CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

TRÚC PHƯƠNG ,VÀ ĐÊM VIỆT NAM - TRẦN HỮU NGƯ

 



TRÚC PHƯƠNG, VÀ “ĐÊM VIỆT NAM”
Nói thì phải nói cho hết, vì dù sao Trúc Phương cũng là Ông vua Boléro Việt Nam.
Tôi xin nói tiếp về nhạc sĩ Trúc Phương.
Bài viết có một vài chỗ “trùng nhau”, tôi xin lỗi bạn đọc, vì khi viết về âm nhạc (bài hát) có đôi khi biết mà vẫn phải viết vì “nó liên quan với nhau”.
Có một bạn đọc thiết tha muốn biết về nhạc sĩ Trúc Phương. Đăng bài này để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đó. Dù chỉ một người muốn biết, nhưng biết đâu trong một người này lại có hàng trăm người khác? Tôi quý trọng tất cả mọi người kể người “phản biện” bài viết của tôi với những lời lẽ “thiếu văn hóa”.
Còn vài ba bài viết về nhạc sĩ Trúc Phương nữa, trong số này có một bài tôi bỏ rất nhiều công sức để viết về Trúc Phương, nhưng bài này dành riêng cho báo giấy, khi nào báo giấy đăng, tôi sẽ đưa lên Fb sau, cũng không muộn.
***
Thú thật, tôi mê những bài hát Boléro từ hồi ở tỉnh Bình Tuy. Nghe Boléro của Trúc Phương (*) qua giọng ca của ca sĩ Thanh Thúy quả là một điều thú vị mỗi buổi sáng ngồi uống cà phê đen (cà phê kho đựng trong cái vợt “dợt” màu nâu ngâm trong cái ấm bắc trên bếp lúc nào cũng bốc khói) rót ra cái ly “xây chừng” nóng hổi, miệng ngận điếu thuốc Bastos xanh, bật quẹt Zippo cái tách, phà khói cuộn tròn, hớp chút cà phê, nghe ngọt đắng, mới thấy “đời có thế mà thôi”! Cái phong cách này cũng dễ làm mấy em xiêu lòng vì chứng tỏ là đàn ông đích thực, nghĩa là xăng super chớ không phải là xăng pha nhớt! Sau này tôi bỏ thuốc, nên không uống cà phê nữa, vì uống cà phê mà không hút thuốc thì thấy nó lạc giọng, sai ton, trật nhịp!
Thanh Thúy, một giọng ca liêu trai, với tiếng khàn, độc, lạ, rên mà không… rỉ, trong những bài tình ca của Trúc Phương, đã làm tôi quyết đi tìm mua một máy Cassette, và có bao nhiêu bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương mà Thanh Thúy hát tôi tìm mua đủ. Và sau này có ca sĩ đàn em là Hoàng Oanh cũng hát nhạc Trúc Phương. Thanh Thúy “trong, khàn…”, Hoàng Oanh “leo lẻo, vút…”. Không thể so sánh hai ca sĩ này, vì gu nghe của mỗi người khác nhau.
Nhạc Trúc Phương thường sáng tác thường dùng nốt giáng (Bémol), ít dùng nốt thăng (Dièse) nên đàn Mandoline rất khó, và hình như những nốt nhạc Giáng là định mệnh của cuộc đời anh, nghĩa là không có lên mà chỉ có xuống. Vì thế nên nhạc anh, anh viết chỉ có CHIỀU và ĐÊM, mà không có NGÀY?
Cho nên cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương giống như những nốt Bémol mà không có Dièse. Điểm lại nhạc anh, như tìm một lời giải, nhưng khó mà giải được: Vì tại sao nhạc anh viết về CHIỀU và ĐÊM mà không có NGÀY?
Nhạc sĩ Trúc Phương sống ở tỉnh Bình Tuy khá lâu, anh đã mê vùng đất này, nên anh đã viết một nhạc phẩm được gọi là tuyệt tác: “Đường về Bình Tuy” và một số bài Boléro nổi tiếng khác. Bình Tuy một tỉnh sinh sau, đẻ muộn, một vùng đất rất nhỏ, được tách ra từ quận Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận để thành lập Tỉnh Bình Tuy từ năm 1957. Người Tỉnh Trưởng đầu tiên là một “đứa con cưng của Ngô Đình Diệm”: Trung tá Lê Văn Bường. Phải công nhận rằng, ông Bường đã để lại một kỷ niệm là “Đập Dá dựng” và một khu dinh điền ở quận Tánh Linh-Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy. Khi nghe “Đường về Bình Tuy”, chính ông quan đầu tỉnh này cũng phải gật đầu khen hay và coi Trúc Phương như một đứa con sinh ra ở Bình Tuy! Dân chúng Bình Tuy lúc này cũng hãnh diện vì bài hát “Đường về Bình Tuy” như một thông điệp của một vùng đất đầy nắng gió, một bên là rừng, một bên là biển. Bình Tuy là vùng đất của những người con tứ xứ, kể cả người Thượng chọn vùng đất này để lập nghiệp. Trong câu kết của “Đường về Bình Tuy”, có một câu làm mát lòng người Thượng: “… Có những cánh tay Thượng Kinh nhặt hoa mầu đẹp đời người mai sau…”.
Nhạc Trúc Phương tôi không thiếu, nhưng tại sao tôi không có nhạc phẩm “Đêm Việt Nam” của Trúc Phương do anh xuất bản từ tháng 6.1967? Bìa sau bài hát này có in Logo của Trúc Phương và anh cũng đã giới thiệu THY-LIỄU-DUNG (**). Và bài hát này không có ai hát, kể cả Thanh Túy? (Tôi mượn “Đêm Việt Nam “ của người bạn).
Và TY-LIỄU-DUNG là ai, mà Nhạc sĩ Trúc Phương giới thiệu rất trang trọng:
“… Tiếng hát còn thơm mùi giấy học trò… Trong tương lai THY-LIỄU-DUNG sẽ lần lượt đến với quý bạn bằng tiếng hát nhẹ nhàng, da diết… Bằng dáng người nhỏ bé tuổi mười lăm-tuổi chưa tròn mộng-và bằng giọng nói miền cố thổ Thăng Long…”.
Và “Đêm Việt Nam”, Trúc Phương viết nhịp 2/4 trong Andante Gamme Đô Thứ, qua những móc đơn, móc đôi:
“… Máu đã thành người (ờ) đầu lời xin nói, hai mươi tuổi ngoài (ờ) lửa khói còn dài/ Mẹ già nua mắt nhòa tương lai, hơn bốn ngàn năm ngồi chép sử để đời/ Nay chợt buồn, buồn như chưa từng buồn/ Tay ôm mặt, tay vuốt mắt ma/ Máu của con ta cao ngất khỏi ngọn cờ/ Con vì ta, đau lòng ta/”…
“Đêm Việt nam” dù được hát hay không được hát bất cứ lý do nào, tôi xin bổ túc trong danh sách “Những bài hát của Trúc Phương đi qua tôi trong chiến tranh”:
-Tình thắm duyên quê, -Tình thương mái lá, -Buồn trong kỷ niệm, -Hai chuyến tàu đêm, -Nửa đêm ngoài phố, -Mưa nửa đêm, -Chiều cuối tuần, -Chuyện ngày xưa/ -Bình bóng cũ/ -Bông cỏ may, -Mắt em buồn, -Lay lất buồn xưa, -Những lời này cho em, -Chín dòng sông hò hẹn, -Chiều làng em, -Đò chiều, -Hai lối mộng, -Trả nhau ngày tháng cũ, -Mắt chân dung để lại, -Ai cho tôi tình yêu, -24 giờ phép/ -Bóng nhỏ đường chiều, -Thói đời, -Chuyện chúng mình, -Đêm gác trọ, -Tàu đêm năm cũ, -Đường về Bình Tuy, -Đêm Việt Nam…
Một nhạc phẩm cuối cùng của anh: -Xin cảm ơn.
-Nhạc sĩ Trúc Phương tên Nguyễn Thiện Lộc
-Sinh 1933
-Nơi sinh Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
-Qua đời 1995 tại Saigon.
-Sáng tác: 70 nhạc phẩm
-Nhạc phẩm tiêu biểu: Nửa đêm ngoài phố, Mưa nửa đêm, Hai chuyến tàu đêm, Tàu đêm năm cũ.
Xin đốt cho anh một nén nhang, để tưởng nhớ tác giả “Đường về Bình Tuy”, viết về quê hương tôi trong những ngày chiến tranh. Xin cảm ơn anh đã để lại những bài hát về ĐÊM nghe lại cảm thấy buồn… đến rã rời!


TRẦN HỮU NGƯ
(Những ngày cuối năm 2021, nhớ Bình Tuy)
(*) Ảnh vợ chồng nhạc sĩ Trúc Phương
(**) Ảnh Thy-Liễu-Dung và Logo nhạc sĩ Trúc Phương (đăng bìa sau bản nhạc Đêm Việt Nam.

Không có nhận xét nào: