Quạt Nồng Ấp Lạnh
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH:
QUẠT, QUÂN.
QUẠT NỒNG ẤP LẠNH do câu chữ trong "Đệ Tử Quy 弟子規" (Những Quy tắc dạy cho con em phải học theo) là "Đông tắc ôn, Hạ tắc thanh 冬則溫,夏則清". Có nghĩa : Mùa đông thì phải làm cho ấm, còn mùa hè thì phải làm cho mát" Theo tích sau đây :
Hoàng Hương 黄香(68—122),tự là Văn Cường 文强(có sách cho là Văn Cương 文疆),người đất Giang Hạ 江夏(Huyện Vân Mộng tỉnh Hồ Bắc hiện nay). Ông là quan viên đời Đông Hán, là một trong Nhị Thập Tứ Hiếu 二十四孝. Tương truyền khi mới lên 9 tuổi, mẹ mất sớm, ông đã biết QUẠT NỒNG ẤP LẠNH, có nghĩa là : Trong mùa hè khi trời oi nồng, nóng nực, mỗi đêm ông đều dùng quạt để quạt giường chiếu cho mát để cho cha khi đi ngủ không bị nóng. Đến mùa đông, thì ông chui vào giường đắp chăn mền lại để ủ cho ấm trước, để đến khi cha đi ngủ thì không bị lạnh. Ông lại rất chăm chỉ học hành, tiếng lành đồn xa, nên khi thành niên, nhà vua triệu về cung phong chức Lang Trung, rồi Thượng Thư Lang, cuối cùng lên đến chức Thượng Thư Lệnh.
Trong truyện thơ Nôm "Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý văn Phức 李文馥, đoạn nói về Hoàng Hương có các câu như sau :
...Trời khi nắng hạ chầy chầy,
QUẠT trong màn gối, hơi bay mát rầm.
Trời đông buổi sương đầm, tuyết thắm,
ẤP hơi mình cho ấm chiếu chăn,
Vì con, cha đưọc yên thân,
Bốn mùa không biết có phần hạ, đông.
Còn trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, khi tả Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích nhớ về cha mẹ cũng có những câu :
Xót người tựa cửa hôm mai
QUẠT NỒNG ẤP LẠNH những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm !
Trong văn học cổ, nói đến chữ QUÂN 君 là người ta nghĩ ngay đến từ QUÂN TỬ 君子, chỉ người đàn ông có học thức, đoan chính đàng hoàng, mà Nho Giáo gọi là "Chính nhân Quân Tử" là những người có đức hạnh tốt. Theo sách Luận Ngữ, chương Vệ Linh Công 論語-衛靈公 có ghi : Tại Trần tuyệt lương, tùng giả bệnh, mạc năng hứng. Tử Lộ uẩn kiến viết :"Quân Tử diệc hữu cùng hồ?" Tử viết :"Quân Tử Cố Cùng,Tiểu nhân cùng tư lạm hĩ" 在陳絕糧,從者病,莫能興。子路慍見曰:「君子亦有窮乎?」 子曰:「君子固窮,小人窮斯濫矣。」Có nghĩa :
"Khổng Tử bị cắt lương thực ở nước Trần, những học trò đi theo đều bị bệnh đói không dậy nổi. Tử Lộ phẫn uất nói với Khồng Tử rằng :"Người quân tử cũng có lúc phải túng quẫn như thế nầy sao?" Khổng Tử đáp rằng :"Người quân tử thì ráng chịu đựng và an phận với cái cùng quẫn của mình, còn kẻ tiểu nhân khi túng quẫn thì sẽ nghĩ đến làm những việc bậy bạ quá đáng". Nói theo bình dân cho dễ hiểu là :"Người quân tử thì yên phận với cái nghèo của mình, còn kẻ tiểu nhân nghèo thì hay làm bậy !".
Trong quyển "Chơi Chữ" xuất bản năm 1960 của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc có kể lại chuyện sau đây (trích) :
Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu. Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
"Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố.(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng – Luận ngữ).
Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.
Anh học trò đối ngay:
"Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm".(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt – Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).
Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.
Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải … cầm với cố ! (ngưng trích)
Trong tác phẩm "Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật" của cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu :
Nhớ câu “QUÂN TỬ CỐ CÙNG”,
Đèn trăng, quạt gió, non sông phận đành.
Trong bài thơ "Quan Thư" thiên "Chu Nam" trong Kinh Thi 詩經-周南·關雎 thì QUÂN TỬ được cho sánh đôi với Thục Nữ như sau :
關關雎鳩, Quan quan thư cưu,
在河之洲。 Tại hà chi châu.
窈窕淑女, Yểu điệu thục nữ,
君子好逑。 QUÂN TỬ HẢO CẦU.
Có nghĩa :
Chim Cưu lội nước oang oang,
Kêu từ cồn bãi kêu sang bến bờ.
Yểu điệu thục nữ đào tơ,
Cùng người Quân Tử đợi chờ sánh đôi !
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh NỮ TÚ TÀI, khi Cảnh Tiểu thư phải lòng Văn Tuấn Khanh mới nhờ mụ già làm mối :
Mụ già len lén trình lời,
Rằng: “Thơ này của cô tôi trong lầu.
“Dạy tôi đem đến thưa hầu,
“Nguyện xin QUÂN TỬ HẢO CẦU kết duyên.”
Còn cây trúc (tre) có những đốt thẳng rang (Đốt Tre miền Nam gọi là Lóng Tre, chữ Nho là TIẾT 節), mà trong lòng trúc lại bọng không, nên được các cụ ngày xưa xưng tụng là TIẾT TRỰC TÂM HƯ 節直心虛, tượng trưng cho khí tiết của người quân tử : Thẳng thắng không vụ lợi, nên được gọi là QUÂN TỬ TRÚC 君子竹. Trong bài "Thế Tục Phú" của y sĩ Trần Văn Nghĩa, người làng An Ninh, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội) làm vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1834), có câu :
Cũng khoe khoang : Kẻ đại phu tùng,
Cũng khủng khỉnh : Người QUÂN TỬ TRÚC.
QUÂN còn là QUÂN THIÊN 鈞天. Giải thích theo 東漢經學家王逸 Kinh Học Gia đời Đông Hán là Vương Dật, thì CỬU TRÙNG THIÊN 九重天 (Chín Tầng Trời) Quân Thiên là tầng ở Trung Ương, nơi có điện Lăng Tiêu của Ngọc Hoàng Thượng Đế, có QUÂN THIÊN QUẢNG NHẠC 鈞天廣樂 là điệu nhạc rất hay, rất hùng tráng và vui tươi ở trên trời. Theo Triệu Gia Thế trong Sử Ký《史記·趙世家》ghi :Triệu Giản Tử ngã bệnh, nằm mê mang 5 ngày đêm bất tri nhân sự. Khi tỉnh lại nói với Đại phu rằng :"Ta được Ngọc Đế mời lên trời chơi, cùng các thần thánh dạo chơi ở QUÂN THIÊN, nghe hòa tấu QUẢNG NHẠC vui tươi hùng tráng làm xúc động lòng người". Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh "Hoa Điểu Tranh Năng" của ta khi Hoa và Điểu cùng đến để chúc thọ cho Vương Mẫu trong không khí nhôn nhịp của âm nhạc :
QUÂN THIÊN NHẠC tấu vui mừng,
Tiệc la ỷ mở tưng bừng xôn xao !
Không gọi là QUÂN THIÊN NHẠC thì gọi là QUÂN THIỀU 鈞韶 hay THIỀU QUÂN 韶鈞 cùng chỉ chung những khúc nhạc hay, như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái :
QUÂN THIỀU nhạc tấu tiên nga,
Điệu than Nghê vũ, khúc pha sinh hoàng.
QUÂN 軍 còn có nghĩa là Lính, ta có từ ghép Quân Lính. Trong văn học cổ ta hay gặp từ TAM QUÂN 三軍, từ nầy trong quân đội có lịch sử rất lâu đời; Truy nguyên từ thời Chiến Quốc xa xưa, thì Thiên Tử có LỤC QUÂN 六軍, còn Chư Hầu chỉ có TAM QUÂN 三軍 là Thượng Quân, Trung Quân và Hạ Quân, theo truyền thống mỗi QUÂN có một vạn hai ngàn năm trăm người (12,500 người). Theo sách Chu Lễ《周禮》thì LỤC QUÂN được tổ chức như sau :"5 người là một Ngũ; 5 Ngũ là một Lưỡng; 4 Lưỡng là một Tốt; 5 Tốt là một Lữ; 5 Lữ là một Sư, 5 Sư là một Quân". Theo như cấp số nêu trên thì một Sư Đoàn có 2,500 người và một Quân Đoàn có 12,500 người; Cấp số nầy gần giống như là tổ chức quân đội của Việt Nam Cộng Hòa khi xưa. Còn từ...
TAM QUÂN 三軍 thì luôn biến động theo tổ chức và chủng loại, như Tam Quân là Tiền Quân (tiên phong), Trung Quân và Hậu Quân (còn gọi là Hậu Tập) hay Tam Quân là Bộ Binh, Thủy Binh và Kỵ Binh, hay như hiện nay Tam Quân là Lục Quân, Hải Quân và Không Quân... Nói chung, LỤC QUÂN hay TAM QUÂN gì đều chỉ chung "Toàn thể quân đội hiện hữu". Như...
Trong bài thất ngôn trường thiên Trường Hận Ca 長恨歌 của Bạch Cư Dị 白居易, khi tả An Lộc Sơn làm loạn, Đường Minh Hoàng phải chạy vào đất Thục để lánh nạn. Giữa đường binh lính đòi phải giết Dương Quý Phi mới chịu phò vua đi, vì cho rằng cái mầm loạn là do Qúy Phi gây nên. Bạch Cư Dị đã viết :
六軍不發無奈何 ! Lục quân bất phát vô nại hà !
宛轉蛾眉馬前死. Uyển chuyển nga my mã tiền tử.
Có nghĩa :
SÁU QUÂN chẳng tiến biết sao ?
Nga my trước ngựa đành trao mạng vàng !
Còn trong Truyện Kiều, thì gọi là BA QUÂN. Khi Thúy Kiều kể nổi oan khổ truân chiên và ân oán của mình trong bước đường lưu lạc với Từ Hải, thì Từ đã "Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang" và hạ lịnh :
BA QUÂN chỉ ngọn cờ đào,
Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Chuy.
Sau khi "Báo ân rồi sẽ trả thù", Thúy Kiều đã "Thề sao thì lại cứ sao gia hình", khiến cho "Máu rơi thịt nát tan tành, Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời" trước :
BA QUÂN đông mặt pháp trường,
Thanh thiên, bạch nhật rõ ràng cho coi.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét