THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 59 :
LAN, LANG
Inline image
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
Uổng mùi hương vương giả lắm thay !
Đó là hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc, mà Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mượn ý câu nói của Đức Khổng Phu Tử khen ngợi hoa lan là : "Lan sanh ư u cốc, vi vương già chi hương 蘭生於幽谷為王者之香". Có nghĩa : "Hoa lan tuy sanh trưởng trong hốc núi thâm u, nhưng lại có cái mùi thơm cao qúy của bậc vương giả".
Inline image
Theo sách Khổng Tử Gia Ngữ 孔子家語 có câu :" Dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan chi thất, cữu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ chi hóa hĩ 與善人居,如入芝蘭之室,久而不聞其香,即與之化矣". Có nghĩa : "Ở chung với người hiền, như vào trong căn phòng có trồng hoa chi lan vậy, lâu dần không còn thấy mùi thơm nữa, vì ta đã hòa vào mùi thơm đó rồi." Từ câu nói nầy của Khổng Tử nên trong tiếng Việt ta mới có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", còn trong văn học cổ thì có từ CHI LAN để chỉ người tốt hoặc bạn tốt, như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Thức nồng nhuộm vẻ CHI LAN,
Thông minh học vấn kiêm toàn cả hai.
CHI LAN còn dùng để chỉ con hiền cháu qúy. Theo như Tấn Thư - Tạ An Truyện 晋書·謝安傳 Có câu : Tỉ như CHI LAN ngọc thụ, dục sử kỳ sinh vu đình giai nhĩ 譬如芝蘭玉樹,欲使其生于庭階耳。Có nghĩa : Tỉ như cỏ Chi cỏ Lan và cây ngọc qúy gía được trồng trong sân trước thềm nhà vậy". Trong truyện Nôm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ tả lại mối tình giữa Bạch Viên và Tôn Các có câu :
Tuổi già thỏa thuở lòng mong mõi,
Lần ước CHI LAN dõi phúc trời.
Còn trong truyện thơ Nôm khuyết danh Nữ Tú Tài thì đão ngược lại gọi là LAN CHI để chỉ người bạn tốt :
Rõ ràng còn có giấu gì,
Anh em là nghĩa LAN CHI bạn vàng
Inline image
Bạn Vàng là KIM LAN. Theo Hệ Từ thượng của kinh Chu Dịch có câu :"Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn KIM; Đồng tâm chi ngôn, kỳ khứu như LAN 二人同心,其利斷金;同心之言,其臭如蘭。Có nghĩa : Hai người cùng đồng lòng thì cái lợi (sự bén nhọn) có thể làm đứt KIM loại; Những lời nói đồng lòng thì có mùi thơm như hoa Lan. Nên … Kết nghĩa KIM LAN 結義金蘭 là hai người bạn thề cùng đồng tâm hiệp lực, sống chết có nhau như anh em ruột thịt. Ta có thành ngữ KIM LAN Chi Giao 金蘭之交 để nói về tình nghĩa bạn bè thân thiết bền vững, ý hợp tâm đầu, như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng :
Ta thì trọn vẹn trước sau;
Đã KIM LAN lại trần châu càng bền.
Cũng trong truyện thơ trên, tình bạn cao qúy còn được gọi là LAN BẰNG :
LAN BẰNG có nghĩa còn khơi diễn,
Vùng vẫy xin cho phỉ chí kình.
Inline image
Công Nguyên năm 353, nhằm năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Đông Tấn, ngày mùng 3 tháng 3 Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi, Tạ An... gồm hơn 40 người bạn họp mặt ở LAN ĐÌNH thuộc huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang. Trong lúc rượu ngà ngà say nhà thư pháp nổi tiếng đời Đông Tấn là Vương Hi Chi đã làm và viết nên bài tự Lan Đình bất hủ của đất Cối Kê. Bài văn vừa nổi tiếng về văn hay vừa nổi tiếng về thư pháp, như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của nhà vua Lê Thánh Tông của ta có câu :
Ngày này phong cảnh hèn tri kỷ,
Lọ thốt LAN ĐÌNH lại thẩm sơ.
Còn trong Truyện Kiều, khi bắt Thúy Kiều đi tu và phải chép kinh ở Quan Âm Các, lúc Hoạn Thư đến xem kinh, đã...
Khen rằng :" Bút pháp đã tinh,
So vào với Thiếp LAN ĐÌNH nào thua !
Inline image
Còn để tôn xưng con cháu người khác, gọi một cách lịch sự là QUẾ TỬ LAN TÔN 桂子蘭孫 như trong Tử Tiêu Ký của Thang Hiển Tổ đời Minh : Tác phu thê thiên trường địa viễn, hoàn nguyện thủ quế tử lan tôn mãn ngọc điền 作夫妻天長地遠,還願取桂子蘭孫滿玉田. Có nghĩa : Làm vợ chồng với nhau là trời dài đất xa (là chuyện lâu dài), chỉ ước có được con như quế cháu như lan trong ruộng ngọc nhà (con hiền cháu thảo trong dòng họ nhà ta). Sau dùng rộng ra để chỉ chung : Con hiền cháu thảo, con đẹp cháu xinh, con qúy cháu ngoan... Như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng có câu :
Đôi sinh QUẾ TỬ LAN TÔN,
Một mai phục dưỡng gia môn đời đời.
Sau Quế Tử Lan Tôn, ta còn có QUẾ TRẠO LAN TƯƠNG 桂棹蘭漿, có nghĩa là : Cây chèo bằng gỗ quế và cây dầm bằng gỗ lan. Có xuất xứ từ bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha đời Tống, trong đó có câu hát ..." Quế trạo hề lan tương, kích không minh hề tố lưu quang. Diễu diễu hề dư hoài, vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương 桂棹兮兰桨,击空明兮溯流光。渺渺兮予怀,望美人兮天一方 mà cụ Phan Kế Bính đã dịch rất hay là :
Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời.
Trong Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ đời Nguyễn thì có câu :
Này này QUẾ TRẠO LAN TƯƠNG,
Ví đua Xích Bích chi nhường Đông Pha.
Inline imageInline image
Trong bài hát nói Vịnh Tiền Xích Bích Phú của cụ Nguyễn Công Trứ cũng có trích bài hát trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha như sau :
...Ông Tô tử qua chơi Xích Bích,
Một con thuyền với một túi thơ.
Gió hiu hiu mặt nước như tờ,
Trăng chếch chếch đầu non mới ló.
Thuyền một lá xông ngang gành bạch lộ,
Buông chèo hoa len lỏi chốn sơn cương.
Ca rằng:
Quế trạo hề lan tương, 桂棹兮蘭槳,
Kích không minh hề tố lưu quang. 擊空明兮溯流光.
Diểu diểu hề dư hoài, 渺渺兮予懷,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương. 望美人兮天一方.
Người ỷ ca réo rắt khúc cung thương,
Tiếng tiêu lẫn tiếng ca vang đáy nước....
Còn LAN THẤT 蘭室 là Chi Lan Chi Thất 芝蘭之室,như phần trên đã nói đến, có nghĩa là "Căn phòng hay căn nhà thơm mùi hoa chi lan"dùng để chỉ gia đình lễ nghi, có đạo đức tốt. Cũng trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Dứt lời Lưu mới thưa rằng,
Từ vào LAN THẤT xem bằng long môn.
Lan Thất còn được dịch là NHÀ LAN để chỉ chỗ ở thơm tho của qúi bà qúy cô ngày xưa, như trong Truyện Kiều, khi cả nhà Vương Viên Ngoại đi mừng sinh nhật ngoại gia, chỉ để có một mình Thuý Kiều ở lại trông nhà, nên nàng mới thừa cơ :
NHÀ LAN thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay ...
Inline image
Còn trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì gọi KIM LAN là LAN VÀNG :
Nhẽ đâu trong nghĩa LAN VÀNG,
Trót đà gả bán hợp hoan giao thề.
Về chữ LANG (có G), Lang 郎 là Chàng, từ dùng để gọi những nam thanh niên còn trẻ nghe cho lịch sự, tương đương với từ NƯƠNG 娘 là Nàng của phái nữ. LANG 郎 còn là từ để gọi người yêu, người tình, người hôn phối... một cách âu yếm thân mật, như Tình Lang 情郎 (người tình), Phu Lang 夫郎 (chồng), Lang Quân 郎君 (chồng)... Như Thúy Kiều đã gọi Kim Trọng là Kim Lang 金郎 là Chàng Kim. Khi đã nhờ Thúy Vân thay mình để trả nghĩa cho Kim Trọng xong rồi thì Thúy Kiều đã kêu lên :
Ôi KIM LANG, hỡi KIM LANG,
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !
Cũng đồng thời là LANG, là CHÀNG, nhưng KIM LANG thì gọi một cách trìu mến thiết tha như đã nêu trên. Chỉ tội nghiệp cho CHÀNG THÚC SINH, khi được gọi là THÚC LANG thì mặt mày xanh lè tái nhợt như khi Thúy Kiều báo ân báo oán :
Cho gươm mời đến THÚC LANG,
Mặt như chàm đổ người dường giẻ run.
Inline image
... và khi đã báo ân xong rồi, nàng còn bồi thêm một câu hăm dọa nữa :
Vợ CHÀNG quỷ quái tinh ma,
Phen nầy kẻ cắp bà già gặp nhau.
Tội nghiệp cho Chàng Thúc, khi đã lui ra rồi mà lòng vẫn còn nơm nớp thấp thỏm :
Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,
Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai !
Cuối cùng ta có CHU LANG 周郎 tức CHU DU 周瑜, còn gọi là CHU CÔNG CẨN 周公瑾, là người văn võ song toàn; 28 tuổi đã làm Đô Đốc của Đông Ngô. Nổi tiếng với trận chiến Xích Bích, lấy ít thắng nhiều đánh tan 83 vạn quân Tào Tháo, hình thành cuộc diện Tam Quốc lúc bấy giờ. Ngoài tài cầm binh và thao lược, Chu Du còn là một nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nhất là về đàn tranh. Thường có câu : " Khúc hữu ngộ, Chu lang cố 曲有誤,周郎顧". Có nghĩa : Nếu khúc đàn có sai sót, thì chàng Chu sẽ chiếu cố, chỉ điểm cho ngay ! Xin được nhắc lại bài Ngũ ngôn Tứ tuyệt THÍNH TRANH 聽箏 nổi tiếng của Lý Đoan 李端 đời Đường sau đây :
鳴箏金粟柱 , Minh tranh kim túc trụ,
素手玉房前. Tố thủ ngọc phòng tiền.
欲得周郎顧 , Dục đắc Chu Lang cố,
時時誤拂絃 .. Thời thời ngộ phất huyền.
Diễn nôm :
Thánh thót đùa phím ngọc
Tay ngà nắn cung mơ
Muốn chàng Chu chiếu cố
Thường để lạc phím tơ
Lục bát :
Trục vàng phím ngọc vấn vương
Tay ngà nắn nót cung thương mơ màng
Muốn chàng chiếu cố ngó ngàng
Nàng thường để lạc phím đàn cung tơ !
Inline image
Thường thì đàn, ai cũng muốn đàn cho hay. Nhưng ở đây thì ngược lại, nàng cố ý đàn dở, đàn sai để được chàng dòm ngó đến. Cái hay của bài thơ là ở chỗ nầy, nêu bật được cái tâm lý rất thực tế, rất nhân bản của phái nữ khi muốn được người mình yêu mến để ý đến. Nàng đã không màng đến thể diện, tự ái nữa, không cần phải đàn hay để được khen, mà chỉ muốn đàn sai để được chàng đến chiếu cố, thân cận và chỉ điểm cho. Nhõng nhẽo dễ yêu đến thế là cùng ! Lý Đoan đã rất tâm lý khi làm bài thơ nầy. Trong bài hát nói HỎI GIÓ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phần hai câu thơ chữ Hán là :
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích, 此是沱江非赤壁,
Dã vô Gia Cát dữ CHU LANG. 也無諸葛與周郎。
Có nghĩa :
Đây vốn Đà Giang không Xích Bích,
Cũng không Gia Cát chẳng CHU LANG.
Ngoài ra trong văn học dân gian cũng như văn học cổ cũng thường nhắc đến NGƯU LANG CHỨC NỮ, tức Ả CHỨC CHÀNG NGƯU, mời xem lại Thành ngữ Điển tích 39 : CHÀNG, sẽ rõ.
Xin được kết thúc bài LAN, LANG ở đây.
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét