Góc Đường Thi :
LỄ MẸ : DU TỬ NGÂM
Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm là ngày LỄ MẸ (Mothers'day) ở Mỹ. LỄ MẸ năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 09 tháng 5 tới đây. Việt Nam ta không có ngày Lễ Mẹ chính thức, mọi người lấy ngày Lễ Vu Lan Bồn là ngày rằm tháng 7 Âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến Mẹ Hiền. Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam, nhà sư Nhất Hạnh lấy ngày Rằm tháng 7 này làm ngày Bông Hồng Cài Áo. Ai còn Mẹ thì được cài một bông hồng màu ĐỎ, người nào chẳng may đã mất Mẹ rồi thì cài một bông hồng màu TRẮNG lên áo để tưởng nhớ đến Mẹ Hiền....
Nay, nhân ngày Lễ Mẹ ở xứ người, lại nhớ đến ngày Lễ Vu Lan ở xứ ta, xin chân thành gởi đến tất cả mọi người một Bông Hồng...Thơ, để tưởng nhớ đến Mẹ Hiền qua tâm tình của một Du Tử phiêu bạt phương trời : Bài thơ "DU TỬ NGÂM 遊子吟" của Mạnh Giao đời Đường...
DU TỬ NGÂM 遊 子 吟
Từ mẫu thủ trung tuyến 慈 母 手 中 线
Du tử thân thượng y 遊 子 身 上 衣
Lâm hành mật mật phùng 临 行 密 密 缝
Ý khủng trì trì quy 意 恐 遲 遲 歸
Thùy ngôn thốn thảo tâm 誰 言 寸 草 心
Báo đắc tam xuân huy 報 得 三 春 暉
MẠNH GIAO 孟 郊
Bài thơ có tựa là KHÚC NGÂM của NGƯỜI DU TỬ, người lãng du phiêu bạt giang hồ nhớ về Mẹ như sau :
Sợi chỉ trong tay bà mẹ hiền, khâu nên chiếc áo ở trên mình người du tử. Lúc ra đi, mẹ đã từng mũi từng mũi một khâu thật chắc, ý sợ rằng con mình mê mãi thú giang hồ mà nấn ná dần dà trễ tràng trở về quê cũ. Ai bảo rằng tấc lòng của cọng cỏ non kia, có thể báo đáp được ánh nắng ấm áp của ba tháng mùa xuân. (Trong mùa đông, cỏ chết rụi cả, chỉ sống lại nhờ ánh sáng và hơi ấm của ba tháng mùa xuân mà thôi !).
Ôi, nỗi lòng thương con của bà mẹ thật tỉ mỉ, chi li, nhưng lại bao la sâu rộng vô cùng. Bà không trách con đi lâu, cũng không buộc con phải về sớm, vì bà biết tánh lãng tử của con mình. Bà chỉ âm thâm chắc chiu từng mũi kim cho thật chặc thật chắc, chỉnh e khi ở nơi xứ lạ quê người, áo của con bị sứt chỉ đường tà sẽ không có ai khâu hộ. Việc làm tuy nhỏ nhặt, nhưng lại hàm chứa biết bao nỗi thương yêu lo lắng của Mẹ Hiền. Tác giả đã kết bằng cách mượn nỗi lòng của một tấc cỏ nhỏ nhoi, thì làm thế nào có thể báo đáp cho được ánh nắng ấm áp của 3 tháng mùa xuân đã mang sức sống và xanh tươi đến cho vạn vật muôn loài cho được !
Khi diễn tả cô Kiều cân nhắc giữa tình và hiếu, rồi quyết định bán mình chuộc tội cho cha. Hành động bán mình là việc làm cao cả, vĩ đại, nhưng đối với công lao trời biển, sanh thành dưỡng dục của cha mẹ thì Nguyễn Du vẫn cho là chưa đủ, cho nên ông đã dùng chữ "Liều" một cách rất tài tình :
Hạt mưa xá nghĩ phận hèn
LIỀU đem TẤC CỎ quyết đền BA XUÂN !
Sự thật, bán mình chuộc tội cho cha thì cô Kiều có thể nói đã hoàn toàn trả được chữ hiếu rồi !(hết đời rồi , còn gì nữa !) : " Bán mình là hiếu, cứu người là nhân " mà, và như Sư Tam Hợp đã nói : "Bán mình đã động hiếu tâm đến trời". Nỗi lòng "tấc cỏ" của cô Kiều khả dĩ nói là đã đáp đền được "ánh nắng của ba xuân" rồi hay chưa ?!
DIỄN NÔM :
Kim chỉ trên tay từ mẫu,
Khâu nên áo lãng du nhân.
Khi đi chắc chiu từng mũi,
Sợ ngày về lắm lần khần.
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
Báo đền được nắng ba xuân ?!
Lục bát :
Đường kim mũi chỉ mẹ hiền,
Khâu nên chiếc áo trên mình lãng du,
Chắc chiu từng mũi từng khâu,
Sợ e con trẻ đi lâu chửa về
Ai rằng tấc cỏ bên lề,
Báo đền được ánh nắng về ba xuân ?!
Đỗ Chiêu Đức diễn nôm.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ :
MẠNH GIAO 孟郊 ( 751- 814 )
Mạnh Giao tự là Đông Dã, người đất Võ Khang. Lúc nhỏ ở ẩn trong núi Tung Sơn, tánh tình thầm lặng, làm thơ hay thiên về lý trí, lại chắt lọc từng chữ một. Hàn Dũ rất mến tài ông mà kết thành bạn vong niên. Mãi đến năm 50 tuổi ông mới đậu Tiến Sĩ ở niên hiệu Trinh Nguyên đời nhà Đường.
Ngoài bài Du Tử Ngâm được nhiều người biết đến, Mạnh Giao còn nổi tiếng với bài Liệt Nữ Tháo. Cả hai bài đều làm theo thể Ngũ ngôn Cổ phong. (Mỗi câu năm chữ, có thể gieo cả vần Bằng lẫn vần Trắc và không hạn định số câu của một bài.).
Xin cầu chúc tất cả mọi người đều có một ngày Lễ Mẹ tuyệt vời !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét