CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO - PHIẾM LUẬN CỦA NHÃ MY





Kết quả hình ảnh cho ẢNH BÉ GAI MẶC ÁO DÀI




TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO

         Ai cũng biết cái áo là vật để che thân . Không biết nó xuất hiện từ lúc  nào , nhưng kể từ khi con người biết tìm cái gì đó để che thân thì nó ra đời . Đầu tiên nó '' nghèo '' lắm , chỉ tạm bợ ít oi để che phần nhạy cảm cuả phụ nữ , (đàn ông thì không cần thiết lắm ), rồi từ từ theo thời gian văn minh tiến hóa , vật chất đầy đủ hơn nó cũng biến thể thành nhiều kiểu cách thời trang khéo léo, hấp dẫn ,sang trọng như bây giờ. Mà thật ra để che thân thì phải xài luôn cả cái quần cho đủ bộ , vậy mà cái áo lại được nói đến nhiều hơn ở trong văn chương, âm nhạc , hội họa mới là kỳ và thú vị.
            Hình ảnh cái áo lưu lại trong văn chương Việt Nam ta thì nhiều lắm , đầu tiên xin điểm qua chiếc áo đã đi vào ca dao , rồi đựoc cải biên thành điệụ hát . Cái áo huê tình thật dễ thương nó như thế này :
''Thương (yêu ) nhau cởi áo cho nhau
.Về nhà dối mẹ (mẹ hỏi ) qua cầu gió bay ''
Thử ''tán '' rộng ra một chút cho vui nhé: cái áo ở đây chắc  là áo của người nam (chàng trai) tặng cho người nữ (cô gái ) và nó xuất thân từ ngày  xa xưa  lắm,lúc xã hội còn nghèo , chưa có vải màu , vải hoa và may nhiều kiểu cách , đơn giản nó là một cái áo ''bà ba'' màu gì đó (trắng , đen , chàm , nâu chẳng hạn ) mà cả nam và nữ đều có thể mặc được , chỉ là kiểu may , kích thước hơi sai xích một ít thôi. Người con trai không có '' của làm tin'' nên đã cởi chiếc áo đang mặc tặng cho người mình thương yêu , chàng bèn để mình trần về nhà và nói dối với mẹ là '' qua cầu , gió bay''. Đương nhiên là chàng nói dối khó ai tin , bởi áo mặc phải cài khuy nút, gió làm sao mà bay được! . Ta cũng có thể tưởng tượng thêm vài hình ảnh thơ mộng khác là họ đứng ở bờ sông (hay con rạch ) , sau phút tâm tình, chàng can đảm và chắc nịch với mối tình muốn bày tỏ cùng nàng nên dù chỉ có chiếc áo tùy thân đang mặc cũng cởi phắt ra trao tuốt cho nàng . Chàng qua cầu về nhà , nàng cũng trở về (không biết có cùng qua cầu chung một đoạn đường nữa hay không ) , chàng thì  đã có sẵn cách nói dối (khó tin !) , còn nàng ? Thương quá đi , phận nữ nhi thời đó  làm sao dám công khai mặc áo cuả chàng hoặc đi khoe áo , chắc là chiếc áo đó sẽ được đem cất kỹ (và len lén ngửi mùi chàng !) . Rồi họ có thành đôi không , dù chưa chắc chắn nhưng mối tình '' trao áo '' thì thật là đẹp , đơn giản , thực tế , chất phát , chân tình .!
Còn thêm chàng trai quê khác, có chiếc áo (giả vờ hay cố ý ) bỏ quên để ướm thử cô nàng:
" Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen''( ôi ! cành sen nó mỏng manh mềm mại thế kia , làm sao mà chàng máng áo lên được , chẳng qua là mượn cớ để hỏi chuyện thôi mà )
- "Em được thì cho anh xin " (nếu em đã có người rồi )
"Hay là em để làm tin trong nhà " (ướm hỏi trao tình )
" Áo anh sứt chỉ đường tà (ồ , thì ra chỉ là một chiếc áo rách !)
Vợ anh chưa có , mẹ già chưa khâu ( vì hoàn cảnh ....)
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Nay mượn cô ấy về khâu cho cùng ( cô ấy =đằng ấy tiếng gọi thân mật  )
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò, (kể một lô lễ vật mà ai cũng hiểu là để rước nàng về dinh )
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.   ''

Mối tình '' ướm áo '' này cũng đẹp lắm , đơn giản , không kiểu cách màu mè tán tỉnh lơ mơ mà đi ngay vào thực tế , chân chất hiền hòa như tình cảm đôi bên ( nếu áo có thật và nàng trả áo thì thôi có gì để nói , nhưng chắc là  đoán biết nàng không  có áo để trả  nên chàng mới can đảm tỏ( rõ ) tình mình như thế! Chân quê , khôn khéo quá ! Tình tứ quá !
Đó là hai chiếc áo cuả người bình dân mộc mạc trong văn chương truyền khẩu , còn thi sĩ '' tình yêu'' Nguyên Sa thì :
''Nắng SaiGon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo luạ Hà Đông''
Một chiếc áo lụa tình cờ của ai đó đang mặc trên hè phố đã làm chàng thi sĩ đọng lòng khi nhớ về tà áo thời quá khứ của quê hương xa cách để rồi :
''Anh vẫn yêu tà áo ấy vô cùng ( cuả người yêu cũ )
Thơ anh vẫn còn  nguyên  lụa trắng '' (đẹp lưu luyến đến thẫn thờ !)
Tà áo cũng được chàng thi sĩ nhuộm thêm màu sắc  rất đẹp và so sánh với hoa , với lá :
''Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường '' (nàng ở đây hẳn là cô giáo hay sinh viên trường đại học mới mặc áo (dài ) màu chứ không phải tà áo trắng nữ sinh , tà áo màu rất đẹp  của thơ tình lảng mạn đầy thi vị )...
À quên , tôi cũng phải nói thêm  tà áo trong ca từ đẹp lãng mạn đã làm say đắm nhiều người cuả  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa chứ :
''Gọi nắng
Trên vai em gầy đường xa áo bay...''
....
''Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.''
...
''Aó em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này ''


Hay chiếc áo (đúng hơn là một bộ đồ) của cô giáo tên Lan , vợ bé  thầy giáo Hương  ,sau là ông cò quận 8(thời đó đô thành SG mới có 7 quận ) trong tuồng cải lương'' Tuyệt Tình Ca'' đã từng lấy nước mắt nhiều người trước năm 75 ở miền Nam : bộ đồ mà bà giáo chung tình đã cất giữ suốt 18 năm dài  khi chồng bỏ đi về với vợ lớn , cho tới khi đôi mắt đã mờ không còn trông thấy được , chỉ để ngửi hơi hám của cố nhân !Và chính mùi hơi thân thiết đó  (cuả bộ áo ) đã in sâu vào tâm khảm người vợ có thân phận đáng thương để rồi  trong lần gặp lại sau thời gian dài đằng đẵng cách xa , tuy không nhận ra giọng nói , mà đã nhận được hơi người !
 Và còn , còn rất nhiều nữa ,ta cũng đã bắt gặp biết bao tà áo khác xinh đẹp rộn ràng , dịu dàng đầy sắc màu  mộng mơ ,  yêu kiều , mến thương  ở nhiều bài khác trong thơ và nhạc, nghĩa là Áo cũng là đề tài trong các đề tài thu hút sự sáng tác của thi , nhạc sĩ    ...
Nhã My tui , làm thơ (dở ẹt ) chỉ để mua vui , thật không dám phạm thượng và khoe khoang những ''chiếc áo'' trong nhiều bài thơ  của mình  bên cạnh tiền nhân lỗi lạc , nhưng cũng có ''tà áo trắng '' của cô học trò ngây ngơ , đỏng đảnh :
"Ngày lại ngày trôi qua
Em khoe tà áo mỏng
Trắng cả trời ban trưa
Gió lùa trêu khóm lá
Anh nghe hồn đong đưa..."

Cái tà áo mỏng tí ti này (làm từ năm 19 tuổi ) đã hân hạnh được thi sĩ tiền bối Nguyễn Khôi và  nhà văn Lê Ngọc Trác đã nhắc tới ! ( ôi thật là cảm kích !)
Và có cái áo nữa của tui  (làm  năm 2011 lấy ý từ câu ca dao '' cởi áo cho nhau " thì nó không có gói bọc được  tình yêu trọn vẹn mà  '' ngậm ngùi'' như thế này:
"Ngậm ngùi khúc vọng cổ xưa
Bên bờ lau lách gió đưa cung sầu
Tiếng thương tí tách giọt ngâu
Tiếng buồn chợt nhớ '' qua cầu gió bay''
Dối cha giấu mẹ bao ngày
Ngậm ngùi
Tiếc áo
Đã bay theo người !"
 (Áo này là áo mua hoặc may để tặng và người ở đây là nam hay nữ gì cũng được hii bởi vì  là thơ , là sản phẩm cuả trí , tình trong tưởng tượng !)

           Chúng ta đã điểm qua những chiếc áo trong tình cảm thơ văn (tưởng tượng) , còn chiếc áo trong thực tế đời sống ? Tôi  dám chắc là không có ai trong chúng ta trong đời mà chưa có lần nào được nhận áo hay tặng áo. Hồi nhỏ , lúc còn nghèo , trẻ con ắt đứa nào cũng mong tết đến để được bố mẹ may cho áo mới , áo đẹp để mặc đi chơi , đi khoe . Lên thời trung học , mấy cô bé nữ sinh đố đứa nào khỏi suýt xoa , vui mừng hoặc đôi chút ngỡ ngàng khi (lần đầu tiên soi gương ) được mặc chiếc áo dài màu trắng tinh khôi mà mẹ  , chị đã sắm cho. Rồi thời '' bao cấp '' chắc cũng có nhiều người rưng rưng cảm động khi nhận được chiếc áo cũ hay thầy,cô giáo (nghèo ) cảm động khi nhận được xấp vải  (mà học trò nhiều đứa đã hùn tiền mua tặng để biết ơn thầy cô trong ngày lễ  Nhà Giáo ) để may chiếc áo mới mặc cho lịch sự , tươm tất hơn.
Tôi thật sự không muốn nói chuyện buồn khi thình lình người vợ  nhận chiếc áo tang của chồng  trong thời chiến tranh hay khi gia đình có người thân quá cố nhưng làm sao mà tránh được những chiếc áo tang thương đó .







Riêng cá nhân tôi , tuổi nhỏ và lớn lên trong đầy đủ ,vậy mà cũng vô cùng mừng vui , cảm động khi lưu lạc xứ người , nhận được những chiếc áo cũ phân phát từ trung tâm từ thiện .Những chiếc áo không đẹp lắm , không khít khao vừa vặn nhưng nó thật là quí ở thời điểm cần thiết , để tiết kiệm tiền mua sắm và hạnh phúc hơn khi nhận được tấm lòng từ những con người xa lạ.
Rồi qua thời gian làm việc , kiếm tiền và sinh sống trong xã hội thực dụng và đầy đủ vật chất , nói không ngoa, mỗi người phụ nữ ở đây ít nhứt cũng đã sắm từ vài chục tới vài trăm cái áo (không phải những thương hiệu  với giá khủng tiền )Áo (quần ) thì phải mặc theo thời tiết từng mùa ,hè qua , đông đến , cứ lần lượt đem cất vì không mặc được. Cứ bảo để sang năm đem ra mặc lại , rồi thì tới mùa năm khác lại ''sale off'' , lại mua sắm cái mới ! Những chiếc áo cũ không xài tới , mang về quê nhà tặng thì sợ bị bắt lỗi là cho đồ cũ (mà hàng mới mua tặng cũng không đắc bao nhiêu ), bán (ga-ra sale ) cũng chỉ mua được vài món đồ ăn, thôi thì theo dòng đời luân chuyển , kẻ có , người không cứ mang tặng hết cho cơ sở từ thiện . Những chiếc áo này ( không mới tinh nhưng cũ thì không cũ lắm) sẽ được bay đi tận những nơi xa xôi , nghèo khó mà người cho và người nhận hoàn toàn xa lạ . Thương lắm thay những tấm lòng của những người làm thiện nguyện ,âm thầm nối kết , chia xẻ những tình người !

NHÃ MY
(mùa đông 2017 )


NM cảm ơn quý bạn  ở facebook đã đọc bài , ghi cảm nhận, báo Thế Giới Mới (USA) , và quý trang bạn đã đăng bài.
TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO – PHIẾM LUẬN CỦA NHÃ MY
https://nghiathuc.wordpress.com/2017/12/10/tan-man-ve-chiec-ao-phiem-luan-cua-nha-my/

TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO – PHIẾM LUẬN CỦA NHÃ MY
http://huongnguyenhoang.blogspot.com/2017/12/tan-man-ve-chiec-ao-nha-my-aicung-biet.html#more

Nhã My - Sương Lam-TẢN MẠN VỀ CÁI ÁO
https://chuvuongmien.blogspot.com/2017/12/anh-o-thi-minh-giang_86.html#more


Tác giả Nhã My TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO ...
VANNGHEQUANGTRI.BLOGSPOT.PE

 https://www.thuy-dien-thivanviet.de/.../nm-t%E1%BA%A3n-m.../


TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO
NHÃ MY

Nhà thơ Lê Nghị, tác giả bài thơ khá đẹp ở trên, lúc bấy giờ đang là một tu sĩ Phật giáo chính hiệu. “Chính hiệu” theo…
LENGOCTRAC.COM

Suong Lam NHÃ MY – TẢN MẠN VỀ CHIẾC ÁO
https://khoahocnet.com/.../12/12/nha-my-tan-man-ve-chiec-ao/


Ai cũng biết cái áo là vật để che thân . Không biết nó xuất hiện từ lúc nào , nhưng kể từ khi con người biết tìm cái gì…
KHOAHOCNET.COM
 https://hung-viet.org/p22826a24860/tan-man-ve-chiec-ao



Ghi nhận của Lang Trưong:

Lang Truong Chị Nhã My viết bao giờ cũng hay, như thường lệ. Từ chiếc áo trong văn học đến chiếc áo trong đời thực, chiếc áo nào cũng thấm đẫm chất nhân văn, ngan ngát tình người. 
Riêng câu ca dao 
Thương nhau cởi áo cho nhau 
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay. 
LT lại có cảm nhận khác. LT lại nghĩ rằng người cởi áo lại là cô gái. Ngày xưa các cô mặc áo yếm bên trong; áo mớ ba, mớ bảy bên ngoài. Kiểu trang phục này không cài khuy, chỉ thắt dây ngang eo, rất kín đáo mà cũng rất quyến rũ. Các cô gái tha thướt, duyên dáng qua cầu, không may gặp mấy gã có máu D ( như LT chẳng hạn) giật chiếc dây lưng, tà áo xổ tung gió cuốn đi mất. 
" Trai thời cha dạy văn chương 
Gái thời mẹ dạy trăm đường nết na "
Cô gái bị mất áo ( thật ra là liều lĩnh CHO NHAU ), rất sợ, dễ bị xem là mất nết, nên phải nói dối mẹ; chứ nếu là chàng trai, cứ nhảy tòm xuống ao, rồi chìa mông ra, để ông cụ quất vài roi mây là xong. 
Có lẽ vì Trương Đạo Sĩ cũng thích được các cô " cởi áo cho nhau " nên có cảm nhận khác chăng.
Cám ơn chị Nhã My đã cho đọc một bài viết rất hay.
 

Thương người như thể thương thân 
Nhường cơm sẻ áo lòng nhân mới là.


Không có nhận xét nào: