CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

TIẾNG ĐỜN CÒ CẦN GIUỘC - PHAN NI TẤN





TIẾNG ĐỜN CÒ CẦN GIUỘC

 

Hồi còn sanh tiền, Cha tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc. Trong ban đờn ca tài tử Cần Giuộc, ông giữ chưn đờn cò. Tiếng đờn của Cha tôi kéo lần nào cũng mùi tận mạng. 

Trong đêm tối, cạnh ngọn đèn hột vịt lu li và chung rượu đế, tiếng đờn cò từ cung trầm, tỉ tê chợt kéo lên cao vút. Rồi tiếng hát trong bài Vân Tiên Cứu Nguyệt Nga khàn đục của Cha tôi cất lên theo điệu Nam Xuân qua Nam Ai, buồn vời vợi:

"Tích xưa có chàng tên là Lục Vân Tiên. Tuổi hai tám xuân xanh. Hằng ôm nhuần sử xanh. Vừa nghe mở hội khoa trường (Xàng). Chàng cất bước lên đường (Xê). Mong tỏ dạ phi thường (Xàng). Việc nước quyết đảm đương ứ ư…

Bỗng đâu dân chúng hãi hùng. Vì giặc cướp tung hoành (Xề). Đang đốt phá tan tành. Mạng con người thật mong manh (Xàng). Vân Tiên ra tay nghĩa hiệp. Giết sạch loài phá phách lương dân (Líu). Cứu giai nhân thoát cơn hiểm họa. Nàng chính là Kiều Nguyệt Nga ứ ư…"

Bà con chòm xóm bu quanh mê mẩn hổng nói làm gì, đến cả Hằng Nga trên cung trăng nghe cũng phải ngẩn ngơ. Nhất là nhịp song lang. Đang thả hồn theo tiếng đờn ca, chợt nghe nhịp song lang gõ xuống một cái "cốc" là Hằng Nga giựt thót mình.  

Nghe riết đâm lậm, chị Hằng bèn xúi thằng Cuội dắt xuống trần gian tìm Cha tôi để làm quen. Ngặt cái là lần nào chị Hằng xuống cũng "ọt-rơ" (hors-jeu), nội tôi thấy tội nghiệp bèn "vẽ đường cho hươu chạy":

- Cô Hằng nên xuống ban ngày. Vì buổi tối con tui mắc… đi đờn. 

Cũng cần giải thích chút đỉnh về cây Song lang. Nhạc cụ trợ âm này thuộc bộ gõ, là một loại mõ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, có lỗ xẻ ngang để phát âm, nối liền với một cần gõ bằng sừng hoặc lá thép mỏng đàn hồi. Tiếng song lang gõ rất vang. 

Hồi trào Tây, Cần Giuộc nghèo thấy mụ nội. Làng nghèo của nội tôi toàn nhà tranh vách đất nằm lọt tũm giữa đầm lau sậy bạc phơ, cao lút đầu người. Những đêm mưa dầm sùi sụt, thỉnh thoảng người trong làng còn nghe văng vẳng tiếng thì thào của những oan hồn nghĩa sĩ Cần Giuộc khiến Bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu không thoát được lên cao mà cứ lào xào lạt xạt trên mặt đất:  

Hỡi ơi!

Súng giặc đất rền

Lòng dân trời tỏ

Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao

Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ

Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân

Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ

Hỡi ơi!

Có linh xin hưởng.      

Đời người ngẫm ra thấy não nùng, bi thiết mà cũng thiệt thắc cười đến chảy nước mắt. 

Cái não nùng của những nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc giàu nghĩa khí chống ngoại xâm đã trở nên bất tử trong lịch sử văn học nước nhà và trong lòng người Việt yêu nước. Họ, 20 nghĩa sĩ Cần Giuộc sinh ra, lớn lên, vì lòng yêu nước chống giặc thù đã dũng cảm ngã xuống trên phần đất tổ tiên mình. 

Cái thê thiết, bi ai của vụ án Đồng Nọc Nạn xảy ra năm 1928 cũng vậy. Ta đều biết Đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nơi xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình Mười Chức và bọn địa chủ cường hào ác bá, tay sai của bọn thực dân cướp nước. Kết cuộc, vì bảo vệ đất đai ruộng lúa, anh em Biện Toại, Mười Chức đã hy sinh ngay trên phần đất của mình.

Có điều con người ta sanh ra sống khôn ở quê nhà song hầu hết lại thác thiêng nơi đất khách.  Bình thường như bên nội tôi chẳng hạn. Sanh bốn người con ở Cần Giuộc nhưng cả bốn đều thác ở tứ phương, người thì ở trên rừng, người trong thành phố, người chìm ngoài biển khơi. 

Nhớ hồi Cha tôi nằm hấp hối trên giường bệnh, miệng sủi bọt, mắt cứ ngước lên như mong đợi một điều gì. Má tôi hỏi: "Ông nhớ thằng Hòa phải không? Nó đang ở bên Canada." Cha tôi nghe rồi mắt nhắm lại, lịm dần.

Cha tôi sanh ở Cần Giuộc thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, mất trên cao nguyên miền Thượng. Tro cốt của ông hiện để trong chùa Khải Đoan, Ban Mê Thuột. Còn cây đờn cò, một cổ vật có độ tuổi trên 70 năm, đã cong cần, lờn trục, lỏng dây hiện để ở nhà Má tôi. Trong thùng đờn ọp ẹp còn có cây song lang, cũng cũ rích, mòn cả nước sơn và già không thua gì cây đờn cò Cần Giuộc của Cha tôi.


PHAN NI TẤN

 

Không có nhận xét nào: