Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020
THẤT CHÍ CA - THƠ KHA TIỆM LY
Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020
Góc Việt Thi : Thơ THÁI THUẬN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Chieu Duc
11:10, CN, 28 thg 6
Góc Việt Thi :
Thơ THÁI THUẬN
Inline image
Thái Thuận 蔡順 (1440-?) tự Nghĩa Hoà 義和, hiệu Lục Khê 陸溪, biệt hiệu Lữ Đường 呂塘, sinh 1440. Đậu tiến sĩ 1475 (niên hiệu Hồng Đức thứ 6). Làm quan ở nội các viện triều Lê Thánh Tông hơn 20 năm, sau được bổ làm tham chính ở Hải Dương. Ông là người có đạo đức, lại có tài văn chương, được người đương thời rất kính trọng. Vì vậy, ông được vua Lê Thánh Tông cho dự chức Tao đàn Sái phu (sau thăng Tao đàn Phó Nguyên Súy) trong Hội Tao Đàn do chính nhà vua thành lập năm 1495.
Tác phẩm còn lại: Lữ Đường di cảo thi tập 呂塘遺藁詩集 (Tập thơ di cảo của Lữ Đường) gồm hơn 200 bài thơ do con trai là Thái Khác 蔡恪 và học trò là Đỗ Chính Mô 杜正謨 sưu tầm biên soạn.
Sau đây là một số bài thơ tiêu biểu của ông được nhiều người biết đến.
1. Bài thơ HẠ CẢNH :
夏景 HẠ CẢNH
南風庭院日如年, Nam phong đình viện nhựt như niên,
面對書窗古聖賢。 Diện đối thư song cổ thánh hiền.
傍砌榴花紅噴火, Bàng thế lưu hoa hồng phún hỏa,
入簾草色綠生煙。 Nhập liêm thảo sắc lục sanh yên.
元亨理契庖犧易, Nguyên Hanh lý khế Bào Hy dịch,
康阜功歸帝舜絃。 Khang Phụ công quy Đế Thuấn huyền.
千古道心呼得起, Thiên cổ đạo tâm hô đắc khởi,
槐龍影裏夕陽蟬。 Hòe long ảnh lý tịch dương thiền !
蔡順 Thái Thuận
Inline image
* Chú Thích :
- HẠ CẢNH 夏景 : Quang cảnh của mùa hè.
- Nam Phong 南風 : là Gió Nam, gió thổi mát mẻ vào những buổi trưa hè. NAM PHONG CA là "Bài ca gió nam". Bản đàn như lời ca dao mà vua Thuấn ngày xưa thường đàn để nói về đời sống của nhân dân với các câu : "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề 南風之薰兮,可以解吾民之慍兮。" Có nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió nam có thể giải tỏa được lòng u uẩn sầu muộn của dân ta. Do câu nói nầy mà cụ Phạm Quỳnh ngày trước đã đặt tên cho tạp chí của mình là NAM PHONG TẠP CHÍ.
- Bàng Thế 傍砌 : Bên cạnh các bậc thềm nhà.
- Nguyên Hanh 元亨 : là NGUYÊN HANH LỢI TRINH 元亨利贞, là lời từ của quẻ Càn trong kinh Dịch. Có nghĩa : NGUYÊN là Bắt đầu; HANH là Thông suốt. LỢI là Lợi lộc. TRINH là Đứng đắn ngay thẳng. Nên Nguyên Hanh chỉ sự tốt lành nói chung.
- Bào Hy 庖犧 : Tức vua Phục Hy (4500 tr CN), một trong Tam hoàng ngũ đế, thánh nhân thời tiền sử Trung Quốc, thuỷ tổ của Kinh Dịch.
- Khang Phụ 康阜 : là vế sau của Nam Phong Ca đã nêu ở trên : Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề 南風之時兮,可以阜吾民之財兮。Có nghĩa : Cái đúng lúc của gió nam có thể làm cho dân ta giàu có.
- Đế Thuấn huyền 帝舜絃 : Dây đàn của vua Thuấn, tức là Tiếng đàn của vua Thuấn.
* Nghĩa Bài Thơ :
CẢNH MÙA HÈ
Gió nam thổi hiu hiu vào sân nhà trong mùa hè làm ta cảm thấy ngày dài ra như một năm. Đối diện với song cửa để sách vở của thánh hiền ngày xưa. Bên cạnh các bậc thềm nhà hoa lựu nở đỏ thắm như đang phun lửa. Màu cỏ xanh hắt vào rèm như sương như khói. Nguyên Hanh Lợi Trinh là cái lý ăn khớp với Dịch lý của Bào Hy (trong quẻ Càn thuộc thuần dương như cái nóng của mùa hè). Cũng như lời ca Khang Phụ trong Nam Phong Ca là công của tiếng đàn của vua Thuấn (có thể giải đi phiền muộn u uẩn và làm cho người dân sống sung túc hơn). Tiếng ve ra rả trong buổi chiều nắng xế trên các cây hòe có thể gọi dậy lòng trọng đạo thiên cổ của nhân dân.
* Diễn Nôm :
CẢNH HÈ
Inline image
Ngày dài sân vắng gió nam đầy,
Song sách thánh hiền xưa vẫn đây.
Lửa lựu lặp lòe chen thềm vắng,
Cỏ xanh mờ ảo phủ rèm đầy.
Nguyên Hanh dịch lý Bào Hy đó,
Khang Phụ tiếng đàn Đế Thuấn đây.
Tâm đạo ngàn xưa chừng gọi dậy,
Bóng hòe nghiêng nắng tiếng ve đầy !
Lục bát :
Gió nam hây hẩy ngày dài,
Bên song đối mặt thư trai thánh hiền.
Lặp lòe lửa lựu bên thềm,
Cỏ xanh sắc biếc vào rèm khói mây.
Nguyên Hanh dịch lý Đào Hy,
Tiếng đàn Đế Thuấn thiếu gì Phụ Khang.
Ngàn xưa tâm đạo khơi tràn,
Bóng hòe nghiêng nắng bàng hoàng tiếng ve !
Đỗ Chiêu Đức
2. Bài thơ ẨN GIẢ :
隱者 ẨN GIẢ
往來蹤跡倦紅塵, Vãng lai tung tích quyện hồng trần,
占斷林泉作主人。 Chiếm đoạn lâm tuyền tác chủ nhân.
景有山川花是客, Cảnh hữu sơn xuyên hoa thị khách,
門無車馬草常春。 Môn vô xa mã thảo thường xuân.
桐江釣月忘歸漢, Đồng Giang điếu nguyệt vong quy Hán,
芝嶺耕雲樂去秦。 Chi Lãnh canh vân lạc khứ Tần.
卻羨陶朱興越日, Khước tiện Đào Chu hưng Việt nhật,
五湖煙水一閒身。 Ngũ hồ yên thủy nhất nhàn thân.
蔡順 Thái Thuận.
Inline image
* Chú Thích :
- ẨN GIẢ 隱者 : Người đi ở ẩn.
- Vãng Lai Tung Tích 往來蹤跡 : là Dấu vết qua lại; có nghĩa là " Tới lui bôn ba bương chải với cuộc sống".
- Chiếm Đoạn 占斷 : là Chiếm đứt luôn, là Giành hẵn cái gì đó.
- Đồng Giang điếu nguyệt 桐江釣月 : ĐỒNG GIANG : Tên con sông ở Tứ Xuyên Trung Quốc. Đời Hán, Nghiêm Tử Lãng cùng bạn là Hán Quang Vũ, không chịu làm quan, hàng ngày ngồi câu ở Đồng Giang. Câu để mua vui nên được gọi là “điếu nguyệt” (câu trăng chứ không câu cá).
- Chi Lãnh canh vân 芝嶺耕雲 : CHI LÃNH là Đĩnh của ngọn núi Chi Sơn, còn được gọi là Thổ Tố Sơn, tên ngọn núi ở Giang Tây. Đời Đường, quan Thứ sử là Tiết Chấn lên núi tìm được cỏ chi, nên đổi là Chi Sơn. Đời Tống, Giang Vạn Lý bị gièm pha, phải mất chức, đến Chi Sơn đào ao, lập vườn, sống ẩn dật. Khi quân Nguyên đánh chiếm Trung quốc, ông nhảy xuống ao tuẫn tiết.
- Đào Chu 陶朱 : Còn được gọi là Đào Chu Công. Tên hiệu của Phạm Lãi, một công thần của Việt Vương Câu Tiễn, vì sợ bị sát hại, đã tìm đường ẩn cư để tránh nạn. Tương truyền ông đã dắt theo nàng Tây Thi xinh đẹp để ngao du Ngũ Hồ và trở nên giàu có nhờ hành nghề thương buôn.
* Nghĩa Bài Thơ :
Vất vả bôn ba bương chải với cuộc sống cũng đã mõi mệt giữa chốn hồng trần nầy rồi, nên giành hẵn chốn lâm tuyền nầy để làm chủ mà ở hẵn luôn. Cảnh trí thì có núi có sông mà khách là những khóm hoa rừng. Trước cửa không có dấu xe dấu ngựa nên cỏ thường tươi tốt như mùa xuân. Như Nghiêm Tử Lãng cùng bạn là Hán Quang Vũ, không chịu ra làm quan, hàng ngày ngồi câu trăng ở Đồng Giang mà không về với nhà Hán. Và như Giang Vạn Lý vui vẻ về với Chi Sơn đất Tần mà cày mây cuốc nguyệt. Lại hâm mộ cuộc sống của Đào Chu Công khi nước Việt đã hưng thịnh, ông bèn từ quan mà đi kinh thương ở đất Ngũ Hồ để sống cuộc đời nhàn tản với sông nước cho khỏe tấm thân.
* Diễn Nôm :
NGƯỜI ĐI Ở ẨN
Inline image
Tất bật hồng trần mõi mệt đành...
Lui về rừng suối chủ lều tranh.
Cảnh sông cảnh núi hoa làm khách,
Không ngựa không xe cỏ mãi xanh.
Điếu nguyệt Đồng Giang mơ đã thỏa,
Cày mây Chi Lãnh mộng vui thành.
Đào Chu quy ẩn khi hưng Việt...
Sông nước Ngũ Hồ khỏe một thân !
Lục bát :
Hồng trần bương chải mõi mê,
Lâm tuyền làm chủ lui về thong dong.
Hoa làm khách của núi sông,
Ngựa xe vắng bóng cỏ trông xanh rờn.
Đồng Giang điếu nguyệt từ quan,
Cày mây Chi Lãnh mơ màng bao thu.
Việt hưng quy ẩn Đào Chu,
Ngũ Hồ dạo hết nhàn du khắp miền.
Đỗ Chiêu Đức
3. Bài thơ VỌNG PHU SƠN :
望夫山 VỌNG PHU SƠN
化石山頭幾夕曛, Hóa thạch sơn đầu kỉ tịch huân,
傷心無路更逢君。 Thương tâm vô lộ cánh phùng quân.
天崖目斷年年月, Thiên nhai mục đoạn niên niên nguyệt
江上魂消暮暮雲。 Giang thượng hồn tiêu mộ mộ vân.
青淚一般花露滴, Thanh lệ nhất ban hoa lộ trích,
離情萬種草煙雰。 Ly tình vạn chủng thảo yên phân.
湘妃若識相思苦, Tương Phi nhược thức tương tư khổ,
不惜哀絃寄予聞。 Bất tích ai huyền ký dữ văn.
蔡 順 Thái Thuận.
Inline image
CHÚ THÍCH :
- TỊCH HUÂN : là Nắng quái, ánh nắng thừa của mặt trời khi vừa lặn.
- THANH LỆ 青淚 : là Giọt lệ xanh; giọt lệ của tượng đá hòa lẫn với rong rêu nên có màu xanh.
- PHÂN 雰 : là Hơi khí sương mù.
- TƯƠNG PHI OÁN 湘妃怨 là tên bài thơ của Trịnh Tiều đời Tống, thông qua việc tả Tương Phi để gởi gấm tâm sự ai oán của mình. Một tài liệu khác...
- TƯƠNG HOÀN trong lúc được Vua sủng ái, lại khuyên Vua chia đều ơn vũ lộ với những cung tần khác, nhưng lại muốn Vua luôn đến để nghe mình đàn bài từ được phổ nhạc của TÀO HUÂN đời Tống là : Vũ tiêu tiêu hề Động Đình, Yên phi phi hề Hoàng Lăng. ( Mưa rả rít kìa Động Đình, khói mơ màng nọ Hoàng Lăng ! ).
- TƯƠNG PHI OÁN còn là tên của một ca khúc đời NGUYÊN ( NGUYÊN KHÚC ) tả việc oán hận tương tư của một cung nhân thương nhớ Vua như CUNG OÁN NGÂM KHÚC của ta vậy.
DỊCH NGHĨA :
NÚI VỌNG PHU
Đã biết bao buổi chiều tà nung nấu đến nỗi phải hóa đá trên đầu núi, Quả đáng thương tâm vì không còn đường nào để gặp lại chàng được nữa ! Năm năm cứ mãi nhìn mút con mắt cái vầng trăng ở phía chân trời, và mỗi chiều chiều hồn mộng cứ vẩn vơ theo những đám mây ở ven sông. Những giọt lệ màu xanh nhễu xuống như những giọt sương rêu, còn tình ly biệt thì tản mạn như hơi khói bốc lên từ cỏ dại. Nàng Tương Phi nếu biết được là tương tư sẽ phải khổ sở như thế nầy, thì chắc cũng không tiếc chi những tiếng tơ ai oán mà không gởi cho nhau nghe !
Đọc bài thơ nầy lại làm cho ta nhớ đến 4 câu thơ trong bài NƯỚC TÔI của Nguyễn Văn Cổn, một thi sĩ thời Tiền chiến :
... Đá Vọng Phu nhớ thương thổn thức,
Tay bồng con non nước vời trông.
Xa xa mặt biển mênh mông,
Đầu non tượng đá tỏ lòng tiết trinh...
Inline image
DIỄN NÔM :
NÚI VỌNG PHU
Bao chiều hóa đá đứng đầu non,
Gặp lại người xưa mộng hết còn.
Mút mắt chân trời trăng đã bạc,
Tiêu hồn mặt nước dạ chưa tròn.
Lệ nhòa sắc biếc trông sương khói,
Tình quyện màu mây ngóng mõi mòn.
Nếu biết tương tư càng chuốc khổ,
Tương Phi chẳng tiếc gởi lòng son.
Lục bát :
Đầu non hóa đá bao chiều,
Hết đường gặp lại chồng yêu thuở nào.
Mõi mòn ngóng ánh trăng cao,
Trên sông hồn mộng lao đao mây trời.
Lệ xanh rêu đá sương rơi,
Muôn tình ly biệt tơi bời cỏ hoa.
Tương Phi ví biết lòng ta,
Tiếng tơ há tiếc đàn hòa tri âm.
Đỗ Chiêu Đức.
4. Bài thơ XUÂN DẠ :
春夜 XUÂN DẠ
重重簾影月斜移, Trùng trùng liêm ảnh nguyệt tà di,
刺繡無人語夜遲。 Thích tú vô nhân ngữ dạ trì.
枕上夢魂誰喚醒, Chẩm thượng mộng hồn thùy hoán tỉnh,
杜鵑聲在百葩枝。 Đỗ Quyên thanh tại bách ba chi !
Inline image
* Chú Thích :
- Trùng Trùng 重重 : là Lớp lớp, tầng tầng, là Chập chùng.
- Liêm Ảnh 簾影 : Bóng của rèm cửa.
- Thích Tú 刺繡 : THÍCH 刺 là Đâm, TÚ 繡 là Thêu. Thích Tú là từ kép chỉ Thêu Thùa.
- Hoán Tỉnh 喚醒 : HOÁN là Gọi, TỈNH là Vở lẻ ra, là Dậy. Nên HOÁN TỈNH là gọi cho thức dậy.
- Đỗ Quyên 杜鵑 : là tên chim. Ta còn gọi là con chim Cuốc, con quấc.
* Nghĩa Bài Thơ :
ĐÊM XUÂN
Cái bóng chập chùng của rèm cửa xuyên qua ánh trăng đã từ từ nghiêng ngã. Không người thêu thùa trong cảnh đêm xuân vắng lặng đang chầm chậm trôi. Trên gối chợt tỉnh mộng hồn như có ai đó gọi dậy. Thì ra tiếng chim Đỗ quyên đang trên đầu cành hót giữa trăm hoa.
Nhớ người cùng ngồi trò chuyện thêu thùa trong đêm xuân vắng lặng, nếu không phải là bà nội tướng thì là một hồng nhan tri kỷ nào đó... đến nổi ngủ quên đến khi nghe tiếng chim cuốc kêu trên cành hoa mới biết rằng trời đã sáng tỏ !
* Diễn Nôm :
ĐÊM XUÂN
Inline image
Chập chùng rèm lọt ánh trăng nghiêng,
Không kẻ thêu thùa đêm lặng yên.
Bên gối mộng hồn choàng tỉnh giấc,
Đầu cành hoa rộn tiếng chim quyên.
Lục bát :
Ánh trăng lớp lớp nghiêng rèm,
Thêu thùa vắng bóng ai đêm xuân dài.
Bàng hoàng chợt tỉnh hồn mai,
Đỗ quyên rộn rã bên ngoài cành hoa.
Đỗ Chiêu Đức
5. Bài thơ GIANG THÔN TỨC SỰ :
江村即事 Giang thôn tức sự
暖潮半落曉風微, Noãn triều bán lạc hiểu phong vi ,
個個沙鷗向背飛。 Cá cá sa âu hướng bối phi.
江上天歸何處所 ? Giang thượng thiên qui hà xứ sở ?
寒煙冷雨一縗衣。 Hàn yên lãnh vũ nhất thôi Y.
蔡順 Thái Thuận.
Inline image
* Chú Thích :
- Noãn Triều 暖潮 : Nước thủy triều ấm áp; dòng noãn lưu.
- Hiểu Phong 曉風 : gió sớm mai thổi khi trời rựng sáng.
- THÔI Y 縗衣 : là áo Sô gai, một loại áo tang, ở đây chỉ áo Lá mặc để che mưa che nắng và.... chống lạnh !
* Nghĩa Bài Thơ :
Dòng thủy triều ấm áp đã xuống hơn phân nửa (chỉ nước ròng) và gió sớm đã hây hẩy chung quanh, từng con từng con chim hải âu bay về hướng sau lưng. Nhìn bầu trời in trên sông nước mà tự hỏi là trời sẽ trôi về đâu đây ? Trong cảnh khói sóng và mưa rơi lạnh lẽo nầy chỉ còn có một chiếc áo tơi đơn độc !
Diễn Nôm :
Chép việc nơi xóm bên sông.
(Người dịch: Thi sĩ Quách Tấn)
Gió thổi trào lui nửa cát bày,
Đoàn âu chiếc chiếc nối lưng bay.
Trên sông trời hướng về đâu tá ?
Một mảnh tơi che lạnh tháng ngày !
Quách Tấn.
Inline image
Gió sớm hây hây tiễn nước ròng,
Hải âu lớp lớp vút sau lưng.
Mênh mông trời nước về đâu nhỉ ?
Mưa khói lạnh lùng một lão ông !
Lục bát :
Nước ròng gió sớm hây hây,
Hải âu lũ lượt cùng bay ngang đầu.
Sông trôi trời sẽ về đâu ?
Áo tơi sương khói mưa sầu một ông.
Đỗ Chiêu Đức
6. Bài thơ Đông Triều Tảo Phát :
東潮早發 ĐÔNG TRIỀU TẢO PHÁT
晨雞猶未报, Thần kê do vị báo,
客棹起江心。 Khách trạo khởi giang tâm.
月淡山斜翠, Nguyệt đạm sơn tà thúy,
潮鹹水躍金。 Triều hàm thuỷ diệu câm(kim).
沙鷗風冷冷, Sa âu phong lãnh lãnh,
漁浦樹陰陰。 Ngư phố thọ âm âm.
誰詠滄浪曲, Thùy vịnh Thương Lang khúc ?
前村驚睡禽。 Tiền thôn kinh thụy cầm.
蔡順 Thái Thuận
Inline image
* CHÚ THÍCH :
- TẢO PHÁT 早發 : là Khởi hành xuất phát sớm.
- THẦN KÊ 晨雞 : là Gà buổi sáng.
- TRIỀU HÀM THỦY DIỆU KIM 潮鹹水躍金 : Nước mặn nên gợn sóng lăn tăn lắp lánh như những gợn vàng.
- NGƯ PHỐ 漁浦 : là Bến cá. Ở đây chỉ bến câu của các thuyền câu thường đậu.
- THƯƠNG LANG KHÚC 滄浪曲 : là Khúc hát Thương Lang, tên của một khúc hát của các Ngư phủ trong sách Khuất Nguyên nước Sở xưa.
- KINH 驚 : là Sợ. Ở đây có nghĩa là Giật mình.
* DỊCH NGHĨA :
Khởi hành sáng sớm ở Đông Triều
Tiếng gà buổi sáng còn chưa kịp gáy thì mái chèo của khách đã quẩy động lòng sông rồi. Ánh trăng nhàn nhạt chiếu lên triền núi nghiêng nghiêng xanh biếc và làm dậy lên những đợt sóng do nước mặn lắp lánh tựa những gợn vàng lăn tăn. Gió sớm thổi lành lạnh trên bãi cát của chim hải âu và trên bến của các ngư ông hàng cây còn âm u im lìm đứng lặng. Văng vẳng xa đưa tiếng của ai đang hát khúc Thương Lang làm cho các con chim đang ngủ ở xóm trên giật mình thức giấc.
* DIỄN NÔM :
Inline image
Gà còn chưa gáy sáng,
Chèo khách đã khua vang.
Trăng mờ non xa biếc,
Nước xanh sóng gợn vàng.
Gió lạnh bờ cát vắng,
Cây mờ bến cá ngang.
Ai hát Thương Lang khúc,
Giật mình chim đầu làng.
Lục bát :
Tiếng gà sáng chửa gáy vang,
Mái chèo khách đã sẵn sàng bến sông.
Núi xanh trăng chiếu mênh mông,
Nước xanh gợn sóng lăn tăn ánh vàng.
Lạnh lùng gió sớm thổi sang,
Âm u cây bến mơ màng ngư ông.
Thương Lang ai hát giữa dòng,
Giật mình chim bến bên sông thôn ngoài.
Đỗ Chiêu Đức
7. Bài thơ XUÂN HIỂU
春曉 XUÂN HIỂU
忽聞何處鳥, Hốt văn hà xứ điểu,
客枕夢回新。 Khách chẩm mộng hồi tân.
窗外雲如幕, Song ngoại vân như mạc,
空中雨似塵。 Không trung vũ tự trần.
花容猶隱露, Hoa dung do ẩn lộ,
草色欲圍人。 Thảo sắc dục vi nhân.
遊子吟風月, Du tử ngâm phong nguyệt,
誰能報得春。 Thùy năng báo đắc xuân.
蔡順 Thái Thuận
Inline image
* Chú Thích :
- Xuân Hiểu 春曉 : HIỂU là trời rựng sáng; nên XUÂN HIỂU là SÁNG XUÂN.
- Khách Chẩm 客枕 : CHẨM là Cái Gối để gối đầu khi ngủ. Nên KHÁCH CHẨM là Ngủ nơi đất khách.
- Vân Như Mạc 雲如幕 : Mây phủ như màn che.
- Vũ Tự Trần 雨似塵 : Mưa như bụi.
- Do Ẩn Lộ 猶隱露 : Còn ẩn chứa sương sớm.
- Dục Vi Nhân 欲圍人 : Như vây quanh lấy người.
- Hai câu chót lấy ý trong bài Du Tử Ngâm của Mạnh Giao đời Đường là :
Thùy ngôn thốn thảo tâm, 誰言寸草心,
Báo đắc tam xuân huy ? 報得三春暉。
Có nghĩa :
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
Báo đền được nắng ba xuân ?
* Nghĩa Bài Thơ :
Buổi Sáng Mùa Xuân
Chợt nghe tiếng chim hót xa xa như ở tận nơi nào, bên gối khách vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng dài. Ngoài song mây giăng giăng như màn che, trên bầu trời mưa lưa thưa lất phất như bụi. Những đóa hoa nở như còn đọng lại những hạt sương đêm và màu cỏ xanh mơn mởn như vây lấy con người. Người du tử ngâm câu hoa nguyệt, nhưng nào ai đã báo đáp được nàng xuân đâu !
* Diễn Nôm :
SÁNG XUÂN
Inline image
Chim nơi đâu chợt hót,
Khách bỗng tỉnh mộng dài.
Ngoài song mây mờ phủ,
Bên trời mưa bụi bay.
Hoa nở sương còn đọng,
Cỏ xanh biếc quanh ai,
Du tử ngâm thơ thẩn,
Ai báo được xuân nay ?
Lục bát :
Chợt nghe chim hót đâu đây,
Khách choàng tỉnh mộng mới say giấc nồng.
Mây che rèm phủ ngoài song,
Phất phơ mưa bụi trên không mơ hồ.
Lá hoa còn ngậm sương mơ,
Biếc xanh đồng cỏ ơ hờ quanh ta.
Ngâm câu tuyết nguyệt phong hoa,
Nào ai báo được xuân qua bao lần ?!
Đỗ Chiêu Đức
8. Bài thơ THU DẠ :
秋夜 THU DẠ
碧天如水露花零, Bích thiên như thủy lộ hoa linh,
桐葉無聲落滿庭。 Đồng diệp vô thanh lạc mãn đình.
望斷鵲橋人獨坐, Vọng đoạn thước kiều nhân độc tọa,
一般詩思到繁星。 Nhất ban thi tứ đáo phồn tinh.
蔡順 Thái Thuận
Inline image
* Chú Thích :
- Bích Thiên 碧天 : Chỉ màu trời xanh biếc.
- Lộ Hoa Linh 露花零 : Những hạt sương rơi làm cho hoa héo úa.
- Đồng Diệp 桐葉 : là Lá của cây ngô đồng.
- Vọng Đoạn 望斷 : Nhìn đến mút con mắt.
- Thước Kiều 鵲橋 : Cầu ô thước.
- Phồn Tinh 繁星 : là Ngàn sao, chỉ trời đầy cả sao.
* Nghĩa Bài Thơ :
ĐÊM THU
Đêm thu màu trời xanh biếc như nước và rây đầy khắp cả những hạt sương đêm làm héo lạnh trăm hoa. Trong sân nhà phủ đầy cả lá ngô đồng âm thầm rơi rụng. Ta ngồi một mình nhìn mút mắt chiếc cầu ô thước xa xăm mà tất cả tứ thi và hồn thơ như bay bổng cả lên chốn ngàn sao của dãy Ngân Hà trên kia.
Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến hai câu thơ chót trong bài THU TỪ của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 đời Đường là :
晴空一鶴排雲上, Tình không nhất hạc bài vân thượng,
便引詩情到碧霄. Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu.
Có nghĩa :
Vút trời một hạc mây xanh ngắt,
Bay bổng tình thơ đến bích tiêu !
Inline image
* Diễn Nôm :
ĐÊM THU
Trời trong như nước sương hoa héo,
Lá rụng ngô đồng ngập kín sân.
Mút mắt ngắm nhìn cầu ô thước,
Hồn thơ bay bổng tận sông Ngân !
Lục bát :
Trời thu sương héo trăm hoa,
Ngô đồng lá rụng là đà đầy sân.
Một mình ngồi ngắm sông Ngân,
Hồn thơ bay bổng chín tầng cầu Ô !
杜紹德
ĐÕ CHIÊU ĐỨC
Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020
THI 9 HÀO NGUYỄN BÍNH , THI ĐỒNG ẤM HIẾU - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN
THI 9 HÀO NGUYỄN BÍNH
-
Tên thật Nguyễn Trọng Bính “ 1918-1966 “
Xong 1 kiếp làm ngừơi ?
Xong nợ trần ai khoai củ
Y nhà văn 8 hào Nguyễn Tuân
Ban đêm say rượu tụt quần
Đái tứơi hạt sen trên vũng nước
Xong
Nhìn mặt mình và ánh trăng nơi đó
Văng tục :” đời chó quá ? ”
Dòng đời nào cũng thế ? và thế thôi ?
Cũng “ cuốn theo chiều gió “
Cũng gió chiều nào che chiều ấy
Chữ nghĩa thủa bấy giờ
“ hàng hàng châu ngọc hàng hàng gấm thêu “
Dành hết cho villa thơ Tố Hữu
Đồng loạt khen phò mã tốt áo
O còn sót lại 1 chữ nào
Cho Quang Dũng Hoàng Cầm Nguyễn Bính Yên Thao
Trọn thế kỷ 20
Nguyễn Bính chỉ sau có mỗi một Tản Đà
Còn thiên hạ
Nói thẳng “ dây “ thừng
Là Nguyễn Bính đứng trên đầu đái xuống
Sòng bài con đỏ con đen
Chiếu rựợu chén đục chén trong
Sòng đời có sơn ca hoạ mi
Có dòi và bọ hung
Sòng thơ văn cũng vậy ?
O thể cứ bổn cũ soạn lại
Bình mới rượu cũ
Toàn tuồng tích cũ
Diễn tới diễn lui
“ biết rồi khổ lắm nói mãi “
1 chiều tay dẫn chiếc xe đạp
Vai xắc cốt dừng chân bơ ruộng nhà
Đói quá làm bát cơm nguội
Vừa xong thì hộc máu tươi lăn ra chết ?
Trên hố vôi
Còn con heo đụng 6 ngừơi
Chưa kịp thịt
Đã thác ?
Thôi hoàn cảnh chừ
Tôi kẻ đi sau ngừơi miền Nam
“ Chúc mừng Huynh thoát “
THI ĐỒNG ẤM HIẾU
-
Gia thế cậu ấm Cửu
Con quan án sát Nguyễn Danh Kế
Thông làu Bách Gia Chư Tử “ tuất “
Tứ Thư Ngũ Kinh “ Tương “
2 lần thi Hương trường Nam
Đều vỏ chuối “ chấm dứt vào năm 1912
Bước qua Tây học
O qua trừơng lớp tự học
Tài ba chót vót o thua thằng Tây ma rốc
Trí tuệ thông mẫn tự mãn tự cuồng
O điên 1 ly ông cụ nào ?
Danh nhân tài tử tài 3 đất Hà Thành
Gặp mặt cụ 1 lần là cạch tới già
Không dám gặp lần thứ 2
Sợ quá
Người bạn già cận kề với cụ là “ lão Ngô “
Tức học giả Ngô Tất Tố
Ngoài lão Ngô cụ o tiếp ai ?
O tri âm tri dương với ai
Hiêu hiêu tự đắc thiên hạ đệ nhất nhân
Thường thì quần áo bà 3 trắng
Đầu húi cao để trần
Chân thấp chân cao mang guốc mộc
Thường xỉn miệng lúc nào cũng hơi rượu
Mắt nhìn lên hay bị vấp ngã xuống lòng đường
2 túi áo ba 2 túi quần
Thừơng là để hạt dẻ rang
Hay đậu lạc rang “ phá xa “
Vừa đi vừa nhai vừa ăn
Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020
Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở - ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Chieu Duc
13:30, Th 4, 24 thg 6
Ảnh TG Đỗ Chiêu Đức
Giai Thoại văn Chương :
Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở
Inline image
TIẾT ĐOAN NGỌ : Tết Giữa Năm
Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...
KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.
Inline image
Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường.
同州端午 ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ
鶴髮垂肩尺許長, Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
離家三十五端陽。 Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
兒童見說深驚訝, Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
卻問何方是故鄉。 Khước vấn hà phương thị cố hương ?
殷堯藩 Ân Nghiêu Phồn
Inline image
Có nghĩa :
Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
端午 ĐOAN NGỌ
節分端午自誰言, Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
萬古傳聞為屈原。 Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
堪笑楚江空渺渺, Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
不能洗得直臣冤。 Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
文秀 Văn Tú
Inline image
Có Nghĩa :
Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !
Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...
Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.
Inline image
Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
- Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi:
- Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?
Ông bình tĩnh đáp rằng :
- Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi :
- Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
- Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng :
Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn, 我逢黯主含冤忍,
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ? 爾遇明君溺死何?
Có nghĩa :
Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?
... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!
Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
Inline image
Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020
Góc Đường Thi : KHÚC HÁT HÁI SEN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Chieu Duc
06:31, CN, 21 thg 6 (1 ngày trước)
Góc Đường Thi :
KHÚC HÁT HÁI SEN
Mùa hè nóng nực, hôm nào nhiệt độ của Houston cũng lên gần 100 độ F. Cái nóng hừng hực và khô khan khiến cho người ta cảm thấy như là đang ở trong lò BBQ vậy... Xin được gởi một luồn gió mát mẻ đến với mọi người bằng Khúc hát Hái Sen sau đây...
THÁI LIÊN KHÚC của Vương Xương Linh.
Inline image
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
王昌齡 Vương Xương Linh.
荷葉羅裙一色裁, Hà diệp la quần nhất sắc tài,
芙蓉向臉兩邊開。 Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai.
亂入池中看不見, Loạn nhập trì trung khan bất kiến,
聞歌始覺有人來。 Văn ca thủy giác hữu nhân lai !
Chú Thích :
1. Hà Diệp : là Lá Sen. Sẵn xin nói luôn về các tên của bông Sen như sau :
Hà Hoa : là Bông Sen. Trong Bát Tiên có một cô Tiên rất đẹp, tay cầm một nhánh bông sen, chính là HÀ TIÊN CÔ đó !
Liên Hoa : cũng là bông Sen, ta thường thấy 2 loại, hay được dùng đặt tên cho các nàng là Hồng Liên và Bạch Liên.
Thủy Phù Dung : là Hoa Phù Dung ở dưới nước, cũng là tên riêng của Hoa Sen. Ta sẽ gặp từ này trong bài thơ trên.
2. La Quần : là Cái Quần Là. Một loại Lụa ngày xưa thường dùng để may quần cho các bà các cô.
3. Văn 聞: Chữ nầy gồm có bộ Môn bên ngoài và chữ Nhĩ bên trong, có nghĩa : Chỏ cái lổ tai ra ngoài cửa để... nghe ngóng.
Văn Ca : là Nghe có tiếng ca.
4. Thủy Giác : Mới có cảm giác, có nghĩa : Mới biết rằng...
Nghĩa Bài Thơ :
Lá sen và quần lụa của nàng cũng cùng một màu xanh xanh, gương mặt đẹp đẻ của nàng giống như hoa Phù Dung dưới nước, hai bên đều cùng nở ra khoe sắc. và... cùng lẫn vào nhau ở trong ao, nên khi nghe thấy có tiếng ca... mới biết là có một nàng hái sen đang bơi đến....
Diễn Nôm :
KHÚC HÁT HÁI SEN.
Inline image
Lá sen quần lụa xếp hai hàng,
Mặt tựa phù dung mới điểm trang.
Lẫn khuất trong ao nào ai thấy,
Nghe ca mới biết có người sang !.
Lục bát :
Lá sen quần lụa một màu,
Phù dung mặt đẹp thua nào sen tươi.
Lẫn trong ao chẳng thấy người,
Nghe ca mới biết ai cười hái sen !
Thừa thắng xông lên, xin được thổi thêm một luồng gió mát nữa cho... đủ mát nhé ! Kính mời cùng thưởng thức Bài 2 của Thái Liên Khúc sau đây :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
其 二 Kỳ Nhị
吳姬越豔楚王妃, Ngô cơ Việt diễm Sở vương phi,
爭弄蓮舟水濕衣。 Tranh lộng liên chu thủy thấp y.
來時浦口花迎入, Lai thời phố khẩu hoa nghinh nhập,
采罷江頭月送歸。 Thái bãi giang đầu nguyệt tống quy.
王昌齡 Vương Xương Linh.
Inline image
Chú Thích :
1. Ngô Cơ, Việt Diễm, Sở Vương Phi : là ba người đẹp của ba nước thuộc miền Giang Nam nhiều sông ngòi kinh rạch, và dĩ nhiên có... nhiều ao sen, và những người đẹp nầy lại rất thích hái sen vào mùa hè nóng bức ! Xin được cung cấp thêm một tên nữa của Hoa Sen là : Phù Cừ Vương Phi 芙蕖王妃.
2. Liên Chu ( Châu ) : là Thuyền hái sen.
3. Phố khẩu : là Bến nước, Nơi để xuống thuyền.
Nghĩa Bài Thơ :
Ba người đẹp của đất Giang Nam tranh nhau đi hái sen, và tranh nhau bơi thuyền hái sen, làm nước bắn tung tóe ướt cả áo xiêm. Khi đến bờ sông thì hoa sen cười đón xuống thuyền, và khi hái xong ra về thì lại có vầng trăng sáng đưa ra đến đầu sông.
Diễn nôm :
KHÚC HÁT HÁI SEN
Bài 2.
Gái Ngô, gái Việt , Gái vương công,
Tranh chống thuyền sen ướt áo hồng.
Khi đến cả đầm sen cười đón,
Lúc về trăng sáng tiễn đầu sông !
Lục bát :
Gái Ngô Việt sánh Vương công,
Tranh nhau ướt áo chèo không buông nào.
Đến thì hoa đón mời chào,
Hái xong trăng sáng ngàn sao đưa về !
Cũng là Thái Liên Khúc, cũng là khúc hát hái sen, nhưng không phải của giới qúy tộc, mà là của một thôn nữ vừa đến tuổi cài trâm, được Bạch Cư Dị vẽ lại một cách thực tế sống động sau đây :
採蓮曲 THÁI LIÊN KHÚC
白居易 Bạch Cư Dị
菱葉縈波荷颭風, Lăng diệp oanh ba hà chiếm phong,
荷花深處小船通。 Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông.
逢郎欲語低頭笑, Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu,
碧玉搔頭落水中。 Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung.
Inline image
CHÚ THÍCH :
Lăng Diệp 菱葉 : là Lá Ấu, lá của Củ Ấu.
Oanh 縈 ( còn đọc là Quanh, Vinh ): là Lòng vòng, lẩn quẩn.
Chiếm 颭 : là chữ Hình Thanh, gồm có chữ Phong 風 là Gió chỉ ý, và chữ Chiêm 占 chỉ âm, nên CHIẾM có nghĩa là : Bị gió lay động.
Tao Đầu 搔頭 : Búi tóc. Danh từ có nghĩa là Cây Trâm. Bích Ngọc 碧玉 : là Ngọc Bích. là Cẩm Thạch, nên Bích Ngọc Tao Đầu là Cây trâm bằng Ngọc Bích, bằng Cẩm Thạch. Người Hoa gọi là Ngọc Bích nghe rất qúy giá. Ta gọi là Cẩm Thạch nghe có vẻ bình dân hơn.
Inline image
4 bản thư pháp của bài thơ
NGHĨA BÀI THƠ :
Lá ấu phủ trên mặt nước làm gợn sóng lăn tăn và những lá sen lay động trước gió. Trong chỗ sâu thẳm của ao sen chiếc thuyền nhỏ cũng có thể qua lại được. Gặp chàng muốn nói nên cúi đầu cười e thẹn, làm cho cây trâm bằng ngọc bích rớt tỏm xuống ao sen !
Khéo ngớ ngẩn mà nên thơ thi vị làm sao ấy ! Không biết "chàng" đây là người cùng xóm hay là người trong mộng của nàng, 4 chữ " Phùng lang dục ngữ: Gặp chàng muốn nói " mới mơ hồ làm sao, vì "nó" ở giữa hai đàng: "Chàng muốn nói hay là Gặp chàng nàng muốn nói ?" để thẹn thùa đến nổi cúi đầu lơ đểnh ... đánh rơi cành trâm ngọc xuống ao sen !
Qủa là một bức tranh tâm lý sống động thực tế của các cô gái mới đến tuổi cài trâm rung động bối rối trước mặt người mà mình hằng mơ ước.
DIỄN NÔM :
Inline image
Sóng vờn lá ấu gió lay sen,
Trong đám hoa xa thuyền nhỏ len.
Muốn nói gặp chàng cười cả thẹn,
Cúi đầu trâm ngọc rớt ao sen !
Lục bát :
Ấu gợn sóng gió lay sen,
Hái hoa thơ thẩn xuồng len trong cùng.
Gặp chàng muốn nói thẹn thùng,
Cuối đầu trâm rớt xuống bùn trong ao !
Sau những người đẹp, những nàng xuân nữ hái sen tình tứ, bây giờ thì ta đọc một bài hái sen của các cô cậu mới lớn nhé !
池上 TRÌ THƯỢNG
白居易 Bạch Cư Dị
小娃撐小艇, Tiểu oa sanh tiểu đĩnh,
偷採白蓮回。 Thâu thái bạch liên hồi.
不解藏蹤跡, Bất giải tàng tung tích,
浮萍一道開。 Phù bình nhất đạo khai.
Inline image
CHÚ THÍCH :
Tiểu Oa 小娃 : có thể là Bé Trai hoặc Bé Gái. Nhưng thường dùng để chỉ bé Gái, vì chữ OA 娃 có bộ NỮ 女 một bên.
Sanh 撐 : chèo, chống.
Tiểu Đĩnh 小艇 : Chiếc Xuồng con.
Thâu Thái 偷採 : Hái lén, Hái trộm.
Bất Giài 不解 : là Không biết, Không hiểu.
Phù Bình 浮萍 : là Bèo nổi trên mặt nước.
Nhất Đạo 一道 : là Một đường , Một lằn.
NGHĨA BÀI THƠ :
Một cô (cậu) bé con chống một chiếc xuồng con con. Len lén hái trộm sen trắng trong ao đem về, vì quýnh quáng và không biết cách che đậy dấu vết, nên còn để lại một lằn bèo trên ao sen do chiếc thuyền nhỏ đi qua .
Dấu đầu lòi đuôi, ăn vụn mà không biết chùi mép, người ta trông vào sẽ biết là mình vụn trộm ngay. Cái cô bé nầy mới ngây thơ và dễ thương làm sao ! Cụ Tản Đà nhà ta đã diễn Nôm bằng Lục bát rất hay là :
Người xinh bơi chiếc thuyền xinh,
Bông sen trắng nõn trắng tinh hái về,
Hớ hênh dấu vết khôn che,
Trên ao để một luồn chia mặt bèo !
DIỄN NÔM :
TRÊN AO
Inline image
Bé chống xuồng tẻo teo,
Sen trắng lén hái theo.
Chẳng biết che dấu vết,
Để lại một lằn bèo !
Lục bát :
Bé con chống chiếc xuồng con,
Lén hái sen trắng nỏn non chống về.
Ngây thơ không biết dấu che,
Để lại một rẻ nước bèo chia hai !
Năm Thái Hòa thứ 9 ( 835 ), Bạch Cư Dị nhậm chức Thái Tử Thiếu Bác Phân Ty ở Đông Đô Lạc Dương. Một hôm đi dạo trên một bờ ao, trông thấy một vị sư đang đánh cờ trên bờ ao và một cô bé chống xuồng hái trộm sen dưới ao. Xúc cảnh sinh tình, ông mới viết nên 2 bài thơ : Một tĩnh một động. Bài số 2 ta đã đọc ở trên rồi, dưới đây là bài số 1 :
池上 其一 TRÌ THƯỢNG Kỳ 1
白居易 Bạch Cư Dị
山僧對棋坐, Sơn tăng đối kỳ tọa,
局上竹蔭清。 Cục thượng trúc âm thanh.
映竹無人見, Ánh trúc vô nhân kiến,
時聞下子聲。 Thời văn hạ tử thinh.
CHÚ THÍCH :
Sơn Tăng 山僧 : là Ông thầy chùa tu trong núi.
Cục Thượng 局上 : là Trên bàn cờ.
Trúc Âm Thanh 竹蔭清 : là Bóng tre mát mẻ.
Ánh Trúc 映竹 :là Bị rừng trúc che khuất lấp.
Hạ Tử 下子 : Đặt con cờ xuống để đi một nước cờ.
NGHĨA BÀI THƠ :
Một nhà sư trong núi đang ngồi đối diện trước bàn cờ. Bóng trúc mát mẻ che phủ bàn cờ nên người ngoài không nhìn thấy, chỉ thỉnh thoảng nghe được tiếng con cờ được đặt xuống bàn cờ mà thôi !
Qủa là một cảnh tượng tiêu dao tự tại vô cùng thanh tịnh của những bậc tu hành. Ít nhất phải có 3 nhân vật trong bài thơ : Nhà sư phải đánh cờ với một người nào đó nữa, một nhà sư khác hay một cư sĩ nào đó, chả lẽ đánh cờ một mình, và một người thứ ba nào ở gần đó mới nghe được tiếng con cờ đặt xuống bàn cờ ! Tuy ít nhất phải có đến 3 người, nhưng không gian lại hoàn toàn tĩnh lặng, tĩnh lặng trong bóng tre râm mát, tĩnh lặng đến đỗi nghe được tiếng con cờ đặt xuống bàn cờ. Không không sắc sắc, tựa sắc nhưng không, tựa không mà sắc ! Nếu như không thỉnh thoảng nghe được tiếng quân cờ, thì như không có ai đang đánh cờ ở đó cả !
Inline image
時聞下子聲。 Thời văn hạ tử thinh.
DIỄN NÔM :
Bàn cờ sư ngồi đó,
Bóng tre râm mát bờ.
Rừng trúc không người thấy,
Thỉnh thoảng tiếng quân cờ !
Lục bát :
Bàn cờ trước mặt sư ngồi,
Bóng tre râm mát im hơi ven bờ.
Rừng tre lặng ngắt như tờ,
Họa hoằn điểm nước quân cờ nhẹ đưa !
Inline image
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
TÌNH CHA - XƯỚNG HOẠ. MAI XUÂN THANH & THI HỮU
TÌNH CHA
Nhân ngày Lễ Cha " U S A Father' day
Sunday June 21/2020 "
Ai dắt con đi tới học đường
Thầm mong chóng lớn biết thân thương
Khuyên răn lễ nghĩa thường khiêm tốn
Dạy bảo điều hay phải nhún nhường
Trí đức chân thành yêu xứ sở
Tài năng trung thực mến quê hương
Tình Cha núi Thái cao vời vợi
Nghĩa Mẹ Cửu Long vạn dậm trường
MAI XUÂN THANH
HOẠ :
ĐỜI CHA
Cuộc sống thăng trầm luôn sống động
Tình Cha quyết liệt mãi can trường
( thtk )
ĐỜI ta bảo tố ...dẫu ngăn đường
SỐNG đã kiên cường tỏ mến thương
THĂNG cánh tam hồn yêu chính nghĩa
TRẦM nơi thế tục giữ khiêm nhường
LUÔN khai lẽ phải gìn chân lý
SỐNG nở hoa đời trọng cố hương
ĐỘNG lực sinh tồn ngời khí phách
TÌNH CHA QUYẾT LIỆT MÃI CAN TRƯỜNG
ĐỨC HẠNH
18/6 / 2020
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020
ĐÊM TÙ NHỚ ĐỖ PHỦ , THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG , NHẠC PHAN NI TẤN
ĐÊM TÙ NHỚ ĐỖ PHỦ
THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG
NHẠC PHAN NI TẤN
TRÌNH BÀY ĐỒNG VỌNG
Happy Father's Day 2020 - NỖI NHỚ VỀ CON , THƠ MAI XUÂN THANH, NHẠC DƯƠNG THƯỢNG TRÚC
NỖI NHỚ VỀ CON
NHẠC & TRÌNH BÀY : DƯƠNG THƯỢNG TRÚC
THƠ :MAI XUÂN THANH
DIỄN NGÂM : QUỲNH CHI
TÌNH CHA - THƠ TUỆ MINH
20:14, CN, 21 thg 6 (18 giờ trước)
Kính mời chư vị thưởng thơ
TÌNH CHA
Nơi rừng cây cội thông già yên ắng
Giữa rừng người, Cha in bóng tim con
Càng gian nan càng dẻo dai sức sống
Tươi thắm hồng huyết quản một nếp son
Giữa mênh mông mặt trời lên sáng rực
Ngọn đuốc nào Cha dìu bước con đi
Vượt khó khăn vượt từng cơn sóng vỗ
Để đứng lên vững chãi trước hiểm nguy
Vạn dặm xa con hướng về nguồn cội
Khi dòng đời xuôi ngược cảnh phôi pha
Khoảng không gian khoảng thời gian vội vã
Khoảng tình người gần gũi có tình Cha
Còn trong con khối tình thương cao cả
Khối ân tình nguyên vẹn đầy thiết tha
Niềm tin yêu khi trần gian cách khoản
Giữa tình người gần gũi có tình Cha...
TUỆ MINH
Kỷ niệm Father Day’s
June 21, 2020
TIẾNG ĐỜN CÒ CẦN GIUỘC - PHAN NI TẤN
TIẾNG ĐỜN CÒ CẦN GIUỘC
Hồi còn sanh tiền, Cha tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc. Trong ban đờn ca tài tử Cần Giuộc, ông giữ chưn đờn cò. Tiếng đờn của Cha tôi kéo lần nào cũng mùi tận mạng.
Trong đêm tối, cạnh ngọn đèn hột vịt lu li và chung rượu đế, tiếng đờn cò từ cung trầm, tỉ tê chợt kéo lên cao vút. Rồi tiếng hát trong bài Vân Tiên Cứu Nguyệt Nga khàn đục của Cha tôi cất lên theo điệu Nam Xuân qua Nam Ai, buồn vời vợi:
"Tích xưa có chàng tên là Lục Vân Tiên. Tuổi hai tám xuân xanh. Hằng ôm nhuần sử xanh. Vừa nghe mở hội khoa trường (Xàng). Chàng cất bước lên đường (Xê). Mong tỏ dạ phi thường (Xàng). Việc nước quyết đảm đương ứ ư…
Bỗng đâu dân chúng hãi hùng. Vì giặc cướp tung hoành (Xề). Đang đốt phá tan tành. Mạng con người thật mong manh (Xàng). Vân Tiên ra tay nghĩa hiệp. Giết sạch loài phá phách lương dân (Líu). Cứu giai nhân thoát cơn hiểm họa. Nàng chính là Kiều Nguyệt Nga ứ ư…"
Bà con chòm xóm bu quanh mê mẩn hổng nói làm gì, đến cả Hằng Nga trên cung trăng nghe cũng phải ngẩn ngơ. Nhất là nhịp song lang. Đang thả hồn theo tiếng đờn ca, chợt nghe nhịp song lang gõ xuống một cái "cốc" là Hằng Nga giựt thót mình.
Nghe riết đâm lậm, chị Hằng bèn xúi thằng Cuội dắt xuống trần gian tìm Cha tôi để làm quen. Ngặt cái là lần nào chị Hằng xuống cũng "ọt-rơ" (hors-jeu), nội tôi thấy tội nghiệp bèn "vẽ đường cho hươu chạy":
- Cô Hằng nên xuống ban ngày. Vì buổi tối con tui mắc… đi đờn.
Cũng cần giải thích chút đỉnh về cây Song lang. Nhạc cụ trợ âm này thuộc bộ gõ, là một loại mõ bằng gỗ cứng hình tròn dẹt, có lỗ xẻ ngang để phát âm, nối liền với một cần gõ bằng sừng hoặc lá thép mỏng đàn hồi. Tiếng song lang gõ rất vang.
Hồi trào Tây, Cần Giuộc nghèo thấy mụ nội. Làng nghèo của nội tôi toàn nhà tranh vách đất nằm lọt tũm giữa đầm lau sậy bạc phơ, cao lút đầu người. Những đêm mưa dầm sùi sụt, thỉnh thoảng người trong làng còn nghe văng vẳng tiếng thì thào của những oan hồn nghĩa sĩ Cần Giuộc khiến Bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu không thoát được lên cao mà cứ lào xào lạt xạt trên mặt đất:
Hỡi ơi!
Súng giặc đất rền
Lòng dân trời tỏ
Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ
…
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ
Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng.
Đời người ngẫm ra thấy não nùng, bi thiết mà cũng thiệt thắc cười đến chảy nước mắt.
Cái não nùng của những nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc giàu nghĩa khí chống ngoại xâm đã trở nên bất tử trong lịch sử văn học nước nhà và trong lòng người Việt yêu nước. Họ, 20 nghĩa sĩ Cần Giuộc sinh ra, lớn lên, vì lòng yêu nước chống giặc thù đã dũng cảm ngã xuống trên phần đất tổ tiên mình.
Cái thê thiết, bi ai của vụ án Đồng Nọc Nạn xảy ra năm 1928 cũng vậy. Ta đều biết Đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nơi xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình Mười Chức và bọn địa chủ cường hào ác bá, tay sai của bọn thực dân cướp nước. Kết cuộc, vì bảo vệ đất đai ruộng lúa, anh em Biện Toại, Mười Chức đã hy sinh ngay trên phần đất của mình.
Có điều con người ta sanh ra sống khôn ở quê nhà song hầu hết lại thác thiêng nơi đất khách. Bình thường như bên nội tôi chẳng hạn. Sanh bốn người con ở Cần Giuộc nhưng cả bốn đều thác ở tứ phương, người thì ở trên rừng, người trong thành phố, người chìm ngoài biển khơi.
Nhớ hồi Cha tôi nằm hấp hối trên giường bệnh, miệng sủi bọt, mắt cứ ngước lên như mong đợi một điều gì. Má tôi hỏi: "Ông nhớ thằng Hòa phải không? Nó đang ở bên Canada." Cha tôi nghe rồi mắt nhắm lại, lịm dần.
Cha tôi sanh ở Cần Giuộc thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, mất trên cao nguyên miền Thượng. Tro cốt của ông hiện để trong chùa Khải Đoan, Ban Mê Thuột. Còn cây đờn cò, một cổ vật có độ tuổi trên 70 năm, đã cong cần, lờn trục, lỏng dây hiện để ở nhà Má tôi. Trong thùng đờn ọp ẹp còn có cây song lang, cũng cũ rích, mòn cả nước sơn và già không thua gì cây đờn cò Cần Giuộc của Cha tôi.
PHAN NI TẤN
BỒ TÁT ĐÌNH - TRUYỆN NGẮN PHAN NI TẤN
Mời đọc lại để cùng cảm thương một Ngày Của Cha (Father's Day)
BỒ TÁT ĐÌNH
Trận đại dịch của năm 2020 làm đảo lộn mọi trật tự trên thế giới, cả văn hóa và đạo đức cũng như mạng sống của con người đã bị tước đọat thật vô lương. Dưới một triều đại bạo ác, con siêu vi khuẩn Wuhan là vũ khí chiến tranh sinh học có tiềm năng vượt thắng mọi giả hình để sống thực giữa trời và đất. Thức ăn của nó là hai lá phổi con người. Trong nỗi tang thương của thời đại phi đạo đức, ta đều biết mọi tội ác sẽ bị trừng phạt.
Nhà Phật có câu "sanh, lão, bệnh, tử" đều là nghiệp lực. Thế sự thăng trầm, bể dâu tan tác cũng là nghiệp lực. Bằng mối chân tình vô ngã, tôi thành kính chia buồn với tất cả những nạn nhân của ngày hôm nay.
Đau lòng trước những bức tử nhân sinh, tôi vẫn nhớ, ngậm ngùi nhớ, nhớ hoài một người hiền đức, một bồ tát an nhiên tự tại vẫn bước đi trên con đường Bồ tát. Chuyện đã lâu rồi, nhưng tôi vẫn ghi tâm, vẫn trì chú bằng một tâm tình vô ngã. Chuyện xin thưa như vầy.
…
Cuối cùng tôi cũng bỏ cha tôi mà đi. Anh hai, chị ba, anh tư đã được cha dựng vợ gả chồng ra riêng từ nhiều năm trước. Vì kế sinh nhai ở xa quê nên ít khi mấy người về thăm. Khi tôi vào chùa quy y tam bảo, những ngày tháng tu học ở chùa, tôi biết cha tôi còn lại một mình với cỏ cây, với trăng sao, mưa nắng.
Hồi tưởng lại ngày tháng dưới một mái nhà với cha và các anh chị mà lòng bồi hồi. Khi tôi vừa đủ trí khôn mới biết cha tôi sống cô quạnh một mình, không bà con thân thích và rất nghèo. Nghèo nhưng cha con chúng tôi đều yêu thương nhau, đùm bọc lấy nhau. Tôi là con út nên được chiều chuộng nhiều. Để nuôi con khôn lớn, cha tôi đã nai lưng làm đủ mọi nghề. Lúc thì làm thợ hồ, thợ mộc, lúc thì mần ruộng thuê, vác lúa mướn, lúc thì gác gian, cuối cùng là nghề đưa đò ngang bên Thủ Thiêm.
Thời trai tráng, cha tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc. Ông chuyên về đờn cò theo một gánh hát quê lưu diễn khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ. Lúc khán giả miền Tây già trẻ lớn bé nức lòng mến chuộng cải lương lại là lúc ông bầu gánh hát chẳng may bị lạc đạn của Tây, bèn rã gánh. Sầu đời, cha tôi lặn lội lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, rồi theo dân tứ xứ kéo quaThủ Thiêm dựng làng lập ấp ven sông.
Thủ Thiêm xưa là vùng đất trũng, mọc đầy cây bàng và lác, lưu dân đến lập ấp nên gọi là ấp Cây Bàng cạnh bến đò Cây Bàng.Trải qua nhiều năm tháng lần hồi mới có mặt lũ trẻ chúng tôi. Thời đó, cuộc sống của cha tôi lúc bước chân ra khỏi cửa là chạm mưa, chạm nắng, đất bờ sông lúc nào cũng như nghiêng xuống, con đò thì chòng chành trước những xuồng máy đuôi tôm ngày càng nhiều. Nhất là thập niên 1960, con phà hình hột vịt do hãng đóng tàu Caric của Tây bên Thủ Thiêm hạ thủylà gây nhiều sự chú ý. Phà rất đơn sơ, ngoài chở khách còn chở cả xe đạp, xe gắn máy qua lại trên sông. Nhiều đêm, thấy cha ngồi một mình lặng lẽ nhìn con phà dướibến tôi thương ông vô hạn. Tôi có cảm tưởng như con phà vô tình át tiếng đò chèo của cha tôi, đẩy gia cảnh chúng tôi vào nơi chông chênh, khốn khó. Lạ một điều là trong mắt chúng tôi cuộc sống có vất vả, có mưa phơi nắng trải, dù mỏi mệt nhưng cha vẫn luôn gọn gàng, ngăn nắp, hòa nhã và đặc biệt rất nghệ sĩ.
Nghèo xơ nghèo xác nhưng tấm lòng cha tôi lại giàu vô lượng. Dưới mái nhà tranh vách đất đơn sơ chật hẹp cạnh bờ sông, ông âm thầm nuôi bốn anh chị em chúng tôi cho tới ngày khôn lớn.
Tôi vẫn nhớ chị ba tôi thủ thỉ lúc tôi chập chững biết đi, vòi vĩnh mẹ thì cha ôm tôi vào lòng chỉ lên bàn thờ nói mẹ mất lâu rồi. Ngoài sự đùm bọc của cha,anh chị em tôi chưa từng biết mẹ chúng tôi là ai, không biết mẹ chúng tôi qua đời từ lúc nào, chỉ thấy bức di ảnh một người mẹ đã mờ nhạt lồng trong khung kính cũ kỹ đặt trên kệ thờ nhỏ rí ở góc nhà.
Rồi cái gì tới sẽ tới. Chờ đứa con út là tôi có đủ trí khôn cha mới cho chúng tôi biết sự thật. Một sự thật bất ngờ và vô cùng đau đớn mà lúc đó chúng tôi đều không tin vào tai mình. Cả bốn anh chị em tôi lần lượt bị đời vứt bỏ ở những bãi rác công cộng được cha thương tình đem về nuôi nấng. Sau giây phút ngỡ ngàng về sự thật hết sức đau lòng, không ai bảo ai, chúng tôi đều quỳ sụp xuống lạy tạ cha tôi và khóc. Đời tôi chưa bao giờ nghe mình khóc thương tâm đến như vậy. Mà có riêng gì tôi đâu, cả ba anh chị của tôi cũng nước mắt nước mũi ròng ròng, vật vã, xót thương. Cây lúa lớn lên từ đất, từ ơn mưa móc; còn chúng tôi lớn lên từ mồ hôi, nước mắt của cha tôi. Cứ vậy anh chị em chúng tôi nương tựa nhau dưới mái nhà nghèo khó, nhưng vô cùng hạnh phúc trong vòng tay ấm áp của người cha bồ tát. Khi nhận thấy chúng tôi đã cứng cáp trong đôi cánh bay, ông lần lượt dựng vợ gả chồng xong ông tung hết lũ con ra ngoài đời. Riêng tôi lại hướng về ánh sáng của Phật đạo.
Ngày tháng tu tập ở chùa, tôi luôn luôn tưởng nhớ đến cha già, một người cha thường khiến cho bốn anh chị em chúng tôi đều hết lòng thờ phụng, kính yêu. Cha tôi, dù không phải là cha ruột, hình thành con người cho chúng tôi, nhưng cha là món quà vô giá mà Trời Phật đã ban ra để cứu vớt chúng tôi.
Ngày xa xưa cha tôi sớm cô quạnh một mình. Chúng tôi là những con chim non bất hạnh được cha lượm về dưỡng dục cho đến khi khôn lớn chúng tôi bay đi, cha tôi vẫn cô quạnh một mình.Và cha đã ở vậy cho đến cuối đời.
* * *
Cha tôi, một người cha vỏ ngoài bình thường nhưng bên trong lại chứa đựng một trái tim bồ tát. Sống trong giáo pháp nhà Phật, tôi tin rằng cha tôi là một vị Bồ Tát hóa thân dưới một ẩn tướng để cứu độ lũ con bị đời ruồng bỏ.
Cha tôi họ Lý tên Đình. Trên tấm mộ chí đơn sơ của Cha tôi, ngoài tên họ Lý Bố Đình, phía dưới còn khắc thêm "pháp danh" thật nhỏ, thật khiêm nhường mà lúc còn tại thế Cha tôi chẳng hề hay biết:
Bồ Tát Đình.
PHAN NI TẤN
Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020
LỜI NGUYỆN - THƠ TUỆ MINH
Thien Gia <thiengia50@yahoo.com>
07:37 (6 giờ trước)
Kính mời chư vị cùng phát
LỜI NGUYỆN
Nước vẫn lao xao vỗ mạn thuyền
Trăng chiều chưa sáng nẻo thôn yên
Giữa dòng xuôi ngược lừng khừng lái
Sóng vã vào khoang ướt khách thiền
Cạn nửa dòng sông lời chửa cạn
Điều không nên nói chẳng hề khô!
Trường giang khúc khuỷu lắm đường rẽ
Nhắn hỏi khách thuyền ngược chốn mô?
Tam giới trôi lăn về sáu nẻo
Biển đời chảy xiết bụm xương khô
Tử sanh bao độ nghiêng vai vác
Tối sáng hỗn mang những trận đồ
Khảo nhau chi lắm phan duyên tất
Sao bằng chung sức giới đồng tu
Lục hoà Phật dạy san y bát
Lợi lạc quần sanh, hoán hận thù
Để tiếng chim trời hoà mõ sớm
Tâm trong nhuệ khí vẳng âm vang
Vọng Sư Tử Hống nghìn năm trước
Sáng dậy Pháp Thân Ánh Đạo Vàng
TUỆ MINH-Thích Phước Toàn
Kính nguyện
June 15, 2019
Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020
Giai Thoại văn Chương : Người chồng khóc vợ chân tình nhất NGUYÊN CHẨN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Chieu Duc
08:19, Th 4, 17 thg 6
Giai Thoại văn Chương :
Người chồng khóc vợ chân tình nhất
Inline image
NGUYÊN CHẨN
NGUYÊN CHẨN (779-831) tự là Vi Chi, biệt hiệu là Uy Minh, người đất Lạc Dương Hà Nam, là thi nhân, văn học gia và là đại thần của đời Đường. Ông thuộc bộ tộc Phá Bạt của dòng dõi Tiên Ti, là cháu đời thứ 19 của Bắc Ngụy Chiêu Thành Đế, con của Tỉ Bộ Lang Trung Nguyên Khoan. Từ nhỏ đã nổi tiếng về văn tài, năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), mới 15 tuổi đã thi đậu minh kinh, được phong chức Tả Thập Di. Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông mới cùng Bạch Cư Dị đậu khoa Tiến sĩ bạt tụy để ra làm quan. Nguyên Chẩn đã từng bái tướng, làm quan đến chức Thượng Thư Tả Thừa. Năm Thái Hòa thứ 4 (830) nhậm chức Võ Xương Quân Tiết Độ Sứ. Năm Thái Hòa thứ 5 (831) qua đời lúc mới 53 tuổi, được truy phong là Thượng Thư Hữu Bộc Xạ. Nguyên Chẩn là bạn cùng khoa với Bạch Cư Dị, cùng kết thân là bạn thơ suốt đời, cùng đề xướng thể thơ Tân Nhạc Phủ mà người đời gọi là "Nguyên Bạch 元白", hình thành "Nguyên Hòa Thể 元和體". Thành tựu về văn học của ông rất lớn, nhất là về mặt thơ ca. Còn lưu lại hơn 830 bài thơ, từ phú, chiếu sách, minh giản, luận nghị... hơn một trăm bài. Tất cả đều thu tập vào trong "Nguyên Thị Trường Khánh Tập 元氏長慶集".
Inline image
Năm Trinh Nguyên thứ 18 (802) đời Đường Đức Tông, mặc dù chưa ra làm quan, nhưng vẫn được quan Thái Tử Thiếu Bảo Vi Hạ Khanh 韋夏卿 biết đến tài và gả cho cô con gái út mà ông ta rất yêu thương là Vi Tùng 韋叢. Lúc đó, Vi Tùng chỉ mới 20 tuổi, còn Nguyên Chẩn thì đã 25 tuổi rồi. Sau khi kết hôn, họ sống đời sống bần hàn đạm bạc. Vi Tùng mặc dù là tiểu thơ con quan nhưng lại rất chịu thương chịu khó, cùng sống cảnh nhèo khổ với chồng mà không một lời oán than trách móc, nên vợ chồng rất hòa hợp và thương yêu nhau. Bảy năm sau, tức năm Nguyên Hòa thứ tư (809), khi Nguyên Chẩn nhậm chức Án Sát ngự Sử thì Vi Tùng nhuốm bện và qua đời khi chỉ mới 27 tuổi. Nguyên Chẩn vô cùng đau xót tiếc thương, ông đã làm rất nhiều thơ để khóc, điếu và truy điệu người vợ đã cộng khổ mà không cùng được đồng cam nầy. Trong số thơ truy điệu phải kể đến 3 bài KHIỂN BI HOÀI 遣悲懷 là nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất.
Sau đây, ta sẽ lần lượt đọc lại 3 bài thơ bất hủ nầy :
遣悲懷·其一 KHIỂN BI HOÀI Kỳ 1
謝公最小偏憐女, Tạ công tối tiểu thiên lân nữ,
自嫁黔婁百事乖。 Tự gía Kiềm Lâu bách sự quai.
顧我無衣搜藎篋, Cố ngã vô y sưu tẫn giáp,
泥他沽酒拔金釵。 Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
野蔬充膳甘長藿, Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
落葉添薪仰古槐。 Lạc diệp thiêm tân ngưỡng cổ hoài.
今日俸錢過十萬, Kim nhật bổng tiền qúa thập vạn,
與君營奠復營齋。 Dữ quân doanh điện phục doanh trai.
元稹 Nguyên Chẩn
Inline image
* Chú Thích :
- Khiển Bi Hoài 遣悲懷 : Giải bày nổi lòng bầu bi buồn thảm.
- Tạ Công 謝公...: Lấy tích Tể Tướng Tạ An đời Đông Tấn rất thương cô cháu gái là Tạ Đạo Uẩn.
- Kiềm Lâu 黔婁 : là một hàn sĩ ở nước Tề thơi Chiến Quốc.
- Tẫn Giáp 藎篋 : là Rương, hòm, va-li đan bằng tre mây hoặc cỏ.
- Nệ 泥 : là Câu nệ, là theo làm eo, năn nỉ.
- Dã Sơ 野蔬 : là Rau cải mọc hoang. Hoắc 藿 : là đọt đậu non. Câu nầy chỉ chung các loại rau dền, rau muống, rau lang, rau ngỗ...
- Tân 薪 : là củi. Cổ Hoài 古槐 : là Cây Hòe cổ, là cây hoẻ già.
- Bổng Tiền 俸錢 : Tiền bổng lộc, Tiền lương.
- Doanh Điện 營奠 : là Cúng tế; Doanh Trai 營齋 : là làm tuần trai.
* Nghĩa Bài Thơ :
Giống như là Tạ An đời Tấn rất thương cô con gái út của mình, nhưng từ ngày lấy phải kẻ Kiềm Lâu hàn sĩ nầy thì trăm việc đều trớt quớt không như ý. Thấy tôi không có áo mới để mặc nàng đã lục lọi hết các rương hòm để tìm kiếm. Không tiền mua rượu uống tôi đã theo nài nĩ nàng, nàng cũng chịu rút cây trâm vàng trên đầu mà đưa cho tôi. Ăn uống thì đạm bạc chỉ tìm các loại rau rừng đọt đậu... Gom góp lá rụng phơi khô để làm củi nên thường ngóng trông cây hòe lớn rụng lá xuống. Đến ngày hôm nay ta đã làm quan, bổng lộc đã hơn mươì vạn hộc một năm, thì nàng đã mất rồi; nên chỉ còn có nước là vừa cúng tế vừa làm tuần trai cho nàng mà thôi !
* Diễn Nôm :
Inline image
KHIỂN BI HOÀI (1)
Gái út Tạ công được mến yêu,
Gã cho hàn sĩ khổ trăm điều.
Lo ta áo cũ moi rương nát,
Vì mỗ rượu ghiền bán lược yêu.
Rau cháo đỡ lòng ăn xí xóa,
Lá cây làm củi ước rơi nhiều.
Nay ta bổng lộc hơn mười vạn,
Phúng điếu mong nàng sớm độ siêu !
Lục bát :
Tạ Công gái út thương nhiều,
Lấy chàng hàn sĩ trăm điều khổ thay.
Lo ta không áo tìm may,
Vì ta hết rượu rút ngay trâm vàng.
Bửa ăn rau dại làm sang,
Lá khô làm củi nên nàng ngóng cây.
Nay ta mười vạn bổng đầy,
Chỉ còn phúng điếu làm chay cho nàng.
Bài thơ hết lời ca ngợi người vợ hiền, trước tiên là đức tính tốt của một tiểu thơ con nhà quan mà chịu khuất thân lấy người hàn sĩ để phải chịu khổ trăm điều : Lo cái ăn cái mặc để giữ thể diện cho chồng, chìu cả những thói ghiền rượu của chồng mà không ngần ngại bán cả trâm vàng, sống kham khổ bằng các loại rau dại, chắc mót cả lá khô để làm củi đốt... Thế mà ngang trái thay, khi đã làm quan, khi đã giàu sang vinh hiển, thì vợ đã mất rồi !... Dù cho có cúng tế làm đám linh đình như thế nào cũng không bù đắp được tấm chân tình của người vợ hiền đã khuất bóng.
遣悲懷·其二 KHIỂN BI HOÀI Kỳ 2
昔日戲言身後事, Tích nhật hí ngôn thân hậu sự,
今朝都到眼前來。 Kim triêu đô đáo nhãn tiền lai.
衣裳已施行看盡, Y thường dĩ thí hành khan tận,
針線猶存未忍開。 Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai.
尚想舊情憐婢僕, Thượng tưởng cựu tình lân tì bộc,
也曾因夢送錢財。 Dã tằng nhân mộng tống tiền tài.
誠知此恨人人有, Thành tri thử hận nhân nhân hữh,
貧賤夫妻百事哀。 Bần tiện phu thê bách sự ai !
元稹 Nguyên Chẩn
Inline image
* Chú Thích :
- Hí Ngôn 戲言 : Lời nói chơi (giữa vợ chồng với nhau).
- Thân Hậu Sự 身後事 : Chuyện sau khi đã chết, đã qua đời.
- Dĩ Thí 已施 : Đã bố thí (cho người nghèo).
- Hành Khan Tận 行看盡 : là Đã gần hết.
- Do Tồn 猶存 : Còn chừa lại, còn để lại.
- Tì Bộc 婢僕 : TÌ là Tì nữ, hầu gái. BỘC là Gia bộc, người giúp việc trai.
- Bần Tiện Phu Thê 貧賤夫妻 : là Vợ chồng nghèo khó với nhau.
* Nghĩa bài thơ :
Ngày xưa vợ chồng thường nói chơi với nhau là : người nầy chết thì người kia sẽ ra sao ?... Đến hôm nay thì sự thực đó đều đã phơi bày trước mắt.
Quần áo của bà để lại tôi đã bố thí cho người nghèo gần hết rồi, chỉ có kim chỉ ngày xưa của bà dùng để may vá thì tôi còn giữ lại cả mà không đành lòng mở ra xem. Tôi luôn nhớ đến tình nghĩa của bà ngày xưa đối với nô tì gia bộc, người ăn kẻ ở trong nhà mà càng yêu thương họ hơn; cũng thường nằm mơ thấy bà nên luôn mua thêm vàng mã đốt xuống gởi cho bà. Vốn dĩ biết rằng cái hận sinh ly tử biệt mọi người đều có, nhưng đối với vợ chồng xuất thân nghèo hèn như chúng ta thì trăm việc đều bi ai buồn thãm.
* Diễn Nôm :
KHIỂN BI HOÀI (2)
Inline image
Ngày xưa cứ tưởng nói chơi thôi,
Nào biết hôm nay trước mắt rồi.
Bố thí áo quần cho sắp hết,
Vẫn còn kim chỉ chẳng đành coi.
Nhớ bà xưa vẫn thương người ở,
Vì mộng nay thường đốt bạc tơi.
Vẫn biết hận nầy ai tránh khỏi,
Vợ chồng nghèo khó khổ khôn vơi !
Lục bát :
Xưa kia cứ ngỡ nói chơi,
Nào ngờ nay đã phương trời âm dương.
Áo quần bố thí vẫn thường,
Chỉ kim còn đó chẳng buồn mở xem.
Vốn thương kẻ ở người quen,
Mã vàng thường đốt mấy phen mơ màng.
Vốn hay tử biệt hận tràn,
Vợ chồng nghèo khổ muôn vàn bi thương !
Thật chí tình chí nghĩa, Nguyên Chẩn nhớ đến từng việc, từng việc một của vợ mình khi còn sống, cho nên áo quần thì bố thí cho người nghèo gần hết, chớ kim chỉ mà ngày thường vợ thường dùng để may vá thì không dám mở ra, sợ gợi lại hình ảnh của vợ lúc còn sống; Vốn biết vợ có lòng nhân từ hay thương người ăn kẻ ở trong nhà nên cũng đối xử với họ tốt hơn... và mặc dù bây giờ làm quan đã giàu sang rồi, vẫn còn nhớ lúc vợ chồng thuở hàn vi trăm việc đều buồn thương sầu thảm.
遣悲懷.其三 KHIỂN BI HOÀI (3)
閒坐悲君亦自悲, Nhàn tọa bi quân diệc tự bi,
百年都是幾多時? Bách niên đô thị kỷ đa thì ?
鄧攸無子尋知命, Đặng Du vô tử tầm tri mệnh,
潘岳悼亡猶費詞。 Phan Nhạc điếu vong do phí từ.
同穴窅冥何所望? Đồng huyệt yểu minh hà sở vọng,
他生緣會更難期。 Tha sinh duyên hội cánh nan kỳ.
惟將終夜長開眼, Duy tương chung dạ trường khai nhãn,
報答平生未展眉。 Báo đáp bình sinh vị chuyển mi.
元稹 Nguyên Chẩn
Inline image
* Chú Thích :
- Đặng Du 鄧攸 : Theo Tấn Thư ghi chép : ĐẶNG DU (?-326) người đời Tây Tấn, tự là Bá Đạo, là quan Thái Thú đất Hà Tây. Cuối năm Vĩnh Gia trong chiến tranh loạn lạc, Du đã bỏ con chết trong chiến loạn mà cứu lấy cháu do em trai gởi gắm, với lý do mình còn có thể sanh con khác được, chứ cháu mà chết rồi thì làm sao sanh được đứa cháu khác đây ? Cuối cùng, vợ ông không còn khả năng mang thai nữa. Đành phải nạp thiếp, khi hỏi rõ lý lịch thì biết cô thiếp mà mình định nạp là cháu gái con của em vợ mình, nên thôi. Ông cho đó là số mạng của mình, nên từ đó không có ý định nạp thiếp nữa. Rồi đành chịu cảnh vô hậu, không người nối dõi.
- Phan Nhạc 潘岳 : Cũng theo Tấn Thư ghi chép : PHAN NHẠC(247-300) người đời Tây Tấn, tự là An Nhân. Người đời thường gọi ông là PHAN AN 潘安, là một văn học gia nổi tiếng đẹp trai, là Huyện Lệnh của đất Hà Dương. Vợ là Dương Thị, chết trẻ. Ông vô cùng thương nhớ vợ và làm rất nhiều thơ để phúng điếu, trong có 3 bài "Điếu Vong Thi 悼亡詩" rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
- Yểu Minh 窅冥 : là Nơi xa xôi tăm tối, chỉ Âm Phủ.
- Hà Sở Vọng 何所望?: Còn kỳ vọng mong mõi gì nữa đây ?
- Duyên Hội 緣會 : là Duyên hội ngộ, là cái nhân duyên gặp gỡ nhau.
- Cánh Nan Kỳ 更難期 : là Càng khó mà trông mong hơn nữa.
- Khai Nhãn 開眼 : Mở mắt, vì không ngủ được.
- Triển Mi 展眉 : là Nở mày; ý chỉ Nở mày nở mặt.
* Nghĩa Bài Thơ :
Rảnh rổi ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi nữa. Người ta thường nói trăm năm tơ tóc, nhưng trăm năm có là bao đâu ? Đặng Du không có con nối dõi cũng do nơi mạng số; còn Phan An khóc điếu vợ rồi thì lời điếu cũng thoảng qua thôi. Đã không còn trông mong chết cùng chung một huyệt mộ, thì duyên hội ngộ ở kiếp sau cũng không dễ gì trông mong cho có được đâu. Giờ chỉ còn biết nhớ thương bà mà "mở mắt" suốt đêm trường không ngủ, để báo đáp lại lúc còn sống nghèo khổ bà chẳng "Nở mặt nở mày" được !(Khi tôi đã làm quan lớn).
* Diễn Nôm :
KHIỂN BI HOÀI (3)
Inline image
Ngồi rảnh nhớ nàng dạ xót thay,
Bách niên giai lão mất còn ai ?
Đặng Du vô tử đành hiu hẩm,
Phan Nhạc điếu vong những cảm hoài.
Chung huyệt chung mồ thôi ngóng đợi,
Kiếp sau kiếp nữa khó mong thay.
Suốt đêm mở mắt tuôn dòng lệ,
Báo đáp nàng xưa chẳng mở mày !
Lục bát :
Buồn nàng rồi lại buồn ta,
Trăm năm tơ tóc có là bao nhiêu ?
Đặng Du vô tử hẩm hiu,
Phan An khóc vợ nghe nhiều xót xa.
Hết mong chung huyệt đôi ta,
Kiếp sau gặp gỡ cũng là viễn vong.
Suốt đêm mở mắt nhớ mong,
Vì nàng đến chết vẫn không mở mày !
Thật chân tình, thật thực tế và thực cảm động lòng người ! Ngồi buồn nhớ thương bà mà cũng tự thương cho thân tôi. Người ta nói trăm năm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự có được bao nhiêu đâu ? Tôi với bà không có con, âu đó cũng là do số mạng ta phải thế; Tôi làm thơ thương khóc bà rồi cũng chỉ như làn gió thoảng thôi, vì bà đâu còn nghe thấy được nữa đâu. Chúng ta từng nguyện sống chung nhà và chết thì chung một huyệt mộ, nhưng đó cũng chỉ là những chuyện viễn vông, cũng như hẹn sẽ cùng nhau gặp gỡ ở kiếp lai sinh đều là những chuyện huyễn hoặc không thể nào có thật được. Việc thực tế nhất trước mắt là tôi luôn "mở mắt" thức trắng thâu đêm vì thương cho bà lúc còn sống đã không được "mở mày mở mặt" với người đời !
Qua ba bài thơ vừa điếu tang, vừa bày tỏ nỗi lòng thương nhớ vợ chẳng may mất sớm của Nguyên Chẩn. Ta thấy ông đã sử dụng những chi tiết rất nhỏ nhặt, rất tầm thường trong cuộc sống, như quần áo, trâm cài, rau dại, lá khô... Sự hiền thục của vợ như mến thương người ăn kẻ ở trong nhà, sống kham khổ với chồng mà chẳng chút oán than trách móc, vợ chồng cùng ước hẹn sống chết có nhau, tái ngộ ở kiếp lai sinh... Chính những sự nhỏ nhặt tầm thường của các mặt trong đời sống thực tế của vợ chồng đã được ông than van kể lể làm cảm động lòng người đọc một cách chân thành như sự chân thành của ông trong những lời thơ thương khóc vợ.
Ngoài ba bài thơ thương tiếc điếu tang vợ như trên, Nguyên Chẩn còn có một hệ thống 5 bài thơ Tứ tuyệt "LY TỨ 離思" (Nỗi nhớ thương lúc phân ly) cũng rất nổi tiếng, nhất là bài thứ tư trong 5 bài nêu trên đã trở thành bất hủ :
曾經滄海難爲水, Tằng kinh thương hải nan vi thủy,
除卻巫山不是雲。 Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.
取次花叢懶回顧, Thủ thứ hoa tùng lãn hồi cố,
半緣修道半緣君。 Bán duyên tu đạo bán duyên quân.
Có nghĩa :
Nếu không phải là nước của biển xanh mênh mông thì không phải là nước. Ngoại trừ những mây mù trên đỉnh Vu Sơn ra, còn lại đều không phải là mây. Đã lơ đễnh qua khỏi khóm hoa rồi thì cũng lười biếng quay đầu nhìn lại, vì lòng đã trót theo tu đạo, và cũng vì trong lòng ta đã có hình bóng của em rồi.
Diễn Nôm :
Inline image
Chẳng là biển rộng không là nước,
Trừ bỏ Vu Sơn chẳng phải mây!
Trước khóm hoa tươi lười biếng ngắm,
Nửa vì tu đạo nửa nàng đây.
Lục bát :
Biển xanh mới thật nước đây,
Chẳng Vu Sơn đó chẳng mây trên trời.
Quay đầu biếng ngắm hoa tươi,
Nửa vì đaọ hạnh nửa vui vì nàng.
Ý của Nguyên Chẩn là :"Ngoại trừ vợ ông ra, thì không có người đàn bà nào trên đời nầy đáng cho ông yêu nữa cả ! Dù có đi qua một "rừng hoa" trước mắt, ông cũng không buồn quay đầu lại để nhìn ngắm, vì đạo hạnh và nhất là vì trong lòng ông đã có hình bóng của vợ ông rồi. Không có bất cứ người đàn bà nào khác có thể thay thế được !
Bốn chữ đầu của câu thơ thứ nhất "TẰNG KINH THƯƠNG HẢI 曾經滄海" đã trở thành Thành Ngữ để chỉ khi "Một chàng trai yêu một cô gái nào đó mà cho rằng ngoài nàng ra thì chẳng thể nào yêu người khác được nữa", dùng bốn chữ TẰNG KINH THƯƠNG HẢI để tỏ tình và để cho nàng biết là ngoài nàng ra chàng sẽ không còn yêu ai khác, nếu không lấy được nàng thì chàng sẽ..."ở vậy nuôi con" cho đến hết đời ! Nên...
Khi viết câu thơ trên Nguyên Chẩn muốn cho mọi người biết mình là người đàn ông chung tình, vợ chết rồi thì không còn yêu ai khác nữa và sẽ không lấy ai khác nữa. Nhưng ... khóc vợ chết thì nói thế, chứ đời sống thực tế của ông thì ông là người "bạ đâu yêu đó, gặp người nào yêu người nấy và bỏ... người kia" là.... KẺ BẠC TÌNH NHẤT trong tất cả những đàn ông bạc tình ở trên đời nầy ! Mời đọc lại bài "BẠC TÌNH NỔI TIẾNG ĐƯỜNG THI" thì sẽ rõ !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐÕ CHIÊU ĐỨC