Mời đọc lại để cùng cảm thương một Ngày Của Cha (Father's Day)
BỒ TÁT ĐÌNH
Trận đại dịch của năm 2020 làm đảo lộn mọi trật tự trên thế giới, cả văn hóa và đạo đức cũng như mạng sống của con người đã bị tước đọat thật vô lương. Dưới một triều đại bạo ác, con siêu vi khuẩn Wuhan là vũ khí chiến tranh sinh học có tiềm năng vượt thắng mọi giả hình để sống thực giữa trời và đất. Thức ăn của nó là hai lá phổi con người. Trong nỗi tang thương của thời đại phi đạo đức, ta đều biết mọi tội ác sẽ bị trừng phạt.
Nhà Phật có câu "sanh, lão, bệnh, tử" đều là nghiệp lực. Thế sự thăng trầm, bể dâu tan tác cũng là nghiệp lực. Bằng mối chân tình vô ngã, tôi thành kính chia buồn với tất cả những nạn nhân của ngày hôm nay.
Đau lòng trước những bức tử nhân sinh, tôi vẫn nhớ, ngậm ngùi nhớ, nhớ hoài một người hiền đức, một bồ tát an nhiên tự tại vẫn bước đi trên con đường Bồ tát. Chuyện đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn ghi tâm, vẫn trì chú bằng một tâm tình vô ngã. Chuyện xin thưa như vầy.
…
Cuối cùng tôi cũng bỏ cha tôi mà đi. Anh hai, chị ba, anh tư đã được cha dựng vợ gả chồng ra riêng từ nhiều năm trước. Vì kế sinh nhai ở xa quê nên ít khi mấy người về thăm. Khi tôi vào chùa quy y tam bảo, những ngày tháng tu học ở chùa, tôi biết cha tôi còn lại một mình với cỏ cây, với trăng sao, mưa nắng.
Hồi tưởng lại ngày tháng dưới một mái nhà với cha và các anh chị mà lòng bồi hồi. Khi tôi vừa đủ trí khôn mới biết cha tôi sống cô quạnh một mình, không bà con thân thích và rất nghèo. Nghèo nhưng cha con chúng tôi đều yêu thương nhau, đùm bọc lấy nhau. Tôi là con út nên được chiều chuộng nhiều. Để nuôi con khôn lớn, cha tôi đã nai lưng làm đủ mọi nghề. Lúc thì làm thợ hồ, thợ mộc, lúc thì mần ruộng thuê, vác lúa mướn, lúc thì gác gian, cuối cùng là nghề đưa đò ngang bên Thủ Thiêm.
Thời trai tráng, cha tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc. Ông chuyên về đờn cò theo một gánh hát quê lưu diễn khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ. Lúc khán giả miền Tây già trẻ lớn bé nức lòng mến chuộng cải lương lại là lúc ông bầu gánh hát chẳng may bị lạc đạn của Tây, bèn rã gánh. Sầu đời, cha tôi lặn lội lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, rồi theo dân tứ xứ kéo quaThủ Thiêm dựng làng lập ấp ven sông.
Thủ Thiêm xưa là vùng đất trũng, mọc đầy cây bàng và lác, lưu dân đến lập ấp nên gọi là ấp Cây Bàng cạnh bến đò Cây Bàng.Trải qua nhiều năm tháng lần hồi mới có mặt lũ trẻ chúng tôi. Thời đó, cuộc sống của cha tôi lúc bước chân ra khỏi cửa là chạm mưa, chạm nắng, đất bờ sông lúc nào cũng như nghiêng xuống, con đò thì chòng chành trước những xuồng máy đuôi tôm ngày càng nhiều. Nhất là thập niên 1960, con phà hình hột vịt do hãng đóng tàu Caric của Tây bên Thủ Thiêm hạ thủylà gây nhiều sự chú ý. Phà rất đơn sơ, ngoài chở khách còn chở cả xe đạp, xe gắn máy qua lại trên sông. Nhiều đêm, thấy cha ngồi một mình lặng lẽ nhìn con phà dướibến tôi thương ông vô hạn. Tôi có cảm tưởng như con phà vô tình át tiếng đò chèo của cha tôi, đẩy gia cảnh chúng tôi vào nơi chông chênh, khốn khó. Lạ một điều là trong mắt chúng tôi cuộc sống có vất vả, có mưa phơi nắng trải, dù mỏi mệt nhưng cha vẫn luôn gọn gàng, ngăn nắp, hòa nhã và đặc biệt rất nghệ sĩ.
Nghèo xơ nghèo xác nhưng tấm lòng cha tôi lại giàu vô lượng. Dưới mái nhà tranh vách đất đơn sơ chật hẹp cạnh bờ sông, ông âm thầm nuôi bốn anh chị em chúng tôi cho tới ngày khôn lớn.
Tôi vẫn nhớ chị ba tôi thủ thỉ lúc tôi chập chững biết đi, vòi vĩnh mẹ thì cha ôm tôi vào lòng chỉ lên bàn thờ nói mẹ mất lâu rồi. Ngoài sự đùm bọc của cha,anh chị em tôi chưa từng biết mẹ chúng tôi là ai, không biết mẹ chúng tôi qua đời từ lúc nào, chỉ thấy bức di ảnh một người mẹ đã mờ nhạt lồng trong khung kính cũ kỹ đặt trên kệ thờ nhỏ rí ở góc nhà.
Rồi cái gì tới sẽ tới. Chờ đứa con út là tôi có đủ trí khôn cha mới cho chúng tôi biết sự thật. Một sự thật bất ngờ và vô cùng đau đớn mà lúc đó chúng tôi đều không tin vào tai mình. Cả bốn anh chị em tôi lần lượt bị đời vứt bỏ ở những bãi rác công cộng được cha thương tình đem về nuôi nấng. Sau giây phút ngỡ ngàng về sự thật hết sức đau lòng, không ai bảo ai, chúng tôi đều quỳ sụp xuống lạy tạ cha tôi và khóc. Đời tôi chưa bao giờ nghe mình khóc thương tâm đến như vậy. Mà có riêng gì tôi đâu, cả ba anh chị của tôi cũng nước mắt nước mũi ròng ròng, vật vã, xót thương. Cây lúa lớn lên từ đất, từ ơn mưa móc; còn chúng tôi lớn lên từ mồ hôi, nước mắt của cha tôi. Cứ vậy anh chị em chúng tôi nương tựa nhau dưới mái nhà nghèo khó, nhưng vô cùng hạnh phúc trong vòng tay ấm áp của người cha bồ tát. Khi nhận thấy chúng tôi đã cứng cáp trong đôi cánh bay, ông lần lượt dựng vợ gả chồng xong ông tung hết lũ con ra ngoài đời. Riêng tôi lại hướng về ánh sáng của Phật đạo.
Ngày tháng tu tập ở chùa, tôi luôn luôn tưởng nhớ đến cha già, một người cha thường khiến cho bốn anh chị em chúng tôi đều hết lòng thờ phụng, kính yêu. Cha tôi, dù không phải là cha ruột, hình thành con người cho chúng tôi, nhưng cha là món quà vô giá mà Trời Phật đã ban ra để cứu vớt chúng tôi.
Ngày xa xưa cha tôi sớm cô quạnh một mình. Chúng tôi là những con chim non bất hạnh được cha lượm về dưỡng dục cho đến khi khôn lớn chúng tôi bay đi, cha tôi vẫn cô quạnh một mình.Và cha đã ở vậy cho đến cuối đời.
* * *
Cha tôi, một người cha vỏ ngoài bình thường nhưng bên trong lại chứa đựng một trái tim bồ tát. Sống trong giáo pháp nhà Phật, tôi tin rằng cha tôi là một vị Bồ Tát hóa thân dưới một ẩn tướng để cứu độ lũ con bị đời ruồng bỏ.
Cha tôi họ Lý tên Đình. Trên tấm mộ chí đơn sơ của Cha tôi, ngoài tên họ Lý Bố Đình, phía dưới còn khắc thêm "pháp danh" thật nhỏ, thật khiêm nhường mà lúc còn tại thế Cha tôi chẳng hề hay biết:
Bồ Tát Đình.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét