CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

THI NHÂN &THI CA: HẠ THÁI TRẦN QUỐC PHIỆT - CHU VƯƠNG MIỆN ,KHANH TƯƠNG


A person wearing a hat and glasses

Description automatically generated with low confidence



 Thi Nhân Và Thi Ca:  Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
- Chu Vương Miện & Khanh Tương thực hiện
 
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt tên khai sinh là Trần Quốc Phiệt.
Sinh năm 1945, quê quán An Lưu, Triệu Phong, Quảng Trị.
Từng là:
- Nội trú sinh VBA Huế (56 – 63)
- Học sinh các trường Trần Quốc Toản Huế, Kỹ Thuật Huế, Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Quốc Học Huế.
-  Sĩ Quan QL/VNCH, khóa 22 Trừ Bị Thủ Đức. Phục vụ đơn vị tác chiến từ Trung Đội Trưởng đến Tiểu Đoàn Trưởng.
-  Qua các trại tù: Long Giao, Sơn La, Nam Hà, Xuân Lộc, Cây Gừa Cà Mau.
Đến Mỹ năm 1991, nhân viên Stanford University Hospital, về hưu ở tại thung lũng hoa vàng (Silicon Valley).

Sinh hoạt Văn Nghệ:
   Cộng tác với Nhân Văn (San Jose) Chứng Nhân (Texas) 1991 – 1993.
- Phụ trách mục Văn Học, mục Thơ và thơ Đường xướng họa trang mạng saigonecho 2009.
- Chủ biên trang web Hương Đồng Cỏ Nội.
- Cộng tác thường kỳ tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Cỏ Thơm ở Virginia & DC từ 20 năm nay.
- Cộng tác với saimonthidan.com, và vài trang blogspot khác khắp nơi.
- Chuyển dịch toàn tập “Tiên Sơn Thi Tập” của Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc với hai thể thơ Cổ Phong và Đường luật gồm 220 bài, xuất bản năm 2017 tại San Diego California.
- Có mặt trong các tuyển tập Quốc Học Đồng Khánh vùng Vịnh và các đặc san Quảng Trị ở Nam Bắc Cali và các nơi khác.
- Hiện tại đang săn sóc một mảnh vườn văn nghệ … với chủ đề lịch sử, địa lý, nhân văn…và một vườn cây kiểng đa sắc tộc.


Dòng Cuối : (trích đoạn lời bày tỏ cuối cuốn sách)
“Cuối cùng thì “Trôi Giữa Dòng Đời “ đã trình diện với gia đình, bà con và bằng hữu, trong đó chứa đựng những vần thơ chơn chất mộc mạc của một người đã luống tuổi từng kinh qua cuộc đời đầy cam go thử thách với biết bao khó khăn do thời thế tạo nên.
….
“Những ngày ra tù sống lang thang, thơ tôi làm thường viết trên bao thuốc lá cũng mất đi cả. Ngoại trừ một vài bài bạn hữu thân hiết còn giữ và gửi lại cho tôi sau này. Một phần nữa xin thưa là tôi làm thơ rất tài tử, làm đâu bỏ đó không bao giờ có ý lưu trữ để in ấn thành tập.”
…. 
“Dẫu sao đứa con tinh thần của tôi dù có muộn màng nhưng xem như mẹ tròn con vuông . Thì đây là một thi tập mang tính kỷ niệm, ít ra cũng mang màu sắc hoàn cảnh từng chặng đời tôi giẫm bước chân qua .
….
“Xin đa tạ với cao xanh đã cho tôi còn có mặt tới hôm nay giữa cuộc đời đầy giông bão sau bốn bận thương tích ngoài chiến trường, rồi hai cuộc tù cộng lại mười năm .

“Nhờ vậy tập “ Trôi Giữa Dòng Đời “ mới hình thành và có mặt hôm nay
Trân trọng kính chào

San Jose, Sep 01 , 2020
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
 
*
Chúng tôi trước sau đọc thi phẩm “ Trôi Giữa Dòng Đời “ của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt, thơ của anh đa dạng nói theo từ ngữ hiện đại “hại điện thời bây giờ là đa hệ có nghĩa là quá nhiều thể loại thơ trong một tập thơ, nào thơ Đường Tàu, đến thơ Xướng Họạ, thơ tặng giao tế bằng hữu, rồi thơ Hán Văn “ kể cả thơ dịch “thơ đời thường, thơ thời loạn, thơ thời ở tù …
 Chúng tôi là người đọc thơ cố gắng tìm kiếm những cái hay cái lạ, của những người làm thơ không có một thành kiến về bất cứ loại hình thơ nào ? miễn thơ là thơ, thơ đọc lên truyền cảm xúc động tâm hồn mình, thơ không có cũ và cũng không có mới, người làm thơ không có phân biệt già và  trẻ, và cũng không nên câu nệ thơ đầu điển, thơ cổ điển, thơ tự nhiên, thơ tự do, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại, đại khái thơ lục bát “ 6/8 “ từ xửa xưa đã có rồi, ngay từ ca dao hò vè v..v.. đã có, ví dụ :
-
“ Trăng lên khỏi núi trăng tà
Người yêu ta thật hay là yêu chơi “
 
Đến năm 1957 ở miền Nam, có thi sĩ Hà Liên Tử xuất bản cuốn thơ  “Tiếng Bên Trời “cuốn thơ vài chục bài thì cũng bình thường như những tập thơ của những người làm thơ khác, nhưng riêng thơ lục bát “6/8 “ thì được chặt khúc ra như sau :
 
10 năm xưa
10 năm sau
1 hình bóng cũ
Xóa màu thời gian
 
Hoặc
 
bỗng dưng
tôi khóc
em cười
 
Sau đó thì thi sĩ Hà Liên Tử được các tạp chí ở miền Nam như Nhân Loại, Sáng Tạo, v..v..chà xà bông, cạo gió dài dài, sau thi phẩm “ Tiếng Bên Trời “ nhà thơ Hà Liên Tử bị chửi bới nhiều quá, từ đó bỏ hẳn cái nghề làm thơ, tuy nhiên chuyện đến đó chưa phải là chấm hết, đến đầu năm 1972 thì thơ lục bát  lại sống trở lại mà lại đồ sộ hơn trước nhiều, cũng chỉ là thơ lục bát thôi , nhưng những vị làm thơ mang chặt vụn ra từ 1 câu đến 2 câu, ba câu rồi 4 câu y như chặt con cá ra nhiều khúc “nhưng cũng chỉ là thơ lục bát“ hình thức có khác có lạ mắt chút đỉnh, từa tựa như thơ thất ngôn “bảy chữ “ ngắt ra làm 2 phần, phần trên 4 câu phần dưới 3 câu, hoặc ngược lại , ví dụ thơ Nguyễn Khuyến :
 
Ao thu lạnh lẽo
Nước trong veo
Một chiếc thuyền câu
Bé tẻo teo
 
Coi thì cũng chả mới hơn khi dòng thơ ở dạng 7 chữ “ thất ngôn “,
Rồi cái đà chiến tranh leo thang trước 1975, ai cũng lo đi lính, làm dân thì lo chạy loạn, không  ai có thì giờ quan tâm đến việc khác, sau 1975 thì cái dạng thơ lục bát và không lục bát ở hải ngọai “ tuy nhiên không phải là thơ tự do “ được nhà thơ Trần Vấn Lệ viết liền kết vào với nhau không chấm không phết gì cả ? tuy nhiên cũng chỉ là thơ cũ ngũ ngôn, thơ thất ngôn thơ lục bát chớ cũng chả mới mẻ đầu voi đuôi chuột gì ? chẳng qua cũng chỉ là dạng bịp đời cuộc sống nơi quê người thì cũng chỉ  “cơm áo gạo tiền“ nó đã làm cho con người mệt mỏi và vất vả, viết lách thơ văn ba lăng nhăng thì lại giống như ở bên nhà, tự biên tự diễn và tự dẹp “có nghĩa là Bản nhạc thì tự mình sáng tác ra, rồi cũng tự mình hát, hát xong thì tự mình nghe rồi tự sướng, xong thì chính mình dẹp không có khán giả nào coi cả “dần dần thi ca đi vào chỗ nhàm chán ngõ cụt, các tập san, tạp chí dần dần đóng cửa , vì không có ai ủng hộ người viết “tức sáng tác“ lớp qua đời, lớp già, lớp ngừng viết, văn chương ở vào dạng tụt hậu theo vết mòn của cải lương, của hát chèo, hát bộ , quan họ Bắc Ninh, hát bài chòi, hát ả đào, thơ tao đàn mày đàn không còn người ở không thưởng thức nữa, vì quá cũ không theo kịp thời đại .
 
*
 
Giữa buổi chạng vạng hoàng hôn của thi ca trên toàn thế giới, văn minh cơ khí, cùng cuộc sống vội vã của tất cả các dân tộc, nào những biến động của địa cầu và không gian cùng những sóng thần bão lốc xoáy, núi lửa v..v.. giữa lúc nhân loại đang bước vào thời kỳ ngáp ngáp, thì cái cảnh chợ chiều nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt loạng quạng bước chân vào, bước đi rất là vững chãi tự tin, xin đọc tạm đôi dòng thơ tha thiết của thi nhân :
 
-
Thưa rằng
tôi - con chim ngất ngư
còn thèm cất tiếng hót
nghe đâu đây
lời ru buồn thánh thót
nhếch môi cười tạm giấu nỗi chua cay 
“ trích Khai Đề “
 
Quê hương nỗi nhớ khôn cùng
những ngày mưa gió bão bùng đong đưa
những đêm trăng, những ngày mùa
cành tre , bóng mát , đình chùa , cổ am… 
- “ trích Cảm hoài “

Tôi trở về thăm lại dòng sông
có bến ghe thuyền chài chen chúc
dòng nước hiền hoà hai mùa trong đục
gốc xoan bên đường đúng độ trổ bông
chỗ thân quen nay ai cũng lạ
tự xót xa rồi tự thấy đau lòng 
- “ trích Dòng Sông Xưa Còn Ngày Trở Lại “

Gió lạnh tìm về nhạn lại bay
Chiều nghiêng dốc núi bóng hao gầy
Vàng thu nhạt nhẽo pha màu úa
Chợt buồn thèm một chút gì cay
Bạn bè ngày cũ tìm đâu được
Thủa tuổi vào đời tình nghĩa thay !
Bôn ba tứ tán người một nẻo
Lưu lạc mười phương ới ai đây
Gọi tên nhau thử ai còn mất
Qua cụộc chuyển vần gió bụi bay
Vào tuổi sáu lăm còn mấy đứa
Về với nhau tìm một cuộc say 
- “ trích Bài Hành Sáu Lăm “

Khi về quá bộ ngang qua đó
Tìm lại bóng trăng thủa hẹn hò
Ngọn lá thu buồn bay vàng ngõ
Chốn cũ sông xưa lạ mạn đò!
 
Bên này bờ bồi bên kia lở
mái chèo khua sóng nước lung linh
hỏi còn lên ngược chiều sông nước
hỏi có về xuôi gặp gỡ mình 
- “ Trích Trôi Giữa Dòng Đời “

 
Sau một hồi cười ngựa xem hoa, dạo chơi loanh quanh trong thi tập “Trôi Giữa Dòng Đời “ của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt gần 280 trang sách, với trên trăm bài thơ đủ tầm đủ cỡ, đủ ngắn đủ dài, thú thật  hơi thơ của Hạ Thái rất là phong phú, mượt mà óng chuốt, tuy có thoang thoảng hơi thơ tiền chiến Nguyễn Bính, nhưng thanh thoát hơn, ngắn gọn hơn, vẫn xứng đáng là thi nhân của hậu bán thế kỷ 20 .
 
Mỗi một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử, văn chương “gồm cả thi ca“ nó hoàn toàn biến dạng và hoàn toàn khác nhau, thơ thời Lý khác với thời Trần , và thơ thời nhà Lê khác với thời nhà Nguyễn, ví dụ :
Thơ đầu thế kỷ thứ 19, lấy  thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh làm tiêu biểu :
                     
“ Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau “
- thơ Nguyễn Du “

Cõi người ta là cõi chung của con người trên toàn thế giới, không phân biệt màu da chủng tộc, thì chữ Tài và chữ Mệnh vốn ghét nhau ? nhưng trên thực tế thì dù có ghét nhau thật đi nữa thì cũng chả làm gì được nhau ? y như nhạc của Ban A.V.T “ như hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ ? không ưa nhau nhưng cũng chả làm gì được nhau?
 
Nhưng thời kỳ đầu thế kỷ 20, một nhà thơ tiền chiến cùng thời với Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh …. cũng soạn lại một cuốn hậu Thuý Kiều mở đầu như vầy:

“ Trăm năm trong cõi người Ngô
Chữ tài chữ mệnh khéo vồ lấy nhau “
 
Người Ngô đây là người Hán Tàu thủa Tam Quốc xưa, chứ không phải người Ngô là người Ngô Duy Nhĩ Tân Cương, câu thơ này không còn nói chung chung về con người ta ở khắp năm châu bốn biển mà khoanh vùng rất ông thể cụ thể là nước Hoa Lục có hình dạng là 1 con gà mái, đầu ở Mãn Châu còn đuôi ở Tứ Xuyên, thì chữ Tài và chữ Mệnh gắn bó với nhau khá thân thiết.
Chữ Vồ đọc lên rất là ấn tượng ấn voi, con cọp vồ con nai, con mèo vồ con chuột , Anh 3 Tàu vồ anh Việt Nam, Anh Liên Xô vồ Anh Ukraina. Chữ Vồ là động tự có tính tích cực chủ động hơn là chữ ghét tĩnh tự, nhưng hậu bán thế kỷ 20, vào giữa năm 1969, thi phẩm Đoạn Trường Vô Thanh của nhà thơ Phạm Thiên Thư được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc của Miền Nam Việt Nam thì lúc đó tâm tình người làm thơ lại thay đổi khác
*
Xưa Là Giọt Lệ
 
Đoạn trường
Sổ gọi tên hoa
Xưa là giọt lệ nay là hạt châu
*
Bức Thứ Nhất
 
“Lòng như bát ngát mây xanh
Thân như sương tụ trên cành đông mai
 “trích Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư “
 
Cũng là “Đoạn Trường“ cả, nhưng mỗi giai đoạn lịch sử thì cái đoạn trường nó lại khác nhau, chả hạn như thời Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Linh Giang ở tỉnh Quảng Bình làm biên giới.
Và mới đây giai đọạn 54 - 75 chiến tranh Nam Bắc Việt Nam cũng là chiến tranh, nhưng hai cuộc chiến hoàn toàn khác nhau, cuộc chiến trước là cuộc bành trướng thế lực của nhà Trịnh về phương Nam, còn cuộc chiến sau là cuộc chiến tranh ý thức hệ, giữa Tư Bản và Cộng sản .
 
Tuy thơ của nhà thơ Hạ Thái đôi khi đọc thoáng qua thì thấy từ chữ hơi cũ, không hiện đại hơi thơ gần với ca dao phong giao, nhưng đọc cho kỹ thì thi ca từ xưa đến bây giờ cũng toàn vay mượn lẫn nhau, cũng như ngôn ngữ nước này mượn chữ của nước kia “nhất là những nước cùng chung một biên giới “ thì chuyện đó là lẽ thường, muốn làm mới thi ca là một chuyến rất khó, thời tiền chiến người có công đầu với thơ mới là Phan Khôi, Thế Lữ, nhưng đưa thơ tiền chiến lên tuyệt đỉnh danh vọng lại là Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên ….và sau 1954 ở miền Nam những nhà thơ thời danh như Cung Trầm Tưởng, nhà thơ Viên Linh cũng nâng thơ lục bát đến chỗ tuyệt diệu và sau 1975 ỏ Hải Ngoại, thì nhà thơ Trần Vấn Lệ cũng đã thành công qua cuộc chỉnh trang lại thơ lục bát đến chỗ gần hoàn mỹ “mãn “.
 
*
Tiếp tục trở lại với những đoạn thơ rất là ấn tượng của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
 -
Hỏi tắc kè có gì ấm ức hở
Tiếng vỡ ra từ góc núi xa xăm
Như vọng lại hồn ma Hời than oán
Đỉnh tháp rêu rủ lời khóc dân Chàm
 
Khi trời chiều những ngày nhiều mây trằng
Có vài ba cánh nhạn thoáng điểm trang
Gió lang thang hôn lên nhành mắc cỡ
Bài ca nào nức nở những đêm trăng
 - “ Trích Bài Thơ Chiều 30/4/….”
*
Người lính xưa chừ tóc đã bạc
Nợ tang bồng đành gác đằng sau
Mượn giải sầu nghiêng bầu độc ẩm
Cạn hồ trường thấm thía niềm đau
 - “Trích Tâm Sự Người Lính Già “
*
Người về ôm mộng xa xăm
Đàn xưa đã tắt tiếng trầm bỗng rơi
 
Tôi về còn chỉ mình tôi
Phui bay gió bụi hết rồi tay không
Còn chi giữ lại trong lòng
Hồi chuông xé vụn hoài mong mịt mờ
 -“ Trích Tôi Về “
*
Bao năm lưu lạc đời đây đó
Nhờ về chốn cũ hồn mang mang
 
Mấy mùa én nhạn bay rồi nhỉ
lưu lạc chân trời nhớ biển xa
chốn cũ thành xưa vào huyền tích
đầu sông – góc núi – bóng nguyệt tà
 
Đêm dài sương lạnh buồn u tịch
Áo cừu xứ tuyết gội phong ba
Kinh Kha tráng sĩ hề ….sông Dịch
Nghiêng chén sầu bi hề ….quan hà
 -“ Trích Một Đời Lưu Lạc ‘
*
Xếp thi tập “ Trôi Giữa Dòng Đời “ của nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt lại, người viết lại chợt thoáng nhớ trong đầu câu thơ Huy Cận trong thi tập Lửa Thiêng “một chiếc linh hồn nhỏ mang mang thiên cổ sầu, và thơ Nguyễn Du “ rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào ? “ bàn tán lăng nhăng dài dòng thì cũng không một sớm một chiều mà làm thơ hay thơ tuyệt tác ngay được ? mà phải có quá trình có thời gian, nhà thơ Hạ Thái Trần Quốc Phiệt tuổi đời cũng gần tám bó (thiểu 3 tuổi) nhưng thi phẩm “Trôi Giữa Dòng Đời “ nội dung toàn tập thơ vẫn rất sung mãn nhiệt tình trẻ trung, tình cảm quê hương đất nước nồng nàn rạt rào, tình cảm giữa người và người rất đậm đà thân ái, nói theo chữ thời bây giờ thì thơ của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt rất ấn tượng và đạt yêu cầu.
 
Khanh Tương & Chu Vương Miện thực hiện.
Tháng 5 năm 2022

 
PHỤ LỤC
  
 
CHUYỆN BUỒN THẾ KỶ

Đời tặng cho nhau nỗi đau vô hạn
Ôi bẽ bàng nhìn thế sự nát tan
Cuộc hơn thua chưa vỡ lẽ đã tan hàng
Bao uất ức nghẹn ngào đành ngoảnh mặt. 
Đầu đội trời còn chân thì đạp đất
Người đâu rồi ta đứng lại mình ta
Tráng sĩ mài gươm dưới ánh trăng tà
Bên dòng suối thời gian trôi đầu bạc.

Gác thanh kiếm cho lòng buồn man mác
Mảnh chinh y rách nát treo bên tường
Những tháng năm diện bích thay gương
Đời khô đét không còn rơi nước mắt. 

Cạn chén rượu cay cho lòng say khướt
Còn gì đâu để mắng nhiếc mất hơi
Chẳng cần buông tay than thở trời ơi
Trời đã sập - đất từ lâu đã lún...

Chí đã vun ước mơ đời trót muốn
Tự ngàn xưa chinh chiến cổ lai hy
Tàn cuộc chưa sao kẻ ở người đi
Ta chuốc cạn những ly sầu rồi đập vỡ.

Đời! còn mãi mắc nhau món nợ
Dẫu có đòi há dễ trả được chăng
Những bạn xưa thân xác đã yên nằm
Nơi bờ tre, đồi tranh, bìa rừng, ngọn suối…
 
Ta bây giờ thân già còn ngấp ngoải
Thì thay lời xin kể chuyện tích xưa
Tóc hoa râm thành cổ thụ cuối mùa
Chuyện thế sự làm trò đùa nhân thế! 

Kể chuyện đời cùn với ngàn nỗi đau tàn phế
Chợt bật cười, ràn rụa mắt cay cay.
 
 
HOÀI THƯƠNG
CHỐN ẤY CÁC ANH NẰM
(Cảm tác khi xem tấm hình thương phế binh VNCH
 Sài Gòn đi tảo mộ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa)
 
Tôi viết bài thơ từ phương xa
bài thơ không dán con tem
gởi qua bưu điện
nhưng nó sẽ đi thật nhanh
theo ngọn gió bay.
 
Đây lời thiết tha
gói chân tình cho người nằm lại
sau cuộc binh đao lòng tự hỏi
sao không cùng được chết
nằm kề nhau
như đã từng kề vai dưới chiến hào
một thời lửa đỏ
giờ trôi dạt phương này xa xôi quá
nén nhang tàn theo gió cuộn bay xa
giấc thiên thu anh yên nghỉ xứ Biên Hoà
từng hoang phế một thời sau khổ nạn.
Những nấm mồ hoang
tháng năm rêu phong, hoa dại choán
bao nhiêu lâu hương khói phải lạnh tanh
bao nhiêu lâu không được viếng thăm
cấm đủ điều
còn nói chi nghĩa tử.

Sống hiên ngang…
chết chẳng hề bị quên lãng
nằm âm thầm nhưng đồng đội chẳng lãng quên
từ anh thương binh
thân thể không còn nguyên
và bè bạn hướng về các anh
bằng tình thương trân quý
tình chiến hữu bao năm rồi anh nhỉ
mãi khắc sâu trong tận trái tim
tôi ở phương xa
còn chi để làm tin
nhờ xem những tấm hình với hàng mộ bia
trong ngày xuân đến.
 
Tình chiến hữu mặn mà vô bờ bến
nhìn nghĩa trang mắt ướt đẫm viền quanh
tôi viết bài thơ một ý chân thành
không gởi đi
chỉ đọc khi gió thoảng
và tin chắc là anh nhận được bên kia.


LỜI TẠ ƠN GỞI TỚI ĐẤT TRỜI
 
Tạ ơn Trời cho ta hiện hữu
tạ ơn người đã bao bọc lẫn nhau
tạ ơn niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau ...
cho khôn hơn và sáng mắt.
 
Tạ ơn người từng gần từng gặp ...
tạ ơn mưa dầm gió dật xô dạt nghiêng đời
tạ ơn những dòng nước mắt những nụ cười
là bóng tối nhạt nhòa - bình minh ló dạng.
 
Tạ ơn vũng tối giữa bốn bức tường nghèo ánh sáng
che chở qua những năm tháng gian nan
tạ ơn bạn từng chia nhau từ củ sắn
nói nhỏ thôi nhe - tai vách mạch rừng.
 
Tạ ơn ai từng cùng màu áo chiến binh
khi ngã xuống đồng đội liền đứng dậy
tạ ơn chiến hào ngăn muôn vàn cạm bẫy
bởi thế thời đành quay ngựa treo gươm.
 
Tạ ơn nào may mắn chở che mọi hiểm hóc chiến trường
giữa chốn lao lung muôn trùng ngách nẻo
tạ ơn xứ sở một thời dang tay níu kéo
nước ngược dòng vẫn vượt đoạn cheo leo.
 
*
Trước hồn thiêng những bậc tiền nhân khai phóng
dưới đuốc sáng ngời Nữ Thần Tự Do
dưới khoảnh đồi nghĩa trang Arlington
dưới bức tường đá đen ghi danh năm mươi tám ngàn tử sĩ
tạ ơn là câu niệm mỗi bước chân...!
 
2018.

 
LƯU DẤU SƠN LA
 
Ta đi rồi để lại đồi hoang
cơn nắng đổ dài ven bờ suối
ta đi rồi để lại lời ca núi
chiều rừng xanh dải mây trắng vắt ngang
 
 
Nợ nương sắn nửa mùa còn làm cỏ
nợ đồi chè, sơn nữ chưa kịp quen
những hang Dơi, đồi Gió Hú... thôi từ giã!
ta đi, mà chưa biết về đâu...
 
 
Ta nợ ai khúc nhạc vàng đã hẹn
bài hát nửa vời tiếng kẻng vọng lên
ta nợ người nắm xôi bên ngõ vắng
niềm nở lẹ làng trao tặng kẻ mới quen.
 
 
Ngày đến đây, nghe rằng ta quỷ dữ
lén gần nhau mới biết quá mức hiền lành
cám ơn thảy những người đi đày trước
may mắn sống xa bầy quỷ quái, lũ lưu manh!
 
 
Ta đi rồi núi rừng ở lại
gởi nơi đây những bè bạn ngủ trên đồi
dọc Đèo Ban lối vào Yên Hạ
Tết tới này ai chạp mã bạn tù tôi!
 
Ta đã thi gan với rừng núi những tháng ngày
nắng cháy da, lạnh thâm môi, lạnh cồn cào bao tửi…
những đêm dài đìu hiu len vào giấc ngủ
nhìn bóng Ngân Hà mà thương tiếc gió trời Nam 


Đã quen dần những con suối, những bản làng
dao "quắm" bên lưng như tên Mường, Mèo, Mán...
sáng trưa chiều quần quật theo tiếng kẻng
lầm lũi giữa rừng thấm thoắt mấy năm.
 
 
Ta đến đây giữa núi đồi Tây Bắc
nhẩm bài thơ Quang Dũng chợt ngậm ngùi
những người xưa chinh chiến chính là nơi
ta đang đứng ôn vần thơ bi tráng!
 
 
Ta đến đây tù nhân không bản án
sống cách ly một thế giới lạ thường
khối trí tuệ tui nung từ những danh trường
không cần đến, thua những bàn tay gân guốc!
 
 
Đến rồi đi, nói gì lời từ biệt
với Sơn La, đất, đá, suối, trăng, mây ...!
với rừng thâm u meo mốc rợp tàn cây
đi về đâu thì Sơn La vẫn còn lưu dấu!
 
1979



TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH GIÀ
 
Người lính xưa chừ tóc đã bạc
nỗi niềm đau giữ kín trong lòng
từng chặng đời lên đồi xuống dốc
nợ cuộc trần trả miết không xong.
 
 
Hồn chiến mã ngậm ngùi thao thức
suối nhỏ về góp nhập thành sông
dấu rêu phong hằn thân gỗ mục
cánh hạc mờ chấp chới tầng không.
 
 
Đếm từng chặng gẫm lùi dĩ vãng
dấu chân qua bầm dập khôn cùng
mảnh trăng khuyết khơi niềm nhung nhớ
vách tường khuya gợi cảnh lao lung!
 
 
Buổi quay gót nghe đời trần thuật
những nỗi niềm chua xót bâng khuâng
đàn chim sẻ vòm nhà gù gật
kể chuyện buồn từ độ chia phân!
 
 
Nghe đâu đó than dài thở ngắn
mà sông xưa nước cứ hững hờ
vầng trăng khuyết lạnh trời thương nhớ
rượu cạn bình sầu thấm ý thơ!
 
 
Người lính xưa chừ tóc đã bạc!
nợ tang bồng đành gác đằng sau
mượn giải sầu nghiêng bầu độc ẩm
cạn hồ trường thấm thía niềm đau.!
 
2020
 
 
GỞI CHỊ XA XÔI CẢ NỖI NIỀM
    (Vần thơ gởi về Cổ Lũy)
 
Mai mốt chị về thăm vườn cũ
Chăm bón giùm em bụi mẫu đơn
Bụi hoa em trồng ngày xưa đó
Xa vắng lâu rồi mãi nhớ thương.
 
Ngồi đây hồi tưởng ngày thơ dại
Mái nhà xưa giếng nước gốc dừa
Vầng trăng sáng lung linh giàn mướp
Chăm chút nhau tháng nắng ngày mưa.

Thuở ấy nhà mình cheo neo quá
Vầng khăn sớm phủ mái đầu xanh
Mẹ mất năm em vừa lên tám
Chú út mới tròn bảy ngày sinh.

Tiếng cú canh khuya nghe não nuột
Giọng hò vang vọng nỗi xót xa
Giấc ngủ chiêm bao quầng khoé mắt
Tàn canh lạnh lẽo hạt sương sa.

Thôn xóm tiêu điều theo cuộc chiến
Mái dột tường rêu gió mong manh
Đồng không mông quạnh bấc đông lạnh
Khoai sắn chêm vào những bữa ăn.

Anh chị em mình lo tần tảo
Ruộng lúa nương khoai tự chải bươn
Cảnh đời ngơ ngác gà mất mẹ
Đầu xanh côi cút lắm bi thương.

Nắng cháy trưa hè trên đồng cạn
Lạnh buốt chiều đông dưới ruộng sâu
Gò vai cao thấp đường trơn trợt
Đoạn đời gian khổ dễ quên đâu.

Ngày em vào Huế để theo học
Chị ở lại nhà buồn lắm không
Em vẫn về thăm mùa phượng thắm
Bẩy chim bắt cá nghịch gió đồng.

Mười năm đèn sách em cực khổ
Thiếu thốn đủ điều chị hiểu em
Nhà khó trăm bề đành chịu khó
Kiếm chút tương lai ráng sách đèn.

Em lớn lên chị đi lấy chồng
Em mừng em tủi chị biết không
Chị đi lần nữa em mất mẹ
Còn đàn em nhỏ lấy ai trông.

Ngày em trở bước đời binh lửa
Sống chết cận kề giữa sớm hôm
Bốn lần thương tích em dấu biệt
Nói để mà chi chị thêm buồn.

Rồi chị mất chồng - cháu mất cha
Em mất anh rể - thật xót xa
Em về không kịp ngày tang lễ
Ra mộ thăm anh mắt nhạt nhòa.
 
Đời vẫn phôi pha theo gió bụi
Em về tay trắng lại trắng tay
Mười năm gặp chị nơi vườn cũ
Chị khóc em buồn những đổi thay.

Bây giờ xa chị ngàn vạn dặm
Lòng chạnh bồn chồn dấu vết xưa
Bấm đốt đoạn đời gian nan cũ
Chất ngất lòng em nói sao vừa.
 
Xin gởi chị bài thơ nho nhỏ
Vụng về chẳng biết nói gì hơn
Mai mốt chị về thăm vườn cũ
Chăm bón giùm em bụi mẫu đơn.

1993

 

BA MƯƠI NĂM
NHÌN LẠI CON ĐƯỜNG
 
Ba mươi lăm năm nhìn lại con đường
thời gian dài tưởng chừng rất ngắn
hầu như mới xẩy ra gần đây lắm
còn hồ nghi lẩm nhẩm số “băm lăm”
dấu vẫn in chưa phai nhạt vết hằn
cháy nám lòng người
thịt da dân tộc.

Ba mươi lăm năm,
nhiều lần tôi bật khóc
cho nước mắt mồ hôi 
thân xác đồng bào tôi
đã loảng tan dưới cây cỏ, trên biển khơi
giữa rừng sâu
trong trại tù lao cải
người thoát thân và người còn ở lại
cùng đắng cay với cuộc đảo điên.

Ba mươi lăm năm nhìn lại một đoạn đường
bằng nước mắt nghẹn ngào
và cả nụ cười chưa trọn vẹn
những người về mang lời thề non hẹn biển
những người đi tìm ánh sáng tự do
quê hương…
còn một mảnh rách cơ đồ
đang nhàu nát với mưu mô toàn trị.
Ba mươi lăm năm
biết bắt đầu từ đâu cho đủ
từ dạo cuối tháng Tư mặt trời đổ
khi người chiến sĩ tuyến đầu thế giới tự do
bị đồng minh chối bỏ
bởi trót ngậm miếng mồi béo bở ngon hơn
những văn từ và cả những tuyên ngôn
quăng vào sọt rác như tờ giấy lộn
chữ tín giữa đời nghe mà khinh tởm !
cường quốc ơi !
ngượng miệng gọi đồng minh
bàn cân nào đánh giá trọng khinh
lương tâm nào còn con tim gõ nhịp
quê hương tôi
tiếng kêu gào thảm thiết
linh hồn người đã chết bị lãng quên
anh lính trận oai hùng bỗng đổi tên
thành tù nhân triền miên
không bản án.

Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
khi xe tăng xô ngã cổng dinh thành
khi lệnh đầu hàng vội vã truyền nhanh
bởi bàn tay đàn anh đâm sau lưng chiến sĩ.

Những phát súng người hùng
tự bắn vào người sĩ khí
những vì sao rơi vào buổi bình minh
Nam, Hai, Hưng, Vỹ, Phú
những vị thiên thần
“Sinh vi Tướng, tử vi Thần”
hồn thiêng linh hiển.

Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
khi xe cần trục kéo ngã tượng Tiếc Thương
anh nằm trơ chỏng ngỏng bên vệ đường
anh về đâu?
sau lần tôi được gặp!
dù anh còn hay anh đã mất
dù người ta có nghiền anh thành cát bụi
anh vẫn đứng vẫn đi
anh vẫn trở về với nguyên ủy bất di
anh vẫn sống trong lòng người còn sống
anh vẫn sống thiên thu bất tận
khi nghĩa trang còn chút đất gọi tên
khi những nấm mồ chưa bị lãng quên
những nấm mồ ngủ yên
con yêu Tổ Quốc.

Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
khi những chiếc thuyền con dám vượt biển
như những chiếc lá bềnh bồng trôi dạt đại dương
dân tôi phải đi vì đã cùng đường
hết chịu nổi gông cùm kềm kẹp
tiếng kẻng sớm chiều
tiếng loa bốc phét
bụng đói meo nghe lải nhải tiến lên
đổi tiền, đánh tư sản đời đảo điên
chốn khỉ ho dành cho kinh tế mới
nỗi khổ đau còn lời nào để nói !

Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
nếu không nói về bia đá ở Galang
nếu không nói về bia đá ở Bidong
những tấm bia vô tri để ghi ơn nghĩa
ơn cưu mang và nghĩa tử kẻ không còn
những tấm bia bị đục trống trơn
hòng chạy tội nguyên lai kẻ ác
còn đó hay không
lòng người là chuyện khác
văn từ sách sử để ngàn sau.

Biết bắt đầu từ đâu cho đủ
bắt đầu ở đâu rồi chấm dứt ở đâu?
chuyện tôi kể…
sẽ trường thiên dài bất tận…
làm sao nói cho cùng !
và đây - ba mươi lăm năm nhìn lại
về những người hải ngoại gốc Việt Nam
họ khởi đi từ giã chốn lầm than
từng dẫm qua bao gian nan khổ nhọc
lời vô tri
những ngôn từ sỉ nhục
nào tội đồ, nào ôm chân đế quốc
nào phản động, đĩ điếm…  loài mất gốc
nay hiển nhiên thành khúc ruột ngàn xa
là vựa tiền đem về hàng chục tỉ đô la
nuôi đất nước qua lầm than xã nghĩa.

Họ trở thành tài nguyên vô giá
công cũng thành
danh cũng toại quý hóa thay
nhờ lý tưởng tự do
họ có ngày nay
nhân tài Việt
trải từ Úc, Âu, Mỹ, Á.

Ba mươi lăm năm nhìn lại con đường
nỗi đau vẫn còn
niềm vui vụt lớn
bấm bàn tay nhẩm đốt nhớ thương quê
ba mươi lăm năm không phải chuyện nồi  kê
anh lính trẻ thành cụ già bạc tóc
nước mắt khô rồi bởi nhiều lần đã khóc
còn bàng hoàng như chuyện mới hôm qua.

Ba mươi lăm năm
cuộc dâu bể diễn ra
cỏ hoa vẫn tươi nở trong xót xa cay đắng
như khóm lục bình vừa trôi dạt vừa trổ bông.

Cali,USA
Jan/2010
 

Không có nhận xét nào: