CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (10) (Những Cách Đặt Tên Nhân Vật) - ĐỖ CHIÊU ĐỨC




      

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                    HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (10)
                                (Những Cách Đặt Tên Nhân Vật)

          

                                 
    Những tác phẩm tiêu biểu của KIM DUNG.                            
      
       15 tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được ông viết thành đôi câu đối sau đây :

                 飛雪連天射白鹿,Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc,
                 笑書神俠倚碧鴛. Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên.
Vế đầu :
       1. PHI   là Phi Hồ Ngoại Truyện           飛狐外傳.
       2. TUYẾT là Tuyết Sơn Phi Hồ             雪山飛狐.
       3. LIÊN  là Liên Thành Quyết              連城訣.
       4. THIÊN là Thiên Long Bát Bộ            天龍八部.
       5. XẠ    là Xạ Điêu Anh Hùng Truyện   射雕英雄傳.
       6. BẠCH  là Bạch Mã Khiếu Tây Phong 白馬嘯西風.
       7. LỘC   là Lộc Đỉnh Ký                      鹿鼎記.
Vế sau :
       8. TIẾU  là Tiếu Ngạo Giang Hồ          笑傲江湖.
       9. THƯ   là Thư Kiếm Ân Cừu Lục       書劍恩仇錄.
      10. THẦN  là Thần Điêu Hiệp Lữ          神雕俠侶.
      11. HIỆP  là Hiệp Khách Hành             俠客行.
      12. Ỷ     là Ỷ Thiên Đồ Long Ký           倚天屠龍記.
      13. BÍCH  là Bích Huyết Kiếm             碧血劍.
      14. UYÊN  là Uyên Ương Đao              鴛鴦刀.
Còn một quyển thứ...
      15. là VIỆT NỮ KIẾM 越女劍 được viết năm 1970, được in ở phía sau truyện HIỆP KHÁCH HÀNH như là một Phụ Lục. Kim Dung vốn định viết 33 truyện võ hiệp đoản thiên theo "TẠP TAM KIẾM KHÁCH ĐỒ 卅三劍客圖" (Bức tranh vẽ 33 kiếm khách), nhưng mới chỉ viết được có truyện đầu tiên là VIỆT NỮ KIẾM rồi ngưng luôn.
 
       Cách đặt tên những nhân vật trong các truyện kiếm hiệp của Kim Dung cũng rất uyên bác và lý thú với những kiến thức vừa bình dân vừa bác học lại vừa có tính cách văn chương... Ta thử điểm qua tên hiệu của một số nhân vật sau đây :

       Năm nhân vật sừng sỏ nhất võ lâm trong "Anh Hùng Xạ Điêu" (Xạ Điêu Anh Hùng Truyện 射雕英雄傳.) và "Thần Điêu Đại Hiệp" (Thần Điêu Hiệp Lữ 神雕俠侶.) được gọi là "Càn Khôn Ngũ Tuyệt 乾坤五绝" mà trong các bản dịch, ta hay gọi là "Võ Lâm Ngũ Bá 武林五霸". NGŨ TUYỆT hay NGŨ BÁ gì thì tên hiệu và sắc phục của họ cũng đều có liên quan đến Ngũ Hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương như sau :

    1. Đông Tà Hoàng Dược Sư 東邪黄藥師 : Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, ứng với màu xanh. Nên Hoàng Dược Sư thường xuất hiện với áo bào màu xanh và ở trên đảo Đào Hoa. Ông được nhà văn Kim Dung ưu ái dùng hiệu của danh tướng và là nhà quân sự nổi tiếng giúp gầy dựng nên nhà Đường là Lý Tịnh 李靖(571-649) hiệu là DƯỢC SƯ để đặt tên cho ông. Dưới chữ DƯỢC 藥 có một chữ MỘC 木 lớn.
    2. Tây Độc Âu Dương Phong 西毒歐陽鋒 : Tây phương Canh Tân thuộc Kim, ứng với màu trắng, nên thầy trò Âu Dương Phong đều mặc đồ trắng và đến từ Bạch Đà Sơn Trang. Chữ PHONG 鋒 có nghĩa là bén nhọn, nên bên trái có bộ KIM 金.
    3. Nam Đế Đoàn Hoàng Gia 南帝段皇爺 : Nam phương Bính Đinh thuộc Hỏa, ứng với màu đỏ của lửa, nên khi xuất gia, Ngài lấy hiệu là NHẤT ĐĂNG 一燈. ĐĂNG là đèn nên bên trái chữ ĐĂNG 燈 có bộ HỎA 火 là lửa. Kinh Pháp Hoa có câu : "Dĩ nhất đăng truyền chư đăng, chung chí vạn đăng giai minh 以一燈傳諸燈,终至萬燈皆明。Có nghĩa : Lấy lửa của một cây đèn truyền cho những cây đèn khác, rốt cuộc muôn cây đèn đều được sáng sủa cả.
    4. Bắc Cái Hồng Thất Công 北丐洪七公 : Bắc phương Nhâm Qúy thuộc Thuỷ, ứng với màu đen của nước. HỒNG 洪 là nước lụt mênh mông, bên trái chữ HỒNG 洪 có ba chấm Thủy 氵là Nước. Ông lại là Chúa Ăn Mày nên ăn mặc lam lũ đen đúa hợp với màu đen. 
    5. Trung Thần Thông Vương Trùng Dương 中神通王重陽 : Trung Ương Mậu Kỷ thuộc Thổ, ứng với màu vàng. Vương Trùng Dương là nhân vật lịch sử có thật, tên thật của ông là Vương Triết 王喆, sống ở trong Hoạt Tử Nhân Mộ 活死人墓, có nghĩa là người còn sống sống trong mộ như người đã chết. Các đạo sĩ có xu hướng mặc áo bào màu vàng và đội mão che bui tóc cũng màu vàng, gọi là Hoàng Quan 黄冠.

     
  

                      Càn Khôn Ngũ Tuyệt 乾坤五绝  hay là  Võ Lâm Ngũ Bá 武林五霸                 

       Một số tên tuổi danh hiệu được Kim Dung đặt theo hoàn cảnh sống chung quanh như thầy trò của phái Võ Đang chẳng hạn : Trương Tam Phong và Thất hiệp là Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tùng Khê, Trương Thúy Sơn, Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc.
       Võ Đang 武當 còn có tên là THÁI HÒA SƠN 太和山, nằm ở tây nam bộ của tỉnh Hà Bắc. Trong đời nhà Minh (1368~1644) được nhà vua sắc phong là "Đại Nhạc 大岳", rồi "Huyền Nhạc 玄岳" đứng trên cả "Ngũ Nhạc 五岳". Cao nhất có Thiên Trụ Phong 天柱峰 (1612m); Chung quanh bao bọc bởi "Thất Thập Nhị Phong 七十二峰", "Tam Thập Lục Nham 三十六岩" và "Nhị Thập Tứ Giản 二十四涧" nhiều thắng cảnh bao bọc chung quanh, phong quang đẹp đẽ, khí thế hùng tráng, được người đời xưng tụng là "Vạn Sơn Lai Triều 萬山来朝". Có nghĩa : Muôn núi đều chầu về đây. Bây giờ thì ta điểm lại tên hiệu của các thầy trò phái Võ Đang xem sao :

      - Trương Tam Phong 張三丰 : PHONG 丰 là Sắc cỏ tươi tốt, đồng âm với PHONG 峰 là ngọn núi. TAM PHONG là Ba ngọn núi cao nhất trong "Thất Thập nhị Phong".
      - Tống Viễn Kiều 宋遠橋 : Viễn Kiều là Những chiếc cầu xa xa chung quanh các rặng núi.
      - Du Liên Châu 俞蓮舟 : Liên Châu là thuyền hái sen của các ao sen trên núi.
      - Du Đại Nham 俞岱巖 : Đại Nham là những tảng đá lớn như núi Thái Sơn; mà trên rặng núi Võ Đang có đến "Tam Thập Lục Nham".
      - Trương Tùng Khê 張松溪 : Tùng là cây Thông, Khê là Khe suối. Tùng Khê là có thông có suối, có rừng thông bên bờ các con suối.
      - Trương Thúy Sơn 張翠山 : Thuý là xanh om, Sơn là núi. Thúy Sơn là những rặng núi xanh om cây cỏ.
      - Ân Lê Đình 殷梨亭 : Lê là cây Lê, Đình là cái Mái nhà mát, để cho người đi đường , leo núi có chỗ ngồi để nghỉ ngơi. LÊ ĐìNH 梨亭 đồng âm (Quan thoại) với LY ĐÌNH 離亭 là nơi đưa tiễn người đi xa, là cái Đình nơi chia ly.
      - Mạc Thanh Cốc 莫聲谷 : Thanh Cốc là Âm thanh trong sơn cốc, là tiếng dội rền vang trong các thung lũng núi.
      Ta thấy :
         Tên hiệu của thầy trò phái Võ Đang có đủ cả các ngọn núi cao (Tam Phong), có những chiếc cầu bắc ngang trên các đường núi xa xa (Viễn Kiều), có những chiếc thuyền hái sen trên các ao sen trên núi (Liên Châu) và các tảng đá lớn hùng vĩ của Tam Thập Lục Nham (Đại Nham) với những rừng thông bên bờ các khe suối (Tùng Khê) và những rặng núi xanh biếc bao quanh (Thúy Sơn) với các trường đình để cho khách lữ hành đưa tiễn hoặc nghỉ ngơi (Lê Đình) và xa xa vọng lại âm thanh của núi rừng hùng vĩ len lỏi qua sơn cốc (Thanh Cốc). Qủa là một bức tranh rừng núi vừa nên thơ vừa hùng tráng !
            

              Trương Tam Phong và Võ Đang Thất Hiệp qua điện ảnh      
                                                                                   
       Có những cái tên đọc lên là ta biết ngay nghĩa của nó có liên quan đến tính cách đặc điểm  hoặc tâm tư tình cảm của người mang tên đó, như :                                                                                
     - BÌNH NHẤT CHỈ 平一指 : Là thầy thuốc nổi tiếng trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ 笑傲江湖. Ông có ngoại hiệu là Sát Nhân Danh Y 殺人名醫. Sát Nhân là Giết người; Danh Y là Thầy thuốc giỏi. Đọc liền ngoại hiệu và tên họ thành câu :"SÁT NHÂN DANH Y BÌNH NHẤT CHỈ 殺人名醫平一指 (Vì chữ BÌNH 平 là "Bằng", đồng âm với chữ BẰNG 憑 là "Dựa vào") nên câu trên có nghĩa : "Giết người hay chữa bệnh cho người cũng chỉ dựa vào một ngón tay mà thôi". Ý là : Ông ta rất giỏi về võ công và cũng rất giỏi về y thuật; nên chỉ cần một ngón tay là đủ giết chết người khác rồi và cũng chỉ một ngón tay là cũng có thể cứu người bệnh sống lại. Ông lại có lệ là hễ nhận lời cứu sống một người nào đó, thì người đó hay thân nhân của người đó phải nhận lời ông để đi giết chết một người khác theo yêu cầu của ông, hay phải dạy cho ông một tuyệt kỹ võ công nào đó. Đặc biệt, ông người lùn tịt mập ú còn bà vợ thì ốm nhách cao nhồng.
  
     - QUÁCH TƯƠNG 郭襄 : là Nữ hiệp Quách Tương và là Tổ sư sáng lập ra phái Nga My 峨嵋派 sau khi thất tình vì không tìm được Thần Điêu Đại Hiệp Dương Qúa trong truyện "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記". Bà là con gái thứ hai của Đại hiệp Quách Tĩnh và Nữ hiệp Hoàng Dung, em gái của Quách Phù, chị sanh đôi của Quách Phá Lỗ, thông minh linh lợi đẹp đẽ, tính tình phóng khoáng, nhưng hành sự nửa chính nửa tà, vì thế mà mọi người đều gọi là TIỂU ĐÔNG TÀ 小東邪. Tên TƯƠNG 襄 là do lúc được sinh ra vợ chồng Quách Tĩnh và Hoàng Dung đang giúp quan binh thủ thành Tương Dương 襄陽 chống lại sự xâm lược của quân Mông cổ.

     - KHA TRẤN ÁC 柯鎮惡 : Ông là Lão đại của Giang Nam Thất Quái 江南七怪, vì đôi mắt bị mù nên có ngoại hiệu là Phi Thiên Biển Bức 飛天蝙蝠 (Con Dơi bay trên trời) em của Phi Thiên Thần Long 飛天神龍 Kha Tị Tà 柯辟邪. Ông xuất hiện trong cả 2 bộ "Xa Điêu Anh Hùng Truyện 射鵰英雄傳" và "Thần Điêu Hiệp Lữ 神鵰俠侶". Ông là người nóng tính cương trực, xem ác như thù, con người ông được thể hiện qua tên của ông : TRẤN ÁC là "Trấn áp những kẻ gian ác".

    - MỘ DUNG PHỤC 慕容復 : Xuất thân ở đất Cô Tô (tỉnh Giang Tô), Tham Hợp Trang Yến Tử Ổ, là hậu duệ của nước Yên, thuộc dòng giống Tiên Ti, văn võ song toàn, phong lưu tiêu sái, thông hiểu võ công của nhiều môn phái trong thiên hạ; nổi tiếng ngang hàng với bang chúa Cái Bang "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung 北喬峯,南慕容"; Nhất là môn Đẩu Chuyển Tinh Di 斗轉星移 lấy gậy ông đập lưng ông, trấn áp quần hùng của 36 động 72 đảo. Tên PHỤC của dòng họ đặt cho là để nhắc nhở luôn luôn phải nhớ nắm lấy thời cơ PHỤC QUỐC.

      - NHẬM NGÃ HÀNH 任我行 : NHẬM ở đây có nghĩa là Mặc tình, Mặc sức; nên NHẬM NGÃ HÀNH có nghĩa là : "Mặc tình mà làm theo ý của ta muốn". Điều nầy cũng hợp với tính cách của Nhậm Ngã Hành là một giáo chủ của Ma giáo sắt máu ngang ngược, không nói lý lẽ chỉ bết làm theo ý muốn của mình.



             Bình Nhất Chỉ    Quách Tương     Kha Trấn Ác     Mộ Dung Phục   Nhậm Ngã Hành     
                                             
      - TRƯƠNG VÔ KỴ 張無忌 : VÔ KỴ là không có úy kỵ gì cả; cũng có nghĩa là Bách Vô Cấm Kỵ 百無禁忌, một trăm thứ cũng không có thứ nào kỵ cả ! Ma giáo, Minh Giáo, Thiên Ưng Giáo, Lục Đại Môm Phái gì gì đều không KỴ ai cả !.
      - DƯƠNG BẤT HỐI 楊不悔 : BẤT HỐI là không hề hối hận, như là lời xác nhận của Kỷ Hiểu Phù phái Nga My rằng không hề hối hận vì đã lỡ yêu Quang minh Tả Sứ Dương Tiêu của Minh giáo. Bản thân Dương Bất Hối cũng bày tỏ mình cũng không hề hối hận khi yêu Lục Hiệp Hân Ly Đình của phái Võ Đang, người đã từng có hôn ước với mẹ mình năm xưa.
      - QUÁCH PHÁ LỖ 郭破虜 : PHÁ LỖ là phá giặc. Quách Tĩnh đặt tên cho con trai là Quách Phá Lỗ ý muốn cho con mình khi lớn lên cũng đi phá giặc, chiến đấu chống giặc ngoại xâm như mình vậy.
      - LÝ MẠC SẦU 李莫愁 : MẠC SẦU là "Đừng sầu não"; là Đừng buồn, nghe như một lời khuyên cho một người bị tình phụ và cũng giống như là một lời lẫy hờn : Đừng sầu não nữa mà hãy trả thù tình, trả thù đời; nên Lý Mạc Sầu đã ra tay rất tàn độc không những đối với người tình phụ mà còn đối với tất cả những đối đầu với mình.

        Viết đến đây, ta không thể không nhắc đến một câu đối rất hay ho lý thú của một độc giả mê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã dùng tên của bốn nhân vật nêu trên làm nên một câu đối nói về hai sự kiện lịch sử như sau :

         西安事變,張無忌,楊不悔;  Tây An sự biến, Trương vộ kỵ, Dương bất hối;
         安史之亂,郭破虜,李莫愁.  An Sử chi loạn, Quách phá lỗ, Lý mạc sầu.
* Chú thích :
    - TÂY AN SỰ BIẾN : là "Sự biến ở Tây An" là cuộc binh biến bắt giữ Tưởng Giới Thạch 蔣介石 tại Tây An do TRƯƠNG HỌC LƯƠNG 張學良 và DƯƠNG HỔ THÀNH 楊虎城 thực hiện, nhằm gây áp lực buộc Tưởng hợp tác với Đảng Cộng sản chống Đế quốc Nhật Bản vào ngày 12 tháng 12 năm 1936, khi Tưởng đến Tây An. Sự biến Tây An gây chấn động thế giới đương thời. Nên TRƯƠNG VÔ KỴ trong vế đối có nghĩa là : Trương Học Lương không úy kỵ; và DƯƠNG BẤT HỐI là Dương Hổ Thành không hối hận.
   - AN SỬ CHI LOẠN : là "Sự nổi loạn của 2 tướng An Lộc Sơn và Sử Tư Minh ở những năm Thiên Bảo cuối đời Đường Huyền Tông và những năm đầu của Đường Đại Tông (755-763). Sau được tướng QUÁCH TỬ NGHI 郭子儀 dẹp yên. Nên QUÁCH PHÁ LỖ trong vế đối có nghĩa là : Tướng Quách Tử Nghi phá tan giặc loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh; LÝ MẠC SẦU thì có nghĩa là : Vua họ Lý (nhà Đường) đã thôi không còn lo buồn nữa.
     Câu đối trên có nghĩa :
    * Vế đầu:
        - Sự Biến ở Tây An, Trương Học Lương không úy kỵ và Dương Hổ Thành cũng không hối hận về việc bắt giữ Tưởng Giới Thạch để uy hiếp ông ta thoả hiệp kháng chiến chống Nhật.
    * Vế sau :
        - Cái loạn của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã được Quách Tử Nghi phá tan, nên dòng họ Lý của nhà Đường khỏi lo rầu nữa.

    Bốn cái tên diễn lại hai sự kiện lịch sử; một xưa một nay rất sống động và lý thú !


          Trương Học Lương, Dương Hổ Thành, Tưởng Giới Thạch. An Sử Chi Loạn. Quách Tử Nghi


      Một số tên nhân vật nữ có xuất xứ từ Kinh Thi, Sở Từ, Trang Tử, Luận Ngữ... nên nghe rất nên thơ, lý thú vì đều có gốc từ những điển cố văn học, như :

     - MỘC UYỂN THANH 木婉清 : Con riêng của Đoàn Chính Thuần và Tu La Đao Tần Hồng Miên trong Thiên Long Bát Bộ, có xuất xứ từ chương Quốc Phong trong Kinh Thi với bài Dã Hữu Mạn Thảo 野有蔓草 như sau :

            野有蔓草,零露瀼瀼。 Dã hữu mạn thảo, Linh lộ nhương nhương. 
            有美一人,婉如清揚。   Hữu mỹ nhất nhân, Uyển như thanh dương. 
            邂逅相遇,與子偕臧。   Giải cấu tương ngộ, Dữ tử giai tương (tang).
* Có nghĩa :
      Trên cánh đồng hoang cỏ dại mọc lan man xanh mướt phủ đầy những hạt sương lấp lánh của buổi ban mai; Có một người đẹp yểu điệu thanh thoát, tình cờ ta lại được gặp nhau, sánh cùng nhau thì thật là xứng đôi. 
* Diễn Nôm :
                        Đồng hoang cỏ dại mọc đầy,
                 Long lanh sương sớm hây hây má hồng.
                          Ô kià, người đẹp xa trông...
                 Uyển chuyển thanh thoát cho lòng vấn vương.
                         Tình cờ gặp gỡ bèn thương,
                 Cùng ta sánh bước chung đường đẹp đôi.

      Uyển Thanh là cô gái đẹp yểu điệu thanh thoát, nhưng có thân thế như là cỏ dại trên đồng hoang, không biết cha mẹ là ai, chỉ biết có sư phụ mà thôi.

     - CHU CHỈ NHƯỢC 周芷若 : là Chưởng môn đời thứ 4 của phái Nga My, là vị hôn thê của Giáo chủ Minh Giáo Trương Vô Kỵ trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記". Theo sách "Hán Thư", CHỈ là Bạch Chỉ 白芷; NHƯỢC là Đỗ Nhược 杜若; là Tên của 2 loại cỏ thơm. Thơ của Thi Tiên Lý Bạch cũng có câu :

                 始向蓬莱看舞鹤, Thủy hướng Bồng Lai khan vũ hạc,
                 还过芷若听新莺.  Hoàn qua Chỉ Nhược thính tân oanh.
     Có nghĩa :
                         Hướng đến Bồng Lai xem hạc múa,
                         Lại qua Chỉ Nhược lắng oanh ca.

     Hướng đến núi Bồng Lai để xem tiên hạc nhảy múa; và lại đi qua đồng cỏ thơm để nghe tiếng chim oanh ca hót, thì CHỈ NHƯỢC quả là một người vừa thơm vừa đẹp như...Tiên.

     - TRÌNH LINH TỐ 程靈素 : là nữ đệ tử cuối cùng của Độc Thủ Dược Vương 毒手藥王. Cô thầm yêu Hồ Phi 胡斐 và cuối cùng hi sinh vì Hồ Phi. Sử dụng độc rất giỏi và nghiên cứu thành công chất kịch độc Thất Tâm Hải Đường 七心海棠 trong Phi Hồ Ngoại Truyện 飛狐外傳. Tên của cô được Kim Dung ghép bởi hai Chương "LINH KHU 靈樞" và "TỐ VẤN 素問" trong quyển sách thuốc nổi tiếng từ đời thượng cổ là "Huỳnh Đế Nội Kinh 黄帝内经".Nên LINH TỐ là cái tên vừa đẹp, vừa thuần khiết lại vừa... nghe như có vị thuốc ở trong đó !

    - LÝ NGUYÊN CHỈ 李沅芷 : là con gái của Đề đốc Lý Khả Tú 李可秀, thông minh linh lợi, thích giả trai, yêu Thập Tứ Đương Gia của Hồng Hoa Hội là Kim Địch Tú Tài Dư Ngư Đồng 金笛秀才 餘魚同. Cô là nhân vật hư cấu trong "Thư Kiếm Ân Cừu Lục 書劍恩仇錄". Tên của cô có xuất xư từ bài thơ Tương Phu Nhân 湘夫人 trong Cửu Ca của Khuất Nguyên nước Sở, do hai câu :

                沅有芷兮澧有蘭,  NGUYÊN hữu CHỈ hề Lễ hữu Lan,
                思公子兮未敢言。  Tư công tử hề vị cảm ngôn.
     Có nghĩa :
              Sông NGUYÊN có cỏ CHỈ thơm, thì sông Lễ cũng có hoa Lan.
              Nhớ thương chàng công tử, ôi chưa dám thốt nên lời.

                     NGUYÊN có CHỈ, Lễ có Lan,
                 Nhớ chàng công tử vô vàn nói sao ?!

      Ôi, tình yêu khó mà mở miệng nói nên lời. LÝ NGUYÊN CHỈ yêu DƯ NGƯ ĐỒNG, nhưng DƯ NGƯ ĐỒNG lại yêu tứ tẩu Uyên Ương Đao LẠC BĂNG 鴛鴦刀駱冰, mà LẠC BĂNG lại là vợ của Tứ Đương Gia Bôn Lôi Thủ VĂN THÁI LAI 奔雷手文泰來...

    - MIÊU NHƯỢC LAN 苗若蘭 : Vai nữ chính trong truyện "Tuyết Sơn Phi Hồ 雪山飛狐", con gái của Kim Diện Phật Miêu Nhân Phượng 金面佛苗人鳳, là một tiểu thơ khuê các xinh đẹp và là người đính ước chung thân với Hồ Phi. Tên của cô ta được Kim Dung lấy từ bài "Lạc Thần Phú 洛神赋" của Tào Thực với câu :

                 含辭未吐,   Hàm từ vị thổ,
                 氣若幽蘭。   Khí nhược u lan.
     Có nghĩa :
                Mở miệng lời chưa kịp nói ra, thì...
                Hơi thơm đã toát ra như hoa lan rồi ! 
      Người đẹp, tên đẹp, hơi thở lại thơm tho như hoa lan vậy. Quả là một mỹ nhân cao qúy sang cả.

     - LÝ THU THỦY 李秋水 : là cao thủ của phái Tiêu Dao, sư muội của Thiên Sơn Đồng Lão 天山童姥 và Vô Nhai Tử 无崖子, là Vương phi của Quốc Vương Tây Hạ và cũng là bà nội của Ngân Xuyên Công Chúa 银川公主 (Vợ của Hư Trúc Tử 虚竹子) trong truyện Thiên Long Bát Bộ 天龍八部. Tên của bà được lấy trong Thiên Thu Thủy của sách Trang Tử 《莊子·秋水篇》thời Xuân Thu Chiến Quốc :

                 秋水時至,    THU THỦY thời chí,
                 百川灌河.     Bách xuyên quán hà.
      Có nghĩa :
             Khi mùa thu đến thì nước do mưa thu dai dẳng đổ xuống. Nên...
             Làm cho nước của trăm con sông đều rót vào sông Hoàng Hà.

      Ngoài ra còn một số cô có tên như Thanh Thanh, Doanh Doanh, Tố Tố... đều có xuất xứ từ Cổ Thi Thập Cửu Thủ《古詩十九首》như : “Thanh Thanh hà bạn thảo 青青河畔草”, hay “Doanh Doanh lâu thượng nữ 盈盈楼上女”, "Tiêm Tiêm xuất Tố Thủ 纖纖出素手"...

     

       Mộc Uyển Thanh,  Chu Chỉ Nhược,  Trình Linh Tố,  Lý Nguyên Chỉ, Miêu Nhược Lan,  Lý Thu Thủy           

       Một số nhân vật trong truyện võ hiệp của Kim Dung còn có những cái tên hoàn toàn trái ngược với cuộc đời, tính tình, tác phong và hành vi của nhân vật đó. Như :

     - LÂM BÌNH CHI 林平之 : BÌNH CHI là bằng phẳng, là bình thường; nhưng cuộc đời lại chẳng bình thường bằng phẵng tí nào cả. Xuất thân là đại thiếu gia của Phúc Uy Tiêu Cục trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ 笑傲江湖. Vì "Tịch Tà Kiếm Phổ" mà mang họa diệt môn, cả nhà chết dưới tay của Dư Thương Hải là chưởng môn phái Thanh Thành, lại lọt vào âm mưu sắp xếp của Nhạc Bất Quần nên gia nhập phái Hoa Sơn. Trong lúc cả đoàn thầy trò đi về hướng Phúc Châu, lại bị Nhạc bất Quần ám toán nhưng không chết. Biết rõ âm mưu cướp đoạt bí kíp kiếm phổ của Nhạc Bất Quần. Lấy Nhạc Linh San vì muốn nhờ vào đó để bảo toàn tánh mạng. Trả thù Phái Thanh Thành giết Mộc Cao Phong rồi bị mù mắt.  Giết Nhạc Linh San để về phe với Tả Lãnh Thiền giết hại đệ tử của Ngũ Nhạc Phái. Cuối cùng bị Lệnh Hồ Sung cắt đứt hết gân mạch giam dưới địa lao của Mai Trang dưới đáy Tây Hồ.

    - DU THẢN CHI 游坦之 : THẢN CHI là rất bình thản, rất phẳng lặng, nhưng cũng như LÂM BÌNH CHI cuộc đời chẳng bình thản phẳng lặng chút nào cả. Xuất thân cũng là thiếu gia của Du Thị Song Hùng ở Tụ Hiền Trang trong truyện Thiên Long Bát Bộ 天龍八部. Vì muốn tìm Kiều(Tiêu) Phong để báo thù mà gặp phải A Tử. Rồi mê A Tử đến độ để cho nàng ta mặc sức ngược đãi, chồng cả cái đầu bằng sắt lên mặt và gọi là Thiết Sửu. Nhân cách chẳng ra gì, lại nhu nhược hèn yếu, cơ may đưa đến học được tuyệt kỹ của Dịch Cân Kinh, trở thành cao thủ về nội công. Từng bái Đinh Xuân Thu làm sư phụ. Bị Toàn Quán Thanh lợi dụng đưa vào làm Bang Chủ Cái Bang. Cam tâm tình nguyện móc mắt cho A Tử. Cuối cùng cùng A Tử nhảy xuống vực sâu ngoài Nhạn Môn Quan tự tử.

    - ĐIỀN QUY NÔNG 田歸農 : QUY NÔNG là về với nhà nông cao khiết như Đào Uyên Minh đời Tấn. Điền Quy Nông chẳng những không Quy nông mà còn Nhập thế làm hết chuyện ác nầy đến chuyện ác khác. Là vai phản diện trong Phi Hồ Ngoại Truyện 飛狐外傳, trong Tuyết Sơn Phi Hồ 雪山飛狐 là kẻ bày kế ám hại hai đại hiệp Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phượng. Dụ dỗ vợ của Miêu Nhân Phương là Nam Lan, mưu đồ chiếm đoạt bản đồ châu báu. Cấu kết với triều đình để đối phó với Miêu Nhân Phượng. Cuối cùng đành phải nhục nhã tự sát khi được Miêu Nhân Phượng tha không giết.

    - NHẠC BẤT QUẦN 岳不群 : Chưởng môn phái Hoa Sơn, sư phụ của Lệnh Hồ Sung, có ngoại hiệu là Quân Tử Kiếm trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ 笑傲江湖. BẤT QUẦN là "Không giống như quần chúng bình thường". Với dáng vẻ đạo mạo nghiêm trang, đi đứng chửng chạc phải điệu là tôn sư của một phái trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Võ lâm đồng đạo chỉ nhìn bề ngoài nên đánh giá nhầm mới xưng tụng ông là Quân Tử Kiếm. Nhạc Bất Quần chỉ vì âm mưu muốn đoạt Tịch Tà Kiếm Phổ, mà khai trừ đồ đệ Lệnh Hồ Sung ra khỏi phái Hoa Sơn. Muốn giết hại Lâm Bình Chi. Tự cung (thiến) để luyện Tịch Tà Kiếm Pháp, dã tâm cùng với Tả Lãnh Thiền thôn tính võ lâm. Cuối cùng chết dưới kiếm của Nghi Lâm khi muốn giết Lệnh Hồ Sung.
Cái người mang tên QUÂN TỬ KIẾM rốt cuộc lại là một NGỤY QUÂN TỬ và đến cuối truyện đọc giả mới vỡ lẽ ra, chứ khi lặt tên NHẠC BẤT QUẦN cho chưởng môn phái Hoa Sơn, Kim Dung đã ngầm cho ta biết đó là một NGỤY QUÂN TỬ rồi. 
     Theo chương Vệ Linh Công sách Luận Ngữ《論語·衛靈公》Khổng Tử có nói rằng : 
“Quân Tử quần nhi bất đảng, Tiểu Nhân đảng nhi Bất Quần 君子群而不黨,小人黨而不群”. Có nghĩa : "Người quân tử thì tập họp quần chúng để hợp quần gây sức mạnh; còn kẻ tiểu nhân tu tập phe đảng với nhau chớ không chịu hợp quần với tập thể". Nên câu "TIỂU NHÂN đảng nhi BẤT QUẦN" thì BẤT QUẦN là TIỂU NHÂN, nên tên NHẠC BẤT QUẦN tự nó đã hàm ý là TIỂU NHÂN rồi ! Đây là Kim Dung đang chơi chữ, mà người đọc phải có kiến thức và tinh ý lắm mới biết được BẤT QUẦN là TIỂU NHÂN, là NGỤY QUÂN TỬ !
     Nhân vật NHẠC BẤT QUẦN trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã hòa nhập vào đời sống của cư dân Sài Gòn và Miền Nam khoảng thập niên 1970. Hễ người nào có hành vi giả dối hoặc làm bộ ra vẻ người tốt, thì bạn bè và người xung quanh sẽ đánh giá ngay :
           - Làm cái điệu của Nhạc Bất Quần !
           - Đồ cái thằng cha Nhạc Bất Quần !
           - Ối ! Thứ cái đồ Nhạc Bất Quần !...

        

          Lâm Bình Chi     Du Thản Chi     Điền Quy Nông     Nhạc Bất Quần
 
      Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lại hàm chứa những giáo lý về Phật pháp rất cao xa huyền diệu; Ngay cả cách đặt tên cho nhân vật cũng vậy. Không kể tên của các bậc chân tu hay cao tăng chùa Thiếu Lâm, chỉ đơn cử 3 tên của 3 nhân vật chính trong truyện Thiên Long Bát Bộ là Đoàn Dự 段譽, Hư Trúc 虚竹 và Kiều Phong 喬峰.

    - DỰ 譽 là Danh Dự, là Khen ngợi, là Tiếng tốt; là Hư danh.
    - HƯ 虚 là Trống, rổng, không có thực; là Không.
    - KIỀU 喬 là Cao, là Giả dạng, là Cải trang, là không thực, 

      Tên của ba nhân vật nêu trên đều có ngụ ý là "Danh tướng phi chân tướng 名相非真相: của nhà Phật. Có nghĩa : Cái tên thấy đó mà không phải thật như thế đó. "Sắc" đó rồi cũng "Không" đó. Cái DANH DỰ là cái tên gọi, là cái HƯ DANH, có đó nhưng như không có. Ta thấy nó ứng vào vận mệnh của các nhân vật như :

    - Đoàn Dự, thực chất là một Nho sinh nhưng lại có tấm lòng của con Phật. Làm vua là nhập thế theo đạo Nho nhưng lại có lòng từ bi hỉ xả của một bồ tát.

    - Hư Trúc, sanh ra và lớn lên trong đất Phật, đã có sẵn lòng từ bi của con Phật, nhưng lại là Chưởng môn nhân của một môn phái thuộc Đạo Gia.

    - Kiều Phong : là Không thực, vì ông vốn họ Tiêu. Ông không thuộc Phật gia, cũng không thuộc Đạo gia, nhưng hành xử thì an bang tế thế theo kiểu Nho gia.
      Câu truyện giữa ba nhân vật chính nầy là những hòa quyện kết hợp chặc chẽ của Tam giáo đồng nguyên giữa NHO-THÍCH-ĐẠO đã hòa vào đời sống của dân gian mấy ngàn năm nay rồi.



            Hẹn bài viết tới !

                                                          杜紹德
                                                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

VỀ BÚT DANH KHA TIỆM LY VÀ THẦY TRẦN VĂN HUẤN


 

 

VỀ BÚT DANH KHA TIỆM LY VÀ THẦY TRẦN VĂN HUẤN

1. Từ nhiều năm trước và mới đây, có nhiều bạn hỏi tôi: “Kha Tiệm Ly có phải là tên ghép hai nhân vật KINH KHA và CAO TIỆM LY không?”. Tôi thường “Dạ” để tránh giải thích dài dòng, phần cũng ngại phạm điều điều tối kỵ của tôi là …nói về mình!
Nhưng nhiều bạn hỏi, đành phải nói rõ ràng (hơi dài dòng, xin lượng thứ):
2. Hồi năm 1961, lúc tôi học Đệ Thất (lớp 6 bi giờ), tôi may mắn được thầy Trần Văn Huấn (thầy lớn tuổi hơn cha tôi) kêu vô nhà chơi khi tôi “bắn cu li” (bắn bi) với các bạn trước cửa nhà thầy bên cư xá Cảnh Sát. Sở dĩ thầy “mời” tôi vô nhà vÌ thầy nghe tôi đọc được hai câu đối trước cửa nhà thầy và tấm hoành với 4 chữ “Cao bằng nhã hội” ngay phòng khách, cũng là phòng làm việc của thầy.
Hồi đó học trò lễ phép lắm, nên người lớn thường thương mến. Thầy hỏi tôi biết đọc (chữ Hán) mà biết nghĩa không? – Dạ biết!
Và thầy bảo tôi giải thích hai câu đối phía trước và 4 chữ “Cao bằng nhã hội”.
– Con học chữ Hán trường nào, học mấy năm rồi, sao giỏi vậy?
– Dạ con học hồi năm tuổi, ông Ngoại dạy.
Thầy bảo tôi rảnh cứ việc sang chơi. Càng lâu, thầy thương tôi như con, và có lần thầy bảo tôi đọc truyện Tam Quốc cho thầy nghe (có lẽ thầy thử sức học); Tôi đọc có ca có kệ thầy thích lắm, thỉnh thoảng thầy hỏi “Câu đó nghĩa là gì?” (có lẽ cũng thử sức). Câu nào tôi cũng trả lời suôn sẻ và nhứt là không “bí” chữ nào. Thầy khen lia lịa.
Thực ra tôi không phải “giỏi” như thầy khen, mà là vì ở quê nhà tôi thường xuyên đọc Tam Quốc cho ngoại tôi nghe mỗi tháng không biết mấy chục lần, tất nhiên lúc đó chữ không biết rất nhiều, và câu không hiểu nghĩa cũng lắm, nhưng qua 5 năm tiểu học, ngoại tôi đã dạy thêm, sửa sai không biết bao nhiêu lần mà kể, vì thế khi đọc “ro ro” cho thầy nghe chẳng qua là tôi “thuộc bài” mà thôi!
3. Cuối năm Đệ Thất, tôi về thăm cha mẹ ở xã An Thuận quận Thạnh Phú (Bến Tre), Đò cặp bến ở nhà lồng chợ quận, không vội về, tôi bèn đến thăm thầy, cô giáo của mình; rồi đến thăm trường xưa, dù chỉ nhìn trường qua hàng rào, nhưng sao tôi thấy bùi ngùi, dù mới một niên khóa: Tôi thấy trường mình sao cũ quá (có lẽ vì tâm lý), và vắng vẻ quá (nghỉ hè mà), tôi chạnh lòng, nước mắt rưng rưng. Tối đó, ở nhà cha mẹ tôi làm bài thơ Đường luật đầu tiên, tựa là NGẮM TRƯỜNG XƯA, bài thơ nầy tôi có gởi cho báo Tiếng Dội Miền Nam, và được đăng sau khi tòa soạn sửa lại 3 chữ chữ vì đối không chỉnh và sai niêm. Bài thơ như sau:

Thu qua, thu lại mấy thu rồi?
Giờ ngắm trường xưa luống ngậm ngùi
Mái ngói sương phong mờ nét đỏ,
Bức tường rêu bám nhạt màu vôi.
Bao năm xa cách lòng tan nát
(Giờ trở)MỘT PHÚT về đây ruột rối bời
Hỏi cảnh biết chăng người (xưa)CŨ nhỉ
Cố nhân người hỡi, cố nhân ơi!
Liêu Tần Chương

* Chú: Chữ trong ngoặc đơn là nguyên bản
Chữ in hoa là tòa soạn sửa/ Tiếc rằng lúc đó không biết vị nào sửa mà cám ơn.
4. Tôi mang tờ báo đem khoe thầy, thầy hỏi:
- Liêu Tần Chương là gì?
- Dạ, thưa thầy: Liêu là hoang vắng, Tần là nước Tần, chương là rực rỡ.
- Sao lại nước Tần mà không nước khác?
- Dạ, ..dạ… vì con thích Tần Thủy Hoàng, ông ta là một cái thế anh hùng!
Thầy gật đầu nhẹ mà không nói gì.
Vài ngày sau, tôi qua thầy chơi, thì thầy đưa miếng giấy có viết 3 chữ 珂 漸 璃 (Kha Tiệm Ly) cho tôi coi rồi bảo:
- Thầy đã chọn bút danh cho con đây.
Được thầy chọn cho mình một bút danh thì còn gì hãnh diện cho bằng, nhưng tôi rụt rè nói:
- Thưa thầy, măc dù con biết KHA TIỆM LY 珂 漸 璃 của thầy khác với tên của KINH KHA 荊 軻 và CAO TIỆM LY高 漸 離 là 2 nhân vật thời Đông Châu, nhưng thiên hạ sẽ tưởng lầm KHA TIỆM LY 珂 漸 璃 là do 2 từ KINH KHA và CAO TIỆM LY ghép lại!
Thầy nghiêm nghị:
- Thây kệ họ, quan trọng là con có thích không?
- Dạ, được thầy đặt bút danh cho thì còn gì quý bằng.
- Nhưng con có biết nghĩa của bút danh nầy là gì không?
- Dạ… dạ…không!
Thầy giải thích:
- KHA là một loại đá đẹp nhưng không phải là ngọc; TIỆM là từ từ đến; LY là một loại ngọc quý. Ý thầy muốn nói, con còn nhỏ mà có chút tài thì ví như viên đá đẹp; viên đá nầy nếu được mài dũa thì sẽ thành viên ngọc quý. Cũng như con, lúc nào cũng phải trau dồi trí tuệ và phẩm hạnh thì lớn lên mới thành người có ích cho xã hội.
“Lý lịch”của bút danh Kha Tiệm Ly là vậy. Khá dài dòng, quý bạn thông cảm.
Thêm: Thầy Trần Văn Huấn là người tinh thông Hán học, là cháu nội của nhà cách mạng Trần Quý Cáp. Tôi có duyên gặp được thầy âu cũng là đại phước cho tôi.


KHA TIỆM LY


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

VIẾT THƯ TÌNH - TRẦN HỮU NGƯ

 



Ảnh tác giả Trần Hữu Ngư thăm mộ Trúc-Phương

(Ảnh, do nhà báo Lam-Điền chụp ở nghĩa trang Lái Thiêu năm 2019)


VIẾT THƯ TÌNH

Đó là tựa đề một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trúc-Phương.
Ngày xưa, từ những năm 1950 đến năm 1970 (lấy con số tròn, cũng có thể trước hoặc sau đó vài ba năm) thư tình là một nét văn hóa lâu đời không những ở Việt-Nam và ngay cả thế giới, những bức thư tình của những người nổi tiếng, người ta sưu tầm, tập hợp lại để xuất bản thành cuốn sách để bạn đọc thưởng lãm.
Ngày nay, với những phương tiện khoa học tiến bộ, không còn ai viết tay thư tình nữa! Tình yêu, được hẹn hò qua máy tính, điện thoại… Gặp nhau cà phê, cà pháo, có cả… cà chớn, cà cháo, cà khịa, cà lăm! Tình yêu thời số hóa, có khi chỉ là cái nhìn đầu tiên, là tạo thành tiếng sét ái tình, rồi nên duyên chồng vợ! Và thời số hóa, có khi quẹt một cái là có… tình yêu?
Ngày xưa, dễ gì? O mèo trầy vi tróc vảy mới có được những mối tình thề non hẹn biển. Cho nên mới có câu “Nhứt đốn tre vì ve gái” và mai mối là những bức thư tình.
Bạn đã từng đốn tre chưa? Chặt được một cây tre là vô cùng khó khăn, còn ve gái thì đời trai ai cũng có, trừ khi bạn nhát gan, thụ động không dám o mèo mà chỉ nhờ mai mối.
Tôi bảo đảm rằng, ngày nay thanh niên nam nữ đến tuổi biết yêu, không biết viết thư tình? Thế hệ những nam thanh nữ tú vào những thập niên như đã nói ở trên có được mối tình là do “Những lá thư tình” viết trên giấy học trò hoặc giấy Pơ-luya mỏng. Suy nghĩ, nắn nót, thức trắng đêm để viết thư tình. Những lá thư viết rồi xé, xé rồi viết… nó bí mật hơn chuyện “an ninh quốc gia”. Thư gởi đi rồi (nhờ người đem thư, người này tuyệt đối trung thành) hồi hộp chờ hồi âm, thư đi tin lại, là niềm hạnh phúc vô biên!
Ngày xưa, bắt đầu đi học, thầy cô thường bắt chúng tôi “phải viết chữ đẹp”. Cho nên mỗi tuần có một tiết “tập viết”, tiết này quan trọng không kém các môn học khác. Cho nên học trò ngày ấy ai cũng viết chữ đẹp (Học trò phải viết ngòi viết lá tre, bắp chuối, chấm mực tím. Đến hết tiểu học, mới được dùng các loại viết khác).
Tôi đã từng viết thư tình. Nếu ngày nay còn những lá thư tình ngày ấy để đọc, chắc thấy nó vụng về dễ thương lắm, có đôi khi buồn cười nữa. Ngày xưa, ở một làng chài, tôi đã từng làm con én đưa thư tình. Tôi đem thư tình của một anh bà con làm ngư phủ đến cho một cô thôn nữ làm nông ở một ấp cách xa 4 cây số đường chim bay.
Có lần về quê gặp lại người anh thời chân đất, anh nói rằng: Nhờ em mang thư tình ngày ấy mà anh chị nên vợ chồng đến ngày hôm nay. Tôi thật sự cảm động và nhớ lại mỗi lần mang thư đến rồi chờ cả buổi “để nàng viết thư hồi đáp”, nhờ tôi mang về…
Trả công tôi là mấy củ khoai lang, cục kẹo, điếu thuốc… vậy mà tôi sung sướng!
Thư tình đã được đi vào thơ, nhạc. Ngày ấy có nhạc phẩm “Lá thư không gửi”, “Thư trên vùng cao”, “Lá thư”… và một nhạc phẩm nổi đình nổi đám như “Sao chưa thấy hồi âm” của Châu-Kỳ:
“Theo năm tháng hoài mong
Thư gửi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy…”.
Và nhạc sĩ Trúc-Phương đã viết một bài hát, đi vào chính đề tài là “Viết thư tình”. Bài hát được “Việt-Nam nhạc tuyển” in ấn và phát hành tháng 4.1970 và được ca sĩ Trúc-Ly thu thanh vào dĩa hát Việt-Nam với ban nhạc Nghiêm-Phú-Phi, một ban nhạc được đánh giá là có chất lượng và tên tuổi lúc bấy giờ :
“… Theo dấu hài người về xa đi khi quê hương thù hận
Đêm trông mặt trời, từng mặt trời rọi sáng ven đô
Ngồi biên thư gởi anh chốn đó, lạnh đêm nay lạnh không phải lạnh vì gió
Thư đến từng nẻo người qua văn non đôi câu vụng về
Khi chưa được về đọc thư tình anh nhớ tôi nghe
Đường anh xuôi vì yêu đất sống
Đường tôi đi còn yêu khắc khoải không ngừng
Đời nhiều mơ nên vẫn mơ
Khoảng cách đâu xa tầm tay đợi chờ
Cho nên tôi trót đã một lần ta biết ta
Tuy muộn màng nhưng mặn nồng
Ta bước chậm vào đường yêu nên chỉ ưu tư thật nhiều
Đôi khi hỏi lòng; chuyện lâu đời yêu có vui không?
Mình cho nhau thời gian trắng đó
Buồn hay vui đời xui bất chợt đâu ngờ…”
Nhạc phẩm “Viết thư tình” được nhạc sĩ Trúc-Phương viết ở cung Đô Thứ, giai điệu Boléro, vốn là sở trường của anh. Nhạc phẩm này có ba nốt giáng (Bémol): Mí, Si, La.
Có một điều rất đặc biệt, trong hàng mấy chục nhạc sĩ miền Nam nói riêng và nhạc sĩ Việt-Nam nói chung, nhạc sĩ Trúc-Phương thường xử dụng nốt Bémol, anh không dùng Dière. Dù không tin, tôi cũng thường suy nghĩ về cuộc đời Trúc-Phương, có lẽ nốt Bémol là những nốt nhạc “khẩu khí” của cuộc đời anh chăng?
Nhân bài viết ngắn về “Viết thư tình”, tôi nói một chút về nhạc phẩm “Đường về Bình Tuy” của anh. Nhạc sĩ Trúc Phương tạm trú ở Bình, và anh không có hộ khẩu nơi mảnh đất giàu nắng và gió và cát biển. Anh yêu lắm Bình-Tuy, nên mới viết được một tuyệt phẩm này. Những năm tạm trú ở Bình-Tuy, anh đã viết không ít nhạc phẩm Boléro để lại cho đời.
-Anh Trúc-Phương ơi, Bình-Tuy đã mất tên rồi! Tôi xin phép anh đổi là “Đường về Hàm-Tân” nhé. Trong nhịp Mambo Boléro, hào khí ngất ngây của một thời, trái tim lãng mạn của người nghệ sĩ trao trọn cho Bình-Tuy:
“… Đây (Bình-Tuy)Hàm-Tân nước mặn về muôn hướng
Qua Hàm-Tân sóng dâng tình muôn phương
Dưới ánh nắng mai tiếng hát của dân chài
Nhịp nhàng êm ái
Yêu Hàm-Tân mấy mùa trăng vương vấn…
Lagi tay chài tay lưới
Có những mùa trăng sáng cát trắng đẹp bờ vai…”.
Trở lại “Viết thư tình”, đây là một nét đẹp văn hóa của một thời mà ánh sáng văn minh chưa tràn ngập, những bức thư tình đã kết hợp đến đầu bạc răng long.
Có phải, ngày xưa vì những bức thư tình mà tình yêu bễn vững keo sơn chăng?
Nếu tôi có quyền, tôi sẽ ra một đề thi tốt nghiệp phổ thông:
-Các em viết một bức thư tình.
Bảo đảm cắn viết và kết quả rụng như sung.


TRẦN-HỮU-NGƯ

(Saigon-Giadinh, một ngày nhớ Bình-Tuy)

Nguồn: Từ Facebook của tác giả.