CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

GỬI TUYÊN QUANG THƠ NGUYỄN KHÔI - LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

 


Ảnh TG Nguyễn Khôi.                            Nguyễn Xuân Dương



GỬI TUYÊN QUANG
( TRÍCH TRONG TUYỂN TẬP THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX )

Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được
Bếp lửa nhen ai đó sưởi riêng lòng
Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng
Xa đế nhớ một khúc thành sót lại
Một đoạn đường cát bụi tím bằng lăng
Một bến thuyền bắc cầu trong mong đợi
Một đêm thơ ai đọc lệ rơi thầm.
Để ai đấy ở lại cùng thành cổ
Mỗi sớm mai xuống chợ thả xuôi dòng
Ngồi thư viện xem chừng chưa ấm chỗ
Nghe gió mùa xao xác suốt triền sông.
Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi
Để ai kia khắc khoải những mong chờ
Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô.
Hà Nội, 1993

NGUYỄN KHÔI

Đọc bài thơ ta mới cảm nhận được rằng tài năng ngôn ngữ của nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khôi thuộc vào bậc thượng thừa. Chỉ một câu mở đầu :
“Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được”
Đã cho ta rất nhiều thông điệp. Ừ có hẹn nghĩa là họ đã từng gặp nhau nói khác đi thi nhân đã ít nhất một lần đến Tuyên Quang, nơi đã từng truyền tụng “ Chè Thái gái Tuyên”, còn hơn thế nữa, gái Tuyên quang còn được xếp hãng “ Nhất Bắc Kỳ, nhì cả nước” và có nhà thơ đã từng viết
"Người đẹp chới mắt về cõi mộng.
Trăm năm ngơ ngẩn khách tình si".
Tất cả đã hút hồn thi nhân. Dù có hẹn mà cũng chưa về Tuyên được. Chưa về được nên nỗi nhớ nó mới cồn cào và nỗi niềm tiếc nuối mới sâu nặng như đã đến vô cùng. Một câu thơ của người hay câu thơ trời phú đã gieo vào đây:
“Bếp lửa nhen ai đó sưởi riêng lòng”
Hà Nội Tuyên Quang xa cách nghìn trùng nhưng thi nhân vẫn nhìn thấy “Ai đó” hai từ nghe như có vẻ thờ ơ? Vâng ai đó thôi mới chỉ một lần gặp mặt sao nặng lòng đến vậy ngập tràn yêu thương đến vậy? Không có hơi ấm của người đã hẹn nên lòng em lạnh lắm. Không biết làm gì, không thể làm gì mà chỉ biết nhen lên bếp lửa chỉ để mình sưởi cho riêng lòng mình. Cái lạnh ngoài da, cái lạnh của đất trời có thể sưởi bằng lửa hồng. Còn cái lạnh về yêu thương về nỗi nhớ, cái lạnh trong lòng thì chỉ có thể ấm lại khi em được sưởi từ lửa lòng anh. Đó là phía Tuyên, còn phía Hà Nội thì sao ?
“Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng”
Thi nhân cũng nặng lòng lắm, đã cuối thu rồi Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa, Ta lại bắt gặp sự tinh tế trong ngôn ngữ của Nguyễn Khôi . Vâng hoa sữa đã nhạt mùi thì mới là thứ hương nhắc nhở thi nhân nhớ, thi nhân mơ tưởng về một mái tóc sóng sả của em đang phảng phất hương rừng. Chỉ mấy từ ta đã như nhìn thấy cả một bức chân dung của người con gái Tuyên Quang kiều diễm đã hút hồn thi nhân. Bốn câu mở cũng là bốn câu thuộc về nhau , dành cho nhau. Còn bây giờ là những kỉ niệm nhiều yêu dấu của thị xã Tuyên quang, của người Tuyên Quang :
“Xa đế nhớ một khúc thành sót lại
Một đoạn đường cát bụi tím bằng lăng
Một bến thuyền bắc cầu trong mong đợi
Một đêm thơ ai đọc lệ rơi thầm”
Khi cách xa người ta mới nhớ và để nhớ. Nhớ gì? Một khúc thành sót lại vì Tuyên Quang đã từng là thành trì lịch sử của vua tôi Nhà Mạc. Thời gian và con người đã tàn phá cả một thành trì...Chỉ là một khúc thành thôi sao vẫn ray rứt da diết lòng thi nhân đến thế. Rồi nhớ gì nữa. Nhớ về một đọan đường cát bụi tím bằng lăng. Phải chăng đó là đoạn đường anh và em đã đi qua. Thành thì khúc, đường thì đoạn cho ta cảm giác về sự ít ỏi và ngắn ngủi chưa đủ để chắp nối một cuộc tình . Rồi lại nhớ về một cây cầu đang bắc dở dang ! Phải chăng đó là cây cầu mà năm 1982 khi tôi có dịp qua đây vẫn còn là một khung cầu chơ vơ bắc qua phụ lưu của sông Lô chứ chưa phải của bến Bình Ca mà nhà thơ Tố Hữu đã đưa vào thơ “ Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca” Cây cầu vẫn chỉ là của mong đợi thôi. Trai gái đôi bờ qua sông để đến với nhau vẫn bằng thuyền, bằng mảng mà thôi. Chẳng liên quan gì sao nhà thơ vẫn nhớ. Hình như khi người ta đã yêu thương thì tất cả đều gợi nhớ đều yêu thương. Vẫn chỉ là cảnh vật và bây giờ mới là con người “ Một đêm thơ ai đọc lệ rơi thầm” Thi nhân lại dùng đại từ AI, vẫn là ai nhưng ai ở đây không chỉ riêng em mà ai cho cả một đêm mà các thi nhân đoàn tụ, họp mặt để đọc thơ. Ôi tình cảm con người nơi đây sao dạt dào yêu thương đến vậy ? Đọc thơ cho nhau mà lệ cũng rơi thầm. Đã rơi thầm sao Nguyễn Khôi vẫn thấy vẫn cảm nhận được? Sự lan tỏa của thi ca kì diệu vậy đó ! Tất cả đang cồn cào nỗi nhớ trong lòng một thi nhân đã ở vào tuổi tri thiên mệnh, tuổi của tài năng và cảm xúc đang độ chín.
Còn đây là đôi lứa trải lòng nhau:
“Để ai đấy ở lại cùng thành cổ
Mỗi sớm mai xuống chợ thả xuôi dòng
Ngồi thư viện xem chừng chưa ấm chỗ
Nghe gió mùa xao xác suốt triền sông.”
Vì chưa về được Tuyên Quang nên chỉ ai đấy thôi một mình thôi ở lại bên khúc thành cổ đã hoang tàn. Đọc câu thơ sao mà quạnh quẽ đến nao lòng. Em không biết làm gì, chẳng thế làm gì cho nguôi nỗi nhớ nên mỗi sớm mai xuống chợ em chỉ biết nhờ sông Lô mang chở nỗi nhớ về bên anh. Em đã vậy ! Còn anh thì sao vẫn ngổn ngang nỗi nhớ giăng mắc bộn bề. Ngồi đọc sách trong thư viện mà lòng không hề yên tĩnh vẫn nghe gió mùa xao xác cuối triền sông. Phải chăng nỗi nhớ của em đã trở thành những đợt gió mùa cuối thu đầu đông đang thổi lạnh lòng thi nhân, như nhắc nhớ thi nhân rằng em mãi nhớ anh. Nhiều khi trong cuộc đời có những sự tình cờ thật là kỳ diệu...để rồi những kỉ niệm, những yêu thương sẽ là hành trang của suốt cuộc đời ta.
“Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi
Để ai kia khắc khoải những mong chờ .”
Cứ khắc khoải, khắc khoải mãi mãi nỗi nhớ niềm thương. Người thượng nguồn sông Lô cứ ngóng trông cứ chờ đợi để cho lòng thi nhân cứ khắc khoải mong chờ. Không thể khác được thi nhân chưa thể về nói đúng hơn là không thể và có cả không dám về. Chỉ biết tự an ủi lòng mình và an ủi lòng em :
“ THÔI CỨ ĐỂ CHO THỜI GIAN GIÓ THỔI
GIEO VÀO LÒNG MỘT CHÚT SÓNG SÔNG LÔ”
Không thể gọi đây là mối tình sét đánh. Để lí giải tình cảm sâu nặng này ta chỉ có thể nói rằng
CUỘC ĐỜI VẪN CẦN LẮM NHỮNG YÊU THƯƠNG ...

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG


Không có nhận xét nào: