CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

PHÂN BIỆT "SỨA" VÀ "NUỐT", BÚN SỨA VÀ BÚN GIẤM NUỐT – LA THUỴ sưu tầm và biên tập

 



Nói đến SỨA nhiều người biết, nhưng NUỐT thì chỉ người dân Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh biết thôi.
 
SỨA và NUỐT đều là những sinh vật biển nhuyễn thể, không xương cùng họ, nhưng có khác nhau về kích thước và vùng sinh sống. Nhiều người cho rằng SỨA và NUỐT đều là một. 

SỨA có kích thước lớn, cá biệt có có con lại dài lên tới 3 mét. Trên xúc tua của sứa có chứa chất độc có thể gây ngứa, thậm chí là bỏng da. SỨA có thể được tìm thấy trên khắp các vùng biển, vì nước là nơi chúng sinh sống nên được coi là nơi sinh sống của chúng khá rộng rãi vì chúng có thể được tìm thấy ở hầu hết các đại dương.
 
NUỐT cùng họ với sứa, nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng khoảng trái tắc. Nhiều người lầm tưởng nuốt là sứa, nhưng không phải vậy. Nuốt lành và ăn ngon hơn sứa rất nhiều. Nuốt chỉ là một loài cùng họ với sứa, nhưng sứa sống trong nước mặn của biển, có quanh năm trên khắp mọi vùng biển; còn con nuốt chỉ hình thành trong vùng nước lợ từ những “bớn” (váng) nước, nhỏ hơn con sứa nhiều, trong xanh và chỉ có một mùa trong năm. Đặc biệt, con nuốt chỉ có ở vùng đầm phá của Huế, vùng đầm Cầu Hai (Thừa Thiên) vì ở đây độ mặn trong nước lợ mạnh hơn, hoặc ở vùng ven biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Gia Đẵng (Quảng Trị), vùng ven biển Quảng Bình và vùng ven biển Hà Tĩnh...

 Người Huế đọc và viết là NUỐC (phụ âm cuối C) 

 A. SỨA
 
Sứa là một loài động vật nhuyễn thể, không xương, dạng hình dù, thân mềm, xung quanh có nhiều xúc tu dùng để bắt mồi. Trên xúc tua của sứa có chứa chất độc có thể gây ngứa, thậm chí là bỏng da. Khi di chuyển, chúng co bóp dù rồi từ từ đẩy nước ra khỏi lỗ miệng và tiến về phía ngược lại. Sứa sở hữu cơ thể trong suốt, đặc biệt chứa tới 98% cơ thể là nước, thích nghi nhiều nhất ở các vùng biển nhiệt đới trong đó có biển Việt Nam.

                 
Sứa là một loài động vật không xương sống với một ngoại hình rong suốt hình vòm kết hợp với các xúc tu của sứa có thể dài lên tới 60m và trong mỗi xúc tu chứa hàng ngàn sợi lông dạng xoắn giống như những chiếc gai có chứa nọc độc.
 
Loài sứa có tên Sea Netle (sứa tầm ma biển)

Cơ thể của loài sứa một số có màu trong, nhưng những loài khác có màu sắc rực rỡ như hồng, vàng, xanh lam và tím, đôi khi còn tiết ra ánh sáng phát quang trông rất sặc sỡ.
 
Bên trong cơ thể của sứa chiếm tới 95% là nước và 5% còn lại là protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ. Vì vậy nhiều người còn gọi sứa là loài thạch thật.
 
Kích thước của loài sứa có thể thay đổi, tuỳ vào mỗi con có con chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng có con lại dài lên tới 3 mét.
 
Loài sứa lớn với đường kính lên tới 1,2 m cùng xúc tu dài hơn 30 m mới được phát hiện tại vùng ven biển từ bang Maine tới Massachusetts.
 
Đây là loài sinh vật khá đơn giản bởi vì bên trong cơ thể của chúng không có não, máu và cả trái tim. Chúng được cấu thành ba lớp: lớp bên ngoài được gọi là lớp biểu bì, lớp giữa là một chất giày như mực có độ đàn hồi, giống như thạch và trong suốt được gọi là mesoglea, lớp bên trong cùng là lớp ruột.
 

Một hệ thống thần kinh cơ bản, hay mạng lưới thần kinh, cho phép sứa ngửi, phát hiện ánh sáng và phản ứng với các kích thích khác. Khoang tiêu hóa đơn giản của sứa hoạt động như cả dạ dày và ruột của nó, với một lỗ mở cho cả miệng và hậu môn.
 
Mùa hè là mùa sứa, nuốt nổi. Từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ. Sứa, nuốt không có mắt, không có vây, không có tai, không có đuôi và cũng không có xương... Người đi biển gặp thảm sứa thì lấy dây buộc lại và dùng thuyền máy kéo lôi vào bờ. Sứa sẽ được đưa lên bãi cát.
 
B. NUỐT
 
1.   CON NUỐT:   

Nuốt cùng họ với sứa, nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng khoảng trái tắc Nuốt là loại động vật nhuyễn thể, không xương. Ở dưới nước, chúng trong suốt. Vớt ra khỏi nước, chúng đổi sang màu trắng sữa, phớt xanh da trời hay hồng nhạt. Nhiều người lầm tưởng nuốc là sứa, nhưng không phải vậy. Nuốt lành và ăn ngon hơn sứa rất nhiềuNuốt chỉ có ở vùng đầm phá của Huế, vùng đầm Cầu Hai (Thừa Thiên) vì ở đây độ mặn trong nước lợ mạnh hơn, hoặc ở vùng ven biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Gia Đẵng (Quảng Trị), vùng ven biển Quảng Bình và Hà Tĩnh...


“Con Nuốt thương nhớ ngàn khơi.
Con chim nhớ tổ, con người nhớ tông”
                              (Thơ Mường Mán)

Vào mùa nuốt, từ vùng biển các chị em phụ nữ gánh nuốt lên các chợ ở thành phố để bán. Những con nuốt be bé đựng trong chiếc thùng hoặc thau chứa ngập tràn nước biển để giữ cho nuốt được tươi sống. Người bán hàng thường hay rải trên mặt thùng, thau đựng nuốt những trái ớt chín đỏ, trông rất đẹp mắt. Con nuốt có vị mằn mặn, đủ để gây ấn tượng về mùi vị của biển, khi thưởng thức còn có cảm giác mát, ngọt của loại hải sản tươi sống.
 
Con nuốt là con vật không có mắt, tai, không có xương, có màu trắng trong, phơn phớt xanh. Nuốt có hai phần, nuốt tai và nuốt chân; nuốt tai giòn mềm, nuốt chân giòn tan, nhai sần sật rất khoái khẩu. Món Nuốt đã từ lâu được dân Huế, Quảng Trị, nói đúng hơn là dân miền Trung rất ưa chuộng. Ăn Nuốt ngon miệng và mát cho cơ thể. Tuy nhiên để có món nuốt ngon thì cũng lắm công phu.


Nuốt tai

Ngày hè, tiết trời oi bức, thế gian khát khao sự mát dịu, có lẽ vì thế mà đất trời đã ban tặng cho con người nhiều thức ăn ngon, mát lòng..., một trong những thức ăn đó, nuốt - một loại hải sản đặc sắc của biển đã được con người chế biến thành món giấm nuốt vô cùng hấp dẫn và mát giòn.
 
Nuốt mua về phải được rửa thật sạch vì có nhiều cát bám quanh con nuốt. Nuốt rửa xong thì ngâm với lá ổi ít nhất một giờ vì ngâm lâu nuốt sẽ săn và giòn hơn. Sau đó trộn với rau má, chuối chát (chuối hột), trái vả, hay thân chuối thái mỏng, ăn kèm với rau ngò tây, rau thơm, ngoài ra còn thêm nhiều loại rau khác tùy theo khẩu vị của từng người. Món nuốt này hợp với cay, chát, đắng và mặn.
 
Món Nuốt ăn với rau sống chấm ruốc

Chỉ với con nuốt nho nhỏ, các bà nội trợ có thể chế biến thành các món ăn ngon từ đơn giản, bình thường đến cầu kỳ sang trọng. Món nuốt bình dân đơn giản là nuốt chấm ruốc, nuốt kẹp với rau thơm, vả, chuối chát chấm với ruốc pha chanh, ớt tỏi; khi có đủ vị cay cay, mằn mặn, món nuốt ngon và hấp dẫn vô cùng.
 
 Nuốt chân 

Nuốt được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần tai rất thích hợp để kẹp rau sống chấm ruốc hoặc làm gỏi. Nhưng đặc sắc phải kể đến chân nuốt, giòn giòn, sần sật - làm nên linh hồn của món trứ danh: Bún giấm nuốt.
 
 2. BÚN GIẤM NUỐT
 
Đặc sắc nhất là giấm nuốt – Nuốt chân mua về ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn, vớt ra để ráo, càng ráo càng ngon.
 
Món ăn cần nêm nấu công phu, bày biện tỉ mỉ: người ta chuẩn bị nuốt, tôm, cua đều tươi, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng, rau sống...; sau đó, ngâm nuốt với nước lá ổi, lá sung để tạo độ giòn cho nuốt, lúc sắp ăn vớt nuốt ra để ráo nước, càng ráo con nuốt càng giòn; tiếp theo, người ta sẽ tiến hành bóc vỏ tôm (nếu được tôm rằn càng ngon và đẹp), sau đó ướp tôm với hành, tiêu, mắm, muối rồi om tôm đã được ướp gia vị với dầu ăn riu riu lửa cho thấm, khoảng ít phút sau là có được món tôm kho vàng ươm, thơm lừng. Nồi nước dùng nêm thêm ruốc, pha nước nhiều - ít tùy vào số lượng người ăn và khẩu vị của thực khách; lúc nước sôi sẽ cho cà chua nhưng phải là cà chua bi mới đúng hiệu; để nồi nước lèo thêm ngon ngọt, có màu hấp dẫn, người ta sẽ cho thêm gạch cua để làm riêu cua, đơn giản hơn có thể lấy trứng gà đánh tan đều cả lòng trắng và đỏ, bỏ vào nồi nhỏ lửa cũng sẽ có được những làn vân đẹp như riêu cua (tất nhiên hương vị và mùi thơm cua - trứng có khác nhau).
 
Giấm nuốt rất cần đến rau sống, bao gồm: bắp chuối sứ xắt mỏng trộn với kinh giới, rau thơm, ngò, giá sống là đủ bộ; phụ gia có thêm đậu phộng rang đãi sạch vỏ, giã dập vừa, bánh tráng gạo nướng chín có vị giòn, mùi thơm; muốn thêm vị đậm đà, phải có nước lèo nấu với gan heo, mè đậu và nếu làm đúng theo bài bản, cần có canh cá bống thệ nấu với thơm hay cà chua.
 
Món bún giấm nuốt khi ăn, bỏ vào tô mỗi thứ một ít, trước hết bỏ một ít bún vào tô, sắp trên mặt bún rau sống, nuốt, tôm kho, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng bóp vụn, chan thêm ít nước dùng, muỗng nước lèo, tí tương ớt... trộn đều, ăn nóng rất ngon. Món ăn này thường được dùng vào buổi trưa hè hay chiều hạ, rất mát dạ.
 

Thưởng thức vị ngon này, người ăn hẳn phải trầm trồ khen ngợi, dẫu vậy lòng cũng không khỏi băn khoăn: món ăn không có mùi giấm tại sao gọi là GIẤM NUỐT; phải chăng do vị chua tỏa ra từ cà chua, thơm nên gọi là giấm để thi vị hóa món ăn. Chừng ấy điều tưởng chừng bình thường thôi, thế mà tô bún giấm nuốt đã là món ăn đặc sản Huế, Quảng Trị với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
 

Món bún giấm nuốt ngon nhờ vào phần nước lèo. Phần nước này được làm nên từ những con tôm tươi nhảy tanh tách, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa đuôi cho đẹp mắt. Nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm rồi châm thêm nước dùng xăm xắp. Nêm nước dùng hơi thấm tháp rồi cho cà chua bi vào, sôi vài dạo tắt bếp. Màu cam từ gạch tôm hòa với màu đỏ của cà chua tạo nên một hỗn hợp nước lèo sanh sánh, thấm thía rất riêng.
 
Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm đậu phụng rang vàng giã dập, bánh tráng mè nướng, mắm ruốc nêm nếm cho bớt mặn, thêm vài trái ớt xanh mới thật đúng điệu. Món bún ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện cái beo béo của bánh tránh, đậu phụng, đặc biệt vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng hứa hẹn sẽ là món khó quên.
 
Mùi rau thơm nhè nhẹ, nước sốt ngọt đậm đà của hương vị tôm tươi hòa quyện. Hương vị nuốt chân sần sật ăn cùng bánh tráng giòn tan, vừa kích thích vị giác vừa mang lại những trải nghiệm ẩm thực vô cùng mới mẻ với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
 

Món nuốt ngon phải có nước chấm ngon. Nước chấm thường làm từ nước mắm nhĩ, pha thêm ớt, tỏi, tiêu, gừng. Cũng có thể chấm Nuốt với mắm ruốc. Mắm ruốc ăn với nuốt tùy theo độ ăn cay của bạn mà cho thêm tỏi, ớt, chanh hay thêm tí bột ngọt.
 
Mùa hè được ăn món nuốt Huế, Quảng Trị vừa mát vừa giòn vừa cay cay, thơm thơm, quả thật là thú vị. Bạn nào có dịp ghé đến Huế, Quảng Trị vào mùa hè, nhớ bắng mọi cách thưởng thức cho được món nuốt nhé. Chắc chắn sẽ ngon lại tốt cho sức khỏe nữa.
 
C. BÚN SỨA VÀ CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA.

1. BÚN SỨA
 
Bún sứa là món ăn không thể thiếu và là món ăn đặc sản vùng đất Miền Trung từ Phan Thiết trở ra. Nhiều địa phương nổi tiếng với món ăn này như: Bình Định, Phan Rang – Ninh Thuận, Ninh Hòa – Khánh Hòa.
 

Ngư dân dùng dao sắc cắt thân sứa ra làm nhiều miếng nhỏ bằng ngón tay cái, trông giống như nấm hay hình chuông gọi là sứa tai. Còn chân sứa cũng đem cắt nhỏ có dạng sợi dai, màu trắng đục gọi là sứa chân. Sứa tai trong suốt mọng nước, ngả mầu xanh dương trong khi sứa chân trắng đục, giòn như sụn. Sứa chân ngon hơn sứa tainên được bán với giá đắt hơn. 
  



                                               Sứa chân (có chấm)

Sứa vừa bắt lên được ngư dân chà rửa thật sạch phần nhớt khi còn ở ngoài biển, nên sứa ngả màu xanh pha tím rất đẹp. Về nhà người ta giã lá ổi (có chất chát) hoặc phèn chua ngâm vào cho sứa se lại, vài tiếng đồng hồ sau đem ra xả nước lạnh thật kỹ, cắt thành miếng nhỏ thì mới dùng được. Vào mùa sứa, từ khoảng cuối xuân - đầu hạ, sứa biển ở đây có rất nhiều.
 

Rau:
Món bún sứa phải ăn với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm... thái nhỏ, bên cạnh là các hũ ớt màu, ớt hiểm, chanh...
 
Nước lèo:
Ngoài ra, để chế biến món bún sứa ngon thì việc chọn sứa thì một phần rất quan trọng khác nữa cũng quyết định tới món ăn chính là nước lèo. Nồi nước bún sứa ngon là nồi nước được hầm xương lợn cho thật nhừ. Dùng chảo đun dầu cho nóng vừa rồi đổ vào đó tôm tươi và cà chua (đã bỏ hột) băm nhỏ, sẽ có một thứ nước sệt màu vàng ánh dầu, sau đó đổ tất cả vào nồi nước dùng.
 

Bún:
Bún sứa phải ăn nóng mới ngon. Ở các tiệm, bún đã được chần nước sôi, bỏ vào bát; được xếp lên trên mặt một lớp sứa, nước dùng được chan lên nóng hổi. Khi ăn, bỏ rau sống và giá vào tô, thêm một tí ớt dầu cho thật cay, cắn thêm một trái ớt hiểm thì càng ngon.
 
2 .CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA:
 
1. Gỏi sứa hành tây.
2. Sứa xào cần tây
3. Gỏi sứa xoài xanh
4. Gỏi sứa tai heo
5. Gỏi sứa hoa chuối
6. Gỏi sứa dưa hấu
7. Gỏi sứa dưa chuột (dưa leo)
8. Gỏi sứa đu đủ
9. Gỏi sứa đỏ
10. Gỏi sứa ngó sen
11. Sứa xào sả ớt
12. Sứa xào sa tế
 
Quý bạn có dịp ghé về vùng biển miền Trung thưởng thức các món ăn chế biến từ SỨA, NUỐT nhé ! Chúc ngon miệng
 
                                                           LA THUỴ sưu tầm và biên tập

*
 
THAM KHẢO:
 
Quách Tấn – Xứ Trầm Hương – Nhà xuất bản Khánh Hòa
Món Nuốt Quảng Trị - Đồng Hương Quảng Trị.
Các trang web viết về SỨA và NUỐT trên mạng


Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

TIỂU TIỂU KHÚC ,TƯƠNG * TIÊU GIANG - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 



TIỂU TIỂU KHÚC


*

con dế than

con dế mèn

gáy khóc cả đêm


con chim đậu

con chim bay

cả ngày


con cá bơi

con cá lội

rất là vội


em đi đâu ?

cả đêm ngày

làm anh chờ ở chân cầu


muà thu lá bay

mùa thu lá đỏ

tình ta còn bỏ ngỏ


con ngựa cái chạy trước

con ngựa đực chạy sau

trên cánh đồng hoe mầu


sinh ra đuợc 1 quãng

sống vài mươi năm

rồi mãi mãi nằm


có ngươì nằm trong đất

có ngươì nằm lòng đại dương

có ngươì nằm không cục cựa

trên giường


đếm đi rồi đếm lại

60 năm ?

hoặc 80 năm ?

có nghiã lý gì ?


sằc lại không 

không lại sắc

có nghiã gì tưong lai ?

ồ mờ mit


TƯƠNG * TIÊU GIANG


*

sông Tương nguồn ở Hải Dương Quan

phía trên bắc bộ quận Quế Lâm

ngang thành Linh Lăng Trường Sa cũ

đổ vào Động Đình tỉnh Hồ Nam


sông Tiêu phát nguyên Cựu Nghi Lãnh

phụ lưu sông Tương tại Linh Lăng

2 dòng từ đó còn lại 1

mà người thì kẻ cuối đầu sông ?


ai bảo yêu chi ? cho nó khổ

tương tư lắm chuyện nhớ triền miên

đầm đìa nước mắt mà sinh bệnh


cảm xót vô cùng 1 chữ duyên ?

 ai bảo sông Tương sâu

không bằng lòng nhung nhớ

sông sâu còn có đáy

nhung nhớ lại không bờ

chàng ở sông Tương đầu

thiếp ở sông Tương cuối

càng nhìn càng thấm đau ?

uống nước sông mòn mỏi

hồn mơ chẳng đến nơi

cõi chết nào ? đang tới

nhập vào cửa thương mong

càng thương càng ngong đợi


thời xưa nhà Hậu Chu Ngũ Đại

Tiêu Tương Nam Bộ tỉnh Hồ Nam

chẩy xuống Quảng Tây xa hút mắt

chuyện tình chỉ khác Thục Đạo Nan


chuyện giờ lưu lạc trên đất Mỹ

chả Tiêu Tương mà lại Bắc Nam

tương cố toàn cánh đồng dê ngựa

tương thân còn 1 nhánh mai vàng


CHU VƯƠNG MIỆN



Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

CÀ MAU LÀ XỨ QUÊ MÙA - PHAN NI TẤN

 





                                       CÀ MAU LÀ XỨ QUÊ MÙA


      Cách đây 53 năm, tôi tới Cà Mau một lần. Thuở đó, muỗi Cà Mau không còn… to như con gà mái, cọp cũng không còn… "tùa" (to) như trâu, nhưng câu ca dao thì mãi mãi còn:

Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi to như con gà mái, cọp tùa bằng trâu

Hồi tôi ở tuổi "khai thông trí hóa" thỉnh thoảng nghe mấy bà mẹ ru con: "Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội lềnh như bánh canh" tôi lấy làm lạ tai. Tìm hiểu mới biết tích xưa "Gia Long tẩu quốc" kể rằng trong đoàn tùy tùng cùng Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ Cà Mau có công chúa Ngọc Hạnh. Vốn thiên kim tiểu thơ tay yếu chân mềm, không quen mưa nắng trở trời nên công chúa lâm bệnh, qua đời. Nguyễn Ánh vô cùng thương tiếc, khi chôn cất Ngọc Hạnh, ông cho xây thêm ngôi đền cạnh mộ. Từ đó địa danh Cạnh Đền và câu ca dao được lưu truyền tới ngày nay:

Xứ đâu như xứ Cạnh Đền 

Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội lềnh như bánh canh

Quê núi của tôi cũng có muỗi kêu, đỉa lội nhưng không nhiều như câu ca dao lưu danh thiên cổ của xứ Cà Mau, vùng đất cuối cùng của người Việt trên bước đường khẩn hoang miền Nam. 

Mãi về sau này câu ca dao "muỗi và đỉa", xứ của anh bạn học họ Cổ, người Minh Hương, đã đưa tôi xuống tận mũi Cà Mau để nghe muỗi kêu và dòm đỉa lội. Đứng trên cầu Chà Là, huyện Cái Nước nhìn xuống sông Bảy Háp đục màu phù sa mà nhớ người xưa từng đi đánh tôm cá trên con sông này. 

Có đi một ngày đàng mới biết danh xưng mỗi nơi một khác. Cao nguyên miền Thượng quê tôi có những tên gọi dựa vào địa thế nghe rất "Thượng", như núi Chư Jang Lak, đồi Chư Pao, sông Srepôk, thác Dray H'ling, buôn Ea Nhái, suối Mu-ri, suối Bà Sành… khác biệt với danh xưng bình dị của miền đồng bằng sông Cửu Long, như kinh xáng Đội Cường, kinh Bà Lò Xén, rạch Bù Mắt, rạch Đường Kéo, xóm Xẻo Su, ấp Giồng Nổi, sông Cái Vồn, sông Bảy Háp…

Được biết sông Bảy Háp, con sông mang tên mộc mạc, dài chừng 50 km, bắt nguồn từ đầu kênh xáng Đội Cường, là dòng huyết mạch chảy qua các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn. Hồi xưa tới giờ, tôi mắc cái tật nghe thấy cái gì lạ là thắc mắc. Chuyện huyền thoại về sông Bảy Háp chẳng hạn, sao gọi là Bảy Háp? Hỏi một bô lão ở Cái Nước mới biết Háp là giỏ cần-xé. 

Thì ra ở đầu thế kỷ trước, có một gia đình lão ngư dân chuyên nghề chài lưới. Thời đó, với phương tiện đánh bắt tôm cá thô sơ ông chỉ có hai miệng đáy đóng ở vàm Giá Ngựa (huyện Đầm Dơi ngày nay). Có lần hai miệng đáy của ông trúng đậm, phơi làm tôm khô được “7 háp”, một kỷ lục chưa từng có. Sông Bảy Háp có xuất xứ tên gọi từ giai thoại trên.

Giã từ Cái Nước tôi xuống ghe lênh đênh trên dòng Bảy Háp nước chảy nhẹ xuôi về sông Gành Hào rẽ qua hướng trái vô trung tâm thị xã Cà Mau. Đứng trên Cầu Quay do người Pháp xây năm 1940, (nay là cầu Phạm Ngọc Hiển) nhìn xuống kinh Phụng Hiệp gió thổi hiu hiu làm lòng tôi bồi hồi. Kinh Phụng Hiệp khởi nguồn từ Ngã Bảy Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tới Cà Mau là cuối nguồn.

Mùa hè 1969 tôi đặt chân đến Cà Mau rồi "một đi không trở lại". Tôi đi mà lòng mang theo tiếng con muỗi kêu, hình con đỉa lội. Tôi cũng không quên hương vị rượu trái giác, đặc sản của Rạch Gốc, Cà Mau và con tôm càng nướng đưa cay.

Nhân đọc tập thơ Ngó Trời Hiu Quạnh của nhà thơ Phạm Hồng Ân gởi tặng, tôi được biết tác giả sanh trưởng ở Cà Mau. 

Năm 1970, Phạm Hồng Ân đi lính. Năm 1971, tốt nghiệp Sĩ Quan Hải Quân (United States Naval Officer Candidate School) tại Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ. Tháng 4/1975 mất nước, tác giả đi tù. Năm 1993 vượt biên đến Mỹ. Theo học và tốt nghiệp Electronics Technician tại San Diego Centers for Education &Technology. Hiện sống cùng gia đình ở Edcondido, California, Hoa Kỳ.

Tập thơ Ngó Trời Hiu Quạnh của Phạm Hồng Ân thật phong phú, đa dạng; bàng bạc những bài thơ trữ tình, lãng mạn, những bài thơ đời lính, những bài về non nước, về thế thái nhân tình. 

Thơ Phạm Hồng Ân, ngoài những địa danh mang tên Sài Gòn, Phú Nhuận, Dĩ An, Thủ Đức, Xuyên Mộc, Cam Ranh, Phan Thiết, San Diego, Seattle, Cali… còn có những bài thơ toát ra sự hiền hòa, dung dị, phản ảnh tâm cảnh người dân và sông nước quê Nam với hình ảnh bến chợ, xuồng câu, bờ dâu, nương lúa…  khiến tôi chú mục nhiều hơn.

Và tôi lắng nghe. Tôi đọc để nghe thấy những tựa đề trong thơ Phạm Hồng Ân chứa đầy tiếng động: Lao Xao Phú Ninh, Xào Xạc Sóc Trăng, Thấp Thỏm Cần Thơ, Thút Thít Cà Mau, Réo Rắt Phú Nhuận, Thổn Thức Dĩ An, Róc Rách Phan Thiết. Ta thử lắng nghe tiếng thút thít của mưa đêm: 

thút thít Cà Mau, mưa rớt suốt đêm

rớt tim tôi một giọt mưa Rạch Rập

cái giọt mưa cứ ấm hoài chỗ thấp

mà nỗi buồn thì mãi vượt lên cao…

(Thút Thít Cà Mau, tr. 48)

bên kia Cái Lớn

là rừng U Minh

dòng sông uốn lượn

từng nhánh sông tình

đêm rơi ngợp đất

muỗi kêu rền trời

sầu em bay chật

một khoảng đời tôi.

(Khắc Khoải Năm Căn tr. 58)

Và tiếng động của Trăng Phú Đức, một xã của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre: 

tôi về đứng giữa Cồn Dơi

hú con đò dọc vừa bơi ngược dòng

màu trăng bạc phếch nước ròng

mái chèo khua sóng đau lòng dạ tôi

(tr.95)

Nhà thơ Phạm Hồng Ân, qua tác phẩm thơ, đã đưa tôi về xa xưa xứ muỗi nhiều hơn cỏ. Mà về Cà Mau thuở ấy để làm gì? Về để tuổi trẻ tôi tìm lại sức sống tiềm tàng của vùng đất khẩn hoang, với sông ngòi, kinh rạch, với những những cánh rừng tràm xanh ngắt gắn liền với cuộc sống hoang dã của những người xưa với chí hướng quyết liệt "trên phá sơn lâm, dưới đâm hà bá" đã có công khai phá mảnh đất miền Nam được trù phú cho tới tận ngày nay. Tôi cũng không quên, nhờ "ngó trời hiu quạnh" tôi như thấy lại con sông Bảy Háp năm nào mình đã đi qua.

Xin kết thúc chuyện vãn ở đây bằng câu thơ tôi tặng tác giả Ngó Trời Hiu Quạnh:

Vì không dỗ được mùa cây

Phiến lá ai oán bỏ bầy rơi êm 

Xuân rơi lác đác bên thềm 

Ngó trời hiu quạnh tiếng đêm không lời.


PHAN NI TẤN


Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

GIÁC NGỘ - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 



GIÁC NGỘ

Giác ngộ, là đi giữa cuộc đời
Cõi phiền áo lụy lắm buồn vui.
Nhận ra lẽ thật, đâu chân-giả,
Sự thể ngàn năm, vẫn thế thôi !

Giác ngộ, là trong cõi lạc lầm
Ru đời hoang tưởng mộng ngàn năm.
Phút giây theo dấu tìm quang lộ,
Vượt thoát trầm mê neo tối tăm.

Giác ngộ, là từ trong khổ lụy
Không cầu vọng đến chuyện quàng xiên.
Không đem đạo nghĩa phi nhân nghĩa,
Không cậy giàu sang, cậy thế quyền.

Giác ngộ, là từ cõi thế gian
Thăng trầm vững chải bước bình an
Nhục vinh không bận danh cùng lợi
Chẳng mắc vào chi, chẳng buộc ràng.

Giác ngộ là đây, là thế đó
Hiểu điều nhân quả, bóng hình thôi.
Tư duy thiện ác, vay rồi trả
Giữ vẹn niềm tin sống ở đời.

South Dakota, 10/2022
MẶC PHƯƠNG TỬ

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

CHÙM THƠ THÁNG CHÍN - THƠ CHÂU THẠCH

 

van tran

Tệp đính kèm

02:43 (4 giờ trước)


tới 



CHÙM THƠ THÁNG CHÍN 

                  

THÁNG CHÍN 2021! 

 

Tháng chín vừa về trời nóng chưa mưa 

Đường trước ngỏ hai đầu phong tỏa 

Con Covid ngoài kía rình khắp ngả 

Lưởi hải tử thần xục xạo ngày đêm 

 

Tháng chín về sầu lại sầu thêm 

Bến chia ly không một ai đưa tiễn 

Người ra đi giống như làn hơi biến 

Tro trở về trong chiếc hũ buồn thiu 

 

Tháng chín về, tháng chín hắt hiu 

Người lây lất chờ miếng cơm từ thiện 

Phố lạnh lẽo cửa lầu cao khép kín 

Cây bên đường trở giấc gió than van 

 

Chuông nhà thờ tháng chín vọng không gian 

Kinh cầu nguyện chìm trên sông sao sáng 

Cả nhân loại trên con tàu mắc cạn 

Tháng chín hai ngàn hai mươi mốt đau thương! 

                                 


MƯA KHUYA THÁNG CHÍN 

                   --00-- 

 

Nửa khuya ngoài trời mưa tháng chín 

Nằm trong phòng kín nhớ trăng thu 

Gió rít như là đạn pháo rít 

Lại nhớ giao tranh buổi mịt mù. 

 

Tháng chín đêm khuya trời gió mưa 

Lòng ta lại nhớ chuyện xa xưa 

Mùa thu năm ấy trăng thu vỡ 

Em đã đi xa biệt bến bờ! 

 

Từ ấy mỗi mùa thu lá bay 

Đêm mưa tháng chín cuối thu gầy 

Ta nằm thao thức đan thương nhớ 

Gối những u sầu nặng cánh tay 

 

Còn chẳng bao lâu sẽ rét đông 

Người ơi có tái ngộ hay không 

Hồn ta đã đợi vàng khô lá 

Mùa đã còn đâu ánh nắng hồng! 

                 

           

THÁNG CHÍN THÈM! 

 

Đầu tháng chín, vào thu, trời se lạnh 

Gọi nhà thơ Lê Đình Hạnh, biệt tăm 

Thèm cà phê, không có bạn, thôi nằm 

Bỗng thấy nhớ, nhớ ngôi nhà thời trẻ. 

 

Ngoài kia mưa, ừ thì mưa, rất nhẹ 

Sao lòng ta cứ tưởng, tưởng lê thê 

Đem tấm hình kỷ niệm, nhìn tái tê 

Ôi Quảng Trị! đau! đau dòng ký ức! 

 

Xưa tháng chín, cả một thời náo nức 

Nhà thênh thang, ấm tiếng bạn bè thân 

Ước chi nay ta có lại một lần 

Dăm ba đứa nằm chung giường, đàn hát. 

 

Nay nhìn lại, ảnh ngôi nhà tan nát 

Nghe tiếng mưa, từ cố xứ trôi về 

Lại thấy thèm, thèm lắm ly cà phê 

Không có bạn, sầu thôi mưa tháng chín! 

                      

      CHÂU THẠCH

 

 

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

CHÙM THƠ LỤC NGÔN - GIÁC MINH & NHƯ THỊ

 


Ảnh TG NGUYỄN ĐÌNH DIỆM



TỰ SỰ
Lục ngôn

Dương trần lặn hụp cuộc mưu sinh
Đắc thất hưng vong lận đận mình
Ngẫm lại bao phen khốn quẫn
Nhìn về lắm bận buồn tênh
Ngâm nga mấy điệu trăng gió
Viết lách đôi câu nguyệt tình
Lão được an nhàn nơi đất tổ
Xuề xòa hưởng lộc bát chè xanh.

GM.Nguyễn Đình Diệm – 26.9.2022


CHẲNG CHI THIẾU
Lục ngôn

Gia hương đủ cả thiếu chi mô
Cây trái ngô khoai lúa khẳm bồ
Nguyệt hiện trong ao cút rượu
Hoa dâng trước cửa chung trà
Hồn quê chất phác nào mộng
Cuộc sống an nhàn nỏ mơ
Nghĩa bạn tình bầu duyên cá nước
Tri âm dệt khúc trải cung tơ .

GIÁC MINH -Nguyễn Đình Diệm – Huế 2022


SÓNG TRĂNG
Thể lục ngôn

Lui về ngồi vít cội sông xưa
Lẩn quẩn tới lui thiệt đúng mùa
Nước gợn đài vân lác đác
Gió vờn bãi nguyệt lưa thưa
Đã từng ôm ấp không chán
Nên cứ vân vê chẳng chừa
Chiều liệm tà dương đùa bóng nắng
Nhường vàng trăng lội sóng đong đưa

NHƯ THỊ

BÀI HỌA

NGẪM CHUYỆN
Thể lục ngôn

Mái rạ ngồi đây ngẫm chuyện xưa
Đêm dài bấc buốt rét căm mùa
Mưa giăng cửa lùa khe hở
Gió dập phên cuộn chỗ thưa
Đã gối tình cha nỏ chán
Còn ôm nghĩa mẹ đâu chừa
Đêm loang dạ cảm đời êm ấm
Thuở ấy còn đây dạ vọng đưa

HƯƠNG THỀM MÂY- 2020