CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

TẢN MẠN VỀ CỌP XỨ QUẢNG - HỒ TỊNH

 

ẢNH TG HỒ TỊNH


Năm Dần nói chuyện cọp

TẢN MẠN VỀ CỌP XỨ QUẢNG 




Vùng rừng núi Việt Nam ngày xưa có nhiều dã thú, trong đó có loài cọp (hổ) Đông Dương (Panthera tigris corbetti), loài cọp này sinh sống ở rừng núi các nước vùng Đông Nam Á. Từ xa xưa những cư dân phương Đông xem cọp là biểu tượng cho sức mạnh, gọi là chúa sơn lâm.






Hình tượng cọp đã được đưa vào nghệ thuật từ hàng ngàn năm trước. Trong số những hạt chuỗi mã não được phát hiện trong các di tích Sa Huỳnh ở Việt Nam, đặc biệt có 1 hiện vật được tìm thấy tại di tích Lai Nghi (Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam), là một hạt chuỗi hồng mã não kích thước 1cm x 0,6cm, chạm trổ hình con cọp. Di vật có khoan lỗ để xỏ dây, đáng chú ý là mặc dù hạt chuỗi có kích thước nhỏ nhưng hình dáng con vật được thể hiện khá chi tiết, cho thấy người cổ Sa Huỳnh không chỉ giỏi về kim hoàn mà còn khá điêu luyện về nghệ thuật tạo hình. Con cọp được thể hiện trong tư thế nằm, thân hình khá mập mạp, thoạt nhìn gần giống như một con bò song phần đầu chạm đủ mắt, mũi, tai thì rõ ràng là đầu cọp. Theo một số nhà khảo cổ, trước đây đã tìm thấy một vài hiện vật tương tự ở Thái Lan và Indonesia. Có thể nói tiêu bản hạt chuỗi hình cọp tuy hiếm hoi trong văn hóa Sa Huỳnh, nhưng cọp lại là con vật khá quen thuộc đối với cư dân vùng Đông Nam Á từ xa xưa...



Trong nghệ thuật Champa, hình tượng voi, sư tử, bò, nai… xuất hiện phổ biến, song rất ít thấy hình ảnh con cọp. Trong số những hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, có một mảng phù điêu chạm trên bệ thờ Mỹ Sơn E1, diễn cảnh tả con cọp đang vồ con heo rừng; cọp trong tư thế phóng tới, hai chân trước vồ về phía trước, hai chân sau đạp xuống đất, đuôi cọp đánh về phía trước, chứng tỏ nghệ nhân điêu khắc quan sát kỷ động tác cọp vồ mồi; con heo rừng nằm ngữa, đầu ngoẹo về một bên, 4 chân co quắp. Một tác phẩm điêu khắc khác có thể hiện hình cọp, đó là tượng thần Ganesa 4 tay được tìm thấy tại Mỹ Sơn, tượng có nên đại khoảng thế kỷ VII-VIII, làm bằng sa thạch, trong tư thế đứng, thần Ganesa dùng một miếng da cọp quấn ngoài sampot, đầu và chân cọp vắt ở phía trước. Vùng rừng núi quanh khu đền tháp Mỹ Sơn từng là nơi có thú dữ sinh sống. Theo nhật ký của C. Carpeaux và báo cáo khai quật của H. Parmentier, 2 ông đến Mỹ Sơn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lúc bấy giờ chưa có đường sá, xe cộ, phương tiện đi lại chủ yếu là dùng ngựa, nhiều đoạn phải đi bộ... Những ngôi tháp nằm phân tán trong một khu vực rộng lớn bị cây cây rừng phủ kín. Không khi trong thung lũng rất ngột ngạt, nóng bức cùng với nhiều loại côn trùng, rắn rết lẫn thú dữ luôn rình rập đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của Carpeaux và nhiều công nhân. Họ đã làm một ngôi nhà bằng gỗ để ở, xung quanh dựng hàng rào cao 4m để đề phòng thú dữ tấn công, vậy mà có lần một người công nhân đã bị cọp vồ và tha đi mất trong đêm tối khiến mọi người hoảng sợ…(1) Ngoài cọp thì heo rừng vẫn còn sinh sống ở rừng Mỹ Sơn. Những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn thường xuyên cày xới khu vực này nên có lẽ cọp đã bỏ chạy vào tận rừng sâu, chỉ có heo rừng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Những năm 80 của thế kỷ XX, trong thời gian tham gia trùng tu Mỹ Sơn, tôi đã vài lần thấy heo rừng lang thang dọc đầu nguồn khe Thẻ...
Khoảng năm 1983, trong một chuyến khảo sát ở xã Tiên Cảnh, tôi bắt gặp một tấm lưới rất lạ treo trong nhà dân, lưới được đan bằng dây thừng to, mắt lưới thưa nhưng rất chắc, hỏi ra mới biết là lưới bẫy cọp, được đan bằng sợi thân cây gai dầu. Người dân địa phương cho biết, ngày xưa, vùng đồi núi Tiên Phước từng là nơi trú ngụ của loài chúa sơn lâm, cọp thường hay vào làng bắt gia súc, có khi tấn công cả người, để tự bảo vệ mình, người dân Tiên Phước đã tìm cách săn đuổi chúng, đần dần việc săn bắt loài thú dữ nầy đã trở thành một ngày hội với sự tham gia của dân chúng nhiều làng, số trai tráng trực tiếp vây cọp nhiều đến vài trăm người gọi là Hội Vây cọp.. Khi phát hiện được cọp ở một khu rừng hay một ngọn đồi nào đó, người ta kết các tấm lưới vây lại, chặt tre và cây rừng dựng thành hàng rào vây quanh, hàng rào ngày càng di chuyển siết chặt lại, người tham gia hội vây đốt lửa, nổi trống, mõ, phèn la và reo hò uy hiếp cọp. Trong thời gian vây cọp, nhân dân trong vùng mang theo lương thực, các loại thực phẩm, tổ chức vui chơi, ăn uống, hát hò khoan đối đáp, hát đố... Thời gian hội vây cọp kéo dài từ 5 đến 7 ngày, khi con cọp trong vòng vây đã bị kiệt sức vì đói khát, người ta xua cho cọp dính vào thòng lọng, những người khỏe mạnh nhất sẽ rút thòng lọng và dùng giáo giết cọp. Đây là một hội lớn, mặc dù nguy hiểm nhưng người dân Tiên Phước tham gia rất hào hứng, biểu hiện tinh thần dũng cảm, gan lì và tính cộng đồng cao của nhân dân trong vùng.
Tại thôn Dùi Chiêng nay thuộc xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn có dinh thờ “Ông Trùm”. Tương truyền ngày xưa, tại vùng rừng núi này có nhiều cọp, chúng thường xuyên bắt gia súc, có một con cọp rất lớn còn vồ cả người để ăn thịt; một ngày nọ xuất hiện một người tiều phu có sức mạnh và can đảm, ông đã gặp con cọp lớn ở bìa rừng, sau một buổi chiến đấu với dã thú, người tiều phu đã giết được cọp song ông cũng bị thương nặng và mất. Để nhớ ơn người anh hùng giết cọp, người dân địa phương lập miếu thờ, gọi là dinh Ông Trùm. Theo những người dân trong vùng, đến những năm 80 của thế kỷ XX, thỉnh thoảng cọp vẫn còn xuất hiện ở vùng núi rừng Dùi Chiêng nhưng ngày nay thì không còn nữa. (2)
Ngày nay, ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, số lượng cọp bị suy giảm nghiêm trọng vì mất môi trường sống do quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phá rừng làm nông nghiệp và buôn bán bất hợp pháp cọp cũng như bộ phận của chúng. Theo thống kê của IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources- Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên), năm 2015, số lượng cọp ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể. Đối với Chương trình quốc gia về bảo tồn cọp giai đoạn 2014 – 2022, Việt Nam đã đặt mục tiêu Bảo vệ, bảo tồn cọp, sinh cảnh và con mồi của cọp, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng cọp tự nhiên đến năm 2022 (3). Với sự quyết tâm của chính quyền cùng ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với việc khôi phục rừng và bảo tồn động vật hoang dã, hy vọng trong tương lai số lượng cọp trong tự nhiên ở Việt Nam sẽ dần được phục hồi…

TỊNH HỒ
-------
1. Pierre Baptiste- The Archaeology of Ancient Champa: The French Excavations- Champa and the Archeaology of Mỹ Sơn (Vietnam), NUS Press,Singapore 2009, p.14-25
2. Sơn Phú. Chuyện về ‘Võ Tòng’ bắt cọp ở Quảng Nam. Người đưa tin Online 18.9.2013
3. Hổ ở Việt Nam có thể đã tuyệt chủng, làm sao để cùng khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á? SPUNIK Vietnam 30.07.2021

Không có nhận xét nào: