CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

NHẤT HUẾ , NHÌ SỊA - PHAN NI TẤN

 



VỀ VỚI SỊA: NHẤT HUẾ, NHÌ SỊA


    Ông ngoại tôi người làng Sịa, từng là quan Thất phẩm kiêm Ngự y dưới triều vua Khải Định. Ông sinh ở Sịa, mất cũng ở Sịa.

    Xứ Huế có nhiều địa danh cũn cỡn, kỳ lạ như Truồi, Sình, Nong, Chuồn, Nọ, Nịu, Sịa…

    Sịa!? Cái tên đơn âm, đơn điệu, nghe cụt ngũn cụt ngơ, lại quê quê mần răng. 

    Hơn 500 năm trước, Sịa vốn là vùng đất sình lầy, cỏ cây, lau sậy mọc um tùm, được khai khẩn từ năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Ngày nay thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền, vùng đất nằm bên Phá Tam Giang, cách thành phố Huế chừng 15 cây số về phía đông bắc.

    Nói đến Sịa thì học giả này, nhà khảo cứu văn hóa kia, tiến sĩ ngôn ngữ học nọ cho rằng:   

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa (sỉa chân), sẩy (sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.

   -  Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy

    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.

    - Sịa là cái sịa, một loại sàng bằng tre dùng để sàng lúa gạo.

    - Sịa là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô v.v và v.v… 

    Sịa, vốn mang tiếng là nhà quê, nên ở Huế, hễ chê ai nhà quê thì phang một câu: "Thằng nớ Sịa lắm!" Nhưng câu nói "Nhất Huế, nhì Sịa" từ lâu đã dính trên đầu môi chót lưỡi của người dân đất Thần Kinh khi nói về Sịa. Mà thật, ai cũng công nhận Huế có cái chi thì Sịa có cái nớ. Sịa lại thích khoe quê mình lắm trạng: "Trạng thiên trạng địa, trạng từ chợ Sịa trạng về". Dân Sịa ưng nói trạng cho vui rứa đó nhưng phải vắt óc suy nghĩ mới hiểu được thâm ý của họ. Ca dao về Sịa thì dễ thương vô hậu:

Tam Giang rộng lắm ai ơi

Có ai về Sịa cho tôi cùng về

Đất Sịa có lịch có lề

Có sông tắm mát, có nghề làm ăn.

    "Nghề làm ăn" ở Sịa thì nhiều kiểu nhiều cách lắm. Nói về món ăn thì ôi thôi: đệ nhất bánh canh bột xắt (bến đò Cồn Tộc), bánh canh cá lóc, cháo bánh canh bột, canh bột tưa, bánh tráng, bánh ô- sa, bánh ướt thịt heo Phú Lễ, tôm chua chợ Sịa (nhậu mút chỉ cần câu), lệt khoai xào măng, cá on bù kho, cá bống thệ kho đường trộn nước mắm…; các món hải sản với đủ thứ tươi ngon nức tiếng: Cá dìa, cá nâu, cá hanh, lệch huyết, lệch mỡ, cua gạch…v.v… Ngoài ra, Sịa còn có Hò mái nhì, Hò mái đẩy, Hò giã gạo…,  có hội đua ghe,  hội vật Thủ Lễ, có kéo co, đánh du. Đặc biệt, làng Thủ Lễ của Sịa còn có hai đền Văn Thánh và Võ Thánh, mà không phải ở làng quê nào cũng có,.

     Nói tới Sịa người ta thường nghĩ tới Phá Tam Giang. Vì Sịa cách Phá Tam Giang non 1 cây số. Trên Phá dân Sịa thường nghe văng vẳng tiếng gọi đò từ sáng sớm hoặc rờn rợn giữa đêm khuya "kêu như kêu đò ca cút". Ngày xưa Phá Tam Giang còn gọi là bến đò Ca Cút hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Tần, khoảng năm 1647. Ca Cút hoạt động từ sáng sớm để đưa đón dân cư qua lại buôn bán. Hồi đó dân cư thưa thớt bến đò Ca Cút tuy ít người qua lại nhưng là địa danh gợi nhớ về sự xa xôi cách trở, về niềm hoài mong của những duyên phận  không thành để rồi người còn kẻ mất. Chuyện kể về cuộc chia tay hẹn ước giữa chàng trai và người con gái trên bến đò, người ở lại đợi chờ đến chết mòn chết mỏi. Khi chàng trai trở về mới hay người nữ đã hóa thành con chim ca cút. Từ đó có thuyết cho rằng Ca Cút là âm thanh của tiếng gọi đò, có người cho đó là tiếng kêu khắc khoải của một loài chim. 

    Tóm lại nói tới Sịa thì cái chi cũng Sịa ơi là Sịa. Huế có làng Sịa, thị trấn Sịa, sông Sịa, chợ Sịa thì ngoài đời cũng có… củ sịa, cái sịa, đan sịa… Quảng Nam có… sịa qua Hò Ba Lý:

Trèo lên trên rẫy khoai lang

Chẻ tre đan sịa cho nàng phơi khoai 

    Hóa ra "Sịa" không phải là từ độc quyền của xứ Huế , mà tre trúc cũng có "sịa". Như vùng U Minh Cà Mau có những làng truyền thống mang đậm hồn quê, chuyên nghề đan lát từ tre ra sàng, rỗ, rá, nia, sịa… tồn tại hàng trăm năm.

    Đọan kết:

   Đời tôi vẫn cứ nhớ hoài Mạ nói tôi không giống như nhiều đứa trẻ khác, mới có 10 tháng đã biết đi. Có lẽ vì vậy mà sau này lớn lên cái chân thiên lý mã của tôi đã bôn ba khắp mọi miền đất nước từ miền Trung dọc xuống tận cùng mũi Cà Mau. Nhưng mà có bôn ba tận mãi đâu, có xa cách quê hương ngàn vạn dặm, tôi vẫn nhớ quê ngoại tôi: Huế cổ kính, trầm mặc nằm bên bờ sông Hương núi Ngự, nơi đó có Sịa với câu nói nổi tiếng trong dân gian: "Nhất Huế, nhì Sịa". 

    Thật ra nói là nói cho oai rứa chớ tâm tình dân Sịa của ngoại vẫn hàm ngụ tư tưởng hiếu hòa, nhân bản. Sịa, dù về với Sịa hay bỏ Sịa mà đi, chủ đề Sịa ở đây vẫn là chủ đề muôn thuở của người dân xứ Huế hiền hòa của tôi.


PHAN NI TẤN

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

MÙA ĐI NGANG CỬA - THƠ TỪ KẾ TƯỜNG

 



MÙA ĐI NGANG CỬA

Sáng nay chim chóc kêu nhiều quá
Rộn tiếng trong vườn hoa cỏ xanh
Mưa thấm đất nhà thơm hối hả
Trà sương môi nhắp cạn riêng mình

Hỏi người bên nửa trời xiêu lạc
Ta mất nhau rồi thương nhớ không
Mỗi lần nghe gió vàng xao xác
Đồi cúc hoa phai đến chạnh lòng

Mùa đi ngang cửa mùa đi mãi
Người cũng nghiêng vai chẳng trở về
Áo xưa bạc hết thời con gái
Ta vẫn ôm lòng ngọn khói quê

Bão tố không làm nên dâu biển
Chỉ tại lòng ta nghiêng ngả thôi
Rượu sủi tăm tràn ra đáy chén
Cơn say đâu đủ xé môi cười

Mấy bận mưa rào-Mưa trong nắng
Đường cỏ ai qua xanh dấu chân
Hoa dừa rụng xuống hương thầm lặng
Ngơ ngác lòng ta giấu nỗi mừng

Hoá ra con bướm vàng xưa cũ
Chớp cánh qua rào lượn bóng hoa
Câu hát ru con người tình phụ
Vẳng theo sương trắng tới quê nhà


(Bến Hoàng Hoa 29-6-2024)
TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH - THƠ KHÊ KINH KHA






 
BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH


này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh
ở phương này anh nhớ một quê hương
bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn
anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh

khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh
như mầu xanh của lúa mạ lên mầm
như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt
áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long

khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài
xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai
xõa trong anh bóng tre già quê ngoại
xoã hương tình của ruộng lúa Đồng-nai

khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé
để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm
để chiều nay mặt trời không ngủ sớm
như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn

khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn
để hương trinh ngào ngạt ngập hồn anh
như cúc vàng bên thềm xưa Vỹ-dạ
ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương

khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát
để trời xanh rơi rớt vào mắt trong
để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng
bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang

khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ
để lòng anh không xao động nỗi hờn
vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng
phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh

khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé
hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta
mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá
nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me

khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé
để lòng anh như pháo nổ đầu xuân
anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở
tạ ơn đời và tổ quốc mến thương


KHÊ KINH KHA

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

ĐỌC TẬP THƠ ''THÌ THẦM VỚI CỎ '' CỦA NHÀ THƠ VẠN LỘC - CHÂU THẠCH

 




ĐỌC TẬP THƠ “THÌ THẦM VỚI CỎ” CỦA NHÀ THƠ VẠN LỘC
                                                                   
Lần nầy, xuất bản tập thơ thứ 12, nhà thơ Vạn Lộc lấy tựa đề “Thì Thầm Với Cỏ” là tựa đề của một bài thơ mà bà vừa ý. Trong bài thơ ấy bà viết “Với cỏ ta chỉ biêt thì thầm/ Như muôn đời cỏ thì thầm với gió” hay là “Cũng như thế một mai ta về làm cỏ/Sẽ hồn nhiên xanh xanh đến vô tư/Tự rút ruột mình để mình xanh biếc/Rồi bâng quơ hát khúc sa mù”.

 Vậy cỏ với Vạn lộc không phải là loài thực vật tầm thường mọc dại dưới bước chân đi, mà cỏ là một loài cây tri kỷ với trời đất, với không gian với thời gian và với con người.  Cỏ thì thầm với càn khôn vũ trụ và nhà thơ Vạn Lộc hạnh phúc biết bao khi lại thì thầm với cỏ một cách “Miên man xanh dưới trời xanh bất tận” để mỗi bài thơ của bà đẹp biết bao, đẹp như “Chợt bay lên chấm trắng một cánh cò” trên cánh đồng cỏ xanh mơn mởn ấy.

Tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” Vạn lộc hầu như viết cho tình yêu, không phải là thứ tình yêu nam nữ bình thường mà là thứ tình yêu cao thượng hơn, cho quê hương, cho gia đình và cho con người . Tình yêu đó rất cao quý với đời, nhưng khi thành thơ thì nó khó hay vì nó khô khan hơn tình yêu nam nữ. Thế nhưng chỉ cần đọc tựa đề “Thì Thầm Với Cỏ”, ta cảm nhận ngay nó không khô khan. Không khô khan vì cụm từ “Thì Thầm Với Cỏ” ẩn chứa những biểu tượng đẹp giữa thiên nhiên và giữa cuộc đời. Điều đó cho ta niềm tin  để bước vào, đi tiếp trong vườn thơ Vạn Lộc, để nghe tiếng thì thầm với cỏ mà thi nhân đã tự nhận “Giống như gió thoảng qua hồn lá”, “La lả bay dịu vợi đến nao lòng”.

Nhà thơ Vạn Lộc xuất thân là một thôn nữ, bà sinh ra và lớn lên ở làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thơ bà rất nặng tình với quê nhà, bởi bà quan niệm “Đất quê là bến là bờ/ Từng cơn gió cũng vào thơ dịu dàng”. Từ đó thơ Vạn Lộc viết cho kỷ niệm trên đất thời thanh xuân không khác chi  hương đồng cỏ nội, thổi vào lòng người hơi mát của dòng sông, của lũy tre của cánh đồng bát ngát  và của tâm hồn chất phát đơn sơ:

Ngọn nguồn từ suối từ khe
An lành đất Mẹ chở che một đời
Thu Bồn mãi miết dòng trôi
Duy Xuyên lúa mượt hát lời gió thơm
…Cỏ cây xanh những tiếng chào
Hình cha bóng mẹ lẫn vào  bóng quê.
     (Quê Hương Và Mùa Xuân)

Lấy ý thơ quê hương đón chào ta về thì nhà thơ nào cũng viết được, nhưng lấy tứ thơ tiếng chào của quê hương xanh trong cỏ cây, hay lấy tứ thơ hình cha bóng mẹ lẩn khuất trong màu xanh đó, thì chỉ có Vạn Lộc mới viết mà thôi.

Với hai tứ thơ trên, đủ cho ta hiểu thơ Vạn Lộc như ngọn gió nhẹ nhàng , nhưng lắng đọng trong thơ thi vị của một miền quê hương yêu dấu: Duy Xuyên Quảng Nam.  

Vạn Lộc còn bày tỏ tình yêu quê hương bằng những tự nguyện đơn sơ nhưng  tuyệt vời ý nghĩa. Nhà thơ không làm chim, không làm mây để bay về quê, không thề thốt chết cho quê hương mà chỉ nhận làm một đóa hoa bên đường, làm ngọn gió, làm cánh cò bay lên bầu trời bát ngát:

Nếu mỗi người là bông hoa nhỏ
Tôi xin vàng lối cúc đường quê”,
…Nếu là gió tôi làm nồm hạ
Ru mát ban trưa buổi nắng hồng
Tôi sẽ vẫy những bàn tay lá
Chao cánh cò bát ngát trên sông.
                      (Ơi Quê Ơi)

Xuất thân từ nông thôn, ra thị thành để mưu sinh, lấy chồng xứ Huế xa xôi, cuộc đời Vạn Lộc trải qua nhiều biến cố và gian truân nhưng tâm hồn thơ của bà luôn luôn là “Vẩn chung một mãnh trăng gầy/Yêu thương cứ thế đổ đầy hồn tôi”:

Con đường tuổi thơ Duy Xuyên
Hồn tôi xanh với bãi cồn dâu xanh
Xa quê ra chốn thị thành
Ruổi rong phố xá, loanh quanh sông Hàn
Chợ Cồn vai gánh nách mang
Vẫn thương cố thổ bạc bàng trăng quê
Hương cần ơi, theo chồng về
Con đường xa ngái, sơn khê chập chùng
Sông Bồ, Sông Thủy, sông chung
Sóng níu gió để ngập ngừng bước chân
Ba quê mấy chặng đường xuân
Ba con sông vẫn trong ngần nước mây
  (Những Con Đường – Những Dòng Sông)
 
Đọc bài thơ nầy để ta hiểu tiểu sử một đời Vạn Lộc, và câu thơ ba con sông vẫn trong ngần nước mây” nói lên được nhân cách một con người thơ đầy tình yêu  cao thượng. Dầu qua ba con sông hay nhiều hơn nữa thì nhân cách ấy vẫn trong ngần nước mây” trong tâm hồn lãng mạn.
 
Trong ”Thì Thầm Với Cỏ” Vạn Lộc viết nhiều  về những địa danh đất Quảng, nơi chứa nhiều kỷ niệm trong dòng sông ký ức của thi nhân. Kỷ niệm thành thơ và thơ tràn cảm xúc như sóng gợn trường giang là đặc tính của Vạn Lộc trong tập thơ nầy.  Trong tập thơ nầy, Quảng Nam, Đà Nẵng, Duy Xuyên, Duy Trinh, Quế Sơn, Quế Lộc,  Thu Bồn, Ô Gia … thân thương như hình cha bóng mẹ, bài thơ nào cũng tha thiết trong lòng, nhớ thương da diết với tiếng thơ thì thầm, mến yêu, âu yêm.

Ta biết đời Vạn Lộc đã qua ba vùng đất    của ba con sông, con sông nào cũng “Trong ngần nước mây”. Nhà thơ đã viết nhiều về vùng đất của hai con sông quê hương, bà không quên viết cho vùng đất của con sông thứ ba và viết cho con người của con sông đó, con người mà nhà thơ đã kết tóc xe tơ, 60 năm chia bùi xẻ ngọt bên nhau:
 
Em về với Huế thời xanh
Với đồng, với bãi quê anh sông hồ
…Có mây cổ tích bắc cầu
Gót hài thêu đỏ, che đầu lộng xanh
Em về làm dâu quê anh
Huế thành máu thịt em thành ca dao.
         (Em Và Ca Dao)

Cuộc tình Vạn Lộc hạnh phúc đến đâu ta không biết được, nhưng những câu thơ của Vạn Lộc làm hiển hiện một khung trời cổ tích huy hoàng. Câu thơ “Có mây cổ tích bắc cầu/ Có hài thêu đỏ, che đầu lộng xanh” đẹp đến ngất ngây những hình ảnh xa xưa lồng lộng sắc màu. Câu thơ “Huế thành máu thịt em thành ca dao” hóa hình nhà thơ thành bức tranh thể hiện nền văn hóa dân gian xứ Huế, xứ cung đình đầy mộng mơ.

Vạn Lộc yêu chồng yêu Huế, nhà thơ tả Huế , ẩn dụ con người Huế vào thơ thật là thâm thúy:

Ai cũng nói Huế trầm mặc
Đìu hiu chiều tím ngàn sông
Ơ mà có ai hiểu sóng
Dào lên ướt bến ướt bờ
Âm thầm dội lên tiếng vọng
Muôn đời cứ thế thành thơ.
                (Huế Là Thơ)

Đối với mọi người văn nghệ sĩ, quả đúng “mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ là bài hát thần tiền” để họ đem thiên tài của mình ra đặt nhạc, ca hát, làm thơ tôn vinh mẹ  mình. Đối với nhà thơ Vạn Lộc, mẹ của nhà thơ không chỉ là người “gánh mưa gánh nắng” mà bà còn tặng mẹ một ý thơ trác tuyệt: mẹ của bà là một “Miền thơ của gió”:

Một đời mẹ tảo tần
Gánh mưa và gánh nắng
…Ôi Duy Trinh, Duy Xuyên
Ơi! Miền thơ của gió
Thơm thơm từng ngọn cỏ
Xanh muôn chiều Đông Yên
(Miền Thơ Của Gió)

Mẹ trong thơ Vạn lộc không chỉ mang hình ảnh quê hương mà còn mang cả “nguồn trong sáng vô biên” của thi ca, nghĩa là mẹ còn là điệu hò, còn là bài hát, còn là câu ca dao hay những áng văn thơ đã thành cảo thơm lưu truyền hậu thế.

Nhà thơ Vạn Lộc bày tỏ tình yêu thương với con cháu của mình cũng bằng những ý thơ và tứ thơ khác lạ. Nhà thơ dùng chữ như dùng một chiếc đủa thần hóa hình nỗi nhớ chất đầy trong ngôi nhà trống vắng bay vào mênh mông, tràn ra nhiều hướng:

Các con đi xa
Nhà mênh mông một mình mẹ
Mẹ một mình
Với trông vắng mênh mông
 
Trái tim mẹ
Đập về nhiều hướng
Tìm các con
Xa xót phía nhà mình
(Khúc Hát Yêu Thương)

Chỉ mấy câu thơ “Trái tim mẹ/ Đập về nhiều hướng/ Tìm các con/Xa xót phía nhà mình” đã bộc lộ trọn vẹn hoàn cảnh, khung cảnh, tâm tư  và bày tỏ nỗi cô đơn cũng như tình yêu mênh mông của mẹ dành cho con mình. Phải nói rằng người viết bài nầy không đủ trình độ để diễn đạt sự thâm thúy văn chương trong 4 câu thơ ngắn nầy.

Đối với nhiều nhà thơ, càng  già thơ càng bớt hay, nhưng nhà thơ Vạn Lộc thì khác. Ở tuổi thất thập trở lên, mỗi ngày thơ bà thêm  mượt mà sâu nhiệm  trong hương tình yêu cuộc đời cao quý, trong hương thiền nhẹ nhàng  thanh khiết. Trước những biến động bãi bể nương dâu trên quê hương, Vạn Lộc không u sầu trong hoài niệm như bao nhà thơ khác, bà vẫn nhìn quê hương bằng đôi mắt lạc quan, bởi tình  yêu quê hương trong lòng bà là “nguyên vẹn” nên mọi thay đổi không làm cho tình yêu ấy kém đi:

Thu Bồn đã xôn xao sóng
Đã thôi bịn rịn chuyến đò
Trưa hè bầy chim chao võng
Giấc mơ thơm ngát tuổi thơ
 
Quê nhà vẫn quê nhà ấy
Vẹn nguyên thương nhớ lòng mình
Nhúm nhau đã cật đã ruột
Một đời máu thịt Duy Trinh
    (Về Phía Mùa Xuân)

Tình yêu cúa Vạn Lộc là thứ tình yêu “nghìn trùng là mãi mãi”, nghĩa là thủy chung trong thời gian vô hạn định. Không chỉ tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ của Vạn Lộc cũng luôn nghìn trùng là mãi mãi. Nhà thơ dùng cụm từ “Nghìn Trùng Là Mãi Mãi” để chỉ lòng chung thủy của mình. Cụm từ ấy vừa mới vừa hay, hay hơn nhiều câu thơ thề thốt không uống canh Mạnh Bà khi qua cầu Nại Hà để kiếp sau còn nhớ tìm nhau:

Ôi khoảng trời thương nhớ
Trong ký ức vợi xanh
Những hoàng hôn mây trắng
Thuở hoa còn liền cành
 
…Nếu anh là con sóng
Xin ru em mỗi chiều
Nếu tình anh là gió
Hãy thì thầm lời yêu
 
…Chung vầng trăng thương nhớ
Chung mây trắng trời xanh
Mà nghìn trùng cách biệt
Mãi mãi em không anh
(Nghìn Trùng Là Mãi Mãi)

Dầu ông trời bắt buộc “Mãi mãi em không anh” nhưng tình chúng ta đã “chung vầng trăng”, ”chung mây trắng” nên tình chúng ta sẽ “Nghìn trùng là mãi mãi”. Đây là một bài thơ cấu ý cấu từ làm cho bài thơ mênh mông xa vắng và thâm thúy tuyệt vời. 
Ở độ tuổi tám mươi, thơ người già của Vạn Lộc có thứ hương thiền thanh thoát, tứ đơn sơ, ý nhẹ nhàng , từ dễ hiểu nhưng thấm thía vào lòng như tiếng chuông chùa nhẹ bay trong gió, thoảng vào tai người âm thanh quyến luyến dịu êm:

Mơ trăng ngồi dưới cội đa
Thuở xưa thương nhớ hằng nga đi về
Ngồi đây nhặt lá bồ đề
Chỉ mong một nẻo cần kề thiền môn
 
…Hoa mai đã sẵn đường xuân
Chờ mai buông lá tần ngần sắc hoa
Ngõ chiều cũng sắp bóng tà
Cõi trần buông hết yên ba rồi về.
                 (Buông)

Nhiều người yêu mến, ái mộ Vạn Lộc bởi Vạn Lộc “Vẫn Mãi Là Mùa Xuân” dầu tuổi cao đến đâu. Mùa xuân của Vạn Lộc  không phải là thứ mùa xuân huy hoàng chim ca hoa nở mà là mùa xuân của tự tại thong dong, mùa xuân của mây bay, trời xanh, nắng tràn tâm hồn thơ và từ tâm cho ta, cho người:

Ta về nép bóng cội nguồn
Nghe trăm năm tuổi đã gần đấu đây
Trời thì xanh hồn thì mây
Thêm mưa thêm nắng có đầy trăm năm
 
…Mỗi chiều trôi qua bình thường
Chim thong thả tiếng chẳng vương vấn gì
Đã ngoài sinh tử biệt ly
Thì đâu còn có điều chi để buồn
 
Thiên thu là bóng như không
Hồn ta mãi mãi cánh đồng mùa xuân
 (Vẫn Mãi Là Mùa Xuân)

Đọc bài thơ nây ta hiểu được vì sao Vạn Lộc ở tuổi bát thập niên mà vẫn xuất bản thơ ra liên tục, tập sau hay hơn tập trước, đặc biệt tập thơ “Hái Mùa Đông Vạt Nắng” sức sống ngọt lịm, niềm vui dâng trào nói lên được mùa xuân ấm áp có luôn trong lòng tác  giả.

Tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” của nhà thơ Vạn Lộc có gần 70 bài thơ với rất nhiều chủ đề, như là sự trải lòng của tác giả ở tuổi cao. Thủ thật đọc tập thơ nầy, Châu Thạch tôi có thể bình hay rất nhiều những bài thơ trong ấy. Không phải tôi tự cao, nhưng bình hay là vì thơ Vạn Lộc bài nào cũng hay, tiềm tàng những ý thơ sâu lắng ngọt ngào trong những vần thơ vô cùng bình dị.

Thơ như hoa mà ý thơ như nhụy, hương thơm tỏa ra từ nhụy. Thơ Vạn Lộc như hoa còn phong nhụy, hương thơm bay ra không ngào ngạt, nhưng tỏa đầy trong vạc nắng mùa xuân. Tôi nhớ hai câu thơ “Em là hoa còn anh là cỏ/Hoa đẹp cho đời cỏ giữ mãi màu xanh”.  Đọc tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” của Vạn Lộc, là chúng ta trò chuyện với cả thiên nhiên, vì cỏ vạn niên thì thầm với trời đất, và Vạn Lộc thì thầm với cỏ rồi kể lại cho ta nghe bằng những vầng thơ như những tơ trời trong trẻo vô biên, quyến luyến đi vào lòng ta, êm dịu như sự êm đềm của cỏ nếu ta chịu lắng nghe thơ Vạn Lộc để  thì thầm với  nó./.

                                                          CHÂU THẠCH
 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

CÓ LẼ - THƠ KHÊ KINH KHA

 



CÓ LẼ


có lẽ mây trời mượn tóc em

nên mây lãng đãng rũ sợi mềm

lang thang chiều vắng nhìn mây trắng

mà nhớ nhung nhiều mái tóc đen

có lẽ sao trời mượn mắt em

nên sao sáng tỏ giữa đêm trường

đêm đêm anh ngẩng nhìn sao sáng

để cố đi tìm ánh mắt trong

có lẽ nắng chiều mượn môi em

nên nắng chiều nay quá ửng hồng

miên man nắng đọng trên cành lá

anh hốt nắng vàng ngỡ môi thơm

có lẽ quỳnh lan mượn hương em

nên hoa thơm ngát những hương nồng

bao ngày mơ ước bên hoa nở

để thắy hồn mình đượm phấn hương

có lẽ gió ngàn mượn gót em

gió vui trong gió, gió qua thềm

để anh đón gió vòng tay rộng

ôm gió vào lòng, ủ trong tim

có lẽ trăng vàng mượn áo em

nên trăng trải rộng ánh lụa vàng

giăng tay ôm hết trăng muôn thuở

ấp ủ riêng anh giấc mộng lành

có lẽ kiếp này anh yêu em

nên anh mê mẩn giọt nắng hồng

mê mây, mê gió, trăng, sao sáng

mê cả hương nồng của quỳnh lan


KHÊ KINH KHA


Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

ĐOM ĐÓM QUÊ NHÀ - TẬP TẢN VĂN CỦA NGUYỄN AN BÌNH

 


GIỚI THIỆU TẬP TẢN VĂN MỚI CỦA NGUYỄN AN BÌNH
 ĐOM ĐÓM QUÊ NHÀ

  TẬP TẢN VĂN “ĐOM ĐÓM QUÊ NHÀ”  CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN AN BÌNH GỒM 28 BÀI TẢN VĂN, DÀY 208 TRANG. ĐÂY LÀ TÁC PHẨM THỨ 19 TRONG TỦ SÁCH TÌNH THƠ CỦA TÁC GIẢ, ĐƯỢC CẤP PHÉP BỞI NXB HỘI NHÀ VĂN, PHÁT HÀNH CUỐI THÁNG 06 NĂM 2024. GIÁ 120.000 ĐỒNG, LIÊN HỆ VỚI TÁC GIẢ, MIỄN SHIP. MONG THÂN HỮU TÌM ĐỌC VÀ ỦNG HỘ.








Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

VUỜN XƯA - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 



VƯỜN XƯA

Xao xác vườn xưa buồn lá đổ
Quanh vườn loan nhạt nắng hoang chiều.
Đâu đây rộn tiếng loài chim sẻ,
Mây lạnh chân trời, bóng tịch liêu.
Ngõ xưa thuở ấy nhiều hoa cỏ,
Nắng đẹp, ngày lên quyện gió lành.
Có tiếng chim Hồng lanh lảnh hót,
Bên tàn cổ thụ, một màu xanh.
Sắc hương vườn mẹ ngày xưa ấy,
Khúc hát tình ca rộn lối về.
Thửa ruộng, bờ dừa, con rạch nhỏ,
Bình yên xứ sở, đẹp trời quê.
Thế nhưng,
Cảnh ấy, ngày xưa ấy,
Cỏ dại, chiều hoang, lanh sắc màu.
Rêu dấu thời gian chìm phế tích,
Bây giờ, ai biết gì mai sau !


Houston (Tx) 22/6/2024
MẶC PHƯƠNG TỬ.

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

SÁU MƯƠI,BỐN MƯƠI,HAI MƯƠI - TRẦN HỮU NGƯ

 


SÁU MƯƠI
BỐN MƯƠI
HAI MƯƠI

TRẦN HỮU NGƯ

(Chồng già vợ trẻ thì tiên
Vợ già chồng trẻ hết duyên trên đời
Ví dầu chồng thấp vợ cao
Qua sông nước nước lớn, cõng tau bớ mày!
Ngày xưa cối giã vừa chày
Ngày nay cối nhỏ nhưng chày lại to!)
Nhạc sĩ Y Vân đã để lại cuộc đời này hai nhạc phẩm đáng được đưa vào “Văn hóa phi vật thể”: 60 NĂM và 20 40.
Ngày ấy hình như năm 1960, già, trẻ, lớn, bé… hể rảnh là đưa mông lắc Twist để quên chiến tranh:
“… Em ơi có bao nhiêu?
60 mươi năm cuộc đời
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năn sau, sầu thương cao vời vợi
20 năm cuối là bao
Ớ, là thế, đời sống không là bao
Ớ, là là bao, đời không lâu là thế
Ớ, được bao năm sống mà yêu nhau
Anh ơi có bao nhiêu?
60 năm cuộc đời
Khi xa anh rồi
Em biết thương yêu ai
Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời
Anh ơi ta sống là bao…”
(60 NĂM)




Và lắc đít, tung hứng trong nhạc phẩm 20 40:
“… Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời
Ngày anh bốn mươi, em cũng vừa đôi mươi
Tình đời nhiều lúc mỉa mai
Cuộc đời nhiều đắng nhiều cay, vui đó sầu đây
ĐK:
Khi em còn trong nôi, anh đã lo việc đời
Ôi, hai mươi năm u hoài
Đầu vừa điểm trang, gặp nhau thời duyên may
Ngờ đâu thời duyên may đã lỡ rồi
Lỡ tuổi lỡ thời
Đôi ta không xứng đôi
Ôi thôi chờ kiếp sau…”
Nghĩ mà thương Y Vân, ngày nay người ta sống đến cả 100 tuổi, còn 20 40 cũng không “nhằm nhò” gì ba cái thứ lẻ tẻ đó.
Nhạc sĩ ĐH có cô vợ trẻ hơn ông 44 tuổi!
Xin bái phục sư phụ.
Nhân chuyện này, tôi cũng xin đề nghị đưa vợ chồng nhạc sĩ ĐH vào “Văn hóa vật thể” Hi hi hi…


ÔNG GIÀ HỪNG ĐÔNG