CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI(KỲ 1) - NGUYỄN KHÔI

 


BẮC NINH THI THOẠI (Kỳ 1) NGUYỄN KHÔI

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam,  được độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.





Bài Thứ 1 – SUY NGHĨ VỀ THƠ

 

Thơ – là một bài văn gồm những câu ngắn, dài (có vần hoặc không vần) có thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà nhà thơ sáng tác ra, thường theo những niêm luật nhất định. Người ta thường hay nói “thơ ca”, nhưng cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa thơ và ca. Nếu Ca diễn tấu ca ngợi một cái đẹp thì Thơ với ý tứ sâu xa, với cấu trúc độc đáo được kết tinh từ cái đẹp đó làm cho mọi người ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu tâm linh rất thơ đó.

 

Có nhiều cách định nghĩa về thơ:

– Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim. Một bài thơ là một cõi thế giới.

– Thơ là một thể loại văn học sử dụng vần điệu, hình ảnh, tình cảm, để thể hiện một tư tưởng nào đó.

– Thơ là tiếng lòng, là sự giãi bày (tiếng nói độc bạch) để diễn tả nỗi oán than, một niềm vui, một nỗi nhớ, một suy tưởng (còn tiểu thuyết là đối thoại, nhiều tiếng nói, nhiều bè, hoà nhịp với nhau, cãi nhau, đối chọi nhau)

– Thơ là tiếng vọng của tâm hồn (là bữa tiệc của tâm hồn).

– Thơ là tiếng hát, nhà thơ là người hát rong. Hát lên niềm khao khát cuộc sống, tình yêu, tự do. Người làm thơ trước tiên phải có cảm hứng mãnh liệt (thi hứng) và phải biết làm thơ theo đúng nghĩa của nó (vì thơ là văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ) tức là phải nắm những đặc trưng (thi pháp) của thơ để mà vận dụng khi sáng tác. Đó là về:

+ Cấu trúc trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa)

+ Kiến trúc đầy âm thanh

+ Nhiều khoảng trắng trên không gian in thơ (nhằm tạo ra cách nói “Thơ một chút” – thơ kỵ lộ liễu - để thơ có nhiều khoảng “lặng” tạo ngân vang cái “ý chưa dứt làm day dứt lòng người”.

+ Thơ phái có chất nhạc tràn đầy và cần cái ảo đan xen cái thục (sản phẩm của trí tưởng tượng) trong thơ.

 

Thơ Tàu trọng ý tại ngôn ngoại, còn Thơ Việt ta là tình thì kín mà ý thì sang.

Tâm hồn là hoa, còn thơ là quả. Hoa đẹp nhưng chưa chắc đã có hương thơm, cũng như tâm hồn mãi nhưng chưa chắc thơ đã hay.

Thơ chắp cánh cho con người bay bổng, do đó mới gọi là “hồn thơ” là vậy. Tức cảnh sinh tình tạo thi hứng cho nguồn thơ dào dạt tuôn trào như suối, như sông là thế.

 

Thơ không phải của riêng ai, nhưng không phải ai làm thơ cũng thành nhà thơ. Mỗi nhà thơ có phong cách ý vị riêng. Thơ chí là lều lán tới nhà và lâu đài, ngọn núi… và dù chỉ một vài bài, thậm chí chỉ một câu cũng tạo được đỉnh cao, dấu ấn của thời đại và khắc sâu vào hồn người – thơ bất tử là vậy

 

Xứ Bắc Ninh ta: Người làm thơ (so với xứ khác) không nhiều nhưng nhà thơ có tên tuổi thì lại không ít.

 

Đất Bắc Ninh hẹp (hiện nay bé hơn cả thủ đô Hà Nội), nhưng là nơi địa linh, nhân kiệt. Là lỵ sở đầu tiên của quận Giao Chỉ, nơi sinh ra Lý Công Uẩn – người quyết định ban Chiếu dời Đô về thành Đại La, lập nên kinh đô Thăng Long, nghìn năm văn hiến. Từ vị trạng nguyên đầu tiên của nước Nam ta (Lê Văn Thịnh), những thi sỹ tiên khởi với những văn ánh thơ đẹp, bất hủ của nước Đại Việt ta thì nhiều đấng tài hoa ấy được sinh ra ở đất Bắc Ninh - Kinh Bắc này.

 

Làm thơ là làm việc của riêng mình. Viết Thi Thoại là làm việc chung cho mình và cho mọi người... Bắc Ninh Kinh Bắc ta, xưa nay chưa có Thi xã và cũng chưa có ai làm Thi Thoại.

Kẻ hậu sinh Nguyễn Khôi ở làng Đình Bảng này cúi xin các bậc tiền nhân ông cha thủa trước, nghiêng mình xin phép các anh các chị thi nhân kẻ sỹ đương thời của tỉnh nhà, mạo muội căm cụi viết một quyển Bắc Ninh Thi Thoại gọi là điểm dẫn, sưu tầm, hệ thống lại, có đôi lời cảm nhận (theo thiển ý) để góp vui cho nhũng người đồng hương trong lúc vui chơi giải trí khi ly rượu, chén trà “nghênh phong thưởng nguyệt” với hồn quê Kinh Bắc, sâu sắc tình đời. Có điều gì thô lậu mong bạn đọc quê hương lượng thứ.

 

Bài Thứ 2: THƠ VẠN HẠNH

 

Thơ là tiếng lòng tự nhiên bột phát ra (ứng khẩu hoặc viết nên lời) đó là một cách hay tự nhiên và cũng dễ đạt ý tại ngôn ngoại, có người gọi đó là cách viết vô thức, xuất thần. Một cách hay khác là nguòi viết có chú ý, sáng tác có ý tưởng, mục đích hẳn hoi (có khi viết theo “đơn đặt hàng”) lấy tài đức tâm. Cũng không quên trường hợp toàn bích.

 

Vạn Hạnh thiền sư (?-1018) người làng Cổ Pháp (Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh) tương truyền ông là cha đẻ ra triều Lý (1009-1225). Thủa nhỏ Vạn Hạnh thông minh khác thường học thông tam giáo theo học Đạo với Thiền ông đạo giả ở chùa Lục Tổ hương Dịch Bảng. Sau đó Thiền Sư Vạn Hạnh chuyên tâm tu tập kinh Tổng tri tam ma địa, phép thiền định của Phật Giáo để giữ thiện pháp.

 

Thiền sư được vua Lê Đại hành đặc biệt tôn kính. Bấy giờ được coi là nhà tiên tri, thơ văn lời nói được coi như sấm ngữ.

 

Ví dụ trước trận đánh Tống năm 980, vua hỏi, sư nói:“chỉ trong Ba Bảy (21) ngày giặc tất lui”. Quả nhiên đúng một tháng sau giặc đại bại. Khi phía Nam nước ta có giặc Chiêm, vua hỏi, sư nói:“nên đi ngay sẽ thắng”. Quả nhiên thắng lớn.

Sau Lê Ngoạ Triều lên ngôi, tàn ngược độc ác, trời người đều giận. Lúc ấy ở châu Cổ Pháp (sau đổi là Thiên Đức) có Lý Công Uẩn đang làm Thân Vệ trong triều. Lý Công Uẩn vốn trước là con nuôi của Lý Khánh Văn, một Thiền sư từng thọ giới với sư Vạn Hạnh ở Cổ Pháp.

Thiền sư Vạn Hạnh đã làm nhiều thơ, dưới dạng phú sấm, huyền thoại, tạo tâm lý để Lý Công Uẩn lên ngôi. Vạn Hạnh đã tận dụng mọi cơ hội để cổ vũ cho sự kiện: “Thái tổ nên vương sáng nghiệp đầu”. Từ sự giải thích điềm lạ xoáy lông trên con chó trắng (năm Tuất -1010), đến giảng giải ý nghĩa hình chữ thiên tử trên cây gạo bị sét đánh.

 

Tài trí sâu xa uyên bác của Thiền sư chẳng những nắm vững thiên cơ vận nước, nắm vững chữ thời trong Kinh Dịch mà còn quyết đoán chính xác trong ngày giờ cụ thể.

 

Khi thiền sư mới nhập định bên cạnh ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương, bỗng nghe văng vẳng tiếng thơ ngâm:

 

Thiên đức giàu sang no đủ khắp

Giữa trời sao Nữ, Thánh quân sinh

 

Thánh quân sinh ở đây chỉ Lý Công Uẩn ra đời lên ngôi. Sư còn nói rõ: “có lẽ chỉ trong vòng ba tháng nữa quan Thân Vệ về, sẽ chống đỡ xã tắc cầm giữ ấn chữ Quốc”.

 

Có bài thơ sấm còn nói rõ:

Lục nguyệt, Tuất niên ngược bóng rồng

 

Nghĩa là Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi vào tháng Sáu năm Tuất (1010).

 

Có giai thoại kể rằng Thiền sư biết rõ ngày Lý Công Uẩn lên ngôi.

Lúc đó Kinh đô còn ở Hoa Lư – rất xa Cổ Pháp. Vào một ngày, Thiền sư nói với chú và nguòi bác của Lý Công Uẩn rằng “Thiên tử đã băng hà. Lý Thần Vệ đang ở nhà. Nhưng nội trong ngày, Thần Vệ ắt sẽ được thiên hạ”, chú bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm lo sợ, sai người xuôi gấp về Hoa Lư, xem ra sao, thì quả đúng như lời Sư nói.

 

Thơ Sấm của Vạn Hạnh thường ngắn gọn, giàu hình ảnh, ý tứ sâu xa hàm xúc.

 

Tật lê trầm bắc thuỷ

Lý tử thụ Nam thiên

Tú phương can qua tĩnh

Bát biểu hạ bình an

 

Dịch:

 

Tật lê chìm biển bắc

Cây lý mọc trời Nam

Bốn phương binh đao lặng

Tám hướng chúc bình an

 

Vạn Hạnh dùng hình ảnh cây lê chỉ nhà Lê, cây lý (mận) chỉ họ Lý. Lê chìm, Lý mọc. Lại có cả những câu sấm huyền bí, chiết tự chữ Hán:

 

Nguyên văn: “nhập khẩu thuỷ thổ khú ” là chiết tự chữ Cổ Pháp. Rõ ràng thiền sư Vạn Hạnh đã dồn cả tài năng nhiệt huyết cho sự lên ngôi của nhà Lý.

 

Trước lúc “Tịch”, Vạn Hạnh còn để lại một bài “Kệ” Thị đệ tử (Bảo đệ tử )

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy nhu lộ thảo đầu phô

 

Nghĩa là

 

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, tiết thu lại héo

Đã tu đến trình độ Nhậm vận thì không

sợ hãi trước sự thịnh suy dời đổi

Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ

 

Tạm dịch thơ

 

Thân như ánh chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu héo cong

Chớ thấy thịnh suy mà sợ hãi

Như trên đầu cỏ hạt sương trong.

 

Sau này Lý Nhân Tông đã có bài kệ ghi nhận công lao Vạn Hạnh:

 

Vạn Hạnh thông ba cõi

Lời sư nghiệm sấm thì

Từ làng quê Cổ Pháp

Chống gậy trấn Kinh kỳ.

 

Bài Thứ 3 – THƠ ĐỜI LÝ: ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC NỞ CÀNH MAI

 

Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn lúc còn là chú tiểu hay nghịch, một hôm bị thầy phạt, trói bắt nằm dưới đất. Đêm khuya muỗi đốt không ngủ được, liền tức cảnh làm một bài thơ:

 

Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên

Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên

Dạ thâm bất cảm truòng thân túc

Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên

 

Tạm dịch

 

Trời làm chăn gối, đất đệm lung

Nhật nguyệt cùng ta ngủ trước song

Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà xã tắc rung

 

Đây có thể chỉ là huyền thoại, do các nhà sư đặt ra để gán cho vị vua đầu tiên của nhà Lý.

 

Thú vị khi đọc bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh bảo mọi nguòi) của Lý Trường (Mãn giác thiền sư (1051-1096) đã “lão, bệnh” mà lạc quan thể hiện tinh thân vô ứng và phi cứu cánh của đạo Phật. Hình tượng cành mai tươi đẹp trong thơ đã phô bày tất cả sụ đam mê, ham sống của con nguòi giũa thế giới hiện hữu, đầy siêu thoát và bí ẩn như thực lại như hư:

 

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa tươi

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai

 

Con ngưòi trong thơ thiền là con ngưòi có trí tuệ, có bản lĩnh nghị lực và sức mạnh, có thể tự mình giác ngộ chân lý một cách độc lập, dám đối diện với vũ trụ và làm cho vũ trụ biến đổi trưóc tác động của mình với một khí thế xung thiên táo bạo, thật phóng khoáng biết bao khi đọc những câu:

 

Nam nhi tụ hữu xung thiên chí

Hựu tưỏng Như Lai hành xú hành

 

(Làm trai có chí xông trời thẳm

Dẫm vết Như Lai luống nhọc mình)

 

(Thơ của Quảng Nghiêm thiền sư (1121-1190) tu ở chùa Thành An huyện Thuận Thành Bắc Ninh).

 

Cách đây gần 1000 năm, ông bà ta có sùng đạo Phật, nhưng do hiểu được mệnh trời (tri thiên mệnh, nên đã có quan niệm, bây giờ nghe rất lạ, phê phán cái mê cái hoặc đương thời, bảo ban con cháu đừng mắc vào “cái vòng luẩn quẩn” cầu sự thoát tục:

 

Sinh lão bệnh tử

Lẽ thường tự nhiên

Muốn cầu siêu thoát

Càng trói buộc thêm

“mê” thì cầu Phật

“hoặc” thì cầu Thiền

Chẳng cầu Thiền Phật

Mím miệng ngồi yên

 

(Thơ “Sinh Lão Bệnh Tử” của Ngọc Kiều – Ni sư Diệu Nhân chùa Phù Đổng Bắc Ninh).

 

Thế tục và tôn giáo hoà đồng vào với nhau, tồn tại trong trạng thái như có như không

 

Sắc là không không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc không đều chẳng quản

Mới khế hợp nhân tông

 

(Thơ của Nguyên Phi Ỷ Lan vợ của vua Lý Nhân Tông).

 

Thơ thiền xứ Kinh Bắc đã góp phần đem đến một nội dung tư tưỏng mới, nói lên tâm tư tình cảm của tầng lớp trí thức xã hội đông đảo và quan trọng đương thời, đại diện của một dân tộc, một xứ sở trong một thời đại hào hùng xây dựng và bảo vệ tổ quốc Đại Việt, triết lý về vũ trụ và nhân sinh trong một tinh thần nhập thế tích cực.

 

Trích “Bắc Ninh Thi Thoại” - 1997

 

                                 Góc Thành Nam Hà Nội, 5 tháng 10 năm 2011

                                                      NGUYỄN KHÔI

 

Nguồn:

https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/

 


Không có nhận xét nào: