CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

ĐỌC “ÂN TÌNH XỨ HUẾ” THƠ BÍCH TRẦN - CHÂU THẠCH

 

van tran

Tệp đính kèm

12:29, CN, 4 thg 10 

tới




                     Ảnh BÍCH TRẦN



ĐỌC “ÂN TÌNH XỨ HUẾ” THƠ BÍCH TRẦN 

      
                Nhà thơ Bích Trần


ÂN TÌNH XỨ HUẾ

Em mắc nợ Anh
một chiều mưa,
Xin trả lại Anh
buổi nắng trưa,
Giọt nắng hong khô chiều ướt lạnh
Truyền Anh hơi ấm, nhớ hương xưa.

Em mắc nợ Anh
một tình yêu,
Xin trả lại Anh
một buổi chiều,
Tay Anh nắm chặt bàn tay ngọc,
Cõi lòng ấm áp biết bao nhiêu.

Em mắc nợ Anh
một trái tim,
Xin trả lại Anh
ngàn cánh chim,
Gió lộng, trời cao, anh bay mãi
Rong ruỗi khắp nơi thỏa chí trai !

Em mắc nợ Anh
một vòng tay,
Cười vui trả nợ phút giây này,
Có ai biết được ngày sau gặp,
Mây trời theo gió một lần bay.

Ta mắc nợ nhau
một kiếp đau,
Hãy lấy bình an trả khổ sầu,
Trầm tư - Buồn bã không còn nữa
Mây bay, nước chảy, gió qua cầu !

                                      Bích Trần

                   
ĐỌC “ÂN TÌNH XỨ HUẾ” THƠ BÍCH TRẦN 
                                                             Châu Thạch

Mười lăm tuổi tôi đã biết đọc thơ tình, đến nay quá tuổi thất thập nhiều năm, không biết bao nhiêu bài thơ tình đã qua mắt tôi, nhất là những bài thơ thất tình sầu da diết, cho ta thưởng thức đầy đủ thi vị của đau thương.

Hôm nay tôi được đọc một bài thơ thất tình có phong cách  lạ, không than khóc không bi quan, mà mỗi khổ thơ như một đóa sen nở ra trên mặt hồ tỉnh lặng tại một khu vườn bình yên nào đó, cũng có thể như những đóa hoa sen nở trên hồ Tịnh Tâm xứ Huế mộng mơ: Bài thơ “Ân Tình Xứ Huế” của Bích Trần.

 Bài thơ “Ân Tình Xứ Huế”, tác giả Bích Trần cảm tác từ bài thơ “Đưa Em Qua Bến Đò Thừa Phủ” của Châu Thạch là tôi. Bài thơ của tôi có những câu thơ bi lụy như sau: “Đưa em /Qua bến đò Thừa Phủ /Sông lặng lờ, mây trắng, cầu  nghiêng /Huế trầm tư/Như trăm vạn ưu phiền /Buồn biết mấy ngày thiêng liêng vụt tắt”, “Em đi rồi /Ai ngồi bên cửa sổ, /Mắt như sao ai ngước đón người yêu ? /Để môi anh khao khát má diễm kiều /Hồn anh ngã trên bờ vai diễm tuyệt”. 

Cảm tác từ một bài thơ than van, tác giả Bích Trần đã vào đề bài thơ của mình bằng một khổ thơ ấm áp: 

               Em mắc nợ Anh
               một chiều mưa,
               Xin trả lại Anh
               buổi nắng trưa,
               Giọt nắng hong khô chiều ướt lạnh
               Truyền Anh hơi ấm, nhớ hương xưa.

Mắc nợ người tình một buổi chiều mưa, trả lại người tình một buổi nắng trưa. Ý thơ trên thật sòng phẳng, công bằng hiếm có. Nếu một nhà thơ khác họ sẽ viết: Trả lại cho anh trăm, hay ngàn buổi trưa ấm áp. Khổ thơ cho ta cảm nhận tất cả tâm hồn thật thà, chơn chất của tác giả, làm thơ không cường điệu, không hư cấu, nói lên cái thật của lòng mình. Ngược lại tuy một trả một, nhưng sự đền đáp của tác giả đem cho người tình biết bao hạnh phúc, bởi chỉ “Giọt nắng” đã hong khô cả một “chiều  ướt lạnh”. Vậy cho nên cả một buổi nắng trưa sẽ dem đến cho chàng vô vàn “hơi ấm”, khiến sau nầy anh sẽ “nhớ hương xưa” đến suốt một đời.

Bich Trần cũng đã giải thích câu thơ “Giọt nắng hong khô chiều ướt lạnh” như sau:
“Giọt nắng hong khô chiều ướt lạnh” tượng trưng cho tình tri âm tri kỷ, chỉ gặp một lần mà nhớ đến trăm năm. Câu thơ nầy cũng có ý nói đến, dẫu tình yêu cúa chàng trai và cô gái Huế có chóng vánh nhưng lại vô cùng sâu sắc. Nắng lên, làm khô những giọt mưa, khi giọt mưa khô rồi thì “Hương xưa” mới được nhớ lại. Hoa thì có thể tàn, nhưng Hương thì tồn tại mãi. Đó là tình yêu sâu đậm, tuy cách xa nhưng vẫn còn đâu đó trong tâm hồn. Có những người, chúng ta không thể nào quên, dầu chỉ gặp rất ít lần. Câu thơ nầy có tính trừu tượng và khái quát lên sự thuỷ chung, sự cao thượng của tình yêu

Qua khổ thơ thứ hai, có lẽ muốn dành cho người yêu một không gian tình tứ hơn, có nhiều thời giờ để âu yếm bên nhau hơn, tác giả dành cho người yêu một buổi chiều:

                Em mắc nợ Anh
                một tình yêu,
                Xin trả lại Anh
                một buổi chiều,
                Tay Anh nắm chặt bàn tay ngọc,
                Cõi lòng ấm áp biết bao nhiêu.

 Đọc thơ ta thấy tác giả mắc nợ cả một tình yêu, nhưng trả cho anh chỉ một buổi chiều. Điều đó chứng tỏ tình yêu của họ bị trở ngại rất lớn, đến nỗi thời giờ đến bên nhau rất hiếm, không có những buổi chiều mà chỉ một buổi chiều thôi, để nắm tay nhau cho cõi lòng ấm áp. Đây là một tình yêu cao thượng, vì trong nghịch cảnh, họ vẫn dể tâm hồn thanh thản, dành cho nhau giây phút ít, mà quý hiếm, để tận hưởng hạnh phúc có bên nhau.

Và trong những phút giây được gặp nhau đó, tác giả tự biết mình chẳng bao giờ có anh trong đời, nên cố giữ giọt lệ, cố tạo nụ cười, an ủi anh bằng những lời có cánh, như ngàn cánh chim nâng tâm hồn lên cao, chia tay trong niềm vui hy vọng:

                 Em mắc nợ Anh
                 một trái tim,
                 Xin trả lại Anh
                 ngàn cánh chim,
                 Gió lộng, trời cao, anh bay mãi
                 Rong ruỗi khắp nơi thỏa chí trai !

 Tác giả thổ lộ hoàn cảnh cuộc tình bằng những câu thơ rất nhẹ nhàng, thanh thoát, tưởng như không có niềm đau trong lòng, nhưng thật ra, đây là những câu thơ tạ từ, những câu thơ chia ly mà đắng cay nuốt vào lòng. Khổ thơ cũng cho ta thấy tấm lòng cao cả, hy sinh của người phụ nữ. Trả lại anh “ngàn cánh chim” là trả cho anh tất cả tự do, còn em nhận vào tất cả đau thương, khổ lụy, ngang trái của tình yêu.

Cuối cùng, dầu cố giữ cho lòng bình thản, dầu cố tỏ an tịnh trong tâm hồn, thì tác giả cũng phải thốt ra điệu buồn trong những câu thơ khổ cuối:

             Ta mắc nợ nhau
             một kiếp đau,
             Hãy lấy bình an trả khổ sầu,
             Trầm tư - Buồn bã không còn nữa
             Mây bay, nước chảy, gió qua cầu !

 Đây chỉ là một lời giao ước. Lời giao ước nghe đã thấy gương ép rồi. Bởi vì khổ sầu, buồn bã là tâm trạng tự nhiên không tránh được khi “Ta mắc nợ nhau/ Một kiếp đau”. Tuy thế, qua những lời giao ước đó, ta hiểu được bản chất người  trong cuộc. Họ có một tâm hồn cao thượng, một nhân cách sống điềm đạm, sâu nhiệm trong lẽ huyền vi cúa đạo. Đúng họ là kẻ biết dùng đau thương để tôi luyện cho tâm hồn cao cả thêm lên. Họ càng đau bao nhiều thì càng hưởng thú đau thương nhiều như thế ấy. Họ là người đi bình an trong cõi thường hằng!

Hai câu thơ chót “Trầm tư - Buồn bã không còn nữa/ Mây bay, nước chảy, gió qua cầu” như một lời kinh nguyện, hàm chứa  trong đó lẽ vô vi của Lão giáo, thiền của Phật giáo và sự tỉnh lặng trong đạo thờ Trời. Từ đó, ta hiểu được tác giả, một tâm hồn thanh tao, trong trẻo, vị tha, dầu phải đi trong mọi sóng gió của tình yêu hay sóng gió của đời trong cuộc sống.

Bích Trần viết bài thơ nầy vì cảm xúc khi đọc bài thơ “Đưa Em Qua Bến Đò Thừa Phủ”. Người viết bài nầy xin tóm tắt lại lời tâm sự của tác giả như sau:

 “Khi đọc bài thơ, hiện lên trước mắt của Bích là “nỗi đau” của sự “chia ly”. Bài thơ nhắc lại nhiều lần cụm từ “Em đi rồi” khiến cho ta hiểu được họ có một cuộc tình sâu đậm. Vì vậy, khi cô gái bỏ đi là đã mắc nợ nhau một ân tình: Nợ một trái tim, nợ một tình yêu, nợ sự ấm áp, nợ một vòng tay, và cả hai nợ nhau một nỗi đau, đó là tình yêu tuyệt vọng.

 “Hiểu được nỗi đau đó, Bích Trần đóng vai cô gái Huế, làm bài thơ “Ân Tình Xứ Huế” như thay cô gái gởi đến chàng trai một lời xin lỗi, một lời cảm ơn, và là một lời an ủi của cô, hầu làm cho chàng trai kia, vơi bớt nỗi sầu trong trái tim tan vỡ. Từ đó mà bài thơ “Ân Tình Xứ Huế” ra đời.

Thơ hay không chỉ là thơ ngôn từ đầy giai điệu, không chỉ là thơ cảm xúc đầy trí tuệ hay cô đọng, xúc tích, triết lý nhân sinh, mà thơ hay còn  là thơ loại hình “trải nghiệm câu chuyện đầy sinh động của mỗi người, mỗi không gian mà nó hiện diện.” Trong ý nghĩa đó, bài thơ “Ân Tình Xứ Huế” với tôi là một bài thơ hay. Bài thơ mang chủ đề về Huế nhưng không nói chi về Huế cả, vì như tác giả thổ lộ ở trên, viết cho cuộc tình đã xảy ra tại Huế. Hình như bài thơ mang tâm hồn, tính cách chung của người con gái Huế, hiền lành, hy sinh, trầm tỉnh, thanh tao và mộng mơ những điều cao thương!

                                                                                        CHÂU THẠCH 

Không có nhận xét nào: