CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

CỌP TRONG TRUYỆN DÂN GIAN NAM BỘ - NGUYỄN VĂN HIẾU

 



CỌP TRONG TRUYỆN DÂN GIAN NAM BỘ 


Từ lúc người Việt đặt chân lên vùng đất Nam Bộ, họ phải vừa khai phá, phác tạo thiên nhiên hoang vắng, lại vừa đối phó với nhiều loài thú dữ. Truyện dân gian Nam Bộ về loài vật đề cập đến những con vật đã từng có mặt ở vùng đất hoang vu này với việc nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Nơi đây, người ta vẫn hay truyền khẩu nhau những câu “xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp”, “hùm tha”, “sấu bắt”,… Cọp và sấu dường như là hai loài vật gây trở ngại cho con người nhiều nhất trong khi sinh sống và lao động. Nhà nghiên cứu Sơn Nam trong quyển Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn (An Tiêm xuất bản, 1970) cho biết: “Ở nước ta, chuyện về cọp dữ có vào thời đại xa xưa, từ Lạng Sơn qua Trường Sơn, tới miền Đông Nam Bộ, tận Mười tám thôn Vườn Trầu, sát nách chợ Sài Gòn”. Ở Nam Bộ, có thể nói, cọp và sấu là hai loài thú dữ xuất hiện nhiều nhất. Bước vào năm Nhâm Dần, xin được nói về cọp.
Cọp không chỉ sống trong rừng sâu, nơi cọp dễ bề hoạt động, ở đây cọp còn lảng vảng quanh làng của người dân mới đến. Điều làm ngạc nhiên nhiều người, cọp còn tiến ra sống giữa sình lầy nước mặn. Môi trường thiên nhiên, như vậy, không chỉ có người thích ứng, cả cọp cũng “nhập cuộc”. Để tồn tại, những cư dân Việt không còn con đường nào khác là phải chống lại loại kẻ thù bốn chân này. Thực tế lịch sử như trên là cơ sở hiện thực cho nguồn truyện dân gian về cọp ở Nam Bộ ra đời.
Khác với truyện dân gian của người Khmer về cọp, cho tiền kiếp của cọp là một nhà vua. Hôm ấy, nhà vua cùng đám tùy tùng đi tầm sư học đạo, phạm phải lời răng của thầy dạy là không được sát sinh, không được vấy máu nhà phật mà cuối cùng bị hóa thành cọp. Trong khi đó, người Việt vào đây đã cách xa về mặt không gian so với vùng đất cội nguồn cho nên người Việt sẽ tiếp cận và miêu tả hình tượng cọp bằng cảm quan dân tộc của mình. Điều này góp phần lí giải vì sao trong hệ thống truyện dân gian của người Việt về cọp ở Nam Bộ, cọp được bầu làm hương cả, được lập miếu thờ,…
Phần lớn truyện dân gian về cọp đều xuất hiện, sinh thành gắn liền với thời kì khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt cũng như của các tộc người khác. Từ ước mơ cho đến hành động, con người tại vùng đất này rắp tâm chống lại loài thú dữ từng được mệnh danh là chúa sơn lâm nhằm bảo vệ yên lành cuộc sống cho những cư dân. Vì thế, truyện dân gian về cọp của người Việt trước hết là ca ngợi những con người dũng cảm, ngoan cường, không thiếu mưu trí chống lại cọp.
Đó là ông Từ bao phen chặn được cọp, đón đánh để giữ yên cho dân làng sau bị trả thù chẳng tiếc thương (Eo ông Từ). Đó là một ông lão sống tận trong rừng sâu đang nuôi giữ và lập nên cả khu vườn cọp, xạ tên bắn vào đầu con cọp đã ngày đêm rình rập và toan hại người họ Phạm (Họ Phạm bị cọp ăn). Đó còn là những người sống bằng nghề đốn củi, nhờ sự bình tĩnh, có sức mạnh và mưu trí hoặc là đã lừa được (Con chồn ở Rạch Già). Hoặc là đã tiêu diệt, tiếp ứng nhau trong quá trình khai phá vùng đất hoang vu (Giết hổ cứu bạn, Giết cọp ở Giồng Găng).
Hành động chống trả của họ nhiều lúc chúng ta cảm nhận con người - lần nữa - đã được thần thoại hóa, với đầy đủ sức mạnh và tài trí. Mặt khác, lại xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, con người phải rèn cho sức mạnh, có thế mới đủ sức phát hoang và chống nhiều loài thú dữ. Dù cuối cùng thắng lợi phần nhiều thuộc về con người, cũng có trường hợp thất bại (Eo ông Từ), nó đều chứng tỏ ước mơ chinh phục, đánh thắng mọi thế lực gây trở ngại trên bước đường tìm nơi sinh sống của nhưng cư dân Việt.
Con người không bao giờ thỏa mãn với chính mình, với những gì mình đang có, những cư dân Việt không chỉ dừng ở việc đánh trả với cọp mà họ còn tìm cách thu phục. Vì vậy truyện dân gian về cọp của người Việt ở Nam Bộ còn có tiếng nói ngợi ca những con người thuần hóa cọp. Bà mụ cọp kể lại chuyện một bà mụ đỡ đẻ bị cọp bắt vào rừng “nhờ” đỡ đẻ cho một con cọp cái, rồi trả ơn trọng hậu bằng những con heo rừng. Ông tú tài họ Võ nuôi cọp trong Nghĩa hổ đặt cho hổ thứ hai, anh hai ở nhà. Do bận việc vào kinh, cọp ở nhà thấy vắng ông tú kêu khóc thảm thiết. Quyết sinh bà tú đi gặp ông tú để trao hoàn thuốc xạ hương phòng bệnh dọc đường, tấm lòng cọp xem như chẳng khác con người. Sau khi ông tú qua đời, cọp phải thường vào rừng bắt thú đem về cho bà tú bán, đổi kiếm tiền chi dùng hằng ngày. Rồi bà tú lại nhuốm bệnh và mất. Cọp vật vã mấy ngày liền. Dường như thấy đã đền đáp trọn vẹn công ơn của ông tú, cọp sau khi dẫn người em trai ra thăm mộ cha đã đập đầu vào gốc cây gần đó tự tử.
Truyện Sự tích cù lao ông Hổ cũng kể về sự biết ơn, biết đền đáp công đức của cọp đối với người đã hằng cứu vớt và nuôi dưỡng. Cái chết của cọp ở cuối câu chuyện khiến mọi người xúc động vì tấm tình sâu đậm của nó đối với chủ. Đến với truyện dân gian về cọp ở khía cạnh này, chúng ta bắt gặp mối quan hệ thân thiết, giao hòa giữa người và vật. Trong đó, vật (cọp) như hoàn toàn chịu khuất phục trước tấm lòng nhân hậu, thương yêu loài vật hết mực của con người. Việc thuần hóa loài cọp chứng tỏ sự quả cảm, sự khéo léo của những người dân đi mở đất. Đấy cũng chính là ước mơ, khao khát của những người lao động trong quá trình đối mặt với những loài thú dữ.
Điều kỳ lạ là trong nhiều truyện, cọp ở đây cũng có những tính cách như con người. Cọp Thủ Thiêm sau khi giết hại một chàng trai của một bà lão, nghe lời quan phán xử, đã đến ăn năn hối lỗi, tự về làm con bà. Hằng ngày cọp đi bắt heo rừng, nai, hươu về cho bà bán lấy tiền. Khi bà lão qua đời, cọp Thủ Thiêm lăn lộn vật vã bên mồ, gầm rống dữ dội suốt mấy ngày đêm y như đứa con đau đớn về cái chết của mẹ (Cọp Thủ Thiêm). Truyện Nghĩa hổ cũng cho thấy nét tính cách ấy của cọp.
Đặc biệt những cư dân người Việt Nam Bộ ngoài thái độ chống trả cọp, thuần hóa cọp, họ còn có thái độ kính nể, tôn vinh cọp, xem cọp như thần (Truyện Ông Cả cọp hay Hương cả cọp Châu Bình).Truyện dân gian về cọp của người Việt Nam Bộ, các tác giả dân gian có nhiều thái độ khác nhau đối với loài thú “chúa sơn lâm” này. Qua đó, truyện giới thiệu cho chúng ta thấy những thái độ, xử trí khéo léo của những lưu dân khai phá đối với những loài thú dữ. Mặt khác, từ loài vật ấy, các tác giả dựng lên những câu chuyện có tính phi thường để nhằm mục đích răn dạy, cảnh tỉnh mọi hành động của con người, noi theo lẽ phải mà làm, và hãy rời bỏ những nết tính xấu xa. Thực hiện được điều đó, cuộc đời hẳn sẽ tốt đẹp lên gấp bội.

Tác giả: NGUYỄN VĂN HIẾU

NGUỒN:

Không có nhận xét nào: