều hiền lành và dung dị như chính con người anh. Cách viết của Nguyễn An Bình là pha trộn giữa truyện ngắn với bút ký, mỗi nét trong bức tranh đời người được anh kể lại bằng chất thơ của câu chữ nên ta thấy cuộc sống vùng sông nước phần êm dịu và nhẹ nhàng. Các chất liệu sống đều được anh sử dụng với một văn phong trong sáng, dễ hiểu, đọc lúc nào cũng thấy được tâm tình của tác giả.
Trong Chuyện tình trên phá Tam Giang ( 4920 chữ) kể về tình yêu cổ điển và có hậu của hai ngư dân nghèo. Mối tình của họ tuy chưa hẳn là trắc trở nhưng vẫn còn những toan tính thiệt hơn của người cha cô gái, rồi chỉ sau khi ông bị tai nạn từ cuộc trộm cá bất thành… mà tình duyên của họ được vuông tròn.
Chuột và người (4800 chữ) là một câu chuyện rất đời thường: Do tình cờ mà lão thợ hồ thất nghiệp trở thành kẻ bắt chuột lành nghề và kể từ đó thì vợ lão không cằn nhằn mà trở thành người cộng sự đắc lực, giúp chồng mọi việc. Nhưng đứa con trai thấy công việc này vừa hôi hám vừa thất đức, can không được, bỏ nhà ra đi.
Một buổi chiều lão Thìn đang khề khà bên ly rượu đế với các món thịt chuột thì bụng đau oằn oại, mắt trợn trừng, miệng ọc máu, vợ nghe kêu chạy vào thì lão đã ra đi. Trong đám tang, mặt hàng xóm đều có vẻ buồn nhưng bụng mừng thầm vì thoát được cái mùi hôi thối từ ngôi nhà lão. Chỉ có ông y tá già mới biết được nguyên nhân cái chết: Mấy tháng trước ông đã thấy triệu chứng bất thường, da và tròng mắt lão Thìn ngã màu vàng nghệ, bụng trương lên…
Nguồn cội ( 3200 chữ) Kể về chuyện một thanh niên bị đưa qua Mỹ, trong chiến dịch babylift, muốn tìm lại cội nguồn. Do tình cờ anh biết được tên người sĩ quan trước đây đã cứu giúp mình. Anh hỏi xin địa chỉ, về Việt Nam tìm, và được ông cho biết là trên đường chạy loạn thấy bé bị thương và thất lạc người thân nên ông phải gửi vào viện mồ côi. Chuyện cảm động nhưng các tình tiết hơi bị guợng ép.
Bến sông quê (2300 chữ) Chuyện nói về tiếng đàn buồn và xót xa của người đàn ông bị vợ bỏ: Bị mù từ năm 7 tuổi, anh mê nhạc, học và đàn vọng cổ rất hay. Do tình cờ cứu 2 mẹ con bị ghe lật nên được bà mẹ gả con. Sau 8 năm chung sống, người vợ không chịu nổi kham khổ với người chồng tật nguyền, đã bỏ đi.
Tình tiết đơn giản nhưng truyện có nhiều đoạn tả cảnh hay và một đoạn kết có hậu: “Năm Can ngước mặt nhìn ra bến sông. Anh biết con nước giờ nầy đã đứng lớn và sắp chuẩn bị cho đợt nước ròng. Một tiếng chim vịt kêu nhưng lần nầy anh không còn cảm thấy buồn tẻ lẻ loi nữa, hình như nó đã tìm được bạn tình”
Tấm thẻ bài. (3200 chữ) Là câu chuyện về một tình yêu bị chia cắt vì chiến tranh: Một người lính bên thua trận phải ra trình diện để học tập chính sách trong vài ngày, nhưng bị giữ gần 6 năm! Khi ra trại, thì người yêu đã vượt biên cùng gia đình. Anh xin đi Mỹ theo diện HO, nhưng hồ sơ bị thiếu. Thất vọng và giận dữ, anh bỏ lại thẻ bài ở phòng phỏng vấn. Rồi sau 2, 3 lần vượt biên, anh cũng qua được Mỹ.
Đến nơi anh quyết tìm người yêu nhưng vô vọng. Một hôm anh nhận được thẻ bài, do người con của người phỏng vấn ngày xưa gửi đến: Ông ân hận, vì bị vướng nguyên tắc, không giúp được anh, nên nhờ con trai tìm anh để trả lại thẻ bài. Câu chuyện tình người, cảm động.
Nhưng có thẻ bài mà người yêu còn sống hay đã chết? Anh ném thẻ bài xuống biển.
Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà (3900 chữ)
Phạm Đạt rất yêu quí đàn voọc chà vá chân nâu sống trên đỉnh Sơn Trà. Trong một chiều lên núi để chụp cảnh hoàng hôn thì bất chợt mưa gió đầy trời. “Mây đen đã bắt đầu quần tụ kéo tới xám xịt mỗi lúc một dầy thêm trên bầu trời, gió từ phía biển u u thổi càng lúc càng mạnh vào vách núi, anh nghĩ chắc có khi mình không kịp xuống triền núi về phía cây đa ngàn tuổi..”
Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, Đạt nghe có tiếng đàn và trong màn mưa anh còn thấy có ánh lửa chập chờn, anh lần đến ngôi nhà nhỏ và gặp một người con gái. Khi gõ cửa và bước vào trong, ánh lửa bập bùng làm anh ấm áp. Sau một lát chuyện trò, cô gái đánh đàn, âm thanh của núi rừng từ chiếc đàn đá tạo thành một bản trường ca bất tận. Anh xúc động cúi xuống hôn lên tóc, lên môi và 2 người có 1 đêm ân ái, nhưng khi thức giấc, anh không nhìn thấy nàng đâu.
Nhờ bức thư anh mới hiểu cô gái chính là 1 con voọc chà vá bị sụp bẩy mà anh đã giải cứu nhiều năm trước. Hoang đường như chuyện Liêu trai!
Nhiều lần quay lại “Hai mươi năm trôi qua tôi mong gặp lại nàng nhưng nàng và đồng loại nàng đã thật sự bỏ chốn cũ rời đi tìm chốn an bình trước cơn lốc hủy diệt tàn bạo của loài người”
Tưởng như chuyện thần tiên, nhưng đoạn kết là lời tố cáo bọn người đang âm mưu chiếm Sơn Trà làm của riêng, băm nát thiên nhiên.
Khác với các truyện ngắn trước, truyện có ý thức bảo vệ môi trường và gìn giữ thiên nhiên. Đoạn kết làm người đọc ấm lòng: “việc bảo vệ ngọn núi thiêng, bảo vệ màu xanh muôn đời của Sơn Trà đã có kết quả bước đầu thắng lợi, tất cả các dự án xẻ thịt Sơn Trà đều buộc phải dừng lại.”
Qua thơ hay văn người đọc dễ nhận ra là Nguyễn An Bình một nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, cảm giác như anh vừa sống vừa lắng nghe, ghi nhận những gì xảy ra xung quanh bên ngoài và cảm xúc bên trong lòng mình để suy nghĩ và sáng tác.
Là người điềm đạm, Nguyễn An Bình không dùng chữ to tát, cường điệu, anh viết truyện bình dị như tính cách của mình. Cái tên An Bình như vận vào những chuyện kể nhẹ nhàng, hiền hoà của anh. Ít khi thấy truyện ngắn có những xung đột dữ dội hay nhiều kịch tính.
Là nhà thơ viết truyện nên trong văn xuôi của Nguyễn An Bình không thể thiếu những hình ảnh, âm thanh và nhạc điệu. Xin được trích ra đây những đoạn văn tả cảnh rất có hồn:
- “ Con nước bắt đầu lớn, nước từ sông cái chảy vào kênh Cái Sâu lờ đờ bình lặng, từng vạt lục bình trôi dạt vào kênh điểm xuyến mấy chùm bông tim tím làm cảnh vật bớt buồn tẻ, đơn điệu. Lâu lâu một vài trái bần già rụng xuống dòng kênh nghe lỏm bỏm, trong không gian trầm lắng đó người ta lại nghe tiếng đờn vọng cổ cất lên từ trước nhà Năm Can, tiếng đờn như ai oán, nhớ thương chất chứa bao niềm tâm sự.” (tn Bến sông quê)
- “Nếu ai đã từng đi núi gặp phải cơn mưa rừng mới thấy hết cái dữ dội hung dữ của nó. Nó đến rất nhanh không kịp trở tay, có thể ào ạt chớp nhoáng rồi nhanh chóng đi qua như người khách lạ, có lúc lại dai dẳng nhiều ngày như một kẻ thù truyền kiếp đeo bám không rời. Tiếng mưa rào rạt đập vào các thân cây cành lá nghiêng ngả tạo nên những cơn dư chấn domino khiến người lạc trong núi phải khiếp vía. Trên độ cao hơn ngàn mét thần gió mặc sức hoành hành, những đám mây xám từ biển cứ ồ ạt kéo về, nước từ trên đỉnh núi theo các khe suối nhỏ ào ạt trôi băng băng xuống triền dốc như một cơn lũ dữ.”(tn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà )
Trong truyện ngắn hiện đại, ít thấy ai tả cảnh. Mà tả cảnh hay thì càng hiếm. Con người đang gục đầu trên máy tính, ngập trong hàng đống giấy tờ, số liệu… mấy ai còn có thời gian nhìn ngắm thiên nhiên!
Bài viết này không có tham vọng phê bình mà chỉ là những cảm nhận cá nhân khi đọc tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà để chia sẻ cùng tác giả Nguyễn An Bình nên chắc sẽ có bạn đọc nhìn qua một tâm cảm hay một góc nhìn khác. Để dẫn chứng tôi trích ra vài đoạn, phần còn lại xin dành cho độc giả đọc và khám phá.
TRƯƠNG VĂN DÂN
Milano 20/8/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét