CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

DÒNG SÔNG ĐÀO ĐI VÀO LỊCH SỬ - HỒ TỊNH

 




DÒNG SÔNG ĐÀO ĐI VÀO LỊCH SỬ

Có lẽ khi nghe câu cao dao Từ ngày Tây lại cửa Hàn / Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bồng Miêu, không ít người nghĩ rằng sông Câu Nhí được đào từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng Đà Nẵng. Thật ra, sông Câu Nhí (Câu Nhi), tên gọi khác của sông Vĩnh Điện, là một dòng sông tự nhiên, được bắt đầu đào mở rộng từ thời vua Minh Mạng, và câu ca dao ấy nguyên ban đầu là: Bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng/ Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bồng Miêu.
Phía tả ngạn sông Thu Bồn, tại khu vực giáp giới 2 xã Điện An và Điện Minh thuộc địa phận làng Câu Nhi có một chi lưu dài gần 30km chảy theo hướng đông – bắc với nhiều tên gọi, đoạn ngang qua Vĩnh Điện – gọi là sông Vĩnh Điện, trên dòng chảy, sông Vĩnh Điện nhận thêm nước của sông La Thọ ở Điện An và sông Thanh Quýt ở Điện Thắng Trung, đoạn từ đập Tứ Câu trở ra gọi là sông Cái; sông Cái nhận thêm nước của sông Bàu Sấu ở Hòa Phước, từ làng Cổ Mân (Hòa Xuân) trở ra được gọi là sông Cổ Mân, sông sông Cổ Mân nhập với sông Cẩm Lệ và đổ vào sông Hàn. Ban sơ, dòng sông này có nhiều đoạn quanh co, bị bồi lấp nên rất hẹp và cạn, chỉ có loại ghe thuyền nhỏ trọng tải nhẹ mới lưu thông được. Năm Giáp thân (1824), vua Minh Mạng ra lệnh đào mở rộng dòng sông để thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện và ngược dòng Thu Bồn lên vùng thượng nguồn. Theo Đại Nam thực lục: “Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra Người làm việc được cấp hậu tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương). Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện.”(1). Được mở rộng không lâu, chỉ một năm sau, năm Ất dậu (1825), vua Minh Mạng đi tuần Quảng Nam, thuyền ngự từ Đà Nẵng theo đường sông Vĩnh Điện đến Hành cung ở Điện Bàn, thấy sông lại bị bồi lấp hẹp, vua ra lệnh cho đào lại sông và nghiêm trị những người chỉ huy việc đào sông: “Trước kia đào khai sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trương 4 thước, nay mới hơn 1 năm mà đã sụt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước; lại 2 bờ cao quá, dựng đứng như vách thì thế nước chảy mau sụt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân, cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết. Bọn giám tu và chuyên biện đều giao xuống hai bộ Lại Binh bàn xử.”(2). Sau đó vua sai quan địa phương chọn lấy 8000 dân phu chia làm 2 ban, mỗi ban 1 tháng đổi phiên một lần tiến hành đào lại; Vua lệnh cho Phó Đô thống chế Trương Văn Minh trông coi điều hành công việc, tùy địa thế mà mở rộng, lấy mặt nước 6 trượng làm chừng. Vua bảo Trương Văn Minh rằng: “Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ, trước kia người thừa biện không biết làm cho nên nay bất đắc dĩ phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc dân đâu. Ngươi đến Quảng Nam nên triệu các phụ lão lấy ý ấy bảo cho họ biết, khiện họ báo lại cho con em vui vẻ đến làm,”(3).
Chính vì sự quan tâm đặc biệt của nhà vua nên khi vào Quảng Nam, Trương Văn Minh đã khảo sát cẩn thận dòng sông Vính Điện và tìm ra nguyên nhân khiến sông nhanh bị bồi lấp: Minh đến, xem xét hình thế dòng sông, từ chỗ cầu nhỏ Giao thủy đến cửa sông, mặt đất làng Câu An là chỗ chảy vào sông Cái, nên đất Câu An nhiều chỗ khuất khúc, bên cửa sông lại có một dải cát ngầm, nước xuống thì phơi ra. Bèn tâu xin đào cửa sông mới ở phía dưới cửa sông cũ hơn 40 trượng, tiếp ngay sông Cái khiến thế nước chảy rót vào, giữ khỏi cái lo bồi lấp. Vua theo lời xin. Lại thấy gần tiết mưa lụt, sai lấy thêm 1,000 dân ở ban nghỉ và thuê mộ dân phu để góp sức cố làm. Qua 2 tháng thì xong(4). Công việc hoàn tất, vua ban thưởng cho các quan trong coi công trình và dân phu rất trọng hậu.
Năm Ất mùi (1835), vua Minh Mạng sai đúc 9 chiếc đỉnh đồng, gồm Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh- gọi là Cửu đỉnh- đặt trước sân Thế Miếu để tỏ ý mong đế nghiệp triều Nguyễn muôn năm bền vững, lưu truyền đời sau. Vua truyền ý cho bộ Công: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật” 5). Những hình tượng được đúc nổi trên thân đỉnh gồm những đề tài tiêu biểu cho địa lý, các hiện tượng tự nhiên, vạn vật các vùng miền trong nước… Trong những hình tượng khắc trên Cửu đỉnh, có các đề tài liên quan đến Quảng Nam như: trái bòn bon (Nam trân) được khắc trên Nhân đỉnh, cây quế được khắc trên Nghị đỉnh, trên Dụ đỉnh có hình đèo Hải Vân (Hải Vân Quan), Cửa Hàn (Đà Nẵng hải khẩu) và sông Vĩnh Điện (Vĩnh Điện Hà).
Cuối thế kỷ XVIII, cửa Đại bị bồi lấp, thương cảng Hội An không còn giữ vai trò quan trọng trong giao thương quốc tế, thuyền bè nước ngoài đến cảng Đà Nẵng ngày nhiều hơn, sông Cổ Cò trở thành tuyến giao thông đường thủy nội địa chính nối cửa Đại và cửa Hàn, hàng hóa từ thượng nguồn theo đường sông Thu Bồn xuống Hội An, và từ đó vận chuyển theo sông Cổ Cò ra cảng Đà Nẵng, song một thời gian sau sông Cổ Cò cũng dần bị bồi lấp, nhiều đoạn ghe thyền không đi được, do vậy khi sông Vĩnh Điện được mở rộng đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng lên nguồn và đưa các loại nông lâm sản vùng thượng nguồn ra Đà Nẵng, đồng thời cũng chia nước cho sông Thu Bồn, thoát nước nhanh vào mùa lũ cho làng mạc hai bên bờ sông.
Chính vì có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy nội địa nên khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tháng 8 năm Mậu Ngọ (1858), lo sợ quân Pháp sẽ đi thuyền từ cửa Hàn theo đường sông Vĩnh Điện tấn công Thành tỉnh, quan tỉnh Quảng Nam đã xin vua Tự Đức cho lấp sông để cản đường thuyền giặc: quan tỉnh Quảng Nam tâu xin thuê bắt dân phu làm sọt tre, vật liệu gỗ, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện, khiến cho thế nước dồn chảy về cửa biển Đại Chiêm, khiến mạn hạ lưu nông cạn, thuyền sam bản của Tây dương không tiến vào được để quan quân có thể chuyển sức phòng bị một mặt trên bộ. Vua y cho(6). Dưới thời vua Tự Đức, sông Vĩnh Điện bị bồi lấp nghiêm trọng. Tháng 8 năm Bính tý (1876), Lĩnh Doanh điền sứ Sơn phòng Quảng Nam là Nguyễn Tạo dâng sớ xin đào sông Ái Nghĩa, lấp sông Vĩnh Điện. Vua Tự Đức sai quan Nội các Nguyễn Thuật xét lại. Nguyễn Thuật tâu nói: “Từ khi sông Vĩnh Điện đã đào, các cửa sông bên hữu ngày càng lấp mất, thuyền bè khó đi, ruộng không nước tưới, sông ấy nên lấp, theo hiểu biết của thần, cũng không trái khác. Năm ngoái quan Khâm phái: Bọn Cao Hữu Sung khám xét xin đào ngay sông Ái Nghĩa xứ Tam bào, để nước ở thượng lưu chảy ra Cẩm Lệ, lại đào 1 đoạn đường cảng Cẩm Lũ, Thi Lai để nước chảy thẳng ra Sài Giang, liệu làm 2 đoạn kè để chia thế nước, để ngăn mọi lẽ là cát bồi, đã xét rõ hình thế mà làm, đợi sau 4-5 năm, đất cát bồi lấp, cửa sông nông dần, dòng sông yếu dần, rồi sau ra công đắp lấp, mới mong thành công.” Vua cho là phải(7).
Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, vào khoảng năm 1878, công ty Sociéte des Docks et Houilleries de Tourane của người Pháp bắt đầu tổ chức khai thác mỏ than Nông Sơn với quy mô lớn. Trước khi có tuyến đường sắt Kỳ Lam - Đà Nẵng, than đá khai thác từ mỏ Nông Sơn được chuyển lên ghe thuyền, vận tải theo đường sông Thu Bồn, rồi theo sông Vĩnh Điện ra cảng cửa Hàn, do đó sông Vĩnh Điện lại được người Pháp cho đào rộng, khơi thông lại tuyến giao thông thủy từ sông Thu Bồn ra Đà Nẵng, vậy nên mới xuất hiện câu cao dao Từ ngày Tây lại cửa Hàn / Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bông Miêu.
Qua bao biến động trong lịch sử, sông Vĩnh Điện ngày nay vẫn là tuyến giao thông đường thủy nội địa chính để vận chuyển than đá từ Nông Sơn, cát sạn từ vùng sông Thu Bồn, Vu Gia về Đà Nẵng; sông Vĩnh Điện cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân Điện Bàn, Hội An và tưới tiêu cho ruộng đồng vùng bắc Điện Bàn ra đến Đà Nẵng; dòng sông này còn có nhiều loại tôm, cá, hến… là nguồn thủy sản nuôi sống một số hộ làm nghề chài lưới và cào hến. Trong tương lại, nếu tổ chức tốt việc kết nối du lịch đường sông giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, sông Vĩnh Điện sẽ là tuyến du lịch lý thú, đưa du khách từ sông Hàn qua đường sông Vĩnh Điện lên vùng thượng nguồn Thu Bồn, Vu Gia… Nhìn lại lịch sử gần 200 năm thăng trầm của dòng sông đào Vĩnh Điện mới thấy sự sáng suốt và tầm nhìn xuyên thế kỷ của một vị minh quân triều Nguyễn!
HỒ XUÂN TỊNH
--------------
1 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập II. NXB Giáo dục. 2007, tr. 338
2Đại Nam thực lục tập II. NXB Giáo dục. 2007, tr. 429
3 Đại Nam thực lục Tập II. NXB Giáo dục. 2007, tr. 429
4 Đại Nam thực lục tập II. NXB Giáo dục. 2007, tr. 429-430
6 Đại Nam thực lục tập IV. NXB Giáo dục. 2007, tr. 792
6 Đại Nam thực lục tập VII. NXB Giáo dục. 2007, tr. 576
7 Đại Nam thực lục tập VIII. NXB Giáo dục. 2007, tr.189

1 nhận xét:

Nguyễn Vũ Song Thu nói...

NHAMY ơi...bạn còn nhớ mấy bài thơ về sông Tiêu Tương ngày trước bọn mình họa cùng với anh Nguyễn Khôi không? Nếu nhớ hoặc biết ở chỗ nào thì gửi vô tin nhắn ở Facebook cho Song Thu với nha. Cám ơn bạn nhiều. Facebook của mình là Nguyễn Vũ Song Thu nha bạn


Trả lờiXóa