CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

KINH KHỔ - TRẦN HUỮ NGƯ







KINH KHỔ


Đó là bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Tôi là người ngoại đạo, không đi Chùa, Nhà thờ… vì tôi nghĩ Phật tại tâm, và Chúa thì ở khắp mọi nơi. Nhà thờ, Chùa có rất nhiều kinh. Nhưng “Kinh khổ” thì chỉ có Trầm Tử Thiêng mới có, và có thể nói rằng Trầm Tử Thiêng là “giáo chủ” của Kinh khổ. Và cuộc đời này, toàn nhân loại này, luôn nghe triên miên một Đại-hòa-tấu “Kinh khổ”.
Việt Nam đã một thời triền miên chiến tranh, súng đạn ngất trời, xác chết ngất đất, nó kéo dài và gây đau thương tưởng không bao giờ dứt. Bây giờ nghe “Kinh khổ” để nhớ những người mẹ không tên hy sinh thầm lặng của những tháng năm chiến tranh xa xưa…
Nhạc sĩ TRẦM TỬ THIÊNG tên là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã đam mê ca hát trong thời kháng chiến. Đến năm 1958 ông tốt nghiệp Sư phạm cấp tốc Saigon, trở thành ông thầy giáo, và có bốn năm phục vụ trong quân đội. Một thời gian sau, ông được biệt phái sang làm việc bên Bộ Giáo dục cho đến năm 1975. Sau 1975, ông đi học tập cải tạo, rồi sau đó định cư ở nước ngoài và mất tại Hoa Kỳ đầu năm 2000. (Lý lịch trích ngang).
Trước 1975, Trầm Tử Thiêng nổi lên rất bình thường như bao nhạc sĩ ở miền Nam khác. Nhưng có một điều, nhạc ông đã làm người nghe chú ý ở điểm - nó không phải là nhạc phản chiến - mà là nhạc “hiện thực cuộc chiến” - chính ở điều này đã làm người nghe vô tình “đồng lõa” đối mặt cuộc chiến như một thực thể không thể chối từ?
Viết về Trầm Tử Thiêng, tôi đâm ra… dè dặt, mặc dù chiến tranh đã qua ngấp nghé nửa thế kỷ rồi, và ông đã ra người thiên cổ. Nhưng nhạc ông để lại như một vết hằn khó phai trong lòng người nghe trước 1975, và một số nhạc được ông sáng tác ở nước ngoài sau 75, nghe mà rớt nước mắt!
Có một điều mà tôi muốn nói nhỏ ở đây: Hầu như tất cả những ca sĩ nổi tiếng ở miền Nam khi định cư ở nước ngoài (hiện nay họ có mặt Việt Nam, đi đi… về về…) đều có hát hợp ca nhạc Trầm Tử Thiêng, đó là những ca khúc ông sáng tác ở nước ngoài: Bước chân Việt Nam, Một ngày Việt Nam, Bên em đang có ta, Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, Việt Nam niềm nhớ, Tình đầu một thời áo trắng, Cám ơn anh, Hẹn nhau năm 2000, Những con đường trắng… (Phần lớn do ASIA dàn dựng khá công phu).
Trầm Tử Thiêng bỏ quê hương ra đi, nghĩa là ông không muốn sống với chế độ mới, vì vậy, khi ở nước ngoài, ông cũng nặng tình với quê hương, có đôi khi ông viết nhạc nghe rất “nhạy cảm” là điều dễ hiểu, và so với những người khác nhất là các tướng tá chế độ cũ ở nước ngoài họ phát biểu vung vít, làm “mất mặt KBC”, nhưng Trầm Tử Thiêng “chống” có văn hóa hơn. Cho nên khi nghe nhạc ông sáng tác ở nước ngoài thì chúng ta cũng dễ thông cảm cho ông, và riêng tôi, có những bài tôi nghe… thấy cảm động nhất là ông viết nhạc phẩm nói về những đứa trẻ “lưu đày” trong nhạc phẩm “Bên em đang có ta”, và khi nghe “Hẹn nhau năm 2.000”, mới thấy ông tin tưởng một ngày nào đó chung sống hòa bình và tất nhiên không thể thiếu quê hương Việt Nam.
Tôi đến với nhạc Trầm Tử Thiêng lần đầu như một sự tình cờ khi nghe một bài hát mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng tôi nghe lại (bài này do Chế Linh ca) tôi vẫn không “tẩy não” được cái thời tôi sống dưới chế độ cũ, một “thực thể” hơn gần nửa đời người trong tôi! Đó là bài hát “Đưa em vào Hạ”:
“… Mùa Hè năm nay
Anh sẽ đưa em rời phố chợ đông người
Qua miền xa, mà nghe rừng thiêng gọi lá
Tiếng nỉ, tiếng non, khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha, đang chờ giặc dưới giao thông hào…
Quê hương đau, nắng Hạ cũng buồn
Nước sông ngăn đôi sơn hà, còn gì em, còn gì đâu
Mùa Hạ qua mau đi nữa đi anh
Trên con đường quê hương mịt mù
Thương những chiều nắng dọi bờ sông…”
Cuộc ngăn chia hai miền Nam Bắc, bên này kêu bên kia là giặc, bên kia kêu bên này cũng là giặc. Vậy ai là giặc? Và đến 20 năm sau “giặc” đã xóa mất chỉ còn anh em, “giờ đây người biết thương người” mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong “Mùa Xuân đầu tiên”.
Đặc biệt, nhạc Trầm Tử Thiêng không có Boléro, Tango, Valse, mà ông chỉ dùng Slow, Slow Rock, Boston… Thời của ông và bạn bè nhạc sĩ của ông là thời Boléro, nhưng ông không viết Boléro, đó là điều hết sức đặc biệt.
Viết về nhạc Trầm Tử Thiêng, theo cá nhân tôi, tôi lưu ý ở điểm này, đó là ba nhạc phẩm rất nổi tiếng của ông: Hương ca vô tận, Đưa em vào Hạ, Kinh khổ, nhưng ít có ai hát. Tại sao? Theo thiển kiến của tôi, vì khó có ai hát ba nhạc phẩm này hay hơn Thái Thanh (Hương ca vô tận), Kinh khổ (Khánh Ly) và Đưa em vào Hạ (Chế Linh), vì vậy, không dám hát (sợ dở hơn), nên không được phổ biến như các nhạc phẩm khác chăng? Nói lên điều này, dù đúng hay sai, tôi cũng xin cảm phục ca sĩ Ngọc Hạ, dám “đối đầu” với Thái Thanh trong ca khúc “Dòng ông xanh” của Johann Strauss do Phạm Duy dịch lời Việt, nghe xong, người nghe kỳ vọng Ngọc Hạ có thể nối gót… Thái Thanh?
Khởi nghiệp, Trầm Tử Thiêng viết “Hương ca vô tận”. Hương là ai? Người tình, người em, người bạn gái… hay ai khác nữa? Điều này khó mà biết được, và cũng chẳng ai đi tìm hiểu, chỉ biết rằng “Hương ca vô tận”, được danh ca Thái Thanh trình bày, làm người nghe bay bổng theo làn hơi vút cao, có đôi khi day dứt trong một thoáng vụt qua, để rồi… im lặng tận hưởng cái vô tận của Hương ca:
“Hát nữa đi Hương
Hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường…
Hát chuyển vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già
Ngày xưa em vẫn nằm trong nôi
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại tình mẹ
Hát nữa đi Hương
Câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương
Hát kể quê hương
Núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường…”




Nhạc Trầm Tử Thiêng, ông đau đáu niềm đau của chiến tranh, thiết tha mật ngọt của tình yêu, có đôi khi nhạc của ông là những hóa giải cho chính mình và cho mọi người, canh cánh một tin vui giữa giờ tuyệt vọng (Ông có nhạc phẩm “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”). Và trong tất cả các tác phẩm của ông, chỉ riêng “Đêm nhớ về Saigon” là ông viết riêng cho ông trong nỗi nhớ tột cùng khi phải xa Saigon:
“… Đêm nhớ về Saigon
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông
Gọi bao nhiêu cho cùng…”
Sau cùng, tôi xin cám ơn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, trong “Kinh khổ”, ông đã cho chúng ta một người mẹ thầm lặng, đích thực, không chân dung, không huy chương, không tô lục chuốt hồng:
“… Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng ra thật êm đềm
Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho con
Tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất
Người về một ngày một ngày một lưa thưa
Người đi càng đêm càng đông dần
Từng dài âu lo
Từng đêm đợi chờ
Mộng thật cam go
Miễn là mai niềm đau thành nụ cười…
Lời nguyện cầu này dành cho nhau
Từ khi loạn ly vào đêm đầu
Tình người tiêu hao
Niềm tin bội bạc…
Mộng chờ sau đêm
Ngày mai thật lạ
Thù hằn anh em
Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà
Xin cho me
Một giờ im kinh động
Người sẽ về
Dù rách rưới tả tơi…
Còn lại hôm nay
Những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu…”
Tôi xin tụng “Kinh khổ” này gởi đến anh thay hoa và nhang, và biết ơn anh khi nhớ về những ngày chiến tranh gian khổ.


TRANHUUNGU

Nguồn : từ Facebook của tác giả, nhạc từ YouTube.



Không có nhận xét nào: