CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

TÊN ĐƯỜNG TÊN CÂY - PHẠM CÔNG LUẬN

 



TÊN ĐƯỜNG TÊN CÂY

Thỉnh thoảng khi tìm hiểu về phố xá ở Sài Gòn hay Gia Định, tôi lại được những cư dân cũ cho biết về một con đường hay hẻm từng mang tên của loại cây trồng trên đó, tên được dùng phổ biến trong một khoảng thời gian dài.
Điều này gợi đến sự xum xuê cây cối ở thành phố Sài Gòn và vùng Gia Định bao quanh. Đây cũng là những ký ức cần thiết được giữ lại.
Ở Bình Thạnh, đường Lê Văn Duyệt từng có tên là đường Hàng Bàng. Đường Hồ Xuân Hương ngày xưa được gọi là đường Hàng Gòn. Đường Bạch Đằng từng được gọi là đường Hàng Sanh. Phía Bà Chiểu có hàng cây keo già nên có tên xóm Hàng Keo, bót Hàng Keo. Ở Phú Nhuận, đường Phan Đăng Lưu từng có tên là đường Hàng Sao, hẻm 270 Phan Đình Phùng ngày nay là hẻm Hàng Gòn, hẻm 132 Hoàng Văn Thụ ngày xưa là hẻm Hàng Dương. Ở quận 10, đường Nhật Tảo trước năm 1959 có tên là đường Da Bà Bầu (có người cho là trước có một cây Da lớn trên đường này và gần đó có một cái chợ bán nhiều trang phục dành cho bà bầu. Có người lại cho rằng có tên đó vì dưới gốc cây Da có một bà bầu ngồi bán nước giải khát. Cả hai đều là giả thuyết).
Trên quận 8, từ bến Phạm Thế Hiển đến Bình Chánh có một con đường xưa nhất của làng Hiệp Ân mà người dân gọi đó là đường Bông Sao. Theo Nguyễn Đình Tư, trước kia hai bên đường và phía trong sâu trồng nhiều cây sao để lấy gỗ đóng ghe làm phương tiện đi lại trên sông rạch. Đến mùa, cây sao ra bông không biết cơ man nào mà kể. Một cơn gió thổi qua, bông sao rời cành bay theo gió, lơ lửng trong không trung, một lát rồi mới rơi xuống đường dày đặc. Do đó người ta dùng hình ảnh bông sao để chỉ con đường này, lâu dần thành địa danh. Hiện nay Bông Sao là tên đường chính thức.
Ở quận Tân Phú, trong phường Hiệp Tân có đường mang tên chính thức là đường Cây Keo, xưa là con hẻm đã có tên đó vì bên đường có cây keo lớn sống lâu năm. Quận 8, từ đường Bình Đông đến đường Hoài Thanh có đường Cây Sung cũng từ con hẻm mà thành. Đường Gò Cẩm Đệm ở Tân Bình là cái tên có từ thời vua Gia Long. Nguyên xưa trên gò có cỏ thơm mọc dày đặc, mềm mại như trải đệm. Do đó dân địa phương gọi gò ấy là gò Cẩm Đệm, lâu thành địa danh. Đường Gò Dầu ở Tân Phú do nơi đây hồi xưa gò này có một cây dầu, dân chúng quen gọi đường Gò Dầu lâu ngày thành tên. (theo Nguyễn Đình Tư).
Không chỉ ở ngoại thành, hiện tượng này từng có ở những con đường nay là phố xá trung tâm. Đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay, cũng được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng. Đường Mạc Đỉnh Chi cũng được gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao. Ở phường Đa Kao, quận 1 có đường Cây Điệp là tên chính thức, gốc gác là hẻm Cây Điệp vì từng có một cây điệp lớn.
Sự phồn thịnh cây cối ở ngày xưa, cho dù có bị đốn bớt vì kế hoạch mở rộng thành phố sau năm 1954, vẫn đủ để gây cảm xúc cho các nhà văn nhà thơ. Họ nhắc về cây cối với sự trìu mến và tự hào.
Cách nay hơn 50 năm, tuần san Khởi Hành (số 3 ra tháng 5/1969) có sáng kiến mời sáu nhà văn tên tuổi viết về những điều mình nhớ nhất ở Sài Gòn. Trong số đó, tôi nhớ nhất bài của nhà văn Lê Xuyên. Ông chuyên viết về đời sống xã hội nhưng do gắn bó với thiên nhiên khi còn ở quê nhà, nên điều nhớ nhất của ông là… hàng me xanh đường Espagne.
Ông cho rằng tuy là dân Sài Gòn nhưng chẳng để ý đến một điều gì đặc biệt về Sài Gòn. Dù cư ngụ tại đây gần hai chục năm nay, ông vẫn thuộc vào loại dân Sài Gòn... cù lần nhất. Có khi trong cả mấy năm liền, chẳng có dịp nào rễu trên mấy con đường như Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,… Bất quá chỉ phóng vespa xẹt ngang qua là cùng. Ông tự hỏi: “Nói vậy Sài Gòn chẳng là gì cả đối với tôi sao?”
“Không, đầu óc tôi vẫn còn ghi đậm nét một hình ảnh của Sài Gòn. Một hình ảnh bé nhỏ mà tôi ghi nhận hồi tôi hãy còn... bé nhỏ trong lần đầu tiên tôi được “ông già” cho đi Sài Gòn và ngụ tại một khách sạn ở đường Espagne, tức là đường Lê Thánh Tôn bây giờ.
Dưới mắt một đứa bé nhà quê của thằng tôi lúc bấy giờ, cả Sài Gòn rộng lớn và huy hoàng như vậy mà tôi chỉ để ý đến hàng me xanh um của con đường Espagne, với tiếng lốc cốc leng keng của xe thổ mộ vào buổi sáng sớm.
Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu từ sao tôi lại nhớ dai cái hình ảnh chẳng có gì huy hoàng đó. Ngày nay, hàng mẹ, xe thổ mộ không còn nữa...
Và trong đôi dịp hiếm hoi thả rề trên con đường Lê Thánh Tôn, tôi vẫn ngẩn ngơ nhớ tiếc một cái gì. Chắc không hẳn chỉ là nhớ tiếc hàng me xanh um cùng tiếng lốc cốc leng keng của chiếc xe thổ mộ…”
Chúng ta nhìn thành phố này theo phương nằm ngang, nhìn xuống phố xá xe cộ từ trên lầu cao, nhìn xuống dòng sông từ bến Bạch Đằng hay từ một nhà hàng nổi trên sông, trong khi các nhà văn nhà thơ có cái nhìn khác, thơ mộng và giàu tưởng tượng, như nhà văn Mai Thảo. họ ngước nhìn lên những hàng cây và mơ mộng: “Thấy đại lộ Hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi, hai con đường mà như hai con thuyền, những ngọn cây là buồm đang chở dần từng chuyến một, cái gió Chương Dương Bạch Đằng mát lạnh hơi nước vào những khu phố bên trong. Thấy những ngọn điện và những hàng cây chụm đầu tâm sự” 
Trong một bài viết khác, Mai Thảo kể trong buổi tiếp tân tại tư thất một người bạn làm phóng viên cho nhiều hãng thông tấn quốc tế, một nữ phóng viên Gia Nã Đại (Canada) đã tươi cười trả lời khi ông hỏi cô về những vẻ đẹp hàng đầu đáng ghi nhớ nhất về Sài Gòn. Cô trả lời: “Thì đó, những cái đẹp tươi sáng một thành phố nhiệt đới, gần biển. Cái đẹp rực rỡ của những mái ngói đỏ chói, rười rượi của những bức tường nắng vàng. Cái nắng trên thành phố này vạm vỡ và nhảy múa. Bởi vậy mà Sài Gòn không phải là một thị trấn buồn rầu”. Rồi cô im lặng một giây, trả lời: “Đẹp nhất là mầu xanh. Phải, đẹp nhất là cái cõi lá xanh, bóng xanh đậm, nhạt, bát ngát của Sài Gòn. Đâu đâu ở đây, tôi cũng gặp những con đường mát lạnh dưới lá, những thảm cỏ ngon mắt, những hàng cây cao vút, những công viên um tùm. Ít có một kinh thành trên thế giới bây giờ còn giữ gìn được trên nó nhiều mầu xanh và nhiều cây cối như vậy. Anh không thấy sao?”. Mai Thảo nhận là mình đã thấy điều đó, nhưng rồi một nỗi lo xâm chiếm ông. Mặc dù đến giờ “Trên những con đường đi vào Chợ Lớn, khởi từ phía Ngã Bảy, vẫn những hàng cây cao vút xếp hàng. Sài Gòn còn hoa trên những gờ mái, còn lá trên những đầu cổng, và cổ phố của nhiều khu vực vẫn tươi xanh như thể cỏ đồng. Nhưng cái lưới xanh, cái thảm lục, cái mái biếc, cái vòm bóng mát bóng râm um tùm đậm đặc ấy đang ngày lại ngày thu nhỏ mãi lại. Loạt án tử hình thứ nhất đã đính vào thân cây. Những cõi xanh trên cành, những cõi xanh ngang trời, những vòm xanh trên đầu đang rụng xuống. Tan vỡ. Nức nở. Không phải là ở những cánh rừng biên giới, những mật khu sình lầy, những độc đạo hành quân, mà đã lan nhập vào đây, cái hiện tượng khai quang….” (Tuỳ bút Tử hình cho màu xanh). Chiến tranh tuy còn xa nhưng hạt li ti của chất thuốc khai quang đã bay tới thành phố và trước hết là làm tàn uá những cây lá như “đang đính dần từng bản án tử hình lên những mẩu xanh, những chất xanh, và những tính xanh hiền hậu”.
Cây xanh ở thành phố này vẫn còn trong ánh nhìn, trong tâm khảm chúng ta, trong sự hân hoan khi thấy chúng lên xanh tốt, trong đau xót khi có một hay nhiều cây bị đốn ngã... Đến nay, những loài cây từng trao tên cho một con đường không còn hiện hữu, những hàng cây được các nhà văn đã nhắc không chắc tồn tại. Cuộc giằng co giữ lấy màu xanh trên đầu ở Sài Gòn nắng lửa vẫn còn gay gắt và đã nếm trải nhiều nỗi thất vọng qua từng ngày.


PHẠM CÔNG LUẬN
Tranh: Lâm Nguyễn Kha Liêm trong cuốn Sài gòn ký ức rực rỡ (Tranh: Lâm Nguyễn Kha Liêm - Bài: Phạm Công Luận do Công ty sách Phương Nam xuất bản 2022) .

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

ÚT DIỄM - TỪ KẾ TƯỜNG

 




ÚT DIỄM
Vẫn là một buổi sáng se se lạnh của vùng đất ven biển phương nam. Tôi đã về đây khoảng một tuần để tận hưởng một mùa Giáng sinh thật yên tĩnh mà rất nhiều năm qua tôi đã phung phí niềm cô đơn hạnh phúc này. Buổi sáng sớm đi qua khu chợ quê, mùa cây trái đã tập trung về đây với đủ thứ màu sắc và không gian của một ngôi chợ mà ngày nhỏ, tắm đẵm trong hương đồng gió nội tuổi thơ xưa tôi đã chờ mẹ ở một góc chợ, thèm ăn một món bánh quê mà không có tiền. Trẻ con ngày xưa ở quê tôi không đứa nào có tiền, tôi thì không có tiền nhưng rất giàu trí tưởng tượng và ước mơ. Đi qua khu chợ xưa tôi luôn nhớ hình bóng tuổi thơ xưa của mình. Luôn luôn như thế, đơn giản vì nó là một ám ảnh. Và trước khu chợ là con đường rẽ trái về hướng ngôi chùa làng, chùa luôn đóng kính cổng, chỉ mở vào những ngày lễ hội. Tôi thường vào ngồi trong một góc quán cà phê và sực nhớ ra sao ít nghe tiếng chuông chùa vọng tới trong sương sớm hay lúc chiều buông xuống?
Quán cà phê ở quê, ngoài chuyện tới uống cà phê còn được nghe một cách không cố tình của những câu chuyện làng, chuyện xã. Nhưng thú vị nhất lại là câu chuyện xảy ra trong quán cà phê này. Đó là chuyện cô Diễm. Quán có ba cô gái: Út Hương là chủ quán, 25 tuổi, Út Diễm 20 tuổi và một cô út gì đó nữa tôi không biết tên, nhỏ hơn hai cô kia, khoảng 18 tuổi. Cả ba cô gái đều xinh đẹp, chân dài, vóc dáng như người mẫu. Út Diễm thường hay cười, có đôi mắt lá răm chết người mỗi khi tôi ghé quán đều pha ly cà phê sữa đá mang ra mà không cần hỏi tôi uống gì. Nếu tôi thắc mắc nói lỡ hôm nay anh uống cà phê đá mà không sữa thì sao? Út Diễm sẵn nụ cười, không chỉ trên đôi môi mọng đỏ, ươn ướt tự nhiên không thoa son mà còn rất nhí nhảnh trên đôi mắt lá răm bảo em biết anh sẽ không đổi ý. Rồi Út Diễm ngồi nói chuyện với tôi để chờ Út Hương ra thế vai. Bởi tôi là bạn của Út Hương chứ không phải của Út Diễm. Thông lệ của quán bạn của ai người đó tiếp.
Hôm nay tôi không thấy Út Diễm nên thắc mắc hỏi. Út Hương cười bảo Út Diễm nghỉ rồi, có chồng, nhưng cũng bỏ chồng ngay ngày đám cưới. Là sao? Út Hương kể: Út Diễm xin phép em nghỉ vì có chuyện gia đình, nghỉ mấy hôm thôi, nhưng sau không thấy đi làm lại. Em tìm hiểu mới biết Út Diễm bị gia đình ép gả cho một ông Việt kiều lớn hơn nó một con giáp, rất giàu nhưng Út Diễm không chịu, má Út Diễm lỡ mượn tiền của ông Việt kiều không trả nổi mà cũng có thể vì ham giàu nên ép gả con nên ngay sáng hôm ngày đám cưới Út Diễm bỏ nhà trốn mất. Cách đây mấy hôm Út Diễm có gọi cho em, bảo là đang ở thành phố, em hỏi nó trốn nhà đi với ai, Út Diễm không nói. Tôi bảo, còn đi với ai nữa, đi với người yêu thôi. Út Hương cười, khen tôi là đàn ông độc thân sao mà tâm lý thế. Tôi đùa chính vì tâm lý quá nên mới...độc thân tới giờ.
Chuyện của Út Diễm khá điển hình cho những cô gái trẻ đẹp ở nông thôn ngày nay. Bởi cha mẹ chỉ mong gả con cho người nước ngoài để được đổi đời, và hầu hết các cô gái đều hoan hỉ kiếm chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hoặc Việt kiều chứ không đợi cha mẹ gả ép. Nhưng riêng Út Diễm thì khác đoạn sau, cô đã chối bỏ giấc mơ giàu sang với chồng Việt kiều để trốn theo người yêu, có lẽ là một anh chàng sinh viên nghèo nào đó. Tôi rất mong như thế, chứ nếu lỡ chạy theo một anh trai làng rượu chè, đá gà, bài bạc hoặc tay giang hồ máu lạnh nào thì đời Út Diễm sẽ tàn.
Chuyện của Út Diễm nên buồn hay nên vui?



TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

DÂNG HIẾN - THƠ KHÊ KINH KHA

 


 DÂNG HIẾN

 

em yêu,

Nếu một ngày nào đó giấc mơ của anh và em là một

Anh sẽ bước đi bên em khi mặt trời lặn ở cuối chân trời

và ngắm nhìn những tia nắng muôn màu

trên đôi môi hồng của em mà anh mơ mộng mỗi đêm

 

Nếu một ngày nào đó anh có thể nắm bàn tay mềm mại và ấm áp của em

Anh sẽ đứng bên em vào một ngày đầy gió

để những giấc mơ yêu thương của anh quấn lấy mái tóc mượt mà của em

trên đôi vai em và cả trong tâm hồn anh

 

Nếu một ngày nào đó đời anh gắn liền đời em

Anh sẽ ngồi và nắm lấy bàn tay cánh sen của em

để tình yêu ấm áp của đôi ta quyện vào nhau

và cả đời anh ấm áp chìm đắm trong tình yêu em cả trăm ngàn năm

 

Nếu một ngày nào đó đôi ta chung bước trên đường đời 

Anh sẽ vòng tay ôm em, dìu em qua trăm năm

anh sẽ sống những khoảnh khắc hân hoan nồng cháy

trong đam mê với tháng ngày đầy hương tình em

 

Nếu một ngày nào đó cuộc sống đôi ta là một

anh sẽ mãi nồng nàn hôn đôi môi ngọt lịm của em

ôi nụ hôn dài hơn hơi thở của chúng ta

mà đôi ta khao khát trong tim bao tháng năm

 

Nếu một ngày nào đó em ngự giữa đời anh

hoa hạnh phúc sẽ nở khắp vườn đời anh                  

ôi khao khát một cuộc sống viên mãn

Dù có chết, anh vẫn hân hoan dâng hiến

bởi đời này anh đã trao tất cả cho em

bởi đời này anh dâng hiền trọn cho cưng

 

KHÊ KINH KHA

TA NGOẢNH LẠI , NẾU MAI NÀY - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 


TA NGOẢNH LẠI

Những con sóng
Xô vồn về phía trước
Những hoàng hôn
Lãng đãng phía sau ngày
Ta ngoảnh lại
Trời cuối đông mộng ước
Phím nhạc đời thu cũ đã tàn phai.
Màu dâu bể
Nét xưa gầy mòn mỏi
Vết thời gian
Hoa cỏ mộng thanh Tân
Ta ngoảnh lại
Trông phía đời, chấm hỏi?
Đã bao lần vá víu cuộc phù Vân!


NẾU MAI NÀY

Nếu mai này
Ta về chơi cõi khác
Chữ nghĩa trong thơ
Chảy tan tành vào kỷ niệm
Những suy tư phù phiếm
cũng tiêu ma!
Họa chăng
Còn có trong tiềm thức!
Sẽ hóa thân
vào hương cỏ, hương hoa .
Cơ may
Sẽ là
Những tặng phẩm dâng đời
Của ta !


California mạnh đông 2024
MẶC PHƯƠNG TỬ.

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ - NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

 




TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ


Dù bạn chưa từng đến Huế, nhưng hẳn đã từng nghe tiếng địa danh này qua hai câu hò quen thuộc:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Tiếng chuông Thiên Mụ được gióng lên từ cái đại hồng chung đúc bằng đồng vào năm 1710 của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675–1725) tặng cho chùa.  Chuông nặng gần 2000 kg, cao hai mét rưỡi, và được công nhận là bảo vật của quốc gia từ năm 2013.  Thật ra chùa Thiên Mụ có đến hai cái đại hồng chung.  Cái thứ nhì nhỏ hơn, nặng 400kg được vua Gia Long tặng.

Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng (1525– 1613) cho lệnh xây cất từ năm 1601.  Vua Tự Đức (1828-1883) có rất nhiều vợ nhưng không con nối dõi.  Năm 1862 đang lúc cầu tự, e ngại chữ thiên (nghĩa là trời) chạm đến các bậc thiêng liêng, vua cho đổi tên chùa thành Linh Mụ.

Lần đầu tiên có tiếng chuông Thiên Mụ chắc là phải sau năm 1710.  Không biết câu hò “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” được ai viết ra và từ bao giờ,  nhưng rất có thể, vị vua đầu tiên nhắc đến tiếng chuông Thiên Mụ là vua Thiệu Trị; bởi vì bài thơ “Thiên Mụ Chung Thanh” của vua Thiệu Trị được khắc trên bia đá và bia này được dựng lên từ năm 1846 hiện nay vẫn còn ở trong khuôn viên chùa. 

Bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ trên Wikipedia tiếng Việt có những câu như sau: 

[…]
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
[…]

Dịch là:

[…]
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia

[…]

Dựa vào bài thơ của vua Thiệu Trị, chuông được gióng lên 108 tiếng vào giữa trưa để giải tỏa 108 tội lỗi của con người.  Tôi đến xem chùa Thiên Mụ và tháp Phước Duyên, ở không đủ lâu, hoặc là không đủ duyên lành, không được nghe hồi chuông gióng giả.

Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên ngọn đồi cao tên Hà Khê.  Tương truyền, sau khi cha của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim bị quan nhà Trịnh dùng thuốc độc ám hại và anh ruột (Nguyễn Uông) bị Trịnh Kiểm giết chết, chúa Nguyễn biết là chúa Trịnh sẽ không để ông yên nên vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin tìm cách giúp thoát thân.  Ông được Trạng Trình tặng cho câu sấm “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân” có nghĩa là một dãy núi nằm ngang có thể làm chỗ nương thân muôn đời. Nguyễn Hoàng dẫn quân lấy cớ đi đánh giặc vượt Hoành sơn vào Thuận Hóa rồi bắt đầu xây dựng cơ đồ.  Khi đi ngang đồi Hà Khê bên cạnh dòng sông Hương uốn khúc, nhìn giống như con rồng đang ngoảnh đầu ra phía sau, phong cảnh vừa hữu tình vừa hợp phong thủy bèn chọn vùng đất này để xây thành dựng nước.  Kinh đô Huế chỉ cách chùa Thiên Mụ chừng 5 km.

Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây tháp Phước Duyên để mừng lễ “bát thọ” của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ vua Gia Long, bà nội vua Thiệu Trị).  Tháp Phước Duyên có bảy tầng, cao 21 mét, được đặt trên khoảng sân rộng hình thang.  Tương truyền mỗi tầng đều có tượng Phật, và đặt trên tầng cao nhất là tượng Phật bằng vàng nặng 12 kg.  Ngày nay cửa vào tháp được khóa kín không biết bên trong có còn tượng Phật cổ nào hay không.  Riêng tượng Phật bằng vàng tương truyền đã bị mất trộm vào tay một tên quan cầm quyền người Pháp.

Huế có nhiều chùa, nhiểu lăng tẩm không thua gì Kyoto của Nhật Bản. Nổi tiếng đẹp nhất Huế (và có lẽ nhất miền Nam lúc bấy giờ) là chùa Thiên Mụ. Chùa của vua xây, được nhiều vị vua đến tham quan, và đề thơ ca ngợi, không đẹp sao được.  Ngoài tấm bia khắc bài thơ của Thiệu Trị, còn bia khắc bài văn của chúa Nguyễn Phúc Chu, và một bài thơ của vua Khải Định vẫn còn ở chùa Thiên Mụ. Sau Thiên Mụ, chúa Nguyễn Hoàng còn cho xây thêm bốn ngôi chùa nữa.  Chúa dụng tâm dùng đạo Phật để trị an thiên hạ.  Có lẽ không ngoa khi bảo rằng vào triều đại nhà Nguyễn, Huế là cái nôi phát triển Phật giáo.

Có chùa thì phải có chuông và trống. Đó là lễ nhạc của Phật giáo.  Tiếng chuông chùa, đặc biệt là tiếng đại hồng chung, rất trầm ấm ngân nga, luôn gây cảm xúc trong lòng các nhà thơ từ xưa đến nay.


Bia khắc bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ của vua Thiệu Trị. Bia được dựng lên năm 1846. Trở thành bảo vật quốc gia năm 2013.
Huế nổi tiếng mưa. Những cơn mưa kéo dài hằng tháng đầy thơ mộng mà cũng buổn rũ rượi, xuất hiện rất nhiều trong văn thơ và nhạc.  “ Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai.”[1] Tuy vậy, tám ngày tôi ở Huế ngày nào cũng nắng đẹp.
Sông Hương nước chảy hiền hòa sóng lăn tăn vỗ về mạn thuyền hình đầu rồng cập bến trước chùa Thiên Mụ.  Phượng vỹ vẫn còn nở hoa rực rỡ như những đốm lửa cháy trên trời xanh. Mây trắng bồng bềnh như trôi ra từ câu thơ “bạch vân thiên tải không du du.”[2]

Tôi bỗng có cái cảm giác tôi đã từng gặp cảnh này ở đâu đó, vào một kiếp nào đó, rất xa xưa.  Năm 2005 tôi đã từng đến nơi này.  Một tấm ảnh cũ gần hai mươi năm trước có tôi tóc dài chấm ngang hông, bước dọc theo ven bờ sông Hương, bên trên là chùa Thiên Mụ. Nhưng cái cảm giác déjà vu không phải từ chuyến đi vội vã ấy. Lúc ấy tôi không kịp xem chùa và tháp đã phải vội vã xuống thuyền đi dọc sông Hương đến xem lăng của một vị vua nào đó.  Cái cảm giác déjà vu này cũng giống như lúc tôi ngẩn ngơ đứng bên cạnh dòng kênh ở thành phố Uji của Nhật.  Rồi tôi nhận ra cái cảm giác quen thuộc từ kiếp nào đó nằm trong mấy câu thơ.

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 (của Trương Kế)

Hình ảnh những chiếc thuyền rồng đưa khách trên sông Hương vào đêm trăng sáng với những câu hò mái đẩy và những bài ca Huế, cùng với tiếng chuông chùa lả lướt trên sông, quả là một hình ảnh đầy chất thơ dù tôi vẫn biết tiếng chuông Thiên Mụ được gióng lên vào buổi trưa chứ không phải nửa đêm như tiếng chuông chùa Hàn San ở bên ngoài thành Cô Tô.

Basho tự hỏi.  Tiếng chuông chùa có hay không có thật.

The temple bell stops—
but the sound keeps coming
out of the flowers.

Tiếng chuông chùa đã ngừng
Nhưng âm thanh vang mãi
Từ trong những đóa hoa

Trong khi thơ của Basho có chút bâng khuâng giữa cái thật và ảo tưởng, người đọc không cảm thấy nỗi buồn tiếng chuông chùa gợi lên như trong bài hát Việt.

Chiều tàn đêm buông xuống
Tiếng chuông chùa vang não nùng
Đâu tiếng Mẹ ru con
Chìm lắng êm bên rèm thưa.[3]

Hoặc gợi nhớ nhung một mối tình không còn nữa.

Tên ai còn tha thiết
Trong tiếng chuông chiều đưa[4]

Trở lại với tiếng chuông Thiên Mụ, tôi không khỏi tự hỏi vì sao nhà thơ khuyết danh nào đó đã viết câu thơ “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.” Câu thơ được dùng để đánh dấu thời gian, 108 tiếng chuông từ giữa ngọ ở chủa Thiên Mụ, và tiếng gà gáy sang canh ở làng Thọ Xương[5] ở bên kia sông?

Hay vì một lý do nào khác?  Ai biết?


NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

 Ngày 26 tháng 11 năm 2024


[1] Nhạc Minh Kỳ, thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

[2] Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu

[3] Dạ Tương Sầu –

[4] Vết Chim Bay – Phạm Thiên Thư

[5] Làng Long Thọ (còn gọi là Long Thọ Cương)

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

MẮC NỢ - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 



MẮC  NỢ  1 - 2  

1. 

 

Người đi mắc nợ…”Ngày Xưa”

Người đi mắc nợ nắng mưa… “Quê Nghèo”

Sông buồn tím ngắt cánh bèo

Lời ru xa vắng, gió reo, sóng tràn

Ngân Hà – Chức Nữ - Ngưu Lang

Quạt mo đổi chác, nghênh ngang Thằng Bờm

Được mùa lúa chín vàng ươm

Được mùa, canh cá, bát cơm tràn đầy

Cánh cò bay lạc tầng mây

Đàn trâu nhai cỏ, nằm đầy gốc me

Lành yên những buổi trưa hè

Sông dài in bóng lũy tre gió lồng

Hai sương, một nắng trên đồng

Dù cho mưa nắng vẫn không quản gì

Đất phèn theo bước Cha đi

Chân bùn, tay lấm không gì thở than

Ruộng đồng đâu quản gian nan

Đông về giá rét, chang chang nắng Hè

Tình quê ấm mái tranh che

Nép mình dưới bóng lũy tre xanh ngần…

 

 

2. 

 

Trăm năm Con Tạo xoay vần

Một đời hạnh phúc cũng ngần ấy thôi

Thơ rơi chén đắng rượu mời

Gió trăng còn đó, cuộc chơi vội tàn

Đọt tre đọng bóng trăng ngàn

Rạ rơm, sương khói quyện  tràn âu lo…

Bến sông vọng tiếng gọi đò

Để cho câu hát câu hò mênh mông

Còn tôi đứng với dòng sông

Nhìn câu thơ cũ lạc dòng lênh đênh

Chảy qua bao thác, bao ghềnh

Chỉ là trôi nổi bồng bềnh buông xuôi

Bãi sông của tuổi lên mười

Cho tôi ngụp lặn, nụ cười thân yêu…

Bóng quê… Bóng Mẹ xế chiều

Nhớ quê… Nhớ Mẹ, nhớ nhiều Mẹ ơi!

Con còn nỗi nhớ mù khơi

Mái tranh nghiêng cả một thời trở trăn

Chỉ là hoài niệm băn khoăn

Mắt xưa ghim vết dấu hằn chân chim…


             

              Nha Trang, tháng  12. 2024

                  LÊ KIM THƯỢNG