ĐỌC “ÔNG GIÁO GIÀ” THƠ CHÂU THẠCH
Bích Liên Nguyễn
ÔNG GIÁO GIÀ
(Tặng thầy Nguyễn Bá Trình)
Châu Thạch
Ông giáo già ngồi bên những lẳng hoa
Ông cảm thấy trong lòng mình ấm áp
Ngày xưa ấy ông còn xanh mái tóc
Bụi phấn bay cũng trắng cả đầu xuân
Đến hôm nay tuổi vào độ bát tuần
Tóc bạc trắng nhưng hồn còn xanh lắm
Nhìn lẳng hoa tươi những màu rất thắm
Ông yêu đời nên đời chẳng quên ông
Ông giáo già ngồi nhớ những dòng sông
Mà ông đã đưa đò qua bến chữ
Những năm tháng xác thân ông mệt lử
Đói xác xơ ông chẳng bỏ tay chèo
Ông giáo già ngồi nhớ buổi gieo neo
Trường như bến và khách đi chẳng lại
Có một kẻ ở bên ông mãi mãi
Đã vì ông tiếp sức cánh tay chèo
Ông giáo già đứng dậy, mang theo
Hết cả hoa mà học trò đã tặng
Đặt vào tận tay bà rồi lẳng lặng
Hôn nụ hôn như nắng mới xuân về.
Châu Thạch
(Ngày nhà giáo 20 - 11)
Được nhà thơ Châu Thạch tặng phu quân của mình là thầy giáo Nguyễn Bá Trìnhbài thơ “ÔNG GIÁO GIÀ” cách một năm rồi. Đã bao lần Bích Liên muốn viết một bài như để cám ơn nhà thơ Châu Thạch,nhưng còn rất chần chừ ái ngại. Chần chừ ái ngạivì nghĩ rằng mình không đủ ngôn từ để diễn đạt những tứ thơ hay ấy. Mình chỉ là mình, một bà già nội trợ chỉ biết ngày hai buổi lo cơm nước cho chồng con .Vậy nên có gì không đạt được mong nhà thơ và các bạn tôi cười hì xí xóa ...
Ngày xưa ấy, chắc cũng như bao nhà giáo khác, ông Trình nhà mình còn trẻ, cống hiến quên mình và thương yêu học sinh như con.
Bằng bốn câu thơ xúc tích ở khổ thơ đầu, Châu Thạch đã diển tả ngắn gọn hình ảnh ầm áp của ông giáo già, ngồi bên những lẳng hoa nhớ lại thời còn trai trẻ của mình:
Ông giáo già ngồi bên những lẳng hoa
Ông cảm thấy trong lòng mình ấm áp
Ngày xưa ấy ông còn xanh mái tóc
Bụi phấn bay cũng trắng cả đầu xuân
Hình ảnh bui phấn bay trắng trên mái đầu xanh là một hình ảnh đẹp. Các em học sinh thời bây giờ không biết đến bui phấn “trắng cả đầu xuân” của thầy mình, vì bây giờ thầy giáo dùng thứ phấn viết bảng tốt hơn. Phấn ngày nay không còn có bụi như phấn ngày xưa. Những mẫu phấn trắng đã trôi vào dĩ vãng, dĩ vãng tan tác trong cuộc đời, tồn tại trong dòng ký ức của học sinh, buồn vui khác chi hình ảnh xác pháo ngày vu quy, cũng vèo bay theo gió trong lòng nam nữ yêu nhau một thuở học đường.
Thế rồi nhà thơ dựng hình ảnh ông giáo già ngồi suy tư bên những lẳng hoa học trò gởi tặng trong ngày nhà giáo Việt Nam, ông thỏa lòng bởi tình yêu của ông với cuộc đời và thỏa lòng với ân huệ mà đời đã đối xử cho ông:
“Đến hôm nay tuổi độ bát tuần .
Tóc bạc trắng nhưng hồn còn xanh lắm
Nhìn lẳng hoa tươi những màu rất thắm
Ông yêu đời nên đời chẳng quên ông
Giờ đây, ở tuổi hưu trí, ông ngồi bên những lẳng hoa, vui như ngồi trong rừng hoa học trò đem tặng, bồi hồi nhớ những con đò và nhớ từng đợt khách sang sông ..
Ôn lại ký ức. ông giáo già không quên những năm tháng gieo neo đói khát nhưng ông vẫn bám tay chèo ...Những năm tháng đó xác thân ông mệt lử:
Ông giáo già ngồi nhớ những dòng sông
Mà ông đã đưa đò qua bến chữ
Những năm tháng xác thân ông mệt lử
Đói xác xơ ông chẳng bỏ tay chèo
Lặng thầm nhìn giòng đời trôi qua, ông giáo già chợt nhớ có một người luôn theo sát bên ông, mãi tiếp sức cho ông vững cánh tay chèo. Ông cám ơn đời cho ông một người vợ, còn là một người bạn, còn là một tri kỷ, thủy chung luôn bên ông những lúc bão to sóng dử ... Nhìn những lẳng hoa, ông giáo già chợt tỉnh ngộ, cái vinh dự ấy ông cảm thấy nên nhường lại cho vợ, bởi không có bà thì ông đã buông chèo bỏ dòng sông chữ lên bờ từ lâu:
Ông giáo già ngồi nhớ buổi gieo neo
Trường như bến và khách đi chẳng lại
Có một kẻ ở bên ông mãi mãi
Đã vì ông tiếp sức cánh tay chèo
Thế rồi ông giáo già làm một cử chỉ biết ơn, một cử chỉ mà có lẽ không mấy ông giáo già nào trên đời nầy làm như thế. Bài thơ hay ở tứ thơ nầy, nó khác với hàng ngàn bài thơ tôn vinh nhà giáo, nó thay lời muốn nói của biết bao thế hệ học trò nhớ công ơn người vợ của thầy, của biết bao thế hệ người thầy nhớ công ơn người phối ngẫu của mình, nhưng chỉ để ở trong lòng mà chưa một lần nói ra thành lời hay làm một cử chỉ nhân văn trong ngày nhà giáo Việt Nam. Ông giáo già đã nói thay vạn người bằng cách trao những lẳng hoa của học trò đem tặng mình cho vợ với một nụ hôn thắm thiết rất xuân:
Ông giáo già đứng dậy mang theo
Hết cả hoa mà học trò đã tặng
Đặt vào tận tay bà rồi lẳng lặng
Hôn nụ hôn như nắng mới xuân về
Đọc xong bài thơ, tôi tự hỏi là tâm hồn nhà thơ Xanh hay ông giáo già xanh .Chắc cả hai tâm hồn tươi đẹp đã gặp nhau nên nhà thơ mới nói nụ hôn như nắng mới xuân về .Tôi tưởng tượng ra ông giáo già hôn lên mái tóc bà cũng vương màu lau trắng, một nụ hôn thánh thiện và đẹp nhất trong đời sống vợ chồng .
Đọc xong bài thơ xin các độc giả hãy cám ơn nhà thơ đã cho ta thấy đâu đây trong xã hội này vẫn còn nhiều thầy cô giáo đầy nhiệt huyết. Tôi xin chúc các thầy cô giáo mãi an lành tươi vui và hạnh phúc như ngày nào cũng là ngày 20 tháng 11!
BÍCH LIÊN NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét