BÁNH KHÚC CÂY
(YULE LOG / BUCHE DE NOEL)
Ngót 60 năm qua, mỗi năm cứ đến dịp Giáng Sinh tôi lại nhớ tới miếng bánh buýt, Tây gọi là Buche de Noel, là món tráng miệng truyền thống của Pháp vào thế kỷ XIX, mang ý nghĩa xua tan cái lạnh và bóng tối để chào đón đầu năm mới. Bánh buýt hay bánh khúc cây, Anh gọi là Yule log, thường được làm vào mỗi dịp Giáng Sinh có hình dáng một khúc gỗ thông với lớp vỏ nâu sần sùi. Để hấp dẫn hơn người ta trang trí trên mặt bánh các nhánh thông, lá ô rô, tượng ông già Noel, bầy tuần lộc... Công thức chẳng có gì lạ, gồm bột mì, kem, vani, muối, đường, sữa, trứng, chocola.
Mặc dù hồi nhỏ tôi theo học chương trình Pháp, nhưng thú thiệt là phải đến năm mười tám tuổi anh nhà quê miền Trung thương nhớ tôi mới có dịp nghe đến tên, nhìn tận mắt và nếm tận miệng miếng bánh khúc cây thơm ngon, đậm đà, hấp dẫn, bắt mắt ra làm sao.
Đặc biệt, bánh buýt truyền thống nổi tiếng của nước Phú-Lang-Sa này được làm ra từ tay một cô gái sông Hương trẻ trung, xinh đẹp, có giọng hát truyền cảm, ưa chuộng văn chương nghệ thuật mà tôi không hề quen biết cô trước đó cho tới tận ngày nay cũng… không quen biết luôn..
Chính vì thế mà từ khi anh bạn thơ - mặc kệ tôi có khua tay từ chối- vẫn kèo nèo, lôi kéo tôi cho bằng được tới nhà cô thưởng thức buổi văn nghệ Giáng Sinh. Tôi vẫn còn nhớ từ lúc bước chân vào nhà cô cho đến lúc tàn tiệc ra về, cô - con một gia đình giàu có - vì năng lui tới tiếp khách, hầu như cô không hề biết có mặt của tôi hay không. Mà cũng phải. Từ lúc bận rộn, ăn uống, vui chơi cho đến lúc hát hò, cô và bạn bè cô (chừng bảy, tám chục người) ngồi quanh có vẻ không để ý đến tôi, và như thế tự nhiên tôi trở thành một anh chàng vô duyên, vô danh và cô độc giữa đám đông. Cho nên giữa cái "văn hóa của một nhóm người" tôi trở thành một "biểu tượng của văn hóa thầm lặng". Nhìn cô lăng xăng ra vào tiếp khách, làm bếp tôi hiểu cô không hề cố ý lơ là hay điệu bộ gì, mà vì lúc đó ai bước chân vô nhà, cô đều coi là bạn bè, là khách chung chung, đồng trang lứa với cô mà thôi. Đơn giản chỉ có rứa.
Chuyện mới đó thoáng một cái đã trên 60 năm tôi chỉ còn nhớ mang máng tên cô là Như mà không nhớ cái gì Như. Nhưng miếng bánh buýt tự tay cô làm và gương mặt đằm thắm như đóa lan rừng pha chút sương lạnh của miền sông Hương núi Ngự của cô thì tôi nhớ hoài. Mái tóc cô bềnh bồng, đôi môi cô gợi cảm, nhất là cặp mắt đẹp mà buồn vời vợi nên cái nhìn thường mơ hồ, lãng đãng, hờ hững, xa xăm.
Khi chương trình văn nghệ bắt đầu, đèn điện tắt hết, thay vào đó là những ngọn nến được thắp lên lung linh tạo cho bầu không khí trở nên ấm áp hơn, thân mật hơn. Đươc biết những ca khúc do cô và bạn bè cô trình bày đều là tình ca. Những bản tình ca muôn thuở của những nhạc sĩ miền Nam gạo cội Điều làm tôi ngạc nhiên thích thú nhận thấy khi tiếng đàn nổi lên (chỉ một cây đàn thùng mà thôi) mọi người đều im lặng lắng nghe. Dường như mọi thứ đang chậm lại, chờn vờn, mờ ảo. Không gian yên tĩnh, phảng phất hương thơm làm cho tiếng đàn, tiếng hát lúc trầm lúc bổng như quyện vào nhau, như trôi đi.
Ngay từ khi cô cất tiếng hát, tôi nhận ra ngay cô có một làn hơi phong phú. Cô không phải là ca sĩ hạng A,B,C hay hạng gì nhưng cái giọng đằm thắm truyền cảm và cách diễn đạt của cô rất lãng mạn, gây chú ý cho mọi người. Những bản tình ca từ đôi môi những bạn hát cứ lần lượt cất lên và trôi đi. Trong dòng suối nhạc trữ tình đó, tôi như cảm nhận được ngoài kia một màu trắng lạnh lẽo nhưng tinh khiết và trầm lắng của thiên sứ khẽ đập cánh bay lên. Có tiếng chuông nhà thờ Chánh Tòa lan xa trong đêm thánh vô cùng.
Chắc ai cũng nhận ra điều này: Là người thực sự biết thưởng ngoạn, người ta thường thả hồn tận hưởng cái bản sắc trữ tình, nồng nàn, uyển chuyển và sâu sắc của nghệ thuật âm nhạc. Tôi cũng vậy. Đang im lặng hết lòng thưởng thức các giọng ca, đến lượt cô trở lại bỗng nhiên cô không tuyên bố một lời nào mà hát một lúc hai bản nhạc của... tôi làm tôi giựt mình. Phản ứng tự nhiên là tôi kín đáo liếc mắt nhìn quanh rồi thở phào nhẹ nhõm, yên chí không thấy ai thèm dòm mình là biết chẳng ai nhận ra tác giả. Ngay cả anh bạn thơ cũng biến đi đâu không biết. Thật là may. Lúc đó tự nhiên tôi... thương cô quá chừng. Giữa căn phòng lung linh ánh nến, cô đứng trước mặt tôi, say sưa hát nhạc của tôi mà chẳng hề biết tôi đang ngồi nghe cô hát.
"Khi ôm đàn mơ màng tôi nghe như. Một câu thơ trong hồn ra đứng mơ. Em và tôi ôm đàn trăng tan vào trong câu tình ca…" (Ngày Sinh Của Đóa)
" Tôi là câu thơ nhớ em về. Mang hồn đời tha thiết tôi chảy qua. Con đườg đi tới câu hát năm nào tưởng xưa. Vẫn còn nghe rất quen giữa đôi môi hồng hoa…" (Tôi là Câu Thơ)
Cho đến bây giờ, dù cô cũng không còn trẻ nữa nhưng tôi mong cô vẫn còn ca hát ở đâu đó trên đời này. Có điều, tôi chắc chắn một điều là cho đến bây giờ cô vẫn không thể ngờ rằng đêm văn nghệ năm xưa hát những tình khúc của tôi cô không hề biết tôi có mặt ở đó.
Ngày nay cũng như cái ngày xưa xa lơ xa lắc mà tuyệt vời đó, tôi vẫn ôm trong lòng một mối duyên văn nghệ không hẹn mà chứa chan hạnh phúc của hạnh ngộ. Dù hạnh ngộ… một chiều song tôi vẫn ôm ghì tiếng hát của cô để hôm nay tôi mới có dịp chia sẻ trong câu chuyện muộn màng này.
"Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt. Hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa". Nhà văn Ernest Hemingway đã từng hứng chịu nhiều đau khổ mới nhận chân được điều này. Hoan hô ông.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét