CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

CÓ MỘT CHỐN QUÊ - PHAN NI TẤN

 




                        CÓ MỘT CHỐN QUÊ *

Banmêthuột, khi tôi lớn lên, đi xa, nhớ lại, dù chỉ một phần đời, nhưng cũng đủ để tuổi thơ tôi lăn lộn trên từng phân vuông của mảnh đất đầy huyền thoại và thân thiết này. 

Ngày nay tôi ở rất xa quê nhà, thắm thoát đã 43 năm ròng, lòng vẫn ray rứt một nỗi nhớ mà đời thì quá nhiêu khê chẳng dễ gì trở về quê thăm. Cũng vì vậy tôi hay dựa vào thư từ, tin tức, phim ảnh, sách vở bên nhà để ôn cố mà nhớ núi thương rừng. Riêng về sách vở tôi đọc một số cuốn nói về cao nguyên Darlac với rừng đại ngàn, với núi cao vời vợi, với sông ngòi, suối khe và muông thú, đặc biệt về Sử Thi trường ca Đam San của người Êđê nói về cồng chiêng rất uy nghi, hùng tráng và sôi động: 

"Ðánh những cái chiêng kêu nhất, những chiêng ấm nhất. Ðánh cho chiêng lan ra khắp xứ. Ðánh cho chiêng lan qua sàn, lan xuống dưới đất. Ðánh cho vượt qua mái nhà vọng lên trời. Ðánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Ðánh cho các âm hồn nghe cũng thôi làm hại người. Ðánh cho chuột sóc cũng quên đào hang. Cho rắn cũng bò ra khỏi lỗ. Cho hươu nai phải đứng thinh mà nghe. Cho thỏ lắng tai không kịp ăn cỏ. Cho tất cả muôn vật chỉ còn có thể lắng tai mà nghe tiếng chiêng..."

Tôi vốn quý sách, trân trọng sách nên có những buổi sáng, như sáng hôm nay tôi ngạc nhiên thích thú bất ngờ nhận được tuyển tập văn RONG BƯỚC NGANG ĐỜI của tác giả Hùng Bi gởi tặng. Cuốn sách mở đầu bằng thị trấn Banmêthuột vào năm 1960 trở về sau, cái xứ muôn đời buồn này lại chứa đầy những kỷ niệm trong veo, sôi nổi của tác giả ở tuổi học trò.

Hùng Bi viết về mảnh đất Banmêthuột bằng tất cả tâm tình với một bút pháp giản dị, gần gũi mà thâm trầm, đặc sắc. Sách dầy 280 trang, từ đầu bài "Có Một Chốn Quê" tới cuối bài "Có Những Đêm Sao" đều hay, lôi cuốn người đọc. Cái hay đặc biệt của Hùng Bi là ở kỷ niệm, cái kỷ niệm vô cùng hào hứng, sung mãn của một thời trai trẻ. Từ trường lớp, thầy cô, bạn học Kinh, Thượng đề huề cho tới "thị xã nhỏ xíu được bao quanh bằng những con suối và rừng đại ngàn vẫn còn sát bên rìa phố".

Cuốn sách tiếp tục trải ra những hình ảnh hết sức quen thuộc, như Biệt Điện, Nhà Thương, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Phi trường L 19, rạp hát Lodo, rạp Tường Hiệp, tiệm nước Mỹ Hương, tiệm kem Chi Cao, tiệm chè Tân Ca, bi-da Thanh Nam… cho tới những đóa hoa rừng, nhà sàn người Thượng và tình yêu thời mới chớm v.v… Thử đọc ở đây một mẫu chuyện yêu hoa và yêu người:

"Riêng những đóa hoa cà phê trắng muốt và thơm lừng đưa lại có một vị trí đặc biệt. Nó như cái tình cảm tinh khôi khởi đầu chưa vướng hạt bụi nào của sự cách ngăn.

Tôi yêu nó bắt đầu từ trong cánh Rừng Lao Xao. Tuy đã có vài giọt nước mắt, nhưng đó chỉ là nỗi xúc động không kìm nén được của riêng tôi khi nghĩ tới số phận của mình. Ấy là lúc cô bạn học đưa tôi cuốn Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh ở trong rừng.

Chính những giọt nước mắt thật thà ấy giống như những giọt nước kỳ diệu đã tưới tắm cho cái tình yêu học trò đâm chồi nẩy lộc rất mãnh liệt đã làm tôi choáng ngợp đến bàng hoàng. Tôi như bị chìm đắm trong những lớp sóng trào dâng xô đẩy liên tục đến ngẩn ngơ thất kinh hồn vía.

Rồi từ đó mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy đã đi theo tôi suốt cuộc đời này.

Tuy không bằng các cô gái Đà Lạt má đỏ môi hồng, các cô nữ sinh con nhà giàu trường Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux mà tôi đã có dịp nhìn thấy trên Đà Lạt, con gái Banmêthuột đẹp không?

Rất đẹp!"

Nói về cái đẹp, Hùng Bi thực thà phán: "Tùy theo ý niệm về cái đẹp của mỗi người, nhưng sao trong tôi vẫn cứ thích những vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và hoang sơ một cách dại dột!"

Không riêng gì những người con sinh ra trên cao nguyên bụi đỏ mà những người con xứ khác vì công ăn việc làm một khi đã đặt chân lên xứ Thượng thì hầu như ai cũng ra sức vật lộn ngày đêm với gió mùa, mưa nắng mà lập nghiệp sinh sống, xây dựng tình thương gia đình.

Nhưng mà dòng đời như con sông chảy đi xa xôi, diệu vợi; con người cũng vậy, trên đường thiên lý mỗi bước đi là mỗi gập ghềnh, quanh co, chông gai, bất trắc, hầm hố hơn, hiểm trở hơn. Hùng Bi, tác giả Rong Bước Ngang Đời cũng không ngoại lệ. Từ tâm hồn trong veo, sôi nổi của anh học trò "ăn no tốn vải" một sớm một chiều đã  thành anh lính trận về thăm lại chốn cũ, trường xưa. 

Banmêthuột ngày xưa, thập niên 1940, thời của chúng tôi, là một thị trấn nhỏ nắng lụt trời, mưa lầy đất, là chốn ma thiêng nước độc, rừng nhiều hơn nhà, người Thượng nhiều hơn người Kinh. Ngày nay nghe nói, nhất là xem qua phim ảnh cái xứ Bụi vốn hiền hòa của chúng tôi đã trở mình thơm da thắm thịt phình ra đến hùng cường. Ngay cả Hùng Bi. bốn mươi lăm năm sau, trong lần về thăm lại Banmêthuột cũng phải than: "Nhà cửa, đường sá ở đó giờ đã thay đổi hẳn như đi vào chốn lạ nên không còn ấn tượng gì của ngày cũ trong đầu".

Chẳng bù thời chiến tranh, thị trấn Banmêthuột và các xã tuy nhỏ bé, chẳng mấy gì trù phú nhưng lại là địa bàn chiến lược quan trọng nhất nước đã thất thủ đầu tiên trong chiến dịch "giải phóng miền Nam" của quân Cộng sản Bắc Việt mười chọi một. 

Trước đó những người bạn học ngày xưa của Hùng Bi hầu hết đều lên đường nhập ngũ tòng chinh. Tài trai ra sức tung hoành bốn cõi trên trời, dưới đất, trên sông, dưới biển để rồi lần lượt trở thành anh hùng vô danh xả thân vì đại nghĩa.

Đã nhiều lần, nghĩ về chiến tranh, mấy câu thơ Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn bi tráng và ma mị lại âm vang trong hồn tôi như hơi kèn bát âm:

Chàng từ đi vào nơi gió cát

Đêm trăng này nghỉ mát phương nao

Xưa nay chiến địa dường bao

Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.

Khi cuộc chiến dần tàn, anh lính dù Hùng Bi, may mắn không tử trận sa trường nhưng đen đủi lại bị du kích bắt trên đường về nhà sau khi "bẻ súng" (chữ của tác giả).

Người tù binh đi tù "cải tạo" mang theo tâm trạng " sinh ra dưới ngôi sao xấu" nhưng được vài năm thì được tha về. Có điều người đi tù Cộng sản cầm trên tay "Giấy Ra Trại" được về nhà có khác gì từ tù nhỏ đi vào tù lớn. Nhưng với bản tính hiếu động, thúc đẩy Hùng Bi vui vẻ nhận lấy, hãnh diện vì tìm thấy lại hồn mình vẫn không bị tha hóa dưới chế độ mới. Tác giả vẫn như ngày còn đi học, tiếp tục kể lại đời mình sau chiến tranh, sau tù tội với tất cả giản dị mà say mê.

Tác giả Rong Bước Ngang Đời hành văn mộc mạc như nói chuyện. Câu chuyện của Hùng Bi vẫn là những đề tài về tình thương đồng loại: những người bạn học, bạn tình, bạn lính, bạn tù, sống và chết với chính đời mình.

Đọc Rong Bước Ngang Đời, người đọc cảm nhận được những câu viết trong văn chương Hùng Bi đều toát ra cái đẹp của sự chân thật, hiền hòa trước con người chớ không riêng vì mình. 

Nhìn chung, toàn bộ tuyển tập văn RONG BƯỚC NGANG ĐỜI của Hùng Bi, tôi nghĩ rằng  tác giả đã tóm gọn trong câu nói này:

"Rốt cùng, chỉ còn là câu hát và mỗi người có một phận đời riêng". 

Hùng Bi tên thật Kiều Văn Hùng, sinh năm 1949 ở miền đông Nam phần. Nhưng lớn lên đi học đi hành lại tuốt trên cao nguyên đất đỏ bụi mù. Thời chiến đi lính dù. Có khiếu văn chương. Viết văn ký Hùng Bi. Làm thơ ký S@o. Hiện sống và viết ở Sài Gòn.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Hồi Ấy Và Những Vần Thơ Sao (tuyển tập thơ văn)

 - Bay Xa Kỷ Niệm (tuyển tập thơ văn)

-  Rong Bước Ngang Đời (tập văn).


PHAN NI TẤN

* Tựa đề trong tập văn Rong Bước Ngang Đời


Không có nhận xét nào: