CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

ĐẸP GIẤC MƠ HOA - TRẦN HỮU NGƯ

 




ĐẸP GIẤC MƠ HOA
Tuổi trẻ ngày nay không nghe nhạc bằng chúng tôi ngày xưa, dù sống trong thời Chiến-tranh. Có lẽ thời đó, chúng tôi không có gì giải-trí, nên hát nhạc, vui với nhạc là điều tất yếu. Còn bây giờ là thời Hòa-bình, giải-trí tràn ngập, đầy khắp muôn màu, muôn vẻ…, chỉ cần một chiếc điện-thoại là chứa cả thế-giới, tha hồ mà chơi! Nghe nhạc làm gì cho mất thời giờ ?
Thời buổi văn-minh, hiện đại, chuyện “người lớn”, nhưng “người nhỏ” đã biết, và cũng xin can-đảm nhận rằng, có không ít tuổi trẻ bây giờ “hư” hơn tuổi trẻ hồi xưa, là nguyên do đâu? (Cũng có thể bắt nguồn từ… người lớn?)
Vậy mà mới đây, có “người lớn” làm như quan-tâm lắm tới tuổi trẻ, họ lớn tiếng phê-bình: Tại sao để người trẻ hát nhạc người lớn ?
Xin thưa rằng:
-Đúng, nhưng… chưa đủ!
Nhạc người lớn bây giờ nghe những câu yêu thương tầm bậy, tầm bạ, yêu tam-xàm bá-láp, yêu… loạn-xà-ngầu, yêu hầm-bà-lằng như xí-quách, yêu nóng như ớt, yêu nhão như tương, yêu rối như canh hẹ…”, cấm người nhỏ hát là phải, không có gì phải bàn cãi.
Ngày xưa, không phải không có nhạc Nhi đồng. Thậm chí nhiều hơn và hay hơn bây giờ. Nhạc viết riêng cho Thiếu-nhi, một thứ nhạc trong sáng, hồn- nhiên, nhạc chỉ tôn vinh cái đẹp, nhạc của nhân-ái, lòng vị-tha, tình quê- hương… mà không phải nhạc sĩ nào cũng viết được ? Người lớn ca nhạc thiếu nhi cho thiếu nghi nghe, thiếu nhi ca nhạc thiếu nhi như một lối giáo dục bằng âm nhạc.
Thế hệ chúng tôi được phép “hát nhạc người lớn”. Đó là những ca khúc viết về tình yêu đất nước, dẫu chỉ là một vườn cau, bờ hàng tre… khơi dậy lòng yêu thương con người, thể hiện lịch-sử bằng âm nhạc để con cháu hát lên tri-ân những thắng bại của ông cha ta một thời đấu-tranh giữ nước…
Và chúng tôi hát nhạc tình yêu của người lớn là những câu chuyện tình có văn-hóa, những lứa đôi yêu thương nhau trong sáng, chúng tôi học được nhiều điều ở những “câu chuyện tình của người lớn” trong những nhạc phẩm trữ tình, đề cao lòng chung-thủy, thắng không kiêu, bại không oán…
Chúng tôi biết trân-trọng cái nghèo, biết quý những giọt mồ hôi lẫn nước mắt của nông-dân trên đồng làm ra cây lúa, biết thương yêu cỏ cây sông núi, đất rộng, rừng sâu, muôn thú, biết giữ ngọt những giòng sông, biết vun bồi cây trái, trân-trọng hoa thơm, giữ gìn trái ngọt, đầm-ấm trong mái tranh nghèo, đặc biệt quý trọng thầy cô giáo đã từng dạy học trong những ngôi trường sớm nắng chiều mưa… Âm nhạc như hành-trang bước vào đời. Nhạc đâu có “ trái cấm” mà cấm ?
Chúng tôi đã hát hàng trăm bài “nhạc của người lớn”, mà “người nhỏ” như tôi tìm nhạc để tập hát, dù chưa được trọn vẹn, vì ngày ấy chưa được nghe ca sĩ hát. Đó là “Đẹp giấc mơ hoa” - ca khúc của người lớn - một ca khúc Tango của Hoàng-Trọng - Thanh-Nam, được ra đời năm 1961, mà tôi đưa ra đây để làm bằng chứng “Con nít mà hát nhạc người lớn”.
Thú thật rằng, sau này tôi nghe ca sĩ Mai-Hương hát “Đẹp giấc mơ hoa” trong giai điệu Tango, tôi mới biết thế nào là một ca sĩ! Bài hát này đặc-biệt gây ấn tượng cho người nghe là những chỗ “rớt nhịp” (Tango nó hay có đôi khi nhờ… rớt nhịp! Cũng có trường hợp những nhịp khác, ca sĩ cũng tạo nhịp rớt ở những câu cuối để bài hát được gây ấn tượng với người nghe. Nó khác ở vọng cổ, rớt nhịp là… rớt luôn!).
“Đẹp giấc mơ hoa”, một bài hát Tango mang nhịp, nốt, và lời ca đẹp như Hoa nở sớm mai. Tango Hoàng-Trọng, một ông vua Tango không ai soán ngôi, chỉ có chết mới rời ngôi. Bây giờ ngôi vua Tango còn để trống… Tango, xuất xứ từ Mexique, nhịp 2/4 là một điệu khiêu-vũ chậm, không biết nó du nhập vào Việt- Nam năm nào, và nhạc sĩ nào viết bài hát mang nhịp Tango đầu tiên? Đây là điều rất thú vị, mà tôi đang đi tìm…
Hãy nghe “nhạc người lớn” để thấy một thằng trẻ con như tôi ngày ấy mê bài hát này có lỗi gì không?





“… Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên
Anh yêu nét hồn nhiên
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm
Đôi tay nhấc đường kim
Làn môi hé cười thần tiên…”
Bài hát Gamme Ré Trưởng, nhưng đến đoạn ĐK đổi sang Ré Thứ:
“… Một mái tranh nghèo
Lo gì nắng mai hay mưa chiều
Mộng ngát đôi lòng
Trăng hạnh phúc ta cùng soi bóng
Đồng lúa thơm lành
Ta cày cấy chung lo gia đình
Cuộc sống thanh bình
Ôi bài hát muôn lời thắm tình…”
Hát đến chữ “Tình” nửa nhịp, không dứt, nối tiếp trở lại câu đầu chữ “Hôm” Pha# vào Gamme Ré Trưởng trở lại… Đoạn này nghe Mai-Hương hát… rất có nghề! Và cũng chính đoạn này nhạc sĩ Hoàng-Trọng đã cho chúng ta một bài Tango đẹp như Hoa!
Thời Chiến-tranh, sao lại có những giấc mơ “Đẹp giấc mơ hoa”, mà thời Hòa- bình sao toàn là những giấc mơ “mộng-mị?”


TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: