CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

VĨNH BIỆT Nhà Văn HUY PHƯƠNG


ANAHEIM, California (NV) – Nhà văn Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937, tại Huế, vừa qua đời lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, 25 Tháng Hai, tại nhà riêng ở thành phố Anaheim. Bà Phan Thị Điệp, hiền thê của nhà văn Huy Phương, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nhà văn Huy Phương trong ngày ra mắt hai tạp ghi mới năm 2017. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Huy Phương, pháp danh Thiện Bảo, hưởng thọ 86 tuổi.

Trong những ngày cuối đời, phóng viên nhật báo Người Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Huy Phương. Ông vói tay lấy tập thơ “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của chính mình, lật ra bài “Chúc Thư,” chỉ vào đoạn: “Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp/ Có vui chi nhìn người lính chết già/ Hổ thẹn đã không tròn ơn nước/ Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa/ Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc…”

Chỉ thẳng vào câu “Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi…” ông nói bằng giọng cứng cỏi: “Tôi kịch liệt đả phá chuyện phủ quốc kỳ vì tôi không chết ở sa trường mà chết trong vòng tay thương yêu của vợ con. Chỉ những người hy sinh trên chiến trận mới xứng đáng được phủ cờ mà thôi.”

“Tôi đã căn dặn gia đình rất rõ ràng là tôi chỉ là người lính chết già, tôi không muốn được phủ cờ,” ông dứt khoát. “Bao nhiêu người lính xứng đáng hơn tôi mà một đám tang, thậm chí một nén nhang còn không có thì tại sao tôi lại được phủ cờ?”

Vẫn với mái tóc rậm rì rì, bạc phau phau, nhà văn Huy Phương lộ nét mệt mỏi sau gần hai năm ròng rã chống chọi căn bệnh ung thư thực quản quái ác. Mệt mỏi, nhưng ở ông vẫn toát ra một thái độ an nhiên tự tại, sẵn sàng đón nhận tất cả.

Nói về chuyến đi đến “ga cuối đường tàu” của đời mình, ông rất bình thản: “Hồi Tháng Tám, 2020, một hôm đang ăn, tôi bị nghẹn cổ và khó chịu trong người rồi bỗng dưng ói mửa thốc tháo. Đi soi bao tử, không thấy gì. Sau đó thì người ta phát giác là tôi bị ung thư thực quản thời kỳ cuối.”

Nhà văn Huy Phương bên tác phẩm của chính mình. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Từ cuối Tháng Ba, 2021, ông được chuyển sang quy chế “hospice tại gia” và được rời bệnh viện để về tĩnh dưỡng cuối đời tại nhà người con gái út ở Anaheim.

Ông thở nhẹ: “Chừ tôi chỉ uống sữa bằng đường bao tử, mỗi ngày ba, bốn lần thôi.”
Nhìn mông lung vào khoảng không tĩnh lặng vài giây, ông tiếp: “Có muốn ăn miếng bún bò cũng không được nữa rồi.”

Ông nói về thời gian cuối mình bằng giọng ôn tồn và điềm tĩnh, như đang nói về người xa lạ nào đó. Đôi mắt ông có mệt mỏi nhưng vẫn lấp lánh nét tinh anh của một người quen làm việc đầu óc.

Với một nụ cười không tròn trịa, ông nói: “Tôi không có bất cứ điều gì để hối tiếc cả. Những gì làm được, tôi đã làm. Và làm nhiều lần rồi.”

“Tôi sang Mỹ với hai niềm hãnh diện, một là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và hai là cựu tù nhân chính trị,” ông nói. “Niềm vui của tôi ở Mỹ là được viết báo và làm chương trình truyền hình để kết nối cộng đồng lại với nhau.”

Ông nhấn mạnh: “Tôi xin cám ơn nhật báo Người Việt và đài truyền hình SBTN là hai cơ quan truyền thông có chính nghĩa nhất và giữ lập trường chống Cộng ở đây. Hai cơ quan này đã đăng tải bài tôi viết từ năm 1990, và phát hình chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh’ của tôi trong hơn 10 năm qua.”

Ngoài ra, ông còn làm việc với những cơ sở khác. Ông nói: “Tôi cũng từng cộng tác với báo Saigon Nhỏ, báo Trẻ, Thời Báo (Canada) và đài phát thanh Việt Nam (Oklahoma).”
“Về đóng góp xã hội, tôi cũng rất vui đã có thời gian dài được làm việc với chị Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, sáng lập viên Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa,” ông thêm.

Hai cuốn sách nhà văn Huy Phương để bên giường bệnh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ôn lại những nỗi vui lớn trong đời, ông nói: “Trong lúc làm chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh,’ tình cờ tôi liên lạc được những người có thông tin về hai ngôi mộ tập thể có nhiều cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam; một ở Bình Dương, một ở Sài Gòn và một ở Thuận An, Huế. Nhờ đó, tôi giúp được nhiều gia đình, để vợ tìm được chồng, để mẹ tìm được con. Đó là một hạnh phúc đối với tôi.”

Ông lưu vong tại Mỹ từ năm 1990.

Ông cũng vẫn có những trăn trở cho thế hệ tương lai.

Điều ông muốn dặn dò là thế hệ trẻ gốc Việt là phải cố giữ gìn ngôn ngữ Việt. “Phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là nhiệm vụ của chúng ta, những người Việt hải ngoại, vì tiếng Việt trong nước đã trở thành một ‘cái gì’ rất dị hợm rồi,” ông nói. “Mất tiếng Việt là mất văn hóa Việt.”

Cuốn sách mới nhất của ông tựa đề “Tuyển Tập Huy Phương,” xuất bản năm 2020 là một bộ tổng hợp gồm 12 tuyển tập tạp ghi của ông, viết từ ngày ông sang Mỹ năm 1990 đến năm 2020.

Sau cuốn tạp ghi đầu tay “Nước Mỹ Lạnh Lùng” (1991-2003), ông viết không mệt mỏi với “Đi Lấy Chồng Xa,” “Ấm Lạnh Quê Người,” “Hạnh Phúc Xót Xa,” “Quê Nhà-Quê Người,” “Những Người Thua Trận,” “Nhìn Xuống Cuộc Đời,” “Ngậm Ngùi Tháng Tư,” “Quê Hương Khuất Bóng,” “Nước Non Ngàn Dặm,” “Ga Cuối Đường Tàu” và “Sóng Vỗ Bèo Trôi.”

Nhà văn Huy Phương nguyên là giáo sư trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.

Tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ.
Biên tập viên báo chí đài Phát Thanh Quân Đội.

Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Định cư tại Mỹ sau bảy năm tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản.

Từng cộng tác với đài truyền hình SBTN và Việt Nam Radio.

Bài “Chúc Thư” của Huy Phương: “… Hãy quên tôi người lính già lưu lạc/ Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi…” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông viết thường trực cho nhật báo Người Việt ở Nam California và Thời Báo ở Canada.
Ông cũng là biên tập blog cho đài phát thanh VOA.

Ông ra đi, để lại hiền thê là Phan Thị Điệp cùng ba con, Lê Nguyên Phương, trưởng nam; Lê Quý Phương, thứ nữ; và Lê Đông Phương, thứ nữ. Ông cũng để lại ba cháu ngoại. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.comFacebook






TÁC PHẨM VÀ CHỮ KÝ CỦA Nhà Văn HUY PHƯƠNG








KÍNH TẠ ƠN, THƠ CỦA MỘT NGƯỜI BỘI BẠC

          Tạ ơn Mẹ đã đẻ đau mang nặng

Suốt đời con vẫn bên ướt Mẹ nằm
Nước mắt Mẹ nay vẫn còn xuôi chảy
Con vô ơn, tính những tháng cùng năm
 
Tạ ơn Cha đã cày sâu cuốc bẩm
Cho tuổi thơ con được bát cơm đầy
Nuôi con, Cha muốn điều nhân nghĩa
Mà đời nay nhốn nháo biết sao đây.
 
Tạ ơn Thầy đã cho con chữ viết
Lúc vỡ lòng những tiếng đọc a, b
Giữa chợ đời lố lăng con uốn bút
Trả cho xong nợ rượu thịt bạn bè
 
Tạ ơn Em cho đời anh bóng mát
Với tình yêu thường mộng mỵ thần tiên
Mà lòng anh còn sân si bạc bẽo
Chỉ cho Em toàn những nỗi ưu phiền
 
Tạ ơn Mày, người bạn thời thơ ấu
Vẫn theo nhau thuở bắt dế ngoài đồng
Tao lớn lên thường mấy khi ngó lại
Có gặp, thời cũng làm lạ quay lưng
 
Tạ ơn Bạn, người một thời chiến hữu
Ta bên nhau trong trận mạc mỗi ngày
Một miếng lương khô, một bình nước suối
Tôi bỏ đi lúc lửa cháy thành vây
 
Tạ ơn Anh, người bạn tù khốn khổ
Đã cho tôi hơi ấm chiếc lưng gầy
Đêm Hoàng Liên Sơn mùa đông buốt giá
Tôi sợ lòng tôi nay đã đổi thay
 
Tạ ơn Chị, người thuyền nhân tủi nhục
Vùi tấm thân dưới đáy biển oan khiên
Tôi là kẻ chưa một lần say sóng
Vẫn vô tâm không một thoáng ưu phiền
 
Tạ ơn Em đọa đày trong trại cấm
Chết không lui vẫn tranh đấu kiên cường
Tôi dửng dưng như con người ngoại cuộc
Toàn xênh xang chuyện y cẩm hồi hương
 
Tạ ơn Cháu đã lầm sinh chế độ
Đành đem thân kiếm cách sống qua ngày
Tôi như tên lái buôn vừa trúng mánh
Còn biết gì nhân nghĩa một đêm say
 
Xin tạ ơn những người vì vận nước
Suốt một đời đày đọa dưới cùm gông
Tôi phàm phu như người quên đọc sách
Còn biết gì hổ thẹn lúc soi gương
 
Tạ ơn Tổ Tiên đào kinh đắp lũy
Dựng giang sơn có liệt nữ anh hùng
Tôi thế hệ sau coi thường việc nước
Miễn sao đời có áo mũ xênh xang
 
Tạ ơn Tiền Nhân, trống đồng Ngọc Lũ
Mái đình làng bay bướm nét hoa văn
Tôi như ngọn lá đầu cành xa gốc
Đâu như chim còn nhớ đậu cành Nam
 
Tôi đấm ngực: tôi là người có tội
Nghĩ phận mình đâu dám ngẩng nhìn ai
Đau lòng những lúc trước đèn đối diện
Hổ thẹn đêm về ngắm bóng trăng soi
 
                            HUY PHƯƠNG 

Không có nhận xét nào: