CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH: TÂN TẦN TẤN TÂY TẨY- ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 99 : 


                         TÂN TẦN TẤN TÂY TẨY



    TÂN ĐÌNH 新亭 : Theo "Lý Thái Bạch thi tập chú" của Thanh Vương Kỳ 清王琦《李太白詩集注》TÂN ĐÌNH tức là LAO LAO ĐÌNH 勞勞亭 nằm trên núi LAO LAO, thường dùng để chỉ nơi chia tay, tiễn biệt, như bài thơ ngũ ngôn rất gợi cảm của Lý Bạch sau đây :

               天下傷心處,  Thiên hạ thương tâm xứ,
               勞勞送客亭.    Lao lao tống khách đình.
               春風知別苦,  Xuân phong tri biệt khổ,
               不遣柳條青.    Bất khiển liễu điều thanh.
Có nghĩa :
         Nơi mà thiên hạ thương tâm nhất chính là cái đình đưa tiễn nhau tên Lao Lao nầy đây. Gió xuân như biết được nỗi khổ sầu của kẻ biệt ly, nên không khiến cho các nhánh liễu trổ cành lá xanh nữa.
       Ngày xưa, khi đưa tiễn nhau, người ở lại hay bẻ một nhành liễu tặng cho người đi làm roi ngựa. Bây giờ gió xuân cũng không thèm thổi cho các nhành liễu trổ lá xanh nữa, để người đưa tiễn khỏi bẻ liễu để tặng người đi, như là âm thầm phản đối các cuộc chia tay vậy.

Diễn Nôm :
                Đau lòng thiên hạ nơi nao,
                Là nơi tiễn biệt LAO LAO ĐÌNH nầy.
                Gió xuân biết khổ chia tay,
                Không mang sắc biếc để phai liễu tàn.

       Trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ trong văn cổ của ta có câu :

                      Cầu kia ai gọi TÂN ĐÌNH,
                 Chiếc bia trụy lệ rành rành bên sông.



                               TÂN ĐÌNH 新亭  là LAO LAO ĐÌNH 勞勞亭 

      TÂN KHỔ 辛苦. TÂN là Cay; KHỔ là Đắng. Có xuất xứ từ Đổng Trọng Thư đời Hán, theo sách Xuân Thu Phồn Lộ, Ngũ hành chi nghĩa 漢董仲舒《春秋繁露·五行之義》:“Kim mộc thủy hỏa tuy các chức, bất nhân thổ, phương bất lập, nhược toan hàm tân khổ chi bất nhân Cam phì bất năng thành vị dã 金木水火虽各职,不因土,方不立,若酸咸辛苦之不因甘肥不能成味也。Có nghĩa : "Kim Mộc Thủy Hỏa tuy đều có chức năng riêng, nhưng nếu không có Thổ thì sẽ không có nơi để đứng vững; Cũng như Chua Mặn Cay Đắng nếu không có Ngọt thì sẽ không phân biệt được các mùi vị đó. Nên TÂN KHỔ là Cay Đắng, mà Cay Đắng cũng tượng trưng cho sự vất vả cực khổ gian lao. Ta hãy nghe nàng Cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều than vãn :

                     Mùi tục lụy lưỡi tê TÂN KHỔ,
                     Đường thế đồ gót gỗ khi khu.
                     Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
                     Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh !

      Trong Truyện Kiều, sau khi biết Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về, Thúc Ông đã "cáo qùy cửa công". Quan Phủ cũng đã gia hình, rồi bắt Kiều về lại lầu xanh; Chàng Thúc đã phải khóc lóc xin xỏ, Quan Phủ lại thử tài của Thúy Kiều... Sau cùng lại kết hợp cho Thúc Sinh và Thúy Kiều được sum họp, làm cho Thúc Ông cũng phải :

                      Thương vì hạnh, trọng vì tài,
                   Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba
                       Huệ lan sực nức một nhà
                   Từng CAY ĐẮNG lại mặn mà hơn xưa !
     
      TẦN, HOẮC 秦,霍 : TẦN chỉ Tần Quỳnh 秦瓊(571—638)tự là Thúc Bảo 叔寶, người huyện Lịch Thành, Tề Châu (nay thuộc TP Tế Nam tỉnh Sơn Đông). Ông là danh tướng và là một trong 24 khai quốc công thần của nhà Đường, được ghi tên vào Lăng Yên Các 凌煙閣. Còn HOẮC là HOẮC KHỨ BỆNH 霍去病(140-117 trước Công Nguyên)người huyện Bình Dương, quận Hà Đông (nay thuộc TP Lâm Phần tỉnh Sơn Tây). Ông là danh tướng đời Tây Hán, là anh hùng dân tộc nhiều lần đem binh chống Hung Nô, được phong tặng là Phiêu Diêu Hiệu Úy.
      Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn có nhắc đến Tần Thúc Bảo và Hoắc Phiêu Diêu như sau :

                  凌煙閣兮秦叔寶    Lăng Yên Các hề Tần Thúc Bảo,
                  麒麟台兮霍嫖姚    Kỳ Lân Đài hề Hoắc Phiêu Diêu.

      Đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dễn Nôm như sau :

                       Tài so TẦN, HOẮC vẹn tuyền,
                  Tên ghi gác Khói, tượng truyền đài Lân.



      TẦN TẢO 蘋藻 Xem lại THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 97 : TANG TAO TẢO TẠO. Trong bài phú Nôm "Cung trung bảo huấn 宮中寶訓", đề cao lễ giáo của Bùi Vịnh (1508–1545) là nhà Nho, danh thần đời nhà Mạc, có câu :

               Qúy nữ kính thay : Khay TẦN TẢO tay nâng chắm chắm.

      TẤN DƯƠNG 晉陽 là tên huyện nằm trong quận Thái Nguyên, nơi Đường Công Lý Uyên 李淵 trấn thủ. Năm Đại Nghiệp thứ 13 của nhà Tùy (617), Lý Uyên khởi binh ở Tấn Dương (còn được gọi là Cuộc khởi binh ở Thái Nguyên), chiếm lấy Trường An. Năm sau phế vua Tùy, tự xưng đế lập nên mà Đại Đường. 
      Trong Truyện Kiều, khi gặp Từ Hải, Thúy Kiều nhìn biết là người có chí lớn muốn xưng bá đồ vương, nên đã nói nịnh một câu làm cho Từ Hải vô cùng vừa ý :

                       Thưa rằng lượng cả bao dong,
                TẤN DƯƠNG được thấy mây rồng có phen.
    
      Từ Hải đã rất đắc ý mà đáp lời Thúy Kiều rằng :
 
                         Một lời đã biết đến ta, 
                Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau !


                            Đường Cao Tổ : Lý Uyên

       TẤN TẦN 晉秦 là tên của 2 nước thời Xuân Thu Chiến Quốc. Theo Tả Truyện- Hi Công năm thứ 23 của Tả Khâu Minh 左丘明《左傳·僖公二十三年》: Nước Tấn vì muốn thiết lập quan hệ hữu hảo với nước Tần, mới gả con gái cho Tần Mục Công, sử gọi là Tần Mục Phu Nhân. Sau khi Tấn Hiến Công chết, công tử Di ngô nối ngôi là Tấn Huệ Công. Huệ Công 2 lần phụ ước với Tần. Tần đem binh đánh bắt được Huệ Công. Huệ Công phải đem công tử Ngữ qua Tần làm con tin. Tần Mục công lại gả con gái cho công tử Ngữ, Tấn Huệ Công chết, công tử Ngữ lên thay, xưng là Tấn Hoài Công, tánh tình khắc bạc làm cho triều chính đão điên. Trong lúc công tử Trùng Nhĩ đang lưu vong bên ngoài, được Tần Mục Công giúp đỡ, gã cho ái nữ  Hoài Doanh. Năm 636 trước Công Nguyên lại cho quân đội hộ tống về nước, lên thay Tấn Hoài Công, tức là Tấn Văn Công nổi tiếng trong lịch sử. Sau đó Tấn Văn Công lại cho con trai cưới tôn nữ trong tông thất của nhà Tần làm vợ... Năm đời liên tiếp đều liên hôn với nhau. Đó chính là xuất xứ của thành ngữ "TẦN TẤN CHI HẢO 秦晉之好".
       Trong văn học cổ Việt Nam ta gọi là "Nên Duyên Tần Tấn" hay "Nên Nghĩa Tấn Tần", như trong truyện thơ Nôm "Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng" :

                        Hẵn duyên nầy đã an bày,
                TẤN TẦN xin quyết một lời nên chăng ?!





       TÂY PHƯƠNG 西方 hay TÂY THIÊN là Vùng đất chỉ quê hương của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn gọi là Tây Phương cực lạc, là vùng đất của giác ngộ của niết bàn khi đã tu thành Phật. Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông Sãi đã nói với bà Vãi :

                 Lòng người dầu thiết, thời đạo cũng gần.
                 Qua TÂY PHƯƠNG còn cách trở non thần; 
                 Sau phương trượng đã sẵn sàng bàn Phật

   ... và bà Vãi đã đáp lời ông Sãi rằng :

                 Lôi Âm tự có tu mới thành Phật;
                 Thiên Thai sơn có phước cũng nên tiên.
                 Biết đường nào qua thấu TÂY THIÊN; 
                 Cậy chỉ nẻo tu cùng khuya sớm.

       Ông Sãi nói cho bà Vãi biết nỗi khó khăn khi muốn đi tìm đất Phật :

                 TÂY PHƯƠNG không đường tới;
                 Bắc lộ khó nẻo qua.
                 Đường Nam phương thấy đó chẳng xa, 
                 Thì những sợ nhiều quân Đá Vách.
  
       Cuối cùng, bà Vãi đã kết thúc bằng một câu chúc phúc cho chúa Nguyễn Võ Vương lúc bấy giờ là :

                          Thôi thời ông sãi hãy ngồi,
                 TÂY PHƯƠNG Vãi tới tìm nơi Thiên Đường.
                     Muôn năm chúc tuổi Nguyễn Vương,
                    “Nam mô” hai chữ phi thường mặc ai.



       TÂY TỬ 西子 là TÂY THI 西施 cô gái đẹp của nước Việt thời Chiến Quốc; là một trong TỨ ĐẠI MỸ NHÂN 四大美人 của Trung Hoa. Theo "Việt Tuyệt Thư dẫn trong Ngô Địa Ký của Lục Quảng Vi đời nhà Đường 唐人陸廣微《吴地記》再引《越绝書》có dẫn lại tích sau đây :

       TÂY THI ở Trữ La Thôn dưới chân núi Trữ La của nước Việt, người trog thôn phần nhiều đều là họ Thi; Vì Tây Thi ở thôn phía tây nên gọi là TÂY THI (còn có một cô ở thôn đông gọi là ĐÔNG THI 東施 nữa). Các cô thường hay ra giặt lụa bên bờ sông. Lúc bấy giờ, nước Việt thua trận ở Phù Tiêu (494 trước Công Nguyên) Việt Vương Câu Tiễn phải thần phục Ngô Vương Phù Sai. Vì muốn báo thù, Văn Chủng và Phạm Lãi kiến nghị Câu Tiễn dâng lên một toán người đẹp do Trịnh Đán cầm đầu, trong đó có người đẹp Tây Thi. Sau ba năm dạy ca múa và nề nếp trong cung Phạm Lãi thay mặt Câu Tiễn dâng lên cho Ngô Vương Phù Sai. Tướng quốc là Ngũ Tử Tư can rằng :"... Nhà HẠ mất vì Muội Hỉ, nhà Thương mất vì Đắc Kỷ, nhà Châu mất vì Bao Tự; Nên người đẹp là họa vong quốc, xin chúa công đừng nhận". Ngô Vương không nghe, lại cho xây Cô Tô Đài và Xuân Tiêu Cung, lại cho xây Quán Oa Cung trên núi Linh Nham với một hồ nước lớn để đêm ngày vui chơi với Tây Thi và các người đẹp; bỏ phế việc triều chính. Việt Vương Câu Tiễn thừa cơ dẫn 5 vạn tinh binh đánh vào Cô Tô, thiêu hũy Cô Tô Đài. Phù Sai phải chạy lên núi Cô Tô, cầu hòa không được phải tự sát. Nước Ngô bị tiêu diệt từ đó. Tương truyền, sau đó Phạm Lãi từ quan, cùng người đẹp Tây Thi dạo chơi trong vùng Ngũ Hồ rồi... biệt tích.
       Trong "Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã tả nàng cung phi của mình còn đẹp hơn là TÂY THI nữa :

                       Hương trời đắm nguyệt say hoa,
                   TÂY THI mất vía, Hằng nga giật mình !

   ... và khi được nhà vua sủng ái thì cũng đắc ý như... Tây Thi :

                      Sênh ca mấy khúc vang lừng,
                  Cái thân TÂY TỬ lên chừng điện Tô !

        

                            Tây Thi qua họa hình và Điện ảnh

       TẨY TRẦN 洗塵 là Rửa bụi; có nghĩa Rửa cho sạch bụi bặm lúc đi đường. Theo phong tục của người Hoa, đối với người ở xa đến hoặc người đi xa về, thì có tục lệ là đặt một bàn tiệc hoặc đãi một bửa cơm để tiếp đón, gọi là để rửa sạch bụi đường. Đó là Tiệc Tẩy Trần. Như khi nghe theo lời khuyên của Thúy Kiều về nhà thăm Hoạn Thư, thì chàng Thúc đã được Hoạn Thư chào đón và đặt tiệc thết đãi :

                      TẨY TRẦN vui chén thong dong,
                      Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra !

       Như khi tưởng Thúy Kiều đã chết, Thúc Sinh mò về thăm Hoạn Thư, nào ngờ lại gặp Thúy Kiều ra lạy mừng hầu rượu. Chàng Thúc đã... tá hỏa, rồi...bật khóc; làm cho Hoạn Thư phải vặn hỏi; nên chàng lại đặt điều nói dối rằng vì mẹ mình mới mất :

                             Sinh rằng: “Hiếu phục vừa xong,
                         Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên!”
Làm cho Hoạn Thư phải :
                              Khen rằng: “Hiếu tử đã nên,
                      TẨY TRẦN mượn chén giải phiền đêm thu.”

      TẨY NHĨ 洗耳 là Rửa Tai. Có tích từ Hán Thái Ấp 漢蔡邕《Cầm Tháo . Hà Gian Tạp Ca. Ky Sơn Tháo 琴操·河間雜歌·箕山操》Có tích của Sào Phủ 巢父 và Hứa Do 許由 như sau :
      Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về ẩn cư tại Cơ Sơn. Sau vua Nghiêu lại cho người đến mời về triều để truyền ngôi lần nữa. Hứa Do lại từ chối, rồi cho rằng những lời về danh lợi làm bẩn tai mình, nên xuống bến sông Dĩnh thủy mà rửa tai. Khi đó, Sào Phủ đang định dắt trâu tới bến sông cho uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu đòi tôi về triều để nhường ngôi vua cho tôi, nên tai tôi đã bị ô uế vì đã nghe những lời danh lợi". Sào Phủ bèn dắt trâu lên trên đầu giòng mới cho trâu uống nước. Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: "Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm thứ nước bẩn kia."
     Tích Sào Phủ Hứa Do trở thành một điển cố về lòng trong sạch cao khiết và tính ẩn dật thanh cao. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, khi Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm vô quán nước gặp một chủ quán có vẻ có văn tài. Vân Tiên khuyên ông ra làm quan. Ông trả lời rằng :

                   Quán rằng: Nghiêu Thuấn thủa xưa
                  Khó ngăn SÀO PHỦ, khôn ngừa HỨA DO.

       Ý nói, ngay cả đời thịnh vượng thanh bình như thời vua Nghiêu vua Thuấn mà còn có người ẩn dật không ra làm quan làm vua huống chi là thời nay. Trong "Lâm Tuyền Khách Phú" cũng có câu :

                    Núi ẩn thân đá vững như trồng,
                    Suối TẪY NHĨ nước trong như lọc.



      Hẹn bài viết tới :

                              TÊN TIỆN TIỆP TIÊU TIỂU


                        杜紹德
                     ĐỖ CHIÊU ĐỨC




Không có nhận xét nào: