CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 79: NGỌC. - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 




THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 79 : 

                                      NGỌC

                                 
             Nàng rằng trộm liếc dung quang,
        Chẳng sân NGỌC BỘI cũng phường kim môn

       NGỌC 玉 chữ Nho có nghĩa là Đá Qúy. Ta thường gọi là Cẩm Thạch 錦石 (Đá đẹp như gấm). NGỌC là loại đá vừa cứng vừa trong sáng, tượng trưng cho cái đức cứng rắn thủy chung và trong sạch của người quân tử ngày xưa . NGỌC còn được xem như là vật có linh khí cát tường, bách bệnh bất sinh, nên người quân tử ngày xưa thích đeo ngọc, gọi là BỘI NGỌC 佩玉. Theo sách Lễ Ký, thiên Ngọc Tảo《禮記玉藻篇》có câu : 
      "Cổ chi quân tử tất bội ngọc 古之君子必佩玉... Thiên tử bội bạch ngọc 天子佩白玉... Công hầu bội sơn huyền ngọc 公侯佩山玄玉... Đại phu bội thủy thương ngọc 大夫佩水蒼玉... Thế tử bội du ngọc 世子佩瑜玉..." Có nghĩa : Người quân tử ngày xưa ắt phải đeo ngọc... Vua đeo ngọc trắng... Công hầu đeo ngọc núi đen... Đại phu đeo ngọc xanh màu nước... Con nhà thế gia đeo ngọc bích (cẩm thạch)..." Nói chung, vua chúa quyền qúy đều đeo ngọc, gọi BỘI NGỌC hay NGỌC BỘI gì cũng thế.

      Khi gặp Kim Trọng "Phong tư tài mạo tuyệt vời, vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa !" Thúy Kiều đã đánh giá người yêu :

                               Nàng rằng trộm liếc dung quang,
                       Chẳng sân NGỌC BỘI cũng phường kim môn.
     
                
       NGỌC còn là từ dành riêng cho phái đẹp, nên gọi người đẹp, người yêu là NGƯỜI NGỌC, gót chân của người đẹp thì gọi là GÓT NGỌC, ngay cả khi người đẹp khóc thì giọt nước mắt cũng được gọi là GIỌT NGỌC, như khi Thúy Kiều bị Khuyển Ưng bắt về giao nạp cho Hoạn Bà làm Hoa Nô, Kiều đã khóc với mụ quản gia :

                            Nàng càng GIỌT NGỌC chứa chan,
                      Nỗi lòng luống những bàng hoàng niềm tây.

     Sau khi Từ Hải chết, Hồ Tôn Hiến đã nói với Thúy Kiều "Đã hay thành toán miếu đường, Giúp công cũng có lời nàng mới nên" và hỏi "Bây giờ sự đã vẹn tuyền, Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào?" Thúy Kiều đã :

                            Nàng càng GIỌT NGỌC tuôn trào,
                         Ngập ngừng mới gửi thấp cao sự lòng.
                              Rằng: Từ là đấng anh hùng...

... Còn khuôn mặt nhan sắc của giai nhân thì gọi là NGỌC NHAN 玉顏, khi người đẹp nói cười thì gọi là HOA CƯỜI NGỌC THỐT như cụ Nguyễn Du đã miêu tả chị em Thúy Kiều và Thúy Vân vậy :

                           HOA CƯỜI NGỌC THỐT đoan trang,
                        Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

... Còn nói về tài thi từ ca phú thì lại gọi là NHẢ NGỌC PHUN CHÂU, như khi Thúy Kiều đề thơ lên bức họa của Kim Trọng trong đêm gặp gỡ, thì Kim Trọng đã :

                           Khen: Tài NHẢ NGỌC PHUN CHÂU,
                           Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này!    

... Còn gương mặt của người đẹp, nếu không gọi là NGỌC NHAN 玉顏 thì gọi là NGỌC DUNG 玉容, như khi Đường Minh Hoàng gặp lại Dương Qúy Phi trong mơ, nhà thơ Bạch Cư Dị đã viết trong Trường Hận Ca là : 

                     玉容寂寞淚闌干,   NGỌC DUNG tịch mịch lệ lan can,
                     梨花一枝春帶雨。   Lê hoa nhất chi xuân đới vũ.
     Có nghĩa :
                     MẶT NGỌC ưu sầu lệ ngổn ngang,
                     Như hoa lê điểm giọt mưa ngàn...

                     
... mà cụ Nguyễn Du nhà ta đã mượn hình ảnh nầy để tả lời của Vương Bà khi nghe Thúy Kiều trong đêm khóc vì Đạm Tiên báo mộng cho biết số kiếp đoạn trường của mình :

                              Cớ sao trằn trọc canh khuya,
                          Màu hoa lê hãy đầm đìa giọt mưa ?!

      Người đẹp khóc mà ví như  là "Đóa hoa lê có lấm tấm vài giọt mưa" thì thi vị không sao chịu nỗi, mà "nịnh đầm" thì cũng hết biết luôn ! Đến khi người đẹp bị dày vò hay đày đọa cho đến chết cũng không rời khỏi chữ NGỌC :"Nát NGỌC Tan vàng hay NGỌC nát Vàng tan", hay nói lẫy như khi Thúy Kiều bị Hoạn Bà dày vò hành hạ :

                                 Đã đành túc trái tiền oan,
                         Cũng liều NGỌC NÁT HOA TÀN mà chi.

      Khi Tú Bà bắt Thúy Kiều lạy Thần Mày Trắng, bắt gọi mình bằng mẹ và gọi Mạ Giám Sinh bằng cậu, Thúy Kiều không nghe theo nên bị Tú Bà đánh cho một trận, nàng đã "Sẵn dao tay áo tức thì giở ra" để liều mạng tự sát :

                                 Sợ gan NÁT NGỌC LIỀU HOA,
                              Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.

      Bản thân người đẹp đã là NGỌC qúy rồi, như khi Mã Giám Sinh tìm đến nhà để "mua" Thúy Kiều, cũng đã lịch sự mà nói :

                               Rằng: Mua NGỌC đến Lam Kiều,
                          Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?

  ... đã là NGỌC qúy giá rồi, cho nên cũng phải biết GÌN VÀNG GIỮ NGỌC, như trước lúc chia tay để lên đường đi Liêu Dương hộ tang cho chú, Kim Trọng đã ân cần nhắn nhủ với Thúy Kiều là :

                              GÌN VÀNG GIỮ NGỌC cho hay,
                         Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời !

                            Inline image

      Đến khi đã lọt vào lầu xanh rồi thì cũng có cái giá, cái sỉ diện của gái lầu xanh, như cụ Nguyễn Du đã viết :

                                 Lầu xanh mới rủ trướng đào,
                        Càng treo GIÁ NGỌC càng cao phẩm người. 

      Cái dáng vẻ, cái nét đẹp của người NGỌC thì gọi là VẺ NGỌC, từ nầy được cụ Nguyễn Du dùng đến hai lần, lần đầu khi Mã Giám Sinh đã mua và rước được Thúy Kiều về đến trú phường, hắn ta đã :

                               Mừng thầm: Cờ đã đến tay!
                       Càng nhìn VẺ NGỌC càng say khúc vàng.

      Lần thứ hai là khi quan Phủ đã đứng ra tác thành cho Thúc Sinh và Thúy Kiều cưới nhau "Bày hàng cổ xúy xôn xao, song song đưa đến trướng đào sánh đôi" Làm cho cặp đôi Thúc Sinh và Thúy Kiều càng quấn quít nhau hơn :

                               ​Hương càng đượm lửa càng nồng,
                           Càng sôi VẺ NGỌC càng lồng màu sen. 

      Cái Vẻ Ngọc của Thúy Kiều đã được cụ Nguyễn Du bạo gan đi trước thời đại để miêu tả lúc Thúy Kiều rủ màn xuống để "Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa" bày ra cái thân hình :

                                Rõ màu TRONG NGỌC TRẮNG NGÀ!
                               Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.  


... cái dáng NGỌC lồ lộ ở ngay trước mặt của Thúc Sinh, khiến cho chàng Thúc phải ngẩn ngơ và "Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường". Thúy Kiều cũng đã đãi bôi lại :

                                  Nàng rằng: Vâng biết ý chàng.
                         LỜI LỜI CHÂU NGỌC hàng hàng gấm thêu.
                                  Hay hèn ví cũng nối điêu...                        
 
      NGỌC không những chỉ sang trọng mà còn dùng để chỉ giai cấp qúy tộc hay hoàng gia với thành ngữ KIM CHI NGỌC DIỆP 金枝玉葉 hay NGỌC DIỆP KIM CHI mà ta nói là CÀNH VÀNG LÁ NGỌC hay LÁ NGỌC CÀNH VÀNG. Có xuất xứ từ Cổ kim Chú. Dự Phục 古今注•舆服. Có nghĩa : Cỏ cây hoa lá rất mượt mà xanh tươi đẹp đẽ. Sau mượn dùng để chỉ con em của hoàng tộc, dùng rộng ra để chỉ chung con em của những gia đình danh gia vọng tộc quyền qúy. Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Ba Giai (cặp đôi của Tú Xuất), bài ca ca ngợi gương chiến đấu hy sinh oanh liệt của danh tướng Tổng Đốc Hoàng Diêu và lên án những người mang tiếng là KIM CHI NGỌC DIỆP mà không biết bảo vệ đất nước giang sơn như Án Sát Tôn Thất Bá :



                         Kìa Tôn Thất Bá Niết Công,
                  KIM CHI NGỌC DIỆP, vốn dòng tôn nhân,
                                Đã quốc tộc, lại vương thần,
                           Cũng nên hết sức kinh luân mới là...

      Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Nữ Tú Tài cũng có câu :

                              Nhủ rằng NGỌC DIỆP KIM CHI,
                            Lứa đôi xem cũng phải thì lứa đôi !
    

      NGỌC còn chỉ sự trong trắng thanh bạch không bợn nhơ, như lời tâm sự chân thành của Thúc Sinh bày tỏ với Thúy Kiều khi nàng bị bắt phải đi tu ở Quan Âm Các :

                                  Vì ta cho lụy đến người,
                       Cát lầm NGỌC TRẮNG, thiệt đời xuân xanh !
 
      Theo sách "Bác Vật Chí" của Trương Hoa đời Tây Tấn 西晉張華《博物志》:“Nam Hải thủy hữu giao nhân, thủy cư như ngư, bất phế chức tích, kỳ nhãn năng khấp châu 南海水有鲛人, 水居如鱼, 不废织绩, 其眼能泣珠”. Có nghĩa : Dưới nước của biển Nam Hải có người cá, ở và lội dưới nước như cá. Dệt ra vải không thấm nước và nước mắt khi khóc chảy ra thành những hạt châu ngọc. Trong "Thuật Dị Ký 述異記" của thời Nam Triều và trong "Sưu Thần Ký 搜神記" của đời Đông Tấn cũng có ghi lại câu chuyện của người cá nầy (Giao nhân). Vì nước mắt của người cá nầy khi khóc chảy ra thành những hạt châu ngọc, cho nên, gọi là NGỌC GIAO và phải lấy mâm mà hứng lại những hạt Ngọc Giao nầy, như trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" có câu  :

                              Lưu tô sương gió lọt vào,
                     Đem mâm mà chứa NGỌC GIAO hẵn đầy !
                        
... Còn trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì gọi những giọt nước mắt nầy là GIỌT NGỌC hay GIỌT CHÂU, như khi thấy Thuý Kiều bị Hoạn Thư bắt làm con hầu và phải đứng hầu rượu cho hai vợ chồng uống thì Thúc Sinh đã :

                              Sợ quen dám hở ra lời,
                   Không ngăn GIỌT NGỌC sụt sùi nhỏ sa.

... đến khi đã uống say rồi Hoạn Thư còn bắt Thúy Kiều phải đàn cho hai vợ chồng nghe nữa, đến nước nầy thì chàng Thúc vỡ òa :

                                 GIỌT CHÂU lã chã khôn cầm,
                        Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.
             
      
       Sau NGỌC GIAO, ta có NGỌC KINH 玉京. Theo "Ngụy Thư-Thích Lão Chí 魏書.釋老誌" nói rằng :"...上處玉京,為神王之宗;下在紫微,為飛仙之主。Thượng xứ Ngọc Kinh,vi thần vương chi tông; Hạ tại Tử Vi, vi phi tiên chi chủ". Có nghĩa : Trên thì cóNgọc Kinh là gốc của các Thần; dưới thì có Tử Vi là chủ của các tiên bay trên trời". Nên NGỌC KINH là chỗ ở của Thượng Đế, là Kinh đô bằng Ngọc. Trong tích Bùi Hàng gặp tiên, Phàn phu nhân đã có bài thơ gởi cho Bùi Hàng như sau :

                一飲瓊漿百感生,   Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
                玄霜搗盡見雲英。   Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
                藍橋便是神仙窟,   Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
                何必崎嶇上玉京?   Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?
Có nghĩa :
                  Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
                  Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
                  Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
                  Sao phải gập ghềnh đến NGỌC KINH ?!
   
       Trong văn học cổ, khi dùng rộng ra thì NGỌC KINH dùng để chỉ Kinh Đô của nhà vua đang trị vì, như trong truyện thơ Nôm "Nhị Độ Mai" có câu :

                       Ngại ngùng thay lúc phân bào,
                    Kẻ về tử lý, người vào NGỌC KINH !

       Sau Ngọc Kinh, ta lại có NGỌC TIÊU 玉蕭 với điển tích rất hấp dẫn của một truyện Truyền kỳ như sau :
       Theo sách "Vân Khê Hữu Nghị của Phạm Sư 范攄.雲溪友議" đời Đường, kịch tác gia đời Nguyên đã viết nên kịch bản "Ngọc Tiêu Nữ Lưỡng Thế Nhân Duyên 玉蕭女两世姻缘" như sau : Thư sinh Vi Cao 韋皋 trong khoảng thời gian du học để đợi khoa thi, có quen với một kỹ nữ tên là Hàn Ngọc Tiêu 韓玉蕭. Khi đến khoa thi, mẹ của Ngọc Tiêu thúc ép Vi Cao lai kinh ứng thí với thâm ý chia rẻ cặp tình nhân không cùng giai cấp nầy ra. Nào ngờ khi Vi Cao đi rồi, Ngọc Tiêu cứ thương nhớ mãi mà tương tư thành bệnh, trước lúc lâm chung còn trăn trối bảo mẹ mình 13 năm sau mang bức họa ảnh của mình đến nhà họ Trương ở đất Kinh Tương. Sau khi chết Ngọc Tiêu bèn thác sinh vào làm con của Tiết Độ Sứ Trương Diên Thưởng ở Kinh Tương, cũng vẫn được đặt tên là Ngọc Tiêu. Về phần Vi Cao, sau khi đậu Trạng Nguyên lại được điều đi bình loạn ở vùng biên tái. Được tin Hàn Ngọc Tiêu mất chàng buồn bã vô cùng, nên càng cố gắng giết giặc lập công không màng chết sống, vì thế nên mười năm sau đã được phong làm Trấn Tây Đại Nguyên Soái. Mười ba năm sau khi ban sư về triều, lúc đi ngang qua đất Kinh Tương được Tiết Độ Sứ nơi đây tiếp đãi. Trong buổi tiệc thấy cô gái con của Trương Tiết Độ Sứ giống hệt như Hàn Ngọc Tiêu ngày xưa, bèn ngõ lời cầu hôn. Tiết Độ Sứ từ chối vì tuổi tác quá chênh lệch. Đang lúc đó thì bà mẹ của Hàn Ngọc Tiêu cũng mang bức họa đến, sau khi nói rõ nguyên do sự đầu thai chuyển thế của Trương Ngọc Tiêu. Thấy chuyện lạ, Tiết Độ Sứ bèn trình lên triều đình. Nhà vua cũng cho là chuyện nhân duyên hiếm thấy bèn ban chỉ tứ hôn cặp tình nhân chuyển thế nầy được đoàn tụ mỹ mãn.
     Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính của ta có câu :

                               Vi Cao lòng vẫn liền liền,
                      NGỌC TIÊU phỏng độ mấy niên tái hoàn.



                Ngọc Tiêu qua họa hình và qua điện ảnh

      Ở phần cuối Truyện Kiều được kết thúc bằng một thành ngữ rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều :

                              Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
                     Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai ?!                                    
       
      KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN 金馬門, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN 玉堂殿, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ. Nên...



      Thành ngữ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂 dùng để chỉ sự đỗ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.
                                
      Cũng trong phần cuối của Truyện Kiều, khi bị Hồ Tôn Hiến ép gã cho Thổ Quan. Thúy Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường để tự trầm, làm cho :

                                    Thổ quan theo vớt vội vàng,
                           Thời đà ĐẮM NGỌC CHÌM HƯƠNG mất rồi!

      Khi Kim Trọng và Vương Quan "cùng thuận một đường phó quan", đến đất Hàng Châu để hỏi thăm tin tức của Thúy Kiều, thì được dân chúng nơi đó cho hay rằng "Nàng Kiều công cả chẳng đền, Lệnh quan lại bắt ép duyên Thổ tù", cho nên :

                               Nàng đà GIEO NGỌC TRẦM CHÂU,
                           Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan!

      Cả nhà lại "Giải oan lập một đàn tràng bên sông" để tế Thúy Kiều."Cơ duyên đâu bỗng lạ sao, Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi" và báo tin vui cho cả nhà biết rằng :

                              Khi nàng GIEO NGỌC TRẦM CHÂU,
                              Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về,

               
      Vì thế mà cả nhà "Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy" kết thúc cho một chuyện tình có hậu "Hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai !"

      Xin được kết thúc Thành Ngữ Điển Tích về chữ NGỌC ở đây.

      Hẹn bài viết tới " THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 80 :  NGŨ "

                       
                      ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Không có nhận xét nào: