CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 4) - NGUYỄN KHÔI

 



BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 4) - Nguyễn Khôi


Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.


Bài Thứ 10:
 
Tiếp theo các chí sỹ - thi nhân tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu thế kỷ 20 Bắc Ninh còn có nhiều thi nhân nổi tiếng.

Độc giả biết Ngô Tất Tố (1892-1954) qua Tiểu thuyết Lều chõng, Tắt đèn và phóng sự Việc làng, ký sự lịch sử Vua Hàm nghi với việc kinh thành thất thủ; với kiến thức uyên bác, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực :
– Khảo cứu có “Phê bình Nho học của Trần Trọng Kim”, khảo cứu về Lão tử, Mặc tử, Văn học Lý, Văn học Trần, Hồ, Mạc, Tây Sơn...
– Dịch thuật có Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí, Kinh dịch;
– Về thi ca, ông có bài thơ rất nổi tiếng viết khoảng năm 1929 (Trên báo Thần Chung Sài Gòn):
 
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI

Tiếng gà xao xác giục bên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang
Ngày tháng mài mòi đôi má trắng
Nước non đeo nặng tấm gan vàng
Tánh chim mỏi cánh bay về tổ
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng
Thôi cái cuộc đời còn thế thế
Làm trai chi giữa gốc tre làng
 
Thơ của một vị túc nho, nhưng không hủ nho. Bình cũ rượu mới. Một nửa là rượu nhà quê làng Cói, còn một nửa là rượu Hà Thành.
 
Đến Phong trào thơ mới (1930-1945), đất Bắc Ninh lại xuất hiện hai nhà thơ lừng tiếng Thế Lữ và Đoàn Phú Tứ.
 
Thế Lữ (1907-1989) quê Phù Đồng (nơi có đền thờ Phù Đồng Thiên Vương – Tháng Gióng).

Theo Hoài Thanh thì: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”. Đó là “cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”. Mặc dù bước sau Phan Khôi, nhưng Thế Lữ là nhà thơ đi đầu xuất sắc nhất của phong trào thơ mới. Thế Lữ là “ông Hoàng” của thời đại thơ ca mới.

Cho đến hôm nay, thì quê hương Bắc Ninh thân yêu vẫn hiện lên trong tâm trí ta một cái gì rất Việt Nam (xứ Giao Chỉ ngày xưa và Bắc Ninh đương đại) để ta yêu dấu đến nao lòng xứ sở miền quê quan họ này:
 
Sáng hôm nay sương biếc toả mờ mờ
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ
 
Với Thế Lữ thể thơ 8 chữ đã trở thành thể tiêu biểu của thơ mới. Đó là thể thơ ưu việt bởi tính chất gẫy gọn sinh động và đầy hình tượng hiện đại, đánh dấu một bướcphát triển nhảy vọt của tư duy thơ Việt nam:
 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi…
 
Thế Lữ chủ trương dùng thơ ca để phụng sự cái đẹp của thế giới, của con người và tình yêu, phải chăng đó cũng là cái đẹp khuynh thành của Bà Chúa Chè, hoà nhịp với văn mạch dân tộc ở chặng đường tuyệt vời hứng khởi?
 
Bắc Ninh còn có Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ (1910-1989). Ông có thi phẩm bất hủ Màu Thời Gian, đồn rằng để tặng một giai nhân là con gái nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (Nàng là em nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ?).
Bài thơ chỉ có 18 câu với 101 chữ của một tình yêu đơn phương, viết như thể không đâu vào đâu mà đủ cả nhạc, hoạ, thơ:
 
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.
 
Từ ngàn năm nồng ấm, ta (như Hoàng Đế) lặng dâng Nàng (phi tần của ta) cả “Trời mây phảng phất nhuốm thời gian”. Lãng mạn và phi thường quá, trên cả tầm hoàng tử yêu công chúa. Bởi thế thời gian mới có Màu và có Hương. Và cho dù như Hạng Vũ - Ngu Cơ, Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Trịnh Sâm - Đặng Thị Huệ, Quang Trung - Ngọc Hân… thì tình một thủa còn hương, bởi vì “hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát” kia mà.
 
Bài Thứ 11: Những Nhà Thơ Bắc Ninh Xa Quê
 
Người Bắc Ninh vì nhiều lý do phải sống xa quê. Điển hình nhất là hậu duệ nhà Lý lánh nạn nhà Trần sang ở Hàn Quốc đã gần 1000 năm, nay mừng mừng tủi tủi đã trở về quê, nhất là vào dịp 15 tháng Ba Âm Lịch đúng ngày Lê hội đền Đô (Nơi thờ 8 vị vua nhà Lý).
Trong số những người sống xa quê có rất nhiều người là thi sỹ. Nguyễn Khôi đã có câu thơ nói hộ bao nỗi niềm của họ:

Dù tản mát chân trời góc bể
Còn tấc lòng vẫn gửi gấm nơi quê
 
Cử nhân Luật Nguyễn Thanh Giang (sinh 1972 ở Từ Sơn), nghiên cứư sinh ở Viện Hàn Lâm Ba Lan, ngoài công việc, anh cũng làm thơ và dịch thơ. Anh có nhiếu tứ thơ hay về thân phận xa xứ của lưu học sinh là người lao động ở đất khách quê người.
 
VÔ ĐỀ
 
Qua đường thấy là vàng rơi
Huơ tay chợt thấy tình vơi ít nhiều.
Kẻ kiếm tiền
Vo viên ước mơ hưởng lạc
Đem giấm thật chua nơi hũ sâu tâm trí
Có đêm toát mồ hôi lưng trằn trọc
Xé ra nhấp nháp, ít một, ít một thôi, sợ hết
Không dám chết, sợ mất dịp kiếm tiền thêm nữa, thêm nữa
Hưởng thụ bằng miệng môi, tử chi, dè sẻn thôi, tuỳ dịp thôi
Thói quen ăn vào não, ngấm vào gen, truyền đời sau
Kẻ học
Nghiện sách, mơ màng đánh vật với đời, vì tiền, vì sỹ diện;
Có khi đánh mất ước mơ, vì sống đã như mộng du
Suốt đời đi tìm ‘cái ấy’, sắp tóm được lại tuột tay, lại đắng cay
Kẻ chơi
Quẫn trong cuộc tìm thú chơi, thoả bao giờ hết thèm muốn dục tình
Rượu tràn trề, vòng bạc nhập nhoè
Cơn khát có khi dừng, nhưng không khi nào dứt
Rơi hun hút vào tình êm ái, ướt át, khoái lạc tràn phun trơ lại mệt mỏi, đờ đẫn
Những khuôn hình không Montage dính thành chuỗi sống, không đầu không đuôi, không kịch bản, tiếng người láo nháo thay nhạc êm.
 
(Nguyễn Thanh Giang: Đam mê trích Trường ca Đời 1995).
 
Nhà thơ Võ Sa Hà (quê Tam Sơn Bắc Ninh) khi xa quê xuất thần vào giờ phút thiêng liêng nhất trong năm:
 
Quê hương ở tận cuối trời
Mẹ cha thì đã về nơi suối vàng
Tết về xót nỗi tha hương
Hồn nâng chén rượu tìm đường về quê.
Thật là cảm động rất thi sỹ !
 
Nguyễn Hồi Thủ (sinh 1949 quê Bắc Ninh) đang sống ở Tây Âu có nhiều bài thơ trông về quê hương xứ sở *
 
Chợt nhớ
Em ở sát nhà tôi
Cách nhau bờ dậu thấp
Tụi mình học cùng lớp
Mẹ em bán cau bán thuốc
Chợ Dầm xa vời vời
Đường đi cát trắng trùng điệp nắng
Mà khi về chợ vẫn hay cười
Hương ơi
Bên giếng nhà em có bụi chuối bồ hương
Quanh năm bòng mát sang vườn nhà tôi
Nhà tôi nhài lý thơm về tối
Tôi bỏ ra đi mười mấy tuổi
Mà sao còn nhớ tóc em dài.

(Xem thêm Nguyễn Hồi Thủ: Gió và bụi, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt nam Hà Nội 1-1995).

Bài Thứ 12: Dịch thơ từ Ngô Tất Tố đến Thuý Toàn
 
Làm thơ hay đã khó, nhưng dịch thơ đạt và “hay” lại càng khó hơn. Ai đã thò bút dịch thơ đều thấu hiểu: dịch là phản (nếu không đạt), dịch là thắng (nếu đạt). Đoàn thị Điểm dịch “Chinh phụ ngâm” Phan Huy Vịnh dịch “Tỳ bà hành” là đạt ở vế thứ hai này.
Dịch thơ Đường “siêu” như Tản Đà mà cũng có bài làm sai cả ý nguyên tác. Ví dụ khi dịch bài Độ Tang Càn (Qua sông Tang Càn) của Giả Đảo, câu “Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương” đáng lẽ phải dịch là “Mười thu làm khách Tinh Châu” thì Tản Đà dịch là “Tinh Châu đất khách trải mười hè”. “Sương” ở đây phải là “thu” mới hợp với khách tha phương kia.
 
Nhà văn Ngô Tất Tố (1) quê ở làng Cói – Từ Sơn- Bắc Ninh dịch bài “Tự quân chi xuất hĩ” (Từ thủa chàng đi) đạt mức điêu xảo, đã phủ thêm hồn và vóc dáng người chinh phụ vào 2 câu của Trương Cửu Linh:
 
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm thanh huy
 
Dịch là:
 
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
 
Thế hệ sau Ngô Tất Tố còn có một dịch giả thơ khá quen thuộc với các độc giả một thời yêu chuộng thơ Nga. Người đó ở làng Phù Lưu – chợ Dầu – Từ Sơn Bắc Ninh. Chàng trai họ Hoàng “Thế gia vọng tộc”, đã từng du học ở Nga, dịch giả Thuý Toàn sinh năm 1938. Qua hơn 40 năm dịch tiếng Nga từ Puskin, Lermontov tới Bunin, Blok, Exenhin, Gamzatov… Những câu thơ do anh dịch như “Tôi yêu em đến nay chừng có thể” hay “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu ấy”… đã nằm trong sổ tay của rất nhiều người yêu thơ.
Được hỏi về bài thơ Nga đầu tiên anh dịch ? Thuý Toàn tâm sự: Đó là bài “Buổi sáng mùa đông” của Puskin. Lúc đó tôi đang mày mò dịch nhưng không đạt. Mãi 30 năm sau, năm 1978, khi tóc đã bạc nhiều, tôi lại quay lại với bài thơ đó:
 
Dưới trong xanh thăm thẳm của vòm trời
Rừng quanh quạnh riêng mình in vệt thắm
Từng xanh lá hiện qua làn nhũ mỏng
Sóng nhỏ trôi lấp lánh dưới làn băng (2)
 
Ở Bắc Ninh còn có dịch giả Nguyễn Khôi. Nhờ hơn 20 năm sống ở Sơn La, nên am tường văn hoá Thái, Nguyễn Khôi là người đầu tiên chuyển thể Sông chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) từ tiếng Thái sang thơ Việt (song thất lục bát) 1005 câu. Đã được tái bản nhiều lần. Trong đó chỉ 2 câu tiễn dặn thôi mà tình người con trai con gái Sơn La nó sâu sắc vô cùng:
 
Lời thương em nhớ đừng phai
Hồn thương đừng có đổi thay cõi trời
 
Hoặc là:
 
Trái tim xưa vẫn còn treo
Anh ở đâu? Vía còn đeo trong hồn
 
Và:
 
Người đi xa quẩn quanh vía bám
Dây trầu leo lên quấn hồn yêu
 
Trong lĩnh vực dịch thơ ở Việt Nam, Bắc Ninh đã có nhiều đại diện khá tiêu biểu!

Chú thích:
 
(1) Mời xem thêm Ngô Tất Tố “Thi -Văn – Bình – chú – Lê – Mạc – Tây Sơn” (từ giữa thế kỷ 15 đến thế kỷ 19) Mai Lĩnh Xuất Bản: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Chi Lan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Vũ Huy Lượng, Phan Huy Ích, Ngọc Hân Công Chúa, Dương Xuân hầu, Tả Đình Hầu, Phạm Đan Phương, Di thần Nhà Lê…

(2) Mời đọc thêm Thơ Puskin, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin Hà Nội 2001 (Người dịch Hoàng Trung Thông, Thuý Toàn, Xuân Diệu) Hội Nhà văn Nga tặng Bằng danh dự cho dịch giả Thúy Toàn.
 
                                                                                 NGUYỄN KHÔI
 
Nguồn:
https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/


Không có nhận xét nào: