CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

CHÚA LÀ HƠI THỞ ĐỜI CON - NHẠC KHÊ KINH KHA






CHÚA LÀ HƠI THỞ ĐỜI CON
NHẠC KHÊ KINH KHA 
TRÌNH BÀY TÂM THƯ


TẾT TRUNG THU - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

                                    TẾT  TRUNG THU  
                                 
        
       TẾT TRUNG THU chữ Nho gọi là TRUNG THU TIẾT 中秋節. Một năm có 4 mùa, gọi là Tứ Qúy 四季, mỗi một qúy có 3 tháng, chia làm Mạnh, Trọng, Qúy 孟、仲、季 3 phần; nên theo Âm lịch, Tháng Bảy là Mạnh Thu 孟秋, tháng Tám là Trọng Thu 仲秋 và Tháng Chín là Qúy Thu 季秋. Tết Trung Thu nằm trong Tháng Tám nên còn gọi là Tiết Trọng Thu 仲秋節. 
       TẾT TRUNG THU là ngày rằm (15) tháng Tám Âm lịch với tiết trời trong vắt, nên ta thấy trăng tròn, to và sáng hơn những tháng trước đó, vì thế nên dân gian còn gọi đêm rằm tháng Tám là NGUYỆT TịCH 月夕, có nghĩa là Đêm Trăng, vì mọi người cùng nhau ngắm trăng nên còn gọi là Tiết NGOẠN NGUYỆT 玩月, và vì dân gian có tục lệ cúng trăng nên lại có tên là Tiết BÁI NGUYỆT 拜月, nhất là các cô gái đương xuân mới lớn, lòng xuân phơi phới bái nguyệt để gởi gắm những ước nguyện trong lòng, nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ xưa là Điêu Thuyền Bái Nguyệt 貂嬋拜月. Nên ngày rằm tháng Tám còn được gọi là ngày NỮ NHI TIẾT 女兒節, là ngày lễ hội của các cô gái mới lớn. 



      Môt trong những khúc hát nổi tiếng ở các giáo phường của đời Đường là Bái Tân Nguyệt 拜新月, có nghĩa là "Lạy mừng trăng mới", có nguồn gốc xa xưa từ đời Tần Hán, mãi cho đến đời Đường mới thịnh hành tục lệ cúng trăng nầy. Gọi là cúng vầng trăng mới, chứ thực ra chỉ có ngày Thất Tịch, mùng bảy tháng bảy âm lịch là trăng mới thôi, còn thì đa số các bà các cô cúng trăng vào ngày Trung Thu rằm tháng tám. Cúng để ước nguyện gặp được người chồng tốt, hay gia đạo bình an hạnh phúc, nhất là luôn luôn được đoàn viên sum họp một nhà, như khi nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều được tuyển vào cung đã mơ ước cùng nhà vua :

                  Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên !

     Còn các cô gái đương xuân với lòng xuân phơi phới thì bái lạy vầng trăng bất cứ lúc nào để ước ao và để gởi trao tâm nguyện, như bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt rất nổi tiếng của Lý Đoan 李端 đời Đường sau đây :

                開簾見新月,    Khai liêm kiến tân nguyệt,
                即便下階拜。    Tức tiện hạ giai bái.
                細語人不聞,    Tế ngữ nhân bất văn,
                北風吹裙帶。    Bắc phong xuy quần đái.



Có nghĩa :
          Vén rèm ra thấy vầng trăng mới, nàng bèn bước ngay xuống thềm mà vái lạy. Lầm rầm khấn khứa nhỏ to không ai nghe biết được gì, chỉ thấy dải lụa đào thắt lưng phất phơ trước làn gió bấc mà thôi !

                Cuốn rèm thấy ánh trăng trong,
                Xuống thềm qùy lạy lầm rầm ước ao.
                Khấn chi ai biết được nào...
                Bắc phong phe phẩy lụa đào phất phơ !

       Trăng rằm Trung Thu còn là một khối Đoàn Viên 團圓, ĐOÀN là Khối tròn, VIÊN là Tròn trịa không sứt mẻ. Nên ĐOÀN VIÊN là một khối tròn đầy đặn hoàn hảo. Gia Đình Đoàn Viên 家庭團圓 là tất cả những thành viên trong gia đình đều về hội tụ đầy đủ không thiếu ai cả. Nên TẾT TRUNG THU còn được gọi là ngày TẾT ĐOÀN VIÊN 團圓節. Người du tử ngày xưa lang bạt giang hồ, hay những thương nhân buôn bán phương xa... nhưng đến Tiết Trung Thu cũng phải rán cố gắng quay về để gia đình được đoàn viên mà cùng ngắm trăng tròn đón Tết. Những ai không về được nhà thì ngắm trăng Trung Thu cũng nhớ về quê nhà, như Thi Tiên Lý Bạch đã viết trong bài Tĩnh Dạ Tư 靜夜思 :

                床前明月光,  Sàng tiền minh nguyệt quang,
                疑是地上霜。  Nghi thị địa thượng sương.
                舉頭望明月,  Cử đầu vọng minh nguyuệt,
                低頭思故鄉。  Đê đầu tư cố hương !




Có nghĩa :
         Trước đầu giường nhìn ánh trăng sáng bàng bạc khắp nơi, cứ ngỡ như là sương gieo đầy mặt đất. Ngẩn đầu lên nhìn vầng trăng sáng tròn trịa, nên cúi đầu xuống lại nhớ đến cố hương ! Nhớ đến gia đình không thể về được để đoàn viên như vầng trăng đầy đặn.

                  Trước giường nhìn trăng sáng,
                  Ngỡ sương gieo khắp nơi,
                  Ngẩn trông trăng đầy đặn, 
                  Nhớ quê dạ bời bời !

      Còn Thi Thánh Đỗ Phủ trong bài Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ 月夜憶舍弟 (Đêm trăng nhớ về em trai) nổi tiếng với 2 câu thơ bất hủ là :

                 露從今夜白,   Lộ tòng kim dạ bạch,
                 月是故鄉明。   Nguyệt thị cố hương minh.
 Có nghĩa :
                 Đêm nay sương trắng từ đây,
                 Quê nhà trăng mới sáng đầy khắp nơi !

       Từ nay sương thu trắng sẽ phủ khắp nơi, nhưng chỉ có vầng trăng ở quê nhà là sáng nhất mà thôi ! Cũng cùng một ánh trăng, nhưng trong mắt kẻ tha hương vầng trăng của xứ người vẫn lạnh lẽo cô đơn và luôn gợi nhớ đến vầng trăng ấm áp vui tươi ở quê nhà. Nhất là những người yêu nhau càng nhớ nhau lắm trong những đêm trăng. Như trong bài Vọng Nguyệt Hoài Viễn 望月懷, ngắm trăng mà nhớ về nơi xa của Trương Cửu Linh 張九齡 thi nhân đời Đường với 4 câu đầu như sau :

            海上生明月,  Hài thượng sanh minh nguyệt,
            天涯共此時。  Thiên nhai cộng thử thời.
            情人怨遥夜,  Tình nhân oán diêu dạ,
            竟夕起相思。  Cánh tịch khởi tương tư...

     


Có nghĩa :
            Trăng lên trên biển khơi,
            Cùng lúc khắp chân trời.
            Người yêu xa vắng quá,
            Đêm thương nhớ khôn nguôi !...

       Từ xưa đến nay, vầng trăng Trung Thu cũng gợi nên biết bao ý thu cho thi nhân, hãy đọc bài thơ "Thập Ngũ Dạ Vọng Nguyệt Ký Đỗ Lang Trung 十五夜望月寄杜郎中 của Vương Kiến 王建 sau đây sẽ rõ :

             中庭地白樹棲鴉,     Trung đình địa bạch thụ thê nha,
             冷露無聲濕桂花.     Lãnh lộ vô thanh thấp quế hoa.
             今夜月明人盡望,     Kim dạ nguyệt minh nhân tẫn vọng,
             不知秋思落誰家.     Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia ?!
Có nghĩa :
             Trong sân sáng trắng qụa nương cây,
             Lặng lẽ sương sa hoa quế lay.
             Trăng sáng đêm nay ai chẳng ngắm,
             "Ý thu" ai biết ... lạc nhà ai  ?! 

      Càng thi vị hóa ánh trăng hơn với bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt "Ức Đông Sơn 憶東山" của Thi Tiên Lý Bạch :

              不向東山久,   Bất hướng Đông Sơn cửu,
              薔薇幾度花。   Tường vi kỷ độ hoa.
              白雲還自散,   Bạch vân hoàn tự tán,
              明月落誰家。   Minh nguyệt lạc thùy gia ?!

       


Có nghĩa :
              Đông Sơn lâu qúa không qua,
              Tường vi mấy độ hoa đà phôi phai.
              Ngẩn ngơ mây trắng còn bay...
              Trăng vàng rụng xuống nhà ai đêm này ?!
     
        Vầng trăng, ánh trăng, bóng trăng... trong văn học và cả trong dân gian cũng có rất nhiều tên để gọi. TRĂNG chữ Nho là NGUYỆT 月, theo thần thoại Trung Hoa trong mặt trăng có cây quế, nên còn gọi trăng là Vầng NGUYỆT QUẾ 月桂, và vì trong trăng còn có những vùng tranh tối tranh sáng, nên lại gọi là QUẾ PHÁCH 桂魄, như 2 câu đầu trong bài thơ Thu Dạ Khúc 秋夜曲 của Vương Nhai 王涯 đời Đường là :

              桂魄初生秋露微,   QUẾ PHÁCH sơ sanh thu lộ vi,
              輕羅已薄未更衣。   Khinh la dĩ bạc vị canh y.
Có nghĩa :
              TRĂNG vừa mới mọc sương thu nhẹ,
              Mỏng mảnh áo là chửa kịp thay.
            
        Ngoài QUẾ PHÁCH, trăng còn được gọi là QUẾ CUNG 桂宫 mà thi sĩ Tản Đà nhà ta đã gọi là CUNG QUẾ trong bài thơ "Muốn Làm Thằng Cuội":

              Đêm thu buồn lắm! CHỊ HẰNG ơi!
              Trần thế em nay chán nửa rồi.
              CUNG QUẾ đã ai ngồi đó chửa?
              Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

       Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả nàng cung nữ thất sủng trong cung với tâm trạng :

              Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
              Đêm năm canh trông ngóng lần lần...

       CHỊ HẰNG tức Hằng Nga, người Hoa ít khi gọi bằng HẰNG NGA 姮娥, mà thường gọi Chị Hằng là THƯỜNG NGA 嫦娥. Như trong bài thơ "Thường Nga 嫦娥" của Lý Thương Ẩn trong buổi tàn Đường :

              雲母屏風燭影深,   Vân Mẫu bình phong chúc ảnh thâm,
              長河漸落曉星沉.   Trường hà tiệm lạc hiểu tinh trầm.
              嫦娥應悔偷靈藥,   THƯỜNG NGA ưng hối thâu linh dược,
              碧海青天夜夜心.   Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm !

          


Có nghĩa :
              Bình phong Vân mẫu nến lay thềm,
              Sao rụng Ngân hà trở sáng thêm.
              Trộm thuốc HẰNG NGA chừng tiếc nuối,
              Trời xanh biển biếc hận đêm đêm !

       Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du gọi Trăng là GƯƠNG NGA, BÓNG NGA. Trong buổi đầu khi Kim Kiều gặp gỡ; lúc trở về nhà, đêm đó khi :

              GƯƠNG NGA chênh chếch vòm sông,
              Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
              Hải đường lã ngọn đông lân,
              Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà...
 thì Thúy Kiều đã :
              Một mình lặng ngắm BÓNG NGA,
              Rộn đường gần với nỗi xa bời bời !...

       Theo thần thoại Trung Hoa, Thường Nga hay Hằng Nga là vợ của anh hùng xạ nhựt Hậu Nghệ 后羿, người đã bắn rơi chín cái mặt trời là chín con qụa lửa thiêu đốt nhân gian, nên được bà Tây Vưong Mẫu tặng cho viên thuốc trường sinh bất tử. Hằng Nga đã lén trộm thuốc của chồng uống vào, nên thân hình nhẹ nhõm bay lên và bay tuốt... vào cung trăng lạnh lẽo, rồi trở thành chủ nhân của cung Quảng Hàn và con Thỏ Ngọc giả thuốc trường sinh. Vì tích nầy mà mặt trăng còn được gọi là QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宫 hay CUNG QUẢNG, như khi Thúy Kiều nhớ Thúc Sinh lúc chàng về thăm Hoạn Thư :

                     Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
              Liều như CUNG QUẢNG Ả HẰNG nghĩ nao !
                      Đêm thu gió lọt song đào,
             Nửa Vành Trăng khuyết, ba sao giữa trời !



       Vì có con Thỏ Ngọc giã thuốc trong trăng, nên mặt trăng còn được gọi là NGỌC THỐ 玉兔. Khi Vương Quan kể lể về thân thế của ca nhi Đạm Tiên đã kết bằng 2 câu :

                       Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ,
                  Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !     

       THỎ LẶN là Trăng lặn, ÁC TÀ là Mặt Trời chiều; Trăng lặn là hết đêm, Mặt Trời về chiều là hết ngày. Nên THỎ LẶN ÁC TÀ chỉ ngày tháng qua đi. "Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ," là biết bao là ngày tháng đã qua đi !
         
       Cũng theo thần thoại Trung Hoa, trong cung trăng lại có con Thiềm Thừ 蟾蜍 (con cóc) ba chân; vì các hố thiên thạch trên bề mặt mặt trăng trông giống như các hoa văn trên lưng con Thiềm Thừ; Lại có tích cho rằng vì Hằng Nga trộm thuốc bay lên cung trăng nên mới bị trời phạt biến thành con Thiềm Thừ tinh. Vì thế người Hoa còn gọi Cung Trăng là THIỀM CUNG 蟾宫. Trong bài thơ Ức Giang Thượng Ngô Xử Sĩ 憶江上吳處士của Thi Nô Giả Đảo 賈島 có câu :

                  閩國揚帆去,  Mân quốc dương phàm khứ,
                  蟾蜍虧復圓。  THIỀM THỪ khuy phục viên.
Có nghĩa :
             Mân Nam giương buồm tách bến,
             THIỀM THỪ đang khuyết đã tròn.

      Còn trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử của ta cũng có câu :

                     THIỀM CUNG bóng đã tà tà,
                Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.



       Trong cung trăng còn có một nhân vật nam là Ngô Cương 吴剛, vốn là lính gác Nam Thiên môn, tình cờ gặp được Hằng Nga qúa đẹp, nên ở lại cung trăng chơi một ngày, bị Ngọc Đế phạt phải đốn cây Quế trong cung Quảng Hàn. Tương truyền hễ Ngô Cương ban cành quế cho ai thì người đó sẽ thi đỗ Trạng Nguyên, vì thế mà hình thành thành ngữ THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宫折桂. Có nghĩa là "Bẻ Quế Cung Thiềm" để chỉ những người thi đậu. Trong truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa của ta cũng có câu :

                     Những mong BẺ QUẾ nên danh,
                Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân.  

      Qua đến Việt Nam ta thì Ngô Cương thành Chú Cuội, và Cành Quế thành Cành Đa. Cũng trong bài thơ "Muốn Làm Thằng Cuội" của Tản Đà cũng có câu :
            
                    CUNG QUẾ đã ai ngồi đó chửa ?
                    CÀNH ĐA xin chị nhắt lên chơi !

      Tục lệ cúng trăng đã có từ xa xưa, nhưng đến đời Tùy, Đường mới thật sự thịnh hành các lễ ngoạn nguyệt, thưởng nguyệt, bái nguyệt; và đến đời Nam Bắc Tống thì tất cả nam phụ lão ấu, giàu nghèo qúy tiện gì đều cúng trăng vào đêm rằm tháng tám, cầu cho gia đạo bình an, đoàn viên hạnh phúc. Vật cúng thường là các loại qua qủa 瓜果 là dưa trái có hình tròn, như bưởi bồng, hồng, Thị, dưa hấu, khoai môn được xắt thành từng khoanh tròn, bánh in bánh đậu xanh, bánh được làm bằng các loại mứt, loại hạt... có hình tròn gọi là BÁNH TRUNG THU tượng trưng cho trăng tròn và cũng là niềm mơ ước cho gia đình cũng mãi mãi được đoàn viên hạnh phúc. Đến đời Minh, Thanh thì các tục lệ đón Tết Trung Thu càng đa dạng hơn với các hoa đăng đủ loại, múa lân múa rồng, thả đèn trời để cầu an...

     TẾT TRUNG THU qua đến Việt Nam ta thì lại diễn tiến thành TẾT NHI ĐỒNG với các lồng đèn đủ loại... Người lớn thì cũng mừng trăng cúng trăng và thưởng thức Bánh Trung Thu, nhưng trẻ em thì lại vui mừng hơn vì được dịp rước đèn như lời hát...
               
               TẾT TRUNG THU đốt đèn đi chơi,
               Em đốt đèn đi khắp phố phường...


     Trước mắt người Châu Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở rải rác khắp các châu lục; nhất là sau 1975, người Việt Nam ta cũng hiện diện khắp nơi trên thế giới. Tuy định cư ở nước ngoài, nhưng cứ mỗi lần Trung Thu ngắm cảnh trăng tròn thì lại nhớ đến chốn cũ quê xưa, nhớ về làng xưa người cũ... rồi cũng phải đành âm thầm ngâm hai câu thơ của Tô Đông Pha trong Thủy Điệu Ca Đầu 水調歌頭 để cùng an ủi nhau :

                  但願人長久,   Đản nguyện nhân trường cửu,
                  千里共嬋娟。   Thiên lý cộng THUYỀN QUYÊN.*
Có nghĩa :
              Những mong người mãi trường tồn,
              Cùng chung ngàn dặm trăng tròn một thôi !



       Chỉ cần còn sống để ngắm trăng, thì tuy có cách trở xa xôi ngoài ngàn dặm, ta cũng nên cảm thấy yên ủy vì cũng cùng ngắm chung một vầng trăng nầy mà thôi !

       Cầu mong cho tất cả mọi người đều có được một cái TẾT TRUNG THU sum vầy vui vẻ,   ĐOÀN VIÊN như ánh trăng rằm tháng Tám vằng vặc mãi trên không.


                                              杜紹德
                                        ĐỖ CHIÊU ĐỨC



* THUYỀN QUYÊN 嬋娟 : là từ chỉ các cô gái có thân hình yểu điệu đẹp đẽ; ở đây Tô Đông Pha mượn để chỉ vầng trăng tròn, sáng và đẹp của đêm Trung Thu. Bài từ "Thủy Điệu Ca Đầu 水調歌頭" của Tô Đông Pha 蘇東坡 đã được nhạc sĩ Lương Hoằng Chí 梁弘志 phổ nhạc và danh ca Đài Loan Đặng Lệ Quân  鄧麗君 hát. Mời tất cả cùng thưởng thức ...

                      鄧麗君 《但願人長久》 ~ 千里共嬋娟 ♥ Teresa Teng







Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

VỀ MIỀN TRUNG - TRẦN HỮU NGƯ

 



                                        VỀ MIỀN TRUNG

Mỗi năm có một mùa mưa, trong mưa có giông bão…
Tôi mượn bài hát “Về miền Trung” của nhạc sĩ Phạm-Duy, để làm tựa cho bài viết này. Tôi là dân “nửa Trung, nửa Nam” sống trên vùng đất tỉnh Bình-Tuy. Bình-Tuy quê-hương tôi trước 75, là một tỉnh cuối Trung đầu Nam, thuộc QK III, thành lập rất muộn so những tỉnh khác. Tôi yêu vùng đất nắng cháy da này, và đất có nơi cày lên sỏi đá, mặc dù Bình-Tuy, cái tên gọi thân thương ấy nay không còn nữa. Và cũng là một tỉnh có nhiều sự kiện đặc-biệt cuối đường từ sông Bến-Hải đến sông Dinh Lagi trước tháng 4.1975. (Người viết sử, xin đừng quên Bình-Tuy nhé?)
Nhạc viết về miền Trung có rất nhiều. Có đến 80% nhạc sĩ miền Nam viết về miền Trung, ít nhất mỗi người viết một bài. Lũ-lụt miền Trung từ ngàn xưa cho tới đời nay là chuyện bình thường, chỉ có bất thường là ngày nay hể có bão lụt là có người chết, có nhà xập, có núi đổ… Và người dân bị “trời hành cơn lụt mỗi năm” kêu không thấu trời, “Bề dưới” chỉ nghe đâu văng vẳng lời vàng thước ngọc của “Bề trên”:
-Lụt là tại mưa.
-Người chết là tại số
-Đói vì không có gạo
- Khát vì không có nước
Hi hi hi… cuộc đời này suy cho cùng,cũng… Bởi, Tại, Vì.
Ngoài ra, những “luận chứng” có khoa học:
-Cháy nhà là tại lửa
-Tai nạn giao-thông là tại xe
- Rừng mất gỗ là tại cưa
- Bùn trôi tại nước
-Núi xập tại núi già (giống như người già thì phải… xập!)
- Lũ lụt là tại nước
- Nước nhiều là tại mưa!
Và cũng “Không phải tại Toa, cũng không phải tại Moa, tại trời xui khiến… nên cả làng phải Mort” (Lời bài hát “Không phải tại chúng mình” của Ngọc-Văn &Thương-Linh: “Không phải tại em, cũng không phải tại anh, tại trời xui khiến nên chúng mình xa nhau”. Trớt quớt !
Ngày xưa, tôi đi bộ trên bờ biển từ Hải đăng Kê-Gà qua Khe-Cả đến Phan-Thiết, khát nước, tôi lấy tay đào cát biển, sẽ có nước mội chảy ra… “Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong-veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành” (*)…
“… Chính rừng Tây- Nguyên, từ trên Trường-sơn rất xa xôi kia, đêm ngày hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ-đại, bao-dung mà tảo-tần, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời. cất lấy, để dành, tằn-tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào. Để từng ngày, từng ngày chắt-chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi nảy nở, trường tồn trên dải đất trông chừng rất khắc nghiệt kia…” (**)
(Nói như vầy mới là “Luận-chứng” Khoa-học chứ!)
Ngày xưa, Chiến-tranh, miền Trung chìm trong biển lửa, ngày ngay, Hòa-bình, miền Trung lại chìm trong biển nước, đúng là “thủy hỏa đạo tặc”. Dân những vùng bị lũ mất niềm tin, chỉ còn tin ở ông trời, nên hỏi rằng: “Bao giờ mới được bình yên”? Ông trời trả lời: Bao giờ hết phá hoại, hết nói láo, hết nói dốc… mới được bình yên. (Ô, hãy đợi đấy, còn lâu lắm…)
Nhạc viết về miền Trung rất nhiều so với nhạc viết về miền Nam. Có lẽ miền Trung thiên-nhiên đã cho một phần đất ốm tong, triền dốc, biển thấp núi cao, nên chứa nhiều tai-ương nghiệt-ngã, làm ăn khó khăn. Cho nên người Trung biết tiết kiệm, làm 10 đồng, ăn 2 đồng thôi, còn 8 đồng để dành “tối lửa tắt đèn”, người Nam “ruộng cò bay thẳng cánh”, làm 9 đồng mượn thêm 1 đồng nữa cho đủ 10 đồng để xả láng, sáng làm… làm tiếp!
Nhìn chung, những nhạc sĩ miền Nam, trong đó có nhạc sĩ, ca sĩ Duy-Khánh viết nhạc về miền Trung nhiều nhất. Có lẽ ông là dân Quảng-Trị, sinh ra đã thấy bom đạn, đói nghèo, nắng cháy da, mưa thúi đất?
Bây giờ, tôi đã nghe nhạc “thiên tai, bão lũ” miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên Dalat (ngày xưa làm gì có bão lụt ở Dalat?) nhạc mới viết, mới toanh, của một vài nhạc sĩ cũng mới toanh, cũng đã chia sẻ tình thần nỗi đau dân của những miền có lũ lụt… Nhưng thành thật nói, nhạc sĩ đã nắm bắt thị trường, viết những bài hát mới này, không có điều gì mới lạ, chỉ quanh-quẩn những điều mà nhạc sĩ miền Nam trước 75 đã viết rồi, nhưng lại viết hay hơn! (Biết lắm-khổ-rồi-nói-mãi)
Trong vài ba chục bài hát viết về miền Trung, tôi xin chọn “Về miền Trung” của Phạm-Duy, và “Tiếng sông Hương” của Phạm-Đình-Chương, để cảm nhận cho bài viết ngắn này.
“… Về miền Trung!
Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược xuôi suốt một giòng sông dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa
Con sông xưa thành phố cũ
Về miền Trung!
Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bùng thôn làng điêu tàn…”
Người đi trên đống tro tàn
Thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Thương thân thiếu phụ
Khóc đầu hài nhi…”
(Về miền Trung - Phạm-Duy)



Hết chinh chiến, rồi đến bão lụt:
“… Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
Khiến đau thương thấm tràn lấp
Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi…”
(“Tiếng sông hương” trong Hội Trùng-dương - Phạm-Đình-Chương)
Hai nhạc sĩ Phạm-Duy và Phạm-Đình-Chương chỉ cần hai bài hát nêu trên cũng thấy hai ông mến yêu đất nước miền Trung đến dường nào ! Hai bài nhạc này nằm trong số những nhạc phẩm “bất hủ” của thiên tài, vậy mà nó… “bất hát”!
Chiến-tranh đã hết, nhưng bão lụt vẫn còn.
Chiến-tranh là do con người, bão lụt do ông trời, phải vậy không ?



TRẦN-HỮU-NGƯ
(*)&(**) Tôi đọc bài viết của Hoài Nam, trích mấy câu trong “Minh triết của rừng” của Nguyên-Ngọc.

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

THA LA XÓM ĐẠO - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG






 THA LA XÓM ĐẠO


Đã có lần tôi qua Hậu Nghĩa,
Trảng Bàng dừng lại xóm Tha La.
Chuông nhà thờ đổ chiều thinh lặng?
Nhớ Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà.

Một thuở hai người đôi bạn thiết,
Hồn thơ hòa quyện với hồn thơ.
Quê nghèo rủ bạn về ăn tết,
Ngõ vắng đùn quanh lớp bụi mờ.

Rưng rưng gạo đỏ ngàn hoa máu,
Ly loạn bao năm phủ mịt mù.
Người Việt ra đi vì nước Việt,
Chiều xưa vần vũ khói âm u.

Xóm đạo tiêu điều và vắng vẻ,
Gió đùn mây trắng lửa xây thành.
Cụ già cho biết vì cha sở
Cùng đám chiên vào khu chiến xanh.
Từ giã giáo đường cùng tượng Chúa,
Chung tay giành lại nước non nhà.
Phút giây vẩy bút hồn xao động,
Xúc cảm dâng trào bỗng nở hoa.

Lâu rồi đôi bạn không còn nữa,
Chỉ có bài thơ chẳng khuất mờ.
Tạc với thời gian vần điệu đó,
Tha La lừng lững đã vào thơ.


TRẦN NGỌC HƯỞNG


Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

TRI KỶ HÀNH - KHA TIỆM LY


                   



TRI KỶ HÀNH
(Với Du Phong)


Dù cho sông Tiền chia mấy nhánh,
Cũng ngày hai buổi nước đầy vơi.
Đâu phải thu về thêm cô quạnh,
Bởi hóa nương dâu, biển mới lạc loài!
Sách vở , kiếm cung nằm một xó,
Hữu bằng trăm đứa tách trăm nơi.
Ta, huynh hơn nửa đời thất chí
Còn chi đâu tóc bạc da mồi!
Ngao ngán xem trò hề cõi thế
Giả nghĩa giả nhân mang mặt nạ người
Khi củi mục đội cánh chuồn ngạo nghễ,
Thì anh hùng hào kiệt hóa đồ chơi!
Thân bảy thước mà lưng khòm ngang đất,
Dũng khí ngày nay sao lại rẻ hời?
Chút ngân lượng làm hồng nhan mờ mắt,
Lau phấn son chường mặt bôi vôi!
Ngó bốn bên đầy Bàng Quyên, Tần Cối,
Nên ta, huynh luôn gió dập mưa vùi!
Hành Vân (1) hề, nên Mã Yên (2) mây sầu giăng núi,
Lưu Thủy (1) hề, mà Hán Dương (2) nước chảy ngậm ngùi.
Trấn Biên (3) nơi huynh, cây rừng mang sầu ngàn tuổi
Tiền Giang nơi nầy sông nước vẫn lạnh lùng buồn bã về xuôi!
Ta nhu nhược dốc bầu hôm sớm,
Quên đắng cay, nhè lại đắng cay hơn.
Huynh chua xót nhìn 5 xe kinh điển,
"Trí thức ba xu, sách vở đống vô hồn!" (4)
Theo chí người xưa, ta mài miệt tháng năm cùng CƯỜNG QUỐC SÁCH, (5)
Đền ơn giống nòi, huynh tha thiết tấc lòng với TRƯỜNG CA TỔ QUỐC TÔI. (6)
CƯỜNG QUỐC SÁCH, một ước mơ cho non sông giàu mạnh,
Và TRƯƠNG CA …, muốn làm đẹp quê hương, theo sông núi muôn đời
Đời sương gió nhằm lúc vinh lúc nhục,
Nên rượu sông hồ đâu chấp lúc đầy, vơi.
Rêm đá núi để cây rừng cao thêm tuổi,
Quặn mình sông cho đồng lúa xanh tươi.
Bút tang thương vẽ màu vân cẩu,
Dăm chén rượu cay, mấy chén rượu đời?
Huynh ăn rau hoắc lê nhưng lòng trong leo lẻo,
Ta bận áo rách vai mà sáng rỡ mặt người!


KHA TIỆM LY


Chú:
(1) Hành vân, Lưu thủy là tên hai khúc nhạc xưa. Bá Nha đã đàn hai khúc nhạc nầy mà hội ngộ với Tử Kỳ
(2) Mã Yên, Hán Dương: Tên núi và tên sông
(3) Trấn Biên: Tiền thân của Biên Hòa xưa
(4) Trích câu trong bài thơ NHỚ SÀI GÒN của Du Phong
(5) Cường Quốc Sách: Quyển sách nói về thuật hưng quốc lợi dân; bản thảo của Kha Tiệm Ly
(6) Trường Ca Tổ Quốc Tôi: Thiên trường thi kể về lịch sử đất nước và các anh hùng dân tộc; bản thảo của Du Phong.