Ảnh Ban Hợp ca Thăng Long:
-Hàng trên từ trái sang: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, (ca sĩ Hoài Bắc), Phạm Đình Viêm ca (sĩ Hoài Trung)
-Hàng dưới từ trái sang: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.
NHẠC… NGHÈO!
“Nhạc nghèo” của một thời Chiến tranh đã làm tôi say mê, nghiêng ngã theo từng lời ca tiếng hát. “… Đời nghèo mà vui, hỏi ai không hé môi cười…” (nhạc phẩm Tôi yêu của Trịnh Hưng và Hồ Đình Phương). “Nhạc nghèo” đã theo tôi từ thuở tôi nghèo cho đến bây giờ.
Nhạc nghèo vẫn biết còn thiếu sót, nhưng những bài hát nghèo dưới đây cũng đủ nói lên cái “nghèo rớt mồng tơi” rồi.
Có phải vậy không, xin mời bạn đọc:
“… Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói,
có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còn tả tơi.
Ruộng khô có những ông già rách vai
cuốc đất bên đàn trẻ gầy
có người bừa thay trâu cày…”
(Nhạc phẩm Quê nghèo – Phạm Duy).
Nghe lại nhạc phẩm này, tôi ứa nước mắt, nhớ về quê tôi từ những năm 1960 trở về trước, ngày ấy quả thật “Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói…”, nhưng dân làng nghèo, nhạc sĩ Phạm Duy đưa lên một hình ảnh này nghe rất xót xa, đối nghịch nhau giữa thành thị và thôn làng đến độ… tàn nhẫn! Nghèo, một định mệnh của dân Việt, khởi nguồn đi tìm sự sống trên ruộng rẫy, nương khoai, đánh bắt, trồng tỉa…, nghĩa là tám mươi lăm phần trăm sống bằng nông nghiệp.
Nghèo là điều bất hạnh của con người. Nhưng có không ít người nghèo lại làm được những điều vĩ đại để tiếng cho đời mà người giàu không làm được. Sinh thời cố nhạc sĩ Văn Cao nghèo lắm, nghèo đến nỗi không tiền mua rượu, thuốc lào, dù chỉ một chén nhỏ, một điếu, và ngay cả bậc tiền bối Nguyễn Công Trứ: “... Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…”. Không biết Nguyễn Công Trứ làm thơ có được trả nhuận bút không, chớ thời nay trả… ít lắm. Có người hỏi ít là bao nhiêu? 100 đến 200 ngàn… Thế là may, chớ những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh thì thê thảm hơn: “… Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm nay lại bảo dí thơ vào… mông!”. Còn cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao (ông còn là họa sĩ, thi sĩ) để lại cho đời nhiều tuyệt phẩm, nhưng đến cuối đời ông là một người nghèo.
Người nghèo muốn một công việc gì đó để thoát nghèo, đôi khi thèm… trúng số! Và cũng thương thay, xót thay không ít những cô gái nghèo “chồng gần không lấy lại lấy chồng xa”, lấy chồng ngoại để mong thoát nghèo và những “đêm dài tình… ngắn”, đã để lại nhiều “di chứng chồng ngoại”, rồi sực tỉnh không mơ thoát nghèo nữa mà chỉ kêu gào sớm được thoát… ly, quy cố hương, và đôi khi vì nghèo mà trót dại phạm pháp.
Nhạc… nghèo thì cả giàu lẫn nghèo ai cũng thích nghe. Người giàu nghe nhạc nhạc… nghèo để giải trí, hoặc nghe cho nó vui, hoặc nghe để mà nghe, chẳng hạn:
“… Nhớ, nhớ thuở nào,
anh đi cày thuê, em đi dắt trâu,
đôi ta chừ mà gặp nhau dưới cầu…”
Nhạc phẩm Vợ chồng quê – Phạm Duy).
Còn người nghèo nghe “Vợ chồng quê” để thương nhớ cánh đồng.
Nhạc… nghèo, nhưng không nghèo về ca từ, giai điệu, mà là dùng âm nhạc để diễn tả cái nghèo, một thực trạng của muôn dân nông thôn phải gánh chịu trong những năm triền miên chiến tranh.
Bây giờ đất nước đã đi lên, đời sống con người đã khá hơn những thập niên trước đây, nhưng còn một bộ phận không nhỏ vẫn chưa thoát nghèo, và tôi vẫn thấy, vẫn nghe những hình ảnh đã cách xa chúng ta hơn nửa thế kỷ, nhưng nó còn hiện diện đâu đây:
“… Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không màu
Qua phên vênh có hai mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu…”
(Nhạc phẩm Xóm đêm – Phạm Đình Chương)
“… Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm…”
(Nhạc phẩm Phố buồn – Phạm Duy).
Nhạc… nghèo có được bao nhiêu bản? Hàng trăm bản, nhưng mang cái tựa “Nghèo” hình như có bốn bản (?): Xóm nghèo (Hùng Lân), Kiếp nghèo (Lam Phương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ), Quê nghèo (Phạm Duy):
“… Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Từ khi quê hương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi…”
(Nhạc phẩm Quê nghèo – Phạm Duy)
“… Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung…”
(Nhạc phẩm Kiếp nghèo – Lam Phương)
“… Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến”…
(Nhạc phẩm Nắng lên xóm nghèo – Phạm Thế Mỹ)
“ …Tôi yêu xóm nghèo nhà tranh mái thấp liêu xiêu…”
(Nhạc phẩm Xóm nghèo – Hùng Lân).
Thời buổi này mà còn nghe nhạc con trâu, cái cày, ruộng lúa, nương khoai… quả là lạc hậu “đi ngược lại trào lưu tiến hóa của âm nhạc?”, người sành điệu phải nghe “Hôn môi xa, Trả nợ tình xa, Tình thôi xót xa…”. Ôi, sao nhiều “xa” quá, hèn chi nó đến rất ồn ào chỉ một vài lần rồi đi xa không thèm trở lại!
Thú thật, tôi nghèo và già nên không nghe được nhạc giàu (giàu trống, giàu đờn, giàu kỹ thuật âm sắc, nhưng khổ nỗi lại nghèo về ca từ). Đôi khi bực mình nộ nạt con cháu: “Mày nghe cái quái quỷ gì vậy?”. Nó sửng cồ: “Thời ông khác, thời cháu khác”. Tôi giựt mình! Đúng, thời tôi không có cái thứ nhạc kỳ cục, cái thứ nhạc làm trẻ con giựt mình, làm điếc tai hàng xóm, nhạc như bị điện giựt, nghe mà không hiểu bài hát ấy nói gì, có lẽ mình già rồi chăng? Có lần, một buổi trưa thanh vắng, tôi mở bản nhạc “Gợi giấc mơ xưa” của Lê Hoàng Long… đứa cháu gái chăm chú nghe, rồi hỏi: Chú ơi, bài hát tên gì, của ai mà hay quá vậy? Cũng một lần nữa, tôi mở nghe CD “Hiên cúc vàng” của Nguyễn Đình Toàn, sau khi nằm im nghe, cũng đứa cháu ấy hỏi, CD này của ai vậy, mà Khánh Ly ca hay quá, chỉ chỗ cho cháu mua? Tôi nói, nhạc cũ, người cũ viết, mà cháu có chịu nghe đâu?
Tôi đã từng gối đầu nằm ca khúc Phố buồn của Phạm Duy. Khoảng 1955, thời bấy giờ ở nhà quê dễ gì có được một bản nhạc in rời? Tôi phục sát đất Phạm Duy, vì trong Phố buồn ông đã “Thay lời muốn nói”:
“… Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không vơi bôi thêm lối ngõ không tên
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm…”
Và đến nhạc sĩ Lam Phương viết nhạc phẩm Kiếp nghèo. Nghèo đến nỗi gọi là “Kiếp” thì không có cái nghèo nào hơn:
“… Đường về đêm nay vắng tanh
Dạt dào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”
Ba nhạc phẩm Phố buồn, Xóm đêm, Kiếp nghèo là những bản nhạc nghèo, vào đầu là “Đường về…” và cũng có “Mưa…”. Lạ thay! Một sự trùng hợp ngẫu nhiên tràn đầy thú vị. Và cũng lạ thay, ba bản nhạc nghèo này đều đứng được với thời gian.
Ba nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lam Phương là những tư tưởng lớn gặp nhau chăng? Cùng mở đầu Phố buồn, Xóm đêm, Kiếp nghèo bằng chữ “Đường về”. Phạm Duy thì “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em…”, còn Phạm Đình Chương “Đường về canh thâu…”, Lam Phương “Đường về đêm nay vắng tanh…”. Ba nhạc phẩm cũng đều có “Mưa”: “Em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm” (Phạm Duy), “Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn” (Phạm Đình Chương), và “Dạt dào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi” (Lam Phương).
Ba nhạc phẩm mỗi người một vẻ, đó là ba mảnh đời nghèo khác nhau, nhưng cùng chung một “Đường về”. Cuộc đời là một “Đường đi”, dù đi thẳng, đi cong, đi lòng vòng, đi tắt, đi nhanh, đi chậm… rồi cũng sẽ về dù sớm hay muộn. Không gian của “Đường về” là đêm, thời tiết có mưa, đường về đã… đến.
Một kiếp người đi-đi-về-về, cái điệp khúc thường nhật ấy có đôi khi lắm nỗi chuân chuyên, và cuộc đời này trong bao la trời đất, trong biến đổi khôn lường:
“… Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương…”
(Cung oán ngâm khúc).
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét