CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

KIM CÁC TỰ - PHAN NI TẤN

 






KIM CÁC TỰ

Sau chuyến khởi hành từ thủ đô Tokyo (Đông kinh) tới cố đô Kyoto (Tây kinh) dài 450km, đoàn MyVan chúng tôi có dịp viếng thăm ngôi chùa vàng mà thập niên 1960 nhà quê tôi quen gọi là Kim Các Tự, tiếng Nhựt Bổn là Kinkakuji.
Được biết, Kim Các Tự có một kiến trúc rất độc đáo. Năm 1397, chùa được xây xung quanh một hồ nước Kyoko dành cho tín đồ Phật giáo phái Lâm Tế tu hành. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Kim Các Tự là một vị trí rất ấn tượng giữa những tán xanh của cây lá và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại của một thiên đường giữa trần gian. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước lulng linh huyền ảo làm nên một Kim Các Tự nổi tiếng nhất của Kyoto.
Theo tài liệu, Kim Các Tự là sự kết hợp của 3 phong cách Shinden (quý tộc), Samurai (chiến binh) và Zen (thiền tông)
- Tầng đầu tiên được thiết kế theo phong cách Shinden đề cập đến dòng nước rửa trôi những ham muốn trần tục. Shinden-zukuri là một kiểu biệt thự quý tộc thời Heian (thái bình), là một trong những nét đặc trưng của nền văn hóa Kitayama thịnh vượng thời bấy giờ.
- Tầng thứ hai được xây dựng theo phong cách của Samurai. Có nghĩa là sự thật đến từ xa như tiếng biển cả. Samurai-zukuri là một kiểu nhà ở của Samurai từ thời Kamakura.
- Tầng thứ ba được xây dựng theo phong cách Zen – một trường phái thiền Phật Giáo ở Trung Hoa. Sàn nhà được sơn mài, nhưng các cột và trần khác được dát vàng lá.
Khi xảy ra cuộc chiến Onin (1467-1477), Kyoto bị thiệt hại nghiêm trọng. Điều kỳ lạ là Kim Các Tự không bị hư hại nhưng 556 năm sau, năm 1950 chùa đã bị một tiểu tăng tên Hayashi Yoken đốt cháy toàn bộ cùng với 6 di sản quan trọng trong chùa. Nhà sư bị tuyên án bảy năm tù, rồi chết trong ngục. Năm năm sau, chùa được xây dựng lại.
Ngày nay, toàn bộ ngôi chùa vàng Nhựt Bổn Kinkakuji đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, là một biểu tượng có giá trị về mặt tinh thần, một Shariden (Đền Xá lợi), di tích của Phật giáo.
Đọc lịch sử Kim Các Tự đầy sức lôi cuốn nhà quê tôi không ngờ lại có ngày đứng trước ngôi chùa vàng Kinkakuji danh tiếng này. Kim Các Tự nay đã trở thành biểu tượng vô song của Cái Đẹp hiện hữu.
Nhân tiện xin nói thêm, năm năm sau biến cố phóng hỏa đốt ngôi chùa vàng của nhà sư trẻ, cuốn tiểu thuyết Kim Các Tự của nhà văn Yukio Mishima ra đời. Lấy bối cảnh Thế chiến II ở Nhật Bản, Yukio Mishima đã vẽ nên một bức tranh về Cái Đẹp tươi sáng, hướng thiện đối nghịch hoàn toàn với tiểu tăng Mizoguchi, sinh ra là một kẻ thiệt thòi về thể xác, thân thể yếu ớt lại nói lắp. Chính vì mặc cảm khuyết tật của kẻ yếu thế trước Cái Đẹp, Mizoguchi khao khát ngày một lớn dần muốn huỷ hoại vẻ đẹp của ngôi chùa.
Là một trong những nhà văn quan trọng hàng đầu của Nhựt
Bổn thế kỷ XX, Yukio Mishima được biết đến qua các tác phẩm giàu mỹ cảm, tinh tế và nỗi ẩn ức về cái đẹp trong văn chương ông thường được gắn liền với sự hủy diệt.
Yukio Mishima (1925 - 1970) sinh tại Tokyo, tốt nghiệp Đại học Luật Khoa Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ Tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn.
Ngày 25.11.1970, khi thua trận trong thế chiến thứ II, Nhựt Bổn đã phải thay đổi Hiến pháp dưới sức ép của nước thắng trận. Yukio Mishma đại diện cho những người bất mãn trước tình trạng của đất nước, theo truyền thống Harakiri, ông mổ bụng tự sát tại doanh trại Ichigaya, Tokyo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong bộ sách 4 tập Sea of Fertility.
Các tác phẩm của Yukio Mishima đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được yêu thích toàn thế giới.Các tác phẩm tiêu biểu: Khát Vọng Yêu Đương (năm 1950), Chiều Hôm Lỡ Chuyến (1954), Tiếng Sóng (1954, giải thưởng Văn học Shinchosha), Kim Các Tự (1956, giải thưởng Văn học Yomiuri), Sau Bữa Tiệc (1960)...


PHAN NI TẤN

Không có nhận xét nào: