TÊN ĐƯỜNG TÊN CÂY
Thỉnh thoảng khi tìm hiểu về phố xá ở Sài Gòn hay Gia Định, tôi lại được những cư dân cũ cho biết về một con đường hay hẻm từng mang tên của loại cây trồng trên đó, tên được dùng phổ biến trong một khoảng thời gian dài.
Điều này gợi đến sự xum xuê cây cối ở thành phố Sài Gòn và vùng Gia Định bao quanh. Đây cũng là những ký ức cần thiết được giữ lại.
Ở Bình Thạnh, đường Lê Văn Duyệt từng có tên là đường Hàng Bàng. Đường Hồ Xuân Hương ngày xưa được gọi là đường Hàng Gòn. Đường Bạch Đằng từng được gọi là đường Hàng Sanh. Phía Bà Chiểu có hàng cây keo già nên có tên xóm Hàng Keo, bót Hàng Keo. Ở Phú Nhuận, đường Phan Đăng Lưu từng có tên là đường Hàng Sao, hẻm 270 Phan Đình Phùng ngày nay là hẻm Hàng Gòn, hẻm 132 Hoàng Văn Thụ ngày xưa là hẻm Hàng Dương. Ở quận 10, đường Nhật Tảo trước năm 1959 có tên là đường Da Bà Bầu (có người cho là trước có một cây Da lớn trên đường này và gần đó có một cái chợ bán nhiều trang phục dành cho bà bầu. Có người lại cho rằng có tên đó vì dưới gốc cây Da có một bà bầu ngồi bán nước giải khát. Cả hai đều là giả thuyết).
Trên quận 8, từ bến Phạm Thế Hiển đến Bình Chánh có một con đường xưa nhất của làng Hiệp Ân mà người dân gọi đó là đường Bông Sao. Theo Nguyễn Đình Tư, trước kia hai bên đường và phía trong sâu trồng nhiều cây sao để lấy gỗ đóng ghe làm phương tiện đi lại trên sông rạch. Đến mùa, cây sao ra bông không biết cơ man nào mà kể. Một cơn gió thổi qua, bông sao rời cành bay theo gió, lơ lửng trong không trung, một lát rồi mới rơi xuống đường dày đặc. Do đó người ta dùng hình ảnh bông sao để chỉ con đường này, lâu dần thành địa danh. Hiện nay Bông Sao là tên đường chính thức.
Ở quận Tân Phú, trong phường Hiệp Tân có đường mang tên chính thức là đường Cây Keo, xưa là con hẻm đã có tên đó vì bên đường có cây keo lớn sống lâu năm. Quận 8, từ đường Bình Đông đến đường Hoài Thanh có đường Cây Sung cũng từ con hẻm mà thành. Đường Gò Cẩm Đệm ở Tân Bình là cái tên có từ thời vua Gia Long. Nguyên xưa trên gò có cỏ thơm mọc dày đặc, mềm mại như trải đệm. Do đó dân địa phương gọi gò ấy là gò Cẩm Đệm, lâu thành địa danh. Đường Gò Dầu ở Tân Phú do nơi đây hồi xưa gò này có một cây dầu, dân chúng quen gọi đường Gò Dầu lâu ngày thành tên. (theo Nguyễn Đình Tư).
Không chỉ ở ngoại thành, hiện tượng này từng có ở những con đường nay là phố xá trung tâm. Đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay, cũng được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng. Đường Mạc Đỉnh Chi cũng được gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao. Ở phường Đa Kao, quận 1 có đường Cây Điệp là tên chính thức, gốc gác là hẻm Cây Điệp vì từng có một cây điệp lớn.
Sự phồn thịnh cây cối ở ngày xưa, cho dù có bị đốn bớt vì kế hoạch mở rộng thành phố sau năm 1954, vẫn đủ để gây cảm xúc cho các nhà văn nhà thơ. Họ nhắc về cây cối với sự trìu mến và tự hào.
Cách nay hơn 50 năm, tuần san Khởi Hành (số 3 ra tháng 5/1969) có sáng kiến mời sáu nhà văn tên tuổi viết về những điều mình nhớ nhất ở Sài Gòn. Trong số đó, tôi nhớ nhất bài của nhà văn Lê Xuyên. Ông chuyên viết về đời sống xã hội nhưng do gắn bó với thiên nhiên khi còn ở quê nhà, nên điều nhớ nhất của ông là… hàng me xanh đường Espagne.
Ông cho rằng tuy là dân Sài Gòn nhưng chẳng để ý đến một điều gì đặc biệt về Sài Gòn. Dù cư ngụ tại đây gần hai chục năm nay, ông vẫn thuộc vào loại dân Sài Gòn... cù lần nhất. Có khi trong cả mấy năm liền, chẳng có dịp nào rễu trên mấy con đường như Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,… Bất quá chỉ phóng vespa xẹt ngang qua là cùng. Ông tự hỏi: “Nói vậy Sài Gòn chẳng là gì cả đối với tôi sao?”
“Không, đầu óc tôi vẫn còn ghi đậm nét một hình ảnh của Sài Gòn. Một hình ảnh bé nhỏ mà tôi ghi nhận hồi tôi hãy còn... bé nhỏ trong lần đầu tiên tôi được “ông già” cho đi Sài Gòn và ngụ tại một khách sạn ở đường Espagne, tức là đường Lê Thánh Tôn bây giờ.
Dưới mắt một đứa bé nhà quê của thằng tôi lúc bấy giờ, cả Sài Gòn rộng lớn và huy hoàng như vậy mà tôi chỉ để ý đến hàng me xanh um của con đường Espagne, với tiếng lốc cốc leng keng của xe thổ mộ vào buổi sáng sớm.
Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu từ sao tôi lại nhớ dai cái hình ảnh chẳng có gì huy hoàng đó. Ngày nay, hàng mẹ, xe thổ mộ không còn nữa...
Và trong đôi dịp hiếm hoi thả rề trên con đường Lê Thánh Tôn, tôi vẫn ngẩn ngơ nhớ tiếc một cái gì. Chắc không hẳn chỉ là nhớ tiếc hàng me xanh um cùng tiếng lốc cốc leng keng của chiếc xe thổ mộ…”
Chúng ta nhìn thành phố này theo phương nằm ngang, nhìn xuống phố xá xe cộ từ trên lầu cao, nhìn xuống dòng sông từ bến Bạch Đằng hay từ một nhà hàng nổi trên sông, trong khi các nhà văn nhà thơ có cái nhìn khác, thơ mộng và giàu tưởng tượng, như nhà văn Mai Thảo. họ ngước nhìn lên những hàng cây và mơ mộng: “Thấy đại lộ Hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi, hai con đường mà như hai con thuyền, những ngọn cây là buồm đang chở dần từng chuyến một, cái gió Chương Dương Bạch Đằng mát lạnh hơi nước vào những khu phố bên trong. Thấy những ngọn điện và những hàng cây chụm đầu tâm sự”
Trong một bài viết khác, Mai Thảo kể trong buổi tiếp tân tại tư thất một người bạn làm phóng viên cho nhiều hãng thông tấn quốc tế, một nữ phóng viên Gia Nã Đại (Canada) đã tươi cười trả lời khi ông hỏi cô về những vẻ đẹp hàng đầu đáng ghi nhớ nhất về Sài Gòn. Cô trả lời: “Thì đó, những cái đẹp tươi sáng một thành phố nhiệt đới, gần biển. Cái đẹp rực rỡ của những mái ngói đỏ chói, rười rượi của những bức tường nắng vàng. Cái nắng trên thành phố này vạm vỡ và nhảy múa. Bởi vậy mà Sài Gòn không phải là một thị trấn buồn rầu”. Rồi cô im lặng một giây, trả lời: “Đẹp nhất là mầu xanh. Phải, đẹp nhất là cái cõi lá xanh, bóng xanh đậm, nhạt, bát ngát của Sài Gòn. Đâu đâu ở đây, tôi cũng gặp những con đường mát lạnh dưới lá, những thảm cỏ ngon mắt, những hàng cây cao vút, những công viên um tùm. Ít có một kinh thành trên thế giới bây giờ còn giữ gìn được trên nó nhiều mầu xanh và nhiều cây cối như vậy. Anh không thấy sao?”. Mai Thảo nhận là mình đã thấy điều đó, nhưng rồi một nỗi lo xâm chiếm ông. Mặc dù đến giờ “Trên những con đường đi vào Chợ Lớn, khởi từ phía Ngã Bảy, vẫn những hàng cây cao vút xếp hàng. Sài Gòn còn hoa trên những gờ mái, còn lá trên những đầu cổng, và cổ phố của nhiều khu vực vẫn tươi xanh như thể cỏ đồng. Nhưng cái lưới xanh, cái thảm lục, cái mái biếc, cái vòm bóng mát bóng râm um tùm đậm đặc ấy đang ngày lại ngày thu nhỏ mãi lại. Loạt án tử hình thứ nhất đã đính vào thân cây. Những cõi xanh trên cành, những cõi xanh ngang trời, những vòm xanh trên đầu đang rụng xuống. Tan vỡ. Nức nở. Không phải là ở những cánh rừng biên giới, những mật khu sình lầy, những độc đạo hành quân, mà đã lan nhập vào đây, cái hiện tượng khai quang….” (Tuỳ bút Tử hình cho màu xanh). Chiến tranh tuy còn xa nhưng hạt li ti của chất thuốc khai quang đã bay tới thành phố và trước hết là làm tàn uá những cây lá như “đang đính dần từng bản án tử hình lên những mẩu xanh, những chất xanh, và những tính xanh hiền hậu”.
Cây xanh ở thành phố này vẫn còn trong ánh nhìn, trong tâm khảm chúng ta, trong sự hân hoan khi thấy chúng lên xanh tốt, trong đau xót khi có một hay nhiều cây bị đốn ngã... Đến nay, những loài cây từng trao tên cho một con đường không còn hiện hữu, những hàng cây được các nhà văn đã nhắc không chắc tồn tại. Cuộc giằng co giữ lấy màu xanh trên đầu ở Sài Gòn nắng lửa vẫn còn gay gắt và đã nếm trải nhiều nỗi thất vọng qua từng ngày.
PHẠM CÔNG LUẬN
Tranh: Lâm Nguyễn Kha Liêm trong cuốn Sài gòn ký ức rực rỡ (Tranh: Lâm Nguyễn Kha Liêm - Bài: Phạm Công Luận do Công ty sách Phương Nam xuất bản 2022) .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét