Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020
“BẮC NINH THI THOẠI”, LINH HỒN KINH BẮC - HỒNG MINH
“BẮC NINH THI THOẠI”, LINH HỒN KINH BẮC
(Tạp chí NGƯỜI KINH BẮC số tháng 6-2020)
Hồng Minh
“Bắc Ninh thi thoại” là tác phẩm thứ 14 của Nhà văn Nguyễn Khôi (*), trước đó năm 1995 ông cho in tập thơ “Trai Đình Bảng”, gồm 30 bài thơ dành riêng nói về làng Đình Bảng quê hương ông, tuy không phải nơi ông sinh ra nhưng là nơi ông được gửi về quê “ở vú” (U nuôi) gắn bó với bao kỷ niệm thời ấu thơ: “Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang/Bỗng dưng lại thấy nhớ Ao làng/Cái đêm hè ấy Ai ra tắm/Để cả bầu trời phải tắt trăng.”
Năm 1963, tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp, ông được điều động lên công tác tại Sơn La, được tiếp cận với văn hoá nhiều vùng miền, tình yêu quê hương lớn dần theo năm tháng, trái tim ông luôn thổn thức nghĩ về quê hương ! Hai mươi bảy tuổi (1967) trên đường đi công tác tại biên giới Việt Lào, lòng rạo rực nhớ quê hương: “Tôi đi bao miền quê/Ngày về trông xa lắc/Bỗng gặp cánh chim chiều/Gửi hồn về Kinh Bắc” (Miền quê Kinh Bắc) và “Ai thổi sáo ? lặng nghe lòng thổn thức/Hồn vi vu giỡn mây trắng núi Chè? Yêu đeo đẳng tình quê Người Quan họ” (Váy Đình Bảng)
Quê hương Kinh Bắc đã hun đúc bao tài năng xuất chúng đứng đầu cả nước về danh nhân khoa bảng với “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống ông nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Kinh Bắc xưa đã có 645 vị tiến sĩ, gần 20 vị trạng nguyên, góp 5 vì sao trong Tao đàn nhị thập bát tú-Một tao đàn quốc gia đầu tiên của nước Đại Việt, thế kỷ XV do vị vua anh minh và cũng thông tuệ thi ca là Lê Thánh Tông làm chủ suý. Hình như với một tập thơ chưa đủ giãi bày tình yêu nồng nàn của ông với quê hương trầm lắng nhiều tầng văn hoá, Nhà văn Nguyễn Khôi đã miệt mài cặm cụi 8 năm liền sưu tầm, nghiên cứu và biên tập “Bắc Ninh thi thoại”, cuốn sách in lần đầu vào năm 1997, lần thứ hai vào năm 2000, lần thứ ba vào năm 2004, mỗi lần in ông lại sửa chữa, bổ sung ngày càng hoàn chỉnh. Một tác phẩm bàn về thơ và người làm thơ một miền đất cổ-quê hương ông, trong hơn một nghìn năm, không chỉ được phổ biến ở trong nước mà còn hiện diện tại thư viện Congress-Washington (Hoa kỳ) cho thấy bản sắc độc đáo của văn hoá Kinh Bắc đã và đang được lan toả trong lòng bạn bè thế giới!
Thi thoại là nói về thơ, bàn về nhà thơ, “là thể loại phê bình mang tính chất tuỳ bút “nhàn đàm về thơ”. Biên soạn thi thoại là việc làm công phu, đòi hỏi người nghiên cứu, biên tập phải là người có tài, phải đọc nhiều sách, nghiền ngẫm, từng trải, quen biết nhiều thi nhân, bản thân không những làm thơ hay mà viết văn cũng thông thạo. Người phê bình thơ phải có cách nhìn lịch lãm để cảm nhận hết chiều sâu của văn hoá dân tộc thể hiện qua các bài thơ…
Ở nước ta, những lời đàm luận về thơ chủ yếu tồn tại ở dạng nói trong lúc “trà dư, tửu hậu”. Trước năm 1945, loại sách này không nhiều, nổi tiếng chỉ có “Chương Dân thi thoại” của Phan Khôi (Chương Dân là tên hiệu và bút danh của ông). Tập sách này tuy mỏng, nhưng với tinh thần nhập thế và niềm say mê cái mới Phan Khôi đã trở thành thi nhân hai lần đi tiên phong, vừa là “ông tổ thơ mới” vừa là “ông tổ thi thoại” ở nước ta. Sau “Chương dân thi thoại” là “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh. Hầu hết các thi thoại đều đề cập đến thơ ca trong phạm vi cả nước, “Bắc Ninh thi thoại” chỉ bàn về thơ và người làm thơ trong phạm vi một tỉnh của Nguyễn Khôi là một trường hợp cá biệt. Gọi là ghi chép về văn chương của một tỉnh, nhưng người đọc hiểu biết về Kinh Bắc đều có cảm nhận cuốn sách phản ánh văn chương của cả dân tộc, bởi Kinh Bắc là nơi “tụ hội khí anh linh của trời đất”!
Chính vì lẽ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Báu cho rằng “dám điểm xuyết thi ca một tỉnh có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm, Nguyễn Khôi quả là dũng cảm và đó là một việc làm rất đáng trân trọng” và “phải có tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa với quê hương… mới có thể viết được một cuốn sách về quê hương mình như thế”. Để giãi bày tâm huyết và sự “dũng cảm” của mình, trong LỜI THƯA, tác giả đã khiêm nhường viết rằng: “Kẻ hậu sinh ở làng Đình Bảng này cúi xin các bậc tiền nhân, ông cha thủa trước, nghiêng mình xin phép các anh, các chị thi nhân, kẻ sĩ đương thời của tình nhà, mạo muội, cặm cụi viết một quyển BẮC NINH THI THOẠI gọi là điểm dẫn, sưu tầm, hệ thống lại, có đôi lời cảm nhận (theo thiển ý) để góp vui cho những người đồng hương, trong lúc vui chơi, giải trí, khi ly rượu, chén trà, “nghênh phong, thưởng nguyệt” với hồn quê Kinh Bắc, sâu sắc tình đời, có điều gì thô lậu, mong bạn đọc quê hương lượng thứ”.
“Bắc Ninh thi thoại” xác định theo cương vực Trấn (Xứ) Kinh Bắc (chữ Hán: 京北). Năm 1931 vua Minh mạng đổi thành tỉnh Bắc Ninh, bao gồm tỉnh Bắc Ninh, phần lớn tỉnh Bắc Giang ngày nay và các huyện Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên), Gia lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (thành phố Hà Nội), Hữu Lũng (Lạng Sơn). Mặc dù cương vực Bắc Ninh ngày nay hẹp hơn nhiều so với cương vực trong “Bắc Ninh thi thoại” nhưng người Bắc Ninh vẫn tự hào viết Bắc Ninh- Kinh Bắc (kết nối bằng một gạch ngang -) như tiếp nối truyền thống một thời Kinh Bắc phát triển rực rỡ của quê hương mình!
“Bắc Ninh thi thoại”, thẩm định giới thiệu và thẩm bình mang tính điểm xuyết thơ của một nền văn học bác học này trong 10 thế kỷ từ thơ thiền đến thơ đời: thơ của các thiền sư nổi tiếng như Vạn Hạnh, với bài “thơ sấm”: “Thiên Đức giầu sang no đủ khắp/Giữa trời sao Nữ, Thánh quân sinh” . (Ý nói Lý Công Uẩn sẽ ra đời) và “Lục Nguyệt, Tuất niên ngược bóng rồng” (Nghĩa là Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi vào thánh Sáu, năm Tuất (1010). Thơ Sấm của Vạn Hạnh thường ngắn gọn, giầu hình ảnh, ý tứ sâu sa, hàm súc. Dưới tấm áo nâu sồng là một trái tim thơ (theo Duy Phi), có thể coi là nhà thơ đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Thơ của các thi sĩ Kinh Bắc - Bắc Ninh đời Lý thuộc thể loại thơ thiền có các tác gia Lý Trường Mãn (1051-1096); Quảng Nghiêm Thiền sư (1121-1190) tu ở chùa Thành An (Thuận Thành); Ngọc Kiều, Ni sơ Diệu Nhân, người làng Phù Đổng; Nguyên Phi Ỷ Lan (1023-1117).
Thời Trần là thời kỳ Nho giáo trưởng thành và thơ trữ tình là tiêu biểu. Tiến sĩ Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), người làng Lai Hạ (huyện Lương Tài) có Văn Tế cá sấu. Huyền Quang (tức Lý Đạo Tái, 1254 -1334), năm 20 tuổi đỗ Trạng nguyên rời quan đi tu rồi trở thành Sư tổ phái Trúc Lâm, với bài thơ Nhà trong núi, Đi thuyền…
Đời Lê, thơ của thi sĩ Kinh Bắc - Bắc Ninh mang nặng chất “học giả” và là đỉnh cao của làng thơ Kinh Bắc: Thái học sinh Vũ Mộng Nguyên, người huyện Tiên Du làm đến Tế tửu Quốc tử giám, để lại mấy chục bài thơ cách luật, phong cách sang trọng mực thước. Trần Khản, quê Từ Sơn làm tới Chí sự viên tham nghị có tập thơ Phục hiên; Thái Thuận, Tiến sĩ 1475, có Bến Hoàng giang tức cảnh, Sông muộn Giang; Nguyễn Thiên Tích, người Nội Duệ, Tiên Du, đậu Tiến sĩ năm 1431: “Đêm lặng trăng như vẽ/ Trời rét tuyết thành hoa/Thuyền côi nghìn dặm khách/Chiêm bao đang ở Nhà” (Bài Làm trong thuyền); Tiến sĩ Đàm Văn Lễ, người làng Lãm Sơn (Quế Võ), 18 tuổi đỗ Tiến sĩ, làm quan tới Thượng thư, nổi tiếng là người trung trực, bị vua Uy Mục đẩy vào Quảng Nam và bị giết ở Nghệ An, trước khi chết ông còn ngâm bài thơ quốc ngữ…và các bậc tài danh như: Tiến sĩ Nguyễn Xung Ý, người làng Kim Đôi (thành phố Bắc Ninh); Hoàng Đức Lương, người làng Cửu Cao (Văn Giang, Hà Nội); Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499), quê làng Nếnh (Việt Yên); Trạng Me (Nguyễn Giản Thanh, 1480 ?), người làng Me, (huyện Từ Sơn) cùng thời với trạng Ngọt (Hứa Tam Tỉnh), người làng Như Nguyệt (huyện Yên Phong) với giai thoại Trạng Ngọt vọt Trạng Me/ Trang Me đè Trạng Ngọt; Nguyễn Đăng (1577), người làng Tỏi, xã Chi lăng (Quế Võ); Quách Đồng Dần (1567), người xã Phù Khê (Từ Sơn); Trạng Bựu Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719); Thượng thư Nguyễn Công Hãng, người làng Phù Chẩn (Từ Sơn)…
Thi đàn Bắc Ninh đầu thế kỷ XVIII, xuất hiện hai ngọn núi cao sừng sững trên bầu trời thơ đất Việt, đó là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) quê Giai Phạm (huyện Văn Giang) và Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), quê làng Liễu Ngạn (huyện Thuận Thành) với 2 câu: “Lò cừ nung nấu sự đời?Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (Cung oán ngâm khúc). Ôn Như hầu dựng lên sự kỳ vĩ bất tận của tạo hoá trước con người vĩ đại và đầy tính bi hài. Hoàng giáp Trần Danh Án (1754-1794), người làng Bảo Triện (huyện Gia Bình) người mở đầu “thơ con cóc” có Liễu am thi tập; Chàng lãng tử Phạm Thái (1777-1813) quê làng Yên Thường (Từ Sơn) với “một thiên tình sử” đã nẩy ra một áng thơ văn độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật, đến nay được coi là một di sản lớn và có giá trị nhân văn cao nhất về văn nghiệp của ông.
Từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi, các thi sĩ Bắc Ninh đã khởi sắc với ý thức công dân rõ rệt. Cao Bá Quát (1808-1855) và Nguyễn Văn Siêu được coi là “Thần Siêu, Thánh Quát” và “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán”. Tiếp sau là Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) quê ở Du Lâm (nay là Đông Anh) làm quan tới Thượng thư Bộ Lại có Yên Thiều thi tập và Thạch nông thi văn tập; Tán lý quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Cao (1828-1887), người làng Cách Bi (Quế Võ). Thời Đông Kinh-Nghĩa Thục, Bắc Ninh có Nguyễn Quyền (1869-1941) để lại bài thơ cổ xuý mạnh mẽ lòng yêu nước: “Hồn xưa dòng dõi Lạc Long/Con nhà Nam Việt người trong giống vàng”; Nhà văn Ngô Tất Tố (sinh 1892), người làng Lộc Hà (nay thuộc huyện Đông Anh) thành danh trên nhiều lĩnh vực khảo cứu, dịch thuật, làm báo…nổi tiếng với tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng… “thơ của một vị túc nho nhưng không hủ nho”.
Phong trào thơ mới, Bắc Ninh xuất hiện hai nhà thơ lừng tiếng là Thế Lữ (1907-1989), quê Phù Đổng tiêu biểu về thể thơ 8 chữ “Sáng hôm nay sương biếc toả mờ mờ/Như Sương khói đượng đầu cau, mái dạ” và các nhà thơ Đoàn Phú Tứ, Thao Thao. Từ 1930 đến Cách mạng tháng Tám 1945 thi sĩ Bắc Ninh có Trần Minh Tước, sinh 1943, quê Dục Tú (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng là thơ trào phúng với các bút danh Minh Tước, Xích Điểu. Có những số phận thi sĩ nghiệt ngã như ngôi sao băng vừa loé lên đã vội vã về nơi thiên cổ như Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Ngọc Ly…
Tác giả đã dành nhiều công sức giới thiệu gương mặt thơ Kinh Bắc thời hiện đại, trước hết là Nhà thơ tình hào hoa Hoàng Cầm với các tác phẩm thơ “Bên kia sông Đuống”, “Lá Diêu Bông”, “Sương Cầu Lim”, “Cây tam cúc”. Nguyễn Khôi nhận xét: “Thơ Hoàng Cầm đạt tới độ Hàn Lâm. Từ thực tại đã thăng hoa tới những miền hư viễn của tâm linh”. Về nhà thơ Lê Đạt (quê cha ở Á Lữ, quê mẹ Đình Bảng), ông viết: “Cũng như Hoàng Cầm, ông là nhà thơ tài danh của xứ Bắc đương đại. Vì số phận không bình thương, nên mạch thơ của hai thi sĩ này cũng không bình thường” “Những năm cuối đời, Hoàng Cầm làm chủ mảng tình yêu, Lê Đạt đi làm ‘phu chữ’, cả hai đều đạt những thành tựu khá lẫy lừng, để lại dấu ấn trên thi đàn, có tiếng vang ra cả nước ngoài”. Tiếp theo là “Hoàng Hưng (người làng Phù Lưu), tài hoa, lãng tử; dịch giả Thuý Toàn, người làng Phù Lưu là một trong ba, bốn người dịch thơ Nga hay nhất; Nhà văn hoá Hữu Ngọc, sinh năm 1918, người làng Tư Thế, xã Trí Quả (huyện Thuận Thành) với công trình nghiên cứu thơ Đường 4 ngữ, ở tuổi “ngẩn ngơ” (102 tuổi, theo cách dùng từ của ông) vẫn ra mắt cuốn “Cảo thơm lần giở” giới thiệu cuộc đời, tư duy của hơn 180 danh nhân thế giới. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về quê hương Kinh Bắc là Làng Quan họ quê tôi của nhà thơ Nguyễn Phan Hách (quê Mão Điền Thuận Thành) được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc đã chắp cánh cho bài thơ đi cùng năm tháng; Nhà thơ Lữ Huy Nguyên, sinh 1939, quê xã Tân chi (huyện Tiên Du) với bài Những câu thơ mồ hôi; Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, sinh 1938, quê làng Đông Cao, huyện Gia Bình, với bài Mùa thu về; “Thơ Vũ Từ Trang (quê Trang Liệt, Từ Sơn) có cái sang của chàng trai Đông Ngàn “lại có vị ngọt của khế Sặt Đồng”: “Khi ở tuổi bốn mươi/Hồn em như đống lửa/Anh ơi nổi gió lên/Em muốn làm bão tố” (Khi em tuổi bốn mươi); với Anh Vũ (quê Trang Liệt, Từ Sơn), tác giả nhận xét “hình tượng thơ đã ôm trọn tứ thơ, đạt tới độ “thi trung hữu hoạ”. Với nhà thơ Nguyến Anh Thuấn (quê Kim Đôi, thành phố Bắc Ninh), tác giả giới thiệu khá cặn kẽ về bài thơ Làng Tiến sĩ, sáng tác năm 1989: “Làng ấy năm xưa nhiều Tiến sĩ”, bây giờ “Thì đây bia đá vùi trong cỏ/Nửa làng xiêu vẹo mái nhà tranh/Thì đây mối nhấm vào gia phả/Hoa rơi không có kẻ giật mình”, một thông điệp “Thoảng nhẹ nhưng đau. Mất văn hoá là mất hết”. Trương Thị Kim Dung, người con gái Đáp Cầu thơ văn đều hay nhưng vận với số phận và định mệnh của nàng”: Ngủ ngon cát bụi trần gian/Dịu dàng ai kết hoa tang cho mình.
Phần thứ hai, cuốn sách giới thiệu 48 gương mặt thơ, trong đó có các gương mặt thơ quen thuộc với độc giả Bắc Ninh ngày nay như: Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) quê Đông Côi (Thuận Thành); Duy Khán (1934-1993), quê Nam Sơn (Quế Võ); Lê Quang Trang (sinh 1947), quê Vạn An (thành phố Bắc Ninh); Trịnh Đình Khôi (sinh 1946), quê xã Tri Phương (huyện Tiên Du); Nguyễn Thanh Kim (sinh 1948), quê Thụ Ninh (thành phố Bắc Ninh); Duy Phi (sinh 1940) quê Mão Điền (Thuận Thành); Nguyễn Tiến Lộc (sinh 1939), quê Yên Phong; Phúc Toản (sinh 1949) quê Dương Lôi (Từ Sơn); Như Hạo, quê huyện Lương Tài; Nguyễn Văn Chương (sinh 1940), quê Mão Điền (Thuận Thành); Nguyễn Đức Thìn (sinh 1940), quê Đình bảng (Từ Sơn); Nguyễn Ngọc Ly (1947-2003) quê thành phố Bắc Ninh…
Tác giả cũng dành nhiều trang điểm xuyết “Thơ của mọi nhà” và “Những câu thơ đáng đọc”. Ngoài ra, tác giả đã bộc bạch “đôi điều cảm nhận về thơ Hà Bắc một thời”, “Lạm bàn về thơ phổ nhạc”, “Về thơ thư pháp”, “Đọc thơ”, “Ngâm thơ”, “In thơ”, “Thơ Việt Nam đương đại nhìn từ bên ngoài”, “Về phê bình thơ”, “Ghé chiếu thơ Đường”, “Đôi nét thơ trẻ”, “Tiếp cận thơ hậu hiện Đại:” “Làm thế nào để có thơ hay”…
***
“Bắc Ninh thi thoại” là một công trình nghiên cứu công phu, khoa học, phong phú và bổ ích của Nhà văn Nguyễn Khôi. Tôi chưa một lần gặp tác giả, chỉ hiểu ông qua các tác phẩm, theo cảm nhận của tôi ông là người đa tài: làm thơ, viết văn, dịch thuật và khảo cứu, phê bình văn học-nghệ thuật… Bạn bè văn chương nhận xét ông là người dễ gần, chân mộc và trí tuệ, ông vẫn giữ được chất hương quê nhà và cả nét dung dị, duyên thầm của người con mường bản (Nhà báo Hoàng Lâm). Ông làm thơ, viết văn đã hơn nửa thế kỷ. Ở tuổi tám mươi hai, nhưng tuổi càng cao bút lực của ông càng sung mãn, tung hoành, “thơ văn hào sảng, quyến rũ, một chút kiêu ngạo đáng yêu, một chút ngất ngưởng, nửa quan/nửa dân và một chút tham vọng ẩn tàng” (Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường).
Gấp lại trang cuối cùng của Bắc Ninh thi thoại, điều đọng lại sâu đậm trong tâm trí người đọc là niềm tự hào về một miền đất cổ, nơi được coi là “hội tụ khí anh linh của đất trời”. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, hồn Kinh Bắc vẫn lung linh toả sáng trong truyền thống của dân tộc Việt. Thơ và người làm thơ “Bắc Ninh-Kinh Bắc qua các thế hệ “đã đúc được cái tâm, cái tài của con người vùng quê quan họ, uyên bác mà không sáo, trí tuệ nhưng giàu chất trữ tình, có duyên như liền anh, liền chị quê ta vậy” như lời khẳng định của tác giả.
HỒNG MINH
….
(*) Nhà văn Nguyễn Khôi sinh năm 1938, quê xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nguyên Phó Vụ trưởng vụ dân tộc, Văn phòng Quốc hội. Hội viên Hội Nhà văn thành phố Hà Nội; Uỷ viên BCH Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (khoá II); Uỷ viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội (khoá X).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét