Tạp Ghi và Phiếm Luận :
Kính chiếu yêu bất đắc dĩ
THÍCH MINH TUỆ
Đọc bài "SƯ MINH TUỆ" của Đỗ Duy Ngọc do Mai Lộc Mai chuyển, làm cho Đỗ Chiêu Đức tôi không khỏi bâng khuâng cảm xúc. Vâng, "... sự kiện Sư Minh Tuệ không chỉ là hiện tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng xã hội và đã bắt đầu mang màu sắc chính trị". Ở đây, tôi chỉ triển khai lạm bàn và phiếm luận rộng thêm về "Hiện tượng Xã hội" thông qua văn học cổ và đời sống dân gian mà thôi.
Một cư dân trên mạng đã nhận xét "Sư Minh Tuệ là kính chiếu yêu làm cho các ma tăng, xàm tăng phải hiện nguyên hình...". Một dân mạng khác nói :"Sư Minh Tuệ là giọt nước làm tràn ly...". Nói theo cụ Nguyễn Du lý luận trong câu mở đầu của Truyện Kiều :"Lạ gì BỈ SẮC TƯ PHONG 彼嗇斯豐", Có nghĩa : Cái kia cạn kiệt thì cái nầy sẽ đầy lên. Nói theo Đạo Đức Kinh của Lão Tử là VẬT CỰC TẤT PHẢN 物極必反, Có nghĩa : Sự việc gì đó đến mức cùng cực tôt độ thì sẽ trở ngược lại. Nói theo Dịch Lý của Kinh Dịch thì là ÂM CỰC DƯƠNG HỒI 陰極陽回 Có nghĩa : Đến tận cùng của âm thì dương sẽ trở về. Trong Truyện Kiều cũng có câu :"Trong cơ ÂM CỰC DƯƠNG HỒI khôn hay. Nên...
Trong khi khắp cả nước các chùa chiền lộng lẫy với các kiến trúc "Trăm tỉ ngàn tỉ trở lên" như Chùa Ba Vàng, chùa Phật Quang và các Trúc Lâm Thiền Viện... với các Đại Đức Thượng Tọa có phục sức như vua quan và lối sống xa hoa lên xe xuống ngựa như các bậc quyền qúy lại luôn miệng kêu gọi Phật tử phải "Cúng dường, cúng dường và cúng dường để tạo phước"... thì nhà sư Minh Tuệ chỉ với một chiếc áo phấn tảo, một lõi của nồi cơm điện, với đầu trần chân đất đi khất thực khắp nơi, xuyên suốt bắc nam, chỉ ăn ngày một buổi, không nhận tiền, không nhận cả thức ăn khi đã ăn xong trong ngày hôm đó... Với hình ảnh của hai lối sống, hai lối tu tập khác nhau một trời một vực trong cùng một Đạo Phật, đã làm cho Phật tử, nói chung là làm cho mọi người không so sánh cũng phải so sánh, mà đã so sánh thì sẽ có sự lựa chọn; nên mọi người càng sùng bái ngưỡng mộ sư Minh Tuệ bao nhiêu thì lại càng khinh miệt căm ghét những người đi tu mà chỉ muốn làm giàu cho gia đình, hưởng thụ cho bản thân... bấy nhiêu.
Sự thật thì tu theo lối khổ hạnh của Hạnh đầu đà cũng không phải mới mẻ xa lạ gì, vì lối tu tập nầy đã có từ thời của đức Phật đang tu và cũng đã có những người nổi tiếng theo đường lối tu tập nầy, không kể A Nan và Ca Diếp là hai trong mười đệ tử của Phật Thích Ca. Đầu đời Ngũ Đại bên Trung Hoa đã có Bố Đại Hòa Thượng 布袋和尚 (Hòa Thượng Túi Vải) với bài kệ :
一鉢千家飯, Nhất bát thiên gia phạn,
孤身萬里遊; Cô thân vạn lý du;
青目睹人少, Thanh mục đổ nhân thiểu,
問路白雲頭。 Vấn lộ bạch vân đầu !
Có nghĩa :
Một bát, cơm của ngàn nhà,
Chiếc thân, muôn dặm đi qua.
Mắt xanh, nhìn người qúa ít,
Hỏi đường, mây trắng ngang đầu !
Còn ở Việt Nam ta thì thời cận đại có sư Minh Đăng Quang (1923-1954) là Tổ sư khai sơn hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Về mục đích của sự tu tập theo lối "khất sĩ", Sư giải thích đại ý như sau: "Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng...chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn. Về phần người bố thí, qua hình ảnh của người "khất sĩ", họ sẽ hiểu được phần nào là "an vui thanh sạch", là "trầm luân khổ ải" để sớm thức tỉnh, tìm đến con đường giải thoát phiền muộn. Tóm lại, đối với người tu, nếu không làm "khất sĩ" để vừa hóa trai, vừa tu học thì không dễ gì đạt được đạo quả vô thượng".
Nên như một dân mạng đã nói, hình ảnh khất thực của sư MINH TUỆ chỉ là giọt nước làm tràn ly... Bản thân sư Minh Tuệ cũng nói mình chưa phải là một nhà sư mà mình vẫn còn đang trên đường tu tập... Không phải như những người tự xưng là Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng... mà lòng còn đầy rẫy THAM, SÂN, SI chỉ biết có TIỀN nên thay vì thuyết giảng đạo pháp cho mọi người tĩnh tâm tu tập thì lại toàn kêu gọi hô hào phải CÚNG DƯỜNG, CÚNG DƯỜNG và CÚNG DƯỜNG !... Cúng cả cái nhà mình đang ở, rồi che chòi mà ở tạm để con cháu được hưởng PHƯỚC. Rõ ràng là lòng THAM vô độ nên xúi dại người ta thả Hình bắt Bóng ! Như thế mà gọi là giảng giải về thuyết NHÂN QỦA hay sao ? Lại nói những người thích đi du lịch nhiều không để tiền để cúng dường cho chùa thì tương lai sẽ bị bại liệt, người thích hát Ca-ra-OK sẽ bị câm... Thầy Chùa gì mà không thuộc một chút kinh Phật nào hết! Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã viết khi Thúy Kiều bị gạt vào lầu xanh là :
Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp nầy chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
... được cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim giải thích bằng bài kệ trong kinh Phật sau đây :
欲知前世因, Dục tri tiền thế nhân,
今生受者是; Kim sinh thụ giả thị;
欲知来世果, Dục tri lai thế qủa,
今生作者是。 Kim sinh tác giả thị.
Có nghĩa :
- Muốn biết cái NHÂN của kiếp trước, thì hãy...
xem sự thụ hưởng của ta trong kiếp nầy;
- Muốn biết cái QỦA của kiếp sau, thì hãy...
xem việc làm của ta trong kiếp nầy !
Ý là :
- Nếu kiếp nầy ta được sống giàu sang phú qúy, có nghĩa là kiếp trước ta đã tu nhân tích đức, còn nếu kiếp nầy ta nghèo khổ vất vả là do kiếp trước ta sống phóng túng hoang phí...
- Nếu muốn biết kiếp sau của mình như thế nào thì hãy xem việc làm của mình làm trong kiếp nầy. Nếu kiếp nầy mình biết tu nhân tích đức thì kiếp sau của mình sẽ chắc chắn được hiễn vinh, còn như nếu kiếp nầy mà mình làm những điều ác đức hại người thì kiếp sau có thể sẽ đầu thai làm súc sinh mà không được làm người nữa...
Diễn giải bài kệ trên cốt để khuyến thiện, khuyên người ta làm lành lánh dữ, chứ không phải để hù dọa người ta đừng tiêu xài để đem tiền đi cúng dường cho chùa và đừng bỏ vào thùng Phước Sương mà phải trao tận tay cho Thầy thì mới linh ứng, vì Thầy mới biết cách van vái cho ta. Thiệt là hết nói nỗi !
Đạo Giáo cũng khuyên người ta hướng thiện tích đức vì tin rằng có Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thần Tiên luôn luôn theo dõi để giám sát từng hành vi và cử động của con người, như các câu sau đây :
人 間 私 語, 天 聞 若 雷;
Nhân gian tư ngữ, Thiên văn nhược lôi;
暗 室 虧 心, 神 目 如 電.
Ám thất khuy tâm, thần mục như điện.
Có nghĩa :
- Những chuyện nói lén riêng tư với nhau ở nhân gian, thì...
Ông trời ổng nghe như là tiếng sấm sét vậy (có nghĩa là Nghe rất rõ).
- Làm chuyện mờ ám trong phòng kín tối tăm tưởng không ai thấy, thì
con mắt của các thần linh nhìn rõ như là có điện chớp vậy !
... và một câu nói rất phổ thông nữa là :
種 瓜 得 瓜 , 種 豆 得 豆 。
Chủng qua đắc qua, Chủng đậu đắc đậu.
天 網 恢 恢 , 疏 而 不 漏 。
Thiên võng khôi khôi, Sơ nhi bất lậu.
Có nghĩa :
- Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu;
- Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không để lọt gì cả !
Còn Nho Giáo thì không tin có Trời Phật Thần Thánh, nhưng tin có Thiên Lý 天理 là Cái Lý của Trời, tức là "Cái lẽ phải ở trên đời nầy", nên cũng khuyên ta nên hướng thiện, như :
善惡到頭終有報, Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
高飛遠走也難逃! Cao phi viễn tẩu dã nan đào !
Có nghĩa :
- Thiện hay ác gì thì rốt cuộc vẫn có báo ứng. Dẫu cho...
- Bay có cao chạy có xa thì cũng khó mà thoát khỏi !
Có bản viết là :
Cao phi viễn tẩu dã nan TÀNG. 高飛遠走也難藏.
Có nghĩa :
- Cao chạy xa bay cũng khó TRỐN (thoát).
... và câu :
善 有 善 報 , 惡 有 惡 報 。
Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo.
不 是 不 報 , 日 子 未 到 。
Bất thị bất báo, Nhựt tử vị đáo.
Có Nghĩa :
- Làm lành thì có báo ứng lành, làm ác thì sẽ bị báo ứng ác.
- Không phải là không báo ứng, vì ngày tháng chưa tới mà thôi.
Nên...
Các yêu tăng, tà tăng, xàm tăng... đã đến ngày bị báo ứng bởi các việc làm tà ác của mình mà phải lộ nguyên hình với đầy đủ THAM SÂN SI của chính mình, còn sư Minh Tuệ chỉ tu tập một cách thuần thành chớ không phải là "Kính Chiếu Yêu" gì cả. Chỉ có lũ yêu ma mới phải hiện nguyên hình trước các bậc chân tu mà thôi !
Bài viết của Đỗ Duy Ngọc còn có phần kết rất hay như sau :
"Hãy xem Sư là bậc chân tu. Bậc chân tu đó như luồng ánh sáng soi rõ đám tà tăng, xàm tăng, ác tăng ở trong các chùa to, tượng lớn đang làm mê muội nhiều người. Ánh sáng của bậc chân tu Minh Tuệ cũng đã khiến nhiều người tỉnh thức, thay đổi tư duy, hiểu ra thế nào là chánh pháp, giác ngộ được thế nào là một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Nó không phải là tiền tài, danh vọng, cũng chẳng phải cứ cầu, cúng dường nhiều là được phước. Ánh sáng của Sư Minh Tuệ đã giúp người đời hiểu rõ hơn về Phật pháp. Đó là điều lớn nhất Sư Minh Tuệ đã mang đến cho đời".
Khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn 五祖弘忍 muốn truyền y bát cho cho đời sau đã bảo các đệ tử mỗi người làm một bài kê cho ngài xem. Đại đệ tử là Thần Tú 神秀 rất uyên thâm về Phật pháp đã viết bài kệ như sau :
身是菩提樹, Thân thị Bồ đề thọ,
心如明鏡台, Tâm như minh kính đài,
時時勤拂拭, Thời thời cần phất thức,
莫使惹塵埃。 Mạc sử nhạ trần ai !
Có nghĩa :
Thân là cây Bồ đề,
Lòng như đài gương sáng.
Luôn siêng năng lau phủi,
Đừng để nhuốm bụi trần.
Mọi người đọc xong đều trầm trồ khen hay. Lúc đó có một nhà sư đen đúa là một hỏa đầu đà nên không biết chữ đã nhờ một đồng đạo viết lại bài kệ đó như sau :
菩提本無樹, Bồ đề bổn vô thọ,
明鏡亦非臺, Minh kính diệc phi đài,
本來無一物, Bổn lai vô nhất vật,
何處惹塵埃? Hà xứ nhạ trần ai ?!
Có nghĩa :
Vốn không có cây Bồ đề nào cả,
Cũng không có đài gương sáng nào hết,
Vốn dĩ không có một vật nào cả, thì...
Lấy chỗ nào đâu mà để cho nhuốm bụi trần ai ?!
Tất cả mọi người đọc xong đều ồ lên một cách kinh ngạc. Nhà sư hỏa đầu đen đúa đó chính là Lục Tổ Huệ Năng 惠能 đó !
"Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai ?" Mong rằng sư Minh Tuệ cũng sẽ đốn ngộ một cách tuyệt đĩnh như là Lục Tổ Huệ Năng vậy :
Vốn không cây Bồ đề,
Cũng chẳng có đài gương,
Vốn dĩ không một vật,
Lấy đâu nhuốm bụi đường ?!
Nam Mô A Di Đà Phật !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét