| 09:11 (12 giờ trước) | |||
Dòng Thơ BIÊN TÁI
Nhân tưởng niệm ngày 30 tháng Tư, mời tất cả cùng đọc lại "Dòng Thơ BIÊN TÁI" trong Đường Thi để càng thấm thía hơn với "Quốcphá sơn hà tại 國破山河在" (Nước mất nhưng núi sông vẫn còn đó) và "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi 古來征戰幾人回 ?" (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?)...
DÒNG THƠ BIÊN TÁI TRONG ĐƯỜNG THI
1. LƯƠNG CHÂU TỪ
CHIẾN TRANH là thảm họa muôn thuở từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á... Có biết bao nhiêu người đã nằm xuống ở sa trường, sinh ly tử biệt, có mấy ai được lành lặn trở về từ chiến địa đâu ?!... Mời đọc LƯƠNG CHÂU TỪ của Vương Hàn đời Đường để thấm thía hơn với nỗi niềm " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?!"...
涼 州 詞 LƯƠNG CHÂU TỪ
葡萄美酒夜光杯, Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
欲飲琵琶馬上催。 Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
醉臥沙場君莫笑, Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
古來征戰幾人回。 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?
王 翰 Vương Hàn
VƯƠNG HÀN : Không rõ năm sanh năm mất. Tự là Tử Vũ. Người đất Tinh Châu Tấn Dương ( thuộc Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hiện nay ). Lúc trẻ nhà giàu nên sống rất hào sảng phóng túng, thích uống rượu và ngao du sơn thủy. Đậu Tiến Sĩ đời Đường Tuấn Tôn Cảnh Vân Nguyên niên ( 719 ).Khi Trương Thuyết làm Tể Tướng có triệu ông về kinh làm quan, đến khi Trương Thuyết bị bãi chức, ông cũng bị biếm ra khỏi kinh thành. Cuối cùng ông nhậm chức Tư Mã Thông Châu và mất ở nơi đây. Ông sở trường về thơ Thất ngôn tứ tuyệt, thiên về biên tái, lời thơ rất hùng tráng, hoa lệ và cảm khái, bi phẫn với cảnh chiến tranh dai dẵng.
CHÚ THÍCH :
1. LƯƠNG CHÂU : là đất Lũng Tây đời Đường, nay thuộc TP Võ Uy tỉnh Cam Túc. Đây là vùng đất giáp ranh, do người Hán và người Hồ luân phiên cát cứ, ai mạnh thì chiếm giữ.
LƯƠNG CHÂU TỪ : không phải là tựa chính thức của bài thơ, mà là tên của một Khúc Hát ở vùng đất Lương Châu, vì ngoài bài nầy ra, ta còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Nên bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 : có nghĩa là XUẤT CHINH RA NGOÀI BIÊN TÁI.
2. BỒ ĐÀO : là Trái Nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là Rượu ngon được ủ bằng nho. NHO là trái của người Hồ, nên rượu Nho cũng là rượu của người Hồ cống nhập vào Trung Hoa. Bây giờ ta gọi là rượu VANG ( Le Vin ).
3. DẠ QUANG BÔI : là Ly uống rượu mà ban đêm phát ra ánh sáng. Ly làm bằng ngọc Dạ quang . " Có thể " là ly bằng Pha-Lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương Tây là Rợ Hồ, phương Nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG.
4. TỲ BÀ : là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, loại đàn mà cô Kiều đàn rất giỏi :
Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương !
5. QUÂN 君 : là Nhân Vật Đại Từ, ngôi thứ 2 số ít, nên có nghĩa : Ông, Anh, Bà, Chị, Em, Mầy... Trong câu thơ nầy, xưa nay thường được mọi người hiểu và dịch là ANH hay BẠN. Sao không thể là NÀNG được chứ ?! Tại sao ?. Xin thưa :
Hai câu đầu nêu lên : Rượu Bồ Đào ( rượu Nho ), ly dạ quang ( ly pha-lê ), đàn Tì Bà, tất cả đều của Xứ Hồ : Hồ tửu, Hồ bôi, Hồ Cầm, thì sao không thể là HỒ CƠ chớ ?!( HỒ CƠ 胡姬 : là Người đẹp xứ Hồ ). Những người đẹp nầy giỏi đàn hát, giúp vui trong quân ngũ để khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ hăng hái giết giặc. Ta thấy thúc quân không phải là tiếng chiêng tiếng trống, mà là tiếng đàn TÌ BÀ, Có lạ không ? Và chắc chắn là tiếng đàn thúc quân phải do những Hồ Cơ nầy ngồi trên mình ngựa đãm nhiệm. Cho nên, trước khi phi ngựa ra chiến trường, người chiến sĩ đã nói vói lại với người đẹp Hồ Cơ rằng : " Túy ngọa sa trường QUÂN mạc tiếu !.( ta lỡ có say mà nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười ta nhé ! . Vì : " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?! Có mấy ai được trở về từ chiến trường đâu nàng ơi !!!
DỊCH NGHĨA :
Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang (Rượu vang ngon rót vào chén ngọc đẹp). Toan uống, thì đã nghe tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa. (Nhưng khoan, hãy đợi ta uống cạn vài ly đã) Vì có say nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! Vì hãy nghĩ xem, từ xưa đến nay đem thân đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về đâu ?!
Đây là cái khí phách ngang tàng của...
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
( Chinh Phụ Ngâm Khúc )
DIỄN NÔM :
BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU
Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!
Lục bát :
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
PHỤ CHÚ :
Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ : CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể " nghĩ " DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lắp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!!
2. HÀ HOÀNG CỰU TỐT
Để nối tiếp theo cái hào khí " Túy ngọa sa trường " của Vương Hàn, TRƯƠNG KIỀU cũng người của thời Vãn Đường nói lên cái vô tình tàn khốc của chiến tranh bằng một bài tứ tuyệt thật đơn sơ bình dị mà dễ làm xúc động lòng người ! Xin mời đọc bài HÀ HOÀNG CỰU TỐT...
河湟舊卒 HÀ HOÀNG CỰU TỐT
少年隨將討河湟, Thiếu niên tùy tướng thảo Hà Hoàng,
頭白時清返故鄉。 Đầu bạch thời thanh phản cố hương.
十萬漢軍零落盡, Thập vạn Hán quân linh lạc tận,
獨吹邊曲向殘陽。 Độc xuy biên khúc hướng tàn dương !
張喬 Trương Kiều
TRƯƠNG KIỀU, thi nhân đời Tàn Đường, không rõ năm sanh năm mất, tự là Bá Thiên, người đất Trì Châu ( thuộc huyên Quí Trì, tỉnh An Huy hiện nay ). Khoảng giữa năm Hàm Thông ( 860-874 ) đậu Tiến Sĩ, sống ở đất Trường An, cùng với Hứa Đường, Trịnh Cốc... xưng là HÀM THÔNG THẬP TRIẾT. Khi loạn Hoàng Sào, ông ẩn cư ở Cửu Hoa Sơn và mất ở nơi đó. Ông làm thơ giản dị nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, thiên về Ngũ Ngôn Luật Thi. Trong TOÀN ĐƯỜNG THI còn lưu lại 2 quyển thơ của Ông.
CHÚ THÍCH :
1. HÀ HOÀNG 河湟 : là sông Hoàng Thủy, phát nguồn từ tỉnh Thanh Hải, chảy về đông đổ vào sông Hoàng Hà ra biển. Hà Hoàng trong thơ chỉ vùng đất Lũng Tây do Thổ Phồn chiếm giữ từ thời Đường Túc Tôn, bao gồm Qua Châu, Y Châu... mười châu quận luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh do hai bên Hán Hồ luân phiên cát cứ ròng rã suốt cả trăm năm, dân chúng sống trong cảnh điêu linh đồ thán.
2. CỰU TỐT : Cựu là Cũ, Tốt là Con Chốt, là Lính. CỰU TỐT là Người lính cũ, là Cựu Chiến Binh.
3. THẢO : là Thảo Phạt, từ chỉ nước lớn đem binh đi đánh nước nhỏ, hoặc đi dẹp loạn.
4. THỜI THANH : Thời cuộc trở nên thanh bình, không còn giặc giã nữa. THẬP VẠN : Mười Vạn là Một Trăm Ngàn.
5. LINH LẠC : Do Thành ngữ THẤT LINH BÁT LẠC 七零八落 Có nghĩa như " Thất Điên Bát Đão " để chỉ thua trận, " Tơi Bời Hoa Lá " nếu dùng để chỉ cỏ cây, " Ba Chìm Bảy Nổi " nếu dùng để chỉ hoàn cảnh....Nói theo bình dân Thất Linh Bát Lạc là Xất Bất Xang Bang !
6. ĐỘC : là Đơn độc có một mình. XUY ; là Thổi ( Tiêu, hoặc Sáo ).
7. BIÊN KHÚC : là Những khúc nhạc ngoài biên cương được thổi bằng Tiêu hoặc Sáo.
8. TÀN DƯƠNG : là Ánh nắng tàn của buổi chiều tà.
DỊCH NGHĨA :
Khi còn trẻ ta đã theo các tướng đi đánh giặc ở đất Hà Hoàng. Kịp đến lúc thanh bình thì đầu đã bạc mới được cho về lại cố hương. Mười vạn quân lính của người Hán khi xưa giờ đã tan tác gần hết ( may mà ta còn sống sót ). Một thân đơn độc ta cảm khái mà thổi lên khúc sáo của vùng biên tái trong ánh nắng chiều tàn thoi thóp !
DIỄN NÔM :
NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH ĐẤT HÀ HOÀNG
Trẻ đi đánh trận ở Hà Hoàng,
Đầu bạc mới về lại xóm làng.
Mười vạn Hán binh tan tác hết,
Một mình thổi sáo lúc chiều tàn !
Lục bát :
Trẻ đi đánh giặc Hà Hoàng,
Thanh bình đầu bạc về làng lang thang.
Trăm ngàn quân Hán tan hoang,
Một mình thổi sáo chiều tàn biên khu !
3. PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
" TÚY NGỌA SA TRƯỜNG " chỉ là cách nói hào hùng cho người chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến,còn người CỰU CHIẾN BINH Hà Hoàng sống lây lất đến tàn cuộc chiến để rồi mỗi chiều lại một mình thổi khúc sáo buồn ngoài biên tái. Nhưng dù sao thì vẫn hơn những THƯƠNG BỆNH BINH sống oằn oại đau khổ với đói nghèo bệnh tật và với cái vết thương không bao giờ lành được do cuộc chiến gây nên vẫn hành hạ mỗi lúc giá buốt khi gió thu se sắt thổi về !... như bài PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN sau đây...
逢病軍人 PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
行多有病住無糧, Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
萬里還鄉未到鄉。 Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
蓬鬢哀吟古城下, Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
不堪秋氣入金瘡。 Bất kham thu khí nhập kim thương !
盧綸 Lư Luân.
LƯ LUÂN ( khoảng 737-799 ). Tự DUẪN NGÔN, người đất Hà Trung thuộc Huện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây hiện nay. Ông là một trong mười tài tử thuộc những năm Đại Lịch ( Đại Lịch Thập Tài Tử ). đậu Tiến Sĩ cuối năm Thiên Bảo, hoạn lộ thăng trầm bất định. Đến đời Đức Tôn được triệu về làm Chiêu Ứng Lệnh, chuyển nhậm làm Phán Quan cho Hà Trung Nguyên Soái Phủ, sau thăng đến Kiểm Hiệu Hộ Bộ Lang Trung. Còn lưu lại một tập thơ " Hộ Bộ Thi Tập ".
CHÚ THÍCH :
1. BỆNH QUÂN NHÂN : Ở đây chỉ chung cho tất cả Thương Bệnh Binh, Thương Phế Binh.
2. BỒNG MẤN : là Đầu bù Tóc rối.
3. AI NGÂM : Ai là BI AI, là buồn bã, Ngâm là THÂN NGÂM 呻吟 là Rên rỉ ( chớ không phải ngâm thơ đâu ! ), nên AI NGÂM là Rên rỉ một cách buồn thảm. ( Chớ không phải ngâm thơ một cách buồn bã đâu ! ).
4. CỔ THÀNH : Ở đây chỉ những thành xưa được nối lại thành Vạn Lí Trường Thành đó.
5. BẤT KHAM : là Chịu không nổi, Không kham nổi.
6. KIM THƯƠNG : là Vết thương do kim khí gây nên. Thuốc Kim Thương là Thuốc để rịt những vết thương bị đứt đó.
DỊCH NGHĨA :
GẶP THƯƠNG PHẾ BINH
Đi nhiều thành bệnh vì phải vượt đường xa, nhưng nếu dừng lại thì e sẽ không có đủ lương thực để ăn. Quê nhà xa tít ngoài vạn dặm đi hoài mà không thấy tới. Đầu bù tóc rối, đau đớn rên rỉ dọc theo bức cổ thành, vì không kham nỗi với khí thu se sắt làm nhức nhối những vết thương do đao kiếm gây nên.
Quả là cảnh tình thê thảm của người Thương Bệnh Binh sau cuộc chiến ! Chanh đã hết nước rồi, còn ai ngó ngàng chiếu cố nữa đây ?!!!
DIỄN NÔM :
GẶP THƯƠNG BỆNH BINH
Đi nhiều càng bệnh, ở, không lương,
Muôn dặm về quê, muôn dặm đường !
Rên rỉ dười thành đầu tóc rối,
Hơi thu vật vả vết kim thương !
Lục bát :
Đường xa bệnh tật không lương,
Về quê muôn dặm mõi mòn trông quê.
Dưới thành rên rỉ ủ ê ,
Vết thương nhức buốt não nề hơi thu !
4. Lũng Tây Hành
Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...
隴西行 Lũng Tây Hành
陳陶 Trần Đào
誓掃匈奴不顧身, Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,
五千貂錦喪胡塵。 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.
可憐無定河邊骨, Khả lân Vô Định Hà biên cốt,
猶是深閨夢裏人。 Do thị thâm khuê mộng lý nhân.
1. Chú thích :
Lũng Tây : là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
Điêu Cẩm : Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
Vô Định Hà : Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.
2. Nghĩa bài thơ :
Khúc hát Lũng Tây
Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !
Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây :
Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?
và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.
3. Diễn Nôm :
LŨNG TÂY HÀNH
Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong !
Lục bát :
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét