VỀ VỚI SỊA: NHẤT HUẾ, NHÌ SỊA
Ông ngoại tôi người làng Sịa, từng là quan Thất phẩm kiêm Ngự y dưới triều vua Khải Định. Ông sinh ở Sịa, mất cũng ở Sịa.
Xứ Huế có nhiều địa danh cũn cỡn, kỳ lạ như Truồi, Sình, Nong, Chuồn, Nọ, Nịu, Sịa…
Sịa!? Cái tên đơn âm, đơn điệu, nghe cụt ngũn cụt ngơ, lại quê quê mần răng.
Hơn 500 năm trước, Sịa vốn là vùng đất sình lầy, cỏ cây, lau sậy mọc um tùm, được khai khẩn từ năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Ngày nay thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền, vùng đất nằm bên Phá Tam Giang, cách thành phố Huế chừng 15 cây số về phía đông bắc.
Nói đến Sịa thì học giả này, nhà khảo cứu văn hóa kia, tiến sĩ ngôn ngữ học nọ cho rằng:
- Sịa là cách đọc trại của sỉa (sỉa chân), sẩy (sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
- Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy
- Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
- Sịa là cái sịa, một loại sàng bằng tre dùng để sàng lúa gạo.
- Sịa là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô v.v và v.v…
Sịa, vốn mang tiếng là nhà quê, nên ở Huế, hễ chê ai nhà quê thì phang một câu: "Thằng nớ Sịa lắm!" Nhưng câu nói "Nhất Huế, nhì Sịa" từ lâu đã dính trên đầu môi chót lưỡi của người dân đất Thần Kinh khi nói về Sịa. Mà thật, ai cũng công nhận Huế có cái chi thì Sịa có cái nớ. Sịa lại thích khoe quê mình lắm trạng: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về". Dân Sịa ưng nói trạng cho vui rứa đó nhưng phải vắt óc suy nghĩ mới hiểu được thâm ý của họ. Ca dao về Sịa thì dễ thương vô hậu:
Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa cho tôi cùng về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ăn.
"Nghề làm ăn" ở Sịa thì nhiều kiểu nhiều cách lắm. Nói về món ăn thì ôi thôi: đệ nhất bánh canh bột xắt (bến đò Cồn Tộc), bánh canh cá lóc, cháo bánh canh bột, canh bột tưa, bánh tráng, bánh ô- sa, bánh ướt thịt heo Phú Lễ, tôm chua chợ Sịa (nhậu mút chỉ cần câu), lệt khoai xào măng, cá on bù kho, cá bống thệ kho đường trộn nước mắm…; các món hải sản với đủ thứ tươi ngon nức tiếng: Cá dìa, cá nâu, cá hanh, lệch huyết, lệch mỡ, cua gạch…v.v… Ngoài ra, Sịa còn có Hò mái nhì, Hò mái đẩy, Hò giã gạo…, có hội đua ghe, hội vật Thủ Lễ, có kéo co, đánh du. Đặc biệt, làng Thủ Lễ của Sịa còn có hai đền Văn Thánh và Võ Thánh, mà không phải ở làng quê nào cũng có,.
Nói tới Sịa người ta thường nghĩ tới Phá Tam Giang. Vì Sịa cách Phá Tam Giang non 1 cây số. Trên Phá dân Sịa thường nghe văng vẳng tiếng gọi đò từ sáng sớm hoặc rờn rợn giữa đêm khuya "kêu như kêu đò ca cút". Ngày xưa Phá Tam Giang còn gọi là bến đò Ca Cút hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần, khoảng năm 1647. Ca Cút hoạt động từ sáng sớm để đưa đón dân cư qua lại buôn bán. Hồi đó dân cư thưa thớt bến đò Ca Cút tuy ít người qua lại nhưng là địa danh gợi nhớ về sự xa xôi cách trở, về niềm hoài mong của những duyên phận không thành để rồi người còn kẻ mất. Chuyện kể về cuộc chia tay hẹn ước giữa chàng trai và người con gái trên bến đò, người ở lại đợi chờ đến chết mòn chết mỏi. Khi chàng trai trở về mới hay người nữ đã hóa thành con chim ca cút. Từ đó có thuyết cho rằng Ca Cút là âm thanh của tiếng gọi đò, có người cho đó là tiếng kêu khắc khoải của một loài chim.
Tóm lại nói tới Sịa thì cái chi cũng Sịa ơi là Sịa. Huế có làng Sịa, thị trấn Sịa, sông Sịa, chợ Sịa thì ngoài đời cũng có… củ sịa, cái sịa, đan sịa… Quảng Nam có… sịa qua Hò Ba Lý:
Trèo lên trên rẫy khoai lang
Chẻ tre đan sịa cho nàng phơi khoai
Hóa ra "Sịa" không phải là từ độc quyền của xứ Huế , mà tre trúc cũng có "sịa". Như vùng U Minh Cà Mau có những làng truyền thống mang đậm hồn quê, chuyên nghề đan lát từ tre ra sàng, rỗ, rá, nia, sịa… tồn tại hàng trăm năm.
Đọan kết:
Đời tôi vẫn cứ nhớ hoài Mạ nói tôi không giống như nhiều đứa trẻ khác, mới có 10 tháng đã biết đi. Có lẽ vì vậy mà sau này lớn lên cái chân thiên lý mã của tôi đã bôn ba khắp mọi miền đất nước từ miền Trung dọc xuống tận cùng mũi Cà Mau. Nhưng mà có bôn ba tận mãi đâu, có xa cách quê hương ngàn vạn dặm, tôi vẫn nhớ quê ngoại tôi: Huế cổ kính, trầm mặc nằm bên bờ sông Hương núi Ngự, nơi đó có Sịa với câu nói nổi tiếng trong dân gian: "Nhất Huế, nhì Sịa".
Thật ra nói là nói cho oai rứa chớ tâm tình dân Sịa của ngoại vẫn hàm ngụ tư tưởng hiếu hòa, nhân bản. Sịa, dù về với Sịa hay bỏ Sịa mà đi, chủ đề Sịa ở đây vẫn là chủ đề muôn thuở của người dân xứ Huế hiền hòa của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét