GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG:
ANH EM XƯỚNG HỌA
Trong cổ thi, rất ít khi thấy anh em bạn bè xướng họa với nhau. Mời đọc một giai thoại về Xướng Họa giữa hai anh em Tô Đông Pha và Tô Triệt, hai trong số Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 (Tám nhà văn học giỏi nhất đời Đường và đời Tống) như sau :
Tô Triệt 蘇轍 tự là Tử Do 子由, em trai của Tô Đông Pha 蘇東坡, tài hoa xuất chúng. Khi mới 19 đã được bổ nhiệm làm quan Chủ Bộ của huyện Mẫn Trì, chưa kịp đáo nhậm thì trên đường đi thi đã đậu ngay Tiến Sĩ. Tô Triệt cùng anh là Tô Thức 蘇軾, tự là Tử Chiêm 子瞻, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ 東坡居士, cùng lai kinh ứng thí, khi đi ngang qua huyện Mẫn Trì, đêm trọ lại trong một tăng xá trong chùa, cùng đề thơ tặng sư trên vách.
Mùa đông năm Gia Hựu thứ 6 đời nhà Tống (1061), Tô Thức được bổ nhiệm đi làm quan ở Phụng Tường Thiểm Tây, lại phải đi ngang qua huyện Mẫn Trì. Tô Triệt đưa anh đến phía ngoài cửa Tây của thành Trịnh Châu. Tô Thức đã làm một bài thơ chia tay trên ngựa cho em như sau :
寒燈相對記疇昔, Hàn đăng tương đối ký trù tích,
夜雨何時聽蕭瑟? Dạ vũ hà thời thính tiêu sắt ?
君知此意不可忘, Quân tri thử ý bất khả vong,
慎勿苦愛高官職! Thận vật khổ ái cao quan chức !
Có nghĩa :
Đèn lạnh nhìn nhau nhớ cổ tích,
Đêm mưa ngày nao nghe rả rít ?
Biết em ý ấy chớ nên quên,
Cẩn thận đừng vì ham quan chức !
Tô Triệt cũng làm một bài thơ《Hoài Mẫn Trì ký Tử Chiêm Huynh 懷澠池寄子瞻兄》tặng cho anh trước khi chia tay về lại kinh thành. Bài thơ đó như sau :
相攜話別鄭原上, Tương huề thoại biệt Trịnh nguyên thượng,
共道長途怕雪泥。 Cộng đạo trường đồ phạ tuyết NÊ.
歸騎還尋大梁陌, Quy kỵ hoàn tầm đại Lương mạch,
行人已度古崤西。 Hành nhân dĩ độ cổ Hào TÊ (TÂY).
曾為縣吏民知否? Tằng vi huyện lại dân tri phủ ?
舊宿僧房壁共題。 Cựu túc tăng phòng bích cộng ĐỀ.
遙想獨遊佳味少, Dao tưởng độc du giai vị thiểu,
無言騅馬但鳴嘶。 Vô ngôn chuy mã đản minh TÊ.
* Có nghĩa :
- Cùng dắt tay nhau đi và cùng nói lời tạm biệt trên thảo nguyên đất Trịnh Châu.- Cùng bảo nhau đường xa sợ nhiều tuyết bẩn (vất vả).
- Người quay đầu ngựa trở về còn đang lẩn quẩn trong đường ruộng đại Lương; còn người đi là huynh trưởng chắc đã qua khỏi đường núi Hào tây rồi.
- Ta đã từng làm qua chức huyện lại ở đây rồi không biết dân chúng có biết không, và trước đây đã từng ngụ ở tăng phòng nầy và đã cùng đề thơ trên vách.
- Những nghĩ là huynh trưởng du hành đơn độc chắc là rất vô vị; Con đường trước mặt lặng lẽ im lìm chỉ có tiếng ngựa kêu hí mà thôi.
* Diễn Nôm :
(Song thất lục bát)
Ngoài Trịnh Châu vẫy tay giả biệt,
Ngại đường xa chi xiết tuyết lầy,
Đại Lương đường ruộng về đây,
Hào Tây núi thẳm người đi dặm ngàn.
Từng vì dân giữ an huyện lại,
Trọ tăng phòng vách lại đề thơ,
Đường xa lữ khách mịt mờ,
Dặm trường lặng lẽ ngựa khờ hí vang !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Khi đi đến huyện Mẫn Trì, Tô Đông Pha nhớ lại chuyện 5 năm trước, khi cùng Tô Triệt lai kinh ứng thí, đêm ở trọ lại một ngôi chùa ở đây, lúc chia tay đã đề tặng một bài thơ trên vách tăng phòng của nhà sư trụ trì là Phụng Nhàn 奉閒. Nay thì nhà sư đã viên tịch, vách cũ cũng đổ nát, cảm xúc cho cái vô thường của thế sự, lại nhận được bài thơ của em trai gởi, bèn làm bài thơ họa vận để nhớ về Mẫn Trì khi cùng với Tô Triệt tá túc nơi đây. Giác ngộ về lẽ vô thường của sự vật làm cho Tô Đông Pha xem nhẹ về lợi danh được mất ở đời, cho đó là chuyện tự nhiên; hình thành phẩm cách cao cả nơi con người ông khi bắt đầu bước vào con đường hoạn lộ làm quan, với cái tinh thần tích cực yêu dân yêu nước và dám xả thân để báo quốc mà không ngại gian lao khổ nhọc. Ta hãy đọc bài thơ "HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊". Có nghĩa :"Họa với Tử Do nhớ lại chuyện cũ ở huyện Mẫn Trì" sẽ rõ :
人生到處知何似? Nhân sinh đáo xứ tri hà tự ?
應似飛鴻踏雪泥。 Ưng tự phi hồng đạp tuyết NÊ.
泥上偶然留指爪, Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo,
鴻飛哪復計東西? Hồng phi nả phục kế đông TÊ (TÂY)?
老僧已死成新塔, Lão tăng dĩ tử thành tân tháp,
壞壁無由見舊題。 Hoại bích vô do kiến cựu ĐỀ.
往日崎嶇還記否? Vãng nhật khi khu hoàn ký phủ ?
路長人困蹇驢嘶。 Lộ trường nhân khổn kiển lư TÊ.
* Có nghĩa :
- Người đời phiêu bạt hết chỗ nầy đến chỗ kia, giống như là gì đây ? Tôi nghĩ giống như là chim hồng hộc ngẫu nhiên đậu xuống trên bùn trên tuyết mà thôi.
- Trên bùn trên tuyết ngẫu nhiên lưu lại cái vết móng vuốt của chim hồng, chớ chim hồng bay sang đông hay bay sang tây đều không có tính toán trước.
- Lão hòa thượng thì đã viên tịch rồi chỉ còn lưu lại cái tháp tro cốt mà thôi; và chúng ta cũng không có dịp đi nhìn lại tấm vách có đề thơ năm xưa giờ đã đổ nát.
- Có còn nhớ ngày xưa trên đường đá gập ghềnh trắc trở khi đi đến đây; Đường đã xa xôi người lại mõi mệt còn lừa thì cũng bước chân khập khiểng và cất tiếng hí vang.
* Diễn Nôm :
(Song thất lục bát)
Kiếp người đời hợp tan ai muốn ?
Tựa chim hồng đáp xuống tuyết lầy,
Tuyết lưu móng vuốt là đây,
Chim hồng bay mãi đông tây chẳng màng !
Lão tăng đã dặm ngàn khuất núi,
Vách đề thơ tàn lụi khó tìm,
Đường xưa núi đá gập ghềnh,
Xa xăm người mõi lừa rên hí tràn !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Tô Thức (Tử Chiêm) Tô Triệt (Tử Do)
Cái triết lý nhân sinh đượm một chút Thiền Ý của Tô Đông Pha rất đáng cho ta suy gẫm; Vì nó thiên về chí hướng tích cực của Nho gia, chớ không buông xuôi tiêu cực như người đời thường nghĩ. Ta hãy nghe lại bài thơ "HỌA TỬ DO..." của ông sẽ rõ...
Bốn câu đầu ông nêu lên ý : Người đời ở đâu cũng thế, giống như con chim hồng nhạn tình cờ bay đáp xuống vũng lầy bùn tuyết để lại dấu ấn rồi bay đi khắp đông tây mà không còn nhớ gì tới dấu ấn đó nữa; Dấu ấn đó còn hay mất con chim nhạn cũng không cần biết tới làm chi nữa. Bốn câu sau, ông ví với việc anh em ông đề thơ trên vách tăng phòng của nhà chùa khi trọ qua đêm nơi đó; Nay thì nhà sư Phụng Nhàn đã mất, chỉ còn lại cái tháp tro cốt mà thôi; Bức vách đề thơ cũng đã sụp đổ theo mưa nắng của tháng năm. Chuyện ngủ trọ đề thơ cũng giống như chuyện chim hồng để lại dấu ấn trên bùn tuyết, là chuyện "Vô Thường của Cuộc Sống" xảy ra hằng ngày, ta phải biết châm chước mà phớt lờ NÓ đi, đừng để NÓ vướng bận mãi trong lòng làm cho cuộc sống luôn luôn phiền muộn. Chuyện "Ở trọ đề thơ" là một trong muôn ngàn chuyện của cuộc sống của con người; Phải quên NÓ đi, như con chim hồng nhạn không nhớ gì đến việc để lại vết tích trên bùn tuyết ; QUÊN để còn tích cực vui sống và làm việc giúp ích cho đời; QUÊN để còn đối phó với biết bao nhiêu sự cố sẽ lần lượt xảy ra trong cuộc sống của những tháng ngày tiếp nối.
Đây là cái nhân sinh quan lạc quan trước vô thường của cuộc sống của Tô Đông Pha; Ông cũng khuyến khích em trai mình theo cái nhân sinh quan tích cực nầy mà đi vào cuộc sống. Chả trách hai anh em ông đều là những ông quan tốt và lại là hai thành viên nổi tiếng trong "Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 ".
Sau đây là hai bài thơ Xướng Họa của anh em nhà họ Tô, được diễn Nôm theo phong cách "Xướng Họa Hiện Nay" của qúy Tiền bối thân hữu trong các vườn thơ thẩn... Ai có nhã hứng thì cùng dịch cho vui (dĩ nhiên là sẽ chọn VẦN tùy thích !).
XƯỚNG :
HOÀI MẪN TRÌ KÝ TỬ CHIÊM HUYNH 懷澠池寄子瞻兄
Vẫy tay giả biệt cửa tây Trịnh,
Cùng sợ đường xa lắm tuyết lầy.
Lẫn khuất người về đường ruộng đó,
Gập ghềnh kẻ vượt núi non đây.
Trước làm huyện lại dân nào biết,
Xưa ngụ đề thơ chẳng kẻ hay.
Đơn lẻ hành trình sầu chất ngất,
Người buồn ngựa mỏi hí vang vầy !
HỌA :
HỌA TỬ DO MẪN TRÌ HOÀI CỰU 和子由澠池懷舊
Cuộc sống nhân sinh sao biết được ?
Tựa như hồng nhạn đáp bùn lầy,
Bùn lầy dấu ấn còn đây đó,
Trời rộng hồng bay khắp đó đây.
Viên tịch sư già nào kẻ biết,
Vách xiêu thơ đổ chẳng người hay.
Đường xưa khấp khểnh quên hay nhớ ?
Người mõi lừa què hí mãi vầy !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.
Mong rằng mọi người đều có quan niệm VÔ THƯỜNG một cách tích cực như là
TÔ ĐÔNG PHA vậy !
Đọc bài thơ trên của Tô Đông Pha, làm cho ta lại nhớ đến bài thơ Thiền "VÔ TÂM 無心" của Hương Hải Thiền Sư 香海禪師 (1628 - 1715) đời Hậu Lê của Việt Nam ta như sau :
鴈 過 長 空, Nhạn quá trường không,
影 沉 寒 水. Ảnh trầm hàn thủy.
鴈 無 遺 跡 之 意, Nhạn vô di tích chi ý
水 無 留 影 之 心. Thủy vô lưu ảnh chi tâm .
Có nghĩa :
Con chim nhạn bay ngang qua bầu trời, cái bóng của nó in xuống dưới dòng nước lạnh. Con nhạn đó không có Ý để lại vết tích của mình dưới nước, mà nước cũng không có Lòng giữ lại hình bóng của chim nhạn.
Tất cả đều là lẽ tự nhiên của Vô Thường, Vô Tâm, của Tâm Vô Sở Trụ 心無所住 !
Diễn Nôm:
Nhạn bay cao vút trên không,
Bóng chìm đáy nước lạnh căm vô tình.
Nhạn không có Ý để hình,
Nước không Lòng giữ bóng hình nhạn đâu!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài viết tới
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét