ĐỌC “BẾN ĐÒ CHIỀU” THƠ NGUYÊN LẠC - VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN
BẾN ĐÒ CHIỀU
Chiều ru tím dòng sông rầu đứt ruột
Phiêu lưng trời mây trắng thiết thê!
"Hạc bay xa, hạc chẳng quay về"
Người xa bến mang theo trời xuân mộng
Chiều ru tím nỗi niềm thăm thẳm
Ước mơ xưa? Ngấn lệ trong lòng!
Bến đợi chờ biếc cả dòng sông
Và một bóng hồn nghìn trùng sóng vỗ!
Chiều đất khách tha hương buồn thiên cổ
Bến đò đây, nhân ảnh ở phương nao?
"Ngày tàn cố lý nơi đâu?
Trên sông khói tỏa gợi sầu lòng ai" [*]
.............
[*] Ý thơ Thôi Hiệu
.
Nguyên Lạc
Lời bình: Châu Thạch
Trong bài thơ “Bến Đò Chiều”, nhà thơ Nguyên Lạc đã đóng ngoặc kép 3 câu thơ trong bài thơ của mình và có ghi chú thích là “Ý thơ Thôi Hiệu”. Vậy trước khi bàn đến “Bến Đò Chiều”, người viết xin nói qua về bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” là bài thơ mà Nguyên Lạc lấy ý cho bài thơ của ông.
Thôi Hiệu (704 - 754) người Biện Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đậu tiến sĩ năm 725. Ông còn truyền lại hơn 40 bài, trong đó nổi tiếng nhất là bài “Hoàng Hạc lâu”.:
Hoàng Hạc lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Bản dịch của Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Thay vì Thôi Hiệu ngày xưa đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn cảnh đẹp nên thơ dưới một lớp sương mờ huyền thoại để viết nên bài thơ “Hoàng Hac Lâu” bất hủ thì nhà thơ Nguyên Lạc ngày nay đứng ở một bến đò chiều, cảm hứng hoài hương man mác, tình quê bâng khuâng khiến nhà thơ sáng tác bài thơ “Bến Đò Chiều” mang đầy vẻ đẹp cổ điển được khơi gợi từ nỗi niềm thương nhớ quê hương, khơi gợi từ nỗi đau “đất khách tha hương buồn thiên cổ”. Bài thơ được vào đề với khổ thơ mà màu tím trùm lên vạn vật, âm vọng trong không gian tiếng chiều ru cũng tím:
Chiều ru tím dòng sông rầu đứt ruột
Phiêu lưng trời mây trắng thiết thê!
"Hạc bay xa, hạc chẳng quay về"
Người xa bến mang theo trời xuân mộng
Trong câu thơ thứ nhất của khổ thơ nầy, tác giả đã vẽ một bức tranh buồn da diết, bức tranh dòng sông chảy trong buổi chiều màu tím. Màu tím trong câu thơ nầy tượng trưng cho cảm xúc buồn hoài cổ nhưng không kém phần lảng mạn khi ta nhớ đến câu thơ “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp” và câu thơ “không khói hoàng hồn cũng nhớ nhà” của Huy Cận trong bài thơ “Trường Giang”.
Hình ảnh mây trắng trong trạng thái phiêu linh của câu thơ thứ hai mang đến cho lòng ta ý niệm về sự trôi nổi của đời người. Sự trôi nổi đó ở trong thơ là “thiết thê” cho ta nghĩ về thân phận “không chốn nương thân”. Đó là thân phận của dân Do Thái 2000 năm bị lưu đày nơi đất khách, hay đó cũng chính là thân phận của tác giả đã rời xa quê hương Việt Nam yêu dấu của mình.
Trong câu thơ thứ ba “Hạc bay xa hạc chẳng quay về” nhà thơ lấy ý từ câu thơ “Hạc vàng bay mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay” của “Hoàng Hạc Lâu. “Mây trắng” được nhà thơ nhắc đến ở câu thơ thứ hai và “hạc vàng bay mất” trong câu thơ thứ ba nầy. Mượn hai câu thơ trên, nhà thơ đã kết hợp hai hình ảnh đẹp hài hòa trong quá khứ, nhưng nay Lầu Hoàng Hạc là quê hương đã mất, hạc vàng chính là tác giả và mây trắng như màu khăn tang. Hạc vàng là quá khứ, mây trắng là hiện tại, một hình ảnh trong trí nhớ và một hình ảnh hiện tại kéo cho không gian xa ngàn năm gần lại, đem vào tâm hồn người đọc sự bâng khuâng, tiếc nuối, cảm xúc với nỗi vô thường xảy ra tại nơi yêu dấu mà mình thương nhớ.
Nhà thơ Nguyên Lạc nói về câu thơ thứ ba: "Hạc bay xa, hạc chẳng quay về"/"Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản":
- “Hạc vàng một đi không trở lại” không đơn thuần chỉ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của tạo vật :"không có gì tồn tại vĩnh cửu".
- Thành ngữ "một đi không trở lại" nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được.
Đọc khổ thơ đầu của “Bến Đò Chiều” bức tránh sông nước vừa huyền ảo, vừa buồn đến “sầu đứt ruột” làm thê thiết cả lòng ta. Câu thơ tả ít mà hình ảnh gợi nhiều, làm cho nỗi nhớ quê hương, tình yêu đất mẹ lâng lâng trong lòng. Câu thơ “Người xa bến mang theo trời xuân mông” như hình ảnh con thuyền chở hoa rời bến đi vào nơi vô định mà bóng nó còn hiển hiển rõ trong dòng sông ký ức đời người.
Khổ thơ đầu là khổ thơ tả cảnh, khổ thơ thứ hai là khổ thơ tác giả bộc lộ nội tâm mình, vì cảnh sinh tình là chuyện đương nhiên:
Chiều ru tím nỗi niềm thăm thẳm
Ước mơ xưa? Ngấn lệ trong lòng!
Bến đợi chờ biếc cả dòng sông
Và một bóng hồn nghìn trùng sóng vỗ!
Tại câu thơ đầu tiên của khổ thơ một, buổi chiều ru tím cả dòng sông làm cho nhìn thấy mà rầu đứt ruột. Tại câu thơ đầu của khổ hai bài thơ, buổi chiều đó xâm nhập vào ký ức của tác giả, đưa nhà thơ quay về năm tháng xa xưa, ôn lại những nỗi niềm tuy ”thăm thẳm” trong thời gian quá khứ nhưng không quên được bao giờ. Nhà thơ nhớ lại “ước mơ xưa” là nhớ lại một thời tuổi trẻ. “Ngấn lệ” để “trong lòng” là giọt lệ lâu ngày đã thành viên ngọc long lanh của “nỗi niềm thăm thẳm” dấu trong con tim mình, đi cùng năm tháng ly hương.
Câu thơ “Bến đợi chiều biếc cả dòng sông” là bến nào? Có thể là “Bến Đò Chiều” tác giả đang đứng, có thể là bến quê hương trong mộng hoài hương của người xa xứ. Dầu bến nào thì màu chờ đợi vẫn xanh biếc, dòng sông vẫn mênh mang như biển vì nó là “một bóng hồng nghìn trùng sóng vỗ!” thì nó có linh hồn.
Khổ thơ đầu như một bức tranh tả cảnh, khổ thơ hai như giai điệu tả tình. Hai khổ thơ tuy riêng biệt nhưng khổ thơ nầy tiềm ẩn ý nghĩa của khổ thơ kia. Nếu ta hình tượng hai khổ thơ thành hai nhân vật, thì đó là Bá Nha- Tử Kỳ, tri kỷ của nhau. Bởi thế người đọc thơ, nghe thấy lòng mình như đang đứng trên bến đò chiều màu tím trong hiện tại, rồi bay về bến đò chiều màu tím thuở xa xưa, đang ở tại Hoàng Hạc Lâu của ngàn năm về trước, lại bay về bến quê hương của mình có dòng sông xanh biếc, như mơ một giấc mơ, như đi trong khúc thụy du. Thật là thú vị!
Bước qua khổ thơ thứ ba, không còn tả cảnh, không nói đến tình, còn lại tiếng thở dài như tiếng thờ dài thương mẹ nhớ em, tưởng người tình còn ở lại bến xưa:
Chiều đất khách tha hương buồn thiên cổ
Bến đò đây, nhân ảnh ở phương nao?
"Ngày tàn cố lý nơi đâu?
Trên sông khói tỏa gợi sầu lòng ai"
Khổ thơ nầy tác giả đã lấy ý hai câu thơ “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/Yên ba giang thượng sử nhân sầu” dịch là” Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?” để kết bài thơ. Nhà thơ lấy ý hai câu thơ kết của “Hoàng Hạc Lâu” để đóng bài thơ của mình lại, tác dụng của nó như dùng một cái đế bằng trầm để dựng trên đó bức tranh quý hiếm. Nhờ hai câu thơ kết này, nỗi buồn như âm vang bất tận, bao trùm trên không gian, chảy mãi theo thời gian, vọng trong lòng người, nhẹ như khói tỏa, lạnh như sương, thiết tha tình quê hương như muôn trùng sóng gợn.
Tóm lại, “Hoàng Hạc lâu” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu ở đời Đường, đến Thi tiên Lí Bạch cũng phải khâm phục. Bài thơ mô tả khái quát cảnh ở lầu Hoàng Hạc, nhưng chủ yếu bộc lộ nỗi hoài vọng xa xưa và nói lên nỗi nhớ quê nhà tha thiết của người lữ khách.
Nhà thơ Nguyên Lạc đã mượn ý một cách rất tài hoa từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu, kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển thơ thời xưa và thơ mới lãng mạn thời này để làm nên một bài thơ “Bến Đò Chiều” tuyệt tác. Bài thơ vừa là bức tranh mô tả cảnh đẹp mà rất buồn trên sông, vừa bộc lộ nỗi nhớ quê hương của nhà thơ, gởi vào đó tâm sự mình cùng tâm sự của cả một thế hệ nơi “Đất khách tha hương buồn thiên cổ”. Đây là một sáng tác mang vẻ đẹp cổ điển, dầu có mượn ý nhưng người câu nệ cũng không có gì để có thể phản bác ./.
CHÂU THẠCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét