CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

VỀ ĐẤT TIỀN GIANG - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

 



VỀ ĐẤT TIỀN GIANG

Chợ Mỹ Tho xưa tỉnh Định Tường,
Từ Sài Gòn xuống ngã Trung Lương.
Xe qua gió thổi tràn lên mắt,
Quả mận nổi danh đất miệt vườn.
Chùa Vĩnh Tràng mái ngói phủ rêu,
Từ lâu du khách viếng thăm đều.
Nụ cười Di Lặc sen vàng nở
Tiếng đại hồng chung thong thả gieo.
Ngọn tỏ ngọn lu đã rạng rồi,
Cầu Tàu, Giồng Nhỏ, Mỹ Tho ơi!
Lầu cao phố mới đông như hội,
Hủ tiếu ngon thơm vẫn đợi người.
Mời bạn cùng tôi đến Thới Sơn,
Cù lao cây trái lá xanh rờn.
Neo xuồng lên bến nghe tài tử
Đờn hát rộn ràng chặp cải lương.
Xoài Mút dội vang sóng Rạch Gầm
Tượng đài tạc lại dáng tiền nhân.
Nhấn chìm tàu giặc trăm năm cũ,
Tái diễn trên sông đã mấy lần.
Ghé lại Bến Tranh tưởng niệm người,
Ngàn đời Hòa Tịnh giá gương soi.
“Không thành việc lớn thôi đành chết,
Khó tỏ lòng ngay mặc miệng đời”*
Đáp chuyến xe đò về Chợ Gạo,
Đồng An Thạnh Thủy mượt mà xanh.
Bình Ninh nối chuyến phà Tân Thới,
Cửa Tiểu soi nghiêng mảnh đất lành.
Từ chiến tranh từng hứng bão dông.
Dừa cau xõa tóc lúa xanh đồng.
Chung tay gây dựng từ gian khó,
Huyện mới cù lao Tân Phú Đông
Chợt nhớ Gò Công miền đất biển,
Chợ Giồng bánh giá tiếng đồn xa.
Món quê đâu thể nào quên được,
Bao kẻ ly hương chạnh nhớ nhà.
Nhớ biển Tân Thành Vàm Láng cũ,
Tàu về cá nặng sóng chồm cao.
Đâu quên chiến tích, trời Gia Thuận,
Một khúc hùng ca… máu lệ trào.
Trở lại Mỹ Tho rẽ phía tây,
Đường về Cai Lậy,Cái Bè đây.
Quê hương đang ngọt mùa cam quýt,
Chợ nổi cùng mình ngây ngất say.
Bạn hãy theo tôi nối chuyến đi,
Long Hưng lắng đọng trống Nam Kỳ.
Lò Rèn vú sữa xinh như mộng,
Mời bạn ăn liền chớ ngại chi.
Rồi ta đổi hướng sang Tân Phước,
Xem đất phèn xưa đã trổ hoa.
Thơm khóm lên xanh từ mấy độ,
Vàng khoe bông mướp trước sân nhà.
Dân ờ miệt vườn chân chất lắm,
Đón người trải trọn tấm lòng quê.
Hôm nào thư thả xin mời bạn,
Thu xếp cùng tôi một chuyến về.

TRẦN NGỌC HƯỞNG
…………………………………………….

* Ý câu đối của Cụ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

TẢN MẠN CHIỀU PHÚ YÊN - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




TẢN MẠN CHIỀU PHÚ YÊN


Một chiều nào anh dạo bước bên em

Tháng tư Tuy Hòa ngập tràn nắng gió

Mấy hàng cây lá trải dài thương nhớ

Khắc tên người trên từng dấu chân qua.


Đà Rằng ơi năm tháng dẫu chia xa

Sông giữ giùm ta mối tình thơm thảo

Nắng sớm mưa chiều đã sờn vai áo

Nhạn lưng trời trên tháp cũ kêu sương.


Đỉnh Chóp Chài phủ mây trắng yêu thương

Ngàn cánh hạc soải mình về phía trước

Đầm Ô Loan biển một màu xanh biếc

Lên dốc xuống đèo em nhớ ghé Quán Cau.

 

Theo nhau về thăm làng biển Phú Câu

Nghe khúc hát từ khơi xa rất lạ

Từng con sóng gối đầu lên ghềnh đá

Lấp lánh trăng vàng thao thức Phú Yên.


Phú Yên –Sài Gòn, 7/5/2022 

NGUYỄN AN BÌNH

 

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 90 : RỒNG ,RƠI, RỦ,RÙA,RỤNG. - ĐỖ CHIÊU ĐỨC





THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 90 :  

               RỒNG, RƠI, RỦ, RÙA, RỤNG.



                                             RỒNG mây khi gặp hội ưa duyên
                                        Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
              
       Theo Hào "Cửu Ngũ" của quẻ Càn trong Kinh Dịch 《易經.乾卦》中,「九五爻」có câu : Vân tòng long, phong tòng hổ, Thánh nhân tác nhi vạn vật đổ 雲從龍,風從虎,聖人作而萬物睹. Có nghĩa : Mây theo rồng, gió theo cọp, bậc thánh nhân đứng ra (làm việc) thì vạn vật đều trông vào. Ý chỉ : Những sự gặp gỡ tốt lành hợp ý, thời cơ thuận lợi may mắn; gặp được các cơ hội xứng ý toại lòng, phát tích vượt trôi, vì CỬU NGŨ là hào của "Phi Long Tại Thiên 飛龍在天" là rồng bay lên trời, được thi đậu Trạng Nguyên, được làm vua... là "Rồng Mây Gặp Hôi" nói theo chữ Nho là PHONG VÂN TẾ HỘI 風雲際會, nói gọn lại là PHONG VÂN như trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca 大南國史演歌" của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :

                             Những ngờ oan trái bao giờ,
                    Nào hay thần tướng đợi chờ PHONG VÂN !   



       Hay nói là Rồng Mây, Mây Rồng như Thúy Kiều đã đoán trước về cái chí hướng muốn vươn lên để xưng vương xưng đế của Từ Hải là :  

                    Nàng rằng : Lượng cả bao dong,
               Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen ! 

      Hay để chỉ đường công danh đắc ý như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết trong bài thơ hát nói "Kẻ Sĩ" là :

                    RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên
                  Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.

      Rồng gặp mây như Cá gặp nước mặc sức mà vùng vẫy vẫy vùng.

                      

      Còn... RƠI BÌNH hay Bình Rơi là quẻ thứ 48 trong Kinh Dịch có nội dung như sau :

         Khảm Thượng Tốn Hạ, TỈNH, cải ấp bất cải tỉnh, vô táng vô đắc, vãng lai tỉnh tỉnh, khất chí diệc vị quất tỉnh, luy kỳ bình, Hung.坎上巽下【井,改邑不改井,无丧无得,往来井井。汔[qì]至亦未繘[jú]井,羸其瓶,凶】. Có nghĩa :
      KHẢM trên TỐN dưới, Khảm là nước, nên tên quẻ là cái GIẾNG; ta có thể di dời thành quách thôn ấp chớ không thể di dời cái giếng được; cứ múc nước mãi mà giếng vẫn cứ đầy lên không cạn kiệt; tất cả mọi người vãng lai đều sử dụng nước của cái giếng nầy; Khi lấy nước nếu bình nước chưa ra khỏi miệng giếng mà bị đụng bể hoặc rớt trở xuống giếng là điềm HUNG. Nên...

     RƠI BÌNH là chỉ việc tốt bị lở vở, như trong truyện thơ Nôm QUAN ÂM THỊ KÍNH nói về tình duyên giữa Thị Kính và Thiện Sĩ có câu :

                        Phù dung nở để lìa cành,
                   Giếng sâu nở để RƠI BÌNH từ đây !

     Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du nói là BÌNH RƠI và TRÂM GÃY là cây trâm không còn dùng được nữa, khi cho Vương Quan kể về người khách làng chơi từ xa nghe tiếng đến tìm Đạm Tiên, thì khi :

                       Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
                  Thì đà TRÂM GÃY BÌNH RƠI bao giờ !




       TRÂM GÃY BÌNH RƠI ở đây chẳng những chỉ tình duyên lở vở mà còn để ám chỉ là Đạm Tiên đã chết rồi "Buồng không lặng ngắt như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh !".

      Cái BÌNH trong văn học cổ rất dễ rơi dễ vỡ, nên ta thường gặp thành ngữ THỦ KHẨU NHƯ BÌNH 守口如瓶, có nghĩa : Phải biết giữ mồm giữ miệng như giữ cái bình vậy, ý nói phải biết ăn nói cho thận trọng, lời nói ra rồi khó mà lấy lại cho được, cũng như bình đã vỡ rồi thì khó mà hàn gắn lại cho được. Như Thúy Kiều đã than thân khi lọt vào lầu xanh :

                     Dẫu sao BÌNH đã VỠ rồi,
                Lấy thân mà trả nợ đời cho xong !

      Nghĩa phát sinh của THỦ KHẨU NHƯ BÌNH là giữ kín miệng như giữ cái bình, ý là nín thinh, cạy miệng cũng không nói ra gì cả. Như chàng Thúc Sinh đã lém lỉnh tưởng mình khôn ngoan không nghe lời khuyên của Thúy Kiều thú thật cùng Hoạn Thư, mà cứ...

                   Nghĩ đà BƯNG KÍN MIỆNG BÌNH,
                  Nào ai có khảo mà mình lại xưng.

                          
      RỦ là buông xuống, là Thả xuống là ...Rủ xuống. Cái gì Rủ Xuống ? Ta gặp ngay trong phần mở đầu của Truyện Kiều khi cụ Nguyễn Du giới thiệu về chị em Thúy Kiều và Thúy Vân :

                       Êm đềm TRƯỚNG RỦ MÀN CHE,
                    Tường đông ong bướm đi về mặc ai !

       Hay là "RỦ RÈM" như trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên :

                        Vua Đường thoắt nới xe tiên,
                   RỦ RÈM trong đã có nguyền đông tây.   

      Trở lại với Thúy Kiều, sau khi bị Sở Khanh gạt gẫm, rồi Tú Bà bắt phải tiếp khách, nhưng vì là gái mới ra nghề nên cũng còn nâng cao thân phận :

                          Lầu xanh mới RỦ TRƯỚNG ĐÀO,
                     Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.

       Nhưng sau mười lăm năm lưu lạc chìm nổi trong chốn phong trần, cuối cùng bị Hồ Tôn Hiến lợi dụng xong rồi lại ép gả Thúy Kiều cho thổ quan, ta thấy cảnh buồn thảm áo não của Thúy Kiều khi :

                      Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,
                   LÁ MÀN RỦ THẤP ngọn đèn khêu cao.
                         Nàng càng ủ liễu phai đào,
                 Trăm phần nào có phần nào phần tươi ?

        Một trong Tứ Linh là con Linh Quy 靈龜 trong Long Lân Quy Phụng 龍麟龜鳳, ta gọi Linh Quy là Rùa Thiêng, như trong bài thơ "Nước Tôi" của thi sĩ tiền chiến Nguyễn Văn Cổn khi nhắc đến anh hùng áo vải đất Lam Sơn là :

                     RÙA THIÊNG nổi trước thuyền rồng,
                     Trên hồ Hoàn Kiếm anh hùng là ai ?!

      Theo truyền thuyết thần thoại Trung Hoa thì có Thần Quy Xuất Lạc 神龜出洛, có nghĩa là con rùa thần được sinh ra từ dòng sông Lạc Thủy. Trên lưng rùa có đồ họa và hình tượng gọi là Quy Thư 龜書, cũng gọi là Lạc Thư 洛書 là nguồn gốc của các thuật số Trung Hoa cổ xưa song song với Hà Đồ 河圖, nên gọi chung là Hà Đồ Lạc Thư 河圖洛書. Trong văn thơ của cụ Đào Duy Từ gọi là RÙA LINH ĐỘI SÁCH :

                            Thú vui thua thú ngư hà,
                 RÙA LINH ĐỘI SÁCH, Bạng già sanh Châu.

      RÙA LINH ĐỘI SÁCH chỉ thú vui trong thuật số, còn "Bạng già sanh Châu" là do thành ngữ "LÃO BẠNG SANH CHÂU 老蚌生珠". Có nghĩa : Con ngao con sò già thì sinh ra hạt châu hạt ngọc; Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ : Khi tuổi đã già rồi mà còn sinh được cô con gái đẹp, nên cưng chìu như là châu ngọc vậy !


                                    Hà Đồ   và   Lạc Thư                   
           
      Ta thường nghe nói Duyên Kim Cải; đó là do thành ngữ Châm Giới Tương Đầu 針芥相投, có xuất xứ từ câu nói trong Tam Quốc Chí là "Từ thạch dẫn châm, Hổ phách thập giới 磁石引针,琥珀拾芥"。Có nghĩa : Đá nam châm hút kim loại, còn hổ phách thì hút hạt cải; Ý chỉ thứ nào thì hút theo thứ đó, tình đầu thì ý hợp, như trai gái, vợ chồng gắn bó khắng khít với nhau vậy. Trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính tả lại mong ước của Thị Kính khi lấy chồng là Thiện Sĩ có câu :

                         Kể từ KIM CẢI duyên ưa,
                 Đằng leo cây bách mong chờ về sau.



       Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du dùng RỤNG CẢI RƠI KIM để chỉ cuộc tình duyên lở vở. Khi tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha, Vương Viên Ngoại cũng vì nàng mà than oán :

                     Vì ai RỤNG CẢI RƠI KIM,
                 Để con bèo nổi mây chìm vì ai ?!

... và lúc Kim Kiều tái hợp, trong buổi tiệc đoàn viên, khi "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân cũng đã nói lẫy :

                        Gặp cơn bình địa ba đào
                Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
                     Cũng là phận CẢI duyên KIM,
               Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !...              

      Nói thêm, trong Phật Giáo thành ngữ "Châm Giới Tương Đầu 針芥相投", là Duyên kim cải theo kinh Phật, ý nói Hột cải ném ra ghim trúng ngay đầu mũi kim, là một chuyện hiếm có, khó xảy ra. Nhà thiền mượn cụm từ này để chỉ thầy trò nhân duyên tương hợp, ăn khớp với nhau thật đặc biệt hiếm thấy. Tiểu truyện Thiền Sư Tĩnh Lực trong kinh TUTA ghi : Du học thì, ngộ Tiên Du Đạo Huệ, châm giới tương đầu, thê tâm Phật địa 遊學時遇仙遊道惠針芥相投棲心佛地。Có nghĩa : Khi du học, sư được gặp thiền sư Đạo Huệ ở Tiên Du, thầy trò nhân duyên tương hợp một cách thật đặc biệt hiếm thấy bèn dốc lòng nương nhờ đất Phật.  

      Hẹn bài viết tới !
                        RUỔI, RUỘNG, RÚT, RỪNG, RƯỢU.

                                                                                   杜紹德
                                                                              ĐỖ CHIÊU ĐỨC     


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

THI CA & THI NHÂN NHÃ MY - KHANH TƯƠNG & CHU VƯƠNG MIỆN

 

        

                   Ảnh Nhã My


Tiểu sử sơ lược:
Tên thật Lâm Thị Ngọc Sương 
Sinh năm 1953
Quê quán Bến Tre
Nhỏ học trường Trung Học Công Lập Kiến Hoà
Học đại Học Sư Phạm Cần Thơ và Văn Khoa SaiGon
Thời nhỏ ở bậc trung học có tập tành viết văn,làm thơ đăng trong báo thiếu nhi và báo văn nghệ ở Saigon với nhiều bút hiệu.
Sau năm 75 gặp nhiều biến cố gia đình và vì việc làm ăn sinh sống nên ngưng viết.
Xuất cảnh sang MỸ năm 1997 và tới năm 2010 viết trở lại trên blog cá nhân SuongLam yahoo .blog vói 2 bút danh Nhã My & Sương Lam.
đã in :
KHUNG KỶ NIỆM (Thơ chung với bạn blog 2012)
KHƠI XA (Thơ 2014)
Có 75 bài thơ đã được phổ nhạc ( do quý nhạc sĩ Phan Ni Tấn ,Trần Quang Lộc,Vĩnh Điện, Nguyễn Hữu Tân,Phạm Minh Cảnh, Thảo Nguyên,Bùi Tuấn Anh, Thanh Chương, Trần Nhàn, Thái Thành... )
Sau năm 2014 vì lý do sức khoẻ và công việc nên ngưng viết chỉ thỉnh thoảng xướng hoạ với bạn bè và đăng bài trên các trang văn nghệ mạng và vài tờ báo văn nghệ hải ngoại( Thư Quán Bản Thảo , Thế Giới Mới, Văn Học Mới..)
Hiện sinh sống ở Washington là chủ trang Blog của Nhã My và 2 trang riêng Thơ Văn Nhã My , Thơ Phổ Nhạc Nhã My.


NHÃ MY

Thi Ca & Thi Nhân

Khanh Tương & Chu Vương Miện

Thực hiện



Ảnh nhà thơ Chu Vương Miện

*

“ Khơi Xa “ là thi phẩm đầu tay của nhà thơ nữ Nhã My , đựợc Nhà Xuất Bản Văn Học ấn hành vào ngày 30 tháng 12 năm 2014 , phần mở đề giới thiệu tác phẩm là nhà thơ Nguyễn Khôi , vị thi nhân lão làng cuả thời hiện đại bây giờ , ông viết  :”

Về nghệ thuật  . Nhã My làm thơ thuộc diện “ ngừơi có tuổi “. Nghệ có nghề   , một thứ thơ bàng bạc , lãng đãng và một chút ly tao của  một thoáng “ trung niên thi sĩ “ Bùi Giáng của một lớp thi nhân đầy nữ tính , để cho tình mãi mãi không phai , sầu muộn mà không bi luỵ hồn thơ chân thật tình đời  , lỡ tình nhưng không hận tình ….tất cả chỉ còn “ hoài niệm “ những nét vàng phai thương nhớ .

Thơ Nhã My ngôn ngữ tinh luỵện cổ phong với những hình tượng đẹp , thể loại đi với ý thơ luôn mới để tạo ra tứ lạ “ mỗi bài một kiểu  , một giọng điệu khác nhau “ nên đọc không nhàm chán .

Góc thành Nam Hà Hà Nội  , 27 /08/ 2014 

Nguyễn Khôi

Nhà văn Hà Nội 

*


Thi sĩ Bùi Khánh Đản trong giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay của cố văn hào Nhất Linh xuất bản ở miền Nam khoảng năm 1958 có làm 2 câu thơ Đừờng Tàu tuyệt vời tả về Hoa “ nhất là hoa lan “ 

-

Tụ kết tinh anh của gió sương

Muôn mầu muôn vẻ thoảng muôn hương

“ Bùi Khánh Đản “

Chỉ cần 2 câu thất ngôn mà diễn tả đầy đủ về các loài hoa không thừa và cũng không thiếu một chữ nào ? thơ của Nhã My có thể tạm chia ra làm hai loại “ thơ Tình và thơ Thiền “ , chuyện cũng không có gì là lạ , là con ngừơi thì đương nhiên là phải có tình , trước nhất là tình ngừơi , tình nam nữ ,  tình quê hương , tình nhân loại….

Chúng tôi tạm  lược qua thơ “ Khơi Xa “ và trích những đoạn thơ tiêu biểu :

-

Em lạc mấy mùa trăng cố xứ 

Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa

Nhớ thương một mái nhà xưa

Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng


Trời viễn xứ buồn trông quê cũ 

Để nỗi buồn ủ rũ chiều mưa

Đâu rồi một tiếng gá trưa

Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi

“ trích Khơi Xa trang 32 “


-

Lời thề buổi ấy còn mang nặng 

Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta


Mừơi năm chẳng thể dài hơn nữa

Mà  ngắn bao nhiêu ước mộng đầu

Ta gói thời gian trong lớp bụi

Đã mầu rêu úa lạnh đời nhau 

“ trích Mừơi Năm  trang 37-38 “ 


-

Người đi một bóng bơ vơ

Ngừơi về nghẹn với câu thơ ngậm ngùi

Từng đêm đếm giọt buồn rơi

Từ xa độ ấy nửa trời ngóng trông

“ trích Nợ - trang 47 “

-

Đời chia đôi ngả tình không hẹn 

Một bến sông Tương nhớ não lòng 

Mưa qua định mệnh buồn day dứt

Ta phụ nhau rồi em biết không …? 


Ngừơi ở đầu sông ngóng cuối sông 

Hẹn nhau mà có được tương phùng

Tóc xanh đã nhuốm mầu mây bạc 

Và ánh mắt sầu tiếc mông lung

“ trích Ta Phụ Nhau Rồi  cảm tác bài 

Đêm Trắng của Hoàng Yên Linh trang 118 “


Đọc đoạn thơ trên   , ngừơi viết chợt nhớ tới bài thơ “ Tình Sử 2 tác giả Vô Danh Thị “ trong Cổ Văn Quan Chỉ Trung Quốc có 4 câu như sau :

-

Quân tại Tương Giang đầu 

Thiếp tại Tương Giang bán 

Cùng nhậm thủy Tương Giang

Thiếp chàng cùng khố nạn 


Tạm dich :

Chàng ở đầu sông Tương 

Thiếp ở giữa sông Tương

Cùng uống nứơc sông Tương 

Cả  hai cùng lạc bạn 

“ Bản dịch của M.Loan Hoa Sử “


*


Ôi cái nghề và cái nghiệp , cái Nghề thì còn kiếm ra tiền để nuôi thân và gia đình , còn cái Nghiệp thì chỉ báo hại báo đời , chả đựợc cái tích sự gì ? y như thơ cụ Tú Xương :”

-

1 trà 1 rượu 1 đàn bà

3 cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được thứ nào hay thứ ấy ?

có chăng chừa rựơu với chừa trà

“ thơ Trần Tế Xương “


Nói về cái Nghiệp , chúng tôi xin kể một câu truyện ngắn của nhà văn Phan Văn Tạo , vị này viết rất khá , nhưng không có duyên với chữ nghĩa , nên rất ít ngừơi quan tâm và đề cập tới sự nghiệp viết lách của ông , cốt truyện như sau đây đã được đăng trên tờ Bách Khoa không rõ năm nào tháng nào và số nào ? 

“ Có một vị trung niên không rõ là nhà giáo hay công chức , khi không dở chứng mần văn chương , ngoài giờ làm việc nhà nước , về nhà giải quyết ba cái linh tinh lang tang như tắm rửa cơm nước thì ngài vào phòng riêng  trứ tác “ viết văn “, bà vợ thì rất trân trọng cái nghề viết lách cao quí này của ông chồng , nên khi thấy ông ngồi xuống bàn viết thì bà lo quạt cho ông mát , pha trà cùng cà phê , để ông bồi dưỡng , mua thuốc lá cùng bật diêm để ông hút thuốc , 

Lâu lâu còn đấm lưng cho ông “ thư dãn nở “ , bà có bổn phận chép tay lại bài truyện ngắn của ông , rồi đưa ông đọc lại , xong ông gật đầu thì bà theo địa chỉ tờ nguyệt san giá trị nhất thời bấy giờ là tờ Bách Khoa , rồi gửi bài đi , cả nửa năm không thấy đăng gì cả ? bà sốt ruột viết một bức tâm thư gửi cho ông chủ bút là nhà giáo Lê Ngộ Châu nội dung như sau :

“ thưa Ông chủ bút nguyệt san Bách Khoa , tôi là vợ của nhà văn chưa lừng danh và cũng chưa từng được đăng báo nào cả , ngày ngày ông chồng tôi viết văn thì tôi lo quạt cho ông mát , đấm lưng bóp chân , nấu nước pha trà cùng cà phê để ông uống . mua thuốc lá cho ông hút , nhưng những bài của ông sáng tác gửi đi các báo , chưa có tờ nào đăng cho cả , có một điều thực lòng xin được trình bày cùng ông chủ bút , nếu có gì sai phạm mong ông thứ lỗi cho , xin hỏi một Trang Quảng Cáo của quí báo giá là bao nhiêu ? một truyện ngắn của chồng tôi khoảng 10 trang , tôi xin bỏ tiền ra chịu chi phí “ cứ coi như là đăng quảng cáo , cáo phó ma chay hiếu hỷ ……. Trân trọng kính chào ông chủ bút . “

Một tuần sau thì bà nhận được một thư hồi âm cùa toà báo:

“ Tôi là chủ bút Lê Ngộ Châu trân trọng phúc dáp thư của bà đề ngày …..chúng tôi rất cảm động cái chân tình của bà dành cho ông nhà , nhưng theo ý tòa soạn thì chính bà mới là nhà văn , nếu bà cho phép thì chúng tôi sẽ cho đăng bức thư của bà gửi cho chúng tôi , vì chính bà mới thực sự là nhà văn , còn ông thì chưa phải , nếu bà có bài đăng trên tạp chí của chúng tôi , chúng tôi sẽ gửi tiền nhuận bút đến bà .

Kính thư Lê Ngộ Châu “


*

Trở lại thơ thoát tục , thanh thoát bước đầu của thơ Thiền , xin điểm sơ qua những đoạn thơ này của Nhã My :”

-

Vách trời mờ mây phủ

Lối nhỏ uốn lên đường

Em về chiều thu vắng

Chim  vạc buồn kêu sương

Từng hàng cây trút lá

Vàng bay trong gió đưa

Cung đàn rơi huyền hoặc

Âm thầm vọng xa xưa

Lang thang chân em bước 

Thinh lặng bóng chiều mưa

“ trích Chiều Thu trang 16 “

-

Mai kia rồi cũng phù vân

Mây bay đầu núi tần ngần ngó theo

Gập ghềnh mấy nẻo cheo leo

Dốc đời lên xuống mộng treo lá vàng

Gio đưa một trận phũ phàng

Lá rơi hoa rụng sầu mang kiếp ngừơi

Thì thôi ôm lấy nụ cười

Chôn trong những lối cuộc đời mà vui

“ Trích Phù Du trang 45 -Tặng chị Hạt Cát “

-

Sách nằm hờ hững trên tay

Lật trang nhân thế tháng ngày phù du

Gối tranh cát bãi sa mù

Trắng mây một cõi phù du đi về

“ trích Sách trang 58 “


-

Biết còn gì nữa hôm nay

Đôi tay nào víu viễn hoài mông lung

Sóng đưa lớp lớp nghìn trùng

Hỏi ngừoi xa có tương phùng người xa

“ trích Hư Không trang 59 “

-

Cô liêu bãi vắng biển chiều

Xa xăm sóng vỗ đìu hiu cuối bờ

Hồn tôi hạt cát hoang sơ

Lời trăm năm đã bây giờ phôi phai


“ trích Đoản Khúc Cô Liêu – trang 73 “

-

Chiều xa ngừơi đã đi rồi

Lòng tôi con nước cuối đời vẫn trôi

Em giờ bờ vắng đơn côi

Tình trăm năm có đắp bồi đủ không ? 

“ trích Chiều Xa – trang 77 “

-

Bên trời viễn xứ loay hoay 

Mù xa cố lý trắng mây nghìn trùng

trông vời một cõi mông lung

biển xanh thuyền nhỏ chập chùng sóng đưa

nghe từ trong giấc mơ xưa

tiếng ru của mẹ giữa trưa giọng buồn


“ trích Cố Lý – trang 99 “


*

Những bài thơ phần sau thơ Tình , mượt mà thanh thoát và âm điệu cũng du dương trầm bổng tư tưởng cũng thoáng đạt , ở đây bài “  Thi Ca Thi Nhân “chúng tôi chỉ là M.C giới thiệu chung chung về tác giả thơ hoặc văn ,  ca sĩ  với nhạc sĩ , trước quần chúng để những nghệ nhân này biểu diễn “ hoặc trình bày “ sự thành công bao nhiêu , là tuỳ mỗi nghệ nhân  , quần chúng sẽ đánh giá thấp cao về chất lượng , chúng tôi không làm việc này , cho sự giới thiệu nhà thơ Nhã My được vô tư và công bằng .

Và để kết thúc bài viết này chúng tôi mượn lời Bạt của nhà thơ Kha Tiệm ly :”

“Tóm lại nếu gác ra ngoài dăm ba bài thơ chủ đề khác , thì Khơi Xa là một chuyện tình buồn .Nó mượn tay tác giả để thành những vần thơ ai oán não nùng ! …..Lời Bạt này chúng tôi chỉ viết theo sự nhận xét kém cỏi của mình . Có điều gì không mãn ý  , xin quý bạn đọc xem qua với lòng độ lượng “

Xếp tập thơ Khơi Xa của nhà thơ Nhã My lại , chúng tôi có nhận xét cá “ thịt “ nhân như sau :

“ phần vào đề thì nhà thơ lão làng Nguyễn Khôi và phần cuối tập thì nhà thơ cao ngạo Kha Tiệm Ly , hai cây bút đều thuộc vào loại “  một cây xanh rờn “ chỉ có thua Cọp .

Ôi cái văn nghệ văn gừng , là làm dâu trăm họ , ở cái cõi đời ô trọc này dễ gì kiếm được người tri âm “ tri dương “ tri kỷ , tài danh như vua cổ Thất Huyền Cầm Bá Nha mà cũng chỉ có  một ngừơi bạn tri âm là Chung Tư Kỳ , đến khi Chung Tử Kỳ qua đời thì Bá Nha đàn lần chót trước mộ Tử Kỳ  rôi đập cây  cổ cầm trên đá  không bao giờ đàn nữa ? 

Cuộc đời nước chảy huê trôi , vốn bạc bẽo , xe trước xe sau đều đi vào con đường cụt , vừa phù du vừa phù vân , nhưng  đã là dòng sông thì phải chẩy thế thôi ?


KHANH TƯƠNG & CHU VƯƠNG MIỆN


PHỤ LỤC: THƠ NHÃ MY


BUỒN


buồn, ngơ ngác thả theo chùm mây lạc
phố lên đèn những đóm đỏ , đóm vàng
tay run rẩy chạm từng vùng ký ức
thơ vụng về theo con chữ lang thang

mây thì trắng và hồn đau cũng trắng
gió trùng phương có ngừng lại nơi này ?
em huyền dịu ẩn chìm bờ mộng mị
ta vói tìm đau đáu mấy màu trăng

buồn, lặng lẽ dối mình như chẳng biết
em vô tình như con nước êm trôi
chiều tản mạn bến  bờ xưa heo hút
nước  vẫn  trôi biền biệt  nhánh sông đời

ta cứ  hỏi biết em về phương ấy
lối mù xa còn đọng chút ân tình ?
hay cứ để dư âm lời thương nhớ
vọng tiếng buồn  ta nghiêng ngả  hư hao



HÔN PHỐI

Cuối cùng rồi cánh bướm cũng cắn xuống ngực hoa
Gió cuốn mênh mang sương mềm mỏng ướt
Trăng mơ màng soi nửa trời hẹn ước
Hoa bàng hoàng
Lời tình yêu mật ngọt
Trời đất chơi vơi
Ngày cõng bình minh sao trở về quá vội


NHAN SẮC

Đã chắc gì lụa mỏng hơn da em
Màu nguyệt bạch của trăng non vừa mới chiếu
Đã chắc gì hương cỏ hoa thơm hơn mái tóc mềm
Đã chắc gì những sắc màu hội họa
Khi người họa sĩ tài hoa dùng để vẽ nên bức tranh tố nữ
Thì màu xanh không bằng mắt em
Màu hồng không sánh được đôi má thẹn thùng ửng thắm
Màu đỏ không mộng bằng màu của đôi môi
Em hiển hiện
 Trong tình yêu của anh
Là dung nhan hoàn mỹ nhứt



HẠNH PHÚC

Em xỏa tóc
Đùa mùa xuân gió nhẹ
Anh đêm về
Khẻ động giấc mơ hoang
Ai miên man trong tiếng nhạc thơ
Vòng tay ấm
Cho đông về bớt lạnh
Nghe rất khẽ
Ôi mùa yêu đang chậm
Ôi làn hương ngây ngất thoáng qua
Hương tình yêu vừa nở nụ hoa
Tình không đợi
Nghĩa là tình rất mới
Anh không chờ giữa cuộc đời đau
Em không ngờ tình đến với nhau
Như hạnh phúc bên bờ khát vọng
Em xa lạ 
Và anh xa lạ
Hai cuộc đời chia mấy chờ mong
Hai cuộc đời hai nhánh của dòng sông
Bờ hạnh phúc nay nối về một bến.

TÌNH QUÊN (2)

Nghe loáng thoáng lời ru của gió

Chiều dịu dàng sau những cơn mưa
Tháng năm cũng lam nham mùa gặt dở
Ta tìm gì sau những cơn mơ



Đời lang bạt mấy vòng đua định mệnh
Tới rồi lui như những trò đùa
Bao ngày tháng trượt dài trên vội vả
Ta còn gì sau những cuộc vui


Đốt lửa lên tình chưa chịu cháy

Nhịp đập xa xưa trong trái tim buồn
Ta còn lại gì khi thời gian đã khép
Lời thề đong đưa trong cuộc tình quên...


VỌNG TÌNH


Sao rụng chờ bình minh đến
Sương còn mấy hạt rơi rơi
Cơn gió lay lay ngọn nến
Tình hồng sót lại chưa vơi


Vạt trăng khều lơi giấc ngủ
Mộng về phủ kín chăn đơn
Lá lay gọi hồn mùa cũ
Kèo nài nỗi nhớ xa hơn


Sợi tình theo mưa vừa rụng
Buồn tìm đoạn đứt mang theo
Không gian hốt nhiên đứng sụm
Bên trời mây lặng trăng treo


Đèn vẫn chong đêm đợi sáng
Lời ca da diết chưa ngừng
Lỡ mai tình nồng đã cạn
Vấn vương chiếc bóng lưng chừng


Bên hiên lao xao tiếng lá
Mơ màng dáng ngọc xa xưa
Thẹn thùng hỏi ai vàng đá
Ngàn năm tình vẫn như đùa 

BÀI THƠ VIẾT LẠI

bốn mươi năm vẫn nhớ  lời
câu thơ mùa cũ một thời dấu yêu
hoàng hôn nhuộm nước sông chiều
trên không gió giật cánh diều đã xa
bốn mươi năm cũng là ta
 nước xuôi, bèo dạt – nguồn xa chưa về
quê hương biền biệt phương trời
bâng khuâng một mảnh trăng thề gầy hao
bốn mươi năm tưởng ngày nào
tóc xanh đã bạc lạc vào bến mê
bóng mây trôi dạt chiều quê
cánh chim viễn xứ bốn bề bơ vơ...

BỎ

Rồi ta bỏ kiếp sống này
Bỏ thân ốc mượn bỏ đời trầm luân
Áó bay đã khuất tầm nhìn
Còn chăng kỷ niệm chút tình hợp tan

MỘNG

Đêm qua mộng bỗng bàng hoàng
Thấy em áo mỏng lụa vàng năm xưa
Thấy buồn em đứng trong mưa
Mắt nai khóc cuộc tình vừa đổi thay

XƯA

Chiều xưa áo ấy còn bay
Mà nay trăng khuyết đã thay bóng người
Chiêm bao nghe vọng tiếng cười
Nhớ liu xiu bóng khóc đời buồn tênh

SAY

Rượu sầu mà uống sao quên
Người đâu mà nhớ mà quên hỡi người
Say cho suốt một kiếp người
Cho tan hình bóng áo bay hảo huyền

VÔ ĐỀ

Vầng mây bay
nhẹ khối hồng
Bèo trôi theo nước
phiêu bồng phù sinh
Trăng tàn khuất nẻo bình minh
Cánh chim ước hẹn đăng trình ngàn xa
Biển dâu mọt kiếp ta bà
Vẫn nương tục luỵ
lơ là chân như
Giấc khuya nghiêng lắng
trầm tư
Quay lưng
trễ bước nhiệm từ vô biên!

NHÃ MY

*NM chân thành cảm ơn nhà thơ Chu Vương Miện đã giới thiệu  thơ NM .


.