CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

THƠ 5 CHỮ - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 




THƠ 5 CHỮ



nhà ga ở 1 chỗ

con tàu chạy muôn nơi ?

chạy từ nam ra bắc

rồi lại chạy thụt lùi

ở luôn trên đường sắt

nửa giờ để nghỉ ngơi

ăn thêm than cùng nước

rồi lại rúc thêm còi

vô tình không để ý

tàu đã đi xa rồi ?

-

tu được thành chánh quả

thảo nào ? Phật tâm ta


càng đi đường cang khó

chậm rãi chân du già ?

-

1 vầng trăng nguyên thủy

mọc trên rặng chà là

những bước chân ngái ngủ

trên đại mạc mờ xa

ảo ảnh dăm hồ nước

lầm lũi kiếp lạc đà

-

con họa mi ồn ào ?

đánh thức cả vườn hồng

bông hồi hôm còn đó

nụ mãn khai tươi hơn ?

con họa mi xéo mất

ồn ào thêm bầy ong


CHU VƯƠNG MIỆN


MÊNH MÔNG QUÊ NHÀ - THƠ NP PHAN, NHẠC PHAN NI TẤN







MÊNH MÔNG QUÊ NHÀ
THƠ NP PHAN
NHẠC PHAN NI TẤN

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

VÌ MÙA XUÂN THĂNG LONG - THƠ HOÀNG LỘC , NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN






VÌ MÙA XUÂN THĂNG LONG
THƠ HOÀNG LỘC
NHẠC & TRÌNH BÀY NGUYỄN HỮU TÂN
VIDEOCLIP HUỲNH TÂM HOÀI


CẢM NGHIỆM Ngày TỔ SƯ VẮNG BÓNG. - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ





 CẢM NGHIỆM

Ngày TỔ SƯ VẮNG BÓNG.


1. NGƯỜI QUA NÚI LỬA.


Đã từ áo bụi buông tay

Nghiêng vai trút một lần nầy cho xong

Ai đi qua gọi biển hồng

NGƯỜI qua núi lửa lau dòng lệ hoa.


1. NHƯ BÀI KINH TỤNG


Mỗi năm, mỗi một mùa xuân

Mỗi năm, lại mỗi một lần tin xa.


Tổ Sư xưa

Nay vẫn là...

Như bài kinh tụng truyền hoa sử vàng..


1. SUỐI NGUỒN.


Con thuyền chở ánh trăng trong

Giữa ngàn dâu bể trắng dòng ảo hư

Bỗng đâu hiện cánh vô ưu

Pháp âm vọng,

Bước Tôn Sư hiện về.

Vẫn là nơi cõi lầm mê

Vẫn là nghĩa lý Diệu Đề đấy thôi !

Sắc – Không

Mây nổi chân trời

Câu kinh “Không – Sắc”

Nụ cười tâm linh.

Người về hiện bóng an bình

Người đi sáng cả cõi thinh không nầy

Phượng hoàng dẫu lướt ngàn mây

Vườn ta bà vẫn thơm đầy cỏ hoa...


South Dakota, tháng 2/ 2023

TUỆNHƯ- (Mặc Phương Tử.)


Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

KỈNH NIỆM NGÀY LỄ TỔ SƯ VẮNG BÓNG. - MẶC PHƯƠNG TỬ

                             

                           

                                          Ảnh  TUỆ NHƯ MPT


KỈNH NIỆM NGÀY LỄ TỔ SƯ VẮNG BÓNG.


Mỗi năm, mỗi một mùa xuân

Mỗi năm, lại mỗi một lần tin xa.

Tổ Sư xưa - Nay vẫn là...

Như bài kinh tụng truyền hoa sử vàng.


Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 âl, Phật Giáo Khất Sĩ nói chung và

từng Giáo Đoàn Khất Sĩ nói riêng trong cũng như ngoài nước đều tổ chức lễ

Tưởng Niệm ngày Tổ Sư vắng bóng.

Tưởng niệm đến công hạnh khai đạo truyền giáo, thắp sáng, rực sáng ngọn

đèn chánh pháp trong từng móc điểm thời gian của Chư Phật, Chư Bồ Tát,

lịch đại Tổ Sư, và những bậc thầy tâm linh vẫn luôn có mặt và đồng hành với

những người tiếp hiện kế thừa hôm nay, để đem lại lợi lạc cho chúng sanh,

chư thiên và loài người. Nhưng nếu sự tiếp hiện kế thừa ấy vẫn luôn được thở

theo từng hơi thở của các Ngài, để nuôi dưỡng nguồn năng lượng Giác Ngộ,

Từ Bi, Trí Tuệ, và Giải thoát. Vì đó là gia tài tâm linh của Đạo Phật từ ngàn

xưa và mãi cả ngàn sau.

Từ thời Đức Phật xa xưa, Đức Phật đã được lời tán thán bởi: “ Như người

dựng đứng những gì bị quăng ngả xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ

đường cho người bị lạc hướng, và đem đèn vào bóng tối cho người có mắt

thấy được sắc...”

Và cứ như vậy, qua từng giai đoạn của thời gian, tiếp cận từng thời đại xã

hội, các đấng sứ giả Như Lai vẫn luôn hiện hoá vào đời, truyền tải nguồn

năng lực chánh pháp để người đời bỏ khổ tìm vui, bỏ nẽo gian tà, trở về lẽ

phải nguồn chơn, thấy được khổ, không, vô ngã, nhằm đem lại sự an bình,

hạnh phúc cho số đông của con người.

Từ ý nghĩ ấy, Đức Tổ sư dạy về thành tựu của sự tu tập: “Thân trong

sạch, ấy là xứ Phật, Miệng trong sạch, ấy là Pháp Phật, Ý trong sạch, ấy là

con Phật, và Tâm trong sạch, tức là Đức Phật”.


Những hạt giống tốt sẽ được gieo vào những vuôn đất mầu mỡ, và cũng

nhờ sự dinh dưỡng ấy, cành lá sẽ được xanh tươi, hoa trái sẽ được thơm

ngon, góp phần hương vị từ sự tịnh hoá mầu nhiệm của Thân, Khẩu, Ý, và

Tâm cho cuộc đời.

Vẫn không vượt ra ngoài đời sống phạm hạnh, thực hành Giới Định Tuệ,

trục xoay bất tận từ giáo lý Giác Ngộ, và Giải thoát của Đạo Phật. Để đi tìm

niềm kính tin tôn thờ tối thượng, Đức Tổ Sư cho chúng ta biết thêm :

“ Thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách học hành, dẫu thờ kinh sách cũng

không bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện đang sống . Nhưng thờ

ông thầy kia sao bằng thờ chính bản tâm của mình trong sạch...” Làm cho

bản tâm trong sạch cũng chính là tiếp nối truyền thừa pháp đăng của Chư

Phật, Tổ và các bậc thầy tâm linh đã và đang có mặt trong đời.

Hôm nay, nhân ngày Tưởng niệm Đức Tổ sư vắng bóng lần thứ 69 năm

(1954 – 2023), chúng ta cùng nghe lại lời giáo huấn của vị đạo sư tâm linh :

“ Chúng ta cần hiểu rẳng; chúng ta đã có phước đức được sanh trong một

thế giới nơi đã có một Đức Phật đến và dạy Pháp, và chúng ta đã gặp một

vị thầy tâm linh, và nhận những giáo huấn của ngài. Bấy giờ là lúc chúng

ta phải dùng cuộc đời làm người quý báu nầy để tiến bộ trên con đường

giải thoát...”

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

NAM MÔ ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG.


Chùa Kỳ Viên, South Dakota (USA) 10.2.2023.

TUỆ NHƯ(Mặc Phương Tử).

 

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

QUÊ HƯƠNG MÙA XUÂN - NHẠC TIẾN LUÂN







Sáng tác: Tiến Luân
 Trình bày: PHÚC DUY ft. HUỲNH THANH SANG
 Đạo diễn: Võ Hiền Nhân
Thu Âm: HTS Recordings 
 Mix - Master: Đông Nguyễn Studio
Make up: Rosy
Kỹ thuật Video - Thiết kế hình ảnh: Team Phúc Duy 
 Sản xuất: PHÚC DUY ENTERTAINMENT 


LỜI THỀ VƯƠNG HẬU - THƠ PHAN TỰ TRÍ

 




LỜI THỀ VƯƠNG HẬU

Chúc mừng Quý Mão mọi người nha
Vương, Hậu chúng em đã một nhà
Vạn sự đã cùng chung thửa ngọc
Thiên tình sẽ đượm những thềm hoa
Đoan trang thế tặng thêm hoàn hảo
Sắc sảo trời ban mãi mặn mà
Lũ Chuột dẫu tung trò quái Thử
Xin thề cho chúng phải thành ma.

PTT –
mồng 6 tết, 27/01/2023

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

TẠP NHẠP THI - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN


 



TẠP NHẠP THI

-

thầy nhiều tuổi già

giả vờ làm thằng điên

tớ ít tuổi hơn

giả vờ làm thằng tỉnh

trên vai thầy thường đeo

1 sợi dây lủng lẳng

cột xâu toàn guốc dép đàn bà

thầy tớ gặp nhau ngay ngã 3

Trương Minh Giảng Kỳ Đồng

tớ đưa cho thầy trái chuối già

thầy bóc vỏ ăn hết trơn

ruột quăng xuống đất

-

thân phận ngươì quá nhỏ

thúc thủ ngôì im ru bà rù

lòng đất đang phẫn nộ

đẩy hoả sơn bay mịt mù

làm sóng thần điên loạn

cuốn phăng đảo dừa

cuốn mất tiêu phố cổ

chìm mất vào thiên thu

em còn sống đó

không tu cũng thành tu

chả nợ nhau câu hát câu hò


mà thù mãi tơí giờ

kẹt bát cơm ly sưã

bỏ rơi thành phố ngày xưa

sóng nào gầm dữ dội

lung lay rừng lồ ô

em chết già nơi đó

chả cần viết thư ?

-

cây khô trôi trên sông

thuyền cũng trôi trên sông

ngươì bơi trên sông

cùng chung 1 giòng

bèo lục bình trôi dọc

phà trôi bên kia qua bên này

bên này qua bên kia

trôi ngang

-

chim từng đàn bay về bắc

lại có đàn bay về nam

có khi lẻ tẻ vài con

có khi chỉ 1 con


CHU VƯƠNG MIỆN


BẬU VỀ CÓ NHỚ CẦN THƠ - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 



BẬU VỀ CÓ NHỚ CẦN THƠ


Bậu về bên ấy bao năm

Như con cá lội mù tăm sông dài

Lục bình tim tím thương ai

Lênh đênh không bến buồn vui thương hồ.

Trăng lồng bóng nước nên thơ

Cầm Thi Giang vẫn câu hò đưa duyên

Lao xao trên bến dưới thuyền

Cái Răng chợ nổi Phong Điền Hạ Châu.

Cầu Cần Thơ sáng đèn màu

Nhớ đình Bình Thủy trống chầu kỳ yên

Long Quang cổ tự hương thiền

Vườn lan năm cũ vẫn biền biệt xa.

Đền Hùng nắng sớm bao la

Căn cứ Vườn Mận thiết tha bao tình

Còn vang trận đánh Lê Bình

Tấm gương trung nghĩa thắm tình quân dân.

Cầu đi bộ nhớ về thăm

Nhà lồng chợ cổ cũng ngần ấy năm

Trúc Lâm thiền viện Phương Nam

Thương nhau hãy đợi trăm năm vẫn chờ.

Bậu về có nhớ Cần Thơ

Dòng sông bến cũ chuyến đò năm xưa

Ninh Kiều sóng nước đón đưa

Ta còn thương bậu sao chưa quay về.


NGUYỄN AN BÌNH

29/11/2022


Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

QUÝ ÔNG VÀ MÈO - THƠ THY LỆ TRANG




 QÚY ÔNG VÀ MÈO…

Cũng tại qúy ông thích chuộng mèo
Ưa lời nủng nịu…tiếng meo meo
Bần hàn túi rỗng mang tâm thỏ
Phú qúy bạc dư trổ dạ heo
Cạnh vợ cơm đầy… chê gạo mốc
Bên em vải thiếu…khoái phim nghèo
Nhà cao , cửa rộng bay theo gái
Tím mặt già dê…sáng mắt mèo!

THY LỆ TRANG

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

NGƯỢC LỐI VỀ QUÊ - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

 




NGƯỢC LỐI VỀ QUÊ

Tình quê men ủ rượu quê,
Dạt trôi mấy cũng tìm về cõi thơ.
Lưng thon thả tóc hững hờ,
Búp chân trần, ngó sen tơ đầm làng.

Tiếng gà vỡ vụn dòn tan,
Gối đầu lên cỏ dịu dàng giấc quê.
Cho ai trăm nẻo đi về,
Gió tâm linh lộng bốn bề chiêm bao.

Nằm đây thiếp giữa ca dao,
Dịu dàng vẫn thức tự bao lâu rồi.
Trở về làng cũ ta thôi,
Dẫu còn tay trắng như hồi trắng tay.

Phố người thiệt đắng thua cay,
Đâu hay ngách ngõ giăng đầy bùa mê.
Ta đang ngược lối về quê,
Lang thang gió thổi chân đê thả diều.

Mướt mườn mượt cỏ xanh chiều,
Đâu cần ai thả bùa yêu làm gì!
Rượu quê rót đến tràn ly,
Hương hoa nở ngát xuân thì lòng ta…


TRẦN NGỌC HƯỞNG


ANH NẮM CÙ LAO - PHAN NI TẤN

 



ANH NẮM CÙ LAO

Ba phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Đang nghí ngoáy viết về chuyến đi Rạch Giá non tháng trước, chợt anh Nắm, cả năm không thấy mặt, lù lù… hiện về rủ tôi đi cù lao Hòa Hảo ăn Tết chơi, tôi nghe mà sướng rên.
Anh Nắm là con nuôi của ngoại tôi. Hồi trào Tây, lúc một tuổi anh bị mẹ bỏ rơi ở Chợ Mới bên cù lao Hòa Hảo được ngoại thương tình nhận về nuôi. Tuy là con nuôi nhưng hồi nhỏ tụi tôi thường chơi chung nên tôi vẫn quen miệng gọi anh Nắm bằng anh; còn ảnh xưng mầy tao với tôi.
Sau này anh Nắm lập gia đình ở rể phụ giúp ông già vợ hành nghề thợ máy ở miệt Năng Gù là vùng đất thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cận Tết năm nào anh chị cũng về Sài Gòn thăm ngoại, tay xách nách mang lủ khủ không chục xoài thì chục mận, không mận thì ổi, cam, măng cụt; có lần ảnh ôm về một bó ô môi tôi ăn tới tím miệng.
Thập niên 1970, đường Sài Gòn - Long Xuyên không mấy gì êm. Xe đò vô ý sụp lổ thì thôi rồi, không bứt bù lon cũng đi đong con tán. Xế chiều xe vừa tới bến, thay vì chuyển xe cho kịp qua cù lao Hòa Hảo thì anh Nắm rủ rê:
- Ghé vô Viện Đại học Hòa Hảo rủ thằng Út Rán nhậu chơi mậy.
Tôi ngạc nhiên, cự nự "Trường Đại học người ta ai vô đó mà nhậu, cha nội" thì ảnh vỗ vai tôi, cười hề hề:
- Xéo bên kia trường có quán nhậu của thằng Sáu Xị, réo thằng tùy phái (tức Út Rán) một tiếng là nó gật đầu cái rụp liền.
Sống chung nhà từ hồi nhỏ tôi chẳng lạ gì tính nết anh Nắm. Làm thì làm chết bỏ mà chơi thì chơi tới bến. Anh kéo tay tôi, nói nhỏ:
- Rượu đế của thằng Sáu Xị Long Xuyên không thua gì đế Gò Đen, Bến Lức nghen mậy. Mình ghé mần một chầu cho đã cái đi. Sáng mai lội qua cù lao cũng được, hối chi!
Tôi không phải là dân sành rượu nên ngồi phá mồi, đưa hơi cho có, còn thì hai tay bợm rượu cưa tới bến, tối mịt mới mò về nhà Út Rán ngủ.
Hôm sau, trời trưa trờ trưa trật anh Nắm mới lồm cồm bò dậy mượn xe gắn máy Goebel của Út Rán chở tôi chạy dọc theo đường Liên tỉnh lộ 10 về miệt Năng Gù cách Long Xuyên chừng 20 cây số. Từ xa xưa Năng Gù là vùng cát trắng có nhiều tre. Bước vào sức nóng của cát chúng tôi lần xuống bến phà Năng Gù vừa kịp lên ghe lớn chạy về hướng Tây trên sông Ông Chưởng dài 23km qua cù lao Hòa Hảo, tức cù lao Ông Chưởng.
Cù lao Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, được bao bọc bởi bốn mặt sông nước là sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao. Được biết hồi đó vùng đất này được tiếng là vùng đất có nhiều tôm cá, nhứt là vào mùa nước lũ, tôm cá từ Biển Hồ Tonlé Sap bên Campuchia đổ về, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sanh con, rồi khi nước rút lại men theo các kinh rạch trở về sông cả, bị người dân chặn lại, vớt lên nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, phải làm nước mắm, thậm chí phải đổ thành từng đống để làm phân bón. Vì vậy mới có câu ca dao truyền tới nay:
"Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm."
Ông Chưởng tức Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Công Duẩn (có công phò Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Năm 1699 chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh vào bình định đất phương Nam, rồi đem quân kinh lược Chơn Lạp, đánh tan quân của Nặc Ông Thu, về đóng quân ở cồn Cây Sao ông bị nhiễm bệnh, khi kéo quân về Sầm Giang (Rạch Gầm), Mỹ Tho thì mất. Vì có công lao với đất nước nên từ năm 1700 người dân địa phương gọi cồn Cây Sao tức cù lao Sao Mộc là cù lao Ông Chưởng và tên sông rạch, đường xá, trường học cũng được gọi theo chức danh của ông. Ngày nay tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới người dân có lập ngôi đền thờ Khâm Sai Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Khi ghe cập bến đò Hòa Hảo thì trời chạng vạng tối.. Anh Nắm thường qua lại sửa chữa máy móc thuyền đò Hòa Hảo gần như không công nên rất được lòng người dân ở đây. Không biết anh Nắm có báo trước hay không mà vừa băng qua Cầu Gãy chúng tôi đã được huynh đệ Hòa hảo đón về tòa lâu đài màu trắng tinh khiết cạnh đình thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ dùng bữa cơm chay đạm bạc và nghỉ qua đêm. Khi đi ngang qua đình thờ chợt nghe văng vẳng âm ba của tiếng niệm Phật khiến lòng tôi bồi hồi, xao xuyến.
Đức Thầy tục danh Huỳnh Phú Sổ sinh năm 1920 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ sáng lập năm Kỷ Mão 1939 mang một hàm nghĩa là Đạo Phật ở làng Hòa Hảo (hiếu hòa và giao hảo). Ngài là một nhà tiên tri, thuyết pháp độ sanh và sáng tác thơ văn, kệ giảng, đem tinh thần Phật giáo vào đời tạo thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ lan rộng trong dân gian. Tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ là tư tưởng Phật Giáo, là cây Bồ Đề tự nhận là kế tục của đạo Phật. Đức Huỳnh Giáo Chủ mất năm 1947.
Thời hạ ngươn thế đạo suy đồi, nhân tâm ly tán khiến tôi nhớ hoài một câu trong Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma
Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế.
Thánh địa Hòa Hảo với rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, hồi đó đất rộng người thưa, ruộng đồng ngút ngát là giang sơn của các loài bò sát. Cũng vì vậy mà suốt đêm nằm nghe hàng ngàn hàng vạn tiếng ếch nhái, ễnh ương thi nhau kêu vang động cả một cánh đồng khiến tôi không tài nào ngủ được.
Sáng hôm sau, anh Nắm chở tôi chạy một vòng cù lao, vô Chợ Mới thăm hỏi bà con chòm xóm đang xôn xao, nao nức mua sắm Tết. Ở Chợ Mới tôi nhận thấy người dân địa phương theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, nam hay nữ đều mặc bộ đồ bà ba trắng hoặc bộ áo dài đen hay áo dà nâu non là màu tượng trưng cho bản tánh giản dị, khiêm nhường, tinh thần nhân ái của Hòa Hảo. Giữa chợ tôi cũng thấy vài tín đồ Cao Đài trong bộ đồ bà ba trắng là màu trong sạch về phẩm chất của con người. Nhìn quanh tôi có cảm tưởng như cù lao Ông Chưởng mang màu sắc tôn giáo quanh năm.
Buổi chiều đứng ở ngã ba sông Vàm Nao nhìn hoàng hôn đỏ ối lấp loáng trên mặt nước tôi cảm thấy cù lao Ông Chưởng thật bình yên.
Anh Nắm mất đã nhiều năm. Anh sinh ra ở đất cù lao, lúc mất anh cũng được vợ con chôn cất trên đất cù lao. Tính đến nay tôi cũng xa cù lao Ông Chưởng ngót 53 năm ròng.

PHAN NI TẤN

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

QUA XUÂN QUA - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 



QUA XUÂN QUA

Thơ Chu Vương Miên & M.Loan Hoa Sử “ Mới Nhứt “

-

“ Loại hình thơ cổ điển “

1

-

Tương tư là chuyện của mình

Nắng mưa là chuyện vô tình thế thôi ?

Nhân gian chả khóc thời cười

Đông qua xuân lại cõi đời muôn năm

Buồn vui trăng khuyết trăng rằm

Theo mây bay mãi ngùi trông chốn nào ?

Đời là nửa giấc chiêm bao

Toàn là bào ảnh thuốc lào thoảng qua

Hết gần rồi lại tới xa

Đông tây nam bắc vốn là bà con

Đây trời đây đất đây non

đây cô bán rượu đây còn nhà thơ

phia xa là tới nhà thờ

1 hồi chuông thả lặng lờ đứng nghe

Xa xăm 1 chặng đường dìa ?


2-

Mưa cả tuần mưa cả tháng

Lễ Tạ Ơn mưa

Lễ Giáng Sinh mưa

Tết Tây mưa

Ngày Ông Bà Táo chầu trời mưa

Tết âm lịch chưa tới ?

Mưa thối cả đất cả cát

Năm ngồi bó gối ở nhà

Chả có gi ? là mùa Xuân cả ?

1 trời mưa mây

Dẫy núi dài trùm tuyết trắng

Thời gian chạy xồng xộc

Đẩy vội vàng tuổi già đến gần bờ vực

-

3

-

Ngày 24 giờ

Tuần 7 ngày

Tháng 30-31 -28 ngày


Năm 365 ngày

Chia làm 4 mùa

Xuân hạ thu đông

Xuân từ tháng 456

Hạ từ tháng 789

Thu từ tháng 10 -11 -12

Đông từ tháng 123

Hết nắng tiếp mưa

Hết mưa tới gió

Hết gió tới bão lụt

Vật giá tăng vọt

Leo thang o chịu xuống

-

4

-

“*”

Có sông thì mang lấp

Có cầu thì mang rào

Cũng đành đi trên cầu đất

Sáng mùng 1 tết

Hương hoa vàng nhang

Đi qua vườn hoa chéo


Cúng đền

Về ngõ Cô 3 Chìa

Qua 8 Gian

Đón xe khách đi Đồ Sơn

Từ Ngô Xá đi Phúc Xá

Nhìn qua đuôi sông Thái Bình thênh thang

Là Tiền Hải Kim Sơn

Đi chừng 20 cây số tới Núi Đối

địa phận Kiến An

quê hương của toa

bên kia bến đò Bính

Thuỷ Nguyên Núi Đèo


CHU VƯƠNG MIỆN

“*” địa danh tỉnh Hải Phòng


Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

MÙA GIÊNG Ở NÚI - THƠ TRẦN HOÀI THƯ

 


Tranh ĐINH TRƯỜNG CHINH

 

MÙA GIÊNG  Ở NÚI


Anh ở trên này, mây đùn mây

Mây anh hốt, hốt hoài không hết

Chim thì ít làm sao nghe tiếng hót

Mà em thì xa, tiếng hát cũng xa

Anh hẹn lòng, trở về tháng ba

Mà tháng giêng bị thương nằm bệnh viện

Đêm nổi khùng nhìn hoài nước biển

Tí tách rót vào thân thể thanh niên

Anh rời nhà thương, vết sẹo chiến trường

Tháng hai qua đèo đầy trời chim én

Chim đem mùa xuân trên vùng chinh chiến

Anh thấy lòng ấm lại, bâng khuâng

Kìa mùa xuân, em thấy gì không

Dưới đèo mênh mông một vùng hoa cúc

Cúc trắng cúc vàng để anh nhớ Tết

Tháng giêng mình, là tháng hai Tây

Tháng giêng mình ở đây mù sương

Đèo lên càng cao càng nghe tai ách

Chỉ có đàn chim, một đàn chim én

Ngực thon mềm, khiêu vũ đón mùa xuân

Để anh thì thầm, chúng ta tuy xa

Nhưng hồn vẫn gần nhau trong nỗi nhớ


TRẦN HOÀI THƯ


BÁNH TẾT NÚI - PHAN NI TẤN

 





BÁNH TẾT NÚI

Trong màn đêm lành lạnh ướt sương của miền sơn cước, tuổi thơ tôi trùm mền nằm co ro trên nền đất bên cạnh nồi bánh tét đang sôi lục ục. Không có gì thích thú cho bằng nấu bánh tét ở ngoài trời từ lúc chạng vạng tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau.
Những ngày cuối năm trên cao nguyên đêm xuống rất nhanh. Đêm càng sâu không gian càng tịch mịch, gió hiu hiu càng thêm gai lạnh. Trong ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét sau hè nhà và sự yên tĩnh của trời đất làm cho tâm hồn trong trẻo của tôi có cảm tưởng như con phố đang gối đầu lên thế giới bình an vô sự.
Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm sắp Tết, nội và má tôi vẫn thường gói bánh tét cúng Phật đầu năm, cầu cho thế giới hòa bình, cho muôn loài yên ổn, cho gia đạo bằng an, cho con cái nên người...
Ngoài bánh tét, đôi tay khéo léo của hai bà còn làm dưa món củ kiệu ăn với tôm khô bên cạnh nồi thịt kho hột vịt thơm ngon điếc mũi. Để tăng thêm vẻ đẹp văn hóa và làm giàu thêm thực phẩm dân gian , hai bà còn ra công ngào mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me nguyên trái (chua chua ngòn ngọt), mứt gừng nguyên củ (cay hít hà)... cạnh mâm ngũ quả trong ba ngày Tết cổ truyền.
Nói tới Tết ai cũng biết ở miền Bắc có bánh chưng xanh gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày của hoàng tử Tiết Liêu (tức Lang Liêu) thứ 18 con vua Hùng với ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn, đất vuông thì bánh tét miền Trung hay trong Nam cũng có những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng, như chuyện kể rằng vua Quang Trung đổi hình bánh chưng vuông thành dạng đòn để dễ mang theo hành quân, rồi gọi tên là bánh tét.
Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, sau khi Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước, quân lính được nghỉ ngơi ăn Tết. Trong số đó có anh lính được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhưn đậu xanh, anh mang bánh mời vua Quang Trung. Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm thì được biết bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết (sau này đọc trại là bánh tét) nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về.
Ý kiến khác cho rằng hình dạng bánh tét là hình tượng Linga của người Chàm. Bánh tét không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhưn bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhưn bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhưn đậu xanh hoặc ướp thịt nhưn bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).
Nói đến Tết ở miền sơn cước quê tôi cũng cần nói sơ qua Tết của người Êđê. Tỉnh lỵ Banmêthuột từ trước thế ky 19 đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng đến năm 1830 mới có một số ít người Kinh lên lập nghiệp. Thời đó cũng như thời của chúng tôi (thâp niên 1940) người Êđê không ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh .Theo phong tục của người Êđê, lễ hội Mừng Lúa Mới được tổ chức sau mùa gặt hái gọi là Lễ hội Mùa Xuân đón năm mới.
Người Eđê vốn chất phác, giản dị nhưng món ăn thức uống của họ rất phong phú và cầu kỳ mang đậm hương vị núi rừng. Tuy món ăn dân dã nhưng ngay cách đặt tên và hương vị không kém phần đặc sắc, như cơm gạo tẻ, cơm lam, gà nướng, canh cà đắng tôm khô, canh kiến vàng, canh bột lá Êyao, lẩu lá rừng, lá mì xào, dế cơm rang muối... vừa ăn vừa hút rượu cần trở thành một trong những truyền thống văn hóa của người sơn cước. Thời của chúng tôi, người Thượng không biết đến bánh tổ, bánh ít, giò chả, giò thủ, tré, nem, thịt kho nước dừa, bánh tráng, bánh phồng, bánh dày, bánh chưng, bánh tét..
Xưa nay người miền núi chúng tôi gọi bánh chưng, bánh tét là bánh chưng, bánh tét, vừa mộc mạc, giản dị lại chứa đựng một triết lý sâu sắc về con người và đời sống; không như ở miền đồng bằng sông Cửu Long hầu như đâu đâu cũng làm bánh nên có nhiều tên gọi như: Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét Vĩnh Long, bánh tét Hội Gia, bánh tét cốm, bánh tét gấc, bánh tét nhưn chuối, bánh tét hạt điều, bánh tét ngũ sắc, bánh tét chữ (nhưn có hình chữ cái) … với nhiều màu sắc lấy từ các loại lá, cây trái tạo nên hương thơm mang ý nghĩa đem lại may mắn trong những ngày Tết.
Rồi năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu. Nước trôi tôi ra sông ra biển, trôi tôi lạc nẻo quê nhà. Biết bao biến thiên của thời cuộc, biết bao vui buồn, cay đắng, biết bao sự việc qua đi rồi lại tới. Ở cái tuổi về chiều, trời xui đất khiến tôi lại dính vào cái công việc bếp núc lọ lem, lui cui giúp nội tướng tôi nấu bánh tét y hệt như cái thuở ấu thời. Chỉ khác một điều là ngày xưa nấu bánh bằng một tâm hồn trong trẻo, nay thì đầu óc có quá nhiều tạp niệm nên mỗi lần đụng phải vấn đề gì đơn giản hay phức tạp tôi đều băn khoăn, như đụng phải bánh tét chẳng hạn, tôi cứ nhởn nhơ trước một câu hỏi riết rồi kẹt luôn giữa hai động từ "tét" và "cắt".
Làm sao để "tét"hay "cắt" một đòn bánh tét?
Dùng dao thì chỉ "cắt" ngang đòn bánh thành từng khoanh chớ không thể "tét" theo chiều dọc từ trên xuống.
Dùng dây lạt cột bánh hoặc sợi chỉ quấn quanh đòn bánh để cắt hay tét thành từng lát nên gọi là "bánh tét"
Có điều dù "tét" hay "cắt" thì cái tên "bánh tét" cũng đã thành tên từ cái thời xửa thời xưa. Tuổi thơ tôi cũng lớn lên theo đòn bánh tét vừa đơn sơ, nẫu nẹt lại quê mùa, cái tên dân dã như bánh ít, bánh ú nghe sao mà hiền lành, mộc mạc, dễ thương. Nó gần gũi, thân quen như cái tên thằng cu, thằng tí, thằng tèo.
Tết ở trong Văn nghi ngút hương vị thơm ngon của đòn bánh tét bên cạnh nồi thịt kho hột vịt thì cũng có Tết ở trong Thơ. Thơ rằng:
Tôi cột tuổi thơ tôi trên đòn bánh tét
Để nghe nó reo ngoài ngõ xuân về
Nó gánh xuân đi cong đòn kẽo kẹt
Lặc lè lặc lẹo làm trẹo cả hồn quê
Tôi dắt tuổi thơ đi dung dăng dung dẻ
Về nghe tháng giêng mừng tuổi vang trời
Tay bưng tài lộc tay bồng phúc đức
Ông thọ sún răng méo cả miệng cười
Tôi đội lên đầu tùm hum chúm vỏ bưởi
Con mắt nghe cay đọt lá trên giàn
Dưa hấu bụng tròn lăn vô góc bếp
Làm gẫy mùi hương của nhánh hoàng lan
Tôi cuộn tuổi thơ trong miếng bánh tráng
Chưa kịp nuốt câu mỹ vị thơm lành
Chú ruồi bất nhơn vèo vô báo hại
Tôi phun phéo phèo ướt cả mặt trời xanh
Tôi cõng tuổi thơ lội đồng xuân lấp lánh
Đất nứt chui lên những cọng hoa hiền
Mùi quê đi qua cầu tre lắt lẻo
Dựng lại câu hò câu hát ngả nghiêng
Trèo lên trái núi tôi gặp con chiền chiện
Láu táu nó la ngoài phố lân về
Tiếng trống cắc tùng chen trong tiếng pháo
Cờ xí mừng reo rợp bóng trẻ thơ
Đón một chút thương vừa đi qua ngõ
Vạt áo ai bay rối cả con đường
Cái nắng trong veo trời treo trên ngọn gió
Cũng ráng rụng vàng theo tiếng guốc hương
Đi qua tuổi thơ gặp cơn mơ luống cuống
Thả cái cò bay trong tiếng à ơi
Câu hát ngày xưa cũng lắn quắn líu quíu
Níu đóa thanh tân về nở giữa hồn tôi.

PHAN NI TẤN

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

SẮC MÀU XUÂN - THƠ SÔNG THU & THI HỮU

 

                             



SẮC MÀU XUÂN

( Thể Sắc Thi )

 

XANH thẳm bầu trời mây nhẹ bay

HỒNG tươi ánh nắng buổi đầu ngày

TRẮNG trong trên lá ngàn sương móc

VÀNG rực trong vườn muôn cánh mai

ĐỎ thắm rộn ràng dây pháo nổ

TÍM mơ yểu điệu vạt tà lay

Khói LAM mờ tỏa thơm nồi bánh

Lúng liếng mắt HUYỀN duyên ngất ngây.

   SÔNG THU

( 15/01/2023 )


Thơ Họa:

 

HƯƠNG SẮC TRỜI XUÂN

 

Lãng đãng bầu trời sương TRẮNG bay

Ánh dương HỒNG chiếu giống từng ngày

Mây vương triền núi màu LAM khói

Gió cuốn lưng đồi  VÀNG rực mai

Pháo ĐỎ huy hoàng tung phố nhỏ

Hoa màu TÍM mực rớt đường lay

Bàn thờ… hương tỏa mùi XANH biếc

Con cháu ĐEN huyền đôi mắt ngây….

TẠ VƯƠNG KIM 

   (15/01/2023)  

 

XUÂN MÀU

 

Trời Xanh thăm thẳm áng mây bay

Nắng sớm Hồng tươi trải đẹp ngày

Lấp lánh ngoài vườn sương Trắng móc

Lập lờ cạnh liếp cánh Vàng mai

Tím mơ tết đến tình hoài thắm

Đỏ mộng xuân về nghĩa chẳng lay

Khói tỏa loang màu Lam ruộng lúa

Mắt Huyền lúng liếng nắng chiều ngây

HƯƠNG THỀM MÂY

    15.01.2023

     (GM.Nguyễn Đình Diệm)       

 

NGÀY ĐẦU XUÂN ĐÔNG BẮC

Thể Sắc Thi

 

Đông Bắc Xuân về tuyết TRẮNG BAY

Mây LAM bao phủ suốt đêm ngày

Thông XANH dõi mắt theo làn gió

Sóc XÁM ẩn mình đợi nắng mai

Ánh sưởi tô HỒNG thêm má thắm

Chùm lan trổ ĐỎ khiến lòng ngây

Thẫn thờ xếp lại chồng thơ TÍM

Ôm chú mướp VÀNG trong cánh tay.

THY LỆ TRANG

 

XUÂN ĐẸP SẮC MẦU

 

XANH ngát mầu trời oanh yến bay,

HỒNG loan nắng dịu thắm tô ngày.

TRẮNG tươi cánh hạc bên đầu núi,

VÀNG ánh vườn xuân đẹp đám mai.

ĐỎ thẳm hiên trên cây lất phất,

TÍM đầy hoa dưới gió lung lay. 

LAM mờ XANH khói chiều êm ấm…

HUYỀN mắt nàng thơ tuổi đắm ngây !

LIÊU XUYÊN

 

DẠO XUÂN 

 

Xem kìa bướm TRẮNG mãi vờn bay

Rạng rỡ trời XANH ấm cả ngày 

Cúc BẠCH nõn nà khoe nụ cúc 

Mai VÀNG xinh xắn điểm nhành mai

Áo cài nơ TÍM thương chàng gửi

Tóc buộc khăn HỒNG ngại gió lay

Hài TÍA bên người em bước hẫng!

Thẹn thùa má ĐỎ dạ hoài ngây…

 NHƯ THU

01/15/2023 

 

HOÀNG HÔN

 

Từng đàn nhạn trắng dập dìu bay

Ráng đỏ hoàng hôn hấp hối ngày.

Mây xám la đà trên khóm trúc 

Nai vàng ngơ ngác giữa rừng mai.

Rì rào lá biếc hồ sen gợn

Tha thướt tóc huyền vạt áo lay

Trên mái lam chiều làn khói quyện

Vườn hồng hàm tiếu dạ hương ngây!

  MAI LỘC

 01 -15-23

 

HƯƠNG SẮC XUÂN 

[Toán Sắc Thi]

 

Hai nàng đầm tím vọng đời bay

Ước muốn xuân hồng cả vạn ngày

Suối mộng xanh tươi ngàn cánh bướm

Vườn tình đỏ đắn một rừng mai

Tám cô áo trắng trông tre trẻ

Chín chậu cúc vàng lại lắt lay

Một tết đậm đà hương đất Việt

Ba miền thắm đượm tiếng lòng ngây…

ĐỨC HẠNH

16 01 2023

 

MÀU XUÂN

 

Xinh đàn bướm Trắng lượn lờ bay

Nắng rực Hồng tươi sáng đẹp ngày 

Nụ Đỏ bên thềm ươm chậu giấy 

Bông Vàng trước cửa trải cành mai

Màu Xanh cỏ lá sương mềm đọng 

Sắc Tím hoa hường gió lả lay 

Quấn quýt mèo Lam theo gót chủ 

Cô Huyền rảo bước ngắm xuân ngây 

      MINH THUÝ THÀNH NỘI

Tháng 1/16/2023

 

XUÂN TÁI LAI

 

Xuân sang lất phất dáng mây bay

Tím tím hồng hồng rực rỡ ngày

Cánh én tung trời trong gió ấm

Cành mai khai nhụy lúc ban mai

Má hồng thanh thản trăng trang nhả  

Tài tử thong vong cảnh lá lai

Điệp khúc câu ca thơm dạ lý

Nồng nàn hương vị tỏa ngày ngày

TRẦN ĐÔNG THÀNH

 

XUÂN ĐUA SẮC

 

XANH nhòm bướm thắm lượn vòng bay,

HỒNG cúc xinh tươi nụ nở ngày.

TRẮNG xóa bầu trời mây lãng đãng,

VÀNG ươm vườn cạnh liễu chào mai.

ĐỎ loè pháo nổ bay tung tóe,

TÍM ngắt mẹo dòm liếc mắt lay.

LAM yểu điệu sầu chim hứng gió,

HUYỀN vi hương khói tỏa đơ ngây!

HỒ NGUYỄN 

 (16-01-2023)

 

XUÂN TUỔI THƠ

 

Xanh rờn tuổi mộng,tóc thề bay,

Hồng má hây hây buổi sáng ngày

Trắng nuột làn da,ngời ánh mắt

Đỏ au tà áo,ngát ban mai.

Trên bàn khói tím lung linh tỏa,

Ngoài cửa, hoa vàng rực rỡ lay...

Đông đã qua rồi,trời hết xám

Miêu Huyền hứng nắng, dáng thơ ngây.

THANH HOÀ

 

XUÂN VỀ ĐỦ MÀU SẮC…

 

XANH màu lá mạ gió mây bay…

HỒNG thắm đào hoa đẹp mỗi ngày 

TRẮNG muốt bồ câu về mái ngói 

VÀNG tươi sắc lụa ở cây mai 

ĐỎ môi thiếu phụ chân thoăn thoắt 

TÍM bộ áo dài vạt lắt lay…

LAM khói nhà ai nồi bánh tét 

HUYỀN đen mái tóc bé thơ ngây…

      MAI XUÂN THANH 

January 16, 2023

 

SẮC XUÂN

 

Khói LAM nồi bánh nhẹ nhàng bay

Chiều TÍM hoàng hôn sắp tiễn ngày

Pháo ĐỎ nổ bùng thân bụi bám

Cành HỒNG nở rộ gió sương lay

Sau vườn TRẮNG xoá nhiều hoa bưởi

Trước ngõ VÀNG ươm mấy chậu mai 

Cành lá XANH rờn tô thắm Tết

Tóc HUYỀN óng ả…khiến lòng ngây

MQUANG

20230116

 

SẮC XUÂN 

(Thủ nhất thanh - sắc thái)

 

SẮC hồng ươm Tết gió chuyền bay

SẮC quyện hồn hoang tím cõi ngày 

SẮC đỏ ngời ngời, hoa thẹn bướm 

SẮC vàng rỡ rỡ, trúc hoà mai

SẮC xinh diện ngọc lòng xao xuyến

SẮC điểm mi ngà mộng lắt lay 

SẮC tỏa muôn trùng xanh bến nước

SẮC màu Xuân biếc khiến tình ngây

PHƯƠNG HOA

JAN 16, 2023

 

BỨC HỌA NGÀY XUÂN 

 

Sân vườn HỒNG, Cúc gió lung lay

Trước ngõ hoa VÀNG tỏa nắng mai 

Bướm TRẮNG chập chờn, đôi cánh lượn

Én NÂU thấp thoáng, giữa trời bay

Bút XANH Họa sĩ đưa ngòi vẽ

Chiều TÍM nàng thơ đợi bấy  ngày...

Rực rỡ hoàng hôn màu sắc ĐỎ

Mắt HUYỀN, Bé ngắm thật thơ ngây...

16/1/2023

HỒNG VÂN

 

CẢNH VÃN THU.

 

Tàn thu, lá đỏ xạc xào bay

 Chiều cạn hoàng hôn tím cuối ngày

Tóc trắng ai vương trên khóm trúc

Bóng mờ người hiện trước cành mai

Dáng huyền ủ mộng theo mây thả

Mắt biếc thầm mơ ngó gió lay

Bạch tước ngang trời, rơi tiếng hót

Giọng vàng huyễn hoặc tuổi thơ ngây ...

Rancho Palos Verdes  17 - 1 - 2023. 

 CAO MỴ NHÂN 

 

MẮT HUYỀN

 

Xanh màu áo lụa gió hiu bay

Hồng thắm đào kia nở đón ngày…

Trắng đẹp trinh trong như cánh huệ

Vàng ươm rực rỡ thể bông mai

Đỏ lòm ngó sợ chừng văng ngửa

Tím thẫm nhìn ghê cứ lất lay

Lam hả khác chi y chú tiểu

Phần em Huyền mắt, ngắm anh ngây…

THÁI HUY

Jan/17/23


SẮC MÀU QUANH TA

 

Xanh trời quang đãng gợn mây bay

Hồng ửng bình minh đón nắng ngày

Trắng muốt Tuyết rơi tan vận rủi

Vàng mơ Mai nở tựu điềm may

Đỏ tươi chum chúm làn môi gợi

Tím nhạt thướt tha vạt áo lay

Nâu lợt tách cà phê sữa nóng,

Đen tuyền bỏ đá, uống phê ngay!

DUY ANH

01/18/2023