CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ - NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

 




TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ


Dù bạn chưa từng đến Huế, nhưng hẳn đã từng nghe tiếng địa danh này qua hai câu hò quen thuộc:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Tiếng chuông Thiên Mụ được gióng lên từ cái đại hồng chung đúc bằng đồng vào năm 1710 của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675–1725) tặng cho chùa.  Chuông nặng gần 2000 kg, cao hai mét rưỡi, và được công nhận là bảo vật của quốc gia từ năm 2013.  Thật ra chùa Thiên Mụ có đến hai cái đại hồng chung.  Cái thứ nhì nhỏ hơn, nặng 400kg được vua Gia Long tặng.

Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng (1525– 1613) cho lệnh xây cất từ năm 1601.  Vua Tự Đức (1828-1883) có rất nhiều vợ nhưng không con nối dõi.  Năm 1862 đang lúc cầu tự, e ngại chữ thiên (nghĩa là trời) chạm đến các bậc thiêng liêng, vua cho đổi tên chùa thành Linh Mụ.

Lần đầu tiên có tiếng chuông Thiên Mụ chắc là phải sau năm 1710.  Không biết câu hò “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” được ai viết ra và từ bao giờ,  nhưng rất có thể, vị vua đầu tiên nhắc đến tiếng chuông Thiên Mụ là vua Thiệu Trị; bởi vì bài thơ “Thiên Mụ Chung Thanh” của vua Thiệu Trị được khắc trên bia đá và bia này được dựng lên từ năm 1846 hiện nay vẫn còn ở trong khuôn viên chùa. 

Bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ trên Wikipedia tiếng Việt có những câu như sau: 

[…]
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
[…]

Dịch là:

[…]
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia

[…]

Dựa vào bài thơ của vua Thiệu Trị, chuông được gióng lên 108 tiếng vào giữa trưa để giải tỏa 108 tội lỗi của con người.  Tôi đến xem chùa Thiên Mụ và tháp Phước Duyên, ở không đủ lâu, hoặc là không đủ duyên lành, không được nghe hồi chuông gióng giả.

Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên ngọn đồi cao tên Hà Khê.  Tương truyền, sau khi cha của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim bị quan nhà Trịnh dùng thuốc độc ám hại và anh ruột (Nguyễn Uông) bị Trịnh Kiểm giết chết, chúa Nguyễn biết là chúa Trịnh sẽ không để ông yên nên vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin tìm cách giúp thoát thân.  Ông được Trạng Trình tặng cho câu sấm “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân” có nghĩa là một dãy núi nằm ngang có thể làm chỗ nương thân muôn đời. Nguyễn Hoàng dẫn quân lấy cớ đi đánh giặc vượt Hoành sơn vào Thuận Hóa rồi bắt đầu xây dựng cơ đồ.  Khi đi ngang đồi Hà Khê bên cạnh dòng sông Hương uốn khúc, nhìn giống như con rồng đang ngoảnh đầu ra phía sau, phong cảnh vừa hữu tình vừa hợp phong thủy bèn chọn vùng đất này để xây thành dựng nước.  Kinh đô Huế chỉ cách chùa Thiên Mụ chừng 5 km.

Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây tháp Phước Duyên để mừng lễ “bát thọ” của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ vua Gia Long, bà nội vua Thiệu Trị).  Tháp Phước Duyên có bảy tầng, cao 21 mét, được đặt trên khoảng sân rộng hình thang.  Tương truyền mỗi tầng đều có tượng Phật, và đặt trên tầng cao nhất là tượng Phật bằng vàng nặng 12 kg.  Ngày nay cửa vào tháp được khóa kín không biết bên trong có còn tượng Phật cổ nào hay không.  Riêng tượng Phật bằng vàng tương truyền đã bị mất trộm vào tay một tên quan cầm quyền người Pháp.

Huế có nhiều chùa, nhiểu lăng tẩm không thua gì Kyoto của Nhật Bản. Nổi tiếng đẹp nhất Huế (và có lẽ nhất miền Nam lúc bấy giờ) là chùa Thiên Mụ. Chùa của vua xây, được nhiều vị vua đến tham quan, và đề thơ ca ngợi, không đẹp sao được.  Ngoài tấm bia khắc bài thơ của Thiệu Trị, còn bia khắc bài văn của chúa Nguyễn Phúc Chu, và một bài thơ của vua Khải Định vẫn còn ở chùa Thiên Mụ. Sau Thiên Mụ, chúa Nguyễn Hoàng còn cho xây thêm bốn ngôi chùa nữa.  Chúa dụng tâm dùng đạo Phật để trị an thiên hạ.  Có lẽ không ngoa khi bảo rằng vào triều đại nhà Nguyễn, Huế là cái nôi phát triển Phật giáo.

Có chùa thì phải có chuông và trống. Đó là lễ nhạc của Phật giáo.  Tiếng chuông chùa, đặc biệt là tiếng đại hồng chung, rất trầm ấm ngân nga, luôn gây cảm xúc trong lòng các nhà thơ từ xưa đến nay.


Bia khắc bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ của vua Thiệu Trị. Bia được dựng lên năm 1846. Trở thành bảo vật quốc gia năm 2013.
Huế nổi tiếng mưa. Những cơn mưa kéo dài hằng tháng đầy thơ mộng mà cũng buổn rũ rượi, xuất hiện rất nhiều trong văn thơ và nhạc.  “ Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai.”[1] Tuy vậy, tám ngày tôi ở Huế ngày nào cũng nắng đẹp.
Sông Hương nước chảy hiền hòa sóng lăn tăn vỗ về mạn thuyền hình đầu rồng cập bến trước chùa Thiên Mụ.  Phượng vỹ vẫn còn nở hoa rực rỡ như những đốm lửa cháy trên trời xanh. Mây trắng bồng bềnh như trôi ra từ câu thơ “bạch vân thiên tải không du du.”[2]

Tôi bỗng có cái cảm giác tôi đã từng gặp cảnh này ở đâu đó, vào một kiếp nào đó, rất xa xưa.  Năm 2005 tôi đã từng đến nơi này.  Một tấm ảnh cũ gần hai mươi năm trước có tôi tóc dài chấm ngang hông, bước dọc theo ven bờ sông Hương, bên trên là chùa Thiên Mụ. Nhưng cái cảm giác déjà vu không phải từ chuyến đi vội vã ấy. Lúc ấy tôi không kịp xem chùa và tháp đã phải vội vã xuống thuyền đi dọc sông Hương đến xem lăng của một vị vua nào đó.  Cái cảm giác déjà vu này cũng giống như lúc tôi ngẩn ngơ đứng bên cạnh dòng kênh ở thành phố Uji của Nhật.  Rồi tôi nhận ra cái cảm giác quen thuộc từ kiếp nào đó nằm trong mấy câu thơ.

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 (của Trương Kế)

Hình ảnh những chiếc thuyền rồng đưa khách trên sông Hương vào đêm trăng sáng với những câu hò mái đẩy và những bài ca Huế, cùng với tiếng chuông chùa lả lướt trên sông, quả là một hình ảnh đầy chất thơ dù tôi vẫn biết tiếng chuông Thiên Mụ được gióng lên vào buổi trưa chứ không phải nửa đêm như tiếng chuông chùa Hàn San ở bên ngoài thành Cô Tô.

Basho tự hỏi.  Tiếng chuông chùa có hay không có thật.

The temple bell stops—
but the sound keeps coming
out of the flowers.

Tiếng chuông chùa đã ngừng
Nhưng âm thanh vang mãi
Từ trong những đóa hoa

Trong khi thơ của Basho có chút bâng khuâng giữa cái thật và ảo tưởng, người đọc không cảm thấy nỗi buồn tiếng chuông chùa gợi lên như trong bài hát Việt.

Chiều tàn đêm buông xuống
Tiếng chuông chùa vang não nùng
Đâu tiếng Mẹ ru con
Chìm lắng êm bên rèm thưa.[3]

Hoặc gợi nhớ nhung một mối tình không còn nữa.

Tên ai còn tha thiết
Trong tiếng chuông chiều đưa[4]

Trở lại với tiếng chuông Thiên Mụ, tôi không khỏi tự hỏi vì sao nhà thơ khuyết danh nào đó đã viết câu thơ “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.” Câu thơ được dùng để đánh dấu thời gian, 108 tiếng chuông từ giữa ngọ ở chủa Thiên Mụ, và tiếng gà gáy sang canh ở làng Thọ Xương[5] ở bên kia sông?

Hay vì một lý do nào khác?  Ai biết?


NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

 Ngày 26 tháng 11 năm 2024


[1] Nhạc Minh Kỳ, thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

[2] Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu

[3] Dạ Tương Sầu –

[4] Vết Chim Bay – Phạm Thiên Thư

[5] Làng Long Thọ (còn gọi là Long Thọ Cương)

Không có nhận xét nào: