CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

TẢN MẠN VỀ CÂY DỪA NƯỚC - TỪ KẾ TUÒNG

 




TẢN MẠN VỀ CÂY DỪA NƯỚC


Quê tôi là vùng đất ven biển miền Tây Nam Bộ, sông rạch chằn chịt. Từ nhỏ tôi đã nghe gọi "Người xóm Rẫy", "Nguồi xóm Vườn", "Người xóm Giồng". Tên gọi này xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, để chỉ ngoài tên gọi bao quát là "Làng" ví dụ "Người cùng Làng", còn có người sinh sống ở từng xóm. Ví dụ "Người xóm Rẫy", tập trung ở vùng đất trũng, nước mặn, bùn lầy. "Người xóm Vườn", tập trung ở những thớt vườn trồng dừa, đất thịt trơn trợt còn "người xóm Giồng", tập trung ở vùng đất cao, xa nguồn nước, vùng đất thịt pha cát. Tôi ở "Xóm Giồng", nằm giữa "Xóm Rẫy" và "Xóm Vườn".
Nhưng xóm nào cũng hai mùa mưa nắng quanh năm. Mỗi mùa có 6 tháng mưa và 6 tháng nắng. Mùa mưa thì nước ngọt, mùa nắng thì nước mặn. Giữa 2 mùa có một khoảng thời gian để nước chuyển dòng gọi là "Mùa nước lợ". Do đặc tính vùng miền, chịu ảnh hưởng thời tiết nên quê tôi ngày xưa chỉ trồng lúc một vụ, gọi là "Lúa mùa", tức trong thời gian mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 12, gọi là tháng giáp năm (theo âm lịch).
Và cũng do vậy nên quê tôi chỉ có 2 loại cây trồng chính là cây dừa (cây công nghiệp) và cây lúa nước (cây nông nghiệp). Cây dừa quê tôi bạt ngàn, đất ruộng trồng lúa mênh mông nên nhà giàu ngày xưa là chỉ nhà nào có vườn dừa rộng 5-10 mẫu (hecta), ruộng vài chục mẫu thậm chí có nhà giàu (điển chủ) có tới hàng trăm mẫu ruộng cho tá điền thuê trồng lúa, để lấy lúa ruộng hàng năm sau mùa vụ.
Tuổi thơ tôi gắn bó nhiều hơn với cây dừa so với cây lúa. Mỗi tháng, dừa mùa, nhà giàu giựt dừa khô một lần tính ra hàng mấy thiên dừa (mỗi thiên dừa là 1.200 trái, dừa tính chục 12). Nếu tháng dừa treo, thì 2 tháng giựt một lần. Tôi có thú vui bè dừa giúp mấy đứa bạn con nhà giàu từ vườn của nó theo mương chính khi nước lớn từ sông, rạch đổ vào mương vườn về nhà rồi quăng dừa lên sân nhà nó. Chỉ với một mục đích được ưu tiên lựa những trái dừa khô quá lứa mọc mọng, tức đã nhú ra mầm cây dừa con để lột vỏ, đạp ra ăn cái mộng dừa hấp dẫn bên trong.
Nhưng bên cạnh cây dừa trồng tập trung trên những bờ mương trong vườn gọi là vườn dừa hay thớt vườn, có một loài dừa mọc thành bụi rậm, sống và phát triển dưới bùn lầy, ven sông, rạch, mương vườn rất thú vị, gắn bó với tuổi thơ tôi và những thú vui theo mùa, đó là dừa nước (để phân biệt với dừa trồng trên bờ).
Dừa nước không ai trồng, là loài cây mọc hoang. Trái dừa nước khô rụng, hay bất kỳ lý do nào rời buồng dừa rơi xuống nước sẽ trôi theo dòng nước đi bất cứ đâu, khi nước ròng, bãi cạn thì trái dừa nước ghim vào bãi bùn, lâu ngày mọc mọng, thành cây dừa nước con bám đất nơi đó mà sống, phát triển thành bụi, trổ bông, có quầy, cho trái... và cứ thế dòng đời của cây dừa nước lan toà khắp nơi, tuy nhiên ở những vùng nước mặn mới có dừa nước.
Cây dừa nước có nhiều công dụng đối với người dân thôn quê, lá dừa nước tươi, đủ độ già người ta chằm lại từng tấm gọi là lá chằm dùng để lợp nhà (ngày xưa hầu hết đều là nhà lợp bằng lá dừa nước chằm), rất mát. Vách cũng được "vừng" bằng nguyên tàu lá dừa nước dài xé ra làm đôi phơi cho dốt dốt, gọi là lá xé. Nhà "vừng vách" bằng lá xé rất kín và đương nhiên cũng rất mát. Nhà mái lợp bằng lá dừa nước chằm, vừng vách bằng lá dừa nước xé sẽ cột bằng gì? Không phải kẽm hay lạoi dây nào khác đâu nhé, mà chính sợi "lạt" chẻ ra từ cây "cà bắp", tức là tàu dừa nước non. Cũng từ cọng lá của tàu dừa nước non gọi bằng cây "cà bắp" này, người dân quê dùng để gói bắnh lá dừa, cột bằng sợi dây "lạt dừa", khi nấu chính, bánh lá dừa có màu sắc rất đẹp.



Bây giờ thì người thành phố đã quen với trái dừa nước màu nâu được người từ ruộng rẫy quê mùa chặt từng quầy chi chít trái mang lên bán. Trái dừa nước "nạo cứng" chẻ ra lấy phần ruột bên trong dầm đá đường ăn rất ngon, mát ruột mát lòng, có hương vị đặc trưng của đất bùn ruộng rẫy, phù sa sông rạch chính là cây, bụi dừa nước mà tôi muốn nói.
Một điều thú vị nữa của cây dừa nước sống trong bùn lầy, ven bãi sông, kênh rạch, mương vườn là khi nước cạn người dân quê tôi có thể đi mò bắt những con cá bống dừa sống cặp, xây tổ uyên ương trong kẹt bặp dừa. Và tuổi thơ của tôi khi bắt đầu tập bơi lội cũng chính nhờ ôm cái bặp dừa vẫy vùng các kiểu mà lớn lên tôi bơi như rái qua kênh, qua rạch và bơi theo những giề lục bình ngoài khơi con sông để bắt cá lia thia sông sống trong nhửng giề lục bình. Cá lia thia sông lớn con, màu sắc tuyệt đẹp, đá rất hăng, chỉ có "chết tại chiến trường" chứ không chạy mặt đối thủ như cá lia thia ruộng.
Và một điều đặc biệt nữa của cây dừa nước mà tôi muốn nói. Người thành phố gốc quê đều biết hoa của cây dừa trồng trên bờ mương, trong sân nhà hay sau vườn rụng sau cơn mưa trên mặt đất có màu trắng sữa, hoa tròn xoe như bông tai của con gái tuổi dậy thì, thơm thoang thoảng. Nhưng ít ai biết, hay còn nhớ hoa của cây dừa nước cũng rất đẹp, cũng thơm mùi dân dã, mưa nắng quê nghèo mà quyến rũ không kém hoa của cây dừa trên bờ. Nếu chịu khó lội mương, lột rạch chặt về chưng, cắm trong bình phù hợp cũng rất đẹp, cũng lộng lẫy mà lại lâu tàn.
Tối nay bỗng có một người bạn không phải người miền Nam nhưng sinh sống ở Sài Gòn nhắn tin cho tôi bảo muốn có 2 cây dừa nước nhỏ trồng trong chậu trên sân thượng, khi dừa nước lớn lên sẽ bứng ra mang trồng xuốt đất. Tôi bật cười vì ý nghĩ trồng dừa nước ngộ nghĩnh này của người bạn không phải là dân Nam Bộ. Bởi vì nếu là người Nam Bộ chắc chắn phải biết rằng, dừa nước dù mới mọc mầm cây con từ trái già trôi theo con nước lớn rồng trên sông, rạch, kênh mương để tìm một bãi bùn cắm xuống “định cư”, nếu người nào đó tình cờ vớt được cũng không thể trồng trên đất giồng, huống chi lại trồng trong chậu như trồng kiểng?
Dừa nước chỉ thích hợp với bãi bùn lầy lội, là một loại cây chắn sóng, ngăn đất lở và chỉ sống và phát triển thành bụi, thành hàng, thành rừng dừa nước dọc theo bãi lầy, có nước thuỷ triều lên xuống mỗi ngày. Dừa nước chỉ sống dưới… nước, làm bạn với nhà vườn, nhà nông miệt rẫy vùng nước mặn, nước lợ. Không chỉ mọc thành bụi thành hàng, thành rừng để chắn sóng, ngăn đất sạt lở mà còn là nguyên liệu để người đi mở cõi lợp nhà, dừng vách, chẻ tàu dừa nước non gọi là “cà bắp” ra làm những sợi lạt chằm lá lợp nhà, cột vách, gói bánh…
Trái dừa nước không to như trái dừa bờ, rất ít nước nhưng múi trái dừa nước nạo là món ăn vặt cực ngon nếu được dầm với đá đường. Người miệt rẫy, miệt vườn vẫn dùng ghe tam bản, xuồng ba lá luôn sâu trong kênh rạch hay ven sông vào mùa dừa nước trổ quày chặt mang về chịu khó chẻ ra từng trái, lấy múi dừa nước nạo bên trong bỏ bịch nylon mang lên thành phố bán cho người thích ăn vặt để biết món ăn dân dã, hoặc người gốc quê nhớ món ăn quê. Bởi dừa nước nạo, cơm dừa nước còn mềm chế được nhiều món, ngoài dầm đá đường còn nấu chè đậu xanh ăn rất ngon.


TỪ KẾ TƯỜNG


Không có nhận xét nào: