VỀ MIỀN TRUNG
Mỗi năm có một mùa mưa, trong mưa có giông bão…
Tôi mượn bài hát “Về miền Trung” của nhạc sĩ Phạm-Duy, để làm tựa cho bài viết này. Tôi là dân “nửa Trung, nửa Nam” sống trên vùng đất tỉnh Bình-Tuy. Bình-Tuy quê-hương tôi trước 75, là một tỉnh cuối Trung đầu Nam, thuộc QK III, thành lập rất muộn so những tỉnh khác. Tôi yêu vùng đất nắng cháy da này, và đất có nơi cày lên sỏi đá, mặc dù Bình-Tuy, cái tên gọi thân thương ấy nay không còn nữa. Và cũng là một tỉnh có nhiều sự kiện đặc-biệt cuối đường từ sông Bến-Hải đến sông Dinh Lagi trước tháng 4.1975. (Người viết sử, xin đừng quên Bình-Tuy nhé?)
Nhạc viết về miền Trung có rất nhiều. Có đến 80% nhạc sĩ miền Nam viết về miền Trung, ít nhất mỗi người viết một bài. Lũ-lụt miền Trung từ ngàn xưa cho tới đời nay là chuyện bình thường, chỉ có bất thường là ngày nay hể có bão lụt là có người chết, có nhà xập, có núi đổ… Và người dân bị “trời hành cơn lụt mỗi năm” kêu không thấu trời, “Bề dưới” chỉ nghe đâu văng vẳng lời vàng thước ngọc của “Bề trên”:
-Lụt là tại mưa.
-Người chết là tại số
-Đói vì không có gạo
- Khát vì không có nước
Hi hi hi… cuộc đời này suy cho cùng,cũng… Bởi, Tại, Vì.
Ngoài ra, những “luận chứng” có khoa học:
-Cháy nhà là tại lửa
-Tai nạn giao-thông là tại xe
- Rừng mất gỗ là tại cưa
- Bùn trôi tại nước
-Núi xập tại núi già (giống như người già thì phải… xập!)
- Lũ lụt là tại nước
- Nước nhiều là tại mưa!
Và cũng “Không phải tại Toa, cũng không phải tại Moa, tại trời xui khiến… nên cả làng phải Mort” (Lời bài hát “Không phải tại chúng mình” của Ngọc-Văn &Thương-Linh: “Không phải tại em, cũng không phải tại anh, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau”. Trớt quớt !
Ngày xưa, tôi đi bộ trên bờ biển từ Hải đăng Kê-Gà qua Khe-Cả đến Phan-Thiết, khát nước, tôi lấy tay đào cát biển, sẽ có nước mội chảy ra… “Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong-veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành” (*)…
“… Chính rừng Tây- Nguyên, từ trên Trường-sơn rất xa xôi kia, đêm ngày hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ-đại, bao-dung mà tảo-tần, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời. cất lấy, để dành, tằn-tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào. Để từng ngày, từng ngày chắt-chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi nảy nở, trường tồn trên dải đất trông chừng rất khắc nghiệt kia…” (**)
(Nói như vầy mới là “Luận-chứng” Khoa-học chứ!)
Ngày xưa, Chiến-tranh, miền Trung chìm trong biển lửa, ngày ngay, Hòa-bình, miền Trung lại chìm trong biển nước, đúng là “thủy hỏa đạo tặc”. Dân những vùng bị lũ mất niềm tin, chỉ còn tin ở ông trời, nên hỏi rằng: “Bao giờ mới được bình yên”? Ông trời trả lời: Bao giờ hết phá hoại, hết nói láo, hết nói dốc… mới được bình yên. (Ô, hãy đợi đấy, còn lâu lắm…)
Nhạc viết về miền Trung rất nhiều so với nhạc viết về miền Nam. Có lẽ miền Trung thiên-nhiên đã cho một phần đất ốm tong, triền dốc, biển thấp núi cao, nên chứa nhiều tai-ương nghiệt-ngã, làm ăn khó khăn. Cho nên người Trung biết tiết kiệm, làm 10 đồng, ăn 2 đồng thôi, còn 8 đồng để dành “tối lửa tắt đèn”, người Nam “ruộng cò bay thẳng cánh”, làm 9 đồng mượn thêm 1 đồng nữa cho đủ 10 đồng để xả láng, sáng làm… làm tiếp!
Nhìn chung, những nhạc sĩ miền Nam, trong đó có nhạc sĩ, ca sĩ Duy-Khánh viết nhạc về miền Trung nhiều nhất. Có lẽ ông là dân Quảng-Trị, sinh ra đã thấy bom đạn, đói nghèo, nắng cháy da, mưa thúi đất?
Bây giờ, tôi đã nghe nhạc “thiên tai, bão lũ” miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên Dalat (ngày xưa làm gì có bão lụt ở Dalat?) nhạc mới viết, mới toanh, của một vài nhạc sĩ cũng mới toanh, cũng đã chia sẻ tình thần nỗi đau dân của những miền có lũ lụt… Nhưng thành thật nói, nhạc sĩ đã nắm bắt thị trường, viết những bài hát mới này, không có điều gì mới lạ, chỉ quanh-quẩn những điều mà nhạc sĩ miền Nam trước 75 đã viết rồi, nhưng lại viết hay hơn! (Biết lắm-khổ-rồi-nói-mãi)
Trong vài ba chục bài hát viết về miền Trung, tôi xin chọn “Về miền Trung” của Phạm-Duy, và “Tiếng sông Hương” của Phạm-Đình-Chương, để cảm nhận cho bài viết ngắn này.
“… Về miền Trung!
Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược xuôi suốt một giòng sông dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa
Con sông xưa thành phố cũ
Về miền Trung!
Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bùng thôn làng điêu tàn…”
Người đi trên đống tro tàn
Thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Thương thân thiếu phụ
Khóc đầu hài nhi…”
(Về miền Trung - Phạm-Duy)
Hết chinh chiến, rồi đến bão lụt:
“… Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
Khiến đau thương thấm tràn lấp
Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi…”
(“Tiếng sông hương” trong Hội Trùng-dương - Phạm-Đình-Chương)
Hai nhạc sĩ Phạm-Duy và Phạm-Đình-Chương chỉ cần hai bài hát nêu trên cũng thấy hai ông mến yêu đất nước miền Trung đến dường nào ! Hai bài nhạc này nằm trong số những nhạc phẩm “bất hủ” của thiên tài, vậy mà nó… “bất hát”!
Chiến-tranh đã hết, nhưng bão lụt vẫn còn.
Chiến-tranh là do con người, bão lụt do ông trời, phải vậy không ?
TRẦN-HỮU-NGƯ
(*)&(**) Tôi đọc bài viết của Hoài Nam, trích mấy câu trong “Minh triết của rừng” của Nguyên-Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét